Home » Tin tức » Đàm luận

NẠN NHÂN CỦA NHỮNG VỤ ĐẠO THƠ

MONday - 16/12/2013 00:56
Hình như các nhà thơ chúng ta, nhiều ít khác nhau, đều là nạn nhân của những vụ đạo thơ. Có vụ dễ dàng vạch mặt, chỉ tên kẻ đạo tặc, nhưng có vụ phải mất hàng năm trời. Bản thân tôi đã từng bị khốn khổ về chuyện này.

Nhà thơ Vương Trọng; ảnh: Đỗ Hiếu

Theo tôi, những người chép thơ của người khác để dự thi hoặc đăng báo, in sách…được chia làm hai loại. Loại thứ nhất là những người không hiểu về luật bản quyền, thậm chí không hiểu cả thế nào là “sáng tác”, nên họ chép thơ của người khác làm thơ của mình một cách hồn nhiên, không hề có ý “phi tang nguồn gốc”. Cách đây chừng ba mươi năm, tôi được Ban Tuyên huấn Quân đoàn 2 nhờ làm giám khảo cuộc thi thơ của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Trong số bài dự thi, tôi phát hiện ra nguyên vẹn một bài thơ của mình từng viết ở Quân đoàn này và đã đăng ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhưng bây giờ mang tên tác giả là một người lính có địa chỉ hẳn hoi. Tôi chỉ mỉn cười và loại bài đó ra khỏi số thơ dự thi và nghĩ, chắc đồng chí đó cho rằng chép thơ đâu đó cũng coi như sáng tác!
Cách đây gần 20 năm, một hôm Đại tá Vũ Thị Hồng, trưởng Ban Phụ nữ Quân đội tìm tới tận nhà tôi để xin lỗi và trao tiền nhuận bút một bài thơ mang tên tác gỉa là một người phụ nữ ở Tây Nguyên, nhưng bài thơ là “Với đứa con ngoài giá thú” của tôi! Đồng chí Trưởng Ban phụ nữ Quân đội nói rằng, Ban biên tập báo thấy có bài thơ hay gửi từ Tây Nguyên thì đăng, nhưng sau đó nhờ bạn đọc phát hiện mới biết là thơ của Vương Trọng!
Cách đây trên một năm, Tạp chí Xứ Thanh của Thanh Hóa và tạp chí Sông Trà ( Quảng Ngãi) cùng đăng bài thơ “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc”, một bài thơ của tôi đã được khắc vào bia đá dựng ở nghĩa trang Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng tác giả bây giờ lại là Bùi Quang Truyện, mang tên một người ở Tây Nguyên. Tuy nhiên khi chép lại để gửi đi đăng báo, “chép giả” có sửa đi đôi chỗ. Ban biên tập Văn nghệ Xứ Thanh đã viết thư xin lỗi tôi về sự sơ suất này, còn BBT táp chí Sông Trà thì chắc quá xa Hà Nội nên …lời xin lỗi đến nay vẫn chưa đến với tôi!
Cũng còn vài ba trường hợp tương tự, nhưng thôi, không muốn làm mất thời gian bạn đọc. Theo tôi, những người này không có ý thức “đạo thơ”, mà họ nhầm lẫn giữa sáng tác và sao chép, do họ là dân “ngoại đạo văn chương”, nên tôi không hề trách họ, mà chỉ mỉn cười cho qua.
Tuy nhiên có trường hợp làm tôi bực tức và mệt mỏi trong thời gian dài. Đó là khoảng năm 1996, trong phụ trương Văn nghệ Dân tộc của Tuần báo Văn nghệ có đăng chùm thơ ba bài của tác giả Cầm Bá Lai, công tác tại sở Văn hóa tỉnh Thanh Hóa. Cầm Bá Lai đã mất trước đó tám năm, chùm thơ này do phóng viên của báo vào tận nhà tác giả “sưu tầm” được. Điều đáng nói là trong chùm thơ đó có bài “Sợi tóc” chính là bài thơ “Sợi tóc hai màu” của tôi đã đăng Tuần báo Văn nghệ trước đấy 10 năm, chính xác là số báo ra ngày 2 tháng 8 năm 1986. Tuy nhiên so với bài thơ của tôi, bài “Sợi tóc” có bỏ đi một khổ và sửa vài ba chữ. Tôi đã mấy lần viết thư và trực tiếp đến Ban biên tập trình bày và so sánh giữa hai bài thơ, điều không ngờ là người biên tập trả lời theo cái kiểu “hòa cả làng”, đại thể là do “ tư tưởng hai nhà thơ gặp nhau”! Thật lạ lùng! Chỉ một câu thơ mà hai người ngẫu nhiên viết trùng nhau đã là điều lạ, đằng này bài thơ của tôi dài tám khổ, họ cắt bỏ đi một khổ còn lại bảy khổ 28 câu, thế mà người biên tập dám bảo ngẫu nhiên trùng nhau, thật không còn gì là trời đất nữa! Có điều nữa đáng nói là dưới bài thơ của Cầm Bá Lai còn ghi thời gian viết là tháng 3 năm 1986, trước ngày báo Văn nghệ in bài thơ của tôi hơn 5 tháng! Gần hai năm trời tôi ăn ngủ không yên, và sẽ không biết còn kéo dài bao lâu, nếu như không có nhà phê bình Hoàng Quảng Uyên vào cuộc điều tra và vấn đề được sáng tỏ: Bài thơ tôi in tháng 8 thì tháng 10 năm đó Cầm Bá Lai ra họp cựu sinh viên trường Tổng hợp ở Hà Nội thấy và chép vào sổ tay, đề tác giả là Vương Trọng. Nhưng sau khi Cầm Bá Lai mất thì bà vợ đã chép lại bài thơ này, biến chữ Vương Trọng thành “Tặng Vương Trọng” và bịa ra thời gian sáng tác là 3-1986! Rất không may là năm 1996, thời điểm báo đăng chùm thơ này thì vợ Cầm Bá Lai cũng đã qua đời rồi! Chúng ta thường dùng câu thành ngữ “ Cây ngay không sợ chết đứng”, ý nói nếu lẽ phải thuộc về mình thì bao giờ mình cũng thắng. Nhưng sự đời không đơn giản vậy đâu, có khi “ngay” mà cứ “chết” như chơi!
Chuyên mới nhất là trên tờ Văn Nghệ Công An số 213, ra ngày 2-12-2013 có đăng bài “ Một bài thơ bốn câu có ba tác giả” cuả nhà thơ Duy Khoát. Trong bài viết này, anh Duy Khoát nêu ba bài thơ tứ tuyệt của ba tác gỉa khác nhau nhưng giống nhau “như anh em sinh ba, chỉ đặt tên khác nhau và gia giảm đôi chút trong câu chữ”. Cuối bài báo nhà thơ Duy Khoát viết: “ Tôi hoang mang quá. Úm ba la ai là “tác thật”? Vây xin phép ra đây để “đố vui” cùng bạn đọc.
Mặc dù nhà thơ Duy Khoát nói đùa khi dùng các chữ “tác thật” và “đố vui”, nhưng đây là một vấn đề nghiêm túc về bản quyền. Vì Vương Trọng là một trong ba tác giả được nêu tên, nên tôi thấy mình có trách nhiệm làm sáng tỏ vấn đề này. Để bạn đọc dễ theo dõi, tôi xin chép lại ba bài thơ đó:

Bài 1:
SAY EM

Xuống biển anh say sóng
Lên bờ say đất liền
Cả một đời chẳng đắm
Lại ngả vòng tay em.
Anh Ngữ

Bài 2:
SAY ĐẮM
Tặng Lệ Thu

Xuống biển anh say sóng
Lên bờ say đất liền
Cả đời say không đắm
Đắm trong vòng tay em.
Tương Mai, 1972
Đức Ánh


Bài 3:
LỜI MỘT THỦY THỦ

Xuống tàu say biển sóng
Lên bờ say đất liền
Say một đời không đắm
Như một lần say em.
1992
Vương Trọng

Bạn đọc dễ dàng nhận ra ba bài thơ này chẳng qua chỉ là một bài, được sửa chữ tý chút mà thôi. Rõ ràng đây không có chuyện “tư tưởng ba nhà gặp nhau”, mà có chuyện đạo thơ, dễ hiểu là “ắn cắp thơ”. Vấn đề chúng ta cần làm sáng tỏ xem ai đã ăn cắp thơ của ai? Trước hết, tôi xin trình bày hoàn cảnh ra đời bài thơ của mình. Tháng 6 năm 1992, nhà văn Chu Lai, nhà thơ Mai Hồng Niên và tôi có tổ chức đi viết dài ngày ở Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh để làm mấy tập sách cho Cục Hàng hải. Trong dịp này, chúng tôi được tiếp xúc với nhiều thủy thủ tàu viễn dương, những người từng lên đênh trên biển hàng tháng trời. Đi tàu trên biển say sóng thì không có gì ngạc nhiên, tôi lạ nhất là các thủy thủ cho biết sau chuyến đi biển dài ngày như thế, khi lên bờ lại say…đất liền vì cơ thể sau một thời gian dài quá quen với lay lắc nên chưa thích nghi ngay với sự yên tĩnh. Ba chữ “say đất liền” là tôi nói ý ấy. Trong tình yêu, chúng ta thường nói “say đắm”, nhưng với nghề thủy thủ thì quen “say” nhưng không thể “đắm” được. Thế là tứ bài thơ hình thành .Nói chung nhiệm vụ đoàn là viết bút ký, nhưng tôi có làm đôi ba bài thơ về Hàng hải, và bài thơ “Lời một thủy thủ” đã ra đời trong dịp ấy và in vào một tập sách của cục Hàng hải cùng năm ấy, nhưng tôi không nhớ cụ thể cuốn nào, nếu cần thì chắc chắn sẽ tìm lại được. Tôi nói điều này để khẳng định rằng, bài thơ của tôi đã ra mắt bạn đọc năm 1992 và năm 1997 in lại trong “TUYỂN TẬP MỘT NGHÌN NĂM THƠ TỨ TUYỆT VIỆT NAM” do Thái Doãn Hiểu và Hòang Liên biên soạn, nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành. 
Bây giờ ta chuyển sang thơ của hai tác gỉa còn lại. Bài 1 của Anh Ngữ ( không rõ lai lịch), nhà thơ Duy Khoát đã được đọc cách đây chừng 20 năm (xấp xỉ với thời gian ra đời bài thơ của tôi). Rất tiếc là anh Duy Khoát không cho biết được đọc bài thơ này qua báo, qua sách hay bản chép tay? Biết tìm tác giả, nhà thơ Anh Ngữ ở đâu để trao đổi bây giờ? Nhưng may mắn với tôi nằm ở Bài 3. Nhà thơ Duy Khoát cho biết: “ Thế rồi đến năm 2012, tôi được đọc một tuyển tập thơ có tên: “THƠ TÌNH ĐƯƠNG ĐẠI 2”, gồm 40 tác giả trong Nam, ngoài Bắc do nhà văn Đức Ánh chủ biên, trong đó có cả thơ của ông, do NXB Thanh Niên phát hành năm 2011”. Như vậy, chúng ta không chỉ gặp tác gỉa bài thơ, mà gặp luôn được người Chủ biên tập sách, tin chắc sẽ sáng tỏ nhiều điều.
Trong ba bài thơ trên, chỉ bài 1 là không đề thời gian sáng tác, còn bài 2 đề năm 1972, bài 3 đề ăn 1992. Nếu những con số này là chính xác, thì rõ ràng Vương Trong đã ăn cắp thơ Đức Ánh sáng tác từ 20 năm trước! Nhưng bạn đọc nên lưu ý một điều: chỉ có thời gian bài thơ được công bố ( qua báo, sách, làn sóng điện) là chính xác, còn năm tháng tác giả tự đề dưới bài thơ thì nhiều trường hợp không đáng tin, nhất là khi tác gỉa có một “ý đồ” nào đó.
Bây giờ tôi muốn được hầu chuyện với tác giả bài thơ 2, Nhà văn, nhà Chủ biên Đức Ánh. Ông có ghi thời gian sáng tác bài thơ là năm 1972, nhưng tôi muốn ông cho biết lần đầu tiên bài thơ ấy được công bố là năm nào? Thời gian in báo, phát trên sóng, hoặc in sách? Khi ông cung cấp cho tôi con số cụ thể về thời gian đó, thì bạn đọc sẽ có kết luận dễ dàng:
- Nếu bài thơ của ông lần đầu tiên được công bố trước tháng 6 năm 1992, thì rõ ràng ông đã sáng tác trước tôi, khi đó tôi sẽ là người ăn cắp thơ của ông.
- Nếu bài thơ của ông lần đầu tiên xuất hiện sau tháng 6 năm 1992, thì ông mang tội ăn cắp thơ của tôi!
Nếu mang tội ăn cắp thơ, tôi vô cùng xấu hổ, vì một tác giả ít nhiều có tên tuổi, được độc giả yêu mến, lại phạm tội về đạo đức, khó có thể tha thứ được. Còn nếu ông mang tội ăn cắp thơ người khác, thì ông nghĩ sao, hỡi Nhà văn, Nhà Chủ biên Đức Ánh?
Trong hai chúng ta, ai là nạn nhân của vụ “đạo thơ” này đây?

3-12- 2013
Vương Trọng
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh