Home » Tin tức » Văn

TRÊN CÂY CẦU THƯƠNG ĐAU

FRIday - 17/04/2015 10:37
TRÊN CÂY CẦU THƯƠNG ĐAU

TRÊN CÂY CẦU THƯƠNG ĐAU

Năm ngoái - ngày19 - 4 - 2014, Đặng Đặng cùng anh chị em CCB Bộ đội Trường Sơn hành hương về Quảng Trị, thăm lại chiến trường xưa và viếng hương hồn đồng đội tại thành cổ, nghĩa trang QG Đường Chín, Nghĩa trang QG Trường Sơn... Trong hành trình, Đặng Đặng đã xin phép dừng lại cầu Hiền Lương gặp gỡ Hoài Thắm cùng nhiều bạn bè của em, một đêm với ân tình trĩu nặng và nhiều kỷ niêm đằm sâu... Mới đó mà đã một năm rồi...
 
TRÊN CÂY CẦU THƯƠNG ĐAU NGÀY CŨ

                                                 
Đặng Đặng


            Trời đã tối, xe từ từ dừng lại nơi đầu cầu Hiền Lương, chỉ một bước nhảy, tôi thấy mình đứng trước di tích kỳ đài giới tuyến,cây cột cờ huyền thoại nơi tiền đồn của tiền đồn phe XHCN vang bóng một thời; bên kia đường,di tích đồn công an giới tuyến đứng oai nghiêm như hình ảnh in đậm trong tôi từ hồi lớp bốn đến giờ.
             Tôi chú mục nhìn con đường nhỏ chạy ra cửa Tùng, hy vọng Hoài Thắm sẽ tới đón tôi từ phía đó, lòng không khỏi chút bồi hồi khó tả.Có tiếng bước chân nhè nhẹ, tôi giật mình quay lại.
  - Hoài Thắm!
  - Anh ...Non Tản!
           Hoài Thắm xiêm y bình dị mà kiêu sa như vừa bước ra từ màn hình Blog Việt, đang đứng trước tôi, rất thực, với gương mặt dịu dàng khả ái. Tôi nắm tay em, bàn tay mịn màng mát rượi, không phải bàn tay trên màn hình máy tính. Em cười rất tươi, nụ cười đựng đầy ngỡ ngàng và mãn nguyện, chúng tôi chờ đợi phút giây này đã từ lâu lắm rồi.
          Tôi nói với em tôi tên là Thức, trên facebook là Thức Đặng Đình. Em à lên một tiếng:"Vậy mà em không biết!" Chúng tôi vào một quán nước bên đường, tiền sảnh nhìn ra cột cờ và dòng Bến Hải. Ôi! Dòng sông mịt mùng khói đạn mà tôi từng bao lần liều mình băng qua năm xưa đây ư? Nó yên lành như chưa bao giờ có những tháng năm dài dữ dội! Hoài Thắm ơi! Em có biết dòng sông quê em còn có tên là gì nữa không? Dạ không! Nó còn có tên Rào Thanh em ạ, anh qua lại đôi bờ hàng trăm chuyến mà cũng không biết, phải đến khi xem "chiếc nón kỳ diệu" anh mới nghe Long Vũ nói như vậy đấy!
          Tôi ngỏ ý muốn về thăm gia đình em. Nhà em xa lắm, cách đây ba bốn cây số cơ, vả lại chồng em đang ốm - em nêu một số khó khăn khiến tôi ngần ngại. Thôi cũng được - tôi quyết định - cái quyết định vội vàng khiến khi chia tay rồi tôi cứ ân hận mãi.
          Em nói với tôi xưa nhà em bên bến cửa Tùng. Cha mẹ em người Vũng Tàu - Bà Rịa tập kết, lấy nhau và định cư ở đó. Hiện vợ chồng em ở cách cửa Tùng dăm cây, các con em đèu đang làm việc và học hành ở Đà Nẵng...
          Tôi nói với em rằng tôi từng sống ở quê em những ngày máu đổ, rằng tôi đã trở lại vùng kỷ niệm đau buồn ấy một đôi lần, rằng chỉ lần này lòng tôi thực sự dào dạt niềm vui...
           Đêm ấy, bên tượng đài Khát vọng phía bờ Nam, Phật tử tổ chức cầu siêu cho những con dân đất Việt tử nạn trong cuộc chiến ở cả hai miền.Tại đó, tôi được gặp nhiều bạn bè của Hoài Thắm,tất cả họ đều xinh đẹp, chân thật và hồn hậu.
          Chúng tôi chầm chậm bước trên cây cầu biểu tượng của thương đau và chia cắt. Câu hát của An Thuyên cứ ngân nga trong hồn như đệm nhạc cho mỗi bước chân của em và tôi:
"Về Hiền Lương...
Tôi về quê mẹ Quảng Trị yêu thương
Đi trên chiếc cầu mà nước mắt rơi....
Xưa đạn bom tơi bời, giờ đồng lúa xanh ngời.
Xưa chia cắt đôi miền, nỗi ngày Bắc đêm Nam..."
           Cây cầu được phục dựng theo nguyên mẫu bị tàn phá năm 1967. Cả màu sơn cũng y như vốn có từ những ngày thương đau đã xa.Trên vạch sơn biểu thị đường giới tuyến năm xưa, một bầy cháu nhỏ đang xếp đèn hoa thành hình trái tim. Tôi nâng máy ảnh, nhìn gương mặt ngời ngời của các cháu, lòng tôi dậy lên niềm mong những tiếng đạn, bom, chiến tranh, giết chóc ... vĩnh viễn biến khỏi kho từ vựng của loài người.
          Mặt sóng Hiền Lương lấp lánh ánh hoa đăng. Tiếng mõ và kinh cầu siêu cuả
 chư tăng vẫn đều đều loang trên sương gió. Chúng tôi lặng nhìn những chùm ánh sáng lung linh huyền ảo dập dềnh đây đó, cầu cho hương hồn các con Lac cháu Hồng siêu sinh và tịnh độ, đất nước không bao giờ còn có cảnh huynh đệ tương tàn.

 

Author: Đặng Đặng

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh