Home » Tin tức » Gương mặt văn nghệ

CÓ MỘT BÀNH THANH BẦN TRÀO PHÚNG

MONday - 28/04/2014 20:35
Nhà thơ Bành Thanh Bần

Nhà thơ Bành Thanh Bần

Có lẽ không có nhà thơ nào trong cuộc đời cầm bút của mình lại không làm đôi ba tập thơ tình, thơ thế sự. Nhưng không phải nhà thơ nào cũng có thể làm được thơ trào phúng, dù chỉ là đôi ba bài. Mới hay, thơ trào phúng là một cái gì đó không dành cho tất cả mọi nhà thơ. Xuất phát từ thơ tình, rồi đến thơ thế sự, nhà thơ Bành Thanh Bần mở rộng biên độ sang thơ trào phúng với số bài lên đến hàng trăm, xem ra việc này không dễ mấy ai làm được như ông.
Tôi đã đọc 3 tập thơ trước đây của nhà thơ Bành Thanh Bần: Bất ngờ, Thả nhớ vào sông và Rượu trời, chủ yếu thuộc thể loại thơ trữ tình và thế sự. Cả 3 tập đều để lại ấn tượng tốt đối với tôi cũng như trong lòng công chúng yêu thích thơ ca. Lần này tôi lại được đọc Chung tình- tập thơ trào phúng của ông với đủ các đề tài. Thơ trào phúng, đối với Bành Thanh Bần, cũng là một thế mạnh. 
Nhưng để có thể hiểu rõ hơn về đặc trưng và lịch sử của thơ trào trong diễn trình văn chương Việt, thiết nghĩ cần có đôi lời lạm bàn về văn chương trào phúng nói chung và thơ trào phúng nói riêng ở nước ta. 
Văn xuôi và thơ trào phúng là thể loại văn chương mà nhiều người thường gọi là văn chương hài hước, châm biếm hay đả kích. Từ xa xưa trong lịch sử, văn chương trào phúng luôn là tiếng nói, là loại vũ khí lợị hại của nhân dân lao động, những người được coi là “thấp cổ, bé họng” nhằm đả kích vào những thói hư tật xấu, loại người đạo đức giả, kệch cỡm, khoe mẽ theo kiểu “trưởng giả học làm sang” hay những phán quyết chéo ngoe của những tên quan lại, những người có chức có quyền,… khiến dư luận bất bình, lòng dân oán hận, dưới góc nhìn hài hước và châm biếm. Văn chương trào phúng bao giờ cũng mang tính chất phê phán rõ rệt, là vũ khí của kẻ yếu chống kẻ mạnh, người ngay chống kẻ gian, biểu lộ khí phách của những con người “phục thiện tiễu gian”. Không đâu như ở thể loại văn chương này tính chiến đấu vừa cao, vừa vô cùng sắc bén, nhằm tấn công vào mọi tệ nạn xã hội, sự bất công, áp bức bóc lột người dân… 
Thể loại văn chương này như một mạch nước ngầm thường xuyên tuôn chảy trong đời sống của người dân lao động không bao giờ ngưng nghỉ. Khi có điều kiện, nhất là trong những lúc giao thời của lịch sử, tranh tối, tranh sáng, đời sống xã hội luật không ra luật, mà lệ cũng chẳng thành lệ, ấy là khi thể loại văn chương này có đất để phát triển. Còn khi đời sống xã hội ổn định, lòng người thái bình hay lúc chiến tranh, loạn lạc thì thể loại văn chương này ít phát triển. 
Trong diễn trình lịch sử văn chương Việt thể loại văn chương trào phúng gắn liền với những tên tuổi lớn như bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Tú Mỡ,… Hiện tại ở Hà Nội có một câu lạc bộ thơ trào phúng gắn liền với các thành viên như: Lâm Điền, 
Vũ Kiểm, Phạm Minh Khôi, Quế Hằng, Lê Mỹ, Ba Tê, Nguyễn Văn Thọ,… 
Bành Thanh Bần đến với thơ trào phúng một cách tự nhiên. Bởi lẽ có thể do trời phú cho ông một vị thế đứng về phía người dân, nói lên những điều chướng tai, gai mắt mà ông cảm nhận được từ cuộc sống của người dân lao động bằng một thứ ngôn ngữ rất giản dị, hài hước, nhưng không kém phần sâu cay. Đấy là một lợi thế có tính chất so sánh, cũng là một cơ hội tốt để nhà thơ Bành Thanh bần có thể dễ dàng thành công với thể loại thơ này.
Mở đầu phần thơ trào phúng trong tập thơ, ông đã không ngần ngại vạch mặt lũ quan tham:

Trên các phương tiện tuyên truyền
Đài, báo liên tục đưa tin đăng bài: 
Tham nhũng mọi cấp, mọi nơ
Ngành nào cũng có loại người nhuốc nhơ

Năm ngoái khui chuyện bất ngờ
Ăn tiền nhà nước cấp cho dân nghèo!
Tiền tết đã hẻo hèo heo
Đến tay hộ nghèo còn tí tì ti
Nhà nước rót xuống thứ gì
Là chúng nó lại tì tì véo ăn 

(Bản chất quan tham). 

Cứ mỗi lần ngành điện tăng giá, lại là một lần làm người dân bức xúc, vì điện năng không chỉ là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất quan trọng trong hệ thống nền kinh tế quốc dân, khiến giá cả tăng vọt đến chóng mặt, mà với thu nhập ít ỏi của người lao động, giá điện tăng, cũng đồng nghĩa với gói tài chính gia đình của họ co lại: 

…“Điên nặng” đang gắng sức gồng
Ễnh Ương bặm miệng để phồng bụng ra

Cho bụng kễnh bằng bụng bò
Tiền nhà nước - cỏ - ních cho chặt vào
Để giá điện chót vót cao
Độc quyền, thích cắt lúc nào, cắt phăng
…Trăm dâu đổ một đầu tằm
Thấp cổ bé họng, chết thằng dân thôi! 

(Chết thằng dân thôi!).

Từ những chuyện như tranh giành chủ quyền biển đảo, “đường lưỡi bò”, thì lời tuyên bố dứt khoát của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về chủ quyền quốc gia rất đáng để mọi người suy ngẫm và kính phục: “ Đất, ta không cướp của ai/ Của ta, một tấc một lai… không nhường!” cho đến chuyện quản lý và sử dụng vốn vay ODA, khiến ông muốn chết mà không chết được vì gánh nợ chất chồng quá cao, còn cháu lại không muốn ra đời vì sợ phải trả món nợ quá lớn cho các thế hệ cha ông trước đây, mà nhà thơ gọi đấy là “gánh nợ đời trần gian”. Có thể nói, đây là một bài thơ khá hay trong tập thơ này của Bành Thanh Bần. Xin mọi người cùng thưởng thức trọn vẹn bài thơ:

Cháu sợ chào đời!

Ông lo lắng hỏi dâu rằng: 
Nó quá mười tháng sao không chào đời?
- Chắc cháu sợ quá ông ơi
Chui ra lại gánh nợ đời trần gian!

Nghe nói toàn dân Việt Nam
Mỗi người một triệu đã quàng vào vai
Tổng số tám sáu triệu người
Già, trẻ, lớn, bé chẳng ai miễn trừ… 

Vinashin đã nát nhừ
Tám sáu ngàn tỷ đầu tư đi đời!
Nay lại “tái” nữa ông ui!
Khiến cháu sợ chẳng dám chui ra ngoài…

- Ông chờ sốt ruột quá rồi
Cháu mau ra đời ông thoả ước mong…
Ông nay tuổi đã trên trăm
Cũng muốn chết quách từ năm ngoái rồi!

Tử sinh là lẽ của trời
Làm sao cưỡng lại, cháu ơi… ra nào!
Cũng đành gánh nợ biết sao
Người ta là cái cấp cao cháu à!

Thương thay một trẻ, một già
Người muốn chết, kẻ trốn ra với đời
Sợ nhiều món nợ trời ơi!
Sinh - Tử là hai chuyện lớn nhất của một vòng đời người, nhưng cũng là lẽ tự nhiên của trời đất, con người không thể quyết định được. Vậy mà nhà thơ Bành Thanh Bần đã chuyển hóa thành chuyện khôi hài, tréo ngoe, đều do con người gây nên cả, khiến người đọc cảm thấy buồn cười, cười rồi ngẫm, ngẫm thấy đau.
Rồi chuyện cho người nước ngoài thuê rừng nhưng thực chất là bán rừng, cũng đồng nghĩa với việc bán từng phần đất đai tổ quốc mà bao đời ông cha đã hy sinh tiền của, công sức và cả xương máu để gì giữ mới có được đến hôm nay. Vậy mà: 
Trời ơi, trời ởi, trời ời
Thế này mất nước đến nơi còn gì!
Bởi chưng quan tỉnh ngu si
Hay là đã ngoạm phong bì phồng mang?
Hoan hô thảo dân Việt Nam
Dẫu đói rã họng chẳng tham tiền người! 

( Giật mình vì cho thuê rừng)

Trong khi đó, thảo dân Lành Văn Nga dù nghèo đói vẫn kiên quyết không bán rừng cho người nước ngoài.
Các vụ án oan sai đối với ông Thanh Chấn, bà Ba Sương, thuế nhập khẩu xe, mặt cầu Thăng Long bị nứt, bùn đỏ ở Cao Bằng, dự án đường sắt cao tốc, vụ Vinashin, Vinaline, chuyện nhà băng, hay dạy thêm học thêm, tạo màng trinh giả, vấn đề độc quyền, lấy và bỏ phiếu tín nhiệm, sự nhầm lẫn trong chẩn đoán, khám bệnh, chuyện quá tải bệnh viện đã xảy ra từ lâu mà ngành y tế vẫn không thể giải quyết dứt điểm được, rút tiền tại các cây ATM, sửa chữa chùa dột nát, chi hoạt động thể thao, đại gia chân dài, vấn đề bão lụt ở miền Trung, việc xả lũ vô tội vạ của các nhà máy thủy điện…có thể nói toàn là những vấn đề nóng không thể nào qua mắt được người dân, đều được Bành Thanh Bần đả kích một cách chua chát, sâu cay bằng giọng văn hài hước, châm biếm. 
Nhưng có lẽ nổi cộm vẫn là quốc nạn tham nhũng. Sờ vào ngành nào, địa phương nào cũng thấy những kẻ có chức, có quyền đục khoét hầu bao của nhà nước được hình thành bằng thuế của người dân đóng góp hoặc đi vay nước ngoài. Trong bài “Thằng nào chẳng “măm”, nhà thơ đã chỉ ra mặt lão quan tham ở Bộ Giáo dục: Bộ này đâu thiếu thằng măm…/ Một con rệp lớn trong chăn đã lòi!/ Rệp này quan lớn hẳn hoi/ Trong Bộ giáo dục, đâu loài tép tôm. Và ông đi đến kết luận chắc như đinh đóng cột: Thằng nào khi đã làm quan/ Mà không bóp nặn dân gian muôn hình? 
Việc cấp giấy phép thành lập trường đại học, nếu muốn làm xong thủ tục thì phải: Muốn lo thủ tục chi chi/ Tiền chưa chồng đủ thứ gì cũng: Không!/ Quyết định công nhận Hội đồng/ Quyết định Hiệu trưởng cũng không đầu vào/ Cứ chi tiền - quyết định trao/ Bán mua quyết định khác sao chợ Giời! Ở cái Bộ này, chưa thấy người ta giáo dục cho nhau cách sống, làm người có văn hóa, nhưng lại thấy họ dạy cho nhau cách đục khoét tiền bạc của dân: Môi trường giáo dục nhọ rồi/ Sẽ thui chột hết nhân tài mai sau/ Bộ giáo dục hãy mau mau/ Diệt hết lũ rệp… đời sau mới hòng… Và hệ quả là làm cho chất lượng giáo dục ngày càng sa sút, nhân tài đất nước thui chột.
Bên cạnh những vấn đề nóng như chống tham nhũng, chống suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ có chức có quyền, những quyết định, việc làm chéo ngoe của người đứng đầu một số bộ ngành, tổ chức, địa phương, đã bị nhà thơ Bành Thanh Bần châm biếm và đả kích khá sâu cay, ông còn cho ta thấy một giọng thơ hài hước từ những chuyện thật giản đơn, buồn cười bắt nguồn từ nhưng tình huống ngẫu nhiên, vô tình, tưởng như vô hại của người đời, nhưng đôi khi lại cười ra nước mắt. Tình huống một người nào đấy cho cô bạn gái số điện thoại của vợ nhà thơ để cô ấy nhắn tin vào số máy của vợ anh ta. Thế là: Chỉ vì thơ thẩn ấy mà,/ Người yêu, kẻ ghét cũng là đương nhiên!/ Thích thơ tôi, muốn nhắn tin/ Mong kết bạn để thơ thêm yêu đời/…/ Bạn bè có kẻ hại người/ Cho nàng số điện vợ tôi, thảo nào/ Đọc tin nhắn nổi ba đào/ Hồn Hoạn Thư đã nhập vào vợ tôi! (Chuột kìa!). Hay là chuyện của những gã trâu già nhưng lại đổ đốn ra thèm gặm cỏ non mới ra nông nỗi: Trái non đã có nước đâu/ Sao anh cứ nút đôi bầu nhũ em?/ Già đời mà vẫn khát thèm/ Sao ngày bé chẳng “cai” thêm, để giờ/ Em đâu phải vú nuôi nhờ/ Kìa anh, ai thấy thì dơ quá chừng/ Buồn em… Sao bỗng nhiên dừng?/ Chắc anh ngộp thở…Thôi đừng… Đừng thôi…/ Hình như có chiếc răng rơi/ Anh sắp khao thọ bẩy mươi … còn gì? (Lời dừa) .
Hoặc …/ Tiền thuê khách sạn đêm qua / và thuốc tăng lực Viagra, thế nào? / Thì em cứ chi đại vào / Mục để tập luyện thể thao, em hì?( Chi vào thể thao )

Không né tránh bất kỳ vấn đề gì, Bành Thanh Bần không những đã chĩa thẳng mũi tên về phía những vấn đề nóng của cuộc sống, phác họa nên một bức tranh xã hội trong thời kỳ nhá nhem, hỗn quân hỗn quan, sờ vào đâu cũng thấy tiêu cực, nhũng nhiễu, mà còn vạch ra sự trớ trêu của những thói đời. Những điều ấy đã góp phần kéo lùi sự phát triển của đất nước, làm sói mòn lòng tin của muôn dân trăm họ.
Có thể nói đây là một tập thơ trào phúng khá hay và đều tay, không có bài nào quá đuối, trừ một số từ ngữ dùng hơi quá đà, làm cho ý thơ lộ, câu thơ trở nên dễ dãi. Có thể thời điểm này đang là cơ hội cho thể loại thơ trào phúng phát triển, mà tập thơ của Bành Thanh Bần là một minh chứng sinh động cho điều ấy. Xin chúc mừng ông./.

Đỗ Ngọc Yên
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh