Home » Tin tức » Đàm luận

NGƯỜI VIỆT XA RỜI "CĂN CƯỚC VĂN HÓA" NHÌN TỪ CÂU CHUYỆN CON NGHÊ

FRIday - 23/11/2018 05:24
Tham luận của Nguyễn Mỹ Trà tại Hội thảo Mỹ thuật ngày 22/11/2014
Nhà báo Nguyễn Mỹ Trà đọc tham luận tại hội thảo

Nhà báo Nguyễn Mỹ Trà đọc tham luận tại hội thảo

A, Truyền thông văn hóa truyền thống yếu và thiếu
1, Năm 2013, khi Báo điện tử VOV.VN làm loạt bài về hiện trạng sư tử đá kiểu Trung Quốc tràn lan nơi thờ tự Việt, rất nhiều độc giả đã hỏi vậy sư tử Việt Nam có không và hình thù nó thế nào?
Năm 2014, khi Báo điện tử VOV.VN phối hợp với Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm trở lại chủ đề này, rồi sau đó Bộ VHTT&DL ra công văn 2662 về linh vật lạ, nhất là khi Cục phổ biến các mẫu linh vật Việt thì rất nhiều độc giả và cộng đồng mạng đã “ngã ngửa” rồi “ô, a” cứ như lần đầu tiên trong đời được nhìn thấy những linh vật này. 
Chúng ta biết linh vật mang tính biểu tượng và chính là bản sắc văn hóa. Vậy mà người dân lại xa lạ với chúng.
Là người làm trong lĩnh vực báo chí, tôi gọi đây là một ví dụ điển hình của việc bị “cắt đứt” phũ phàng thông điệp truyền thông, một sự đứt đoạn đáng “báo động” của dòng chảy văn hóa truyền thống giữa các thế hệ, giữa lịch sử và hiện tại. 
Truyền thông hiểu một cách đơn giản là quá trình truyền đạt, chia sẻ thông tin có sự tham gia của ít nhất 2 tác nhân. Truyền thông đại chúng là 1 quá trình truyền đạt thông tin có chủ đích một cách rộng rãi đến mọi người trong xã hội thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Một câu hỏi cần đặt ra là: Thời gian qua, truyền thông đại chúng về các biểu tượng mỹ thuật truyền thống ở đâu? Rõ ràng chúng ta đang thiếu sót trong công tác này, hoàn toàn chưa có một chiến lược truyền thông bài bản cho văn hóa truyền thống nước nhà nói chung và cho việc phổ biến biểu tượng văn hóa truyền thống nói riêng đến công chúng.
2, Trong khi thực hiện loạt bài về linh vật ngoại lai, chúng tôi đã tìm về tỉnh Ninh Bình nơi có làng đá Ninh Vân. Cùng với làng đá Non Nước, Đà Nẵng thì làng đá Ninh Vân nổi tiếng là một trong những cái nôi sản xuất sư tử đá kiểu Trung Quốc lớn nhất Việt Nam. Vài năm trở lại đây, sư tử đá kiểu Trung Quốc và một số mẫu linh vật ngoại lai thuộc top mặt hàng bán chạy nhất. Người ta mua về cung tiến vào đình chùa, đặt trước cửa cơ quan, công sở, nhà riêng. Nhiều người quản lý chùa, người cung tiến hoặc thợ tạc đá khi được hỏi thì khẳng định đây là con Nghê của Việt Nam (!?)
Cùng trong chuyến đi, chúng tôi đến thăm đền Vua Đinh, có thể nói đây là “vương quốc” của Nghê – những linh vật Việt tuyệt đẹp, Nghê chầu phía ngoài lăng, chầu trong lăng, Nghê ở trên mái, ở trên trụ cao… Hiện hữu nhiều là vậy nhưng không mấy người tham quan để ý đến, hướng dẫn viên cũng không thấy giới thiệu cho du khách. Hỏi một du khách trẻ có biết đó là con gì, bạn ấy cũng không biết.
Một linh vật tuyệt đẹp mang trong mình những gửi gắm sâu sắc về triết lý nhân sinh của cha ông, có lịch sử tồn tại hàng thế kỷ và đến nay vẫn tồn tại sờ sờ ra đó, “hữu hình” mà chả khác nào “vô hình”.
Con Nghê – linh vật vô cùng đặc biệt của văn hóa Việt Nam bị chính người Việt không những lãng quên mà còn bị nhầm lẫn! Search Google “con Nghê” mà ra cơ man nào là sư tử đá kiểu ngoại lai. 
Đứng về góc độ nghiệp vụ của người làm truyền thông văn hóa thì tôi sẽ gọi (mà không sợ quá lời) đây là một thất bại điển hình của truyền thông văn hóa. Bởi vì sự cắt đứt với văn hóa truyền thống khiến người ta không hiểu được những thông điệp của quá khứ. Đây chính là một trong những nguyên nhân lớn tạo ra sự mất bản sắc văn hóa.
B, Mổ xẻ căn nguyên của hiện tượng này:
Nguyên nhân nào khiến cả một cộng đồng cùng lãng quên một biểu tượng văn hóa quan trọng trong truyền thống dân tộc, cùng cảm thấy thật khó khăn để “yêu lại từ đầu” biểu tượng này? Mổ xẻ căn nguyên sẽ giúp chúng ta rút ra những bài học và từ đó tìm ra phương hướng sửa chữa. Đây là điều quan trọng vì không chỉ với Nghê Việt mà nhiều linh vật và biểu tượng văn hóa khác của Việt Nam cũng đang ở trong tình trạng bị xem nhẹ, bị “thất sủng”, bị lãng quên. Tuy nhiên, tôi cũng chỉ xin nêu qua vì nguyên nhân này các vị đại biểu Hội thảo cũng đã nắm rõ:
- Giáo dục về biểu tượng, giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống trong nhà trường bị coi nhẹ.
-Người dân không mặn mà với di sản văn hóa, có xu thế hướng ngoại nhiều.
-Các ấn phẩm về biểu tượng văn hóa truyền thống manh mún. Thiếu tài liệu qui chuẩn, thông số khoa học về các biểu tượng văn hóa truyền thống.Nhiều người quan tâm tìm mua sách về văn hóa chất lượng cũng chẳng có.
- Sự gắn kết giữa các nhà khoa học với các nhà sản xuất thủ công mỹ nghệ hầu như là không có. Các thợ đá, nghệ nhân tạc mẫu theo thị hiếu thị trường, không quan tâm nguồn gốc sản phẩm và ý thức vai trò của mình với văn hóa đất nước không được đề cao.
- Các bài viết về văn hóa truyền thống trên báo chí xuất hiện thưa thớt, cách viết quá hàn lâm, chưa tiếp cận được với bạn trẻ.
- Thiếu sự đầu tư bài bản và sự hỗ trợ mạnh mẽ, hiệu quả từ cơ quan quản lý văn hóa.
II/ Phát huy thế mạnh truyền thông trong việc phổ biến biểu tượng văn hóa truyền thống đến công chúng
Truyền thông đại chúng có vai trò quan trọng trong khả năng tạo sự tương tác xã hội, hướng dẫn, định hướng hành vi hoạt động trong công chúng, được coi là tác nhân cơ bản làm hình thành các liên kết xã hội.
Với tư cách một nhà báo mảng văn hóa, tôi mạo muội đưa ra một số góp ý cụ thể hi vọng có thể đóng góp 1 phần nhỏ vào việc xây dựng một chiến lược truyền thông bài bản đưa linh vật và các biểu tượng văn hóa truyền thống đến với công chúng:
- Đầu tiên là sự quan tâm sát sao từ cơ quan quản lý văn hóa của nhà nước và sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước. (Nếu quan tâm và quản lý sát sao thì đã không để xảy ra vấn nạn tràn lan sư tử ngoại lai ở di tích Việt). Các cán bộ quản lý văn hóa cần phải là những người am hiểu vấn đề, bám sát những diễn biến văn hóa trong cuộc sống và thường xuyên tự trau dồi kiến thức văn hóa. Chỉ khi thực sự am hiểu và tâm huyết với văn hóa nước nhà thì mới có những quyết sách hợp lý để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. (Sau gần 3 tháng công văn 2662 của Bộ VHTTDL có hiệu lực, các cán bộ văn hóa địa phương vẫn lúng túng trong việc phân biệt linh vật Việt và ngoại lai).
- Thứ hai là cần ráo riết thực hiện và hệ thống chuẩn cơ sở dữ liệu các biểu tượng văn hóa truyền thống ở nhiều cấp độ: Hàn lâm và quần chúng; Lý thuyết và thực hành. Hàn lâm là để phục vụ công tác nghiên cứu. Quần chúng là để phổ cập giúp các thế hệ già trẻ có thể dễ dàng hiểu khi tiếp cận sản phẩm. Sau khi công văn 2662 của Bộ VHTT&DL ra đời, nhiều địa phương lúng túng và đề nghị được cung cấp tài liệu hướng dẫn nhận biết linh vật Việt. Nhiều người quan tâm đến di sản văn hóa cũng bối rối trong việc làm sao để dễ dàng phân biệt. Cần có nguồn kinh phí để tài trợ và trợ giá cho việc xuất bản các ấn phẩm sách, tạp chí chuyên đề… với ngôn ngữ phù hợp cho từng đối tượng từ nhà nghiên cứu đến các em học sinh.
Cụ thể, nên nhanh chóng nghiên cứu xuất bản bộ sách bộ sách cẩm nang về hoa văn, biểu tượng trang trí trong mỹ thuật truyền thống Việt Nam.
Riêng về linh vật Sử tử và Nghê, nên có 1 nghiên cứu sâu về 2 linh vật này, hệ thống các mẫu mã Nghê, Sư tử tại các di tích truyền thống trong khắp cả nước, làm rõ bản sắc Việt Nam trong các mẫu linh vật đó.
- Thứ ba, vận dụng sáng tạo các biểu tượng linh vật Việt vào đời sống đương đại. Kết nối các chuyên gia văn hóa mỹ thuật với nghệ nhân và thợ chế tác. Tổ chức cuộc thi sáng tạo các sản phẩm mỹ thuật đương đại lấy cảm hứng từ linh vật Việt. Nghê vốn là con vật mang tính hư cấu và chính sự hư cấu này tạo nên bản sắc Việt cho Nghê. Nghê trong văn hóa cổ có vị trí vốn rất đa dạng từ chậu cảnh, đèn, trang trí thành bậc… Cùng với sự thân thiện và biến tấu của nó, hoàn toàn có thể đưa Nghê hòa nhập đời sống hôm nay. Các mẫu này có thể sử dụng vào mục đích trang trí nhà cửa, văn phòng và làm quà lưu niệm…Có các chương trình tôn vinh những nhà thiết kế mẫu và những người đóng góp vào việc phổ biến văn hóa truyền thống, trong đó có biểu tượng linh vật Việt, vào đời sống.
- Thứ 4, tổ chức các chiến dịch truyền thông trên báo chí và mạng xã hội theo những chủ đề thiết thực nhằm vào đối tượng trẻ, khơi gợi tình yêu với di sản cha ông. Có thể nghĩ ra những khẩu hiệu đơn giản như “Người Việt tìm về bản sắc Việt!”, “Người Việt tự hào văn hóa Việt!”, “Hiểu rõ bản sắc cội nguồn, bạn là người sâu sắc và thú vị!”…
Cần chú trọng tranh thủ thế mạnh của mạng xã hội trong truyền thông văn hóa: Khi VOV cùng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VHTT&DL phối hợp cùng nhau để lên tuyến bài về linh vật ngoại lai, chúng tôi cùng Cộng tác viên đã thành lập nhóm trên Facebook Linh vật và cổ vật truyền thống Việt Nam. Một nhóm mở có sự tương tác và lan tỏa cao trên mạng xã hội. Mục đích lập nhóm nhằm hỗ trợ truyền thông cho công văn 2662 của Bộ VHTT&DL cũng như chia sẻ và lan tỏa tình yêu của mọi người với linh vật Việt. Nhóm có sự tham gia của nhiều nhà báo văn hóa, nhiều chuyên gia văn hóa hàng đầu, từ ủy viên Hội đồng di sản hay giám đốc một viện bảo tồn đến một bạn học sinh lớp 12 hay 1 công nhân làm việc ở KNC nước ngoài. Tất cả khi vào nhóm đều có quyền trao đổi bình đẳng với nhau. Nhiều bài báo của VOV và của các báo khác được thực hiện nhanh chóng nhờ sự giúp đỡ chia sẻ thông tin và hình ảnh minh họa của các thành viên trong nhóm.
Hay như nhóm Đình Làng Việt trên Facebook do anh Nguyễn Đức Bình, cán bộ của Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm thành lập cũng có nhiều hoạt động sôi nổi thiết thực. Ngoài việc cùng nhau chia sẻ ảnh về các ngôi đình trên cả nước, trao đổi thông tin thì nhóm cũng đã tổ chức các chuyến đi điền dã bổ ích. Mới đây nhóm Những Ngôi mộ cổ vừa mới ra đời và còn nhiều nhóm khác sẽ tiếp tục ra đời bằng tâm huyết của những người yêu di sản.
Mong rằng Bộ VHTT&DL sẽ có chính sách thỏa đáng để tạo điều kiện cho những nhóm này hoạt động cũng như có những định hướng tốt để tình yêu di sản ngày càng được lan tỏa.
-Thứ 5, xây dựng chính sách liên kết giữa các chuyên gia, nhà quản lý với báo chí nhằm tuyên truyền hiệu quả biểu tượng văn hóa truyền thống Việt Nam cũng là một trong những kênh quan trọng nhằm tạo nội lực phát triển văn hóa, tạo sức mạnh chống sự xâm lăng văn hóa. Ở đây có hai khía cạnh: hỗ trợ nội dung và hỗ trợ kinh phí tuyên truyền. 
Về nội dung, các sự kiện (của Bộ, địa phương và các tổ chức cá nhân) cần được thường xuyên tổ chức để báo chí đưa tin. Mặt bằng thông tin luôn thường xuyên xuất hiện tin tức về bài viết về biểu tượng di sản văn hóa.
Về hỗ trợ kinh phí, mảng văn hóa chính thống ở các báo cần sự đầu tư chất xám và công phu hơn các mảng khác và mảng này thường có lượng tin tức ít ỏi và lép vé so với các mảng khác. Bởi vậy hiện nay các tuyến bài vở đầu tư công phu giới thiệu di sản văn hóa rất cần có kinh phí hỗ trợ tuyên truyền. Ở Đài tiếng Nói Việt Nam, hàng năm các Hệ như Hệ Thời sự Chính trị Kinh tế Tổng hợp, Hệ Văn hóa Khoa giáo...đều nhận được những khoản kinh phí hỗ trợ tuyên truyền từ Bộ Y tế, Bộ Giáo dục Đào tạo và nhiều bộ khác. Mỗi năm các Bộ này đều đề ra một chủ đề chính và có kinh phí hỗ trợ các cơ quan tuyên truyền. Tuy nhiên, theo phản ánh của các đơn vị trong VOV thì Bộ VHTT&DL hầu như không hỗ trợ. 
Bài viết của tôi chủ yếu khai thác câu chuyện con Nghê Việt nhưng hiện nay ngoài Nghê, còn có rất nhiều biểu tượng văn hóa khác cũng đang bị “thất sủng”, bị lãng quên và bị nhầm lẫn. Chùa Bái Đính cổ kính bị lép vế trước một Bái Đính hoành tráng với kiến trúc ngoại lai, những pho tượng ngoại lai. Các đồ án trang trí và điêu khắc tinh mỹ ở lăng và đền thờ Vua Đinh, Vua Lê luôn khiến bất cứ du khách nước ngoài nào đến thăm cũng phải trầm trồ nhưng lại thiếu vắng ở các xưởng chế tác gỗ, nơi mà các mẫu ngoại luôn sẵn có…
Sự phát triển của xã hội kéo theo nhịp sống gấp gáp, toàn cầu hóa khiến sự cạnh tranh trở nên khốc liệt, con người chịu áp lực về mọi mặt nên luôn hướng về những giá trị nền tảng nhằm giải tỏa tâm lý bức bối đến từ cuộc sống và xã hội. Mỹ thuật cùng các tác phẩm của nó chính là điểm tựa và điểm cân bằng tâm lý cho con người. Một sản phẩm mang tính biểu tượng có chiều sâu về mặt giá trị, ẩn chứa những thông điệp cội nguồn, những che chở và cả gửi gắm của cha ông từ ngàn đời chắc chắn sẽ mang đến cho chúng ta một bệ đỡ tinh thần không gì tuyệt vời hơn. Nó khiến chúng ta không chỉ biết ích kỷ cho bản thân mà phải biết sống vì giá trị Việt bởi chúng ta mang trong mình sứ mệnh tiếp nối, duy trì và phát huy bản sắc Việt. Đó là giá trị về tinh thần và cao hơn nữa là giá trị về văn hóa.
Đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho tương lai. Khi mặt bằng văn hóa của người dân được nâng cao, sự hiểu biết của người dân với văn hóa mỹ thuật truyền thống sẽ kéo theo những nhu cầu sử dụng các sản phẩm có hơi hướng truyền thống dân tộc. Nhu cầu đó có thể giúp kinh tế phát triển bằng việc sinh ra những thị trường sản xuất mặt hàng truyền thống mỹ nghệ truyền thống và cách tân, tạo động lực cho mỹ thuật nước nhà.
Công văn 2662 của Bộ VHTT&DL đã nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt từ các cơ quan báo chí và dư luận đã chứng minh rằng một quyết sách đúng đắn luôn có sức cảm hóa cao. Tôi tin rằng với một quyết tâm mạnh mẽ, nói và làm của Bộ VHTT&DL như thời gian vừa qua và sắp tới sẽ dứt khoát hơn và cũng quyền biến hơn, chắc chắn thực trạng nhức nhối này sẽ nhanh chóng chỉ còn là một bài học của quá khứ./. 
Nguyễn Mỹ Trà
Tháng 11/2014

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh