Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

Đường Lâm dưới góc nhìn địa - văn hóa - lịch sử

SATurday - 11/02/2017 12:49
Đường Lâm tựa lưng vào núi Tản, mặt ngoảnh nhìn sông nước Tích Đà. Đường Lâm sẽ trường tồn và phồn vinh cùng non sông - đất nước
Cổng làng Mông Phụ, Đường Lâm; ảnh: Vũ Đình Tuệ

Cổng làng Mông Phụ, Đường Lâm; ảnh: Vũ Đình Tuệ

1 - Sau hơn tám mươi năm người Pháp cai trị ở Việt Nam, từ Nam đến Bắc, với GS. P. Gourou (Những người nông dân ở châu thổ Bắc Kỳ - Les paysans du delta Tonkinois, Paris 1965, in lần 2, 666 trang) và với ông học giả quan năm Paul Mus (Việt Nam: Sociologie d’une guerre) người Pháp đã biết cái chìa khóa để giải mã bí mật của Việt Nam là cái làng. Thế nhưng, tới tác phẩm gần đây (2002) do Philippe Papin và Olivier chủ biên, người Pháp vẫn viết: Làng ở vùng châu thổ sông Hồng: Vấn đề còn bỏ ngỏ?!.
2 - Nhiều học giả Hàn Quốc đã “thâm canh” ở làng Tây Mỗ (Hà Tây): Mỗ - La - Canh - Cót. Họ cũng có luận án tiến sĩ về làng tứ danh hương Yên Sở (Hoài Đức, Hà Tây).
3 - Và các học giả Nhật, nhất là GS. Yumio Sakurai, họ rất khôn ngoan khi “thâm canh” về làng Bách Cốc (Vụ Bản, Nam Định). Khi tôi “dợm” hỏi Yumio Sakurai là vì sao các ông chọn làng Bách Cốc thì ông ta tỏ ra ngây thơ:
- Cũng là ngẫu nhiên thôi, do tại lão GS. Yamamoto Tatsuro (Sơn Bản Đạt Lang) gợi ý. Ông cho rằng, cái tên “Bách Cốc” có nghĩa là ở đó có nhiều giống ngũ cốc khác nhau lại là một làng xưa kia ở vùng ven biển…
4 - Tìm hiểu làng cổ xứ Đoài (Sơn Tây) các học giả Pháp gốc Việt như Đinh Trọng Hiếu, Nguyễn Tùng đã chọn làng Mông Phụ ở cạnh Đường Lâm, nơi có nhiều nhà cổ có thể - theo gia phả - ngược lên thế kỷ XVII. Thực ra kết cấu khung gỗ của nhà cổ truyền Việt theo kinh nghiệm điền dã của tôi, thì cứ khoảng một chu kỳ hoa giáp 60 năm là đã phải “trùng tu” bộ phận. Trong khu phố cổ “36 phố phường Hà Nội” tôi và Từ Chi lang thang xem xét, không thấy có nhà nào còn “nguyên vẹn” trước đời Thành Thái (1888 - 1906), có chăng tôi và Vũ Hữu Minh còn thấy từng bộ phận xà - kẻ có ghi niên đại Gia Long (1802 - 1820), như ở cửa đình Kim Liên hay ở “đình hai ông tướng” của Hàng Bạc…
5 - Trở lại Đường Lâm. Các học giả Nhật Bản, từ già đến trẻ đã “nhảy xổ” vào rồi. Cô NCS. Yasuko bảo tôi: - “Thưa Thày, em được phân công nghiên cứu so sánh làng Cam Thịnh - với làng Cam Lâm - tương đối giàu vì có buôn bán. Em được “cắm” ở đây hơn hai năm rồi, thi thoảng mới về Hà Nội. Em rất muốn gặp Thày để xin ý kiến”. Không biết có làm nổi luận án tiến sĩ hay không? Khôn thiệt là khôn!
6 - Tôi có một lý thuyết vĩ mô về “tứ giác nước” và về “tư duy sông nước” của người Việt cổ truyền. Cổ Loa, Hoa Lư đều nằm trong một tứ giác nước. Thăng Long càng là thế:
Nhị Hà quanh Bắc sang Đông
Kim Ngưu (Nam) Tô Lịch (Tây) là sông bên này
Huế, Hội An cũng vậy.
Thật trớ trêu - hay đó là “quy luật”? - vùng đất “hai vua” Đường Lâm cũng là một “tứ giác nước”, được bao bọc bởi sông Đà và sông Tích, một chi lưu nối sông Đà và sông Đáy. Sông Tích nay đã cạn nước, có nơi là đầm lầy, có nơi là ruộng lúa. Tôi đã bàn với dân xã và ông Nguyễn Xuân Thảo - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - người con của Hà Tây - họ đều nhất trí với tôi là nên đào lại - nạo vét - con sông Tích ẩn tàng bao nhiêu kỷ niệm thời Hai Bà Trưng, Bố Cái Đại vương, Ngô vương Quyền, đặc sứ Giang Văn Minh thời Lê, tướng quân kiêm nhà thủy lợi Hà Kế Tân… Khơi lại sông Tích, vừa lợi cho nông nghiệp, vừa lợi cho giao thông đường thủy (nay khá bị xem nhẹ) vừa đẹp cảnh quan môi trường làng xã, lợi cho tham quan - du lịch sông nước… Chắc việc này sẽ được kế hoạch hoá và được thực thi thôi!.
7 - Tôi vẫn nhớ những lời ngợi ca về bản sắc văn hoá hữu thể đa dạng theo vùng miền:
- Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài.
- Ăn Bắc, mặc Kinh.
Ở Đường Lâm này có đình Mông Phụ, có chùa Mía nổi danh. Năm cái đình ở Sơn Tây cũ, mà nổi tiếng nhất là đình Tây Đằng được coi là đình làng cổ nhất nước ta (thế kỷ XVI - đời Mạc) còn sót lại.
Phần lớn thờ Tản Viên sơn thánh, đệ nhất Tứ Bất Tử của Việt Nam. Núi Tản - Ba Vì, là biểu tượng lừng lẫy nhất của xứ Đoài.
Đường Lâm với 36 đồi gò là “vùng trước núi” của non Tản. Đã có đồi và làng ven đồi thì cũng có những “dộc” (rộc) sâu làm nên cảnh quan các làng vùng Đường Lâm là cảnh trung du. Đồi và phù sa cổ. Đất bạc màu vì không được phù sa mới Hồng Đà bồi tụ hàng năm nữa. Đất đá ong hoá. Và việc khai thác đá ong làm vật liệu xây nhà, xây mộ là một bản sắc địa - văn hoá khác của xứ Đoài, của Đường Lâm. Bây giờ thì tôi mới hiểu cái tên Phong Châu xứ Đoài đời thuộc Đường (thế kỷ VII - X) có bộ Sơn là ngọn núi, ngọn đồi (đến cái bướu con lạc đà mà người Hoa cũng gọi là Đà Phong!).
Sách Đại Nam quốc sử diễn ca viết:
Bà Trưng quê ở Châu Phong.
Đó là một sai lầm anachronique (phi thời đại). Hai Bà Trưng là người thuộc thời Hán. Tên Phong Châu mới có thời thuộc Đường. Thời thuộc Hán, xứ Đoài - Đường Lâm là thuộc huyện Mê Linh. Sách Nguyên Hoà quận huyện chí (820) và sách Thái Bình hoàn vũ ký (Tống) chép: Huyện Mê Linh có núi Tản Viên. Điều này tôi đã viết một bài riêng khi huyện Thạch Thất và Viện Sử học có cuộc hội thảo về quê hương Hai Bà Trưng.
Xứ Đoài - Sơn Tây - Mê Linh bao gồm cả Sơn Tây (cũ) và Vĩnh Phúc “hai nửa của một” trên đôi bờ sông Nhị - Hồng.
8 - Xưa kia núi - đồi cũng là rừng.
Xứ Đoài cũng là xứ núi - đồi - rừng. Đường Lâm, Cam Lâm, Mông Phụ, Phụ Khang đều là rừng gò - đồi - đa dạng sinh học. Riêng cái tên Đường Lâm là có từ trước thời Bố Cái Đại vương thế kỷ VIII (791). Vì thế mà có chuyện Phùng Hưng đánh hổ ở làng, mà sách Việt điện u linh (1329) và bia Trần ở đền/đình thờ Phùng Hưng còn ghi lại. Và xin nhớ: Việt điện u linh và Ngọc phả đền Hùng đời Hồng Đức đều ghi ở thời đó, những nơi đó (Sơn Tây - Phú Thọ - xứ Đoài) đều có thể chế quan lang - phụ đạo. Phùng Hưng (và các đời trước ông) đều là quan lang. Lúc bấy giờ (thế kỷ VIII), sự phân hoá Việt - Mường chưa rành rẽ như ngày nay. ở trung du càng là thế (sự phân hoá Việt - Mường xảy ra rành rẽ là ở vùng Luy Lâu (Kinh Bắc), Tống Bình (Hà Nội)… dưới ảnh hưởng Hoa). Rồi có hàng cây ruối với huyền tính về nơi buộc voi, buộc ngựa của các vương.
9 - Thế còn những cái tên cửa miệng dân gian, trong ca dao tục ngữ như là Kẻ Mía, chợ Mía, bến Mía, phố Mía, chùa Mía, bà Mía?.
Mía, tên chữ Hán là Cam Giá. Quê hương gốc của Mía là ở ấn Độ, chân núi Himalaya, truyền bá sớm sang Nam Trung Bộ rồi Giao Châu (trước thế kỷ III). Trung Hoa trước Tống - Nguyên chưa trồng mía, làm đường bằng mía mà giải quyết chất ngọt bằng mạch nha (mầm lúa mạch). Cho nên, tên Cam Giá của người Hoa là tên phiên âm từ Phạn ngữ cổ (Sanscrit): Sakkara - Kara - Kẻ Mía - Cam Giá.
Thời Hậu Lê, tách vùng Kẻ Mía làm hai (1) và đặt tổng Cam Giá Thượng (nay là xã Cam Thượng) và tổng Cam Giá Thịnh (xã Đường Lâm bây giờ) thuộc huyện Phúc Thọ (trước là Phúc Lộc).
Có một chuyện, thật như bịa, bây giờ nghe ra thì khá buồn cười: Một số nhà nghiên cứu căn cứ vào cái tên Phúc Lộc bảo ở Hà Tĩnh xưa có huyện Phúc Lộc, có lẽ quê hương Ngô Quyền ở đó. Đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, kẻ ngu hèn này mới ở độ tuổi 20 đã phải viết một bài được cụ Trần Huy Liệu cho đăng trên Nghiên cứu Lịch sử, đầu đề là Về quê hương Ngô Quyền có 2 trang để cải chính là quê hương Ngô Quyền ở Sơn Tây, nơi đó còn đền và lăng Ngô Quyền. Ý kiến này được tiếp thu ngay. Tuy vậy, cho đến nay, vẫn có một nguồn tài liệu Tộc phả họ Ngô, nói tổ tiên họ ở Sơn Tây là người gốc Ái Châu! Xin nhớ là mọi bản tộc phả, gia phả, thần phả mà ta biết được hôm nay đều viết ở thời Lê và Lê - Trịnh - quê gốc Thanh - đều viết tuốt luốt từ vua Hùng, Thánh Tản đến mọi tổ tiên các dòng họ người Bắc đều gốc từ Thanh, Nghệ, không Hoan Châu thì Ái Châu. Theo ý tôi, rất đáng thú vị là ta nên “giải mã” những hiện tượng lịch sử hoá đó bằng cái bối cảnh triều Lê, rồi Lê - Trịnh và trào lưu di cư từ Thanh, Nghệ ra Bắc, sự “ưu tiên” “Tam phủ” Thanh Nghệ nó ảnh hưởng đến tâm thức các “ông đồ Nghệ” và các sĩ phu Nho học khác… Các bản “phả ký’ đó đã được “viết lại” theo một mẫu hình chung, mới được “chế tạo” ra. Không nên tin cậy hoàn toàn các cứ liệu của các bản “phả ký” đó kiểu như bản “phả ký” họ Hà được làm lại mới đây đã viết Hà Bổng, Hà Đặc, Hà Chương… những thổ hào địa phương có công trong kháng chiến chống Nguyên - Mông thế kỷ XIII đều có tổ tiên gốc Nghệ. Và có tới 5 vị học giả khả kính người Nghệ - Tĩnh chung nhau viết một công trình chứng minh tổ tiên người Việt là từ Nghệ - Tĩnh kéo nhau ra làm ăn ở vùng “vịnh Hà Nội” cổ đang cạn dần sau đợt biển tiến Plandrian từ 4 nghìn năm trước! Và từ bên kia Thái Bình Dương, cụ Hoàng Văn Chí người gốc Thanh - Đông Sơn di cư theo đường “thượng đạo” qua Hoà Bình ra Bắc xây dựng nước Văn Lang - Âu Lạc! Rồi lại một vị tiến sĩ gốc Thanh Oai, Hà Tây viết sách, viết báo chung riêng chứng minh tuốt luốt họ Hồng Bàng, vua Hùng, Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp… đều có gốc tổ ở miền “trung” Thanh Oai. Thật là “loạn xà ngầu”!.
10 - Khi đi đưa đám ma bạn tôi là Phan Kế Hoành, con cụ Phan Kế Toại, người Mông Phụ (1992), tôi tìm thấy văn hoá cũ hậu kỳ Sơn Vi ở những quả gò này. Sau này, trước khi làm khu làng văn hoá các dân tộc ở vùng Đồng Mô - Ngải Sơn, các cán bộ Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cũng tìm thấy nhiều di vật Sơn Vi, Hoà Bình. Đã từ lâu, di chỉ gò Mả Đống với niên đại C14 là 4.100 năm BP sơ kỳ kim khí đã trở nên nổi tiếng. Người Mường phân cư ở khắp nơi, từ Nghĩa Lộ, Văn Chấn đến Thanh Nghệ đều thờ Thánh Tản (Đản). Thế cho nên, khi Từ Chi tỏ ý nghi ngờ Mường Bi là cái nôi của tộc Mường đã hỏi ý kiến tôi về quê hương tộc Mường. Tôi trả lời: ở chân núi Ba Vì - và anh tỏ ý mãn nguyện! Tôi bảo anh thêm: Thời Trần vẫn gọi vùng đó là Quảng Oai man và đức Trần Hưng Đạo có “gửi” một người con trai út, đến thời Lê, con cháu là ông nghè Trần Văn Huy rồi vì “loạn Trần Tuân áo đỏ xứ Đoài, loạn Trần Cảo áo đen xứ Đông” (1511 - 1516), mà phải đổi họ sang họ Đặng đấy. Không tin, ông cứ “đọc” Đại Việt thông sử của cụ Lê Quý Đôn! Hay đến thăm đền ở gần bãi tập xe ô tô quân đội tại thị xã Sơn Tây, người Mường ở gần đó vẫn đến thắp hương đền của ngài đấy! Ông cười: Hoá ra đức Thánh Trần có con “ngoài giá thú”, gửi người Mường ở chân núi Ba Vì!.
11 - Tạm kết
Tất cả những chứng - lý đó tỏ ra rằng: Đường Lâm là vùng đất cổ - người xưa.
Đường Lâm tựa lưng vào núi Tản, mặt ngoảnh nhìn sông nước Tích Đà. Đường Lâm sẽ trường tồn và phồn vinh cùng non sông - đất nước./. 
---

Chú thích:
1 - Xem Lucien Guyot: Origine des Plantescultivées (Nguồn gốc cây trồng), PUF, Paris, 1964, p.17.
 
Tác giả bài viết: Cố GS. Trần Quốc Vượng
 


Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh