Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

ĐỐ CHỮ HÁN TRONG CÂU ĐỐ TIẾNG VIỆT

SUNday - 15/02/2015 20:14
Thời gian trước đây, nhiều người học chữ Hán thường được “đố chữ” bằng những câu như: “Chim chích mà đậu cành tre, thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm”; “Ba xe kéo lê trên đàng, tiếng vang như sấm” (đố chữ “đức” và chữ “oanh”.
Hình minh họa

Hình minh họa

Chúng ta biết câu đố là một bộ phận của văn học dân gian. Trước khi được ghi thành văn bản, mà ngay cả sau khi đã được ghi lại, chúng được phổ biến chủ yếu bằng truyền miệng. Truyền miệng là một phương tiện để phổ biến lưu truyền, đồng thòi cũng là phương tiện đào thải. Những câu hay được bảo lưu, có thể được trau chuốt thêm, những câu yếu kém về nội dung và hình thức sẽ bị quên lãng. Theo chỗ chúng tôi biết, cuốn Tục ngữ phong dao (Viết tắt TNPD) của Nguyễn Văn Ngọc, in lần thứ nhất năm 1928 là tập sách đầu tiên công bố một lượng khá lớn những câu đố, trong đó có nhiều câu lấy chữ Hán làm đối tượng đố (ở tập 2, sau phần sưu tầm phong dao tức ca dao). Câu đố trong sách này được tập hợp theo thứ tự ABC của từ đầu tiên. Lời giải không ghi kèm ngay sau lời đố mà được đưa vào một phần riêng biệt cuối sách. Lời giải hết sức vắn tắt, không kèm theo chú thích gì, ngoài 2 từ “chữ Hán” đặt trong dấu ngoặc đơn sau lời giải câu đố về chữ Hán.
Sau TNPD, có nhiều sách sưu tầm riêng về câu đố. Ở miền Nam có những cuốn Thai ngữ của Nguyễn Văn Xứng (1949); Câu đố thai của Phạm Văn Giao (1950); Thai đố phổ thông dẫn giải của Từ Phát (1971). Miền Bắc có cuốn Câu đố Việt Nam của Ninh Viết Giao (Nxb Văn Sử Địa Hà Nội, 1958, viết tắt CĐVG). Sách này sau phần 1 “Vài ý kiến về câu đố Việt Nam” trình bày vắn tắt nhưng khá đầy đủ về nguồn gốc, đặc tính và tác dụng câu đố (tr. 7-21), đã dành hơn 100 trang sau (tr. 23-133) sưu tầm các câu đố, sắp xếp theo phân loại (sự vật nông thôn, sự việc nông thôn, sinh vật) và “những câu đố linh tinh khác” (tr.97-120), trong đó có mục “đố chữ”, câu 32 đến câu 62, trừ câu 62 đố về chữ Quốc ngữ, còn lại là những câu đố về chữ Hán (sách CĐVG không ghi rõ chữ Hán hay chữ Quốc ngữ, người xem tự phân biệt lấy).
Gần đây, kho tàng câu đố khá phong phú đã là đề tài cho cuốn sáchCâu đố Việt Nam của Nguyễn Văn Trung 494tr. Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh 1986 (viết tắt CĐVT). Những công trình về câu đố in ở Miền Nam trước 1975 vừa ghi ở trên là dựa vào bảng “Tài liệu tham khảo” in trong sách này (tr. 219). Sách CĐVT gồm 2 phần lớn. Phần đầu “một lối nhìn câu đố” khảo luận về nguồn gốc, chức năng, phân loại, khía cạnh văn chương, nội dung phản ánh phong tục nếp sống của câu đố trên 200 trang. Phần sau “Sưu tầm phân loại câu đố” trên 250 trang, tập hợp 1512 câu đố, xếp theo bảng phân loại, kèm ngay lời giải sau mỗi câu. Sách có ưu điểm lớn, hơn TNPD và CĐVG là có phần chú thích ở cuối sách để làm sáng tỏ những chỗ xét ra cần thiết. Câu đố thường dùng ngôn từ cô đọng, nhiều hình ảnh và thủ pháp tu từ học, lại thường đề cập nhiều sự vật, sự việc trong xã hội cũ đã trở thành phần nào xa lạ đối với hiện tại nên những lời chú giải thường rất hữu ích có đối tượng chữ Hán, chú thích lại càng cần thiết đối với nhiều người chưa thật am tường lối chữ hình khối này.
Sách CĐVT viết rất công phu. Tuy nhiên riêng về mảng câu đố về chữ Hán - CĐVT gọi là “xuất Hán tự” - có nhiều chỗ cần bàn lại. Bài viết này nhằm góp một số ý kiến về những câu đố loại trên, được ghi trong CĐVT dưới mục “chữ nho (xuất Hán tự)” tr. 407-415, câu đố số 1425-1488, kèm phần chú thích tr. 489-492. Thứ nhất, có khá nhiều lỗi ấn loát (Sách CĐVT có kèm 1 tờ đính chính những lỗi từ tr. 19 đến tr. 222, phần câu đố về chữ Hán nằm ở tr. 407-415, có thể có đính chính ở 1 tờ khác, mà sách trong tay chúng tôi không có). Sau nữa, có nhiều chỗ cần làm sáng tỏ thêm ở hai mặt: lời ra đố và lời giải. Chúng tôi cũng ghi thêm một số câu đố mà chúng tôi được biết về loại này, và cuối cùng có một số nhận xét khái quát nhỏ, mong góp thêm chút ít tư liệu tìm hiểu thêm về mảng câu đố loại này (Bài viết này có ghi tư liệu so sánh lấy ở các sách TNPD (Q2, bản in, Nxb Minh Đức, Hà Nội, 1957) và CĐVG (sđd). Khi dẫn TNPD, không ghi rõ số câu số trang, vì câu đố được sắp xếp theo mẫu tự ABC của từ đầu nên tìm kiếm dễ dàng; còn khi dẫn CĐVG, có ghi số câu (viết tắt: c) nằm trong khoảng những trang 101-104 cuốn sách).
1 - Một số ý kiến nhằm sơ bộ đính chính bổ sung phần câu đố về “chữ Nho” (theo thứ tự số câu trong CĐVT tr. 407-415).
- Câu 1426:
Hình như con nhạn bay phi
Một bên xấu một bên phì
Mỗi niên tiến nhất nguyệt
Mỗi nguyệt tiến tam kỳ
Lưỡng nhạn, lưỡng nhạn song phi
Nhứt nhạn xấu, nhứt nhạn phì
Mỗi nhứt niên phùng nhứt nguyệt
Mỗi nhứt nguyệt, ngộ tam kỳ

- Chữ Bát
Câu này có chú thích (tr.489): “Bát”: tám; đôi nhạn bay đôi, một nhạn ốm, một nhạn mập, mỗi năm gặp một tháng, mỗi tháng gặp ba lần:”. Thực ra đây là 2 câu đố, mỗi câu 4 dòng, nhưng rất giống nhau, có thể coi chỉ là một câu với vài ba chữ khác biệt không quan trọng. Bốn dòng câu dưới hoàn toàn chữ Hán, được dịch ở phần chú thích. Câu trên có 2 dòng cuối cũng hoàn toàn chữ Hán nhưng không được dịch. Trong 2 câu này, chữ “tiền” có lẽ là chữ “kiến” nghĩa hợp hơn. Mỗi niên kiến nhất nhất nguyệt, mỗi nguyệt kiến tam kỳ” có nghĩa “mỗi năm thấy một tháng, mỗi tháng thấy 3 lần”. Chữ “xấu” ở những dòng trên cần sửa là “sấu” (chữ Hán nghĩa là “gầy”) cho đúng chính tả (TNPD và CĐVG c 41 đều chỉ ghi 4 câu đầu, và cùng ghi “tiến” và “xấu xa”). chữ “Sấu” được CĐVT dịch là “ốm” là tiếng miền nam, trương đương với “gầy” ngoài Bắc.
Về câu đố này, có thể ghi thêm một dị bản ngắn gọn và súc tích, được giải bằng chữ “bát” đồng âm chỉ đồ dùng trong bữa ăn: “Nhất diện dưỡng mi, Nhất sấu nhất phì. Nhất niên nhất nguyệt. Nhất nhật tam kỳ” (một mặt hai lông mày, một gầy một béo, một năm một tháng, một ngày 3 lần). Câu này tương truyền của người Tàu đố Mạc Đĩnh Chi (X.Giai thoại văn học Việt Nam của Hoàng Ngọc Phách - Kiều Thu Hoạch, Nxb Văn học, Hà Nội, 1965, tr. 84).
- Câu 1427:
Chênh chênh bóng nguyệt xế mành
Tỉnh ra mới biết rằng mình chiêm bao

- Chữ Bao.
Câu này không có chú thích ở phần cuối sách. Lời giải “chữ Bao” có lẽ in lầm, sửa là chữ “bào” là bọc nhau (hau bọc rau), muôi bào thai trong bụng mẹ. “Bào” được viết với chữ “nguyệt” nói ở dòng trên, bên chữ “bao” nói ở dòng dưới (chữ “nguyệt” đúng ra là chữ “nhục” viết theo một dạng khác. Chữ “bào” được xếp vào bộ “nhục” - nghĩa là “thịt” - trong tự điển. Nên ghi thêm câu đố này “tập Kiều”: lấy 2 câu (số 185 và 214) trong Kiều ghép vào nhau.
- Câu 1428:
Khi nào thằng ngốc làm vua
Cha con nhà Nguyễn bỏ chùa mà đi.

- Chữ Bảo
Câu này không được chú thích. Nên bổ sung: chữ “bảo” viết với chữ “nhân” - là người - (chữ “nhân đứng”) bên chữ “ngai” là “ngốc, si đần”. Cũng nên ghi thêm câu này xuất hiện khoảng trước Cách mạng tháng 8, coi như câu sấm báo trước sự sụp đổ của triều Nguyễn khi xuất hiện niên hiệu vua bắt đầu bằng chữ “bảo” (Bảo Đại) TNPD và CĐVG không có câu này.
- Câu 1430:
Trọc đầu mang tiếng bất lương
Chẳng vương một tí, để vương còn gì?

- Chữ Chủ
Câu này có trong TNPD, có khác ở dòng 2 “để vương” ghi là “đế” vương. CĐVN không chú thích. Xét kỹ, tại sao “trọc đầu” lại “bất lương”. Đúng ra cả câu phải là:
“Trọc đầu mà được làm vương.
Còn đầu làm chúa, ai đương được nào?
 
(chữ “chủ” cũng đọc là “chúa” khi chuyển thành chữ Nôm)

- Câu 1431:
Chữ thập dập chữ viết, chữ viết dập chữ thập.
- Chữ Khương
CĐVN phần chú thích (tr.489): chữ khương là gừng. Nhưng ta biết chữ Hán này viết gồm: bộ thảo đầu trên chữ nhất, chữ điền rồi lại chữ nhất chữ điền nữa, trên chữ nhất tột cùng. Như vậy không sát với lời câu đố. TNPD có ghi câu này chỉ khác chỗ thay “dập” bằng “đập” và giảng là chữ Chương, nhưng 3 chữ Hán: thập, lập lại thập nữa viết liền nhau không thành chữ Chương. Cần sửa câu này theo CĐVG (c 37): “Chữ lập dập chữ viết, chữ viết dập chữ thập” giải là chữ Chương (một bài văn) gồm những chữ lập, viết, thập viết liền nhau từ trên xuống dưới.
- Câu 1432:
Đất sao đất ở trong cung
Ruộng thời hai mẫu, bờ chung bà bờ

- Chữ Sương
Câu này có chú thích (tr.489): một bên là bán cung, trên dưới hai chữ điền, vắt ngang ba chữ nhứt: “cương vực biên cương”. Như vậy chữ “sương” ghi sau câu 1432 in nhầm, phải sửa là “cương”. Và nên sửa câu chú thích: “Một bên là chữ cung, có chữ thổ bên trong nét vòng ở phía dưới...” (TNPD và CĐVG không ghi câu này).
- Câu 1433:
Thằng nào bất hiếu thế kia
Cỡi lên lưng bố ở lì không buông

- Chữ Cửu (lâu dài)
Câu này không có trong TNPD và CĐVG và không được chú thích trong CĐVT. Lời giảng: chữ cửu (lâu dà) xét chưa thật sát, chữ này trong tự điển Khang Hi ở bộ “Phiết” (hay “phiệt”, có 3 mét, còn theo câu đó thì con cưỡi lưng bố tức 2 người, 2 chữ “nhân” tức 4 nét. Chữ “cửu” được giảng: hình một người 2 chân sau bị vật cản lại, nên đi chậm, chuyển nghĩa thành “lâu, bền”. Như vậy không phải là “người cưỡi người” như trong câu đố. May có 4 chữ ở dòng 2 “ở lì không buông” gợi ý “lâu dài” và khiến thấy phải giải bằng chữ “cửu”. Nhưng dù sao, lời dùng để đố không thật sát với vật đố tức là thiếu một yếu tố cơ bản của câu đố.
- Câu 1434:
Khen cho thằng nhỏ có tài
Đầu đội cái mão đứng hoài trăm năm

- Chữ Dõng
Câu này có chú thích : Mạnh (khấu mẻ ở trên là Mão, chữ Nam ở dưới là trai). Theo Nguyễn Văn Xứng là chữ Dâng (có lẽ là chữ Dong in lầm - TT) còn theo Từ Phát là chữ Tự, gồm 2 chữ: Miên: mái nhà; Tử: con, thằng nhỏ. Theo lời câu đố, giảng là chữ “tự” (nghĩa là “chữ viết”) hợp hơn, vì “thằng nhỏ” hợp với chữ “tử” trong chữ “tự” hơn là với chữ “Nam” viết chữ “điền” trên chữ “lực” được hiểu là người lớn (thượng phu) “dùng sức để làm ruộng”.
- Câu 1435:
Từ lộ vấn tân, Tử viết thủy tai
Thủy tai hà thu ư thủy

- Chữ Duật
TNPD và CĐVG c.46, tr. 103 có câu này, cũng ghi thành 2 dòng, nhưng ở dòng 2 ghi “hà thủ ư thủy” và cũng giảng là chữ “duật”. CĐVT không dịch và không chú thích. Câu này phải đổi chữ “thu” thành chữ “thủ”, như trong TNPD và phải viết 4 chữ “thủy tai thủy tai” liền nhau, không thể ngắt xuống dòng quãng giữa (TNPd và CĐ VG đều ngắt câu và xuống dòng giữa 4 chữ “thủy tai thủy tai”. Câu đố sẽ là “Tử Lộ vấn tân, Tử viết: Thủy tai, thủy tai, hà thủ ư thủy”. Dịch “Tử Lộ hỏi bến nước, Phu tử (tức Khổng tử) nói: “Nước ư, nước ư, lấy gì ở nước” (hay “giữ gì ở nước”, tùy theo cách viết chữ “thủ”, nhưng dùng chữ “thủ” có nghĩa là “lấy” có lẽ hợp hơn). Chữ Hán tân (bến nước) gồm bộ “thủy” (3 chấm) bên chữ “duật”, “lấy gì ở nước” tức coi nước không cần, có thể bỏ đi, còn lại chữ “duật”. “Thử Lộ vấn tân” là 4 chữ liền trong sách Luận ngữ (thiên Vi tử): “Trường Thư và Kiệt Nịch đang cùng làm ruộng, Khổng Tử qua đó, sai Tử Lộ hỏi bến đò” (Trường Thư Kiệt Nịch ngẫu nhi canh, Khổng Tử quá chi, sử Tử Lộ vấn tân yên). Cả đoạn sau trong câu đố là thêm vào, không có trong Luận ngữ.
- Câu 1436:
Tiền diện thị nam nhi chi chí
Hậu bối nãi nữ nhi chi hình

Hay:
Trông mặt thì ra hạng nam nhi có chí
Nhưng sau lại ra hình con gái

- Chữ Dương
Câu này được ghi thành 4 dòng, giữa có chữ “Hay, mới đọc có thể tưởng là 2 câu đố, mỗi câu 2 dòng, chép chung một số. Thực ra 2 dòng dưới chỉ là dịch 2 dòng trên toàn bằng chữ Hán và nên dịch sát hơn: “Mă.t trước là con trai có chí (hoặc: ghi dáng con trai); phía sau là hình con gái”. Lời giải là chữ Dương và có chú thích (tr.490): “Dương: con cô; chấm phẩy trên đều như đàn ông (chít khăn) sổ dài như tóc đuôi gà phụ nữ”. Giải thích như vậy khá là khiên cưỡng, hình ảnh so sánh không sát, thiếu giá trị thuyết phục. Cũng trong CĐVT, tr. 269 ở mụcCâu đố loài vật (xuất thú) có câu 346:
Tiền diện khán nam nhơn chi chí
Hậu bối tri nữ thị chi bình

- Con dê
Sách có dịch ở phần chú thích (tr.466): “Trước mặt những ngỡ trai, sau lưng mới hay là giá”. Lời giải là con dê, nên sửa là “dê cái” sát hơn. “Mặt trước hi dáng con trai” vì loài dê - đực hay cái đều có râu, đặc điểm của nam nhi, còn phía sau thấy hình con gái” vì là dê cái. Hai câu 340 và 1436 lời lẽ gần giống nhau, có thể coi như chỉ là một. Nên xoá câu 1436 trong mục những câu đố về chữ Hán, vì lời giải thuộc về một loài vật hợp hơn (TNPD và CĐVG không có câu này).
- Câu 1488
Lưỡng nhật bình đầu nhật
Tứ sơn điện đảo sơn 
Lưỡng vuông tranh nhất quới 
Tứ khẩu tung hoành gian

- Chữ Điền
Dòng 3 ở trên cần sửa: Lưỡng vương tranh nhất quốc. Đây chắc chắn là in nhầm vì giải nghĩa và chú thích đều đúng. CĐVT còn ghi tiếp 2 câu đố nữa đều giải bằng chữ Điền, ở cả 2 câu đều có chữ Vương và Quốc in sai, cần sửa. TNPD không có câu này. CĐVG có ghi câu trên (c 53,tr. 103) không có 2 câu sau trong CĐVT.
- Câu 1439:
Anh đi đã mấy thu chầy
Từ tị đến dậu kể đầy ngũ niên

- Chữ Dậu
Phần chú thích (tr.490) ghi thứ tự 12 chi và nói: từ tị số 6) đến dậu (số 10) là 5 năm, ý nhắc mấy chữ “đã đầy 5 năm” ở dòng 2. Nhưng câu đố nói tới cả “tị” lẫn “Dậu” nên giảng là chữ “phối” do 2 chữ dậu và tị hợp thành có lẽ sát hơn (TNPD và CĐVG không ghi câu này).
- Câu 1441:
Đất cứng mà cắm sào sâu
Con lay chẳng nổi cho bâu đầu vào

- Chữ Giáo
Chú thích (tr. 490): “Giáo: dạy: chữ thổ phết một bên, chữ tử (con) ở dưới, kế bên chữ phụ (cha)”. Giải thích đúng, nhưng câu ra không thật chính xác. Chữ “giáo” nằm trong bộ “phốc”, có nghĩa là “đánh nhẹ”, bên trái là chữ “hiếu” bên phải là chữ “phốc” viết dưới dạng giống như chữ “vặn”, dù sao cũng không thể là chữ “phụ”. TNPD và CĐVG không có câu trên.
- Câu 1443:
Bà già, bả té xuống sông
Con cháu xúm lại mà bồng bả lên.

- Chữ Hải
Chú thích (tr.490) “Biển (chấm thỉ là nước; kế bên chữ mẫu: mẹ: bà già)”. “Bà già” là tiếng địa phương; “con cháu xúm lại” chưa thật sát. Có thể đổi: “Mẹ già mẹ té xuống sông. Một người con tới vội bồng mẹ lên”. Chữ Hải (biển) gồm 3 chấm thủy (nước đây chỉ sông), chữ Mẫu (mẹ) bên trên có nét phết nhỏ bên nét ngang coi như chữ Nhân (người).
- Câu 1414:
Một người đứng dựng cây sào
Có ông thợ mộc đang bào cây tên

- Chữ Hầu
Chú thích (tr.491): “Là Chực (nhơn đứng sổ đôi, chữ công trên chữ thí (chữ “thí” in nhầm, sửa là “thỉ”. Với nghĩa trên chữ giải đố phải là chữ “hậu” (chờ đợi, hi vọng) không phải chữ “hầu” không có nét sổ cạnh “nhân đứng” và có nghĩa là một tước phong). Nên ghi thêm: phần trên ở bộ phận bên phải gọi là “ông thợ” tức coi như chữ “công” chưa được thật sát, vì chỉ có 2 nét (chữ công có 3 nét). Người ra cấu đố có lẽ đã coi đây như là một chữ “công” viết thảo.
- Câu 1443:
Tàn che vua ngự sập vàng
Thuyền rồng đón dưới hai chàng đá treo

- Chữ Hiến
Câu này không có chú thích. TNPD không CĐVG (e.52, tr. 103) chép đúng hơn: Thuyền rồng đón dưới hai hàng đá treo, và giải là chữ Hiến.Nên giải thích “chữ Hiến từ trên xuống dưới gồm bộ miên (tàn che), chữ vương (vua), chữ tứ (hình thuyền rồng - theo đúng gốc chữ, tức chữ mục là mắt viết ngang), chữ tâm (hai chàng - đá treo). Nghiêm khắc mà nói dùng hình ảnh “hai hàng đá treo” để chỉ chữ tâm chưa thật sát. Một câu khác có lẽ hợp hơn:
Tàn che vua ngự sập vàng
Lòng dân ở khắp bốn phương vọng về
 
(bộ miên, chữ vương, chữ tứ, chữ tâm)

- Câu 1446:
Có tú mà chẳng có tài
Cầm ngang ngọn giáo đâm ngoài đít dê

- Chữ Hư
Không có chú thích. Lời giải: chữ Hư in lầm, cần sửa: chữ Hi như được ghi trong TNPD và CĐVG (c 33, tr. 101). Nên thêm phần chú giải: đây là chữ Hi trong tên vua Phục Hi, được viết dưới dạng: chữ Dương (con dê) ở trên, dưới là chữ Tú (đẹp) bên chữ Qua (loại giáo mác), đầu chữ Qua sát với cuối chữ Dương, như ngọn giáo đâm vào phía dưới chữ này. Nhưng viết cho thật đúng nét chữ thì trong chữ Hi, ở phía dưới chữ Dương bên trái không phải là chữ Tú (viết chữ Hòa trên chữ Nãi) mà là một chữ (không có tên) viết chữ Hòa trên chữKhảo. Đây thuộc loại câu đố chữ không đòi hỏi chữ Hán phải viết thật chính qui, mà chấp nhận một lối viết “đại khái” miễn là không gây lầm lẫn chữ này với chữ khác. Đi sâu hơn nữa về cách viết chữ Hi, dưới chữ Dương không phải là chữ Tú (hoặc chữ không tên: Hòa trên Khảo) và chữ Qua, 2 chữ đứng cạnh nhau mà là một chữ Ngã có chữ Hề (tiếng đệm trong những bài ca từ) đặt phía dưới bộ phận bên trái chữ Ngã (X.L.Wieger, Carac tères chinois - Étymologie, graphies, lexiques (chữ Hán: tự nguyên, tự dạng, tự vựng) Hiên - niên 1932, tr. 179, mục 71Q.
- Câu 1450:
Dụng công tứ khẩu khi thành
- Chữ Khi
CĐVN không chú thích. Cần sửa chỗ in sai câu này: “Dụng công tứ khẩu khí thành” và lời giải: chữ Khí. Nên giải thích thêm: chữ công (người thợ) giữa 4 chữ khẩu (miệng), 2 chữ ở trên, 2 chữ ở dưới thành chữ khí (đồ dùng).
- Câu 1452:
Ở nhà chống gậy cây ra
Hỏi cô bán gạo có nhà hay không?

- Chữ Lâu (nhà lầu)
Chú thích tr.491: “chữ lâu: chữ Mộc một bên, Mễ ở trên, Nữ ở dưới”. Nên chú ý: chữ lâu trên thuộc loại chữ mới xuất hiện sau này. Trong tự điển Khang Hi không thấy có chữ này, chỉ ghi chữ Lâu bên trái là bộ mộc, bên phải là chữ đồng âm “lâu” tên một vì sao (TNPD không có câu này).
- Câu 1453:
Cô Lan mà đứng cửa đông
Đố ai đối được làm chồng cô Lan

- Chữ Lan
Câu này không có chú thích. Nên giải thích đây là loại câu đố “vừa đố vừa giảng”. Lời giải (chữ Lan) được nói tới 2 lần, ở đầu dòng 1 và cuối dòng 2, và được cấu tạo với chữ “đông” nằm trong chữ “môn” (cửa). Thực ra đây là một lối viết sai. Trong cách viết chính qui, phải thay chữ “đông” bằng chữ “giản” (câu này không có trong TNPD. CĐVG có : c.51 tr. 103). Nhưng dù sao phải nhận rằng việc viết chữ Lan có chữ Đông (không phải chữ Giản) trong chữ Môn khá phổ biến, coi như được mặc nhiên công nhận. Theo sách Lịch triều Đăng Khoa lục q.1 tr.13a ghi Nhữ Văn Lan tiến sĩ khoa 1463, tr. 14a ghi Đoàn Lạn hoàng giáp khoa 1446, 2 chữ Lan và Lạn đều viết với chữ Đông bên trong chữ Môn.
- Câu 1454:
Thượng bất tại thượng, hạ bất tại hạ
Chỉ nghi tại hạ, bất nghi tại thượng.

- Chữ Nhất
Câu này không dịch nghĩa và không có chú thích, dễ khiến người đọc ngỡ ngàng và không thấy mặt dí dỏm của câu đố. Đề nghị thêm:
Dịch từng chữ:
“Trên không ở trên, dưới không ở dưới
Chỉ nên ở dưới, không nên ở trên”

Dòng trên phải hiểu: “ở chữ Thượng không ở trên, ở chữ Hạ không ở dưới” tức chữ Nhất nét ngang nằm bên dưới chữ thượng và bên trên chữ hạ. Dòng 2 ý nói: chỉ nên ở chữ hạ (vì được ở bên trên), không nên ở chữ Thượng (vì phải nằm bên dưới), tức cũng chỉ chữ Nhất (TNPD không có. Có trong CĐVG c.50 tr. 103).
- Câu 1455:
Hạng Vũ dương niên thị hữu công
Hữu công hoàn thị phân vô công
Bát thiên tử đệ kim hà tại
Chỉ vô diện mục kiến Giang Đông

- Chữ Nhứt
Chú thích tr. 491: “chữ Hạng có chữ Công một bên, đem bỏ chữ Công đi, rồi bỏ cả chữ bát, chữ mục, chỉ còn một nét ngang là chữ Nhứt (Hạng Vũ dương niên hỏi có công, có công rồi hoá không công, tàm ngàn đệ tử đi đâu mất, không còn mày mặt thấy Giang Đông)”.
Cần sửa lỗi in ở dòng 2: sửa “phân” thành “phản”. Và nên dịch lại 2 dòng 1 và 2 “Hạng Vũ năm xưa cậy mình có công, có công rồi ngược lại thành không công”. Đồng thời giải thích thêm: chữ Hạng có chữ Công bên trái, không có “công” tức còn chữ “hiệt” ở bên phải, chữ này lại bỏ chữ “bát” (ở cuối), bỏ chữ “mục” (ở giữa), còn lại chữ Nhứt. Thực ra, ngoài chữ Nhứt còn thêm một nét phẩy dưới chữ này, như vậy câu đố chưa thật sát. Tuy nhiên vẫn là một câu đố hay. Bốn câu thơ kể lại một sự kiện lịch sử: Hạng Vũ tranh giành thiên hạ với Lưu Bang mới đầu thắng, rốt cuộc bị thua. Theo sách Sử ký, Hạng vũ đã đưa 8000 con em ở Giang Đông (khu vực phía đông sông Trường Giang) vượt sông sang phía tây để đánh nhà Tần. Bốn câu vịnh sử lại thành câu đố chữ (TNPD và CĐVG không có câu này).
- Câu 1450:
Hạ bút tây thành nam chí bắc
Hành cung bán nguyệt điểu tam tinh
Tam nhân đồng kỹ ngưu vô giác
Nhất điểm tam hoành, khẩu cận thanh

- Nhất tâm phụng thỉnh
Giảng:
Hạ bút kéo dài một cái như bức tường từ nam chí bắc (chữ nhứt)
Trống hành cung như nửa mặt trăng với ba ngôi sao (chữ Tâm)
Ba người cùng cưỡi một con trâu không sừng (chữ Phụng).
Một chấm, ba ngang với chữ khẩu gần chữ Thanh (chữ Thỉnh).
Chú thích (tr. 491): Một lòng đón mời.
- Về lời câu đố, có mấy chỗ ngờ là chép sai, chúng tôi không nắm được nguyên bản nên mạnh dạn theo thiển kiến thử đề nghị tạm sửa:
Dòng 1: “Hạ bút tây thành” có lẽ là “Hạ bút tạo thành”
Dòng 2: “Hành cung bán nguyệt” CĐVN “giảng”: trống hành cung như nửa mặt trăng”, có lẽ “trông hành cung...” in lầm, nếu thế thì là “hoành cung” (chiếc cung nằm ngang); “điểu tam tinh” không rõ nghĩa, có lẽ là “điện tam tinh” làm nền cho 3 ngôi sao.
Dòng 4: Sửa vị trí dấu phẩy: “nhất điểm, tam hoành, khẩu, cận Thanh (chữ Thỉnh). Như vậy 4 câu được sửa lại như sau:
Hạ bút tạo thành nam chí bắc
Hoành cung bán nguyệt điện tam tinh
Tam nhân đồng kỵ ngưu giác,
Nhất điểm, tam hoành khẩu, cận thanh

- Về cách “dịch và giảng” để hợp với mấy chỗ đề nghị điều chỉnh ở trên, có thể tạm dịch như sau:
Hạ bút tạo nên bức tường thành từ nam chí bắc (chữ Nhứt)
Cung nằm ngang hình nửa, vầng trăng dâng lễ (hay làm nền) ba ngôi sao (chữ tâm)
Ba người cùng cưỡi một trâu không sừng (chữ Phụng)
Một chấm, ba ngang với chữ Khẩu (tức chữ ngôn) gần chữ Thanh(chữ Thỉnh)
- Về chú thích, dịch “nhứt tâm phụng thỉnh” bằng “một lòng đón mời”, đề nghị sửa: “một lòng kính mời” (câu trên không có trong TNPD và CĐVG).
- Câu 1457:
Nhị cửu nhất thập bát, nhi nhi nhất thập bát
Tam bát nhị thập tứ, nhi nhi nhị thập tứ
Tứ thất nhị thập bát, nhi nhi thập bát
Ngũ lục tam thập nhị, nhi nhi tam thập chi

- Hai chữ Thập Nhất
CĐVN không dịch và không chú thích. Câu này có nhiều chỗ in sai. Dựa vào TNPD và CĐVG (c 44 tr 102) có thể sửa lại và dịch như sau:
Nhị cửu nhất thập bát, nhị phi nhất thập bát (hai chín mười tám, mà không phải mười tám)
Tam bát nhị thập tứ, nhi phi nhị thập tứ (ba tám hai mươi bốn, mà không phải hai mươi bốn)
Tứ thất nhị thập bát, nhi phi nhị thập bát (bốn bảy hai mươi tám, mà không phải hai mươi tám)
Ngũ lục tam thập chi, nhi phi tam thập chi (năm sáu ba mươi, mà không phải ba mươi).
Trong câu chữ Hán này, chữ Chi thêm cuối 2 đoạn câu chỉ là chữ đệm, cho êm giọng, để thành 2 đoạn câu đủ 10 chữ như ba câu trên. TNPD và sau đó CĐVG giải là “hai chữ thập, thất” là vô nghĩa, “nhập, thất”, phải sửa là “thập nhất”. Nhưng giải như CĐVT “hai chữ Thập Nhất” cũng chưa thật đúng. Đây không phải “hai chữ thập nhất” mà là con sốthập nhất (mười một). Dòng đầu ý nói: “Hai chín (tức hai nhân với chín) là mười tám, mà không phải là mười tám (tức không phải hainhân chín, mà là hai cộng chín, thành con số mười một). Các dòng sau đều nghĩa như vậy, và đều giải bằng con số mười một.
Như vậy đây không phải là đố chữ, phân loại vào mục “xuất Hán tự” là không đúng. Tuy đố dưới dạng chữ Hán, nó cũng như nhiều câu hoàn toàn dưới dạng chữ Hán khác, như câu 496, đố cái mạng nhện, câu 923 đố cái điều trong CĐVN.
- Câu 1458:
Có người đứng giữa đầu trâu
Mười hai tháng chẵn, dãi dầu tuyết sương

- Chữ Niên
“Chú thích (tr 491): “Niên là năm. Chữ nhân ở trên, chữ Ngưu ở dưới. Lối chiết tự gượng ép”. Gượng ép, vì chữ “niên” không thể viết “nhân trên ngưu dưới”. Lời ra đố không chính xác, lời giải của người ra đố không có sức thuyết phục. Một câu đố như thế không thể lưu truyền (TNPD và CĐVG không có câu này).
- Câu 1460:
Ba ngang hai sổ bốn chấm chưn
Cơn bát loạn chấm đầu loạn xạ

- Chữ mã
Chú thích: “Ngựa chạy, đầu mổ liên tục” (tr 491). Lời chú thích giải nghĩa mấy chữ “chấm đầu loạn xạ”. Nên chú ý: dòng đầu “ba ngang hai sổ bốn chấm chưn” chưa bao gồm đủ nét của chữ “mã”. Còn thiếu một nét “ngang vòng” bên trên “bốn chấm chưn”. Dòng 2 lời tối nghĩa. Đây cũng như câu 1458 nói trên, thuộc loại câu đố thiếu chính xác, không thấy có trong TNPD cũng như trong CĐVG.
- Câu 1462:
Con dê ăn cỏ đầu non
Bị lửa cháy hết không còn chút đuôi

- Chữ Mỹ
Chú thích: Mỹ là đẹp, ở trên chữ Dương, dưới chữ Hỏa (x tr 491). Đúng ra, chữ Mỹ viết với chữ Dương trên chữ Đại. Theo tự điểnKhang Hi. “Dương (dê) trên Đại (lớn), Dê lớn là Tốt, là đẹp (mỹ). Viết Dương trên Khuyển (chó) trên hỏa (lửa) là sai”. Có lẽ người ra đố đã dựa vào viết sai trái nhưng khá phổ biến (Dương trên hỏa) để viết chữ Mỹ, tuy cách viết này đã bị Từ điển Khang Hi cho là sai, và không được công nhận trong các tự điển thông thường. Có lẽ lời giải của câu này là chữ Cao là dê con. Chữ Dương không có nét sổ cuối chữ (không còn đuối) trên bốn chấm hoả.
- Câu 1465:
Đầu như dao, vĩ như câu
Trung ương hành quảng tứ giốc lục chừu
Hữu diện phù lưỡng đạo
Tả biên song thược ngưu

- Chữ Qui
TNPD cũng có câu này, chỉ khác 1 chữ ở dòng 3: “hữu diện phụ lưỡng đạo” và cũng giảng là chữ Quy, không nói rõ “quy” nào. Theo dòng 1 câu đố 9. Bốn câu tạm cho là có nghĩa như sau (ức đoán vì theo âm đoán chữ, và nghĩa câu không thông suốt): Đầu như dao như chữ Đao), đuôi như cái móc (nét móc), ở giữa có lối đi rộng, 4 góc 6 chỗ bị rút (sửa “lục trừu cho đúng chính tả), bên phải có 2 đường phụ vào, bên trái có 2 con bò thui (sửa “thược ngưu” thành “chước ngưu” cho đúng âm đọc). Theo dòng 1 của câu đố thì chữ Quy trong lời giải có nghĩa “con rùa”. Nhưng 3 dòng sau không rõ nghĩa, không sát hình chữ Quy. Mặc dầu được ghi trong TNPD và CĐVG (quyển sau chắc chỉ sao lại quyển trước), câu này nên để ra ngoài danh sách, hoặc phụ lục tồn nghi.
- Câu 1468:
Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc
Phận liễu sao đành nâng nét ngang

- Chữ Phụ
Câu này không có trong TNPD và CĐVG. CĐVG có chú thích (tr 492, in lầm số mục câu là 1467): “Thiên nhô đầu ra là chữ Phu (ý nói đã có chồng rồi)”. Đầu tiên cần sửa 2 chỗ in sai ở câu 1468 tr 413, dòng 2: “Phận liễu sao đành nẩy nét ngang” và lời giải: chữ Phu. Có lẽ rất ít người không biết 2 câu này nằm trong bài thơ “Không chồng mà chửa” của Hồ Xuân Hương. Câu trên có nghĩa chưa chồng (chưa thành chữ “phụ”), câu dưới có nghĩa “đã có con” (đã thành chữ “tử”). Chữ Thiên (trời) nhô đầu lên là chữ Phu (chồng) chữ Liễu (kết thúc khác chữ Liễu tên cây) nẩy nét ngang thành chữ tử (con). Như vậy cả 2 câu không phải chỉ là chữ Phu mà còn thêm chữ Tử. Thực ra 2 câu này dùng lối chơi chữ, thêm nét chữ để nói một hiện tượng, không hẳn là câu đố chữ, nhất là câu trên.
- Câu 1469:
Hội thóc, hột thóc, phẩy đuôi tre thập
Trên nhất dưới bẻ què lê

- Chữ Pháp
Không có chú thích. TNPD không có câu này. In nhầm, thiếu, ngắt câu xuống dòng không đúng chỗ. Đề nghị sửa:
Hột thóc, hột thóc, phẩy đuôi trê
Thập trên nhất dưới, chân bẻ què lê.

Dòng trên: 3 chấm thủy (bên trái); dòng dưới, chữ Khứ (bên phải) của chữ Pháp (chữ Khứ gồm chữ thập, chữ nhất và hình “chân bẻ què lê” tức chữ tư hay ti.
- Câu 1471:
Khuôn vân đầu tám khấn, mười một chữ lai
Mười hai chữ lệ, vô số chữ nhơn
Chấm chôn đá vào, gài nhau quai xuôi
Chữ nhược xung quanh, chữ danh bốn bề
Chữ hề chính giữa, với nửa chữ sư

- Chữ Sảnh
Câu này không có chú thích. Không hiểu chữ Sảnh viết thế nào, và chữ gì lại gồm nhiều chữ - bộ phận, phân bố phức tạp như trong câu đố. TNPD không có câu này.
- Câu 1472:
Tam điểm như tinh lượng
Hoành câu tự nguyệt tà
Phi mão tùng thử đắc
Hữu (tổ) phật giả ư tha

- Chữ Tâm
- Câu 1473:
Ba chấm như ngôi sao sáng
Một vành ngang như trăng đã xế
Loài không có lồng cũng có nó
Phật cũng thường ở trong đó

- Chữ Tâm
Hai câu này không có chú thích. Hai câu đặt dưới 2 số thực ra không phải là câu khác nhau, câu sau chỉ là dịch câu trước toàn chữ Hán. Theo nghĩa ở câu sau, có thể sửa câu trên, dòng 3: “phi mao tùng thử đắc”, dòng 4 “Hữu Phật (Phật tổ) giả ư tha”. Ở câu 1473, “một vành ngang” dịch “hoành câu” ở câu trên chưa thật sát. Xin tạm dịch lại “Ba chấm như sau sáng. Lưỡi giăm nằm ngang như vành trăng xế. Loài không lông cũng có nó. Phật thường ngụ trong đó”. Hai câu chỉ là một, trong đó 2 dòng trên nói về hình nét chữ, 2 dòng dưới nói về nghĩa chữ. Dòng cuối dựa vào giáo lý “phật tức tâm, tâm tức Phậ” của đạo Phật. Câu trên không có trong TNPD và CĐVG.
- Câu 1474:
Gió cao ngọn lửa càng cao
Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời

- Chữ Tâm
Không có chú thích trong CĐVT, Thiết nghĩ nên ghi thêm: đây là câu đố tập Kiều (c. 1657 và c. 1638 trong Truyện Kiều). Riêng câu 8 chữ tả cảnh đồng thời tả tình ý của Thúy Kiều ngắm cảnh, nhớ tới Thúc Kỳ Tâm. Chỉ 1 dòng này cũng đủ dùng để đố chữ Tâm, dòng trên có thể bỏ đi. Nếu vẫn giữ dòng trên, có thể giải câu đố này bằng chữ “lân”, viết 2 chữ Hỏa chồng nhau (tức chữ Viêm là nóng) trên chữ Tâm, đọc là “lân” (hay “liên”), chính là chữ Lân hay Liên đồng âm, có nghĩa là “thương tiếc, thương yêu” viết theo lối cổ. Đây có thể cũng là một lối đố hiểm hóc, chọn những chữ ít dùng, ít người biết để thử tài nhau (không có câu này trong TNPD và CĐVG).
- Câu 1475:
Một vai mà kề hai chân
Con dao cái cuốc để gần một bên

- Chữ Tắc
Không có chú thích. Dòng 1 phải sửa lại vì in nhầm:
Một vai mà kê hai chân
như được ghi trong TNPD và nên nói rõ ở lời giải: chữ Tắc có nghĩa “khuôn phép” vì có nhiều chữ đồng âm. Dòng 1 hình Đao là chữ Tắc. Dòng 1 có thể đổi thành “một mắt mà có hai chân” cùng chữ Mục, thêm 2 nét bên dưới để hình dung chữ Bối.
- Câu 1476:
Anh kia hai ngón xuyên tâm
- Chữ Tắc
Câu in sai. Cần sửa theo TNPD và CĐVG (c. 32 tr. 101)
Anh kia hay ngón xuyên tâm
và sửa lời giải - Chữ Tất.
- Câu 1477:
Nhớ ơn chín chữ cao sâu
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai

- Chữ Thập
Không có chú thích. Nên ghi thêm xuất xứ: đây là câu đố tập Kiều(c.1253. c. 2472). Lời giải là chữ Thập, thật ra chỉ cần một dòng 2 (dọc ngang: nét đọc cắt nét ngang thành chữ Thập. Kết hợp cả 2 dòng có lẽ phải giải là chữ viết Cửu trên Thập “nhó ơn chín chữ ..” ở dòng 1 chữ này là một cách viết của chữ tốt (cuối cùng, hết). Đây cũng là một lối đố hóc búa để thử trình độ hiểu biết của người được đố (Câu này không có trong TNPD và CĐVG).
- Câu 1478:
Tuần sau bỗng thấy hai người
Giang tay về chốn trường mai tự tình

- Chữ Thiên
Không có chú thích. Nên sửa lỗi chính tả: “giang tay” thành “dang tay” và sửa “trường mai” thành “trướng mai”. Đây là câu đố tập Kiều(câu 1555 và 2284). Giải là chữ Thiên, có lẽ chữ Thiên là trời, do chữ Nhị (hai) và chữ Nhân (người) hợp thành. Nhưng nếu thế có thể giải là chữ Phu (người chồng) cũng do 2 chữ Nhị và Nhân viết đè lên nhau. Hơn nữa theo kiểu câu đố này thì bất cứ câu nào có 2 tiếng “hai người” cũng thành câu đố! Thiết tưởng nên loại bỏ những câu thiếu chính xác và gượng ép như thế (không có câu này trong TNPD và CĐVG).
- Câu 1481:
Nhị hình, nhất thế, tứ chi, bát đầu
Tự bát, nhất bát, phi toàn ngưỡng lưu

- Chữ Tính
Câu này không có chú thích. TNPD và CĐVG (c. 44, tr. 102) có ghi, và giải là chữ Tính, không ghi nghĩa để xác định là chữ Tỉnh nào, và cũng không dịch câu đỗ chữ Hán. Đúng ra, câu này phải viết như sau:
Nhị “nhị” hình, nhất nhất thể, tứ giác bát đầu,
Nhất bái, nhất bát, phi toàn ngưỡng lưu

Dịch:
“Hai hai hình một một thể, bốn góc tám đầu
Một vái, một đố, suối nhảy tung, ngửa nhìn dòng nước”

Giải vào câu đố, câu này có nghĩa: hai hình chữ Nhị (một viết theo lối thường, một viết theo lối mã số thành một thể chữ là chữ Tỉnh (giếng nước). Bốn góc (của hình vuông ở giữa chữ) tám đầu (8 mũi nhọn quanh chữ). Cả dòng trên giải thích hình dáng chữ Tỉnh (giếng). Dòng dưới nói về động tác múc nước từ giếng lên: một lần cúi xuống (“một vái”) kéo gầu nước lên rồi đổ nước (“một đổ”), nước chảy tung toé (“suối nhảy tung”), vui nhìn dòng nước từ gầu tràn ra (“ngửa nhìn dòng nước”).
Câu đố khá bí hiểm vì lối dùng chữ nhiều nghĩa. “Nhị nhị hình” có nghĩa đơn giản là “2 lần 2 tức 4 hình” “Bốn hình, một thể” thật khó đoán là vật gì. Phải hiểu “nhị nhị hình” là 2 chữ Nhị viết thành 2 hình khác nhau, hình thông thường và hình “mã số” để hình thành chữ Tĩnh là giếng nước. “Tứ giác bát đầu” có nghĩa đen là 4 sừng 8 đầu, nhưng ở đây phải hiểu theo nghĩa khác là “4 góc, 8 đầu nét chữ”. Câu đố hiểm hóc, khó đoán, nhưng lời đố khi được giải lại rất hợp lý và sát với chữ định đố. Một câu đố hay.
- Câu 1482:
Câu xanh mới rủ trương đài
Thực lòng mình cũng nao nao lòng người

- Chữ Tính
Không có chú thích. Đây là câu Tập Kiều (câu 1227-492) cần sửa những chỗ in sai:
Lầu xanh mới rủ trướng đào.
Thiệt lòng mình cũng nao nao lòng người

- Chữ Tình
Giải là chữ Tình gồm chữ Thanh (màu xanh, ở dòng 1 bên bộ Tâm đứng (tim, lòng, ở dòng 2).
- Câu 1484:
Thù thổ tam điều lũy trúc
- Chữ Trúc
Không có chú thích. TNPD không có câu này. Lời ra đố khó hiểu, dù sao cũng không sát với lời giải. CĐVG (c 60 tr. 104) ghi như sau: “Thủ thổ tam điển lũy trúc” và giải: chữ Trúc. Lời ra đố ghi đúng, nhưng lời giải (chữ Trúc) không sát, phải sửa là chữ Lũy viết 3 chữ Điền trên chữ Thổ. Câu đố có thể dịch: “lấy đất 3 ruộng đắp lũy” có lẽ viết “Thủ tam điền Thổ trúc lũy” thì hợp với ngữ pháp chữ Hán hơn.
- Câu 1486:
Ruộng kia ai cất lên cao
Nửa vành trăng khuyết bao giữa trời

- Chữ Tư
Cần sửa lỗi in sai ở dòng 2... ba sao giữa trời, và ở lời giải: “chữ Tư”. Câu này có chú thích: chữ Tư: riêng tư, tư lự (tr 492). Cần xoá bỏ 2 chữ “riêng tư”. Chữ Tư trong “tư lư” viết với chữ điền (ruộng) ở dòng 1) trên chữ Tâm (dòng 2) viết hoàn toàn khác với chữ Tư trong (riêng tư, công tư). Không có câu này trong TNPD và CĐVG.
- Câu 1487:
Đời người đến thế thì thôi
Ba thu dồn tại một ngày dai ghê

- Chữ Xuân
Không có chú thích. Nên ghi: đây là câu đố tập Kiều (Câu 2645, 248). Câu tập Kiều này không thật ổn vì lạc vần (“thôi” không cùng vần với “ngày”). Câu đối được giải là chữ Xuân, vì có chữ Nhân (người ở dòng trên) viết đè lên chữ Tam (“ba” trong “ba thu”, ở dòng 2). Giải như vậy chỉ là tạm được, vì nếu ghép như thế, thì có thể ghép “người” với “thu”, và lời giải là chữ Tiểu (nhìn) gồm chữ Nhân bên chữ Thu, hoặc ghép “người” với “dài” và lời giải là Chữ Trành viết Nhân bênTrường. Trành là tên loại ma đi liền với hổ, theo mê tín, người bị hổ giết thành ma trành ở bên cạnh hổ và chỉ được giải phóng đi đầu thai kiếp khác sau khi đã dun dủi một người khác cho bị hổ giết, thành ma trành mới thay thế mình.
Trên đây là một số nhận xét về những câu đố về chữ Hán trong sách CĐVG và chỉ ghi lại những câu có vấn đề hoặc cần giải thichs thêm. Trong những câu này có những câu có lẽ đã được chép lại sai, không có sự ăn khớp giữa lời đố và lời giải, hoặc lời đố khó hiểu (câu 1471, 1481, 1489...) Có những câu đố và giải thích đáng nhưng có những chỗ chắc chép sai vì không rõ nghĩa, như câu 1465 (chữ qui), câu 1430 (chữ mã). Ngoài ra, có những câu nên gạt ra ngoài loại câu đố về chữ Hán, như câu 1451, lời ra bằng chữ Hán nhưng lời giải là con số 11 (mười một), câu 1468 chỉ là 2 câu thơ chơi chữ của Hồ Xuân Hương, đổi nét và thêm nét vào 2 chữ Hán để diễn đạt ý “chưa chồng, có con” không phải là đố chữ.
II. BỔ SUNG PHẦN CÂU ĐỐ VỀ CHỮ HÁN (xuất Hán tự) trong CĐVT
- Về mặt sưu tầm, CĐVN đã tập hợp được một lượng số câu đố phong phú nhất cho đến nay. Riêng phần câu đố về chữ Hán, có thể bổ sung mấy câu sau đây:
Mâu nhi vô dịch
Mịch phi kiến tích
Ai lạc tâm trường
Lực lai tương dịch
 
(Lưỡi mâu không có nách
Tìm không thấy dấu vết
Yêu thương đánh rơi cả tim ruột
Dồn sức lại, đấu với nhau)

Đây là một câu đố cùng loại với câu 1438 trong CĐVT (trạng nguyên Nguyễn Hiền giải 4 câu thơ đố chữ của triều đình nhà Nguyên: chữ điền là ruộng). Đây là loại câu đố chữ Hán trong địa hạt ngoại giao. Đầu thế kỷ 17, chúa Trịnh là Trịnh Tráng sai người đem sắc vua Lê phong cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên ở phương nam. Nguyễn Phúc Nguyên theo kế Đào Duy Từ đúc mâm hai đáy, mặt mâm để lễ vật, bên trong giữa hai đáy đặt sắc phong để tra lại, kèm 4 câu thơ trên. Theo truyền thuyết, Trịnh Tráng đã phải nhờ Trạng Bùng tức Phùng Khắc Khoan giải. Câu 1: “lưỡi mâu không nách” tức chữ “mâu” không có dấu phết bên cạnh là chữ “dư” (tôi, ta); câu 2: “tìm không thấy vết” chữ “mịch” (tìm) không có chữ “kiến” (thấy), thành chữ “bất” (chẳng); câu 3: “yêu rơi mất tim” tức chữ “ái” (yêu) bỏ chữ “tâm” sức tới cùng chống nhau” tức đặt chữ “lực” (sức) bên chữ “lai” (tới) thành chữ “sắc” (chiếu chỉ của vua). Bốn câu thơ được giải thành 4 chữ “dư bất thụ sắc (ta không nhận sắc). TNPD không có câu này; CĐVG có ghi (c. 35 tr 104) có mấy chữ in sai và chỉ giải vắn tắt “Dư bất thụ sắc”.
Bốn câu thơ đố đáng chú ý ở chỗ 2 câu sau ám chỉ mối liên hệ giữa 2 họ Trịnh Nguyễn, câu 3 có nghĩa “không còn tình thương yêu ruột thịt” giữa 2 họ: Trịnh Kiểu ông nội Trịnh Tráng lấy Ngọc Bảo chị ruột Nguyễn Hoàng và bản thân Trịnh Tráng lấy Ngọc Tú, con gái Nguyễn Hoàng”; câu 4 có nghĩa: “dồn sức lại để chống nhau”. Trả sắc phong, đồng thời thách thức, không sợ phản ứng của chúa Trịnh có thể nhân danh vua Lê đem quân gây chiến (Việc trả sắc phong kèm 4 câu thơ có được chép trong Đại Nam thực lục tiền biên (bản dịch Viện Sử học. Xem thêm Giai thoại văn học Việt Nam của Hoàng Ngọc Phách - Kiều Thu Hoạch, Nxb Văn học, 1965, tr. 132; Giai thoại làng nho của Lãng Nhân, Nam chi tùng thư, Sài Gòn, 1966, tr. 52 - 53.
Ba xe káo lê trên đàng, âm vang như sấm
Giải: chữ “oanh”, viết với 3 chữ “xa” và có nghĩa “tiếng động cvủa nhiều xe cùng chạy” (So sánh với câu 1464 trong CĐVN).
- Con bắt, con chuột, con xuống, con chới.
Giải: Tử Cầm, Tử Cống, Tử Hạ, Tử Du (theo TNPD và CĐVG c. 34 tr 101). Đây là câu đố dựa vào sự dịch nghĩa từng chữ tiếng Việt sang Hán tự, thành tên mấy nhân vật lịch sử. Riêng về từ “con chuột” dịch là Tứ Cống, tuy “cống” chữ Hán không có nghĩa là chuột, giải là Cống vì có loại chuột cống, và Tử Cống, cùng với Tự Hạ, Tử Du là đệ tử nổi tiếng của Khổng Tử được nhắc tới nhiều trong sách Luận ngữ. Nên chú ý “con xuống” dịch là Tử Hạ chỉ là đồng âm với Tử Hạ (với chữ Hạ là mùa hè) học trò Khổng Tử (đúng ra chữ “Hạ” nghĩa là xuống thường đọc là “há”). Còn về Tử Cầm, không có tên người với chữ Cầm là bắt, nhưng có tên nhân vật Tử Cầm với chữ Cầm là chim (tên tự của con trai Trần hi Tử, thời Xuân Thu). Lời đố không nói “con chim con chuột” mà lại nói “con bắt con chuột”. Chúng tôi cho rằng lời đố này không nên cắt thành 4 đoạn như trong TNPD và CĐVG mà nên chỉ có 2 đoạn “con bắt con chuột, con xuống con chơi” ghi động tác bắt chuột và xuống chơi, nhưng đồng thời là câu đố 4 tên người, đều là nhân vật thời Xuân thu. CĐVT có chép câu đố này ở tr 301 dưới mục tên người “xuất nhân danh) và cũng chép thành 4 đoạn như TNPD và CĐVG. Lời giải được chú thích (tr. 473) “bốn người học trò của Khổng Tử”. Thực ra chỉ có 3 người sau là cao đệ của Khổng Khâu, cả 4 người đều sống dưới thời Xuân thu.
- Tại thượng tắc hạ, tại hạ tắc thượng 
(Ở trên thì dưới, ở dưới thì trên)

Giải: chữ nhất (một), chữ “nhất” viết một nét ngang, ở chữ “thượng” (trên) thì năm bên dưới, ở chữ “hạ dưới” thì nằm bên trên. So sánh với câu 1454 CĐVT. Câu này hàm ý khuyên răn xử thế. Người ở trên phải đi xuống dưới (tìm hiểu, chú ý quyền lợi người ở dưới); người còn thấp kém cố vươn lên theo kịp người trên mình. Chữ “thượng” và “hạ” theo nghĩa này là động từ và thường đọc “thướng” và “há”.
- Tây quốc hữu nhân danh viết Phật
Đông môn vô khảo bất thành lan

Câu này thấy trong CĐVG, giải là “Phật - Lan”. Đây là loại câu đố “vừa đố vừa giảng” lời giảng thấy ngay ở trong lời ra đố. Câu trên có thể dịch “nước phong tây có người tên là Phật”. Phật Thích Ca là người Tây Trúc (Ấn Độ) so với nước ta thì ở phương tây, chữ Phật được viết với chữ Nhân đứng cạnh chữ Tây trên chữ Quốc. Chữ này không thấy trong các từ thư Trung Quốc (như Khang Hi tự điển, Tư nguyên, Từ hải...) nhung thấy ở một số câu đối tại các chùa Việt Nam. Câu dưới có nghĩa: “Cửa phía đông không cỏ thành lan” hoặc “không cỏ nào không thành lan”. Chữ Lan (hoa lan) được viết: thảo đầu (cỏ) trên chữ Lan (cánh cửa), gồm chữ Môn (cửa) bên trong có chữ Đông (phương đông) (trong cách viết chính qui, phải thay chữ Đông bằng chữ Giản. X. Câu 1453 CĐVT ở trên).
Câu đố là hai câu thơ đố nhau khá chỉnh (trừ chữ “danh” đối với “bất” chưa thật sát) vừa là câu đố vừa là câu thơ “chơi chữ”, có thể so sánh với lời đối đáp giữa sứ Tàu và Trạng Mạc Đĩnh Chi:
Li vị võng lượng tứ tiểu qui
Cầm sắt tì bà bát đại vương.
 
(X. Giai thoại văn học Việt Nam, Sđd, tr. 81 - 82).

MỘT SỐ NHẬN XÉT CHUNG:
Quyển CĐVT của Nguyễn Văn Trung là một cuốn sách không những sưu tầm khá đầy đủ, mà còn khảo luận sâu rộng về câu đố tiếng Việt, vượt xa những cuốn sách trước đây về vấn đề này. Nhưng riêng địa hạt câu đố về chữ Hán, có thể ghi thêm mấy nhận xét sau đây:
1. Về phân loại trong nội bộ các câu đố về chữ Hán, sách CĐVT không làm. Về mặt này có thể phân biệt 2 loại. Loại thứ nhất:
- Loại câu đố coi như đơn giản: lời giải nằm trong việc dịch tiếng Việt ra chữ Hán như câu 2 phần bổ sung ở trên: “con bắt con chuột con xuống con chơi”. Tuy đơn giản nhưng không phải hoàn toàn dễ vì như trong câu này, người giải phải có kiến thức tối thiểu để đoán biết những nhân vật lịch sử trong lời giải. Tỉ như từ “bắt” có thể dịch ra chữ Hán bằng nhièu chữ tróc, nã, bộ, cầm)... phải chọn một chữ thích hợp và chỉ cần đồng âm, không cần đúng chữ (như “cầm” là chim, đồn âm với “cầm” là bắt), và cũng mạnh dạn dịch “chuột” là cống vì có loài chuột cống, để có nhân vật Tử Cống bên cạnh Tử Hạ, Tử Du, ba học trò giỏi của Khổng Từ.
- Loại 2 gồm những câu chủ yếu đề cập tới cơ cấu chữ viết phân tích thành phần chữ viết, thường là câu dễ đoán đối với những người có sự hiểu biết cơ bản về chữ Hán. Những câu này nói rõ cấu trúc của chữ, chỉ rõ những thành phần vốn là những chữ đơn giản được nhiều người biết. Người giải chỉ việc ghép những bộ phanạ lại là đoán được. Thí dụ câu 1481:
Chữ lập đập chữ viết, chữ viết đập chữ thập.
ghép 3 chữ “lập, viết, thập” sẽ tìm được chữ “chương” một cách dễ dàng (câu 1481 trong CĐ có chỗ in sai, phần trên trong bài này đã sửa lại). Hoặc câu 1437:
Chim chích mà đậu cành tre
Thập trên, tứ dưới, nhất đà chữ tâm

Trong câu lục bát này, câu lục vẽ hình bộ “xích” gần âm với “chích” trong “chim chích”; câu bát chỉ phần chữ bên phải gồm những chữ bộ phận: “thập, tứ, nhất, tâm” ghép lại cả chữ thành chữ “đức”. Hoặc câu 1483:
Hai chữ thập rập chữ viết, chữ nguyệt đứng trồng là chữ gì?
CĐVN giảng “chữ Triệu”, cần sửa “chữ Triêu” là “buổi sớm”. Cũng nằm trong loại này là những câu 1464 “ba xe chập lại chỉ chữ “oanh” (tiếng xe chạy), câu 1440:
Ông thổ vác cây tre, đè bà Nhựt
chỉ chữ “giả” (trong từ “soạn giả”) v.v...
- Loại 3 chủ yếu đưa ra ý nghĩa hoặc hình dáng của chữ, của thành phần của chữ, người đoán phải tìm ra những chữ thích đáng, ghép lại để “giải mã”. Thí dụ:
- Câu 1486:
Ruộng kia ai cất lên cao
Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời

Câu lục cho nghĩa chữ “điền” (là ruộng): câu bát cho hình chữ “tâm” với nét mác uốn cong và 3 chấm. Ghép 2 chữ điền và tâm thành chữ “tư” (CĐVN in sai là “tự”. Cũng thuộc loại này.
- Câu 1479:
Tai nghe, miệng nói, đít làm vua
đố chữ “thánh”, gồm chữ “nhĩ” (tai), chữ “khẩu” (miệng) ở trên và chữ “vương” (vua) ở dưới.
- Loại 4: kết hợp 2 loại trên, vừa gọi tên, vừa nói ý nghĩa của từng bộ phận chữ. Thí dụ câu 1480:
Con gái mà đứng éo le
Chồng con chữa có kè kè mang thai

Câu lục ghi chữ nữ (con gái ghép với chữ “thai” ở câu bát thành chữ thủy” (bắt đầu). Hoặc câu 1463:
Em là con gái đồng trinh
Chờ người tuổi tuất ghé mình em vô

Câu lục lấy nghĩa (con gái tức chữ nữ), đặt chữ nữ vào trong chữ “tuất” ở câu bát ta được chữ “uy” (tôn nghiêm).
- Câu 1459:
Đêm tàn nguyệt xế về tây
Chó sủa canh chầy, trống lại điểm canh tư

Lời giải là chữ “nhiên” (trong “thiên nhiên tự nhiên”), gồm các chữ “nguyệt” viết nghiêng (nguyệt xế), chữ “khuyển” (chó) ở trên, dưới là 4 chấm (“canh tư”). Câu đố khó đoán vì: 1/ trong 2 câu 14 chữ phải tinh ý chọn đúng 3 chữ thích hợp (trăng, chó, tư) để chuyển thành những chữ “nguyệt”, “khuyển” và 4 chấm. 2/ chữ Hán bộ phận không hẳn đúng với nghĩa chữ trong câu đố: trong chữ “nhiên, bên cạnh chữ “khuyển” không phải là chữ “nguyệt” mà là chữ “nhục” (thịt) viết biến thể, “tư” trong “canh tư” không phải là chữ “tứ” mà là 4 chấm, biến thể của chữ “hỏa”.
2. Về nội dung cách đố và cách giải của những câu đố về chữ Hán, có thể ghi mấy điểm đáng chú ý như sau:
- Chữ Hán được đưa ra thường chỉ chú trọng về hình thức lối viết thông thường không đi sâu vào gốc nghĩa của chữ nên có thể không đúng. Thí dụ trong chữ “nhiên” ở câu 1459 nói ở trên, không phải là chữ “nguyệt”, đúng ra phải là chữ “nhục”. Đó cũng là trường hợp câu 1427 đã nói ở phần 1 bài này (chữ “bào”).
- Chữ Hán được giải trong nhiều câu đố không thật sát với hình chữ Hán đúng qui cách ghi trong các tự điển. Thí dụ một số câu đố đã phân tích ở phần 1 bài viết này: câu 1433 dùng 2 chữ “nhân” (người) để đố chữ “cửu” (lâu dài); câu 1444 dùng chữ “công” (người thợ) để viết chữ “hầu”; câu 1453 dùng chữ “đông” (phương đông) đúng ra phải dùng chữ “giản” (giấy tờ, thư tín) trong chữ “môn” (cửa) để viết chữ “lan” (cánh cửa); câu 1462 dùng chữ “hỏa” (lửa) dưới chữ “dương” (con dê) để viết chữ mỹ (đẹp), đều không sát với cách viết chính qui trong các tự điển. Có lẽ cả người ra đố lẫn người giải đố đều thấy không cần quá nghiêm khắc về mặt này, và tạm nhận lối viết dù có nét, không thực chính qui theo các tự điển, coi như không thật hệ trọng vì không gây sự lầm lẫn chữ này với chữ khác.
Nói rộng ra có thể cho đây là một hiện tượng đáng chú ý: có một số chữ Hán đã được người Việt viết không theo đúng các tự điển chính qui Trung Quốc. Điển hình là chữ Việt được khắc in ở nhan sách bộĐại Việt sử ký toàn thư bản khắc in năm Chính Hoà 18 (1697) chụp in lại ở bìa sau tập1 bản dịch của Ngô Đức Thọ (Nxb KHXH 1983).
Chữ “Việt” được viết ở phần bên trái “thổ” (đất) trên “hựu” (lại, lần nữa) phần bên phải là chữ “tuất” (1 trong 12 chi). Đúng ra phải viết chữ “tẩu” (chay) bên chữ Việt (loại rìu dùng trong nghi vệ, tượng trưng cho uy quyền, không dùng để chém giết). Nếu viết “tẩu” bên “tuất”, tự điển Khang Hi đọc là “huật” (hửa, duật thiết), giảng là “chạy”, và cẩn thận ghi “khác với chữ “việt” (dữ việt bắt đồng). Nhưng ta đã quen đọc câu trong Kiều “ngày hai mươi mốt tuất thì” ở “thiên tích việt” nên thường viết “việt” với chữ “tuất”. Bộ Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh ở từ điều “việt” (tập 2 tr. 554) cũng viết “tẩu” bên “tuất” (tuy ở nhan sách và ở từ điển “Nam Việt” chữ “Việt” được viết đúng dạng). Cũng ở nhan sách Đại Việt sử ký toàn thư nói trên, chữ “ký” được viết “ngôn” bên “dĩ” (thôi đã qua). Đúng ra phải viết “ngôn” bên “kỷ” (tự mình). Thực ra viết lầm chữ này không nghiêm trọng vì không có chữ Hán nào viết “ngôn” bên “dĩ” để có thể đọc lẫn lộn như trường hợp chữ “việt” chữ “huật” nói trên. (Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh ghi đúng nét chữ “ký” (1, tr. 487) nhưng ở từ “nhật ký (II. tr 72) lại ghi sai, tuy đã ghi đúng ở từ “sử ký: (11 tr. 313).
- Ở một số câu, do lời ra đố không thật minh bạch, cho phép giải bằng những chữ thuộc loại hiếm được dùng, như chữ “lân” (câu 1474) “tốt” (câu 1477). Đây là một cách thách đố hiểm hóc thử tài nhau. Cũng có thể có ý kiến cho lời giải như vậy có tính cách khiên cưỡng. Dù sao cũng có thể coi như trường hợp một câu đố có 2 cách giải (cũng như một chữ có 2 lối viết) (Xem thêm những câu 1462, 1487 đã phân tích ở phần trên).
- Có một điểm khá hệ trọng liên can đến câu đố nói chung mà sách CĐVN không thấy nhấn mạnh, đó là bản chất câu đố: một cách thử thách trí thông minh, tài đoán của người giải. Do đó câu đố mà quá dễ đoán không phải là câu đố có giá trị. Câu đố hay phải là câu đố khó giải, phải suy nghĩ mới giải được, như đối với một bài toán khó, một thế cờ gay go, càng khó, giải được càng thấy thú. Tuy khó giải, nhưng lời ra đố lại phải hợp lý, đúng đắn, sao cho người chịu không giải được cũng phải công nhận rằng mình đã kém suy nghĩ nên thất bại (“dễ thế mà không đoán được”). Chính vì muốn kích thích sự tìm tòi suy tư của người giải đáp mà ở trường hợp câu đố xuất hiện trên sách báo, người ta không ghi ngay lời giải. Để bắt người đọc phải dừng lại, suy nghĩ tối thiểu, lời giải được in ở một phần riêng cuối sách, như trong TNPD hoặc nếu trên báo chí thì được in ở một trang khác, đôi khi còn in lối chữ đảo ngược cho khó đọc.
Sách CĐVT không làm như vậy, và in lời giải ở ngay sau mỗi câu đố. Cách làm này có lẽ do tính cách của cuốn sách, chủ yếu là một công trình nghiên cứu câu đố về những mặt phân loại, cấu tạo, ý nghĩa về phong tục và đời sống nên không để ý đến yêu cầu người đọc phải suy nghĩ để giải câu đố và mặt khác nếu làm như vậy sẽ khiến gián đoạn sự chú ý theo dõi vấn đề được trình bày. Tuy nhiên nếu ở phần chuyên luận có thể in lời giải kèm ngay sau câu đố, thì ở phần sưu tầm, chiếm hơn 200 trang sách (tr. 229 - 457) vẫn nên tách lời giải khỏi câu đố để in ở một phần sau kèm theo lời chú giải nếu cần. Và cũng không nên phân loại ngay trong việc sưu tầm, để tránh việc dựa vào sự phân loại để dễ tìm lời giải. Có lẽ nên theo sách TNPD, lập bảng kê các câu đố theo thứ tự ABC chữ đầu câu, có đánh số câu để tiện việc tìm kiếm trong phần “lời giải và chú thích” cuối sách, và cũng tiện cho việc bổ sung những câu sưu tầm sau này. Nếu muốn phân loại, sẽ làm một bảng riêng, coi như bảng sách dẫn, ghi số mục câu đố. Dù sao, có lẽ vì không chú ý đến mặt trên - tính cách “bí hiểm nhưng rất hợp lý” của câu đố, và đây có thể coi là tính cách chủ yếu của loại hình văn học dân gian này. Sách CĐVN đã để vường một số sai sót trong việc ghi lại lời ra đố cũng như lời giải đố như đã trình bày ở trên. Cũng nên nói thêm rằng những sai sót không phải chỉ ở mục câu đố về chữ Hán (xuất Hán tự) mà cả ở những mục khác. Có thể đơn cử mấy chỗ;
- Câu 175, tr 250 có câu:
Đất Hà Nội không ai dám cày
giải là “mồ mả”. Nhưng Hà Nội ngoài các đường phố vẫn còn nhiều khoảng đất cày cấy. Đúng ra câu này phải là:
Đất đồng nội không ai dám cày.
- Câu 298, tr 263:
Sột sạt như lá chuối khô
Hai bên nước chảy như hồ long vân
Từ quan cho chí đến dân
Ai ai cũng phải uống nước long vân chi hồ

Câu đố nằm ở mục “Trái (xuất quả)” và được giải “trái vú sữa”. Nhưng sao lại “sột sạt lá chuối khô” và “hai bên nước chảy”? Đúng ra là “chiếc yếm và đôi vú sữa người mẹ”.
- Câu 365 tr 271:
Trong hang trong hốc lóc nhóc bò ra
Cả huyện cùng nha chẳng ai bắt được

Câu đố ở trong mục “loài vật (xuất thú)” và kèm lời giải: con rắn. Nhưng rắn gì mà “cả huyện cùng nha chẳng ai bắt được”. Lời giải đúng phải là “hơi trung tiện (cái rắm).
Về 2 câu sau, TNPD có ghi và giải là “vú sữa” và “cái rắm”. Và chính CĐVT cũng tựa mình sửa sai, bằng cách ghi lại một lần nữa 2 câu này ở mục Con người (xuất thân và nhân thân). Câu 298 nói trên được chép lại thành câu 598 (tr 299) lời giải là “vú sữa” kèm chú thích (tr. 473) “sột sạt: cho con bú, mẹ phải vạch yếm nghe sột sạt”. Còn câu 365 đã trở thành câu 612 (tr 301) giải là “cái rắm”. Chính vì thiếu thẩm tra tính ăn khớp hợp lý giữa lời ra đố và lời giải đố nên đã để lọt những sai sót trên. Cần nói thêm rằng sách CĐVG cũng có phần tiểu luận và phần sưu tầm như CĐVT và ở phần sưu tầm cũng ghi lời giải ngay sau câu đố. Có lẽ cũng do đó một phần mà có hiện tượng câu đố trong đó lời đố và lời giải không ăn nhập với nhau, như câu “thủ thô tam điền lũy trúc” giải là chữ Trúc (X. c 1484 của CĐVT ghi ở trên), hoặc câu có lời ra đố khó hiểu như câu “đầu như đao, vị như câu...” được giải bằng chữ Qui (X. c 1465 trong CĐVT ở trên). Câu này có từ trong TNPD, hai sách CĐVG và CĐVT chỉ chép lại lời đố và lời giải, nếu đi sâu sẽ thấy những chỗ tối nghĩa và không hợp lý của lời đố.
Như đã nói ở đầu bài, sách CĐVN là một công trình viết khá công phu, chuyên nghiên cứu về câu đố, một mảng quan trọng, mang nhiều ý nghĩ về mặt ngữ ngôn, văn học, phong tục trong nền văn học dân gian dân Việt. Những trang trên chỉ ghi lại một số ý kiến sơ bộ, nhằm góp thêm chút ít tư liệu, giúp ích một phần nào cho việc nghiên cứu và sưu tầm trong địa hạt này, rất phong phú và đầy hứng thú đồng thời cũng còn nhiều chỗ phải đi sâu và tranh luận.
Total notes of this article: 2 in 1 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh