Home » Tin tức » Đàm luận

MƯU ĐỒ CỦA MỸ VÀ PHƯƠNG TÂY TRONG VỤ “HỒ SƠ PANAMA” (KỲ III)

WEDnesday - 13/04/2016 01:12
Bài viết của Nguyễn Minh Tâm (Kỳ cuối)
Mạng lưới toàn cầu của công ty Luật Mossack Fonseca

Mạng lưới toàn cầu của công ty Luật Mossack Fonseca

KỲ CUỐI: NHỮNG “PHẢN ĐÒN” TỪ CÁC BÊN CÓ LIÊN QUAN VÀ NHỮNG HIỆU ỨNG “HẬU CHIẾN DỊCH HỒ SƠ PANAMA”.

1- Những “phản đòn” đối với Chiến dịch “Hồ sơ Panama”:
Ngay bây giờ, ngay lúc này đây, nếu ai đó dùng trang tìm kiếm Google để tra cứu thì với từ khóa là “Hồ sơ Panama”, họ có thể có khoảng 350.000 kết quả (đã loại ra những thứ không liên quan). Nếu dùng từ khóa “Panama Papers” ta có trên 120.000 kết quả. Còn từ khóa “Tài liệu Panama” cũng cho trên 3.000.000 kết quả. Đối với tiếng Nga, từ khóa “Панама Документы” cũng cho ra trên 20.000 kết qur. Tất cả sẽ có trong vòng chưa dầy 1 giây. Sức lan tỏa ảnh hưởng của “Hồ sơ Panama” hay “Tài liệu Panama” hay “Panama Papers” hay “Панама Документы” là lớn chưa từng có trong những vụ scandal những năm gần đây chỉ trong thời gian chưa đầy 10 ngày.
Các nước có liên quan hầu như đều bị cuốn ngay vào vòng xoáy của “Chiến dịch Hồ sơ Panama” tùy theo ảnh hưởng của nó đến từng nước, quan điểm đánh giá của từng nước, mức độ liên quan của họ cũng như cách tiếp cận “Hồ sơ Panama” của họ. Từ đó, đã có những trạng thái và hành động ứng xử hết sức khác nhau. Xét về tính chất phản ứng, có mấy trạng thái ứng xử đối với “Hồ sơ Panama”:
- Chấp nhận: Trường hợp của Thủ tướng Iceland.
- Điều trần trước tòa: Trường hợp Tổng thống Argentina.
- Bác bỏ thẳng thừng: Điển hình là Nga và danh thủ bóng đá Lionel Messi.
- Minh bạch công khai hóa: Trường hợp của Thủ tướng Anh David Cameron.
- Im lặng: Điển hình là Trung Quốc và một số nước khác
- Dùng quyền lực để đối phó: Trường hợp El Salvador và Peru.
- Tiếp tục điều tra nghiên cứu: Đa số các nước đều chọn cách này.
- Ngược chiều: Ông Clifford Gaddy thuộc Viện nghiên cứu Brookings
a- Chấp nhận từ chức vì “hô biến” hàng triệu USD thành 1 USD:
Thủ tướng Iceland là “nạn nhân” đầu tiên của “Chiến dịch Hồ sơ Pannama” và không thể trụ nổi sau 2 ngày bị tấn công. Đảo quốc Iceland, thành viên của NATO nhiều năm nay luôn yên ả đã đột ngột “dậy sóng” với những cuộc biểu tình của hàng nghìn người tại thủ đô Rekjavic. Một phần vì do các bằng chứng khá rõ ràng cho thấy ông này đã sử dụng một công ty "bình phong" để che giấu các khoản đầu tư trị giá hàng triệu bảng Anh. Các tài liệu cho thấy ông này và vợ là bà Anna Sigurlaug Palsdottir đã sở hữu một công ty nước ngoài tại quần đảo Virgin (thuộc Anh) để che giấu hàng triệu USD. Đến cuối năm 2009, ông Gunnlaugsson đã bán 50% công ty Wintris Inc cho công ty Pálsdóttir của gia đình bên vợ để lấy 1 USD ngay sau khi ông đắc cử nghị sĩ lần đầu tiên. Tuy nhiên, vị chính trị gia này đã không khai báo về tài sản trên khi được bầu vào Quốc hội Iceland. Phần khác là do các đảng đối lập tại Iceland đã yêu cầu tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với thủ tướng. Ban đầu ông Gunnlaugsson khẳng định không làm điều gì sai trái sau vụ tiết lộ và đã đề nghị giải tán quốc hội và tiến hành bầu cử sớm. Tuy nhiên đề xuất này đã bị Tổng thống Iceland Olafur Ragnar Grimsson từ chối. Áp lực là rất lớn đã buộc ông Gunnlaugsson xin từ chức vào chiều 5-4-2016.
b- Điều trần trước tòa:
Đó là trường hợp của Tổng thống Argentina Mauricio Macri. Theo Hồ sơ Panama, Mặc dù chính phủ Argentina khẳng định Tổng thống Macri chưa từng có cổ phần trong công ty Fleg Trading, có trụ sở tại Bahamas và hiện đang bị cáo buộc tham gia trốn thuế và rửa tiền nhưng thông cáo của chính phủ lại thừa nhận ông Macri từng nhiều lần được bổ nhiệm làm giám đốc bởi đây là công ty của gia đình ông. Theo đó, gia đình của ông Macri đã mở công ty Fleg Trading năm 1998 và giải thể vào năm 2009, trong thời gian ông này giữ chức thị trưởng Buenos Aires (2007-2015). Trên cơ sở những tài liệu này, ngày 7-4-2016, một công tố viên liên bang Argentina đã đề nghị mở cuộc điều tra về những hoạt động của ông Macri liên quan đến các cáo buộc trong Hồ sơ Panama. Tổng thống Mauricio Macri cam kết sẽ điều trần và nói thẳng: “Tôi không có gì phải che giấu cả” . Ông Mauricio Macri đã phát biểu trước một tòa án dân sự về cáo buộc ông liên quan đến một công ty nước ngoài trong Hồ sơ Panama. Hiện chưa có kết luận cuối cùng về phiên điều trần này. Nhiều người cho rằng đây chỉ là một động thái của ông nhằm tránh kích động phe đối lập vốn vẫn đang bất bình về kết quả cuộc bàu cử Tổng thống Argentina vừa qua.
c) “Phản pháo dữ dội”:
Nga là nước đầu tiên bác bỏ thẳng thừng những cáo buộc từ “Hồ sơ Panama”. Vấn đề là Hiệp hội Các nhà báo điều tra Quốc tế tại Washington (ICIJ) cáo buộc các tài liệu bị rò rỉ trong Hồ sơ Panama cho thấy các giao dịch tài chính hải ngoại phức tạp trị giá 2 tỷ USD được chuyển đến một mạng lưới những người có liên quan đến tổng thống Nga, trong đó có nghệ sĩ cello Sergei Roldugin, bạn thân lâu năm của ông Putin. Phản ứng lại những tông tin này, nhà lãnh đạo Nga khẳng định ông Roldugin không làm gì sai và ông tự hào về bạn của mình, người đã chi gần hết thu nhập cá nhân để thực hiện các dự án văn hóa phục vụ cho nhân dân Nga và nhân dân thế giới.
Trong tuyên bố chính thức tại Điện Kremlin ngày 7-4-2016, Tổng thống Vladimir Putin đã bác bỏ bất kỳ mối liên quan nào đến các tài khoản ở nước ngoài và mô tả vụ bê bối Hồ sơ Panama là một phần âm mưu do Mỹ đứng đầu nhằm làm suy yếu Nga. Sau đó, phát biểu tại một diễn đàn truyền thông ở St. Petersburg, ông Putin cũng nói nói rằng truyền thông phương Tây đã cố tình liên hệ ông với các cáo buộc về những công ty hải ngoại, dù tên ông không xuất hiện trong bất kỳ tài liệu nào bị rò rỉ từ một công ty luật Panama. Tổng thống V. V. Putin mô tả các cáo buộc đó là một phần trong chiến dịch thông tin sai lệch về Nga do Mỹ cầm đầu đầu. Ông cho rằng Washington đã thổi phồng các cáo buộc về tham nhũng nhằm làm suy yếu Moskva vì Mỹ quan ngại trước nền kinh tế và sức mạnh quân sự đang ngày càng phát triển của Nga. Ông nói: “Họ đang cố gắng gây bất ổn cho chúng ta từ bên trong nhằm khiến chúng ta phải nghe lời hơn” (trích dân từ hãng tin Mỹ AP).
Trước những phản ứng dữ dội từ Kremlin, phía Mỹ đã phải có lời xin lỗi đối với người đồng nghiệp người Nga. Phát biểu tại Diễn đàn truyền thông ở thành phố Saint-Peterburg, Tổng thống V. V. Putin nói: “Về việc các quan chức và các tổ chức của Mỹ đứng đằng sau vụ này (Hồ sơ Panama), thì WikiLeaks đã vạch trần. Còn thực tế la khi họ tự cho phép mình hành xử một cách ‘thô lỗ’ trong việc công khai vu cáo trắng trợn như vậy thì một số quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ đã gửi tới chúng tôi lời xin lỗi trực tiếp”. Ông không nêu tên những nhân vật đã làm điều này. Thư ký báo chí điện Kremlin, ông Dmitry Peskov trong cuộc trả lời phỏng vấn của hãng tin Lenta, một chí nhánh của tập đoàn truyền thông Nga Sputnik cho biết: “Đó là từ trước khi xuất hiện “Hồ sơ Panama”, chính Tổng thống V. V. Putin đã khẳng định sẽ có một chiến dịch truyền thông chống lại ông nhưng ông không nêu tên những người đã làm điều này. Chính đó là những người đó đã gửi tới ông lời xin lỗi. Do vậy, tôi cho rằng mình không có quyền tiết lộ danh tính của họ”.
Xung quanh sự việc lạ lùng này, người ta khẳng định rằng Moskva đã biết trước về “Chiến dịch Hồ sơ Panama” và một nhân vật cao cấp nào đó trong Nhà trắng đã báo tin cho Tổng thống Nga biết trước để đề phòng. Điều này có thể lý giải cho tuyên bố của ông Dmitry Peskov vào thời điểm trước khi “Chiến dịch Hồ sơ Panama” bùng nổ một tuần. Ngày 28-3-2016, Thư ký báo chí điện Krmlin tuyên bố rằng trong tuần tới, sẽ có một chiến dịch truyền thông thù địch của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga để gây bất ổn chính trị có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc bầu cử Quốc hội Nga trong tháng 9 tới.
Cùng một phản ứng như phía Nga, một người Argentina khác có tên trong “Hồ sơ Panama” là danh thủ bóng đá Lionnel Messi, hiện đang chơi cho Câu lạc bộ Barcelona đã bác bỏ những cáo buộc vô lý nhằm vào mình, Anh này tuyên bố sẽ kiện tờ báo “El Confidencial” vì đăng cáo buộc vô căn cứ dẫn từ “Hồ sơ Panama” rằng cầu thủ này "lập nên một mạng lưới gian lận thuế" để giấu tiền khỏi những người thu thuế.
Về phía mình, các ngân hàng Thụy Sĩ cũng bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc của ICIJ từ “Hồ sơ Panama”. Theo các tài liệu bị rò rỉ của công ty luật Mossack Fonseca, HSBC và Credit Suisse là hai trong số nhiều ngân hàng thành lập các công ty bình phong ở nước ngoài, gây phức tạp và khó khăn cho người thu thế và các nhà điều tra về các dòng tiền luân chuyển. Phát biểu tại cuộc họp báo, Giám đốc điều hành Credit Suisse, Tidjane Thiam khẳng định Credit Suisse luôn hoạt động theo đúng quy định của luật pháp và tập đoàn này không bao giờ lập ra các công ty bình phong ở nước ngoài để giúp khách hàng trốn thuế. Trong khi đó, HSBC lại cho rằng tài liệu rò rỉ này có thể đã xảy ra trước khi ngân hàng này tiến hành cuộc cải cách mô hình kinh doanh. Theo HSBC, đây là những cáo buộc mang tính “hồi tố” và vô giá trị bởi có một vài trường hợp đã xảy ra trước đó 20 năm. Trong khi đó ngân hàng này đã hoạt động theo mô hình mới, có tính minh bạch hơn, trong vài năm trở lại đây.
Trước đó, ngày 4-4-2016, Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) cũng đã phủ nhận có bất kỳ hoạt động sai phạm nào sau khi bị phát hiện có tên trong "Hồ sơ Panama". Tuyên bố của RBC khẳng định luôn áp dụng các "tiêu chuẩn cao" nhằm đảm bảo rằng không một công ty nước ngoài nào có thể sử dụng tài khoản tại ngân hàng này để trốn thuế ở Canada hay bất kỳ đâu.
d) Minh bạch ngay để dẹp yên dư luận:
Đó là cách ứng xử của Thủ tướng Anh, ông David Cameron. Ông đã công khai hồ sơ thuế của cá nhân mình cho thấy ông đã giao nộp gần 76.000 bảng Anh tiền thuế khi có thu nhập trị giá 200 ngàn bảng Anh vào năm 2014-2015. Bộ hồ sơ thuế của thủ tướng Anh cho thấy:
- Ông và vợ là bà Samantha có được lợi nhuận 19.000 bảng Anh khi bán cổ phần của họ trong quỹ Blairmore Holdings năm 2010.
- Ông Cameron công bố hưởng 9.501 bảng Anh từ phần lợi nhuận đó, tiếp theo là 10.000 bảng thuế đánh vào lợi nhuận bán tài sản.
- Ông Cameron thừa kế 300.000 bảng khi cha ông qua đời năm 2010.
- Sau đó ông được mẹ trả hai lần 100.000 bảng vào tháng 5 và tháng 7-2011, để cân bằng tài sản thừa kế giữa ông Cameron và các anh em ruột.
- Năm 2014-2015, ông David Cameron trả 75.898 bảng tiền thuế khi kiếm được khoản lợi nhuận 200.307 bảng Anh.
- Với thu nhập khi làm thủ tướng, và việc cho thuê nhà ở London, năm 2015, ông nhận 9.834 bảng Anh một chi phí có đánh thuế từ Đảng Bảo thủ và 3.052 lợi nhuận từ gửi tiết kiệm tại ngân hàng High Street. Số tiền này đủ để được hưởng sự ưu đãi từ quy định cắt giảm thuế dành cho nhóm người kiếm trên 150.000 bảng mỗi năm. Năm 2013, loại thuế này được giảm từ 50% xuống 45%.
- Năm 2010, khi nhậm chức, ông được khấu trừ chi phí dành cho thủ tướng (được phụ cấp miễn thuế với thu nhập 20.000 bảng), là một phần trong khoản lương 142.500 bảng Anh của ông. Nhưng ông tự nguyện bỏ khoản phụ cấp bằng cách công bố số thu nhập được đánh thuế như thông thường vào năm 2011-2012, 2012-2013, và 2013-2014, trước khi từ bỏ nó vào năm 2014 - 2015.
Phát biểu tại hội nghị của Đảng Bảo thủ ngày 9-4-2016, Thủ tướng Anh nói rằng ông công bố thông tin để “hoàn toàn cởi mở và minh bạch” về vấn đề tài chính của bản thân trước những cáo buộc về những khoản đầu tư của ông trong quỹ Blairmore Holdings có trụ sở ở Bahamas. Quỹ đầu tư được nêu tên trong Hồ sơ Panama, tiết lộ hoạt động của công ty luật Mossack Fonseca. Hồ sơ này nêu dữ liệu rằng ông Ian Cameron (cha đẻ ông David Cameron, đã quá cố) là khách hàng của Mossack Fonseca khi lập quỹ cho nhà đầu tư.
Với động thái này, rõ ràng Thủ tướng Anh muốn sư luận sẽ dịu đi nhưng Công đảng đối lập vẫn không “buông tha” sự việc. Lãnh đạo Công Đảng Jeremy Corbyn thừa nhận sẽ công bố kê khai thuế “rất rất sớm, ngay khi gom đủ các hồ sơ” và cho rằng “sẽ không có gì đáng ngạc nhiên”. Phía Anh cũng có những động thái “mạnh mẽ” đối với kẻ đã “tố giác” họ. Người phụ trách tài chính của Phủ thủ tướng Anh John McDonnell đã yêu cầu mở một điều tra “minh bạch và công khai” về “Hồ sơ Panama” tiết lộ các quỹ đầu tư đặt ở nước ngoài và các thiên đường thuế nhằm hai mục đích: một là lấp “lỗ hổng thuế” ở Anh và hai là minh oan cho những người vô tội.
e) Im lặng là vàng:
Đó là phản ứng của Trung Quốc trước những cáo buộc trong “Hồ sơ Panama”. Trung Quốc là nước mà Công ty Mossack Fonseca đặt nhiều Văn phòng đại diện nhất tại Châu Á. Tổng cộng có tất cả 7 văn phòng được đặt tại Đại Liên, Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Phúc Kiến, Nam Kinh và Hongkong. Cái tên “Hongkong” cũng được thế giới biết tiếng là một trong các “thiên đường thuế” tồn tại thừ thời Anh quốc còn cai quản vùng lãnh thổ này và đương nhiên là nó được nêu trong “Hồ sơ Panama”.
Hiệp hội các Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) trong “Hồ sơ Pannama” đã tiết lộ tên một số quan chức, cựu quan chức Trung Quốc và cả những người liên quan đến gia đình Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Người ta dễ dàng nhận thấy cách đối xử của Mỹ đói với Trung Quốc cũng không khác gì đối với Nga khi họ đưa tin rằng những người liên quan đến gia đình Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có hành vi trốn thuế. Một thông tin mở hồ có thể gợi mở cho những suy đoán thiếu chính xác.
Đã một tuần sau khi vụ “Hồ sơ Pannama”, Chính phủ Trung Quốc chưa đưa ra tuyên bố công khai nào về những cáo buộc đó. Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí của Trung Quốc đã không trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài đề nghị cho biết phản ứng của họ. Các cơ quan truyền thông nhà nước thì tránh đề cập đến “Hồ sơ Panama”. Ngoài ra, việc tìm kiếm thông tin trên mạng liên quan đến từ khóa “Panama” tại Trung Quốc cũng gặp khó khăn. Kết quả các tác vụ truy cập thường bị báo lỗi hoặc là dẫn đến những đường link không liên quan. Điều này hoàn toàn khác với ở Nga.
Phản ứng duy nhất được tờ “Hoàn cầu thời báo” (Global Times), một phụ san quốc tế của tờ “Nhân dân nhật báo”) đưa ra. Trong số ra ngày 4-4-2016 của tờ báo này có đăng bài xã luận chỉ trích truyền thông phương Tây được Washington hậu thuẫn đã sử dụng vụ rò rỉ tài liệu này để tấn công các mục tiêu chính trị tại các quốc gia phi phương Tây. Bài xã luận có đoạn viết: “Truyền thông phương Tây luôn kiểm soát việc phát tán thông tin mỗi khi xuất hiện tài liệu rò rỉ kiểu như vậy. Washington đã chứng tỏ rằng họ đặc biệt có ảnh hưởng trong việc này. Thông tin bất lợi đối với Mỹ luôn được giảm thiếu tối đa, trong khi việc miêu tả những nhà lãnh đạo phi phương Tây như Tổng thống Putin thường bị đẩy đi quá xa tới mức không còn là sự thật”.
Động thái này của Trung Quốc có thể hiểu được bởi không nói thì cả thế giới đều biết đến ba chiến dịch chống tham nhũng nổi tiếng của họ là “Đả Hổ”, “Đập Ruồi” và “Săn Cáo” đã được họ tiến hành từ nhiều năm nay, khui ra hàng vạn vụ việc có liên quan đến hàng chục vạn người. Hàng nghìn người đã bị xử lý hình sự từ xử tù giam cho đến xử tử hình nhưng hoãn thi hành án có thời hạn (xử trảm giam hậu). Nay có thêm “Hồ sơ Panama” cũng chẳng thấm tháp vào đâu. Bên cạnh đó, việc nêu một cách phiếm chỉ là “những người liên quan đến gia đình Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình” chẳng qua cũng chỉ là đòn truyền thông gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của ông, một người đã dám mở chiến dịch chống tham nhũng lớn nhất kể từ ngày Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lập quốc đến nay và có hiệu quả tới mức thế giới phải ngả mũ kính phục.
Tuy nhiên, trong khi ngỏ lời xin lỗi Nga thì bộ máy truyền thông Mỹ và phương Tây tiếp tục tập trung “đánh” Trung Quốc bằng cách chi tiết hóa các dữ liệu được cho là có từ “Hồ sơ Panama”. Ngày 8-4, tờ The Guardian (Người bảo vệ) của Anh đưa ra tên tuổi anh rể Chủ tịch Tập Cận Bình là ông Đặng Gia Huy là chồng bà Tập Kiều Kiều đã thu mua Công ty Supreme Victory Enterprises Ltd vào năm 2004 rồi 5 năm sau tiếp tục mua 2 công ty Best Effect Enterprises Ltd và Wealth Ming International Ltd mà theo tờ báo Anh thì họ đã “thu lợi hàng triệu USD” qua các thương vụ này. Hiện nay, Supreme Victory bị giải tán vào năm 2007; 2 công ty còn lại rơi vào tình trạng “ngủ đông” từ năm 2012 khi ông Tập Cận Bình trở thành Tổng bí thư.
Ngoài những người thân của ông Tập Cận Bình, tờ The Guardian còn dẫn ra tên con rể của Phó thủ tướng thường trực Trương Cao Lệ là Lý Thánh Bát nắm giữ cổ phần của 3 công ty tại quần đảo Virgin gồm Zennon Capital Management, Sino Reliance Networks Corporation và Glory Top Investments Ltd. Trong khi đó, Bí thư Ban Bí thư trung ương Lưu Vân Sơn có con dâu là Giả Lập Thanh đã làm Giám đốc công ty Ultra Time Investments Ltd, thành lập tại Virgin năm 2009. Cả hai ông này đều là Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị.
Ngày 9-4-2016, CNN đưa tin Bà Lý Tiểu Lâm, con gái ông Lý Bằng, thì lâu nay vẫn được báo chí phương Tây gọi là “nữ hoàng năng lượng”, từng là người thụ hưởng một quỹ ở Liechtenstein được điều hành bởi Công ty Cofic Investments Ltd đăng ký tại Virgin trong giai đoạn cha mình còn tại chức (1987 - 1998). Ngoài ra, bà bị cho là liên quan đến 2 công ty khác ở Virgin và các tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ. Bên cạnh đó, Cựu Chủ tịch Chính hiệp (tương đương Mặt trận Tổ quốc - NV) Giả Khánh Lâm (nhiệm kỳ 2003 - 2013) thì có cô cháu ngoại tài giỏi Jasmine Li. Tờ The Irish Times trích Hồ sơ Panama cho rằng khi còn là sinh viên năm nhất ở Đại học Stanford (Mỹ) hồi năm 2010, cô đã là chủ Công ty Harvest Sun Trading Ltd tại Virgin. Sau đó, Jasmine Li lập thêm 2 công ty khác để thông qua đó nắm giữ cổ phần của một số doanh nghiệp tại Bắc Kinh mà không cần lộ mặt trên giấy tờ.
Một chính trị gia Trung Quốc cùng thời với ông Giả Khánh Lâm là cựu Phó chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng (2003 - 2008) có em trai Tăng Khánh Hoài từng là Giám đốc Công ty China Cultural Exchange Association Ltd, thành lập ở đảo quốc Niue (Nam Thái Bình Dương) trước khi chuyển đến “thiên đường thuế” Samoa năm 2006. Thậm chí, báo chí Mỹ và phương Tây (tờ The Irish Times) còn “cù nèo” sự liên quan đến cả Chủ tịch Mao Trạch Đông (đã quá cố năm 1976) bởi cháu rể Trần Đông Thăng của ông bị cho là đã thành lập Công ty Keen Best International Limited tại Virgin từ năm 2011. Trần Đông Thăng hiện còn đang sở hữu một công ty bảo hiểm nhân thọ và một doanh nghiệp chuyên tổ chức đấu giá các tác phẩm nghệ thuật.
Cho đến nay, người phát ngôn của tất cả các cơ quan ngoại giao và bảo vệ pháp luật Trung Quốc đều nhất quyết “không có bình luận gì về những cáo buộc vô căn cứ” và không giải thích gì thêm.
Cùng động thái im lặng với Trung Quốc là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Lý do của họ rất đơn giản. Triều Tiên là nước bị cấm vận liên miên hết đợt này đến đợt khác, và trên đất nước Triều Tiên không hề có một công ty tư nhân nào hoạt động (ngoại trừ khu công nghiệp Kê Sâng liên doanh với Hàn Quốc này đã đóng cửa) nên việc ai đó trong giới chức Triều Tiên mở một công ty ma nào đó ở nước ngoài là điều hết sức vớ vẩn.
g) Đối phó bằng sức mạnh:
“Văn phòng Mossack tại El Sanvadore bị khám xét”. Đó là những cái tít có thể thấy xuất hiện khá nhiều trên các mặt báo Mỹ và phương Tây. Ngày 8-4-2016, Cảnh sát El Salvador vây ráp Chi nhánh của Công ty Mossack Fonseca. Văn phòng này bị coi là nơi gác giữ tiền cho những chính trị gia quyền lực, những người nổi tiếng. Bất chấp việc trước đó một ngày, nhân viên của chi nhánh này đã gỡ bỏ các bảng hiệu công ty ở văn phòng trước khi bị cảnh sát vây ráp và tuyên bố: “Chúng tôi không làm gì trái pháp luật”, đồng thời họ cho rằng “thông tin đã bị hiểu không đúng bối cảnh”. (trùng khớp với phát biểu của ông Ramon Fonseca, một trong hai đồng sáng lập Mossack Fonseca).
Cho rằng chi nhánh tại El Salvador của Mossack Fonseca đã đóng vai trò là “văn phòng hỗ trợ” cho các khách hàng của hãng trên toàn cầu, Tổng chưởng lý El Salvadore đã ra lệnh khám xét khi có nguồn tin tiết lộ rằng văn phòng này sắp chuyển địa điểm. Cảnh sát El Salvador đã lục soát văn phòng, thu giữ máy tính, tài liệu. Báo chí địa phương đều đăng tải thông tin cho biết công ty này đã sử dụng tên thương mại của Mossack Fonseca để mua bán bất động sản tại El Salvador mà không thông báo với chính quyền. Sau cuộc vây ráp và khám xét, Tổng chưởng lý El Salvador Douglas Melendez thông báo rằng công ty đã có thể mở cửa trở lại và cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Trường hợp tương tự cũng xảy ra tại Peru. Ngày 11-4-2016, một nhóm 20 nhân viên của Cơ quan Quản lý thuế Peru (Sunat) cùng với sự hỗ trợ của cảnh sát đã tiến hành khám xét và thu giữ các tài liệu kế toán trong văn phòng của Mossack Fonseca nằm tại quận San Isidro ở thủ đô Lima. Cơ quan chức năng sẽ tiến hành một loạt các yêu cầu cũng như kiểm tra thông tin các trường hợp liên quan nhằm xác minh các công ty được thành lập thông qua Mossack Fonseca có thực hiện các hành vi trốn thuế và gian lận tài chính tại Peru hay không.
h) “Chúng tôi sẽ mở cuộc điều tra”
Đó là “tuyên bố chung” của hầu hết các nước có liên quan khi tiếp cận “Hồ sơ Panama”.
Văn phòng cơ quan Chống Rửa tiền của Thái Lan cho biết họ đang điều tra 16 người, trong đó gồm các chính trị gia đương nhiệm và đã nghỉ hưu cùng các doanh nhân nổi tiếng, những người bị nhắc tới trong các tài liệu bị rò rỉ.
Tại Pháp, với con số 979 công ty off-shore, ngân hàng SG nằm trong top 5 những ngân hàng trên toàn thế giới bí mật lập ra nhiều công ty hải ngoại nhất cho các khách hàng giàu có của mình, thông qua trung gian của Mossack Fonseca. Tổng thống Pháp Francoir Holland cam kết sẽ điều tra những thông tin trong “Hồ sơ Panama”. Ông cho rằng những tiết lộ trong tài liệu “Hồ sơ Panama” liên quan tới hoạt động trốn thuế ở nước ngoài sẽ giúp tăng nguồn thu thuế từ những đối tượng trốn thuế. Trước một số thông tin cho rằng nhiều dấu hiệu cho thấy có sự dính líu của đảng cực hữu “Mặt trận quốc gia” đến “Hồ sơ Panama”, nhà lãnh đạo Pháp khẳng định một khi có thông tin liên quan tới những người trốn thuế ở Pháp, nước này sẽ mở các cuộc điều tra và đưa ra toà xét xử.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, người từng giành được sự ủng hộ của cử tri quốc gia Đông Âu này nhờ những tuyên bố và biện pháp về chống tham nhũng, cũng có tên trong danh sách đen. Theo "Hồ sơ Panama", ông là cổ đông duy nhất tại Prime Asset Partners Ltd, không được nêu trên trong bản kê khai tài sản của ông. Phản ứng trước thông tin này, Ông Oleh Lyashko, lãnh đạo đảng Cấp Tiến cho rằng, theo những tiết lộ trong Panama Papers, ông Poroshenko đã lạm dụng chức vụ và trốn thuế. Ông này nói: “Họ nên ngừng giả vờ tiến hành một cuộc chiến chống tham nhũng. Ông Poroshenko phải từ chức”. Ông Lyashko cũng kêu gọi các nghị sĩ bắt đầu quá trình luận tội Tổng thống Poroshenko.
Người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Steffen Seibert, cho rằng: "Với chúng tôi, có một điều rõ ràng là áp lực từ cộng đồng quốc tế lên các quốc gia như Panama phải tiếp tục ở mức cao, để họ có những bước đi xa hơn trong việc tạo ra sự minh bạch". Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas cho biết, chính phủ nước này dự định ban hành quy định mới đối với các công ty nước ngoài để tăng cường tính minh bạch của họ, trong đó có yêu cầu phải tiết lộ danh tính chủ nhân thật sự. Các chính phủ Áo và Thụy Điển cũng hứa sẽ mở cuộc điều tra nếu được cung cấp đầy đu các dữ liệu có thể tin cậy được từ “Hồ sơ Panama”.
Pakistan cũng đang chịu áp lực do các thành viên trong gia đình bị nêu tên trong tài liệu, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đang bị ba đảng đối lập yêu cầu từ chức. Theo Telegraph, tài liệu bị rò rỉ cho thấy các con của ông Sharif sở hữu bất động sản tại London thông qua các công ty ở nước ngoài. Dù vậy, con trai của ông Sharif là Hussain khẳng định với một tờ báo tại nước này rằng gia đình họ không làm gì phi pháp. "Những căn hộ đó là của chúng tôi và các công ty nước ngoài đó cũng thuộc về chúng tôi", Hussain nói. "Không có gì sai trái cả, và tôi chưa bao giờ che giấu điều đó, và cũng không cần phải làm vậy". Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập Imran Khan thì gọi những tiết lộ của Hồ sơ Panama là "có thật" và kêu gọi mở ngay một cuộc điều tra.
Ở Trung Đông, “Hồ sơ Panama” nhắc tới Quốc vương và Bộ trưởng Quốc phòng Qatar. Quốc vương Salman bin Abdulaziz đang sử dụng một du thuyền có tên Erga được đăng ký tại quần đảo Virgin. Còn Bộ trưởng Quốc phòng được cho là có “vai trò không xác định” trong một mạng lưới các công ty tại quần đảo Virgin do Mossack Fonseca điều hành. Các công ty này được phát hiện đã mua nhiều căn hộ hạng sang ở thủ đô London của Anh với tổng trị giá lên tới 34 triệu USD. Tổng thống của Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) cũng xuất hiện trong danh sách với phát hiện là sở hữu một số căn nhà ở Anh có tổng trị giá hơn 1,2 tỷ USD mà không phải đóng thuế nhờ sự tư vấn, hỗ trợ của Mossack Fonseca.
i) Ngược chiều:
Tình hình quả là “rối như canh hẹ” khi ông Clifford Gaddym, chuyên viên cao cấp chuyên nghiên cứu nền kinh tế Nga của Viện nghiên cứu Brookings, đồng thời từng là cựu cố vấn của Bộ Tài chính Nga trong thập niên 1990 cho rằng không phải ai khác mà chính là Nga đã đứng sau vụ này. Suy đoán ngược lại với những nhận định cho rằng Mỹ đứng sau “giật dây” Chiến dịch “Hồ sơ Panama”, ông này lập luận rằng: “Với khả năng tấn công mạng của Nga, một đơn vị đặc biệt chuyên trách vấn đề an ninh mạng của Điện Kremlin có thể lấy được những tài liệu mật này”. Ông ta còn cho rằng: “một đơn vị tình báo về tài chính cá nhân của ông Putin đã tham gia vào vụ này và sau đó chuyển một phần tài liệu bị đánh cắp của công ty luật Mossack Fonseca cho báo Đức Süddeutsche Zeitung. Phần còn lại của tài liệu có thể bị che giấu vì chứa thông tin về mục tiêu thực sự ở Mỹ và một số nước khác”.
Hầu như ngay lập tức, tờ “Bưu điện Washington” (Washington Post) là một trong số các hãng truyền thông phương Tây đã ủng hộ thuyết âm mưu trên khi cho rằng: “Có thể Nga đứng sau vụ rò rỉ này” dựa trên lập luận rằng “tài liệu này không hề nhắc đến tên của Tổng thống Nga Vladimir Putin”. Tuy nhiên, người ta nhận thấy ngay những đều vô lý xung quanh lập luận của Clifford Gaddym. Trước hết là Nga không cần và không nên tạo ra những scandal khi mà cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga, sự kiện chính trị quan trọ hàng đầu của Nga trong năm 2016 sắp diễn ra. Hai là Nga không dại gì đưa đồng minh quan trọng của mình (dù là đồng minh có điều kiện) là Trung Quốc và “tâm bão”. Ba là giả sử Nga chủ mưu vụ này, họ sẽ chọn cách thức công bố sao cho thuyết phục dư luận hơn nhiều và có thể trói chặt đối thủ tới mức “càng giãy càng bị siêt” chứ không phải là kiểu công bố đã diễn ra. Cách thức công bố “Hồ sơ Panama” như đã thấy mang đậm dấu vết của “tư duy truyền thông bầy đàn” của Mỹ và phương Tây cũng như dấu về của CIA khi nó nắm chắc tâm lý “ham mê chuyện giật gân” của dư luận dân chúng Mỹ và phương Tây. Cuối cùng, trong tình thế phức tạp hiện tại, Nga không cần đến một vụ scandal đình đám có thể làm phức tạp thêm những thách thức mà Nga đang phải đối mặt.
2- Những kịch bản tiếp theo và hiệu ứng “Hậu Hồ sơ Panama”
Từ đầu thế kỷ XX đến nay, thế giới đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế. Mỗi cuộc khủng hoảng đều có những điểm chung được xem như những chu kỳ khủng hoảng đối với các nền kinh tế tư bản. Cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1929-1933 bắt đầu bằng sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Phố Wall vào 29-10-1929 (còn được biết đến như Thứ Ba Đen tối). Nó bắt đầu ở Hoa Kỳ và nhanh chóng lan rộng ra toàn Châu Âu và mọi nơi trên thế giới, phá hủy cả các nước phát triển. Thương mại quốc tế suy sụp rõ rệt, từ thu nhập cá nhân, thuế, lợi tức đều bị ảnh hưởng và suy thoái. Ngành cây dựng gần như bị tê liệt ở nhiều nước. Từ thành thị đến nông thôn đều phải đối mặt với mất mùa, giảm từ 40 đến 60%. Nạn đói đã xảy ra tại Mỹ nhiều hộ gia đình đột ngột trở nên bần cùng, không có đủ thu nhập để mua lương thực nuôi sống gia đình. Trong khi đó thì hàng vạn tấn thực phẩm không bán được đã bị đổ xuống biển để tiêu hủy nhằm giảm cung. Các lĩnh vực khai mỏ và khai thác gỗ bị ảnh hưởng lớn nhất. Cuộc đại khủng hoảng này kết thúc vào các thời gian khác nhau tùy theo từng nước. Nó bị coi là “đêm trước” của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.
Khủng hoảng dầu mỏ 1973-1979 bắt đầu diễn ra từ ngày 17-10-1973 khi các nước thuộc Tổ chức các quốc gia Ả Rập xuất khẩu dầu mỏ (gồm các nước Ả Rập trong OPEC cùng với Ai Cập và Syria) quyết định ngừng xuất khẩu dầu mỏ sang các nước ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur chống lại Ai Cập và Syria (gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước Tây Âu). Sự kiện này đã khiến giá dầu thế giới tăng cao đột ngột và gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế 1973-1975 có quy mô toàn cầu. Cuộc khủng hoảng lên đến đỉnh điểm vào năm 1979 khi Cách mạng Hồi giáo Iran được mệnh danh cuộc cách mạng lớn thứ 3 trong lịch sử nhân loại thời kỳ cận - hiện đại (sau Cách mạng Pháp 1789 và Cách mạng Tháng Mười Nga 1917). Giá năng lượng đi lên kéo theo lạm phát gia tăng, đạt đỉnh 13,5% trong năm 1980, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải thực hiện hàng loạt chính sách thắt chặt tiền tệ. Không chỉ lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng một cách đáng lo ngại với từ mức 5,6% của tháng 5-1979 lên 7,5% một năm sau đó. Dù kinh tế bắt đầu hồi phục trong năm 1981, tỷ lệ thất nghiệp vẫn được duy trì ở mức cao 7,5% và đạt kỷ lục 10,8% vào 1982. Hậu quả của suy thoái tồi tệ đến nỗi các ngành công nghiệp xe hơi, nhà đất, và sản xuất thép đều liên tục sụt giảm trong 10 năm sau, cho tới tận khi cuộc khủng hoảng giá dầu tiếp theo kết thúc.
Năm 1997, cơn bão khủng hoảng tài chính quét qua Đông Á và một số nước Đông Nam Á. Khủng hoảng đã gây ra những ảnh hưởng vĩ mô nghiêm trọng, bao gồm mất giá tiền tệ, sụp đổ thị trường chứng khoán, giảm giá tài sản ở một số nước châu Á. Nhiều doanh nghiệp bị phá sản, dẫn đến hàng triệu người bị đẩy xuống dưới ngưỡng nghèo trong các năm 1997-1998. Những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan. Khủng hoảng kinh tế còn dẫn tới mất ổn định chính trị với sự ra đi của Suharto ở Indonesia và Chavalit Yongchaiyudh ở Thái Lan. Tâm lý chống phương Tây gia tăng cùng với sự phê phán gay gắt nhằm vào George Soros và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Các phòng trào Hồi giáo và ly khai phát triển mạnh ở Indonesia khi chính quyền trung ương của nước này suy yếu.
Năm 2007, khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu bằng khủng hoảng tài chính bùng phát, bao gồm sự đổ vỡ hàng loạt hệ thống ngân hàng, tình trạng đói tín dụng, tình trạng sụt giá chứng khoán và mất giá tiền tệ quy mô lớn ở Mỹ và nhiều nước châu Âu. Ngòi nổ trực tiếp của nó là cuộc khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ 2007-2009 là cuộc khủng hoảng trong nhiều lĩnh vực như tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán) diễn ra từ năm 2007 và kéo dài cho đến tận ngày nay. Đây là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu dài nhất (đến nay đã 10 năm) với GDP toàn cầu trung bình giảm từ 2 đến 2,5%/năm.
Thông thường, để giải quyết khủng hoảng, các nước thường đưa ra những giải pháp để kích thích sự phát triển như hạ lãi suất, giảm thuế, khuyến khích đầu tư và cho vay tín dụng, kích càu tiêu dùng... Tuy nhiên, ở lần khủng hoảng này, tất cả mọi giải pháp kể trên đều vô hiệu. Kinh tế thế giới gần như dẫm chân tại chỗ trong 10 năm qua. Trong khi đó, những bất ổn kéo dài liên miên bởi các cuộc xung đột khu vực diễn ra gần như liên tục cũng như sự gia tăng ngân sách quốc phòng của nhiều nước trước những bất ổn và các mối đe dọa về an ninh – quốc phòng đã thu hút một phần tài lực, vật lực đáng kể lẽ ra phải giành để phát triển kinh tế. Trong điều kiện ấy, Mỹ đã có một chiến lược ích kỷ nhằm hy sinh thế giới chỉ để cứu lấy bản thân mình và “Chiến dịch Hồ sơ Panama” nằm trong toàn bộ chiến lược đó.
Không những không chống tham nhũng, rửa tiền trong nội bộ nền kinh tế Mỹ bởi Mỹ đã làm ngơ trước các “thiên đường thuế” ngay trên đất bước mình ở Nevada, South Dakota, Wyoming, Delaware, Bahamas; Mỹ muốn dùng cơn bão “Hồ sơ Panama” để đánh sập nền tài chính của nhiều nước khác, vốn cũng dựa vào những “thiên đường thuế” để cạnh tranh với Mỹ. Có thể thấy rõ hiệu ứng có lợi cho Mỹ kể từ khi tung ra “Hồ Sơ Panama”, các chỉ số Dow Jones, Nazdaq, S&P 500 liên tục tăng, trong khi các chỉ số FTSE 100 của Anh, CAC 40 của Pháp, DAX của Đức, Nikkei 225 của Nhật Bản , Hang Seng Index của Hồng Kông, Shanghai index của Trung Quốc đều giảm. Có thể nói “Hồ sơ Panama” là ngón đòn cuối cùng để vực dậy nền tài chính Mỹ trước nguy cơ tiến thoái lưỡng nan của FED. Nếu duy trì lãi suất quá thấp gần như bằng 0 thì nền kinh tế Mỹ không thể đạt được mục tiêu thoát khỏi khủng hoảng. Nhưng nếu tăng lãi suất thì nguy cơ sụp đổ của đồng Dollar là cao bởi kho vàng dự trữ của FED đã “vơi” đi khá nhiều. Trong khi đó thì với giá dưới 40USSD/thùng, dầu mỏ không còn là vật có thể bảo đảm cho cái giá hối đoái cao ngất ngưởng của đồng Dollar trên thế giới.
Núp dưới chiêu bài “chống tham nhũng toàn cầu” để dần thay thế cho chiêu bài “chống khủng bố toàn cầu” đã lỗi thời, liệu Mỹ có đạt được mục đích của mình không ? Quả là “Hồ sơ Panama” đã đạt được hiệu ứng tâm lý tối đa, đó là đánh vào tâm lý “chống tham nhũng”, một trạng thái tâm lý hoàn toàn tiến bộ của nhân loại. Nhưng thực sự nó có thể đạt được hiệu quả trên thực tế không ? Và một vụ “Hồ sơ Panama” liệu có thể đem lại sự công bằng về tài chính cho thế giới. Điều này thực xa với bởi ngay bới cách tiếp cận của truyền thông với “Hồ sơ Panama” rất khác so với các bê bối đình đám mới đây. WikiLeaks - một tổ chức tận tâm với tính minh bạch và cởi mở - chọn cách tung các tài liệu mật lên mạng để bất kỳ ai cũng có thể đọc được. Nhưng Hồ sơ Panama thì không được đưa lên Internet, và không có vẻ nó sẽ sớm xuất hiện trên mạng. Theo tờ Le Monde của Pháp nhận định, quyết định của ICIJ là không đưa hồ sơ lên mạng vì có rất nhiều tài liệu chứa các thông tin riêng tư và nhạy cảm. Marina Walker, hiện là Phó Giám đốc Hiệp hội Các nhà báo Điều tra quốc tế (ICIJ), là người đồng quản lý Dự án về các thông tin rò rỉ được gọi là “Hồ sơ Panama” cho biết, một số dữ liệu được sắp xếp như theo tên các công ty và tên chủ sở hữu sẽ sớm được đưa lên mạng trong khi một số khác được đưa lên theo yêu cầu. Walker giải thích rằng: “Chúng tôi tin rằng thông tin về những người sở hữu các công ty cần được công bố”. Nhưng như vậy không có nghĩa là mọi chuyện đã kết thúc. Thực sự có vẻ như các câu chuyện được công bố đến nay mới chỉ khởi đầu.
Khi “Hồ sơ Panama” mới được tung ra, nhiều nhà phân tích đã nghĩ đến một vụ “tống tiền” tầm cỡ thế kỷ. Tuy nhiên, khả năng đó rất thấp bởi “Chiến dịch Hồ sơ Panama” được vạch ra và tổ chức thực hiện một cách công phu không phải để làm tiền các nhà doanh nghiệp trốn thuế. Lý do đơn giản là nó quá nguy hiểm. Dù được CIA và nhà nước Mỹ bảo trợ nhưng các thành viên CPI cũng như ICIJ khó mà an toàn tính mạng trước mạng lưới khủng bố toàn cầu vốn có nhiều gắn bó với không ít những “tỷ phú trốn thuế”. Một khi đã xác định được mục tiêu đích thực của “Chiến dịch Hồ sơ Panama” chủ yếu gồm 2 mục tiêu chính trị và kinh tế, người ta có thể dự báo được một số kịch bản sẽ diễn ra:
- Thành công hoàn toàn: Mỹ đạt được mức độ tối đa đối với cả hai mục tiêu kinh tế và chính trị. Về kinh tế, sau khi thí điểm triệt phá “thiên đường thuế” Panama, Mỹ sẽ lần lượt triệt phá các “ốc đảo thuế” khác trên thế giới. Cuối cùng, chỉ còn lại những “thiên đường thuế” trên đất Mỹ. Khi đó thì dù muốn hay không muốn, các phú trên thế giới (trừ Mỹ) sẽ phải chịu sự “quản thúc” của Mỹ và đương nhiên là phải đóng thuế cho FED. Để đạt được mục tiêu này, “Hồ sơ Panama” sẽ được công bố từng phần và công bố kiểu “phẫu thuật” cho những khách hàng trên toàn thế giới, những nước muốn điều tra về chính giới doanh nghiệp và đầu tư của nước mình. Chính quyền Mỹ, thông qua USAID sẽ lựa chọn thời điểm công bố thích hợp để “hất cẳng” những nhà cầm quyền mà Mỹ không ưa thích để dựng lên ở các nước những nhà cầm quyền “hợp khẩu vị” với Mỹ. và ngay cả những nhà cầm quyền “hợp khẩu vị” với Mỹ ấy cũng phải dè chừng. Họ có thể bị dân chúng của chính họ loại bỏ bất kỳ lúc nào nếu không nghe theo “cây gậy chỉ huy” của Mỹ. Đạt được các mục tiêu này, nước Mỹ sẽ trở thành một Siêu Cảnh sát trưởng kiêm Siêu trùm Mafia toàn cầu.
- Thành công một phần và cuộc chiến lâu dài: Trong trường hợp không thể dùng “Hồ sơ Panama” để động đến những đối thủ khổng lồ như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ (hiện nay có vẻ là như vậy), Mỹ sẽ dùng “Hồ sơ Panama” để tạo nên những cuộc cách mạng màu, cách mạng đường phố ở những nước đối tác thân cận với các nước này, “chặt tay, chặt chân” những nước đó vào bao vậy họ. Về kinh tế, kết quả mục tiêu vẫn sẽ đạt được là khá cao bởi một khi những doanh nhân phải phụ thuộc vào các “ốc đảo thuế” của Mỹ, họ sẽ bị buộc phải chống lại nền kinh tế của chính đất nước mình nếu muốn tồn tại trong vòng kiềm tỏa của Mỹ, trở thành vũ khí trong tay Mỹ để bóp chết nền kinh tế những nước đối thủ của Mỹ.
- Thất bại phần lớn: Tình hình vừa qua cho thấy “Chiến dịch Hồ sơ Panama” của Mỹ đã phạm sai lầm “đánh rắn động cỏ”. Bởi “Hồ sơ Panama” dù sao cũng sẽ “lạc hậu theo thời gian”. Những “tỷ phú trốn thuế” chắc chắn sẽ tìm ra những chiêu thức tinh vi hơn để tiếp tục “trốn thuế” cũng như dần xóa bỏ những “dấu vết” của mình có liên quan đến “Hồ sơ Panama”. Trong thời đại công nghệ điện tử tin học phát triển như ngày nay, điều đó không phải là quá khó khăn. Ngoài ra, hành động vội vã khi gắn tên tuổi của các nhà lãnh đạo một số nước trên thế giới một cách “vu vơ” (như trường hợp của nghệ sĩ Cello Nga Roldugin) đã phần nào làm giảm “uy tín” của “Hồ sơ Panama” và của chính Mỹ. Người ta bắt đầu nghi ngờ tính xác thực của nó.
- Thất bại hoàn toàn: Mặc dù được bảo mật kỹ lưỡng nhưng không ai dám đảm bảo 100% rằng “Hồ sơ Panama” sẽ không bị đánh cắp một lần nữa, hoặc bị phá hoại bởi các hacker sừng sỏ trên thế giới, những kẻ có thể đột nhập vào trung tâm hệ thống máy tính của cả CIA và Bộ Quốc phòng Mỹ. Cũng không loại trừ trong trường hợp đám cháy “Hồ sơ Panama” bốc cao một cách không thể kiểm soát, có thể ảnh hưởng đến an toàn của chính nước Mỹ, Mỹ sẽ chủ động hủy hồ sơ đó bằng một lý do đơn giản và khó có thể bác bỏ: “trục trặc kỹ thuật”. Ngoài ra, còn phải tính đến hoạt động của các cơ quan đặc biệt của những nước lớn như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ .v.v... Họ cũng là những đối thủ lớn của CIA và họ cũng có khả năng điều tra, thu thập những thông tin để phản bác lại những dữ liệu của “Hồ sơ Panama”. Thậm chí, họ có thể khui ra chính những khuất tất của các tỷ phú Mỹ ngay tại các “ốc đảo thuế” của Mỹ để phản đòn. Nếu kịch bản này diễn ra, uy tín của Mỹ trên thế giới sẽ sụt giảm cực kỳ nghiêm trọng, uy tín của bản thân chính quyền Mỹ sẽ xuống rất thấp trong con mắt chính dân chúng Mỹ và nhiều khả năng, nước Mỹ sẽ phải thay đổi tận gốc.
Điều đương nhiên là chính quyền Mỹ, cũng bình thường như những người khác, sẽ phấn đấu đạt được mức 1 hoặc mức 2, giảm thiểu khả năng rơi vào mức 3 và cố gắng loại trừ mức 4. Vấn đề trước mắt là phản ứng tiếp theo của các đối tượng mà Mỹ đang và sẽ nhắm vào bởi những đối thủ của Mỹ sẽ không ngồi yên “chịu đòn”. Thậm chí, trong một khả năng nguy hiểm hơn, các nước EU bị ảnh hưởng sẽ quay lưng với nước Mỹ. Vì vậy, vấn đề tiếp theo là Mỹ sẽ sử dụng “Hồ sơ Panama” một cách có liều lượng để bảo đảm tại nên “những bất ổn kinh tế” trên thế giới trong tầm kiểm soát của Mỹ. Đó là một phần của chiến lược tạo “bất ổn có kiểm soát toàn cầu” của Mỹ, bảo đảm cho nước Mỹ về lau về dài vẫn duy trì được địa vị “sen đầm quốc tế”.
Hậu Hồ sơ Pannama là gì?
Cũng như chính bản thân CPI và con đẻ của nó là ICIJ, “Hồ sơ Panama” có thể được hình thành bởi những mục tiêu hoàn toàn tốt đẹp khi cả nhân loại đều có chung một kẻ thù để chống lại, đó là tội phạm tham nhũng và rửa tiền mà sự nguy hiểm của nó còn lớn hơn chủ nghĩa khủng bố gấp nhiều lần. Nếu được sử dụng vào những mục đích ấy, “Hồ sơ Pannama” sẽ mở ra một kỷ nguyên mới mang tên Leaktivism. Trang mạng WikiLeaks đưa ra học thuyết Leaktivism cho rằng tiết lộ thông tin sự thật là một dạng phản đối xã hội hữu hiệu. Với sự xuất hiện của những người can đảm như Julian Assange, Chelsea Manning hay Edward Snowden, việc tiết lộ thông tin sự thật đã ngày càng trở thành chiến thuật phổ biến của các nhà hoạt động xã hội.
Hậu quả trước mắt của Panama Papers có thể là gây bất ổn đối với các chính phủ trên thế giới. Có thể sẽ còn một số chính trị gia sẽ phải đối diện với những cáo buộc liên quan tới hồ sơ Panama trong những ngày tới. Và Panama Papers có thể dẫn tới cuộc khủng hoảng lớn nhất của chủ nghĩa tư bản, như Rana Foroohar nhận định trên tạp chí Time. “Hồ sơ Pannama” đã cho thấy rõ rằng mọi người tại tất cả các quốc gia đều phải đối mặt với cùng một kẻ thù đã được toàn cầu hóa. Sự thật là những người siêu giàu dùng tài sản của mình để duy trì quyền lực trong khi trốn thuế. Điều này cũng có nghĩa là mọi biện pháp thắt lưng buộc bụng được đề xuất ở nhiều nước hoàn toàn chẳng có nghĩa lý gì. Nếu mọi người đóng thuế sòng phẳng thay vì che giấu tài sản của mình ở nước ngoài, thì đất nước của họ có thể hoàn toàn đủ sức gánh các chi phí an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng và giáo dục cho mọi người dân. Việc này đến lượt nó sẽ tạo ra những người lao động khỏe mạnh và những nền kinh tế thịnh vượng hơn. Việc cắt giảm dịch vụ y tế công cộng và các dịch vụ khác là hậu quả trực tiếp của sự tham lam đó. Điều đáng nói là những quyết định cắt giảm tương tự đang diễn ra trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, thiên hạ cũng không nên quá kỳ vọng ở những thứ như “Hồ sơ Pannama”. Bởi tư bản thì trước sau vẫn là tư bản cho dù đó là tư bản nhà nước, tư bản xã hội hay tư bản tư nhân. Ở đây, có một khác biệt căn bản giữa khủng hoảng và thay đổi xã hội. Sau tất cả, khủng hoảng theo chu kỳ là một phần chính yếu nhất trong bản chất của chủ nghĩa tư bản. Sự ra đi của các chính trị gia có thể tạo ra một cơn sóng cồn, nhưng không giải quyết vấn đề cốt lõi: thế giới của chúng ta đang sống vẫn bị quản lý tồi bởi chỉ một số người đạo đức giả. Vì vậy, vấn đề căn bản mà “Hồ sơ Pannama” đã đưa ra ánh sáng là sự quản lý toàn cầu về việc đây đó có những người không trung thực đang nắm quyền. Việc tiết lộ “Hồ sơ Pannama” sẽ thành công nếu nó đưa đến gần hơn việc thực hiện mục tiêu xã hội, chứ không chỉ dừng lại ở các cuộc tụ tập phản đối tại các nơi.
Và cuối cùng là điều đáng sợ nhất, “Hồ sơ Pannama” có thể sẽ bị các thế lực cầm quyền đen tối lợi dung để đưa nhân loại vào một cuộc khủng hoảng toàn cầu mới. Bởi một lẽ đơn giản là khẩu súng có thể bắn chết bất kỳ ai, lưỡi gươm có thể chém gục bất kỳ ai và chỉ một con dao găm cũng có thể hạ sát bất kỳ ai. Tuy nhiên, sau một tuần đầu triển khai rầm rộ với một loạt các thông tin thổi phồng, bơm vá nhằm và các nhà lãnh đạo Nga, Trung Quốc và một số nước khác, đến hôm nay “Hồ sơ Panama” có vẻ như đã chìm dần. Nó có chìm thật không ? Chắc chắn là không. Bởi trước những bằng chứng tuy nặc danh nhưng lại có một số cơ sở để tin cậy được, nhiều nước vẫn tiếp tục điều tra. Có chăng chỉ là sự “chìm đi” trên bình diện truyền thông, khi mà mục tiêu của những kẻ muốn lợi dụng “Hồ sơ Panama” để khuấy cho nước đục lên nhưng không bắt được cá./.
Nguyễn Minh Tâm
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh