Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

ĐẶC ĐIỂM VĂN BẢN VÀ NỘI DUNG TỤC LỆ LÀNG XÃ CỔ TRUYỀN

TUEsday - 01/10/2013 09:07
ĐẶC ĐIỂM VĂN BẢN VÀ NỘI DUNG TỤC LỆ LÀNG XÃ CỔ TRUYỀN

ĐẶC ĐIỂM VĂN BẢN VÀ NỘI DUNG TỤC LỆ LÀNG XÃ CỔ TRUYỀN

Chúng tôi giới thiệu một cách khái quát trước hết về văn bản và nội dung của các tục lệ làng xã cổ truyền, sau đó là vai trò của nó trong việc quản lí làng xã ở các thời kì lịch sử, cũng như mặt tích cực, hạn chế của tục lệ cổ truyền trong quản lý và xây dựng làng văn hóa hiện nay ở nước ta.
ĐẶC ĐIỂM VĂN BẢN VÀ NỘI DUNG TỤC LỆ LÀNG XÃ CỔ TRUYỀN



Chúng tôi giới thiệu một cách khái quát trước hết về văn bản và nội dung của các tục lệ làng xã cổ truyền, sau đó là vai trò của nó trong việc quản lí làng xã ở các thời kì lịch sử, cũng như mặt tích cực, hạn chế của tục lệ cổ truyền trong quản lý và xây dựng làng văn hóa hiện nay ở nước ta.
1. Tục lệ và văn bản tục lệ làng xã cổ truyền
Mỗi làng xã cổ truyền Việt Nam đều có phong tục tập quán riêng biệt, định hình thành tục lệ làng xã. Hầu hết các tục lệ này được ghi chép thành văn bản mà phần lớn trong đó đã được sưu tầm, sao chép và hiện đang được bảo quản trong kho sách Hán Nôm tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và ở một số thư viện khác ở trung ương, cũng như ở địa phương.
Tên gọi cho các văn bản tục lệ này khá đa dạng, như tục lệ, khoán lệ, hương ước... trong đó phần lớn các văn bản cổ đều ghi là khoán lệ, tức là những điều lệ cụ thể của làng xã. Các điều lệ này về sau sao chép lại được gọi chung là tục lệ hay hương ước. Nhìn chung các văn bản này bao gồm các tục lệ của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp của làng xã như những điều ước của giáp, của hội Tư văn, của làng nghề mua bán Long Đằng (Đông Ngạc, Từ Liêm), hay của phố chợ vàng bạc Kim Ngân (Phố Hàng Bạc, Hà Nội), hoặc của làng xã nói chung... Tuy nhiên chúng thường được gọi chung là hương ước, tức là các điều quy ước của làng, tương tự quy ước xây dựng làng văn hóa hiện nay ở các địa phương.
Về mặt văn bản, tài liệu tục lệ hiện có trong kho sách Hán Nôm chủ yếu là phông sách kí hiệu AF, gồm các văn bản chép tay từ các địa phương gửi đến trong dịp sưu tầm và xây dựng kho tư liệu Hán Nôm của Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội vào những năm đầu thế kỷ XX. Ngoài ra là các sách chép tay hoặc in ấn khác như Đông Ngạc xã điều lệ, kí hiệu A.2506, hoặc La Nôi ỷ la hương lệ kí hiệu A.729... Số ít khác chưa có trong kho sách Hán Nôm, nhưng chúng tôi sao chép được ở các địa phương. Tuy phần lớn sách tục lệ không phải là bản gốc mà chủ yếu là bản sao, song các điều khoản có niên đại sớm đều được chép lại đầy đủ, thậm chí nhiều bản hương ước có khá nhiều niên đại khác nhau, bởi hương ước đó luôn được bổ sung và điều chỉnh vào các thời điểm khác nhau về sau. Chẳng hạn tục lệ làng Dương Liễu (Hà Tây) bao gồm các khoán ước lập năm Cảnh Trị 4 (1666), Cảnh Trị 6 (1668), Cảnh Trị 8 (1670), Chính Hòa 12 (1691), Vĩnh Hựu 5 (1739), Cảnh Hưng 10 (1749), Cảnh Hưng 15 (1754) và Cảnh Hưng 21 (1760)... Nhiều hương ước khác bao gồm các điều khoản lập vào thời Lê, sau đó bổ sung vào thời Nguyễn.
Hầu hết niên đại sớm nhất của các văn bản tục lệ là từ thế kỷ XVII, trong đó điển hình là hương ước làng Dương Liễu vừa nêu trên, làng Mộ Trạch (Hải Dương) soạn thảo vào năm Cảnh Trị 3 (1665), làng Quỳnh Đôi (Nghệ An) soạn vào thế kỷ XVII. Tục lệ làng Quỳnh Đôi chép trong sách Quỳnh Đôi hương biên, kí hiệu A.3154 do Hồ Phi Hội biên tập, sách chép về hương lệ của làng, song chỉ có một vài điều khoản, còn lại chép các công việc khác của làng. Cũng trong các bản tục lệ đó, ở một số làng chép lại được một số khoán ước được soạn dưới thời Lê Hồng Đức, như Đại Phùng tổng khoán ước, kí hiệu 2875 soạn vào năm Chính Hòa 5 (1684), nhắc lại một số điều ước từ năm Hồng Đức 6 (1475). Văn bản bia Trăn Tân từ lệ ở đền Trăn Tân huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh, khắc năm Hồng Đức 18 (1487) ghi lại việc các xã trong hai huyện Thiện Tài và Gia Định phủ Thuận An xứ Kinh Bắc định điều lệ tế Thần. Đây là hai trong số văn bản tục lệ hiếm hoi xuất hiện dưới niên hiệu Hồng Đức thế kỷ XV. Thế kỷ XVI tuy không tìm thấy văn bản tục lệ nào, song tục lệ khắc trên bia thì lại khá phổ biến, trong đó tiêu biểu là văn bia Phúc Lâm Hoằng Thệ tự đình thị biở chùa Phúc Lâm, xã Vĩnh Thệ, huyện Tiên Phong nay là huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây, dựng năm Hưng Trị 2 (1589) ghi điều ước rằng chùa Phúc Lâm của hương Chân Na, định lệ chia làm 12 khu phân chia sắm lễ vật và rước lễ. Đến thế kỷ XVII thì tục lệ khắc trên bia khá phổ biến, cùng với hàng loạt văn bản tục lệ được xuất hiện. Đây là giai đoạn tái biên soạn hương ước như nhận định của nhà Việt Nam học Nhật bản ShiMao Minoru. Thực tế, tục lệ ở làng xã thì xuất hiện khá sớm, song việc văn bản hóa thành văn bản để thi hành và lưu truyền thì thường lại diễn ra muộn hơn nhiều, thậm chí rất muộn, như khá nhiều hương ước ở các địa phương thuộc tỉnh Phú Thọ đều ghi rằng các điều lệ của làng chỉ truyền khẩu mà không có sách vở nào, mãi đến những năm đầu thế kỷ XX mới sao chép lại.
Các văn bản tục lệ thực tế chỉ mới xuất hiện từ thế kỷ XV trở đi ở làng xã đồng bằng Bắc bộ, khi mà xã trở thành đơn vị hành chính cơ sở và làng xã được tổ chức ngày càng chặt chẽ. Nhà nước phong kiến ban hành chính sách quân điền, quy chế hóa việc chia cấp phần ruộng đất thuộc quyền sở hữu tối cao của Nhà nước nằm trong các làng xã, nhằm can thiệp sâu vào từng đơn vị tụ cư đó. Tuy vậy làng nào cũng có lệ chia cấp riêng. Bởi thế Nhà nước có luật nước thì làng xã có lệ làng. Điều này thường được ghi trong các bài tựa của mỗi tục lệ hay hương ước, như hương ước xã Mộ Trạch (Hải Dương) cho biết: “Nhà nước giữ đạo trị bình ắt phải nêu rõ kỷ cương, xóm làng giữ tục thuần hậu cần phải làm rõ quy ước, theo khuôn mẫu một điều mà lập ra các điều”. Tuy nhiên, các điều ước này trở thành lệ làng, đôi khi đối lập với luật nước. Vì vậy Nhà nước phong kiến thời Lê sơ đã hạn chế dân gian thiết lập tư ước. Đạo dụ của Lê Thánh Tông khuyên các làng xã không nên có khoán ước riêng này chứng tỏ rằng từ giữa thế kỷ XV trở đi, hương ước đã tồn tại song song và phần nào mâu thuẫn với Luật pháp nhà nước, làm cho luật nước ít nhiều bị giảm hiệu lực trong từng luỹ tre xanh đó. Trải qua thế kỷ XVI, Nho giáo có phần nào nhường chỗ cho Phật giáo và Đạo giáo, song sang thế kỉ XVII, Nho giáo lại được đề cao. Bên cạnh các đạo luật có từ thời Hồng Đức được bổ sung sử dụng rộng rãi, Nhà nước phong kiến thời Lê Trịnh thế kỷ XVII còn ban bố 47 điều giáo hóa theo khuôn mẫu kinh điển Nho gia. Chính vì vậy, hương ước ở làng quê được tái biên một cách phổ biến. Số lượng hương ước cổ hiện biết chủ yếu là các văn bản biên soạn từ đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX (đầu thế kỷ XX là hương ước cải lương).
2. Nội dung của tục lệ làng xã cổ truyền
Về nội dung cụ thể của tục lệ làng xã cổ truyền, do mỗi làng, tuỳ theo đặc điểm riêng, mà có những tập tục, quy ước riêng; bởi vậy, nhìn chung các điều khoản ghi trong tục lệ rất đa dạng và phong phú.
a. Nội dung tục lệ thường tập trung ở một số điều khoản liên quan đến việc tế tự, cúng lễ trong làng và xác định rõ tôn ty trật tự; ngoài ra là các điều khoản về bảo vệ nông nghiệp, ruộng đồng, đóng góp với làng xóm, vấn đề khuyến khích học tập, tinh thần trọng lão... Tuy nhiên đối với làng nghề hay làng khoa bảng thì hầu như không có các điều khoản liên quan đến sản xuất nông nghiệp mà thay vào đó là các điều ước về nghề thủ công về khuyến học. Những quy ước trong tục lệ làng xã liên quan đến các khía cạnh tiêu biểu sau đây:
- Về cơ cấu tổ chức và các quan hệ xã hội trong làng
Đây là nội dung chính của hương ước, bao gồm phần lớn các điều khoản liên quan tới nhiều mặt của đời sống xã hội làng xã.
Trước hết là những quy ước liên quan tới các thiết chế tổ chức trong làng, chức năng, quyền hạn và lề lối làm việc của từng tổ chức cũng như các thành viên trong đó, như tổ chức bàn, giáp, ngõ xóm, quan viên chức sắc, những người có vai trò quan trọng nhất định trong sinh hoạt làng xã.
- Về các quan hệ xã hội hay thứ bậc xã hội
Đó là những quy ước về Lão quyền, tức là quyền của người già trong làng; Nam quyền - quyền của nam giới trong sinh hoạt làng xã (chỉ có nam giới mới được vào giáp, mới được ra đình, nam giới mới được coi trọng); Phụ quyền - quyền của người cha trong gia đình chịu trách nhiệm về mọi hành vi của các thành viên trong gia đình; trưởng quyền - quyền theo vị trí ngôi thứ, căn cứ vào phẩm hàm, chức tước, bằng cấp và tài sản. Có thể coi đây là những quan hệ xã hội làng xã theo trục dọc mà nét nổi bật là sự phân biệt giữa "quan viên" và "dân đinh", giữa già và trẻ, giữa trên và dưới, giữa nam và nữ, giữa chính cư và ngụ cư.
- Những quy ước về việc bảo vệ an ninh làng xã
Những điều khoản liên quan đến việc bảo vệ an ninh nơi làng xã được phản ánh khá phong phú trong hương ước. Ngoài các điều khoản nhằm ngăn ngừa việc đánh chửi nhau, là những điều nhằm hạn chế nạn trộm cắp trong làng, cũng như các điều ngăn cấm các tệ nạn cờ bạc, các quan hệ bất chính giữa nam và nữ, ... Nổi bật hơn cả là những điều khoản gắn liền với việc tổ chức vũ trang bảo vệ làng xã, như việc lập các điếm canh, điếm tuần phòng, trang bị khí giới và đặc biệt là việc trồng, tu bổ các luỹ tre bao quanh làng. Hương ước quy định trách nhiệm của từng xóm ngõ, phe giáp trong việc bảo vệ, tu bổ các luỹ tre theo định kì hàng năm và phải chịu kiểm tra của các chức dịch. Việc đẵn tre ở luỹ phải được cả xóm, có khi phải được chức dịch đồng ý, nếu tự tiện chặt, phá tre sẽ bị phạt.
- Những quy ước nhằm bảo đảm đời sống tâm linh của cộng đồng
Đây là các điều ước về tôn giáo tín ngưỡng mà việc tổ chức thờ cúng Thành hoàng là trọng tâm. Việc lo sắm lễ vật mỗi kì cúng lễ, thường giao cho các giáp thay nhau đảm nhận; còn việc tổ chức cúng lễ thì giao cho các vị chức sắc, chức dịch cùng hội tư văn đảm nhận. Việc chia biếu lễ vật sau khi cúng lễ được phân bổ theo thứ bậc ngôi thứ trong làng.
- Những quy ước về việc bảo đảm các nghĩa vụ với nhà nước
Các nghĩa vụ với nhà nước phong kiến mà trước hết là nghĩa vụ sưu thuế gồm hai loại: thuế đinh (hay sưu) bổ cho các nam giới từ 18 đến 60 tuổi và thuế điền (thuế ruộng đất). Tục lệ quy định việc quản lí và thu nạp đủ các mức thuế trên, ngăn chặn việc thiếu hụt, hoặc lạm thu của các xã giáp trưởng.
Ngoài ra là các điều lệ về khuyến học, khuyến nông, bảo vệ môi trường, cùng những điều lệ mang tính đặc thù của mỗi làng xã. Đồng thời quy định các hình thức khen thưởng và xử phạt. Một trong các hình thức khen thưởng áp dụng cho các loại công trạng là thưởng tiền hay hiện vật, thậm chí còn ban thêm hay tăng vị trí ngôi thứ trong làng. Các hình thức phạt, áp dụng cho các hành vi vi phạm cũng diễn ra dưới hình thức phạt tiền hay hiện vật (như trâu, gà, cau trầu...), và đương nhiên cũng hạ vị trí ngôi thứ của người vi phạm vốn có chức vị, thậm chí còn có hình thức đánh roi, bắt bồi thường và trình quan xử lí theo pháp luật.
Trên đây là những nội dung cơ bản của tục lệ làng xã cổ truyền trong các thời kì phong kiến.
b. Nội dung các tục lệ nêu trên tuy phản ánh nét đặc thù về phong tục tập quán của từng làng, của từng thời kỳ lịch sử khác nhau, song đều cùng mang dấu ấn khá rõ nét của tư tưởng Nho giáo.
Bởi lẽ trước hết văn bản tục lệ được biên soạn bởi các bậc Nho học với các kinh điển Nho gia như sách Chu Lễ, Lễ Ký, Kinh Thi, Luận Ngữ, Lam điền, Lã Thị hương ước làm nền tảng lý luận, đạo lý, chỗ dựa tinh thần để xây dựng nên quy ước. Tục lệ làng Đồng Lương, xã Thanh Bạn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa (soạn năm 1868) dẫn sách Lễ Ký rằng: “Lễ theo nghi thức là khiến cho nó theo về điều mà mình mong muốn là có nguyên nhân vậy. Nếu bất cập thì tăng thêm, nếu thái quá thì bớt đi để cho cái đức của dân trở nên đầy đặn”. Tục lệ xã Phù Lưu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh ghi: “Sách Lễ ký có các thiên hương sạ, hương ẩm tửu đều là để phân biệt trưởng ấu, định ra tôn ty rõ ràng để phong tục nhân luân được đầy đặn. Vậy nên Phu Tử ta quan sát hương đảng mà biết vương đạo để đổi thay, tin chắc có điều đó. Nay các vị trưởng lão trí thức, kính lễ nghĩa tiếng tăm, nắm chắc kỷ cương, dạy bảo người ta hướng về nơi sáng sủa, khiến cho dân trí được mở mang, dân đức được đầy đặn. Đó là lý do đặt ra lệ này”.
Như vậy, tục lệ hay hương ước do các bậc Nho gia trong làng biên soạn, cho dù chỉ văn bản hóa các phong tục tập quán vốn có của làng thì cũng đều được thổi vào đó tư tưởng Nho gia luôn thường trực trong tầng lớp Nho sĩ này. Do đó các điều ước đều gián tiếp hoặc trực tiếp thấm nhuần giáo lý Nho gia. Mặt khác, tục lệ của làng thường được đọc trước toàn dân vào dịp lễ hội đầu xuân của làng và được duy trì thường ngày, vì vậy các điều khoản liên quan đến giáo lý Nho gia này được thâm nhập ngày một sâu rộng trong cộng đồng làng xã.
Nho giáo thâm nhập vào làng xã trước hết qua các điều lệ trong khoán ước của làng liên quan đến răn bảo, thưởng phạt hành vi đạo đức. Những hành vi đạo đức này lại hoàn toàn dựa theo khuôn mẫu giáo lý đạo Nho, như khuyên răn trung hiếu, lễ nghĩa, phẩm hạnh. Tục lệ làng Quỳnh Đôi xã Hoàn Hậu huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An soạn năm 1638 có điều ước sau: “Người ta lấy luân lý làm trọng, nghĩa là người làm cha thì tính nết hiền lành, phận làm con thì thờ cha mẹ cho có hiếu, làm anh thì ăn ở với em cho thuận hoà, làm em thì cung kính với anh, chồng nói thì vợ nghe. Làm người cần cư xử là thế, nếu không chẳng khác gì loài cầm thú”.
Hầu như tục lệ nào cũng có điều khoản về hành vi đạo đức theo giáo lý Nho học như vậy, trong đó nổi bật là đạo hiếu đễ. Nhiều hương ước quy định mức phạt rất nặng với người bất hiếu (có cha mẹ mà bỏ bê không cung kính phụng dưỡng và chửi bới cha mẹ), bất uyên (chỉ người vợ có lỗi lăng nhục bất kính đối với cha mẹ chồng), bất mục (không hòa mục trong cửu tộc), bất thuận (không hòa thuận với xóm giềng). Điều ước thứ 15 làng Hoàng, xã Cổ Mộc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa (năm 1898) quy định: “Đàn bà chửa hoang, nếu phạm vào luân thường và người đàn bà đang có tang hoặc có chồng thì phạt 12 quan tiền”.
Người xưa coi trọng đạo hiếu, coi trọng sự báo hiếu, nên cũng hết sức coi trọng việc tang lễ. Vì vậy trong các hương ước xuất hiện khá nhiều điều ước về việc tang ma. Lễ tang phải đảm bảo đúng quy ước, từ việc để tang, đến các nghi thức cúng lễ, mai táng, chịu tang... Có khá nhiều điều khoản phạt nặng người đang chịu tang cha mẹ mà phạm tội như gian dâm, trộm cắp, ca hát. Tuy nhiên việc báo hiếu đó đôi khi thái quá, dẫn đến tốn kém, phiền phức. Do vậy đã có không ít điều khoản quy định cụ thể việc tang ma nhằm hạn chế sự thái quá này. Khoán ước làng Phù Lưu Thượng, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh năm 1854 quy định: “Người chết ở giáp nào thì giáp đó đến viếng và đi đưa. Nếu nhà nghèo thì chỉ mời trầu, rượu tại chỗ, không ai được hạch hỏi. Nhiều đám tang bày cỗ linh đình mời người đến phúng viếng ăn uống. Tiếng là báo hiếu ông bà, cha mẹ, nhưng thực chất là trả nợ miệng. Một người chết mà muôn người say, gây tiếng xấu làm bại hoại phong tục”. Việc duy trì luân thường đạo lý theo khuôn mẫu lễ giáo Nho gia như vậy luôn được làng xã coi trọng và được định thành lệ làng.
Ngoài việc đề cao đạo hiếu, luân thường theo Nho giáo, tục lệ còn phản ánh khá đậm nét về ngôi thứ ở đình trung, nơi tập trung quyền uy lớn nhất của làng. Đình làng là sản phẩm của Nho giáo xuất hiện từ khi Nho giáo trở thành độc tôn từ thế kỷ XV, vừa là nơi thờ phụng vừa là nơi phán quyết của chức sắc trong làng. Nói một cách cụ thể hơn, đình là nơi thực thi các nghi thức cúng rước Thần, tổ chức lễ hội, hát xướng, hương ẩm cỗ bàn trong ngày hội hay ăn khao, ăn khoán, hội họp của chức sắc trong làng. Vì thế thứ bậc ở đình trung hết sức quan trọng. Thứ bậc này thường được quy ước như sau:
Gian giữa đình là chiếu ngồi của chủ tế và các trợ tế (bao gồm các vị độc chúc, độc văn, đông tây xướng, hai vị phụ hoạ vị độc văn, bốn vị tiến tửu).
Gian bên phải là chiếu ngồi của các vị khoa trường đỗ đạt.
Gian bên trái là chiếu ngồi của các cụ thượng thọ từ tuổi cao đến thấp, cùng các chức dịch hàng xã, các vị chức dịch binh lính mãn nhiệm và các trai đinh (từ 18 đến 37 tuổi). Nếu đình nào hẹp thì trai đinh phải đứng phía ngoài đình phục dịch việc tế lễ.
Một số làng khác phân định chỗ ngồi ở chốn đình trung bằng gianh giới hai bên tả hữu đình cho quan văn ở bên phải, gồm các vị tiến sĩ, quan văn có phẩm tước từ nhất phẩm đến cửu phẩm; quan võ ở bên trái gồm các vị tạo sĩ, các võ quan có phẩm hàm từ nhất phẩm đến các chức chánh đội, suất đội.
Cách sắp xếp này tương tự cách sắp đặt buổi thiết triều trong triều đình. Điều đó cho thấy tính tự trị nơi làng xã càng được định hình, như câu cửa miệng trong dân gian là “Hương đảng tiểu triều đình”.
Mặt khác, mối liên hệ chặt chẽ của tầng lớp Nho sĩ với làng xã là cầu nối giúp Nho giáo thâm nhập vào làng xã. Thực tế Nho sĩ Việt Nam luôn gắn bó mật thiết với làng xã và với sản xuất nông nghiệp hơn là gắn với đô thị và thương mại như phần đông Nho sĩ Trung Quốc. Dân cư người Việt trước đây tuyệt đại đa số sống ở làng xã. Những người có học trong làng đỗ đạt thì làm quan, nếu không thì trở thành hương sư dạy học ở làng, hoặc làm nghề thuốc, thày địa lý... Số lượng người có học sống ở làng ngày một đông. Hơn thế nữa, ngay cả những người đỗ đạt làm quan thì khi trí sĩ cũng lại trở về sống với dòng họ, làng xóm. Thậm chí khi đương chức, dù ở đâu thì họ đều có mối liên hệ thường ngày với làng xã, đều có quyền lợi và nghĩa vụ với làng xã và đương nhiên có vị trí nhất định nơi làng xã. Chẳng vậy mà trước ngày những người thành đạt rất coi trọng việc vinh quy bái tổ (tức là khi vinh hiển thì phải về làng bái tạ tổ tiên), lệ làng luôn coi trọng việc khao vọng, như khoán nước năm Cảnh Hưng 33 (1772) làng Mộ Trạch quy định: Ai ứng thí khoa bác cử mà đỗ Tạo sĩ, ngày vinh quy làng cũng làm lễ đón rước chúc mừng và đáp lễ giống như Tiến sĩ. Còn các chức Cai cơ, Thủ hiệu, Tạo sĩ thóat thủ kính cẩn nhận sắc mệnh thì cũng đón rước và đáp lễ như các quan lại khi được thăng chức.
Trong tổ chức làng xã có hai thiết chế, một là chức dịch hai là kỳ mục. Chức dịch là đại diện của chính quyền Nhà nước phong kiến ở làng xã, còn Kỳ mục hay Hội đồng kỳ mục bao gồm các quan lại các cấp về hưu, đứng đầu là một vị Tiên chỉ. Ngoài ra còn có các vị đương triều, quan viên, tư văn tham gia vào các hoạt động chung của làng nhất là lễ hội, thờ cúng. Trong hầu hết các khoán ước đều thấy ghi rõ họ tên các vị chức sắc này. Chẳng hạn hương lệ làng Mộ Trạch năm Cảnh Trị 3 (1665) kê các vị Triều quan gồm Bồi tụng Binh bộ Thượng thư Phượng Lĩnh hầu họ Vũ, Hưng Hóa xứ Thừa Chánh sứ Vũ Lương, Thái bộc tự khanh Vũ Phương Trượng, Giám sát ngự sử Thanh Hoa xứ Vũ Duy Đoán, Hiến sát sứ Thanh Hoa xứ Lê Công Triều, Hiến sát sứ Sơn Tây xứ Vũ Bật Hài, Hình khoa Cấp sự trung Vũ Công Lượng, Giám sát ngự sử Thái Nguyên xứ Vũ Trác Oánh; Quan viên gồm Huyện thừa Phương Nhã Vũ Hạo, Đồng Tri phủ Khoái Châu Vũ Xuyền, Huyện thừa Thanh Lan Vũ Triệt, Huyện thừa Tân Minh Vũ Quyện; Văn thuộc gồm: Vũ Đức Thắng, Vũ Đăng Tiến; xã thôn trưởng gồm: Vũ Đình Sách, Lê Tiến Vinh, Nhữ Thế Lộc...
Những chức quan trên đều có mặt trong các kỳ lễ lớn của làng và được định vị thứ bậc nơi đình trung, chốn linh thiêng trang trọng nhất của làng xã. Thiết chế như vậy của làng xã khiến cho mối liên hệ giữa các Nho sĩ với làng xã ngày càng gắn bó chặt chẽ.
3. Vai trò của tục lệ cổ truyền trong quản lý làng xã
Tục lệ cổ truyền hay hương ước thực chất là công cụ để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong cộng đồng làng xã, công cụ quản lý làng xã. Mặt khác, hương ước cũng lại trở thành công cụ để nhà nước can thiệp vào làng xã và quản lý làng xã, điều hoà lợi ích giữa làng với Nhà nước.
Chính vị trí của con người trong làng xã được xác định bởi các mối quan hệ xã hội dựa trên nền tảng tư tưởng là ý thức hệ Nho giáo mà hương ước chính thức hóa và cụ thể hóa. Đó là quan hệ trong gia đình (dòng họ) và quan hệ cộng đồng. Trong quan hệ gia đình, làng xã khẳng định quyền của nam giới, quyền của người cha trong gia đình. Nam giới mới là thành viên chính thức đại biểu cho quyền thừa kế, thừa tự, và chỉ có người cha mới có quyền cao nhất trong quản lý gia đình. Bởi thế con cái phải có trách nhiệm vâng lời, nuôi dưỡng, hiếu thảo cha mẹ, ông bà. Các quan hệ gia đình này mở rộng ra dòng họ, chỉ có nam giới mới được vào giáp được ra đình trung, được chia ruộng và chịu nghĩa vụ Nhà nước. Có làng có một thành viên nào đó phạm tội thì cả dòng họ, thậm chí cả làng phải chịu phạt. Trong quan hệ cộng đồng thì vị trí con người được phân định theo tuổi tác và chức vị. Quan hệ theo tuổi tác xác định vị trí của người hơn tuổi và người già, tuy nhiên quan hệ này luôn phải nhường bước cho các quan hệ theo bằng cấp, phẩm hàm và chức tước của Nhà nước. Mỗi thành viên trong làng tuỳ theo bằng cấp, phẩm hàm, chức tước, tài sản và tuổi tác mà được phân định vào một cấp bậc riêng trong hệ thống ngôi thứ của làng. Từ đó được hưởng những quyền lợi riêng về khẩu phần ruộng công, phần chia biếu, chỗ ngồi ở đình, có chức năng, quyền hạn riêng trong tế lễ, trong khi bàn cũng như khi điều hành việc làng. Hệ thống thang bậc xã hội làng xã này theo mô hình dựa trên ý thức hệ Nho giáo càng củng cố thêm thế kiểm soát chặt chẽ của làng xã với con người.
Như vậy, làng xã tuy là một đơn vị tụ cư khép kín tự cung tự cấp, được xem như một “tiểu triều đình” đối lập với hệ thống tư tưởng chính thống, trong đó tư tưởng Nho giáo là chủ đạo, song vẫn bị tư tưởng Nho giáo thâm nhập và thâm nhập khá sâu. Sự thâm nhập đó bằng chính việc văn bản hóa các tục lệ để làm thành hương ước thực thi phổ biến ở mỗi làng xã. Trong đó có vai trò hàng đầu và mối liên hệ mật thiết với gia đình, dòng tộc, cũng như làng xã của các Nho sĩ đương triều và các bậc Nho học sinh sống ở địa phương. Tuy nhiên, với việc kế thừa những tập tục dựa trên nền đạo đức và tín ngưỡng truyền thống, hương ước vẫn luôn đi vào lòng người và được duy trì như một truyền thống nghìn xưa.
4. Những mặt tích cực và hạn chế của tục lệ cổ truyền
Tục lệ cổ truyền có nhiều mặt tích cực góp phần hình thành trong làng xã và người dân những đức tính và truyền thống quý báu. Đó là truyền thống đoàn kết và cố kết cộng đồng. Bằng các điều khoản cụ thể, tục lệ cổ truyền không chỉ quy định nghĩa vụ của mỗi cá nhân đối với cộng đồng mà còn định rõ trách nhiệm bảo vệ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong đời sống hàng ngày. Tục lệ cổ truyền khuyên răn mọi người ăn ở hoà thuận theo đúng đạo hiếu gia đình, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau khi hoạn nạn. Trong tình xóm giềng, con người luôn có ý thức sống hoà thuận, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, luôn có ý thức trả ơn, giúp đỡ người khác. Điều đó được xem là lương tâm, là bổn phận của mỗi thành viên trong cộng đồng. Và chính điều đó là cái để gắn những người nông dân lại với nhau, gắn họ với làng và trở thành truyền thống đùm bọc, đoàn kết và cố kết làng xã, được từng người coi là nhu cầu, là lẽ sống và tình cảm sâu sắc, là nghĩa vụ thiêng liêng.
Tục lệ cổ truyền quan tâm tới các việc công ích, tích cực đóng góp xây dựng làng xã, hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ với làng, với nước. Tất cả trách nhiệm và nghĩa vụ mà làng đặt ra đều được người nông dân tuân thủ nghiêm túc, không chỉ trong ý thức mà bằng cả những hành động thực tế. Bởi vậy từ ý thức trách nhiệm, họ luôn coi trọng nghĩa vụ của mình. Tinh thần trách nhiệm đó ăn sâu trong tiềm thức của người nông dân, được họ chấp nhận một cách tự nhiên và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành truyền thống quý báu. Tục lệ cổ truyền góp phần làm phong phú đời sống văn hóa làng xã. Những quy ước của làng xã về trách nhiệm của các tổ chức, các giai tầng xã hội và các cá nhân trong việc tu bổ và bảo vệ đình chùa, đền miếu, việc biện lễ, rước sách thờ Thần, thờ Phật được người nông dân tuân thủ nghiêm ngặt. Cùng với các lễ nghi thờ cúng là tổ chức hội làng mà qua đó tái hiện được phần nào cốt lõi lịch sử và góp phần củng cố tinh thần cộng đồng.
Bên cạnh những mặt tích cực của tục lệ cổ truyền, còn có một số mặt hạn chế. Đó là tư tưởng cục bộ địa phương, bè phái hình thành trên cơ sở "tâm lí làng". Vì quyền lợi riêng mà đã có những điều khoản trốn tránh nghĩa vụ của Nhà nước, tranh chấp đưa "người của làng" vào các chức vụ chính quyền, ... Ngoài ra là tư tưởng địa vị ngôi thứ. Hệ thống thang bậc xã hội trong làng là nguyên do của sự tranh chấp gay gắt giữa các phe phái, là nguyên nhân dẫn tới việc thao túng việc làng của các chức dịch. Cuối cùng là tục lệ đã góp phần làm tăng thêm hủ tục nặng nề, tốn kém trong cưới xin, ma chay, khao vọng,...
Dù có những mặt hạn chế, tục lệ cổ truyền đã có vai trò nhất định góp phần quản lí xã hội, đặc biệt là vai trò to lớn của nó trong các hoạt động văn hóa và phát huy truyền thống quý báu cha ông.
Tóm lại, trong các thời kỳ lịch sử từ thế kỷ XV trở đi, tục lệ cổ truyền ở các làng xã Việt Nam được văn bản hóa. Nội dung văn bản này khá phong phú, nhưng tập trung vào các mặt chính của đời sống xã hội. Với nội dung đó, tục lệ cổ truyền giữ một vị trí quan trọng trong đời sống làng xã, đồng thời là công cụ để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, để quản lí làng xã.
Đ.K.T

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1. Bùi Xuân Đính: Về một số hương ước làng Việt ở đồng bằng Bắc bộ, Luận án Tiến sĩ khoa học Lịch sử, H. 1996.
2. Bùi Xuân Đính - Đinh Khắc Thuân: Hương ước làng ven đô, Tạp chí Hán Nôm, 1/1991, tr.11-15.
3. Hồng Đức thiện chính, Bản dịch, Nam Hà ấn quán, Sài Gòn 1959.
4. Hương ước cổ Hà Tây, Bảo tàng tổng hợp Sở Văn hóa thông tin & Thể thao Hà Tây, 1993.
5. Hương ước Hà Tĩnh, Sở Văn hóa thông tin Hà Tĩnh, 1996.
6. Hương ước Thanh Hóa, Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian - Sở Văn hóa thông tin Nghệ An, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 1998.
7. Vũ Duy Mền: Vài nét về hình thức văn bản hương ước làng Việt cổ truyền, Tạp chí Hán Nôm, số 1/2000, tr. 21-27.
8. Mộ Trạch xã cựu khoán, Bản dịch từ văn bản chữ Hán, kí hiệu VHv. 121 Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
9. ShiMao MINORU: Sử liệu có liên quan đến việc tái biên hương ước ở Bắc bộ Việt Nam thời Lê, Tạp chí Hán Nôm, 2/2002, tr.12-22.
10. Nguyễn Tá Nhí: Tục lệ phường Long Đằng xã Đông Ngạc, Tạp chí Hán Nôm, 2/2004, tr.50-53.
11. Đinh Khắc Thuân: Tục lệ ở phố chợ Kim Ngân, Tạp chí Hán Nôm,số 4/2004, tr.24-31./.

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh