Home » Tin tức » Đàm luận

Để có bài thơ hay

SUNday - 26/10/2014 10:41
Có Hội Văn nghệ tỉnh nọ mời tôi tham gia một hội thảo về thơ với chủ đề "Làm sao để có bài thơ hay". Nghe mà khiếp. Cả đời làm thơ ai cũng mong được thơ hay, nhưng khó quá. Sinh thời nhà thơ Phùng Quán kể câu chuyện vui: Có lần ông đi lễ chùa Hà, thắp nhang rồi gập người khấn trước Phật: "Xin Phật cho con làm được nhiều bài thơ hay!". Bỗng ông tượng Phật động đậy rồi lần tràng hạt nói thành tiếng: "Điều mà Nam rần cầu, ta cũng mong lắm. Nếu ở đâu mà cầu được làm thơ hay, hãy chỉ giúp ta với!". Mới hay THƠ HAY là cái mà Thần, Phật cũng mong mỏi, huống chi người trần!
Ảnh: Phạm Duy Trưởng

Ảnh: Phạm Duy Trưởng

Bữa nay, người làm thơ "đông như quân Nguyên". Cả nước ta mỗi năm có tới gần ngàn tập thơ được xuất bản. Nhưng, tôi đọc thấy đa phần thơ ta cứ na ná giống nhau, vần vè dễ dãi, rậm lời mà thiếu ý. Có nhiều dịp chấm giải thưởng thơ của Tạp chí Sông Hương, đọc đến hàng ngàn bài thơ của các tác giả trong nước gửi về, tôi thấy rất nhiều người làm thơ không chú trọng mấy đến lao động thơ. Vì thế mà tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhà thơ của ta không cao. Đa số làm thơ theo kiểu ngẫu hứng, ra sao thì ra. Vậy lao động thơ là gì? Làm sao để có bài thơ hay?

Thơ bắt đầu tư cảm xúc. Những trực cảm mạnh mẽ và chính kiến của nhà thơ tạo nên vóc dáng thơ của mỗi người. Nhưng để có câu thơ hay, người làm thơ "phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt", có khi thức trắng đêm mà không tìm được chữ ưng ý. Người Việt ta gọi "làm thơ", "làm" tức là lao động. Nghĩa là thơ không tự nhiên đến, mà phải làm, phải kiếm tìm rất vất vả!

Làm thơ đầu tiên là xúc cảm. Đây là cái trời cho mỗi nhà thơ, gọi là thiên phú bẩm sinh. Muốn có nhiều xúc cảm phải đi nhiều, yêu nhiều, nghĩ nhiều, đọc nhiều. Nhà thơ càng giàu xúc cảm, tức là sự nhạy cảm càng mạnh thì thơ càng dồi dào. Bắt gặp một hình ảnh trong cuộc sống, nhà thơ liên tưởng ngay đến một triết lý sống, hay một nỗi niềm nào đó, thế là tứ thơ hình thành. Sau khi có tứ, phải tiếp tục tìm kiếm những hình ảnh mà mình từng trải để làm "vôi vữa" xây dựng nên hình tượng thơ, bài thơ. Các nhà thơ chuyên nghiệp trong đầu họ lúc nào cũng lưu giữ vài ba ý thơ, khi ý thơ đó "va chạm" với hình ảnh mới của cuộc sống, thì tứ thơ sẽ tượng hình, lúc đó người viết ra rất nhanh.

Nhưng có lẽ lao động cấu trúc một bài thơ, câu thơ, chữ thơ mới là vất vả nhất. Thơ có hai phần: Hình thức và nội dung (nói chữ là cái biểu cảm và cách biểu cảm). Khuyết điểm dễ nhận thấy của nhiều tác giả thơ hiện nay là câu thơ không đạt đến độ nén, nên đơn nghĩa. Câu thơ đơn nghĩa đọc như câu văn xuôi, thiếu lấp lánh, ẩn chứa. Có một thời ta đả phá loại văn chương "biểu tượng hai mặt". Yêu cầu câu thơ chỉ có một nghĩa duy nhất, không ẩn ý. Quan niệm đó là phản văn chương. Văn chương thứ thiệt là càng đa sắc màu, đa âm, đa hình, đa nghĩa càng tốt, càng đạt hiệu quả truyền cảm cao! Bởi thế mà lớn thêm một tuổi, đọc lại Truyện Kiều của Nguyễn Du, ta lại phát hiện ra những ý nghĩa mới trong từng câu chữ đã thuộc lòng!

Bây giờ độc giả của thơ văn hóa rất cao, khoảng cách giữa câu thơ dòng trên và câu thơ tiếp theo không phải thứ tự 1, 2, 3... nữa, mà "nhảy cóc" từ 1 đến 10, 20 họ vẫn hiểu. Tức là khoảng "lặng" giữa các câu thơ mà nhà thơ dành cho người đọc tự do nghĩ ngợi càng rộng thì độ nén của thơ càng cao, thơ càng đa nghĩa. Nhà thơ Trần Dần làm rất nhiều thơ ngắn, ông gọi là thơ mini. Ví dụ bài một câu: "Mưa rời không cần phiên dịch". Nhà văn Văn Cầm Hải ( sinh năm 1972) , trong bài thơ Chị tôi có những câu thơ rất nén "Chị/Bảo tàng/Mặt nạ đàn ông...".

Do khoảng cách giữa các câu thơ của các nhà thơ trẻ hiện nay rất xa, nên những người quen đọc loại thơ diễn dài dòng kêu là "khó hiểu", đó là điều dễ hiểu! Nhiều nhà thơ, thơ của họ dễ dãi tới mức chỉ cần viết hai câu là hết ý, thế mà họ giăng ra tới 4 khổ! Bây giờ thơ có vần hay không vần không quan trọng. Phải tung hết "đội quân ngôn ngữ" để bắt lấy tứ thơ, hình tượng thơ, sau đó nén ép cho câu chữ có sức nặng. Nhịp điệu câu thơ sẽ hình thành theo cảm xúc. Nếu phụ thuộc vào vần vè thì thơ như bị ép duyên, khó phóng khoáng. Ngay cả thơ lục bát bây giờ, cách ngắt nhịp của nhiều tác giả cũng phá lệ truyền thống 2-2-2/ 2-4-2, mà có khi 1-3-2/ 1-3-3-1... 

Có một nguyên tắc làm thơ là phải kiệm lời, phải gạch bỏ hết những câu thừa, chữ thừa, như thế bài thơ, câu thơ mới tinh luyện. Nhà thơ Chế Lan Viên gọi làm thơ là luyện chữ. Phải luyện hàng tấn quặng chữ mới được một câu thơ! Thơ súc tích mới "ý tại ngôn ngoại" được! Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch khi làm thơ gạch xóa bản thảo đến rách cả giấy. Nên thơ ông súc tích, thâm trầm: Khoảng cô đơn còn rộng hơn mặt đất...

Trong lĩnh vực chữ thơ này, tôi phục nhất là nhà thơ Phùng Cung. Đọc tập thơ Xem đêm của Phùng Cung (NXB Văn hoá thông tin, 1995), có thể nói lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với một loại "thơ quê - chữ quê" ấn tượng như thế. Nó vừa dân gian vừa bác học, vừa tâm can vừa chữ nghĩa... Bầu buông chày ngọc/ Cõi Lam Kiều/ Về bên góc sân con (Góc sân con); Đêm về khuya/ Trăng ngả màu hoa lý/ Tiếng gọi đò căng chỉ ngang sông (Đò khuya); Quất mãi nước sôi/ Trà đau nát bã/ Không đổi giọng Tân Cương (Trà)... Chao ôi là chữ! Quất nước sôi, Bầu buông chày ngọc, trăng màu hoa lý, tiếng gọi đò căng chỉ... Rất nhiều, rất nhiều, toàn chữ quen mà quá lạ. Người ta nói mồ hôi da chứ ai nói Mồ hôi xương? Vậy mồ hôi xương là mồ hôi gì? Có lẽ đó là những giọt mồ hôi cuối cùng của con người... Lao động thơ ghê gớm lắm mới chiết ra được những chữ quê hút hồn người như thế.

Thơ nước ta hiện nay đang có hai xu hướng: Một thiên về làm nghĩa, tức là làm nội dung thơ là chủ yếu. Dòng thứ hai làm chữ, tức là tìm chữ để cho thơ đa nghĩa hơn. Thơ ta hiện nay đa phần là làm nghĩa, vì làm chữ thì khó hơn. Trần Dần có lần bảo tôi: "Làm thơ là làm chữ. Con chữ nó đẻ ra nghĩa. Cái chưa biết là cái chữ. Nếu làm thơ mà làm nghĩa rồi mượn chữ để diễn đạt, thì nghĩa sẽ rất hẹp. Nguyễn Du vừa giỏi làm nghĩa, nhưng cũng rất giỏi làm chữ.

Ví dụ câu: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau" đó là câu thơ làm nghĩa. Còn câu thơ Mai sau dù có bao giờ... là làm chữ. Câu thơ toàn là hư tự ( tức là những từ không mang nghĩa cụ thể) mà lại đa nghĩa, đa cảm. Những người làm thơ thành công hiện nay như Trần Hoàng Cương, Trần Quang Quý, Thi Hoàng, Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Hữu Quý... đều là người biết kết hợp làm chữ và làm nghĩa!

Trong thơ, ngoài hư tự, phải biết tìm những từ giàu âm thanh, hình khối đặt vào những chỗ đắc địa sẽ tạo nên những câu thơ hay. Ví dụ bài thơ Chợt thu II của Dương Tường: "Chiều se sẽ hương/ Vườn se sẽ sương/ Đường se sẽ quạnh/ Trời se sẽ lạnh/ Người se sẽ buồn". Chữ se sẽ từ trạng từ biến thành động từ là chữ thần đã làm cho cả bài thơ sống dậy, tạo ra cảm giác thu buồn rợn ngợp thật sự! Các nhà thơ thường hay dùng một động từ để tác động vào những danh từ vô hình, tạo nên chiều sâu lung linh, mới mẻ, làm cho câu thơ "nhòe mờ đi". Hải Kỳ có nhiều câu thơ như thế. Ví dụ hai câu: Tôi rơi vào cuối ngọn nồm/ Em rơi vào cuối nỗi buồn của tôi, sau động từ rơi là cuối ngọn nồm và cuối nỗi buồn là những cái mông lung, không xác định , những cái rơi như thế tạo ra cấp độ cao hơn của tình cảm!

Để cho thơ có chiều sâu thâm thúy, người làm thơ phải có những câu thơ chiêm nghiệm, chiêm cảm. Ví dụ Hồng Nhu có câu thơ: Mắt là mắt của người ta/ Tôi đưa nhắm mở như là mắt tôi. Câu thơ tài hoa đau đớn ấy là sự chiêm nghiệm xót xa! Nhà thơ không có chính kiến mạnh, không có bản lĩnh sống, luôn luôn "tự biên tập mình", thì không bao giờ có được những câu thơ như thế!

Ngô Minh
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh