TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO - TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA TỐT ĐẸP CỦA DÂN TỘC TA
WEDnesday - 19/11/2014 10:56
Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học. Có rất nhiều câu tục ngữ, thành ngữ nói về mối quan hệ thầy trò như: không thầy đố mày làm nên; nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Kính trọng và biết ơn thầy giáo là nét văn hóa tiêu biểu của người Việt Nam. Văn hóa đó đã được bổ sung và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.
Hình minh họa
Từ buổi bình minh của lịch sử, con người đã biết lao động và sáng tạo. Trong quá trình tồn tại và phát triển, con người đã đúc rút được những bài học kinh nghiệm quý báu. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, con người đã truyền những bài học đó để duy trì, tồn tại và trở thành tinh hoa trí tuệ.
Điều đó được thể hiện trong những tác phẩm văn học dân gian Việt Nam phản ánh những khát vọng học tập mãnh liệt của người dân, vươn lên trong cuộc sống. Hay trong ca dao, dân ca, nhiều bài đã ca ngợi tình thầy trò sâu nặng, ơn nghĩa thủy chung...
Những tấm gương tiêu biểu về tinh thần hiếu học, về nhân cách ngời sáng được chúng ta biết nhiều như Chu Văn An (thời Trần) là người thầy tài cao, đức trọng, ngay thẳng, cương trực, ông có công dạy dỗ nhiều người thành đạt nhưng không màng danh lợi. Hay như nhân cách cứng cỏi, bản lĩnh của cụ Tư đồ Trần Nguyên Đán; Nhà giáo Lương Đắc Bằng nghiêm khắc dạy bảo Nguyễn Bỉnh Khiêm học thi đỗ Trạng nguyên; Nguyễn Đình Chiểu là nhà giáo cầm bút đánh giặc:
Chở bao nhiêu đạo thuyền
không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà
Tinh thần tôn sư trọng đạo còn được biểu hiện trong giọng thơ tinh tế của Nguyễn Khuyến, trong tiếng cười bi kịch của Tú Xương. Nhưng tất cả đều biểu hiện chủ yếu ở thái độ đối với thầy là ngưỡng vọng, trân trọng và biết ơn.
Truyền thống tôn sư trọng đạo còn được biểu hiện cao đẹp ở những nhân vật trong lịch sử hiện đại. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành, trước khi ra đi tìm đường cứu nước đã từng dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết). Và, Người đã ra đi tìm đường cứu nước mang lại tự do, độc lập cho dân tộc. Người luôn kỳ vọng, tin tưởng vào thế hệ trẻ. Trong buổi khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người căn dặn” “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có trở nên vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ công học tập của các cháu”.
Và, còn biết bao những nhà giáo tiêu biểu đã cống hiến không chỉ cho sự nghiệp giáo dục mà còn cống hiến suốt cả cuộc đời cho cách mạng, cho khoa học kỹ thuật. Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng... Chân dung các nhà giáo Đặng Thai Mai, Nguyễn Lân, Lê Trí Viễn, Lê Hoài Nam, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Thúc Hào... đã làm rung động biết bao thế hệ học sinh, sinh viên.
Những tấm gương hiếu học, vượt khó vươn lên như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã trở thành thần tượng của nhiều thế hệ học sinh.
Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, thầy cô giáo đã truyền lý tưởng cao đẹp cho nhiều thế hệ học sinh. Lớp lớp chiến sĩ theo dấu chân người lính đã viết nên nhiều bản trường ca vang dội cho đất nước được tự do, độc lập. Cảm động trong câu hò kéo pháo còn vương nét bụi trường chinh của những thanh niên từ thuở mang gươm đi mở cõi, các thầy đã thắp sáng niềm tin cho học trò vững bước đi tới tương lai. Biết bao thanh niên theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã gác bút nghiên lại trên trang giấy học trò để “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”... Trong âm vang của bom đạn, dọc theo những nẻo đường kháng chiến vẫn mơ về một dáng vóc thư sinh của thầy, một lời ngọt ngào trong những áng văn của cô giáo trường quê.
Ơn thầy, kính trọng thầy trở thành một chủ đề lớn được bổ sung vào sổ vàng truyền thống của dân tộc như một nét văn hóa tiêu biểu của người Việt Nam xưa và nay.
Đất nước độc lập, tự do, trong thời gian bao cấp, hình ảnh thầy cô vất vả, lo toan vì miếng cơm manh áo, bươn chải cùng ruộng lúa, nuôi lợn, nuôi gà; đi chiếc xe đạp vá săm, băng lốp... đến hôm nay vẫn là những kỷ niệm khó quên. Dù khó khăn nhiều, thầy cô vẫn kiên trì thắp lửa, tất cả vì học sinh thân yêu.
Trong thời kỳ đổi mới, mặt trái của cơ chế thị trường tác động đến nhiều mặt của xã hội, song người thầy vẫn kiên định, vững vàng bản lĩnh, cốt cách của nhà giáo. Ánh sáng của lương tri, ngọn lửa trí tuệ, tình thương của nghề trồng người đã vun đắp cho thầy cô vững tin là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Điều quan trọng là người thầy có dũng cảm đổi mới hay không? Phải dũng cảm đổi mới nhưng kiên định về phẩm chất đạo đức. Đâu đó vẫn còn hiện tượng dạy thêm theo kiểu thương mại hóa, ở một số nơi không phải không có hiện tượng xử lý tình huống mang tính chất bạo lực với học sinh. Nhưng, phải khẳng định rằng đó chỉ là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”. Đa số các nhà giáo đều hiểu rằng ngoài kiến thức, nhân cách mới là tấm gương để thuyết phục học sinh và phụ huynh.
Người thầy hôm nay là nhân vật trung tâm của xã hội hiện đại. Trong một xã hội học tập và mọi người học tập suốt đời thì vai trò của thầy giáo lại càng quan trọng. Những cuộc vận động của ngành giáo dục trong thời gian qua đã nâng vị thế của nghề thầy giáo lên tầm cao mới. Đó là “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”. “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng về tinh thần học tập và sáng tạo”.
Quyết định chất lượng giáo dục là đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên. Nhưng trên hết vẫn là lòng nhiệt tình và trách nhiệm. Biết bao thầy cô cõng chữ lên non ở Mường Lát, Quan Sơn. Những mái trường thân thiện dọc các vùng cao biên giới tỉnh Thanh còn ghi mãi bài ca về thầy cô. Hơn 300 trường chuẩn quốc gia đã khẳng định sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Biết bao nghĩa cử cao đẹp của tổ ấm công đoàn trong việc xây dựng nhà ở vùng cao. Biết bao tấm gương các thầy cô giúp học sinh sôi kinh nấu sử, mang lại vinh quang cho quê hương, đất nước trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Tất cả điều đó là niềm tự hào của mỗi người dân xứ Thanh, tự hào về một miền “địa linh nhân kiệt” đã được hun đúc bởi tinh thần tôn sư trọng đạo.
Mỗi dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, trong sắc nắng vàng của mùa đông, trong niềm vui hân hoan, thầy cô như trẻ lại, hạnh phúc rạng rỡ, mến yêu nghề hơn và càng khát khao cống hiến. Niềm khát khao cống hiến ấy ngày càng được nhân lên bởi họ nhận được sự quan tâm của cộng đồng và toàn xã hội. Sự tri ân, tôn sư trọng đạo với sự nghiệp trồng người đang bồi đắp làm rạng rỡ thêm truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam hôm qua, hôm nay và mai sau.
Tiến sĩ Phạm Thị Hằng