MẤY SUY NGHĨ VỀ THƠ - NHÀ THƠ VÀ THƠ
MONday - 27/10/2014 10:03
Bài viết của Nguyễn Hữu Quý (Đại tá, nhà thơ, nguyên Trưởng ban Thơ, tạp chí Văn nghệ Quân đội)
Ảnh: Phạm Duy Trưởng
Thơ, đương nhiên là sản phẩm của nhà thơ. Nói một cách hình ảnh thì thơ chính là đứa con tinh thần của thi sĩ. Cũng giống như một người mẹ, nhà thơ nào chẳng mong muốn cho đứa con mình sinh ra lành lặn, khỏe khoắn, xinh đẹp. Cũng tựa hồ tình mẫu tử lai láng, nhà thơ yêu quý đứa con - tác phẩm hơn cả yêu quý mình. Thơ, có gì khác cơ chứ, nó là con vàng, con bạc của nhà thơ. Người mẹ thi sĩ sẵn sàng chết để đứa con thơ sống lâu bền với thời gian. Đó không phải là ngoa ngôn, tôi tin thế.
Bởi lẽ, sự sống của một người là hữu hạn, còn sự sống của thơ có thể đạt đến vô hạn. Có những bài thơ nghìn tuổi vẫn đang sống trong lòng nhân loại. Thơ sống cũng có nghĩa là người sinh ra nó, nhà thơ, đang sống. Một cuộc sống sang trọng ý nghĩa gấp nhiều lần cuộc sống trần tục, bụi bặm.
Nguyễn Du đang sống ở thời đại chúng ta đẹp hơn rất nhiều lần Nguyễn Du của thế kỷ 18. Nguyễn Du đương đại là Truyện Kiều, một tác phẩm thơ bất hủ của dân tộc Việt Nam. Nguyễn Du của thế kỷ 18 có thể mắc phải những thói hư tật xấu như đam mê tửu sắc (!), nhưng công dân Việt Nam thế kỷ 20, 21 và nhiều thế kỷ sau này nữa, không ai lấy đó làm vì để hạ bệ thi hào Tố Như. Vượt qua 300 năm, Nguyễn Du sẽ sống đến nghìn năm, rồi vạn năm hoặc lâu hơn nữa bởi cái Hay của Truyện Kiều.
Hai mươi tám tuổi, Hàn Mặc Tử đã chết vì bệnh phong nhưng thơ ông không yểu mệnh. Người đương thời như chúng ta còn đắm say ông lắm, không ít người đang phải loay hoay tìm cái bí ẩn của lá trúc che ngang mặt chữ điền, còn bâng lâng nhung nhớ tới bao cô thôn nữ theo chồng bỏ cuộc chơi trong bóng xuân sang...
Hàn thi nhân nào đã chết, cái bệnh phong kia sao ăn mòn hủy hoại được hồn thơ siêu phàm lay động đến cả trăng sao của ông. Còn lâu Hàn Mặc Tử mới chịu nằm yên trong mộ, Ghềnh Ráng ấy chỉ là một địa chỉ cư trú của ông, đêm nay người đang đợi trăng về nơi Vĩ Dạ, chiều mai đã ra Nhật Lệ đi dọc bờ sông trắng nắng chang chang...
Nhà thơ chỉ được lưu danh trong tác phẩm của mình. Suy cho cùng, công chúng tôn vinh thơ chứ nào tôn vinh nhà thơ. Và mọi cái thật công bằng, sòng phẳng qua sự sàng lọc thật nghiệt ngã của thời gian. Một tập thơ hay, một bài thơ hay đến một câu thơ hay, thiên hạ đều ghi nhận. Ghi nhận một cách nghiêm túc, không cánh hẩu, không vụ lợi, không vì phong bì lót tay, không phụ thuộc mối quan hệ "anh anh, chú chú", không sợ bị mủi lòng trước thắt đáy lưng ong...
Xếp hạng nhà thơ bằng thơ, đó là điều duy nhất đúng. Khốn nỗi, lắm khi xét tặng giải thưởng hay hội viên, người ta lại đặt thơ sau mối quan hệ xã giao. Bi kịch của người làm thơ là ở chỗ này, nhưng với thơ thì chẳng hề hấn gì, vì nó tồn tại bằng giá trị đích thực của tác phẩm. Chưa ai trao giải thưởng văn học cho Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... cả, nhưng thơ của họ vẫn tỏa sáng nhiều thế hệ và có mặt ở muôn nơi. Với tôi:
Thơ hay, như lửa, nó mang sứ mệnh cháy trong lòng.
Thơ hay, như nước, nó có phận sự chảy từ ít đến nhiều.
Thơ hay, như hạt, nó có trách nhiệm ấp ủ và nảy nở.
Thơ hay, như mắt, nó biết mở ra những tâm hồn.
Thơ hay, như mùa, nó biết tôn trọng những luân khúc để còn lưu giữ bản sắc của quá khứ.
Thơ hay, như người tình, thấu tỏ nhau từng chân tơ kẽ tóc, cho nhau cả dịu êm và rên xiết, mưa bụi và cuồng phong.
Thơ hay, như thơ, biết chiếm lĩnh phần hồn của thiên hạ bằng sự cao cả của tâm hồn và minh triết của trí tuệ.
Thơ hay, không gì khác, là sự gặp gỡ thiên định của thăng hoa cảm xúc với lóe sáng của trí tuệ.
Không bao giờ nhiều. Nhiều nhà thơ nhưng không nhiều thơ hay. Đó cũng là thiên định. Nên chăng, hát như quan họ bằng lòng vậy cầm lòng vậy, trời cho bao nhiêu nhặt bấy nhiêu, đừng lập kế hoạch, đừng đặt chỉ tiêu, đừng chỉ đạo thơ.
Thơ là vi mô, là sự nhạy cảm tinh vi nhất của con người, chỉ có Thượng đế mới “lãnh đạo” được thơ.
Nhà thơ, có vẻ như mọi sự hay được đẩy lên thái quá. Vui quá. Buồn quá. Sướng quá. Khổ quá. Yêu quá. Ghét quá. Hạnh phúc quá. Đau khổ quá. Tuyệt vời quá. Thậm tệ quá... Hàng trăm cái quá thường gắn với nhà thơ như thể Trời bắt phải thế.
Nhà thơ không làm được chính trị chuyên nghiệp, tôi nghĩ thế... Cái chất thi sĩ không hợp với những hoạch định, tính toán, lo toan ở tầm chiến lược, vĩ mô. Ngay ở cấp thấp hơn thì nhà thơ vẫn thường bộc lộ sự run rẩy, đa cảm, chông chênh, chòng chành, rất dễ vỡ. Thôi, cứ để cho thi sỹ làm thơ, chỉ cần mở ra cho họ một không gian thoáng đãng, thế là đủ.
Hạnh phúc của thi sỹ là làm được thơ hay, có nhiều công chúng thừa nhận đón đợi tác phẩm của mình. Và theo tôi, nhà thơ có được hạnh phúc này cũng thật hiếm hoi. Thi sĩ có tài thời nào cũng ít. Mấy nghìn năm đằng đẵng dân tộc mới có được Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương. Nhân loại cũng vậy thôi, những tên tuổi chói ngời cũng không nhiều lắm.
Thế thì, những nhà thơ đương đại chúng ta cũng đừng nên quá ảo tưởng về mình, có được một bài thơ, một câu thơ để đôi ba người nào đó nhớ đã là quý giá lắm. Đừng mong tên tuổi lưu danh hậu thế, đừng dại dột xưng danh rầm rĩ làm chi. Rất nhiều chúng ta đang lóp ngóp bơi trong dòng sông thơ mênh mông. Càng bơi càng thấy bến bờ tít tắp mù xa. Nhìn ra xung quanh, không ít người như ta cũng đang quẫy đạp um sùm. Hét hò ầm ĩ, nước bắn tung tóe, nhưng chẳng đi xa được bao lăm. Buồn và nản lắm chứ, bơi tiếp thì mệt mỏi mà dừng lại thì chìm.
Tự nhủ lòng cứ viết cho thật, truyền thống hay hiện đại, thực hay ảo đều phải thật. Rút ruột xé lòng mà viết may ra câu thơ đỡ nhạt, khỏi bị bắn bật ra khỏi cuộc sống. Đừng vì nhân danh cách tân đổi mới mà làm mọi thứ nhá nhem, rối tung lên. Cũng đừng dựa dẫm vào truyền thống mà cũ kỹ, sáo mòn mãi. Tôi chọn đổi mới trên nền truyền thống.
Sông Lấp của Tú Xương đấy, Sông kia rày đã nên đồng / Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai / Vẳng nghe tiếng ếch bên tai / Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò, có cầu kỳ đâu mà vẫn văng vẳng cho tới bây giờ. Và đây, hiện đại huyền ảo Đoàn Phú Tứ Màu thời gian không xanh / Màu thời gian tím ngắt / Hương thời gian không nồng / Hương thời gian thanh thanh vẫn còn lung linh trong ta. Sức lay động của thơ phụ thuộc vào độ cảm xúc (làm nên giọng, điệu, tiết tấu, âm vực...) và sự tạo dựng hình tượng (nhân vật, chi tiết, hình ảnh, màu sắc, đường nét...) mới mẻ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ nhuần nhuyễn, sáng tạo của người cầm bút.
Mỗi bài thơ là một sáng tạo. Nói thật ngắn gọn là như vậy. Nhưng sáng tạo ra sao, để không lặp lại mình, không giống người khác là vô cùng khó khăn. Khó khăn như hành trình của người thám hiểm mỏ quý vậy. Có lúc được nhiều nhưng lắm khi lại trắng tay. Bởi thế, tôi nghĩ danh hiệu nhà thơ không quan trọng bằng bài thơ. Có bài thơ hay, đương nhiên anh xứng đáng là thi sỹ chẳng cần tấm thẻ hội viên Hội Nhà văn chứng nhận.
NHQ