Việc Hoa Kỳ chiếm đóng Iraq và Afghanistan bắt đầu và kết thúc gần như cùng một lúc. Mặc dù phần lớn dân chúng Iraq vui mừng vì chế độ Saddam Hussein bị lật đổ, nhưng ở cả hai quốc gia, tuyệt đại đa số người dân đều phản đối sự chiếm đóng lâu dài của Mỹ. Và một cuộc chiến tranh chống lại các lực lượng chiếm đóng là điều không thể tránh khỏi.
Không phải chỉ vào tháng 8/2021 Taliban mới trở lại. Đã bị Mỹ đánh đổ từ 2001, nhưng đến năm 2006, Taliban tái xuất giang hồ và kể từ đó đã gia tăng đều đặn ảnh hưởng chính trị của mình, mặc dù Mỹ tăng cường thực hiện các cuộc không kích và các hoạt động đặc biệt để loại bỏ các nhà lãnh đạo của tổ chức này.
Việc Taliban trỗi dậy là kết quả những sai lầm của giới lãnh đạo Afghanistan và các quan thầy Mỹ. Những sai lầm ấy lẽ ra có thể dễ dàng tránh được. Lẽ nào với một bộ máy tình báo và phân tích khổng lồ đến thế, ban lãnh đạo các lực lượng chiếm đóng và chính phủ (dù là bù nhìn) Afghanistan lại mắc phải nhiều sai lầm như vậy? Có thể phần nào là do sự ngạo mạn của những kẻ xâm lược sau chiến thắng dễ dàng vào năm 2001. Nhưng họ đã bị cảm giác “say sưa với chiến thắng” đánh lừa. Taliban đã phân tán chiến binh của mình về các làng quê và sơ tán hệ thống lãnh đạo ra nước ngoài. Trong khi đó, ban lãnh đạo (bù nhìn) có rất ít cơ hội lựa chọn và đào tạo những nhân sự có năng lực và trung thực để quản lý một đất nước bị tàn phá sau nhiều năm xung đột.
Cả chính quyền của Karzai, người đầu tiên được Hoa Kỳ “đỡ đầu”, lẫn chính quyền của người kế nhiệm ông ta, là tổng thống Ghani, kẻ đã chạy trốn khỏi đất nước với 4 xe ô tô tiền mặt (dân chúng đồn thế), đều không thể mang lại những cải thiện đáng kể cho cuộc sống của người dân Afghanistan. Ngoài ra, cộng đồng Pashtun lớn nhất của đất nước đã đánh rớt mất quyền kiểm soát đất nước và mất luôn cả “bầu sữa Mỹ” xưa nay.
Người Mỹ tìm kiếm đồng minh trong số các thủ lĩnh dân quân không được người Afghanistan bình thường tôn trọng và ủng hộ. Trong khi đó “sức hấp dẫn” của Taliban không chỉ dựa trên cơ sở tôn giáo chính thống mà còn dựa trên sự từ chối quyền lãnh đạo được áp đặt từ bên ngoài. Sự thất vọng sâu sắc với chính quyền trung ương (đặc biệt kể từ khi cựu giáo sư khoa học chính trị Ashraf Ghani ngồi lên ghế tổng thống từ năm 2014) đã thể hiện rõ và lòng thù ghét chính phủ trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi trong xã hội Afghanistan. Nhu cầu về một giải pháp thay thế đã tạo ra điều kiện cho chiến thắng của Taliban. Thế là chính quyền chiếm đóng đã mất đi một đối tác địa phương mà nếu không có thì không thể thực hiện được việc điều hành cũng như tái thiết Afghanistan.
Yếu tố quyết định thứ hai là sự ủng hộ mà Pakistan dành cho Taliban, vốn đã tăng lên sau khi mối quan hệ Mỹ-Pakistan xấu đi vào giữa những năm 2000. Không chỉ là sự hỗ trợ ngầm của cơ quan tình báo ISI, Pakistan còn giúp đỡ cả về mặt đào tạo, huấn luyện quân sự cho các chiến binh, nhờ đó không chỉ đảm bảo khả năng chiến đấu của các đơn vị vũ trang Taliban mà còn hỗ trợ rộng rãi cho bộ máy hành chính và một phần giới tinh hoa Afghanistan trong việc điều hành đất nước sau này.
Bất chấp những khoản tiền khổng lồ mà Hoa Kỳ đã hào phóng chi cho quân đội Afghanistan (hơn 800 tỷ USD trong 20 năm) và để tái thiết đất nước (khoảng 190 tỷ đô la) sau chiến thắng dễ dàng vào năm 2001, Afghanistan đã không còn là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Và khốn khổ thay, công cuộc chống Mỹ của tình báo Pakistan (ISI) từ lâu vẫn là một bí mật đối với Hoa Kỳ. Chỉ đến năm 2007, người Mỹ mới bắt đầu lần ra mối liên hệ của ISI với Taliban. Vào thời điểm đó, nhiều nhà phân tích chính trị và quân sự Mỹ lưu ý rằng nếu không ngăn chặn nguồn viện trợ của Pakistan, chắc chắn sẽ dẫn đến việc bị mất Afghanistan. Đại diện Hoa Kỳ tại Afghanistan Richard Holbrooke nói thẳng: "Chúng ta đang chiến đấu với kẻ thù lạ lẫm ở một đất nước vô cùng lạ lẫm".
Kết quả của những tính toán sai lầm này: hơn 3,5 nghìn binh sĩ của liên quân do Mỹ cầm đầu, ít nhất 66 nghìn binh sĩ Afghanistan và ít nhất 75 nghìn dân thường đã thiệt mạng.
Sự ủng hộ của Mỹ và Anh dành cho một nhúm người bản địa bị căm ghét đang nắm giữ quyền lực bằng lưỡi lê, cùng với bộ máy thực thi pháp luật địa phương thối nát chỉ chuyên đàn áp và tham nhũng, chỉ có thể kích thích một cuộc nổi dậy mà thôi.
Phạm Bá Thủy