Home » Tin tức » Đàm luận

Thế nào là thơ hay?

SATurday - 13/09/2014 10:59
Đại tá Nguyễn Hữu Niệm - chủ biên tờ "An ninh biên giới" trao đổi cùng Đại tá, nhà thơ, nguyên Trưởng ban Thơ, tạp chí Văn nghệ Quân đội - Nguyễn Hữu Quý mở diễn đàn "Thế nào là thơ hay?". Được sự cho phép của ông Nguyễn Hữu Niệm, chúng tôi sẽ đăng lại toàn bộ nội dung trong mục diễn đàn này.
Chim Trời; ảnh: Phạm Duy Trưởng

Chim Trời; ảnh: Phạm Duy Trưởng

LTS: Hàng nghìn năm nay, thơ ca đã xuất hiện và gắn bó với đời sống văn hóa tinh thần của nhân loại. Trên đất nước ta, nhiều thế hệ nhà thơ nối tiếp nhau làm nên dòng chảy thi ca có giá trị về nội dung và nghệ thuật đáng ghi nhận. Hiện nay, thơ vẫn tồn tại mạnh mẽ trong đời sống như sự minh chứng cho nhận định Còn ngôn ngữ thì còn thơ ca. Tuy nhiên, không ít tác phẩm thơ đã xuất bản hoặc được giới thiệu trên các trang báo, tạp chí thực sự xa lạ, bí ẩn, khó hiểu đối với nhiều bạn đọc. Có bạn đọc hoang mang không biết thế nào là một tác phẩm thơ hay. Từ đó, người ta đâm ra ngại thơ, sợ thơ và xa lánh chúng. Hiện tượng một bộ phận bạn đọc quay lưng lại với thơ là có thật. An ninh biên giới mở diễn đàn "Thế nào là thơ hay?", với hy vọng cung cấp cho bạn đọc những thu hoạch nho nhỏ qua các trải nghiệm, các góc nhìn về thơ của nhiều tác giả để cùng suy ngẫm.
 
Bài 1: Mẫu số chung của thơ

Tôi luôn luôn tin rằng các nhà thơ đích thực là những người rất lương thiện. Bởi ngọn bút của họ (bây giờ có thể là bàn phím) hướng về tình thương yêu và sự cao đẹp của con người. Từ xưa đến nay, những thi hào, thi bá, thi nhân được quần chúng kính trọng yêu mến khi họ có những tác phẩm mang nỗi buồn vui và khát vọng của dân trăm họ. Không ai công bằng như nhân dân; những con người khổ đau và lam lũ ấy định giá chính xác minh chủ và thi nhân của họ. Chính họ, không ai khác, từ bờ tre góc ruộng, từ bãi chợ hẻm phố, những kẻ nông, kẻ chợ, kẻ sĩ…đã thầm lặng bầu chọn ra anh hùng và nhà thơ cho dân tộc mình. Và, những gì bách tính thiên hạ tự nguyện bầu chọn ra, tự nguyện ghi tâm khắc cốt mới lâu bền, mới trở thành giá trị muôn thuở của đất nước.
 
Xuyên suốt muôn đời vẫn là lòng yêu nước thương dân; cái mẫu số vĩnh hằng ấy là tiêu chí số một để định vị giá trị của người cầm quân và người cầm bút. Tài năng nào, tài năng đến mấy cũng phải gắn với chữ Tâm mới mong tỏa sáng lưu truyền. Cốt lõi chữ Tâm phải chăng là lòng Thiện, diễn giải giản dị như thơ của bình dân là Thương người như thể thương thân…

Lòng Thiện ấy, như Nguyễn Trãi từng viết Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, như Nguyễn Du từng khóc Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng, như Hồ Xuân Hương từng cảm Có phải duyên nhau thì thắm lại/ Đừng xanh như lá bạc như vôi… Đọc thơ của ông cha, của một số nhà thơ lớp trước tôi thấy họ đau đớn và thương yêu thật lắm, sâu lắm và tuyệt nhiên chẳng tù mù cầu kỳ rắm rối chút nào. Thơ thốt ra từ cõi lòng mình, không mượn vay ai cả và nó cũng thật gần với nhân dân. Trăm họ biết Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương…là những thi hào, thi bá sáng tỏa của đất nước, của nhân loại trước hết họ đọc được trong từng con chữ những đau đớn lòng của chính thân phận mình.

Càng đọc, tôi càng thấy sự giản dị cô đọng cần cho thơ biết bao. Hai câu thơ này của Hữu Thỉnh không mới lạ xuất sắc về ngôn từ nhưng tại sao lại ám ảnh tôi đến thế: Một đời người mà chiến chinh nhiều quá/ Em níu giường níu chiếu đợi anh.

Câu thơ bình dị đến mức tưởng ai cũng có thể làm được mà chứa đựng quá nhiều ý nghĩa. Số phận của một dân tộc, một thế hệ, một gia đình, một con người trong một giai đoạn lịch sử có ở trong đó. Một đời người mà chiến chinh nhiều quá. Chiến tranh, cuộc này qua cuộc khác, hết đánh Pháp lại chống Mỹ. Chiến tranh, năm này qua năm khác, tháng này qua tháng khác, ngày này qua ngày khác.

Đất nước bị xâm lăng, chúng ta không thể không cầm vũ khí để đánh giặc nhưng cái thử thách này quá lớn, cơn bão máu cuốn bao nhiêu người vào vòng xoáy tanh nồng của nó và gánh nặng chiến chinh trĩu xuống mỗi phận người bé mỏng. Chiến thắng vĩ đại đến bao nhiêu, lòng tự hào to lớn đến bao nhiêu cũng không thể khỏa lấp hết những mất mát thương đau của nhân dân; câu thơ như lời cảm thán với những xa xót thẳm sâu kín đáo.

Đến bây giờ tôi rất ngạc nhiên khi có người quá dị ứng với những bài thơ, câu thơ viết về sự mất mát đau thương trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Cuộc chiến ấy là máu, đầm đìa máu chứ đâu phải là đánh trận giả. Hàng triệu chàng trai, cô gái tuổi còn rất trẻ ra trận không được trở về, hàng triệu gia đình chịu tang tóc đau thương, hàng triệu chia ly tao tác, không phải không có những người thân buộc phải ngắm nhau qua mũi súng...

Dân tộc, đất nước bị dìm trong máu, mọi cuộc chiến suy cho cùng, tổn thất lớn nhất thuộc về Mẹ Việt Nam. Mẹ của những đứa con máu đỏ da vàng chết trận. Tuy nhiên chúng ta đã vượt qua cơn bão ấy, vượt qua với nghị lực trên 200% mà sự can trường và lòng chung thủy phi thường của những người phụ nữ Việt Nam đáng được kính trọng.

Theo tôi, thì câu thơ thứ 2 đã đạt đỉnh hay khi nói về những người vợ, người yêu trong cuộc chiến tàn khốc dằng dặc vừa qua. Em níu giường níu chiếu đợi anh. Níu giường níu chiếu còn ghê hơn cả hóa đá Vọng phu ấy chứ. Thành đá thì không còn đau đớn khát khao thấp thỏm hy vọng nữa, còn đây những người vợ, người yêu ấy phải sống, muốn sống để đợi người thương yêu từ mặt trận trở về. Níu là chữ duy nhất dùng hay trong trường hợp này.

Một điều nữa cần nói thêm: Kiểu thơ như thế có bị coi là cũ không? Xét về mặt hình thức câu thì không mới. Mới ở đây, theo tôi là ở hình tượng ngôn ngữ mà điểm sáng của nó là cụm từ níu giường níu chiếu. Chưa ai viết được hay như thế về một hiện tượng phổ biến, quen thuộc: Người vợ chờ chồng trong chiến tranh chống Mỹ.

Mới ở trong thơ trước hết phải mới ở sự phát hiện vấn đề, sự vật của cuộc sống từ đó nâng lên thành ý tưởng, hình tượng, cấu tứ của thơ và tất thảy những cái đó được trình bày trong sự chọn lọc ngôn ngữ khắt khe, độc đáo mang dấu ấn của mình và trên mình.

 
Nguyễn Hữu Quý (Đại tá, nhà thơ, nguyên Trưởng ban Thơ, tạp chí Văn nghệ Quân đội)

Đón đọc bài 2: "Thơ, tiếng nói của một trái tim đến với nhiều trái tim"

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh