"Nếu lãnh đạo ngành giáo dục có tự trọng, cần phải từ chối ông này, trên thể giới nhiều nước họ còn cấm những tên tội phạm chiến tranh như thế này đặt chân tới nước họ, chứ đừng nói là mời vào "trải thảm đỏ" đế đón chào như ớ Việt Nam.
Xin nhớ, vào năm 2002, Chính phủ Việt Nam đã xếp Bob Kerrey là loại Tội phạm chiến tranh!
Xin hãy đọc bài báo tiếng Anh xuất bản năm 2002:
Lược dịch một đoạn đầu:
"Chúng tôi hiểu sâu sắc và chia sẻ những nỗi đau, nỗi mất mát vô bờ mà các gia đình nạn nhân vô tội phải chịu đựng trong vụ thảm sát Thạnh Phong. Những kẻ giết người không thương tiếc trong vụ thảm sát này chính là đơn vị Đặc nhiệm Hải quân Mỹ dưới sự chỉ huy của Bob Kerrey!” – Bà Phan Thúy Thanh- người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.
Theo một bài báo trên báo Nhân dân, tờ báo hàng ngày của Đảng Cộng sản Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao tuyên bố rằng “Kerrey và những người dưới quyền đã phạm tội ác chiến tranh."
----- (hết trích).
Vì trình độ tiếng Anh còn hạn chế nên chúng tôi không thể dịch trọn bài "luận tội" này của Nhà báo Bill Vann. Rất may là vừa mới đây, ông Hoàng Hữu Phước- Đại biểu Quốc hội khóa 13
đã dịch toàn bộ bài này. Google.tienlang chân thành cảm ơn ĐBQH Hoàng Hữu Phước và xin phép ông được giới thiệu bản dịch này đến bạn đọc của Google.tienlang....
****************************
Việt Nam Khép Cựu Thượng Nghị Sĩ Bob Kerrey Vào Tội Ác Chiến Tranh
Bill Vann
06-6-2002
Chính phủ Việt Nam đã cáo buộc cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Kerrey phạm “tội ác chiến tranh” trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Sự khép tội này để đáp lại cuốn tự truyện phát hành gần đây mang tựa đề Thủa Tôi Là Thanh Niên, trong đó Kerrey trốn tránh trách nhiệm của mình đối với một vụ thảm sát được thực hiện bởi một đơn vị Hải quân SEAL (biệt kích Thủy Quân Không-Lục Chiến) mà y đã chỉ huy cách nay 33 năm.
“Chúng tôi hiểu sâu sắc và chia sẻ những nỗi đau, nỗi mất mát vô bờ bến mà các gia đình nạn nhân vô tội phải chịu đựng trong vụ thảm sát Thạnh Phong, những người đã bị thẳng tay hạ sát bởi đơn vị Thủy quân của Bob Kerrey,” Bà Phan Thúy Thanh, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết. “Dù cho Thượng nghị sĩ Kerrey có nói gì đi nữa cũng không thể thay đổi được sự thật. Chính Kerrey tự thừa nhận nỗi xấu hổ của mình về tội ác mà y đã gây ra”, bà Thanh nhấn mạnh.
Theo một bài báo trên Nhân Dân, tờ nhật báo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao tuyên bố rằng Kerrey và “những ai đã phạm tội ác chiến tranh” nên có những bước thực hiện thiết thực để “giúp hàn gắn những vết thương họ đã gây ra.”
Bài báo lên án Kerrey, người hiện là Chủ Tịch của Đại học New School danh tiếng ở thành phố New York, đã tạo ra các mâu thuẫn trong những tuyên bố trong quyển sách y viết năm ngoái thừa nhận vai trò của y trong vụ thảm sát.
Trong một phần cực kỳ ngắn gọn nêu rằng Kerrey có nói sự việc ấy đã làm thay đổi cuộc đời mình, Kerrey chỉ nêu một cách mơ hồ về những hành động của chính y vào cái đêm 25-2-1969 ấy khi y chỉ huy đội SEAL Hải Quân tiến vào một thôn ấp nhỏ ở Đồng Bằng sông Cửu Long tại Miền Nam. Y viết: “Người chỉ điểm của tôi dẫn đường. Anh ta tiến đến một ngôi nhà mà anh ta bảo mình tin rằng quân giặc đang ở đấy. Chúng tôi đã được huấn luyện rằng trong những tình huống như thế sẽ là quá mạo hiểm để tiếp tục hành quân vì mấy người này sẽ cảnh báo cho quân trong làng trừ phi chúng ta hoặc giết họ hoặc hủy bỏ nhiệm vụ. Tôi đã không phải ra lệnh bắt đầu giết chóc, song tôi lẽ ra đã có thể ngăn chặn và đã không ngăn chặn.”
Liệu y có ra lệnh hay không? Liệu y có tham gia vào việc giết chóc, hay chỉ là một người ngoài cuộc vô tội? Độc giả bị y bỏ rơi trong bóng tối.
Câu chuyện của Kerrey tránh né sự mô tả chi tiết của sự bắt đầu đẫm máu tấn công vào Thạnh Phong như đã đăng trên tạp chí New York Times năm ngoái. Một chiến binh Hải quân phục vụ dưới quyền Kerrey báo cáo rằng đã có năm người trong căn nhà ấy. Một bô lão chống cự và, theo lời kể lại, Kerrey đã quỳ đè lên lưng cụ để một chiến binh khác cắt cổ họng. Bốn người khác, gồm một phụ nữ và ba trẻ em, bị đưa ra ngoài và sát hại từng người một.
Tiếp tục câu chuyện trong cuốn sách mới của mình, Kerrey nói rằng y và quân của mình tiến vào ngôi làng nơi họ thấy chỉ có phụ nữ và trẻ em, thức dậy bởi sự ồn ào nên ra đứng trước cửa. Có người đã bắn một phát súng, Kerry nói, và toán SEAL đáp trả bằng “một loạt súng chát chúa.”
“Tôi thấy phụ nữ và trẻ em trước mặt chúng tôi bị đạn bắn trúng và xé toạt ra nhiều mảnh. Tôi nghe thấy tiếng kêu thét của họ và những giọng nói khác trong màn đêm khi chúng tôi rút lui về hướng kênh đào.”
Đây là đoạn mô tả duy nhất về vai trò của Kerrey trong cái đêm mà y cùng quân lính do y chỉ huy đã tàn sát 21 phụ nữ, trẻ em và bô lão.
Một trong những quân lính tham gia cuộc tấn công là Gerhard Klann đã kể lại chi tiết hơn với tờ Times về vụ thảm sát. Ông nhấn mạnh rằng không phát súng nào bắn vào các biệt kích SEAL và chẳng có “màn đấu súng” nào cả. Thay vào đó, quân Mỹ lùa các thường dân vào giữa làng và tàn sát họ trực diện. Những người Việt Nam sống sót từ đó đến nay đã ra mặt kể lại câu chuyện giống như nội dung của Klann hơn là phiên bản của Kerrey về cuộc tấn công ấy.
Kerrey hiện đang lưu diễn trong nước nhằm quảng bá cho quyển tự truyện của y, xuất hiện tại các hiệu sách và tổ chức các cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh và truyền hình. Y đã né tránh các thắc mắc của báo chí về tuyên bố của Chính phủ Việt Nam, nhưng lại giận dữ đáp lại một câu hỏi được nêu ra tại một buổi xuất hiện ở hiệu sách tại Thủ đô Washington.
“Tôi đã nói rõ rồi, và bây giờ tôi nói rõ, rằng cả hai phía đều đã gây ra rất nhiều thiệt hại trong chiến tranh Việt Nam,” y nói. “Bạn phải vượt qua điều này. Tôi tin chắc chắn rằng đa số người dân ở Việt Nam muốn tiếp tục cuộc sống của họ.”
Tuyên bố này phù hợp với những nỗ lực phối hợp của các phương tiện truyền thông và chính trị gia cùng phe với Kerrey để dập tắt những tranh cãi về sự tham gia của y trong vụ thảm sát Thạnh Phong. Tờ New York Times thậm chí còn không nói gì đến tuyên bố của Việt Nam tố cáo Kerrey là tội phạm chiến tranh.
Trong khi lúc đầu làm sống lại những cáo buộc về những hành động tàn bạo, cuốn sách của Kerrey dường như được phát hành như một bài tập kiểm soát thiệt hại, nhằm làm chìm xuồng toàn bộ vấn đề. Trong cuốn hồi ký, Kerrey nói về chính mình như là một nạn nhân chính của sự kiện Thạnh Phong, chứ không phải 21 nạn nhân vụ thảm sát và gia đình của họ.
Việc Kerrey nói rằng “cả hai bên đã gây ra rất nhiều thiệt hại” và rằng người Việt Nam nên “vượt qua điều đó” chẳng khác nào một sự tởm lợm viện dẫn tính chất của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và vai trò của mình trong đó. Hơn ba triệu người Việt Nam đã bị sát hại, hầu hết trong số họ là nạn nhân của Mỹ trong các vụ rải bom thảm, bom napalm, và kiểu thảm sát như được thực hiện bởi Kerrey ở Thạnh Phong. Vụ khét tiếng nhất trong số này là do trung úy William Calley thực hiện ở Mỹ Lại, nơi 567 người già, phụ nữ và trẻ em bị sát hại, hầu hết bị bắn chết chung trong một đường mương.
Các cuộc tấn công mà Kerrey tiến hành trong thời gian ngắn y đóng quân ở vùng châu thổ sông Cửu Long là một phần của một chương trình ám sát bí mật của CIA mang tên Chiến Dịch Phượng Hoàng, nhằm tìm và diệt những lãnh đạo chính trị của cuộc đấu tranh giải phóng Việt Nam ở miền Nam. Chiến Dịch Phượng Hoàng gây ra cái chết của hàng chục ngàn người đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Mục tiêu trong cuộc tấn công vào Thạnh Phong là nhằm vào vị trưởng thôn, người được biết là có thiện cảm với Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia chứ không phải là chế độ Sài Gòn được Mỹ hậu thuẫn.
Còn về việc “vượt qua việc đó,” hàng triệu người Việt Nam vẫn gánh chịu hậu quả của chiến tranh. Chất độc da cam, các loại thuốc diệt cỏ phun từ máy bay Mỹ tiêu diệt rừng cây hầu khiến các chiến binh giải phóng không còn nơi ẩn nấp, đã làm khu vực rộng lớn của đất nước bị ô nhiểm. Là hậu quả của cuộc chiến tranh hóa học này, chất dioxin độc hại ngấm vào chuỗi thức ăn khiến hàng triệu người bị vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, bao gồm cả nửa triệu trẻ em bị dị tật bẩm sinh. Washington đã bác bỏ tuyên bố bồi thường, khẳng định rằng không có đủ bằng chứng và, giống như Kerrey, bảo người Việt hãy “vượt qua việc ấy đi.”
Động cơ Kerrey trong đánh bóng vai trò của chính y trong chiến tranh và làm sai lệch bản chất phạm tội của sự can thiệp của Mỹ là hiển nhiên. Là một chính trị gia sáng giá của đảng Dân Chủ, y đã cố giành sự đề cử của đảng Dân Chủ trước đây, và hiện thường được nói đến như một ứng cử viên tổng thống tiềm năng cho năm 2004. Y vẫn chưa ngừng cuộc đua vào Nhà Trắng.
Trên một mức độ rộng lớn thì nhờ có chiến tranh Việt Nam mà Kerrey thăng tiến sự nghiệp chính trị của y, nhận được sự ủng hộ như một vị anh hùng chiến tranh được thưởng huân chương – y đã được trao Huân Chương Sao Đồng cho chiến công láo khoét về cuộc thảm sát ở Thạnh Phong được tung hê rằng những kẻ bị giết toàn là “Việt Cộng” – và Huy Chương Danh Dự Của Quốc Hội cho trận đột kích sau đó khi một quả lựu đạn làm y mất phần dưới gối của một bên chân. Trong khi các cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam phản đối chiến tranh đã ném vất bỏ huy chương qua hàng rào Nhà Trắng để phản đối sự xâm lăng của Mỹ, thì Kerrey sau khi giải ngũ khỏi Hải Quân Hoa Kỳ đã đến Washington nhận các giải thưởng từ Richard Nixon.
Kerrey giờ đây tuyên bố đã từ lâu luôn bị ám ảnh bởi cuộc chạm trán đẫm máu ở Thạnh Phong, nhưng y cứ ngậm tăm cho tới khi năm ngoái xuất hiện các sự tiết lộ về vai trò của y. Trong các chiến dịch chính trị thành công của mình cho ghế Thống Đốc Bang Nebraska và một ghế trong Thượng Viện, cũng như sự thất bại trong cuộc chạy đua giành sự đề cử của đảng Dân Chủ năm 1992, y đã dựa hẳn vào một quá trình tham chiến đã miêu tả xằng bậy gọi một hành động tàn bạo chống lại thường dân không vũ trang là một hành động quả cảm anh hùng.
John DeCamp, một đồng nghiệp cũng là chính trị gia Bang Nebraska và cũng là một cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam, cựu thượng nghị sĩ bang, đã đến thăm Thạnh Phong hồi đầu năm nay, gặp gỡ các gia đình của những người thiệt mạng trong vụ thảm sát. Ông đã kêu gọi Bộ Quốc Phòng mở một cuộc điều tra đối với cuộc tấn công, và đe dọa sẽ thay mặt những người sống sót để khởi kiện đòi bồi thường. Ông nói rằng Kerrey đã từ chối các đề nghị giúp lập nên một quỹ hỗ trợ những người sống sót.
Kerrey đã bác bỏ và gọi các yêu cầu của DeCamp là “vô lý và nực cười.”
Tại sao như vậy? Thành viên của quân đội Serbia đang phải đối mặt với các phiên xử tội ác chiến tranh tại The Hague vì đã thực hiện tội ác không ghê gớm như Kerrey đã làm ở Việt Nam. Đối với vấn đề đó, binh sĩ quèn và vệ binh tuy chỉ “làm theo mệnh lệnh” của quân SS Đức Quốc Xã vẫn phải đối mặt với lệnh trục xuất khỏi nước Mỹ và bị xét xử dù đã 60 năm sau khi gây ra tội ác.
Vấn đề thực sự là vì sao dù cho có sự phơi bày sự dính líu của Kerrey trong vụ thảm sát máu lạnh cùng hành vi che dấu sau đó của y, lại có quá ít yêu cầu mở cuộc điều tra. Tại sao vẫn chưa có một phản đối kịch liệt đòi bãi nhiệm Kerrey khỏi chức vụ chủ tịch New School, một đại học nổi tiếng trong quá khứ về truyền thống giáo dục dân chủ và tiến bộ của nó?
Sau những tiết lộ đầu tiên, hội đồng quản trị của New School mới công bố “hỗ trợ vô điều kiện” họ dành cho Kerrey mà không cần có cuộc điều tra độc lập nào dù nhỏ nhất. Họ vẫn lặng thinh đối với các cáo buộc gần đây của Chính phủ Việt Nam cũng như đối với việc làm giả tài liệu lịch sử trong cuốn sách của Kerrey.
Việc nín thinh của các đồng sự quanh Kerrey bởi phe nhóm chính trị bao gồm những kẻ từng tự gọi mình là những người tự do và phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Đông Nam Á đã có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Các nỗ lực miêu tả một tội phạm chiến tranh, xem y là “nạn nhân” chẳng thua gì những người mà y đã giết chết, không phải là kết quả của sự cảm thông dành cho một cá nhân.
Thay vào đó, giai cấp cầm quyền đã chộp lấy vụ việc của Kerrey làm cơ hội để giáng một đòn mạnh vào di sản của sự phản đối rộng khắp chống lại sự xâm lược bằng quân sự của Mỹ, với số thương vong khủng khiếp của nó nhằm vào thường dân vô tội, cũng như sự hy sinh tàn bạo những chiến binh Mỹ đã được biết đến dưới tên gọi “hội chứng Việt Nam”.
Hơn thế nữa, trong khi Kerrey bị cáo buộc là một cá nhân phạm tội ác chiến tranh, thì vẫn còn có cả phe nhóm chính trị và quân đội – từ Henry Kissinger cho đến Tướng William Westmoreland cùng cựu giám đốc CIA Richard Helms – những kẻ đã trực tiếp ra lịnh thực hiện những tội ác lớn chống lại nhân loại mà chưa bao giờ được đem ra xét xử.
Với sự bùng nổ của chủ nghĩa quân phiệt Mỹ sau vụ 11 tháng 9, vụ Kerrey mang lại ý nghĩa chính trị thậm chí còn to lớn hơn. Lập luận bao che tội ác mà y đã gây ra – cùng vô số những hành động tàn bạo khác đã gây ra trong hơn ba thập kỷ trước – và cố gắng để hợp pháp hóa chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam sẽ giúp mở đường cho những cuộc tàn sát mới và khủng khiếp hơn của quân đội Mỹ.
Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam buộc Kerrey phạm “tội ác chiến tranh” và nỗ lực của y trong cuốn tự truyện của mình để một lần nữa bao che cho vai diễn của mình, phải dẫn đến lời kêu gọi hành động của những sinh viên và giảng viên tại New School, những người coi trọng sự thật lịch sử và phản đối chủ nghĩa quân phiệt .
Yêu cầu bãi nhiệm Kerrey khỏi vị trí Chủ tịch của New School là một biện pháp cần thiết để sạch hóa xã hội: cho phép một tên tội phạm chiến tranh làm người đứng đầu một tổ chức hàn lâm lớn chỉ làm hạ phẩm giá của trường đại học và làm ô uế bầu không khí trí tuệ nói chung.
Chiến dịch đòi sa thải Kerrey, tuy nhiên, phải được dẫn dắt không chỉ ở những hành động của một cá nhân. Nó phải được sử dụng như một phương tiện nhằm giáo dục các thế hệ mới của sinh viên, người lao động, và giới trẻ đối với những bài học thật sự về Chiến Tranh Việt Nam, chuẩn bị cho họ chống lại các tội ác chiến tranh mới tại Afghanistan, Colombia, Iraq, và những nước khác.
Hoàng Hữu Phước
Chuyển ngữ từ bản gốc
“Vietnam charges ex-Senator BobKerrey with war crimes”