“HỌC LỊCH SỬ THẬT TUYỆT” TRÊN VTV7 NGÀY 12/8/2017 - AI MÀ HIỂU ĐƯỢC?
SUNday - 13/08/2017 19:10
Bài viết của Phạm Trung Đà
!
Chương trình “Học lịch sử thật tuyệt” số ngày 12/8/2017 về Lê Lợi, về cơ bản tuy không có sai sót, nhưng xem chương trình thì có vẻ như nó là “của riêng người dẫn” (Quốc Bảo), chứ không phải của người chơi (học sinh) và người xem (khán giả).
Tôi nói vậy, bởi vì chương trình có mấy điểm nhấn, nhưng đều “bí hiểm” khiến người chơi (các em học sinh) không thể giải đúng và có những chỗ chắc chắn người xem cũng không hiểu nổi sau khi “thầy Bảo” kết thúc bài học.
1. “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”
Quốc Bảo dẫn giai thoại này trong phần mở đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Giai thoại này đúng là Nguyễn Trãi lấy mỡ viết lên lá mấy chữ như trên và thả xuống nước cho kiến đục, để mọi người tin rằng “điềm trời” chỉ ra 8 chữ đó. Nhưng cái cách Quốc Bảo giải thích (dịch) 8 chữ này thì có vấn đề.
Quốc Bảo dịch là: “Lê Lợi là vua, Nguyễn Trãi là thần”
Ở đây, chữ “quân” dịch đúng, nhưng chữ “thần” dịch sai, hay đúng ra là chưa dịch.
Nếu nói đến “thần”, chắc chắn đại đa số người Việt Nam sẽ hiểu là “thần thánh”. Không biết Quốc Bảo có hiểu thế không?
Chữ “thần” trong trường hợp này phải dịch là “bầy tôi” (cấp dưới, người theo giúp). Vì thế câu trên dịch đúng phải là “Lê Lợi là vua, Nguyễn Trãi là bầy tôi”. Nếu là người trong “giới chuyên môn” nói với nhau, có thể dịch tắt là “Lê Lợi là vua, Nguyễn Trãi là tôi”. Chữ “tôi” này, vì sợ gây hiểu nhầm với đại từ ngôi thứ nhất, nên người ta dịch đủ là “bầy tôi”. Các bầy tôi vẫn xưng “thần” với vua chúa khi tâu bẩm, đó là ngôn ngữ cổ, nói “chữ nghĩa” trong triều đình phong kiến.
Nếu Quốc Bảo hiểu đúng “thần” là “bầy tôi” mà vẫn giảng cho học sinh là “thần” thì xem như chưa dịch; còn nếu quả thực Quốc Bảo hiểu “thần” là “thần thánh” thì tôi khẳng định là “sai không có thuốc chữa”.
2. Trò chơi diễn tả 2 “tư tưởng của Lê Lợi”
Phần tiếp theo, trò chơi yêu cầu mỗi đội cử 1 người lên diễn tả 2 tư tưởng của Lê Lợi bằng cử chỉ và hình ảnh để đồng đội đoán được nội dung cơ bản của câu nói đó. Nhưng 2 đội đều không thành công trong phần này và tôi thấy tất nhiên sẽ như vậy, vì đây là trò đánh đố mà xin lỗi, “bố chúng nó cũng không làm được”.
Vì sao mà “bố chúng nó cũng không làm được”? Vì đề bài yêu cầu người chơi dùng cử chỉ và lấy bút vẽ hình ảnh để diễn tả 2 câu toàn những khái niệm trừu tượng:
Câu cho đội 1 là:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”
Và câu cho đội 2 là:
“Đánh thành là kế hạ sách, phải khéo léo đánh vào lòng người”
Ôi! Tội nghiệp cho mấy em học sinh, chân tay khua khoắng loạn xạ, nhưng bản thân các em cũng rất bối rối khi diễn, không biết diễn tả thế nào, bởi thế các đồng đội cũng không sao hiểu nổi. Kể cả khi dùng hình vẽ, cũng rất khó mô tả 2 khái niệm “cao siêu” này.
Diễn tả tư tưởng, phương châm hành động mà dùng cử chỉ có thể mô tả cho người khác hiểu được trong 1 vài phút, sợ rằng Lê Lợi, Nguyễn Trãi sống lại chắc cũng bó tay.
3. Nhìn bản đồ thuật trận đánh:
2 đội chơi được phát cho 2 bản đồ trận đánh “Tốt Động – Chúc Động” và “Chi Lăng – Xương Giang” để mô tả lại diễn biến trận đánh. Dù cố gắng, các em không thể “vẽ” lại chính xác cả 2 trận như trong sách vở.
Lý do cũng rất đơn giản: Nếu không thuộc làu từ trước, không ai có thể mô tả lại những chi tiết như: “quân ta bắn pháo làm địch tưởng là ám hiệu hiệp đồng của nhau nên tiến lên và sa bẫy” (tình tiết “tương kế tựu kế” này rất quan trọng) hoặc “địch đến gần thành Xương Giang mới biết thành này đã mất” (thông tin này cũng rất quan trọng).
Vậy là “học lịch sử thật khó” chứ không phải “học lịch sử không khó” như khẩu hiệu đầu chương trình vẫn nêu.
Còn phải nói thêm rằng, cũng như chương trình về chủ đề “Chu Văn An” tuần trước, chương trình này “lệch tâm”. Xem toàn bộ chương trình, phải đặt tên là “khởi nghĩa Lam Sơn” mới đúng, vì mở đầu bằng giai thoại mượn gươm, kết thúc bằng giai thoại trả gươm. Đặt tên chương trình là Lê Lợi, nhưng không nói về toàn bộ sự nghiệp của Lê Lợi (thành tựu của ông khi cai trị cũng có) mà chỉ nói về cuộc chiến giành độc lập. Hơn nữa, người ta còn thấy ở chương trình này khoảng 20% hình bóng của Nguyễn Trãi (ngoài giai thoại đầu chương trình, còn đặc biệt ở 2 câu đố về tư tưởng, phương châm ở trên, được cho là Nguyễn Trãi tham mưu cho Lê Lợi). Vì thế, phải xem lại cách đặt tên “Lê Lợi” cho chương trình số này.
PTĐ