Home » Tin tức » Đàm luận

TÌM HIỂU CÁCH LÀM THƠ CỦA NGƯỜI XƯA

SATurday - 27/09/2014 00:27
Văn nhân

Văn nhân

           










TÌM HIỂU CÁCH LÀM THƠ
                CỦA NGƯỜI XƯA
 
 Nguyễn Khôi

 
 Con người ta sở dĩ bay lên được là nhờ hai cái cánh: văn học và khoa học.
  Văn là người có học vấn (trái với võ), văn hóa là dùng văn tự (chữ nghĩa) mà giáo hóa con người. Bậc thánh nhân thì lập đức, danh tướng lập công, sỹ đại phu lập ngôn.Thi thư là những bộ môn giường cột của văn học.Thuở còn sơ khai, các bậc huynh trường dùng thơ ca để dạy con em, để chúng trở thành người chính trực ôn nhu, rộng lượng, kiên nghị, cứng cỏi mà không thô bạo, giản dị mà không ngạo mạn.Thơ dùng để nói chí, ca dùng để ngân dài lời thơ.Thơ ở trong lòng là chí, phát ra lời là thơ (chí có nghĩa là dừng ở trong lòng nên nó được gắn với hai chữ tình và ý).
 Ông cha ta xưa làm thơ là học theo lối Đường-Tống: “Nhà thơ khi có thi hứng thì hồn thơ cất cánh bay bổng lên những khoảng trời cao rộng.Luật lệ quy tắc (các thể thơ) là để điều khiển cái hứng, giúp cho lối phô diễn được hoàn hảo, đẹp đẽ hơn, du dương hơn chứ không phải để bóp chẹt cái hứng, phải biết vứt bỏ luật lệ để giữ cái hứng, chứ không nên hi sinh cái hứng cho luật lệ.Thơ là để tả nỗi lòng, tả bằng hính thức nào cũng được(cổ phong,luật thi..)Hễ tả mà cảm động được lòng người là mục đích đã đạt.Thơ không phải chỉ là những chữ ghép cho thành vần, cho có đối, cho đủ bằng trắc.Các bậc tài hoa theo luật mà không chịu nô lệ nó. Họ biết phá luật để theo hứng, đã tạo nên những bài thơ bất hủ như “Hoàng hạc lâu” của Thôi Hiệu, “Anh Vũ Châu” của Lý Bạch, “Đăng Cao” của Đỗ Phủ …đều thoát khỏi sự câu thúc của niêm luật”. Sự tác động qua lại của thi hứng và luật lệ có thể tăng cường hoặc trói buộc thi hứng – nhà thơ phải lao tâm khổ tứ để tạo được những bài thơ hay là thế.
  Công việc làm thơ đầu tiên là luyện chữ: cách dùng “từ” (chữ) như thế nào, bố cục thơ ra làm sao. Đỗ Phủ đã tâm sự “ngữ bất kinh nhân, tử bất hưu” (chữ chẳng kinh người, chết chẳng yên).Bì Nhật Hưu thì nói ”bách luyện thành tự, thiên luyện thành cú” (trăm lần luyện mới thành chữ, nghìn lần rèn mới thành câu. Đến luyện câu thì khởi – thừa –chuyển – hợp như thế nào, khử đối ngẫu ra làm sao, luật bằng trắc ra sao, gieo vần thế nào? Luyện chữ đã khó, (ví dụ “chữ mắt“ (nhãn tự) đặt ở đâu để nó tỏa sáng.Câu thơ hay phải có chữ hay đó là những hạt linh đan làm cho đá biến thành vàng.Luyện chữ để cho chữ linh hoạt, sống động , cựa quậy, không nằm bẹp trên trang giấy). Luyện câu lại khó hơn, rồi đến luyện ý (tạo ý mới, tứ lạ) và bao trùm là luyện cách… thơ không có “thi cách” (phong cách riêng của từng nhà) thì coi như vứt đi, loại bỏ. Bảng nhãn Lê Quý Đôn từng dạy:”một bài thơ hay phải có đủ tình, cảnh, sự - mà trong đó Tình là người, Cảnh là trời, Sự là hợp cả trời đất mà quán thông…”
   Người xưa dùng đạo lý SÁNG/TỐI để tìm hiểu thơ ca, với quan niệm ”nhìn không thấy không phải là không có, mà là chúng ta không thấy mà thôi”.Ví dụ: mặt trăng vào thượng tuần đến ngày mùng 7, mùng 8 nó mới xuất hiện 1 nửa, còn một nửa kia không thấy được.Cái nhìn không thấy ấy là đạo lý, điều mà ta nhìn thấy là sự thật.Ta dùng hình tròn của mặt trăng để biểu thị THI VŨ (vũ trụ thơ) khi mặt trăng hiện ra hình bán nguyệt, một nữa phát sáng để biểu thị mặt sáng trong thơ, nửa kia không phát sáng đại biểu bằng hư tuyến(màu đen) để biểu thị mặt tối trong thơ, hai mặt này đồng thời tồn tại.
   Mặt biểu hiện bề ngoài của thơ (mặt sáng) ta thấy được đó là phong cách của thơ, ý và tình được diễn đạt bằng cú pháp, luật bằng trắc, cách gieo vần bằng các con chữ, ấy là mặt ta có thể thấy được (hiển hiện trên mặt giấy viết); còn những cảm thụ mà thơ mang đến cho ta (cái thứ ẩn dụ, ý tại ngôn ngoại, một thứ “tiếng thầm” – đáo địa nhất vô thanh (là mặt tối) ta không thể trông thấy nhưng ta cảm được.Sự linh diệu, thần diệu của thơ là vậy.
 
                     5  BƯỚC CỦA VIỆC LÀM THƠ
                     Bước 1: Mới bắt đầu học làm thơ
Đó là đi từ các con chữ ghép vần theo thể thơ (5 chữ, lục bát, 7 chữ …) tiếp là “theo thơ tìm lý” (đạo lý) trong thơ có lý:
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
                                                                                    -Đồ Chiểu
                      Bước 2: Đã biết làm thơ theo các thể loại một cách thành thạo (ví dụ: lục bát là phải có “vần”) trong thơ có lý (tức là bài thơ đã có nội dung để nói lên một ý tưởng nào đó) với ”từ lý bàn thơ” tức là nội dung và hình thức phải “ăn khớp” nhau.
                      Bước 3: Làm thơ đã có thành tựu
Đã làm được các bài thơ gọi là có giá trị truyền cảm nghĩa là đã đạt tới mức”thể dụng như nhất”,”lý chính là ở nơi thơ” ”trong thơ có lý”.
                      Bước 4:Thành NHÀ THƠ (thi nhân)
Lúc này trình độ đã đạt “dùng thể để hiển dụng”, dùng lý để luận thơ, dùng lý để thành thơ.
Đó là các Nhà thơ đạt tiêu chí ”Thi sỹ” – thơ của các vị này đã có “thương hiệu” , đã có những câu thơ, bài thơ Hay cho người đời biết đến, ngâm nga thưởng thức, đã có thơ trong các Tuyển Tập Thơ Quốc Gia.
                      Bước 5: Thành “Thi Hào”
Đó là nhà Thi sĩ đại danh (grand Poète) 
Đó là thơ đã đạt trình độ “thể dụng đều mất” “biến hóa không dấu vết”, nghĩa là “thơ thành lý lập”.Đó là các vị như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Tô Đông Pha, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du…
                 Tuy vậy các bậc tài hoa ấy lại rất khiêm tốn:
*Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch
Lập thân tối hạ thị văn chương”
                                      -Viên Mai
 
*Thi phú suốt đời, vô ích thật
Sách đàn đầy giá, có ngu không!
                                  -Nguyễn Du
                    Ngày nay chúng ta làm thơ theo lối “thơ mới” là đã tiếp thu, vận dùng nhuần nhuyễn cái “cách” ẩn dụ của thơ Đường, tính tượng trưng của thơ Pháp để có những Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử, Nguyễn Bính, Hữu Loan, Quang Dũng, Bùi Giáng… với những vần thơ đọc lên xao xuyến lòng người, rất hiện đại và đầy bản sắc Việt – đó là những chiếc “áo lụa Hà Đông” của người Việt Nam ta : ĐẸP, nền nã, tươi mát để cho các Thi khách ta đi vào thi đàn thế giới với một tư thế đàng hoàng, cao sang và đầy ấn tượng.
 
Góc Thành Nam Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2009
 
 
 

Author: Nguyễn Khôi

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh