Những thiệt hại về người không thể tránh khỏi của quân đội có sức mạnh và quân số lớn thứ hai trong khối NATO có thể sẽ không hề nhỏ chút nào.
Đó là kết luận sẽ được đưa ra nếu phân tích diễn biến có thể xảy ra của cuộc xung đột vũ trang, trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào vùng phi căng thẳng Idlib. Cần phải lưu ý rằng, xã hội Thổ Nhĩ Kỳ chưa sẵn sàng cho điều này.
Căn cứ từ khu vực chiến dịch có thể nổ ra, trong thành phần cụm quân của Thổ Nhĩ Kỳ có thể hiện diện các lực lượng không quân và lục quân. Những nhóm phiến quân "ôn hòa" đóng tại khu vực phi căng thẳng sẽ tham gia.
Thành phần không quân dự kiến được tung vào chiến dịch này có thể lên tới 120-140 máy bay. Có nghĩa là về số lượng, tổng cộng cụm quân có thể lên tới 25-30 nghìn người, với 200-250 xe tăng, gần 500 xe thiết giáp và tối đa 300 khẩu pháo (gồm 100-120 khẩu tầm xa như T-155 Firtina và М107).
Để triển khai chiến dịch, căn cứ vào việc quân đội Syria (SAA) và các đồng minh sở hữu những phương tiện chống tăng hiệu quả do Nga chế tạo như Korrnet, cũng như các xe tăng hiện đại T-90A (có thể lên tới 20 chiếc trong các đơn vị của quân đội chính phủ) và xe tăng T-72 nâng cấp, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trang bị cho cụm quân của mình những cỗ máy hiện đại nhất Leopard 2A4 và M60T.
Bên cạnh đó, có thể họ sẽ đưa vào lực lượng chủ lực của không quân yểm trợ bộ binh, gồm tối đa 30 trực thăng tấn công. Ngoài ra, đứng về phe các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ và phối hợp với họ còn có hơn 10 nghìn phiến quân đến từ "nồi hầm" Idlib.
Theo các thông tin công khai, những nhóm bán vũ trang, gồm "Hezbollah" và dân quân địa phương người Kurd dày dạn kinh nghiệm chiến đấu và cương quyết chống lại người Thổ đến cùng, với tổng quân số có thể lên tới nhiều nghìn người, cũng như những đơn vị được trang bị kỹ thuật và có khả năng chiến đấu cao của SAA, sẽ chống lại phe Thổ Nhĩ Kỳ.
Căn cứ vào thời gian Thổ Nhĩ Kỳ cần để hình thành cụm quân triển khai chiến dịch, và những khả năng của trinh sát vũ trụ Nga, có thể phỏng đoán rằng, quân đội Syria sẽ hình thành một cụm quân đủ mạnh tại khu vực này.
Chúng ta có thể đánh giá cụm quân này, khi biết rõ tổng quân số của SAA và tỷ lệ các đơn vị có khả năng chiến đấu cao khi cần thiết phải triển khai chiến sự tại những mặt trận khác, sẽ vào khoảng 15 nghìn người được trang bị 100-150 xe tăng.
Các vũ khí quan trọng khác sẽ là vài trăm hệ thống tên lửa chống tăng các loại (gồm cả tổ hợp chống tăng vác vai), tối đa 300 xe thiết giáp và 200 hệ thống pháo các loại (trong đó có tới vài chục tổ hợp pháo phản lực bắn loạt cỡ lớn "Uragan" và "Smerch").
Theo ý đồ của các bên, chúng ta thử dự đoán cách thức bố trí của các lực lượng chiến đấu. Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều khả năng, sẽ triển khai cụm quân thành 2 lớp. Lớp thứ nhất là các phiến quân Hồi giáo, lớp thứ hai – cụm quân tấn công chủ lực của lục quân Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, cụm quân của họ sẽ được chia thành dự bị chiến đấu và cụm pháo binh. Phòng tuyến của Quân đội Syria và các đồng minh cũng sẽ có hai lớp.
Phân tích diễn biến có thể xảy ra của chiến dịch tấn công do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện và các chiến sự phòng thủ của người Syria cho thấy rằng, bên tấn công sẽ chịu tổn thất đáng kể về người và khí tài chiến đấu, mà ước tính có thể lên tới 35-45% số lượng ban đầu của cụm quân.
Những thiệt hại của quân đội Syria và các đồng minh cũng không hề nhỏ, tương đương của phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Nếu không quá đi sâu vào những chi tiết phân tích cuộc chiến trên không, có thể đưa ra kết luận cho rằng, các lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chịu tổn thất khó chấp nhận – từ 20 cho tới 30 cỗ máy (15-25% số lượng triển khai của cụm quân). Những thiệt hại của lực lượng phòng không và không quân Syria cũng sẽ rất rõ rệt – 18-25% số lượng ban đầu.
TT Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan có thể nhận trái đắng lần 2
Xác suất kết cục chiến dịch không thuận lợi cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là khá lớn và có thể lên tới 35-40%. Đối với tổng thống Erdogan, điều đó sẽ là cú đòn trời giáng vào vị thế của ông trên trường chính trị Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí có thể dẫn tới một cuộc đảo chính mới.
Như vậy, chiến dịch quy mô hạn chế này của Ankara trong vùng Idlib sẽ kéo theo sự thất bại, bởi những đặc điểm về điều kiện địa lý-quân sự và khả năng phản kháng cuộc tấn công này của quân đội Syria.
Cuộc tấn công quy mô toàn diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào lãnh thổ Syria khó có thể sớm xảy ra vì cần thời gian dài để chuẩn bị.
Thêm vào đó, tạo tâm thế cần thiết trong xã hội mà đang không ủng hộ sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh quy mô toàn diện chống lại nước láng giềng là điều không dễ thực hiện, kèm theo những rủi ro sẽ biến Nga và Iran, cũng như cả Trung Quốc trở thành kẻ thù chỉ để đổi lấy mục tiêu cứu giúp vài nghìn phần tử khủng bố khỏi "nồi hầm" Idlib.
Bên cạnh đó, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rõ rằng với diễn biến tình hình đó, các chiến binh của Đảng Lao động Kurdistan, những băng nhóm phiến quân người Kurd khác sẽ có cơ hội tiếp nhận vũ khí hiện đại từ Iran, mà có thể là cả từ Nga.
Và ở hậu phương của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xuất hiện thêm một mặt trận mới - đó là cuộc nội chiến. Mà chiến đấu trên hai mặt trận cùng lúc, đối với quân đội lớn mạnh thứ hai của NATO, là điều nằm ngoài khả năng.
Như vậy, có thể đưa ra kết luận cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Syria là một hành động rất đáng ngờ, mà có thể kéo theo rủi ro thất bại rất lớn với những tổn thất đáng kể của các lực lượng công.
Vì lý do này, "nồi hơi" Idlib khó trở thành casus belli (sự biện hộ cho hành động chiến tranh – theo tiếng Latinh) đối với Ankara. Nhiều khả năng, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Syria sẽ phải tìm kiếm những phương pháp mới để giải quyết vấn đề trên phương diện ngoại giao.
Và có lẽ, lối thoát duy nhất có thể là thỏa thuận được tất cả các bên thực hiện một cách trung thực, mà theo đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đảm bảo một cách thật sự cho phe đối lập ôn hòa có khả năng đạt được thỏa thuận, sau khi giao nộp vũ khí, có thể tích hợp vào chính trường của Syria.
Còn Damacus sẽ chấp nhận ân xá các phần tử tham gia những băng nhóm khủng bố và thừa nhận quyền công dân hợp pháp của họ trong một thực tiễn mới.
Newer articles
Older articles