Home » Tin tức » Đàm luận

(kỳ 1) BIỂN ĐÔNG TRONG CHIẾN LƯỢC “TOÀN CẦU HÓA KIỂU TRUNG QUỐC” - THÓI XỬ SỰ TRỊCH THƯỢNG CỦA TRUNG QUỐC Ở ĐÔNG NAM Á SẼ LÀM HỎNG CHIẾN LƯỢC “VÀNH ĐAI - CON ĐƯỜNG”

FRIday - 09/08/2019 20:37
Bài viết của Nguyễn Minh Tâm
Sự phong tỏa của Mỹ và phương Tây đối với Trung Quốc - Những hướng phát triển của Trung Quốc - Hai cánh của chiến lược “Vành đai-Con đường”

Sự phong tỏa của Mỹ và phương Tây đối với Trung Quốc - Những hướng phát triển của Trung Quốc - Hai cánh của chiến lược “Vành đai-Con đường”

Từ ngày 3-7-2019, Trung Quốc điều động nhóm tàu khảo sát biển Haiyang Dizhi 8 gồm 1 tàu khảo sát địa chất đáy đại dương, từ 3 đến 5 tàu cảnh sát biển và hàng chục tàu đánh cá có trang bị vũ khí nhẹ xâm phạm vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) và Thềm lục địa (CS) của Việt Nam tại khu vực ngoài khơi, phía Đông Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngày 16-7-2019, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm phản đối hành động này của Trung Quốc. Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước ASEAN lên án hành động có tính gây hấn này của Trung Quốc. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 họp tại Bangkok, Thái Lan (AMM-52) đã ra tuyên bố chung coi những hành động của Trung Quốc đã gây ra những sự cố nghiêm trọng trong khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Ngoại trưởng các quốc gia là quan sát viên của ASEAN như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ… cũng chỉ trích chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông, buộc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (cũng là quan sát viên) phải tìm cách xoa dịu hội nghị và hứa sẽ mau chóng đạt được thỏa thuận về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC trong thời hạn 3 năm tiếp theo.
Tiếp theo AMM-52, 26 quốc gia và tổ chức tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 26 (ARF-26) cũng tại Bangkok ngay sau đó gồm gồm 10 nước ASEAN và Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Ấn Độ, Triều Tiên, Hàn Quốc, Đông Timor, Canada, Mông Cổ, Australia, Bangladesh, New Zealand, Pakistan, Papua New Guinea, Sri Lanka (trừ Trung Quốc) cũng bày tỏ quan ngại trước tình hình diễn biến phức tạp tại Biển Đông với những sự cố nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây. Các ngoại trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đề cao luật pháp quốc tế theo Công ước Luật biển 1982. Hội nghị kêu gọi các bên kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình và thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có hiệu lực, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, các nước Mỹ, Nhật, Australia .v.v… mới chỉ đề cập đến việc Trung Quốc “cản trở việc khai thác dầu khí ở Biển Đông” cũng như việc bảo đảm an toàn và tự do giao thông hàng hải, hàng không ở Biển Đông cũng như các vấn đề chỉ liên quan đến Biển Đông. Các cơ quan truyền thông cũng chỉ truyền đi những luận đàm ở cả AMM-52 và ARF-26 xung quanh vấn đề an ninh ở Biển Đông và các khu vực có liên quan như Bác đảo Triều Tiên, Biển Hoa Đông .v.v…
Kể từ năm 1991 đến nay thì đây không phải là laafnd dầu tiên Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông và không chỉ gây hấn đối với Việt Nam, mặc dù Việt Nam là quốc gia bị Trung Quốc xâm phạm vùng biển và hải đảo nhiều nhất. Những nước ven Biển Đông từng bị Trung Quốc uy hiếp còn có cả Philippines, Malaysia và Indonesia.
Một số câu hỏi đã được đặt như: Tại sao lại là Biển Đông mà không phải là Biển Hoa Đông hoặc Hoàng Hải ? Tại sao Việt Nam lại bị Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển-đảo nhiều nhất ? Tại sao Trung Quốc lại có những hành động gây hấn nghiêm trọng trên Biển Đông vào những năm 2014, 2016 và 2019 ? Việc Trung Quốc cứ khắng khăng bám lấy những lập luận vô giá trị về “đường lưỡi bò” có phải chỉ vì lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông hay không ? Có phải chỉ vì vấn đề dầu khí hay không ? Mục tiêu sâu xa của những hành động ấy của Trung Quốc là gì ?
Xem xét toàn bộ những vấn đề trên, chúng ta có thể thấy việc Trung Quóc điều nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 xâm phạm EEZ và CS của Việt Nam nhằm khá nhiều mục tiêu. Vì thế, chúng ta hãy tìm lời giải cho từng câu hỏi một.
1.1- Giấc mơ Trung Hoa cần được gọi cho chuẩn hơn là “Giấc mơ toàn cầu hóa kiểu Trung Quốc”.
Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, người Mỹ nói chung và giới tư bản cá mập cầm quyền ở Mỹ đã có thể ước vọng một “Giấc mơ Mỹ”. Tuy nhiên, giấc mơ ấy không đơn giản như suy nghĩ tầm thường của một số người coi nước Mỹ là “thiên đường hiện hữu” trên trái đất này để mơ ước được sống ở đó; để hưởng thụ, để tự do, kể cả tự do giết người và tự do làm đĩ.
Đối với giới tinh hoa của nước Mỹ, “Giấc mơ Mỹ” là giấc mơ “Toàn cầu hóa kiểu Mỹ”, đặt nước Mỹ vào vị trí trong tâm của nhân loại và nước Mỹ là kẻ thống trị thế giới. Điều này không phải là không có cơ sở thực tế khi xét đến năng lực của nền kinh tế Mỹ với GDP trên 20.000 tỷ USD/năm, với nền khoa học và công nghệ phát triển bậc nhất thế giới, với tiềm năng quân sự ở mức không có đối thủ toàn cầu, với đồng Dollar Mỹ đang ở vị trí độc quyền thống lĩnh tiền tệ toàn cầu, được đặt trên bộ ba trụ đỡ vững chắc là Quỹ tiền tệ quóc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB) và Cơ quan dự trữ liên bang (FED).v.v… Đó còn là một loạt các cơ quan của Mỹ có vai trò toàn cầu như Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Quỹ Vì dân chủ (NED). Không những thế, Mỹ còn nắm trong tay một loạt các cơ quan truyền thông hàng đầu thế giới, độc quyền không gian mạng toàn cầu Internet, độc quyền hệ thống định vị toàn cầu GPS .v.v…
Với những ưu thế ấy, những độc quyền ấy, sao lại không thể nghĩ đến một “Toàn cầu hóa” kiểu Mỹ, do Mỹ điều khiển được ?
Thế nhưng sau 30 năm trở thành “công xưởng của thế giới”, lặp lại vai trò của nước Anh thế kỷ thứ XVIII và nước Mỹ thế kỷ thứ XIX nhưng ở một cấp độ phát triển công nghệ hiện đại hơn hẳn, Trung Quốc, được Mỹ và phương Tây “vỗ béo” bằng những khoản đầu tư khổng lồ đã vươn lên trở thành kẻ thách thức vị trí số 1 thế giới của Mỹ. Bất chấp những hậu quả bất bình đẳng xã hội tăng cao, những nguy cơ bất ổn do tốc đọ phát triển kinh tế quá nhanh, những “bong bóng kinh tế-xã hội” có thể nổ bất kỳ lúc nào do nền kinh tế phát triển quá nóng. Chỉ trong 35 năm, Trung Quốc đã đạt được những kết quả mà người Anh phải mất 200 năm, người Mỹ phải mất 100 mới đạt được.
Và từ những kết quả này, ý tưởng về một “Giấc mơ Trung Hoa” dần dần hiện hữu.
Đây là điều hợp với quy luật vận động bình thường của xã hội loài người trong điều kiện phân hóa giai cấp và phân chia dân tộc. Trong điều kiện có tính bắt buộc của hai sự phân hóa và phân chia ấy, bất cứ một quốc gia nào có tiềm lực ở vào vị thế “cường quốc” đều có xu hướng phát triển với mục tiêu trở thành “thủ lĩnh khu vực”, xa hơn là “bá chủ liên khu vực” và cao hơn hết thảy là “bá chủ toàn cầu”. Lịch sử loài người từ Ai Cập cổ đại, Ấn Độ cổ đại, Lưỡng Hà cổ đại, Hy Lạp cổ đại, La Mã Cổ đại và đương nhiên và cả Trung Quốc cổ đại đều ghi nhận quy luật ấy. Riêng đối với Trung Quốc thì đó là nơi duy nhất mà nền văn minh cổ đại của nó vẫn được bảo tồn một cách tương đối trọn vẹn trong một quốc gia lâu đời bậc nhất thế giới, với đầy đủ văn tự sử học và di tích khảo cổ học. Và chính lịch sử Trung Quốc cũng phản ánh quy luật ấy ở thời “Xuân Thu-Chiến Quốc” (thế kỷ VII TCN đến thế kỷ III TCN) bằng chuỗi mô hình: “xưng Bá – xưng Hùng – xưng Đế”.
Những nhà lãnh đạo của Trung Quốc kể từ sau khi Mao Trạch Đông qua đời đều rất chú ý đến một quy luật được học thuyết Marx-Enghels-Lenin đúc kết, đó là chu kỳ luân chuyển ngôi bá chủ của thế giới tư bản của các nước phương Tây được xác định bằng các mô hình chủ nghĩa tư bản trên thực tế. Chu kỳ này mở đầu bằng mô hình chủ nghĩa tư bản Hà Lan, một thứ chủ nghĩa tư bản sơ khai dựa trên trụ cột là tài chính-ngân hàng với quy luật “tư bản cho vay, tư bản đầu tư” làm chủ đạo. Kế tiếp là mô hình chủ nghĩa tư bản Anh lấy “công nghiệp hóa” thế hệ thứ nhất làm chủ đạo, đồng thời kế thừa mô hình chủ nghĩa tư bản tài chính-ngân hàng của Hà Lan. Mô hình chủ nghĩa tư bản Anh thống trị thế giới suốt gần 200 năm. Nước Anh trở thành hình mẫu cho sự phát triển của một loạt các nước đế quốc như Pháp, Đức, Ý, Mỹ và kể cả nước Nga Sa hoàng.
Hai cuộc chiến tranh thế giới kế tiếp nhau trong nửa đầu thế kỷ XX đã làm suy yếu mô hình chủ nghĩa tư bản Anh. Trong khi đó, ở Tây Bán Cầu và không phải chịu cảnh “bom rơi đạn nổ”, nước Mỹ vươn lên vị trí công xưởng hàng đầu thế giới nhưng với một nền khoa học kỹ thuật hiện đại hơn mô hình chủ nghĩa tư bản Anh gấp nhiều lần. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc thì cũng là lúc mô hình chủ nghĩa tư bản Mỹ khẳng định vị trí dẫn đầu thế giới với những lợi thế kể trên.
Cuộc ‘Chiến tranh Lạnh” tuy có làm chậm lại sự vươn lên đứng đầu thế giới của nước Mỹ nhưng không đủ mạnh để làm hỏng mô hình chủ nghĩa tư bản Mỹ với nền khoa học và công nghệ vượt trội cũng như nền tài chính-tiền tệ thống trị toàn cầu. Thị trường chứng khoán New York trở thành thị trường vốn đầu tư trung tâm của thế giới, đẩy thị trường chứng khoán London xuống hàng một thị trường chứng khoán khu vực.
Học tập những ưu điểm của các mô hình của các chu kỳ phát triển tư bản chủ nghĩa trước đó, kết hợp với những bài học lịch sử phát triển quốc gia-dân tộc của chính mình, các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc thời hậu Mao Trạch Đông đã chấp nhận sự phát triển của nền kinh tế tư bản dưới sự quản lý của một nhà nước được tổ chức theo mô hình xã hội chủ nghĩa với một Đảng Cộng sản duy nhất lãnh đạo. Thậm chí, họ còn chấp nhận cả hình thức tổ chức hành chính “một nước hai chế độ” trong khi dần dần hạn chế các quyền tự trị của bố khu vực dân tộc thiểu số đong dân gồm Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông và Choang được biểu tượng bằng 4 ngôi sao nhỏ trên quốc kỳ Trung Quốc.
Với sức mạnh của một nền kinh tế có GDP hàng năm trên 12.000 tỷ USD, đứng thứ 2 toàn cầu (chỉ sau Mỹ), tương đương với EU và xếp trên Nhật Bản, người Trung Quốc cho rằng “thời của họ đã đến”. Theo sự vận động luân chuyển có tính chu ký của chủ nghĩa tư bản thì mô hình “Chủ nghĩa tư bản-xã hội Trung Quốc” (hay gọi khác đi về hình thức là “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”) sẽ thay thế mô hình chủ nghĩa tư bản thuần túy của Mỹ bởi cấp độ hiện đại hóa cao hơn nhiều do tận dụng được sự phát triển hanh hơn vũ bão của nền khoa học công nghệ toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hoàn toàn có cơ sở lý luận và thực tiễn để hiện thực hóa tham vọng “Giấc mơ Trung Hoa” của họ. Và học cũng nhận thức được những gì cản trở họ trên con đường hiện thực hóa giấc mơ đó. Sau nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi, người Trung Quốc đã định hình một chiến lược đột phá mới, vượt ra khỏi giai đoạn “náu mình chờ thời” để vươn tới “Giấc mơ Trung Hoa” mà thực chất là đại chiến lược “Toàn cầu hóa kiểu Trung Quốc”. Đó là sáng kiến “Vành đai-Con đường”
1.2- “Vành đai-Con đường” sẽ trở thành viển vông nếu Biển Đông không được bảo đảm an ninh và an toàn.
Trong thời hiện đại, vì bị khống chế bới quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc năm 1946 rằng tất cả các vùng đất đai bị chiếm đóng bằng vũ lực đều là lãnh thổ bất hợp pháp nên tất cả các nước đế quốc đều chuyển trọng tâm chiếm lĩnh ra biển và đại dương. Nhưng thế giới không phải chờ đến quy định của Liên Hợp Quốc mới chuyển trọng tâm chiến lược ra biển và đại dương. Bởi 3/4 diệt tích bề mặt trái đất là biển và đại dương và nguồn lợi thù được thù biển và đại dương (bao gồm cả dưới đáy đại dương) lớn gấp nhiều lần nguồn lợi thu được trên đất liền nên kẻ nào chiếm lĩnh biển và đại dương nhiều hơn, khai thác biển và đại dương nhiều hơn sẽ có nhiều tiềm năng hơn để trở thành kẻ thống trị thế giới.
Từ bài học lịch sử của chính mình và của nhân loại, đặc biệt là kinh nghiệm từ các mô hình đế quốc tư bản Hà Lan, Anh, Mỹ cũng như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha .v.v… sau hàng thiên niên kỷ chỉ chăm lo mở rộng lãnh thổ trên đất liền, người Trung Quốc nhận ra rằng muốn thống trị thế giới, muốn trở thành “bá chủ thiên hạ” thì trước hết phải trở thành “bá chủ đại dương”.
Kể từ khi thiết lập nền Cộng hòa Nhân dân năm 1949, Trung Quốc bị bao vây từ hướng biển bởi hai vành đai kiềm tỏa của Mỹ và phương Tây. Đó là vành đai phong tỏa bên ngoài gồm các chuỗi đảo từ Aleuchien qua Midwey đến quần đào Mariana, dọc xuống phía Nam qua Bắc Australia và kéo dài đến căn cứ liên hợp Diego Garcia trên Ấn Độ Dương. Đó là vành đai phong tỏa bên trong từ Nhật bản, Hàn Quốc ở Đông Bắc Á qua Đài Loan, qua Philippines, qua Biển Đông xuống Malaysia, Singapore, xuyên Ấn Độ Dương và nối với Tây Nam Á.
Các hướng bành trướng trên bộ của Trung Quốc cũng đều vướng phải những nước, những vùng lãnh thổ mà Trung Quốc từng “gây sự” hoặc là cựu thù của Trung Quốc như Liên Xô, từng bị Trung Quốc gọi là “đế quốc xã hội chủ nghĩa”; Ấn Độ, dù bị ngăn cách bởi dãy núi Himalaya hiểm trở nhưng đã có cuộc chiến tranh Trung-Ấn năm 1962; Nhật Bản, cựu thù duy nhất chiếm đóng và tàn sát người Trung Quốc trong Chiến tranh thế giới thứ hai; Việt Nam, một dân tộc nhỏ bé nhưng “cứng đầu” với 14 lần đánh đuổi quân xâm lược Trung Quốc ra khỏi bờ cõi.
Trong điều kiện ấy, con đường phát triển xuống Biển Đông là duy nhất khả quan đối với Trung Quốc. Mở cửa được Biển Đông cũng có nghĩa là chọc thủ được vòng phong tỏa của Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người cộng sản Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông đặc biệt quan tâm giúp đỡ những người cộng sản Việt Nam trong các cuộc chiến tranh giành và giữ vững nền độc lập. Một trong những kết quả của cuộc Kháng chiến chống Mỹ của quân và dân Việt Nam là đẩy đuổi đế quốc Mỹ ra khỏi Biển Đông. Một kết quả có lợi cho Trung Quốc
Tuy nhiên, cản trở tiếp theo đối với chiến lược “mở cửa” Biển Đông lại là sự “cứng đầu” của Việt Nam. Từ năm 1977, Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền của mình đối với ít nhất 1/3 diện tích Biển Đông, bao gòm cả quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã đánh chiếm từ tay quân ngụy Sài Gòn năm 1974. Ngay từ những năm 1980, Việt Nam cũng đã cương quyết bác bỏ cái gọi là “đường 9 đoạn” trên Biển Đông do Trung Quốc tự vẽ ra; đồng thời, kiên quyết bảo vệ những vùng biển thuộc chủ quyền của mình ở Biển Đông. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến giới lãnh đạo Trung Quốc thời đó tiếp tay cho tập đoàn diệt chủng Pol Pot – Yeng Sari tấn công xâm lược Việt Nam và trực tiếp đưa 60 vạn quân xâm lược Việt Nam nhằm làm Việt Nam suy yếu đến kiệt quệ khi vừa ra khỏi chiến tranh hòng thao túng giới lãnh đạo Việt Nam, buộc Việt nam phải từ bỏ chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và đi theo quỹ đạo của Trung Quốc.
Sự yểm trợ tích cực của Liên Xô đối với Việt Nam trong những năm 1979-1990 cũng như sự có mặt của Hạm đội Thái Bình Dương hùng hậu của Liên Xô trên Biển Đông cùng với căn cứ liên hợp không-hải quân Cam Ranh cũng là sự cản trở lớn nhất, làm chậm trễ kế hoạch “mở cửa Biển Đông”. Do đó, sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu từ năm 1989 đến năm 1991 mặc dù có gây cho Trung Quốc một số phiền toái (các đồng minh xã hội chủ nghĩa như Romania, Albania… quay lựng lại với trung Quốc, vụ Thiên An Môn này 4-6-1989 .v.v…) nhưng xét về chiến lược “Mở của Biển Đông” thì lại có lợi cho Trung Quốc. Một cách ngẫu nhiên, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Au giúp Trung Quốc loại thêm được mọt trở ngại lớn ở Biển Đông trong khi người Mỹ chưa kịp quay trở lại. Đó chính là lý do mà từ năm 1994 đến nay, Trung Quốc liên tiếp có những hành động gây hấn ở Biển Đông, xâm phạm chủ quyền của các nước ven Biển Đông, đặc biệt là Việt nam, Philippines và Malaysia.
Sau những sự đụng độ bằng súng đạn giữa Trung Quốc và Philippines ở khu vực “Đá Vành Khăn” (Mischief Reef) từ năm 1995 đến năm 1996, một số học giả Mỹ và phương Tây cho rằng: “Sau sự sụp đổ của Liên Xô, một khối quyền lực mới đã xuất hiện. Nó giàu có. Nó mang tính bành trướng. Nó làm rộng ra sự khác biệt văn hóa với phương Tây. Nó cay đắng vì quá khứ của nó…” và “nhiều hậu quả không mong muốn sẽ xảy ra nếu chính sách của phương Tây, nhất là của Mỹ đối với Trung Quốc bị buông trôi”. Đến đây, cần nói thẳng rằng người Mỹ và phương Tay đã tiếp tục buông trôi chính sách đối với Trung Quốc thêm hơn 10 năm nữa để lao vào “cuộc chiến chông khủng bố”. Còn người Việt Nam thì từ cổ chí kim chưa bao giờ buông trôi chính sách của mình đối với Trung Quốc.
Lợi dụng sự buông trôi chính sách ấy, Trung Quốc đã nhiều lần sử dụng vũ lực đối với các nước ASEAN đi kèm với những thủ đoạn chiêu dụ như “gác tranh chấp, cùng khai thác”, hoặc “chỉ đàm phán song phương, không đàm phán đa phương” hoặc “không cho các thế lực bên ngoài Biển Đông can dự vào công việc ở Biển Đông” .v.v… để lừa mị các quốc gia ven Biển Đông. Tất cả đều chỉ nhằm các mục tiêu: Một là cô lập Biển Đông ra khỏi vai trò quốc tế của nó để lấy áp lực nước lớn chèn ép các nước nhỏ yếu buộc họ phải nhượng bộ Trung Quốc. Hai là chia rẽ khối ASEAN, chia rẽ các nước ven Biển Đông để bẻ đũa từng chiếc. Tuy nhiên, sau gần 20 năm thi thố, những thủ đoạn này đã thất bại về cơ bản.
Đối với vấn đề Biển Đông thì trong chính giới Trung Quốc cũng có hai phe “diều hâu” và bồ câu” hệt như trên chính trường Mỹ. Phe “diều hâu” đòi hỏi phải sử dụng vũ lực quân sự mạnh mẽ để nhanh chóng mở cửa Biển Đông, không để các quốc gia bên ngoài khu vực có thời gian kịp can thiệp để phản kích. Phe “bồ câu” thì tính toán đến việc sử dụng các biện pháp kinh tế và ngoại giao để “chiêu dụ” các nước ven Biển Đông đặc biệt là những nước mà theo họ luôn có thái độ “dĩ hòa vi quý” như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Campuchia và cả những nước không liên quan trực tiếp đến Biển Đông như Myanma và Lào. Họ cho rằng những biện pháp “chiêu dụ” này sẽ cô lập Việt Nam và Philippines, hai nước đang nắm giữ hai cánh cửa quan trọng nhất trên Biển Đông.
Thế nhưng ngay cả khi đưa cả “bồ câu” hay “diều hâu” vào cuộc thì cả hai vấn đề tối quan trọng nhất mà Trung Quốc mong muốn vẫn không thể đạt được.
Trước hết, các nước ASEAN, theo sang kiến của Việt nam đã mời các quốc gia tuy không tiếp giáp với Biển Đông nhưng co quyền lợi trực tiếp hoặc gián tiếp ở Biển Đông cùng ngồi vào bàn thương nghị ARF về bảo đảm an ninh ở Biển Đông. Chính điều này đã dẫn đến một tình huống cô lập về ngoại giao đối với Trung Quốc tại Bangkok vừa qua. Hai là tại AMM-52, các nước ASEAN đã ra một tuyên bố chung, trong đó đặc biệt nhất mạnh đến việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biên Đông, kiên quyết lên án các hành động quân sự hóa ở Biển Đông và cần chặn đứng những âm mưu dùng vũ lực để xâm phạm chủ quyền của các nước ven Biển Đông.
Lẽ ra với tình huống này, người Trung Quốc phải nhận ra rằng, các quốc gia ASEAN đã có sự tiến bộ vượt bậc về nhận thức đối với vấn đề Biển Đông rằng Biển Đông không chỉ có vấn đề dầu lửa hay băng cháy mà quan trọng hơn còn là tuyến đường hàng hải huyết mạch đối với Đông Bắc Á và đối với cả Trung Quốc; rằng Biển Đông còn có tầm quan trọng đặc biệt đối với sang kiến “Vành đai-Con đường” của Trung Quốc. Các nước ASEAN cũng hiểu rất rõ rằng nếu xảy ra một sự cố nào đó mà Biển Đông bị đóng cửa, các nước ven Biển Đông bất hợp tác với trung Quốc thì ít nhất là một nửa cái sáng kiến “Vành đai-Con đường” của Trung Quốc cũng tan thành mây khói. Điều đó sẽ làm hỏng “con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc, một trong hai cái “cánh” mà Trung Quốc đang muốn có để tiếp tục bay lên, thoát khỏi vòng phong tỏa của Mỹ và phương Tây.
Biển Đông có thể giúp Trung Quốc cất cánh bằng chiến lược “Vành đai-Con đường” nhưng nó cũng chính là “gót chân Asin” của cái chiến lược ấy nếu như Tung Quốc vẫn tự coi mình là một “kẻ bề trên”, tự coi mình đã là “bá chủ toàn cầu” theo kiểu “chưa đõ ông nghè đã đe hàng tổng”.
Sự kiện Trung Quốc điều động nhóm tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 xâm phạm EEZ của Việt Nam trong thời điểm này dù chưa phải là việc sử dụng lực lượng quân sự ở Biển Đông nhưng điều đó cũng đủ chứng tỏ tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa hai phái “diều hâu” và “bồ câu” trong chính giới Trung Quốc. Và nó cũng chứng tỏ một điều rằng muốn hợp tác làm ăn thì bất kể là nước lớn hay nước nhỏ, chớ nên cậy mình là nước lớn để áp đặt cho nước nhỏ những điều kiện có loại cho mình, và cũng đừng mơ đến việc có thể dùng vũ lực khuất phục nước nhỏ.
Vì thế, bất kỳ một hành động trịch thương nào của Trung Quốc khi giải quyết vấn đề chủ quyền ở Biển Đông để có níu kéo cái luận điệu “đường 9 đoạn” hay “vùng nước lịch sử” cũ rích đều có nguy cơ làm thất bại chiến lược “Vành đai-Con đường” của Trung Quốc trên hướng biển và đại dương. Còn nếu chỉ sử dụng “Con đường tơ lụa trên bộ” xuyên qua Trung Á, Nga, hay Thổ Nhĩ Kỳ sang Châu Âu thì các đoàn tàu hỏa và ô tô của Trung Quốc cũng không hơn gì những đoàn lạc đà cách đây hàng nghìn năm. Tuy nó không bị các toán giặc cướp uy hiếp nhưng tình hình chính trị bất ổn ở những nước mà “đoàn lạc đà” ấy đi qua chính là những mối đe dọa không kém gì những toán cướp thời trung cổ.

NMT
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh