Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

ĐỒ HÌNH LỊCH CAN CHI VĨNH CỬU

WEDnesday - 20/05/2015 05:48
Trong các thư tịch cổ, thời gian, nhất là khi ghi các sự kiện trọng đại thường được ghi bằng lịch can chi. Điều này gây không ít khó khăn cho các nhà khảo cứu và người đọc, vì ở ta khá hiềm các cuốn lịch có lịch can chi.
Cuốn Bảng đối chiếu âm dương lịch 2000 năm và niên biểu lịch sử (1). có cho ta cách tra cứu lịch can chi, nhưng phải tính toán thêm khá phức tạp với những công thức có dấu xích ma (cộng liên tiếp), khiến cho nhiều nhà khoa học xã hội hầu như không thể tra cứu được, thêm nữa cuốn lịch này có quá nhiều lỗi (2).
Các nhà châm cứu thì cần lịch can chi của ngày hôm nay, nhưng cuốnLịch thế kỷ XX (3) lại không cho can chi như cuốn Nhị bách niên lịch biểu (4), khiến cho tác dụng của nó bị hạn chế.
Trong câu Niên biểu Việt Nam(5) có trình bầy một bảng đối chiếu năm dương lịch và âm lịch, nhưng còn phức tạp và không có ngày tháng. Trong cuốn Lịch và lịch Việt Nam(6) Hoàng Xuân Hãn có trình bày một dụng cụ đổi ngày dương lịch và can chi, cách dùng còn phức tạp, bởi ngoài 1 bảng tìm can chi ngày đầu năm, còn một cơ cấu có 1 bìa tĩnh, 1 đĩa quay và 1 kim quay.
Ở đây chúng tôi muốn trình bày trọn bộ một công cụ đối chiếu lịch can chi và dương lịch, gồm năm, tháng, ngày, giờ dưới dạng đồ hình nằm gọn trong 3 trang giấy mà dùng cho hàng nghìn năm (về nguyên tắc là vĩnh cửu). Cách tra cứu khá đơn giản, giống như việc tra đồ thị, bởi chúng là dụng cụ “tĩnh”, chứ không “động” như các lịch vĩnh cửu phải dùng cơ cấu quay.
Các đồ hình này được chúng tôi làm ra, dựa theo nguyên tắc toán đồ đồng dư được trình bày trong cuốn Récréation s Arithmétiques(7) và vận dụng các công thức trong bài Một vài công thức tính đổi giữa dương lịch và lịch theo hệ đếm can chi(8).
I. VÀI NÉT VỀ DƯƠNG LỊCH VÀ LỊCH CAN CHI (9).
1. Dương lịch
Dương lịch là loại lịch làm theo sự vận chuyển tương đối của mặt trời, cố gắng xấp xỉ độ dài của năm mặt trời là 365 24220 ngày. Dương lịch có 2 loại được dùng kế tiếp nhau.
Lịch cũ hay lịch Julien được dùng cho đến Thứ năm, ngày 4-10-1582, cũng có một số nước còn dùng lâu hơn về sau, chẳng hạn nước Nga còn dùng lịch này đến tận Cách mạng táng 10. Theo lịch này thì cứ sau 3 năm thường với 365 ngày lại có 1 năm nhuận với 366 ngày. Các tháng 1, 3, 5, 7, 8, 10, 12 có 31 ngày, các tháng 2, 6, 9, 11, tháng 2 năm thường có 28 ngày, tháng 2 năm nhuận có 29 ngày. Năm nào chia hết cho 4 thì nhuận, riêng năm 0004 tuy chia hết cho 4 nhưng không nhuận bởi hoàng đế Auguste ban ra lệnh đó. Để cho gọn, chúng tôi chỉ lập đồ hình cho các năm 0004 Về sau, đồ hình không dùng cho các năm 0001, 0002, 0003 và các năm trước công nguyên.
Lịch mới hay Lịch Grgrien được áp dụng từ Thứ sáu, ngày 15-10-1582. Người ta đã qui ước bỏ trống 10 ngày, khiến cho kế sau ngày 4-10 là ngày 15-10-1582, năm 1582 không có các ngày từ 5-10 đến 14-10. Quy tắc nhuận giống như lịch cũ với quy ước bổ sung: các năm cuối thế kỷ mà không chia hết cho 400 như 1700, 1800, 1900, 2100... thì không nhuận.
2 . Lịch theo hệ đếm can chi.
Theo lịch này năm tháng ngày giờ cứ quay vòng liên tục với chu kỳ cố định là 60 với 2 chu kỳ nhỏ hơn là 10 và 12, là ước số của 60, gọi là 10 can và 12 chi. Ngày và giờ gắn bó với nhau mà vận chuyển với chu kỳ 60. Một ngày có 12 giờ, mỗi giờ ứng với 2 giờ dương lịch. Các giờ trong ngày có tên xác định theo 12 chi. Phải 5 ngày liền nhau mới trở lại giờ có cùng can chi. Năm và tháng lại gắn bó với nhau mà vận chuyển. Các năm và các tháng được tính theo âm lịch. Một năm có 12 tháng nên các tháng có tên xác định theo 12 chi. Phải 5 năm liền mới trở lại tháng có cùng can chi. Riêng tháng nhuận không có can chi, trong sử dụng cụ thể có lúc người ta coi can chi của tháng kể trước là can chi của tháng nhuận, hoặc cũng có lúc coi nửa đầu tháng nhuận theo can chi tháng kể trước, nửa sau theo can chi tháng kể sau. Vì năm tháng dương lịch và can chi không cùng bắt đầu và cùng kết thúc nên về thực chất ở đây chỉ là tìm tên gọi can chi của năm tháng âm lịch mà thôi, chỉ có ngày giờ là trực tiếp tính đổi với dương lịch.
Lịch can chi có liên quan nhiều đến chu kỳ sinh học của con người. Chu kỳ dài 60 năm được vận dụng để nghiên cứu ảnh hưởng của thời tiết khí hậu đến dịch bệnh trong học thuyết ngũ vận, lục khí (9) của Đông y. Các chu kỳ ngắn 60 ngày, 10 ngày được vận dụng trong thời gian châm cứutheo Linh quy bát phát hoặc Tý Ngọ lưu chú pháp(10). Điều này có thể có nhiều cơ sở: Đông y dựa trên cơ sở của học thuyết âm dương (con số 2), học thuyết ngũ hành (con số 5); chia các cơ quan trong người thànhlục phủ (con số 6), ngũ tạng (con số 5); hệ kinh lạc gồm 12 đường kinh mạch, 12 kinh biệt, 12 kinh cân (số 12). Mặt khác, về thời gian, vốn có chu kỳ 12: 12 giờ trong một ngày, 12 tháng trong một năm. Người xưa chia giờ thành 60 phút, chia phút thành 60 giây chắc cũng có lý do nhất định. Ta biết rằng giai đoạn phôi là giai đoạn phát triển đầu tiên trong sự hình thàng 1 con người, từ khi có sự kết hợp của 2 giao tử đực (tinh trùng) và cái (trứng) đến khi có được hình dáng bên ngoài tương tự như một cơ thể trưởng thàng, là giai đoạn tạo hình và sinh tạng vừa tròn 60 ngày(11) rồi chuyển sang giai đoạn thai. Theo các tư liệu sưu tầm được của nhóm đề tài môi trường và ứng xử của cư dân Đông Nam Á trên lĩnh vự bảo vệ sức khỏe của Viện Đông Nam Á, anh Bùi Đăng Tuấn, nhà sinh học, có gợi ý cho chúng tôi rằng: phải chăng thời gian giải mã di truyển 60 ngày này đã khởi phát cho các chu kỳ 60 ngày tiếp theo trong đời mỗi con người?
Từ những lý lẽ đó, chúng tôi đặt thành vấn đề: phải chăng nếu dương lịch và các ngày khí (tiết hậu) là lịch mặt trời, âm lịch là lịch mặt trăng, nhị thập bát tú là “lịch sao”, thì lịch can chi là “lịch người” - “nhân lịch”
II. ĐỔI NĂM (Đồ hình 1)
Chú ý rằng năm dương lịch và can chi không hoàn toàn tương ứng với nhau, thường ngày tết và năm dương lịch đến sơm hơn ngày tết và năm âm lịch. Ta phải luôn chú ý đến “sự lệch pha” này.
Trên đồ hình ta thấy ngay hàng can của năm âm lịch tương ứng với hàng đơn vị của năm dương lịch.
Để tìm chi của năm ta chia năm dương lịch thành 2 phần để bố trí trên đồ hình. Phần thứ nhất gồm các con số thuộc hàng đơn vị và hàng chục của năm bao quát 100 năm, từ năm 00 đến năm 99, phần này được đặt ở bên trái để từ đó gióng sang phải. Phần thứ 2 gồm các con số thuộc hàng trăm và hàng nghìn, được xếp vào 3 cột phía trên để gióng xuống. Giao điểm của hàng và cột là chi củ năm.
Thí dụ: Đổi năm 1990. Hàng đơn vị là 0, ứng với can Canh. Hàng đơn vị và hàng chục là 90, hàng trăm và hàng nghìn là 19, gióng sang phải và gióng xuống gặp nhau tại Ngọ. Vậy là năm Canh Ngọ.
III. ĐỔI THÁNG (Đồ hình 2)
Chú ý là can chi ứng với tháng âm lịch chứ không ứng với tháng dương lịch, bởi vậy ta không thể căn cứ vào tháng dương lịch mà đem đổi sang can chi.
Mười hai tháng âm lịch có tên gọi xác định theo 12 chi, được nêu ở bảng bên đồ hình 2.
Đồ hình cho phép tìm can của tháng âm khi biết can của năm và chi của tháng âm đó. Từ can của năm ta gióng xuống, từ chi của tháng ta gióng sang trái, cho đến gặp nhau. Giao điểm ghi chữ cái viết tắt can của tháng.
Thí dụ: đổi tháng tư năm Canh Ngọ. Theo bảng: tháng tư là tháng Tỵ, từ đó gióng sang trái, từ năm Canh gióng xuống, cho đến gặp nhau tại chữ T, có nghĩa là Tân. Vậy đó là tháng Tân Tỵ.
IV. ĐỔI NGÀY (Đồ hình 3 và 4)
Để thu nhỏ đồ hình, chúng tôi cấu tạo 2 đồ hình riêng rẽ tìm can (đồ hình 3) và tìm chi (đồ hình 4) của ngày. Chúng được cấu tạo theo cùng một nguyên lý và cùng một cách tra cứu.
- Các năm dương lịch được phân thành 2 phần để bố trí trên đồ hình.
+ Phần thữ nhất gồm các con số hàng đơn vị và hàng chục của năm, bao quát 100 năm, từ năm 00 đến năm 99, phần này được đặt ở các cột phía trên, để từ đó gióng xuống. Các năm nhuận được đặt trong vòng tròn. Năm 00 được đặt trong hình quả trám để nhấn mạnh rằng có lúc nó là năm nhuận (ở lịch Julien là các năm 1600, 2000, 2400...), có lúc không phải là năm nhuận (1700, 1800, 1900, 2100...)
+ Phần thứ hai gồm các con số thuộc hàng trăm và hàng nghìn của năm, phần này được xếp ở phía trên bên trái, để từ đó gióng sang phải. Ở đây các năm từ 0004 đến 1582 (đến ngày 4-10) theo lịch Julien, các năm từ 1582 (từ ngày 15-10) về sau theo lịch Gregorien. Cũng vì vậy con số 15 được viết 2 lần theo 2 loại lịch.
- Các hàng bên trái phía dưới là 31 ngày trong 1 tháng.
- Các cột phía dưới là 12 tháng trong 1 năm, riêng tháng 1 và 2 của năm nhuận được đặt trong vòng tròn, ứng với những năm cùng được đặt trong vòng tròn hay hình quả trám.
- Cách tra cứu như sau:
+ Theo đường nét liền, từ phần hàng đơn vị và hàng chục của năm gióng xuống, từ phần hàng trăm và hàng nghìn gióng sang phải cho đến gặp nhau tại 1 điểm, chẳng hạn ta gọi là điểm N.
+ Theo đường nét liền, từ ngày cần đổi ta gióng sang phải, từ tháng cần đổi ta gióng lên đến gặp nhau tại 1 điểm, chẳng hạn gọi điểm T. Chú ý rằng nếu là các tháng 1 hoặc 2 của năm nhuận (nằm trong vòng tròn) thì cũng phải tìm chúng trong vòng tròn.
+ Từ 2 điểm N và T vừa xác định được, ta gióng nghiêng theo đường nét dứt cho đến gặp nhau trong mảng chữ. Theo mã chữ mà chúng tôi ghi bên cạnh từng đồ hình ta biết được can (đồ hình 3) và chi (đồ hình 4) của ngày. Các mã cần phải phân biệt được với nhau, lại phải là một chữ cái hay một con số và trong một chừng mực nào đó phản ảnh được nội dung, nên ở hàng chi, chúng tôi kết hợp lấy chữ cái đầu của hàng chi, và cả chữ cái đầu của tên con vật tượng trưng cho hàng chi với việc sử dụng thứ tự trong 12 chi. Thí dụ: Tìm can chi của ngày 19-5-1990.
- 1990 được phân thành 90 và 19. Từ 90 gióng xuống, từ 19 gióng sang phải theo đường nét liền, giao điểm tạm gọi là N.
- Theo đường nét liền, từ ngày 19 gióng sang phải, từ tháng 5 gióng lên, giao điểm gọi là T.
- từ N và T gióng nghiêng theo đường nét dứt, cho đến gặp nhau trong mảng chữ: ở đồ hình 3 là chữ G: giáp ; ở đồ hình 4 là chữ K: thân (khỉ). Vậy là ngày Giáp Thân.
V. ĐỔI GIỜ (Đồ hình 2).
Cũng giống như đổi tháng, nhưng thay vì dùng can của năm nay dùng can của ngày, thay vì dùng chi của tháng nay dùng chi của giờ.
12 giờ âm lịch có tên gọi xác định theo 12 chi, được ghi ở bảng.
Trên đồ hình: can của ngày đặt ở phía trên, từ đó gióng xuống chi của giờ đặt ở bên trái, từ đó gióng sang phải đến gặp nhau. Giao điểm ghi chữ viết tắt can của giờ.
Thí dụ: Đổi 12 giờ ngày 19-5-1990. 12 giờ là giờ Ngọ. Theo thí dụ trên, ngày 19-5-1990 là ngày Giáp Thân. Từ giờ Ngọ gióng sang phải, từ ngày Giáp gióng xuống, gặp nhau tại chữ C, có nghĩa là Canh. Vậy là giờ Canh Ngọ.
VI. ĐỔI LỊCH CAN CHI SANG DƯƠNG LỊCH
Lịch can chi cứ quay vòng lặp lại, nên sẽ có nhiều ngày tháng năm theo dương lịch cùng ứng với 1 ngày tháng năm theo can chi. Để lời giải là duy nhất, ta phải biết được một cách áng chừng ngày tháng năm can chi đó nằm vào khoảng năm tháng nào trong dương lịch. Ta chọn sơ bộ theo dự kiến 1 ngày dương lịch, sau đó đổi sang can chi, tiếp theo đem so sánh với ngày can chi cần đổi, cuối cùng dựa vào kết quả so sánh đó mà tính ra ngày dương lịch cần tìm. Để so sánh ta cần dựa vào bảng lục thập hoa giáp, liệt kê thứ tự của 60 cặp can chi.
Thí dụ 1: Đại Việt sử ký toàn thư(12) cho biết Lý Nam Đế mất ngày Tân Hợi tháng b năm Mậu Thìn. (Xem bài Quê hương và ngày giố của Lý Nam Đế(13) của chúng tôi).
a) Thời Tiền Lý vào thế kỷ thứ VI, hàng trăm và hàng nghìn của năm dương lịch sẽ là 05, ứng với năm Mậu, theo đồ hình 1, sẽ là năm có hàng đơn vị là 8. Trên đồ hình 1, từ hàng trăm và hàng nghìn 05 ta gióng xuống chữ Thìn (chi của năm cần đổi), từ chữ Thìn đó ta gióng sang trái, chỉ thấy có năm 48 là có hàng đơn vị là 8. Vậy năm đó là 548.
b) Tháng ba năm Mậu Thìn rơi vào khoảng tháng 4-548. Ta thử lấy ngày 1-4-548 để đổi sang can chi, nhờ đồ hình 3 và 4 ta được ngày Kỷ Hợi. Theo bảng lục thập hoa giáp ta biết ngày Kỷ Hợi có mã số 36, ngày Tân Hợi cần đổi có mã số 48. Ta có thể tính:
1 + (48 - 36) = 13
Vậy hôm đó là 13-4-548 (âm lịch là ngày 20 tháng ba năm Mậu Thìn(14).
Thí dụ 2: Đại Việt sử ký toàn thư(15) cho biết: Lê Thánh Tông mất ngày Nhâm Thân, tháng giêng năm đinh Tỵ, năm Hồng Đức thứ 28.
a) Niên hiệu Hồng Đức từ 1470 đến 1497. Theo đồ hình 1, năm Đinh ứng với hàng đơn vị của năm là 7. Trên đồ hình 1, từ hàng trăm và hàng nghìn của năm là 14 ta gióng xuống đến gặp chữ Tỵ 9chi của năm), từ chi Tỵ đó ta gióng sang trái thấy có 2 năm 37 và 97 có hàng đơn vị của năm là 7, chỉ có năm 97 là thuộc niên hiệu Hồng Đức, vậy là 1497.
b) Tháng giêng âm lịch có thể ứng với tháng 2 hay tháng 3 dương lịch. Sử dụng đồ hình 3 và 4 và bảng lục thập khoa giáp ta có; ngày 1-2-1497 là ngày Canh Ngọ có mã số là 7, còn ngày Nhâm Thân có mã số là 9. Ta thấy ngay ngày Nhâm Thân là ngày 3-3-1497.
Lê Thành Lân
--------------------------------
Chú thích:
(1) Nguyễn Trọng Bỉnh, Nguyễn Linh, Bùi Viết Nghị: Bảng đối chiếu âm dương lịch 2000 năm và niên biểu lịch sử; Nxb KHXH; 1976.
(2) Lê Thành Lân: Nhìn lại những kết quả bước đầu trong việc nghiên cứu lịch Việt Nam; Thông tin Khoa học xã hội; tháng 1-1986. tr, 59 - 71.
(3) Viện khoa học Việt Nam; Lịch thế kỷ XX , Nxb Văn hoá; 1987.
(4) Tử Kim Sơn thiên văn đài: Nhị bách niên lịch biểu; Bắc Kinh; 1959.
(5) Vụ Bảo tồn bảo tàng: Niên biểu Việt Nam; Nxb KHXH; 1970.
(6) Hoàng Xuân Hãn: Lịch và lịch Việt Nam; Tập san KHXH số 9 (2-1982).
(7) E. Rourrey: Récréation s Arithmétiques; Paris; Librairie, Vuibert; 1933.
(8) Lê Thành Tân: Lịch thế giới và lịch VN; Lịch Văn hoá tổng hợp 1987-1990; Nxb Văn hoá; 1987.
(9) Viện Nghiên cứu Đông y: Trung y khái liận; Tập thượng; Bệnh viện Đông y Thanh Hóa; 1975; tr. 28-46. Lê Hữu Trác: Hải thượng y tông tâm lĩnh; Tập II, Hội y học dân tộc TP Hồ Chí Minh và Hội y học dân tộc tỉnh Tây Ninh; 1987; tr. 200 - 274.
(10) Dương Kế Châu: Châm cứu đại thành; Hội y học dân tộc TP Hồ Chí Minh và Hội y học dân tộc tỉnh Tây Ninh; 1987; tr. 317-397. Nguyễn Xuân Tiến: Thời châm cứu học; Tý ngọ lưu chú dưới ánh sáng toán học; Viện thông tin Thư viện y học trung ương. Số 8; 1984.
(11) Phạm Văn Địch, Nguyễn Văn Ngọc, Đỗ Kính: Tế bào, mô học, phôi thai học; Nxb Y học; 1984; tr. 193 - 242. J. Laugier, F. Gold: Vắn tắt sơ sinh học; Nxb Y học; 1984; tr.3.
(12) Đại Việt sử ký toàn thư; Tập I, Nxb KHXH, 1972; tr. 121.
(13) Lê Thành Lân: Quê hương và ngày giỗ của Lý Nam Đế; Lịch sử quân sự; số 35 (11-1988) tr. 36-45.
(14) Tài liệu vừa dẫn; tr. 36 - 45.
(15) Đại Việt sử ký toàn thư; Tập III; Nxb KHXH; 1972; tr. 318.

BẢNG LỤC THẬP HOA GIÁP
1

1

1
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh