Home » Tin tức » Văn

TRẬN ĐÁNH NGOẠN MỤC

TUEsday - 05/11/2013 22:24
TRẬN ĐÁNH NGOẠN MỤC

TRẬN ĐÁNH NGOẠN MỤC


                               TRẬN ĐÁNH NGOẠN MỤC

                                                                                         (Hồi ký của Đặng Đặng)

Gần tết nguyên đán Tân Hợi - 1971, vừa chân ướt chân ráo vào đến chiến trường, tôi được điều về tiểu đội anh Thuyết. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không nhớ nổi đó là tiểu đội mấy, thuộc trung đội mấy, bởi ngoài quyết định điều động ra, chúng tôi chẳng bao giờ nhắc đến phiên hiệu, kể cả trong sinh hoạt, hội họp,  chúng tôi vẫn gọi tiểu đội anh Thuyết, trung đội anh Như... Tiểu đội chúng tôi bảo vệ và chỉ huy giao thông trên cung đường nối tuyến 128 với quốc lộ 16 từ Keng Nhang đi bản Phồn. Bản Phồn là một vị trí then chốt, nơi con đường 16 chạy từ Sa Ra Van lượn sát bờ Sê Kông để rồi từ đó chạy dọc hữu ngạn con sông này tới tận A Tô Pơ của nước bạn Lào.
           Một hôm, anh Thuyết bảo tôi:
           - Cả tiểu đội còn mình cậu chưa sốt rét, cậu đi với tớ vào bản đổi ít hàng về cho anh em ăn tết! 
 
          Hai anh em, mỗi người gùi một bao gạo 50kg và vài cân muối theo đường mòn, trèo đèo lội suối vào bản. Đã vào đây nhiều lần, Thuyết dẫn tôi đến thẳng nhà phò bản Bờ Hưng, tại đây, đón chúng tôi, ngoài phò bản còn có một anh bộ đội Giải phóng Lào. Câu chuyện giữa chủ nhà với chúng tôi - nói đúng hơn là với anh Thuyết - diễn ra sôi nổi và hào hứng.Anh Thuyết nói tiếng Lào thạo và hay không kém người Lào, anh cũng có tên Lào là Bun Khay.
          Bun Khay dịch cho tôi biết anh bộ đội giải phóng Lào là Khăm Mạ, đã từng học trường Sỹ quan Lục quân Sơn Tây và vài trường khác ở Việt Nam. Hiện đơn vị do anh chỉ huy đang chiến đấu với bọn Bun Ùm ở dọc bờ sông Mê Kông. Được tin vợ anh sinh cháu, lại đang ốm nặng, cấp trên cho anh "tranh thủ" về thăm nhà, anh đang tính liên hệ với binh trạm tôi cho chị đi viện.
Khăm Mạ và Bun Khay nói với nhau bằng tiếng Lào, thi thoảng lại vỗ vai nhau cười ha hả. Bỗng Khăm Mạ quay sang tôi hỏi bằng tiếng Việt:
           - Thường (tên tôi) ở Sơn Tây là thuộc xã nào? Ở Trung Sơn Trầm có biết cô X, cô Y, cô Z không?...
          Rồi anh kể rất nhiều kỷ niệm về con người và vùng đất đã đào tạo anh thành một người lính chiến, về đại đội thiện chiến và anh hùng của anh ...
          Phò bản Bờ Hưng cho biết: đồng bào chỉ đổi giúp bộ đội được một con tu mu và vài con tu cay thôi, còn thuốc lá, pin đèn, đá lửa... phải sang bản gì đó thuộc vùng giáp ranh mới đổi đươc. Chúng tôi phân vân quá. Thấy vậy, Khăm Mạ bảo: "Cứ đi đi, tôi đi cùng, dẫn đường, tôi cũng muốn sang đó đổi ít vải về cho vợ!"
          Khăm Mạ nai nịt gọn gàng, dắt khẩu K54 vào thắt lưng, khoáccà pha, thấy chúng tôi không có súng, anh bảo: " Các ông một nghề, tôi một nghề, bọn tôi mà đi không như các ông thế này có lúc chết!" Theo đường mòn, chúng tôi tiếp tục lên đường. Lần này đã nhẹ hơn, Thuyết và Khăm Mạ cười nói râm ran, dĩ nhiên là bằng tiếng Lào. Khi thấy cần, Thuyết mới dịch cho tôi nghe, đại loại:Sắp đến vùng giáp ranh, rất có thể gặp bọn biệt kích ngụy Lào lén lút hoạt động, phải hết sức thận trọng... Tuy vậy, các anh vẫn thao thao không dứt, cũng chẳng sao, ai gặp chúng tôi sẽ tưởng là dân vì dân ở đây cũng mặc quân phục.
          Cần nói thêm rằng: tiểu đội tôi hoạt động độc lập, việc thu đổi là chủ chương tự phát, trung đội và đại đội không biết. Nếu xẩy ra chuyện gì, anh Thuyết và tôi chỉ có "chết".
          Mà "chết" thật! Chuẩn bị vượt đường 16, Thuyết dừng lại hút thuốc lào, nhả khói xong, anh ho húng hắng. Một tràng AR15 ré lên bắn về phía anh. Hoảng hồn, tôi vứt gùi gạo, co giò phóng chạy. Không biết bằng cách nào, KHăm Mạ giật tôi ngã sấp, anh đè lên người tôi, quát nhỏ, nhưng rất rõ: "Nằm im! Chạy là chết!" Đoạn anh kéo tôi bò lên chỗ cao quan sát. Bỗng anh hô lớn:
           -Toàn đại đội chú ý! Một tốp địch lọt vào khu vực bố trí của ta. Đồng chí Bun Khay! (Thuyết "có" một tiếng dõng dạc) dẫn trung đội bao vây địch phía  bên phải đường 16! (rõ). Đồng chí Thường! (Anh hô tiếng Việt và vỗ vỗ vào vai tôi, dù đang run, tôi cũng "có"  được một tiếng) Dẫn trung đội bao vây phía trái đường! (rõ). Đồng chí Khăm Mạ! (anh lại hô bằng tiếng Lào) Dẫn trung đội đánh thẳng vào vị trí địch!
            Anh vung súng ngắn, nổ một phát.
            Sự việc diễn ra nhanh quá, khi chúng tôi bò ra mặt  đường,địch đã hè nhau tháo chạy, để rớt lại cả một khẩu phóng lựu M79.
          Khăm Mạ và Bun Khay Thuyết ôm nhau cười lăn lóc. Tôi cũng cười, cái cười có cả sự bẽn lẽn và khâm phục can trường của người sỹ quan quân Giải phóng nhân dân Lào!
           Như thế đấy! Lòng quả cảm, óc thông minh quyết đoán có thể biến một người lính thành một trung đội, ba người lính thành một đại đội!
           Vẫn cười rất tươi, Khăm Mạ bảo: "Mẹo này là của anh hùng Dương Quảng Châu, hồi tôi học ở Lục quân, các đồng chí Việt Nam dạy cho đấy!"
           Mười năm hành quân khắp nẻo đường Bán Đảo, tôi tham gia bao nhiêu trận đánh không còn nhớ nữa, nhưng có thể nói: đây là trận đánh đầu tiên và ngoạn mục nhất trong đời chiến đấu của tôi.
           Sau tết ấy, tôi được điều về bộ đội xe, ít lâu sau, anh Thuyết sang bộ binh và hy sinh trong trận đánh cuối cùng giải phóng thị trấn Pắc Soòng. Còn Khăm Mạ, không biết bây giờ anh ở nơi đâu, đang làm gì trên đất nước anh hùng và tươi đẹp của anh?
ĐĐ
Chú thích:
Phò bản - người đứng đầu một bản Lào
Tu mu - con lợn 
Tu cay - con gà
Cà pha - một loại gùi của người Lào
 

Author: Đặng Đặng

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh