Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

ANH EM HỌ NGUYỄN LÀNG KIM ĐÔI

WEDnesday - 23/09/2015 11:00
Năm Hồng Đức thứ 25 (1494), Lê Thánh Tông lập Hội Tao đàn, gồm 28 hội viên và 2 là Tao đàn sái phu. Trong Hội, có hai cặp hội viên có quan hệ ruột thịt với nhau:
Hình minh họa

Hình minh họa

- Ngô Luân đỗ đồng Tiến sĩ khoa Ất Mùi, Hồng Đức thứ 6 (1473) là anh ruột Ngô Thầm đỗ Tiến sĩ khoa Quý Sửu, Hồng Đức thứ 24 (1493), người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn (nay là Tiên Sơn, Hà Bắc).
- Nguyễn Nhân Bị là anh con ông bác với Nguyễn Xung Sác là em con ông chú, người làng Kim Đôi(*).
Lần này chúng tôi chỉ xin giới thiệu mấy nét về họ Nguyễn làng Kim Đôi, một dòng họ có tiếng đỗ đạt nhiều vào cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI. Sau nữa là tiểu truyện và trích dịch một số bài thơ của hai hội viên Tao đàn Nguyễn Nhân Bị và Nguyễn Xung Sác, nhằm cung cấp một ít tư liệu để bạn đọc hiểu thêm về Hội Tao đàn nói chung và hai hội viên Tao đàn thuộc dòng họ Nguyễn làng Kim Đôi nói riêng.
Họ Nguyễn làng Kim Đôi, huyện Võ Giàng (nay là huyện Quế Võ, Hà Bắc) là một danh gia vọng tộc, tổ tiên vốn người Lạc Thổ, huyện Phượng Sơn (nay thuộc huyện Yên Dũng, Hà Bắc). Tương truyền, đời trước tích âm đức, nhặt được vàng của người khách đánh rơi, trả lại toàn bộ, mặc dù người ấy xin biếu một nửa không nhận, do đó, người khách tìm cho một ngôi đất quý để mộ tổ. Từ đấy, nối đời xuất hiện danh nho. Mở đầu cho sự hiển đạt của dòng họ là Nguyễn Nhân Bị, anh con ông bác và Nguyễn Nhân Thiếp, em con ông chú, cùng đỗ khoa Bính Tuất, Quang Thuận thứ 7 (1466).
Sự đỗ đạt của anh em họ Nguyễn làng Kim Đôi thịnh vượng nhất vào thời Lê Thánh Tông, gồm 11 người. Có khoa như khoa Bính Thìn, Hồng Đức thứ 27 (1496), có 30 Tiến sĩ, thì huyện Võ Giàng chiếm 6, riêng họ Nguyễn làng Kim Đôi chiếm 4, đó là Nguyễn Viên, Nguyễn Kính, Nguyễn Đạo Diễn, Nguyễn Củng Thuận. Và trong dòng họ có tới 4 người làm quan đến Thượng thư như: Nguyễn Nhân Thiếp, Nguyễn Viên, Nguyễn Kính, Nguyễn Lượng. Trước sự thịnh đạt của dòng họ Nguyễn làng Kim Đôi ấy, Lê Thánh Tông phải thốt lên: "Anh em họ Nguyễn làng Kim Đôi, áo đỏ, áo tía đầy triều"(1). Đến khi lập Hội Tao đàn, Lê Thánh Tông bèn chọn hai anh em ruột Nguyễn Nhân Bị và Nguyễn Xung Sác cùng tham gia Hội. Trước khi tìm hiểu hai hội viên Hội Tao đàn, xin điểm qua những người đỗ đạt trong dòng họ.
Dòng trưởng:
- Nguyễn Củng Thuận, con anh cả (không rõ tên), 25 tuổi đỗ đồng Tiến sĩ khoa Bính Thìn, Hồng Đức thứ 27 (1496), làm quan đến Tả thị lang(2).
- Nguyễn Dũng Nghĩa, con trai Nguyễn Nhân Bị, đỗ khoa Quí Sửu, Hồng Đức thứ 24 (1493), làm quan đến Giám sát ngự sử(3).
- Nguyễn Đạo Diễn, con Nguyễn Xung Sác, 29 tuổi, đỗ đồng Tiến sĩ khoa Bính Thìn, Hồng Đức thứ 27 (1496), làm quan đến Hiến sát sứ(4).
Dòng thứ:
- Nguyễn Nhân Thiếp, 25 tuổi đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất, Quang Thuận thứ 7 (1466), làm quan đến Thượng thư bộ Lại(5).
- Nguyễn Nhân Dư, em ruột Nguyễn Nhân Thiếp, 17 tuổi đỗ đồng Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn, Hồng Đức thứ 3 (1472), làm quan đến Hiến sát sứ(6).
- Nguyễn Nhân Dịch, là em ruột Nguyễn Nhân Dư, 18 tuổi đỗ đồng Tiến sĩ khoa Ất Mùi, Hồng Đức thứ 6 (1475), làm quan đến Hiệu thảo(7).
- Nguyễn Viên là con Nguyễn Nhân Thiếp, 21 tuổi đỗ Bảng nhãn khoa Bính Thìn, Hồng Đức thứ 27 (1496), làm quan đến Thượng thư(8).
- Nguyễn Kính là em ruột Nguyễn Viên, 18 tuổi đỗ đồng Tiến sĩ khoa Bính Thìn, Hồng Đức thứ 27 (1496), hai lần đi sứ, làm quan đến Thượng thư(9).
- Nguyễn Hoằng Khoản, là con Nguyễn Nhân Dịch, 20 tuổi đỗ đồng Tiến sĩ khoa Canh Tuất, Hồng Đức thứ 21 (1490)(10).
- Nguyễn Đức Lượng là con Nguyễn Kính, 27 tuổi đỗ Nhị giáp Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất Quang Bảo thứ 9 nhà Mạc (1556) có đi sứ, làm quan đến Thượng thư bộ Hộ(11).
Để tiện việc theo dõi, xin tóm tắt lại như sau (những chữ số trong ngoặc đơn là năm thi đỗ):
Dòng trưởng:
1
Anh cả (không rõ tên) Nguyễn Nhân Bị
(1466, 1491)
Nguyễn Xung Sác
11 (1469)
Nguyễn Củng Thuận (1496) Nguyễn Dũng Nghĩa (1493) Nguyễn Đạo Diễn (1496)
1 1
Dòng thứ:
1
Nguyễn Nhân Thiếp (1466) Nguyễn Nhân Dư (1472) Nguyễn Nhân Dịch (1475)
Nguyễn Viên (1496) Nguyễn Kính (1496) Nguyễn Hoằng Khoản (1490)
1 Nguyễn Đức Lượng (1536) 1
1 1
Hiện tượng nhiều người thi đỗ trên đây của anh em nhà họ Nguyễn làng Kim Đôi, còn là nhờ sự dạy bảo của thầy Trần Bá Linh ở Thị Cầu. Thầy đỗ Hoàng giáp khoa Nhâm Tuất, Đại Bảo thứ 3 (1442), từng đi sứ phương Bắc, làm quan đến Hình viện tri đông đạo quân dân bạ tịch. Nguyễn Nhân Bị, Nguyễn Xung Sác, Nguyễn Nhân Thiếp, Nguyễn Nhân Dư, Nguyễn Nhân Địch đều là học trò do thầy Trần Bá Linh trực tiếp dạy bảo(11). Vì vậy, thầy trò anh em họ Nguyễn làng Kim Đôi nức tiếng một thời. Và, khi lập Hội Tao đàn, Lê Thánh Tông đã chọn hai người thuộc dòng trưởng là Nguyễn Nhân Bị và Nguyễn Xung Sác tham gia.
NGUYỄN NHÂN BỊ (1448 - ?)
Nguyễn Nhân Bị sinh năm Mậu Thìn, Thái Hòa thứ 6 (1448), không rõ năm mất. 19 tuổi, đỗ đồng Tiến sĩ, khoa Bính Tuất, Quang Thuận thứ 7 (1466). Khoa ấy có 27 người đỗ, trong đó có Đỗ Nhuận sau có tham gia Hội Tao đàn. Nhân Bị lúc nhỏ rất dĩnh dị, thường tự phụ rằng mình sẽ đỗ thủ khoa. Đến khi không được như ý, bèn xin về quê học lại. Đến khoa Tân Sửu, Hồng Đức thứ 12 (1481), Nhân Bị đi thi lần thứ hai, nhưng cũng chỉ đỗ đồng Tiến sĩ. Khoa này có 40 người đỗ, trong đó có Lưu Hưng Hiếu, Ngô Văn Cảnh sau có tham gia Hội Tao đàn. Lúc này Nhân Bị đã 34 tuổi, các em trong nhà, trong họ đều thành đạt, quyền cao chức trọng, nên không từ chối quan chức nữa. Nhân Bị làm quan đến Hàn lâm hiệu lý, thăng đến Binh bộ Thượng thư(12).
Nguyễn Nhân bị để lại tác phẩm không nhiều, hiện còn có một số sáng tác như sau:
- Được chép trong Quỳnh uyển cửu ca có 9 bài thơ họa thơ Lê Thánh Tông.
- Chùm thơ ba bài, đồng tác giả, trong đó có đủ ba bài thơ họa thơ Lê Thánh Tông: Họa Ngự chế Tư gia tướng sĩ, Họa Ngự chế Anh tài tử, Họa Ngự chế Lục Vân động.
Sau đây xin trích dịch hai bài thơ của Nguyễn Nhân Bị trong chùm thơ ba bài để bạn đọc cùng tham khảo:
Phụng họa Ngự chế: Tư gia tướng sĩ
Nhân sinh bách tuế dữ ưu câu,
Huống phục thiên nhai chích ảnh cô.
Hạo đãng giai kỳ sầu tự hải;
Sâm si viễn mộng tứ như thu.
Tây hà thủy bạc ngư thư đoạn;
Bắc tái vân thâm nhạn tín vô.
Tá vấn qui kỳ hà nhật thị,
Oanh hoa xuân noãn đế vương châu.

Dịch nghĩa:
Vâng họa bài: Tướng sĩ nhớ nhà của Đức Vua.
Người ta sống đến trăm tuổi, đều phải lo âu,
Huống hồ phải ở nơi chân trời cô đơn chiếc bóng.
Ngày hội ngộ xa vời, nỗi buồn mênh mang như bể;
Giấc mộng phương xa dằng dặc, nỗi niềm man mác tựa thu.
Sông tây nước nông, thư cá đứt đoạn;
Ải bắc mây dày, tin nhạn bặt tăm(13).
Xin hỏi ngày về là ngày nào đây?
Ấy là lúc mùa xuân oanh ca hoa nở khắp kinh đô(14).

Dịch thơ:
Đời người đầy ắp nỗi lo sầu,
Huống ở chân trời chiếc bóng côi
Hội ngộ xa vời sầu tựa bể;
Mộng quê dằng dặc tứ như thu.
Sông tây thư cá nào tìm được;
Ải bắc tin nhà chẳng thấy đâu.
Thử hỏi ngày nào về được nhỉ?
Ấy khi hoa nở khắp kinh châu.
 
Lâm Giang dịch
Phụng họa Ngự chế: Lục Vân động
Ỷ không thạch bích tủng toàn ngoan, 
Quang lãng hồ thiên thế giới khoan.
Vân hữu bán gian tàng Phật ốc;
Trần vô nhất điểm đáo Thiền quan.
Y y sơn sắc yên hoa bạc;
Húng húng giang thanh dạ khí hàn.
Trúc viện tăng quí xuân trú tĩnh,
Lạc hoa đề điểu tịch dương nhân.

Dịch nghĩa:
Vâng họa bài: Động Lục Vân của Đức vua.
Vách đá dựa tầng không cao chót vót lởm chởm,
Một bầu trời rộng sáng trong thế giới bao la.
Có nửa khoảnh mây che ngôi chùa Phật;
Không một hạt bụi vương chốn cửa Thiền,
Sắc núi xanh xanh, hoa khói mờ nhạt;
Tiếng sóng ào ào, khí đêm lạnh lùng.
Nhà sư quay về trúc viện, ngày xuân yên tĩnh.
Hoa rụng, chim hót, bóng tịch dương nhởn nhơ(15).

Dịch thơ:
Vách cao lởm chởm dựa tầng không,
Rộng sáng bầu trời bát ngát trong.
Mây có nửa gian che cửa Phật;
Bụi không một hạt phủ tòa hồng.
Xanh xanh sắc núi mờ hoa khói;
Cuồn cuộn sóng xô, khí lạnh lùng.
Xuân tiết sư ông về trúc viện,
Hoa rơi chim hót nắng chiều rong
 
Tường Luân dịch
NGUYỄN XUNG SÁC (1451-?)
Nguyễn Xung Sác sinh năm Tân Mùi, Thái Hòa thứ 9 (1451), không rõ năm mất. 19 tuổi đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu, Quang Thuận thứ 10 (1469). Khoa ấy có 22 người đỗ, trong đó có Thân Nhân Trung sau tham gia Hội Tao đàn. Trước tên là Nguyễn Nhân Phùng, Lê Thánh Tông đổi là Nguyễn Trọng Ý, sau lại đổi là Xung Sác (có sách chép là Trọng Sác, Xung Ý), làm quan đến Hàm lâm viện thị độc Chưởng viện sự, kiêm Lễ bộ Hữu thị lang(16). Không rõ sau khi đậu Tiến sĩ được bổ chức quan gì, còn chức Hàn lâm viện thị độc Chưởng viện sự thì cuối năm Hồng Đức thứ 14 (1483) mới được nhận(17). Năm Hồng Đức thứ 15 (1484), Nguyễn Xung Sác lại kiêm Tú lâm cục tư huấn, tham gia soạn bia tiến sĩ tại Văn Miếu(18). Đến cuối năm Hồng Đức thứ 22 (1491), Nguyễn Xung Sác được bổ Hàn lâm viện thị độc Chưởng Hàn lâm viện sự kiêm Lễ bộ tả thị lang(19). Năm Hồng Đức thứ 25 (1494) tham gia Hội Tao đàn, đứng thứ 5 trong số 28 hội viên.
Theo Đại Việt lịch đại tiến sĩ khoa thực lục (A.2040 tờ 17a), Nguyễn Xung Sác làm quan đến Lễ bộ tả thị lang kiêm Hàn lâm viện, sau mắc lỗi bị biếm xuống Tế tửu.
Theo Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn (A.132/2 tờ 18a), Nguyễn Xung Sác là người giỏi thơ Nôm, bài Tiêu Tương bát cảnh hiện chép trong Hồng Đức quốc âm thi tập là của ông.
Về trước tác, Nguyễn Xung Sác để lại khá nhiều, nhưng nằm rải rác ở các sách. Chính tác giả và con cháu cũng chưa có điều kiện tập hợp các sáng tác ấy thành thi tập, văn tập, hoặc thi văn tập. Cũng vì vậy, không tránh khỏi sự thất lạc. Hiện tập hợp được một số sáng tác như sau:
1. Quỳnh uyển cửu ca, đồng tác giả, trong đó có đủ 9 bài thơ họa thơ Lê Thánh Tông.
2. Chùm thơ ba bài, đồng tác giả, có đủ ba bài thơ họa thơ Lê Thánh Tông.
3. Văn minh cổ xúy, đồng tác giả, trong đó có đủ 6 bài thơ họa thơ Lê Thánh Tông: Họa Ngự chế Bái yết sơn lăng cảm thành, Họa Ngự chế Thiên Vực giang hiểu phát, Họa Ngự chế Truy hoài Thánh Tổ huân nghiệp, Họa Ngự chế Hạnh Kiến Thụy đường, Họa Ngự chế Trú Thúy Ái châu.
4. Cổ kim bách vịnh, đồng tác giả, họa thơ Lê Thánh Tông. Hiện sách này chưa thấy, tên sách ghi trong Đại Việt sủ ký toàn thư(20).
5. Thứ vận tống Đàm Hiệu thư Văn Lễ Bắc sứ.
6. Họa Ngự chế Quan giá đình trung thu ngoạn nguyệt. Hiện chưa thấy bài thơ này. Tên bài thơ chép trong Đại Việt sử ký toàn thư(21).
7. Tiêu Tương bát cảnh (thơ Nôm).
8. Bài văn bia: Hồng Đức nhị thập niên, Tân Sửu khoa Tiến sĩ đề danh ký.
9. Các đoạn văn bình (cẩn ngôn) thơ Lê Thánh Tông:
1
TT Tác phẩm của
Lê Thánh Tông
tờ Tên bài thơ bình Số chữ
bình
Ghi chú

1

Quỳnh uyển cửu ca chép trong Minh lương cẩm tú 
(A.1413)
15a
30b
37a
42b
53a
60b
Bách cốc phong đăng; 
Quân minh thần lương 
Dao tưởng anh hiền 
Kỳ khí 
Văn nhân 
Mai Hoa
308
360
150
260
150
130
lời "cẩn ngôn"
- nt -
lời bình
- nt -
- nt -
- nt -
2 Minh lương cẩm tú (A.254) 7a Tư gia tướng sĩ 280 - nt -
1 1
Sau đây xin trích dịch ba bài thơ của Nguyễn Xung Sác, trong đó, hai bài rút trong tập Văn minh cổ xúy, một bài viết tặng Đàm Văn Lễ khi sứ phương Bắc, hiện chép trong Toàn Việt thi lục.
Phụng họa Ngự chế: Bái yết sơn lăng cảm thành.
Để lý quang hồi chính diệm nghiên,
Xuân hoa như hải liễu như yên.
Quân nhân tế vũ phùng sơn tế;
Mạc mạc hương vân lạc giản biên.
Tổ luyện xuyên hồi thiên lý túc;
Tinh kỳ phong động vạn thiên huyền.
Vi thần điêu hộ Tây Kinh tất,
Hoa cái chiêm y chỉ xích thiên.
(Văn minh cổ xúy)

Dịch nghĩa:
Vâng họa bài: Lễ ở sơn lăng xúc cảm thành thơ của Đức vua.
Quê hương nhà vua đẹp rực rỡ trong ánh nắng,
Hoa xuân như biển, tơ liễu như khói.
Mây thơm lặng lặng tỏa xuống bên khe.
Suối đổ về như giải lụa, muôn dặm nghiêm túc;
Gió lay động quạt cờ, ngàn vạn chiếc treo cao.
Kẻ bầy tôi may được theo hộ giá đến Tây Kinh;
Nương bóng lọng hoa gần trong gang tấc(22)

Dịch thơ:
Nắng hồng rực rỡ dọi quê vua,
Tựa biển hoa xuân, liễu rủ tơ.
Mưa nhỏ dăng dăng viền hốc núi;
Mây thơm lặng lặng tỏa bên bờ.
Dặc dài giải lụa dòng quanh quất,
Bát ngát tinh kỳ gió phất phơ.
Hộ giá Tây Kinh may được dự,
Gần trong gang tấc cạnh tàn vua.
 
Lâm Giang (dịch)
Phụng họa Ngự chế: Trú Thúy Ái Châu
Thúy hoa dao duệ vũ sơ tình,
Đáo xứ thần dân hỷ bái nghênh.
Quản thược thanh trung Chu lễ nhạc;
Y quan hội thượng Hán văn minh.
Chí nhân đãng đãng tam vương trị;
Đại hiếu nguy nguy vạn cổ danh,
Nhất niệm kỳ khăng thân giới sắc,
Canh ca hỷ khởi bảo thăng bình
(Văn minh cổ xúy)

Dịch nghĩa:
Vâng họa bài: Dừng lại châu Thúy Ái của Đức vua.
Lọng hoa màu biếc phấp phới, cơn mưa vừa tạnh,
Khắp nơi thần dân vui mừng nghênh đón.
Tiếng đàn sáo vang lừng như lễ nhạc nhà Chu,
Các quan mũ áo tề chỉnh tựa văn minh nhà Hán.
Đức nhân nghĩa mênh mông thời thịnh trị tam vương(23);
Lòng chí hiếu vòi vọi muôn thuở nổi danh.
Luôn luôn suy nghĩ ban sắc lệnh răn giới,
Vua tôi mừng vui nối nhau ngợi ca thời thanh bình(24).

Dịch thơ:
Sau mưa phấp phới lọng hoa xanh,
Khắp cõi thần dân tới đón nghênh.
Đàn sáo vang lừng Chu lễ nhạc;
Áo xiêm tề chỉnh Hán văn minh.
Mênh mông đại nghĩa thời bình trị;
Vòi vọi tấc lòng hiếu nổi danh.
Sắc chỉ ban ra răn giới lệnh,
Vua tôi ca ngợi buổi thanh bình.
 
Lâm Giang (dịch)
Thứ vận: Tống Đàm Hiệu thư Văn Lễ Bắc sứ.
Sứ tinh sổ điểm xuất dao kinh, 
Tráng chí hưu từ vạn lý trình.
Đằng dực thu cao thiên viễn đại;
Mai hoa xuân tảo nhật phân minh.
Lục Kinh cựu học quân vô thái;
Tứ hải đồng niên ngã hữu tình.
Lưu Lữ Nam lai quân Bắc khứ,
Vị tri thùy trọng hựu thùy khinh.

Dịch nghĩa:
Họa vần: Tiễn quan Hiệu thư Đàm Văn Lễ đi sứ phương Bắc.
Cờ sứ mấy lá đi ra khỏi kinh ngọc,
Tráng chí chẳng từ nan, hành trình vạn dặm.
Chim bằng cất cánh buổi cuối thu, trên bầu trời xa rộng;
Hoa mai nở buổi đầu xuân dưới nắng soi sáng phân minh.
Lục Kinh(25) nền học cũ, bác chớ quá lo,
Bốn bể đều là bạn bè, tôi có lòng mong mỏi ấy.
Họ Lưu, họ Lữ đến phương Nam(26), bác thì lên phương Bắc,
Chưa biết việc ai nặng hay việc ai nhẹ đây ?

Dịch thơ:
Rời khỏi kinh đô bóng sứ tinh,
Chí trai chẳng quản cuộc hành trình.
Chim bằng cất cánh trời thu rộng;
Hoa trắng đầu xuân nắng rõ rành,
Cựu học: Lục Kinh anh chớ ngại,
Bạn bè bốn bể giống đa tình.
Sang Nam Lưu Lữ, anh đi Bắc,
Chưa biết rằng ai trọng ai khinh?
 
Lâm Giang (dịch)
---

Chú thích:
* Xem Lâm Giang: Bước đầu tìm hiểu Hội Tao đàn. Tạp chí Hán Nôm số 2, 1987.
(1) Khoa Bảng tiêu kỳ (viết tắt: Tiêu kỳ) A.539, tờ 64a-66a.
(2) Tiêu kỳ: Sđd, tờ 64a-66a.
(3) Thiên Nam lịch triều đăng khoa bị khảo q.4, tờ 2a-66a.
(4) Xem (3)
(5) Đại Việt lịch đại tiến sĩ khoa thực lụ c (viết tắt Đại Việt) A.2040, tờ 15a. Thiên Nam Sđd, tờ 2a, Đăng Khoa lục A.2752, tờ 14a chép sai Nguyễn Nhân Thiếp 15 tuổi đỗ Tiến sĩ.
(6) Đại Việt, Sđd tờ 19b.
(7),(8),(9) Tiêu kỳ, Sđd, tờ 64a-66a.
(10),(11) Thiên Nam, Sđd, q.4, tờ 2a-66a.
(12) Tiêu kỳ, Sđd, tờ 42a-43b.
(13) Thiên Nam, Sđd.
(14) Thư cá, tin nhạn: Chỉ thư từ, tin tức nói chung.
(15) Lê Tuấn Anh dịch nghĩa.
(16) Lê Tuấn Anh dịch nghĩa.
(17) Toàn Việt thi lục A.132/2, tờ 18a.
(18) Toàn thư, bản Chính Hòa, H. 1985, tập 2, tr.491.
(19),(20) Toàn thư, Sđd, tr.494, 513.
(21) KHXH, H. 1985, tập 2, tr.417.
(22) KHXH, H. 1985, 1973, tập 4, tr.25.
(23) Lê Tuấn Anh dịch nghĩa.
(24) Tam Vương: Chỉ vua 3 đời, gồm vua Vũ nhà Hạ, vua Thang nhà Thương và các vua Văn Vương, Vũ Vương nhà Chu. Đây là ba thời rất thịnh trị trong cổ sử Trung Quốc.
(25) Lê Tuấn Anh dịch nghĩa.
(26) Lục kinh: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Ngạc, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu.
(27) Chưa rõ điển tích này.

Lâm Giang

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh