384 tấn hoá chất Formosa nhập đã được Bộ Công thương cấp phép nhưng theo danh sách mà báo Tuổi trẻ có được, GS.TS Lê Huy Bá cho rằng có nhiều chất độc và cực độc.
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều qua (5/5), ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, cả năm 2015 và tính đến thời điểm 2/5/2016, Formosa đã nhập khẩu gần 384 tấn hóa chất.
Danh sách 45 loại hóa chất Formosa nhập về để xử lý chất thải, súc rửa đường ống. Thế này thì cá làm sao sống nổi? – Ảnh: chụp tài liệu của Tuổi trẻ
Trong đó có 103 loại hóa chất đã được đăng ký chấp thuận để nhập khẩu. Riêng từ đầu năm 2016 đến nay, Formosa được chấp thuận nhập khẩu 224 tấn hóa chất với 43 loại hóa chất.
Mục đích nhập khẩu được cho biết là nhằm làm sạch bề mặt kim loại, hóa chất khử khuẩn, chất keo tụ để xử lý nước, hóa chất ổn định, nước làm mát để ức chế ăn mòn hóa học, ổn định độ PH của môi trường nước…
Ông Hải cho biết thêm, từ đầu năm 2016 đến nay, công ty này đã sử dụng khoảng 51 tấn hóa chất, tồn trong kho còn 248 tấn hóa chất.
Đây đều là những hóa chất đã được phép nhập khẩu và sử dụng theo như đã đăng ký cũng như các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, danh sách các hóa chất mà Formosa đã sử dụng đến nay vẫn chưa được Bộ Công thương tiết lộ.
Trước đó, Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết trong quá trình kiểm tra, Tổng cục Môi trường xác định Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh) có vi phạm khi thực hiện việc súc xả đường ống nhưng không thông báo cho địa phương.
Cụ thể, theo danh sách 45 loại hóa chất mà Formosa nhập để súc rửa đường ống, Tuổi Trẻ đã gửi đến một số nhà khoa học để tham khảo.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TS Lê Huy Bá (chuyên gia độc học môi trường) cho biết nhận định ban đầu của ông về danh sách các loại hóa chất được sử dụng tại Formosa gồm nhiều chất độc và cực độc. Trong đó có các chất chống gỉ, chất làm sạch bề mặt kim loại, chất tẩy
GS.TS Lê Huy Bá cho biết, theo danh mục hơn 40 chất được cho là Formosa nhập khẩu vào Việt Nam từ đầu năm đến nay và sử dụng trong sản xuất thì đặc điểm đầu tiên của nhóm các chất này là độc và cực độc đối với con người, động vật, trong đó có các loài tôm cá…
Nhóm chất trong danh mục này có thể thấy là hòa tan nhanh, lan tỏa nhanh, tác động mạnh.
Rất tiếc là những thông tin thể hiện trong danh mục là tên thương mại của các chất không thể hiện rõ chính xác công thức hóa học, nên việc đánh giá mối liên hệ giữa các hóa chất nguyên liệu trong danh mục và những hệ quả đối với môi trường khi được sử dụng, đặc biệt là trong trường hợp các chất thải, nước thải phát sinh không được kiểm soát, xử lý triệt để.
“Còn về tính độc trực tiếp của hầu hết các chất có trong danh mục là khỏi phải bàn, thuộc nhóm độc và cực độc như tôi đã nói”, ông Bá cho hay.
Muốn biết được chính xác “thủ phạm” gây chết cá vừa qua ở nhiều tỉnh miền Trung, thậm chí là để lại những hậu quả lâu dài cho sức khỏe con người, phải tìm nguyên nhân từ chất thải, nước thải thực sự được thu thập một cách khách quan, độc lập.
Mẫu chất thải, nước thải… hay kết quả thử nghiệm, phân tích do chính các nhà sản xuất phát thải cung cấp đều không đảm bảo tính khách quan, chuẩn xác để có thể đánh giá, tìm “thủ phạm” trong tình huống này.
(Theo VTC)