Phận sách và phận người
SATurday - 13/09/2014 01:00
Phía sau những cuốn sách vừa được giải Sách hay 2014 gọi tên là những phận đời khiêm cung, chưa từng biết đến danh vọng trên con đường tìm kiếm tri thức.
Ba nhà nghiên cứu, dịch giả (từ trái qua): Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Văn Trọng và Trần Quang Đức. ảnh: N.VŨ
Có rất nhiều tiếng vỗ tay chúc mừng và những giọt nước mắt lăn dài vì xúc động trong buổi lễ công bố giải Sách hay 2014, diễn ra ngày 11-9 tại TP.Hồ Chí Minh. Nhưng người ta cũng nghe ra trong hân hoan tình yêu với sách có nỗi bùi ngùi len lỏi khi nhìn dưới hàng ghế dành cho những tác giả - dịch giả có tác phẩm và dịch phẩm được vinh danh kẻ còn người mất, kẻ có mặt người đi vắng.
Lần về gia tài sách trong độ dài chừng 40 năm, kể từ sau 1975, chọn ra những cuốn hay nhất để tôn vinh, mới hay rất nhiều thế hệ những người viết sách và dịch sách đã đến và đã đi trong thầm lặng trước khi được người đời biết tới, ghi ơn. Những người có mặt đã phải bật cười, cười rồi lại thương, thương vô cùng khi nghe nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn - thành viên Hội đồng trao giải đọc lại bút tích ngắn gọn của cố học giả Từ Chi. Ông là người được tôn vinh lần này với tác phẩm Văn hóa tộc người Việt Nam, công trình có ý nghĩa quan trọng giúp người Việt hôm nay lần về cội rễ dân tộc. Số là trong bài viết gửi xuất bản trên một tạp chí, ông kèm theo tờ giấy nhỏ dặn người thư ký chuyển cho giám đốc, rằng bài này ông viết với số chữ là 5.536 chữ, có nhuận bút thì chuyển sớm vì... ”đói quá”. Đã gần 20 năm kể từ ngày ông rời cõi tạm, công chúng lẫn giới học thuật sẽ còn nhớ tới ông rất lâu như một học giả khả kính, cả đời sống khốn khó trên rừng núi để nghiên cứu và có thể nói thành thạo tiếng Mường như người địa phương.
Ý kiến bàn luận bỗng sôi nổi hơn khi nghe xướng tên tác phẩm đoạt giải sách dịch văn học năm nay là Bắt trẻ đồng xanh (của J.D. Salinger), kèm lời giới thiệu nó như một tiểu thuyết của đời sống thô kệch và trần tục. Cuốn sách chửi thề suốt từ đầu đến cuối mà chất thơ lại cứ bảng lảng quanh những lời tự vấn về cách mà một người nên sống, đâu là cái tốt và cái xấu, đâu là cái thành thật bên dưới những “bộ tịch” kia. Có ý kiến đặt vấn đề liệu cuốn sách này có hại khi giới thiệu đến giới trẻ? Có mặt tại buổi lễ, nhà nghiên cứu văn chương Phan Nhật Chiêu gây bất ngờ khi cho biết người dịch cuốn sách này - bà Phùng Khánh, là một ni cô từ lâu nay đã sống ẩn dật. Biệt tài của bà vô song đến nỗi bà có thể dịch những tác phẩm rất nhã như Câu chuyện dòng sông của Hermann Hess lẫn rất “tục” như của Salinger. Ông nhấn mạnh “tục” ở đây không có nghĩa là dung tục, mà có thể hiểu như một trường hợp giống thơ Hồ Xuân Hương. Chuyện sách, chuyện người cứ thế trôi đi trong cảm thức miên man về thời gian. Những cuộc đời rồi sẽ về với cát bụi, nhưng kho tàng tri thức của dân tộc không giàu lên sẽ thực sự là một thảm họa. Có một niềm tin vững chắc điều đó sẽ không xảy ra khi người ta nhìn thấy hình ảnh 3 nhà nghiên cứu thuộc 3 thế hệ tình cờ ngồi cạnh nhau trong lễ trao giải là: Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Văn Trọng và Trần Quang Đức. Người già nhất nay đã 94 tuổi, trong khi người trẻ nhất chỉ mới tuổi 29.
Nam Vũ
Source: www.baodongnai.com.vn