Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

GIA PHẢ DÒNG HỌ TRỊNH KHẢ

THUrsday - 17/04/2014 21:52
Trịnh Khả là công thần khai quốc nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam

Trịnh Khả là công thần khai quốc nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam

Trong dịp đi công tác ở huyện Từ Liêm, Hà Nội, chúng tôi có tìm được cuốn gia phả dòng họ Trịnh(1), trong đó nói khá chi tiết về tiểu sử của Trịnh Khả, một nhân vật đã đến với Lê Lợi từ những ngày đầu dựng cờ tụ nghĩa cho đến khi kháng chiến thắng lợi. Cuốn gia phả không chỉ hệ thống hóa về gia tộc nội ngoại dòng họ Trịnh từ Trịnh Khả về sau, mà còn là một sưu tập của những tư liệu như văn bia, sắc phong, thơ, câu đối có giá trị.
Cuốn gia phả khổ 21x15cm, gồm 22 trang, trong đó 20 trang đầu cũng như tờ bia đều chép trên loại giấy dày màu vàng, có trang trí hình rồng phượng, thường vẫn dùng để chép sắc phong. Trang 21 và 22 dùng loại giấy học sinh có kẻ dòng. Chữ ở hai trang này không được già dặn, đẹp nét như 20 trang đầu. Phả không ghi rõ năm sao chép, nhưng có thể nhận ra đó là một bản sao, căn cứ theo một bản có niên đại biên soạn lần sau cùng (đời thứ 26) vào năm Cảnh Hưng 1 (1740). Đầu cuốn gia phả có bài tựa đề năm đầu niên hiệu Hồng Đức (1470), có đoạn viết: “Sự vật còn gốc huống chi người ta sinh ra trong trời đất, đội khí âm dương, có đầu có mắt, há lại không có gốc tổ tông. Tôi thẹn vì tư chất kém cỏi, may được sinh ra từ dòng họ quý phái, cảm ơn sâu nuôi dưỡng chưa một chút mảy may báo đáp: nghĩ đức lớn tổ tiên vun đắp, biển xanh khôn ví, bèn tham khảo tường tận ngọn ngành, nghiên cứu nguyên do, biên tập thành một cuốn gia phả…”. Cuối bài tựa có đề Trạng nguyên Lương Thế Vinh (1442 - ?). Hiện chưa rõ quan hệ giữa hai họ Lương - Trịnh như thế nào, có thể họ Trịnh là họ bên ngoại của Lương Thế Vinh chăng? Tiếp sau bài tựa là phần ghi về tiểu sử của Trịnh Khả. Toàn bộ trang 2 và phần hết trang 3 nói về quá trình Trịnh Khả từ quê mình là xã Kim Bôi, huyện Vĩnh Phúc, phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đến với nghĩa quân Lam Sơn trong hoàn cảnh ông bị giặc minh theo dõi và đang tìm cách bắt giữ. Khi biết tin giặc Minh bắt được bố ông đem tẩm dầu thiêu đốt rồi ném xuống sông, Trịnh Khả đau xót trở về mai táng thi hài của thân phụ rồi tìm đường đến Lam Sơn theo Lê Lợi để cứu nước trả thù nhà. Từ cuối trang 3 ghi lại toàn văn lời thề Lam Sơn với đầu đề: Lam Sơn thệ văn. Bước đầu so sánh với các bản Lê Sát và Đỗ Bí do cụ Hoàng Xuân Hãn công bố, chúng tôi thấy các bản đã công bố đều đầu đề là: Lũng Nhai thệ văn(2) nhưng văn thề được chép ở bản gia phả do chúng tôi sưu tầm được lại có đầu đề là: Lam Sơn thệ văn. Các bản đã công bố đều có ghi Nguyễn Trãi xếp thứ 13 trong danh sách những người dự hội thề mà không có Nguyễn Khánh, nhưng ở văn bản này lại không có Nguyễn Trãi mà có Nguyễn Khánh xếp thứ 11, còn người thứ 13 là Trịnh Vô(3). Như vậy có phải là vì giữa chữ Trãi và chữ Khánh có sự gần giống nhau về tự dạng mà người viết đã nhầm chăng? Nếu quả thật Nguyễn Khánh chứ không phải Nguyễn Trãi thì Nguyễn Khánh là ai và tại sao lại không được ghi trong chính sử? Đây là một tư liệu giúp cho việc xác định Nguyễn Trãi có dự hội thề Lam Sơn hay không và ông đã đến với nghĩa quân Lam Sơn từ năm nào? Hai địa danh Lam Sơn và Lũng Nhai, địa danh nào được dùng đích thực trong văn thề của Lê Lợi ? Các văn bản đã công bố đều ghi sách 18 người với Lê Lợi là 19, văn bản này cũng ghi Lê Lợi với 18 người (Lê Lợi dữ thập bát nhân) nhưng thực tế chỉ có tên 16 người với Lê Lợi là 17. Tại sao lại thiếu hai người? Hai người đó là những ai và liệu có Nguyễn Trãi trong số hai người đó hay không? v.v. Như vậy văn bản Lam Sơn thệ văn ở đây cung cấp thêm một dị bản giúp cho việc khôi phục nguyên tác lời thề của nghĩa quân Lam Sơn.
Phả tiếp tục chép hành trạng của Trịnh Khả (trang 5) có đoạn cho biết: Khi giặc Minh khai quật hài cốt bà mẹ của Lê Lợi treo ở bánh lái thuyền để ép buộc Lê Lợi ra hàng, vị lãnh tụ Lam Sơn đã ra lệnh cho nghĩa quân ai lấy được hài cốt về sẽ trọng thưởng. Trịnh Khả đã tình nguyện thực hiện nhiệm vụ ấy rồi lập kế đội một đám cỏ gai lội xuống nước bơi sát thuyền giặc. Nhân lúc quân giặc đang ngủ say, ông trèo lên thuyền lấy được hài cốt mang về giữa sự hân hoan vui mừng của nghĩa quân. Chi tiết này trong Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt thông sử đều không có.
Sau đó Trịnh Khả được giao nhiệm vụ chỉ huy cánh quân tiến đánh đồn giặc ở chợ Lê Hoa (tr.6), ông đã lập kế trá hàng rồi dâng một cái hòm chứa 100 con chim, khi mở hòm ra chim tung bay nhiều phía. Trong khi quân giặc chú ý xem chim bay, quân mai phục của ông đột nhập vào trại giặc. Đồn Lê Hoa bị hạ, giặc Minh bị giết và bắt sống trong trận đến hơn một vạn tên. Trong Đại Việt thông sử tờ 38a ghi là: “Hoàng đế sai Trần Hàn, Lê Sát và Lê Nhân Chú dẫn binh tượng (voi) tới phục tại ải Chi Lăng để đợi chống đạo binh từ Quảng Tây tới: sai Phạm Văn Xảo và Lê Khả (tức Trịnh Khả) dẫn binh tượng đóng giữ ải Lê Hoa thuộc Mông Tự để đợi chống viện binh từ Vân Nam tới”. Trong Đại Việt sử ký toàn thư cũng chỉ ghi là quân của Xảo và Khả chém được hàng vạn giặc và tướng Mộc Thạch kinh hoàng bỏ chạy. Trang 7, phả chép một sự kiện khác liên quan đến Trịnh Khả: “Khi Quang Thục Hoàng thái hậu có mang 7 tháng, bị một kẻ vu cáo là bà đã tư thông với người khác, vì việc đó bà bị bắt giam ở vườn Khổn Hoa, sau đó nhờ có Trịnh Khả can gián mà thoát nạn. Về sau người con đó được nối ngôi tức là Lê Thánh Tông. Chi tiết này có thực hay không chưa rõ, nhưng chính sử thì không thấy ghi. Đoạn cuối tiểu sử của Trịnh Khả ở tr. 10-11 có chép 4 bài thơ ngự đề của Lê Thánh Tông. Trong 4 bài này, bài 1 và 3 đã có trong thơ văn Lê Thánh Tông(4) còn hai bài (ngự đề 2 và 4) thì không thấy có(5). Hai bài đó như sau(6):
Phiên âm:
Oanh oanh nghĩa khí mãn càn khôn,
Huyết thực vô cùng miếu mạo tôn.
Kế thế nguyên huân chung đỉnh trọng,
Cố gia kiều mộc đống lương tồn.
Đình tam lập kích tướng quân trạch,
Hạng ngũ suy gia tướng quốc môn.
Hỷ kiến công hầu chung nhược thủy,
Nhi tôn duy hữu tử nhi tôn.

Dịch:
Vang từng nghĩa khí khắp càn khôn,
Thờ cúng không ngừng miếu mạo tôn.
Bổng lộc công cao gương sáng mãi,
Cột rường cây cả gốc xua còn.
Tướng quân dựng giáo nền gia trạch,
Tướng quốc truyền đời cửa thế môn.
Mừng thấy công hầu sau với trước,
Giống nòi tiếp nói cháu cùng con.

(BÀI THỨ 4)
Phiên âm:
Long hình hổ nhãn thiện chinh tru,
Hựu giới cẩm hoăng khởi vũ phu.
Tặc kỵ binh da chung bất tử,
Sàm ngôn phụ thủ cánh nan ngu.

Dịch:
Mình rồng mắt hổ giỏi thao trường,
Biết chặn hoang chơi há phải thường.
Giặc sợ tiếp binh mà bất tử,
Gièm chi! Tay gái cũng khôn lường.

Cuối trang 11 chép một đôi câu đối bằng chữ Hán:
“Vạn lý quán thanh phong, thục bất tư công phục Việt.
Tứ phương giai hắc xỉ, thùng vô tưởng tích bình Ngô”.

Tạm dịch:
Gió mát tỏa muôn phương, ai chẳng nhớ công cứu Việt,
Răng đen đều khắp chốn, ai không đội đức bình Ngô.

Đoạn cuối gia phả chép quan tước, thụy, hiệu của Trịnh Khả: “Hiển thủy tổ Thái úy hệt quốc công Trịnh tướng công thụy Đại Thông, gia phong Hiển khánh đại vương” (tr.12) và ghi năm sinh năm mất: “Kỷ mùi niên chính nguyệt nhị thập lục nhật, Mão thời sinh, hưởng thọ thất thập tam tuế. Tân mùi niên thất nguyệt nhị thập lục nhật mệnh chung, táng tại Bằng Sơn xứ” (Sinh giờ Mão ngày 26 tháng giêng năm Kỷ Mùi, hưởng thọ 73 tuổi, mất ngày 26 tháng 7 năm Tân mùi, táng tại xứ Bàng Sơn). Như vậy Trịnh Khả sinh năm Kỷ Mùi (1379) mất năm Tân Mùi (1451) thọ 73 tuổi(7). Tiếp sau hành trạng của thủy tổ Trịnh Khả gia phả chép tiếp tóm tắt tiểu sử của các đời sau trong đó có Trịnh Hào tự Công Lại hàm đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Cẩm y vệ tả đô đốc; Trịnh Lệ tự Nghĩa Thái từng vâng mệnh đi sứ sang Trung Quốc; Trịnh Lộ đậu Trạng nguyên (?) phò mã; Trịnh Đán Binh bộ thượng thư v.v. Những dòng cuối cùng của Gia phả ghi đời thứ 26 là Trịnh Điẻu tự Thụy Ngọc(8). Như vậy Gia phả này giúp chúng ta lập được một bảng kê các thể thứ của dòng họ Trịnh Khả khá chi tiết. Ngoài ra ở trang 13 còn ghi tên vợ của Trịnh Khả là Lê Thị Kỷ, 13 con trai và 9 con gái của ông. Chi tiết này sẽ giúp ta hiểu được đầy đủ hơn về tiểu sử và hoàn cảnh của một danh nhân lịch sử mà chính sử không thể ghi hết được. Trong sắc phong ngày 21 tháng 7 năm Cảnh Hưng 1 (1740) cho thấy sự đánh giá cao của triều đình Hậu Lê về công lao của Trịnh Khả: “Tề thế an dân bảo quốc hựu dân” (Cứu đời yên tâm, giữ nước giúp dân).
Tóm lại, cuốn gia phả của dòng họ Trịnh Khả là một tài liệu có giá trị, nhất là đối với việc nghiên cứu tiểu sử hành trạng của Trịnh Khả, một nhân vật lịch sử có tên tuổi đã sớm tham gia khởi nghĩa Lam Sơn vả trở thành một vị tướng xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược hồi đầu thế kỷ XV.

Nguyễn Doãn Tuân


---------------------------------------------------------------

CHÚ THÍCH
(1) Cuốn gia phả này do đòng chí Phạm Trường Nguyên, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Từ Liêm, Hà Nội cung cấp cho chúng tôi. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn !
(2) Xem: Hoàng Xuân Hãn: Tập san khoa học xã hội, số 7 năm 1982.
(3) Các bản đã công bố, kể cả Đại Việt thông sử, đều có Nguyễn Trãi xếp thứ 13, không có Nguyễn Khánh, còn Trịnh Vô được xếp t hứ 15.
(4) Xem Toàn Việt thi lục, ký hiệu A. 1262, kho sách Viện Hán Nôm.
(5) Hai bài thơ này các sách chép thơ Lê Thánh Tông đều không có, ngay cả cuốn Toàn Việt Thi lục, ký hiệu A.1262, kho sách Viện Hán Nôm, chép tới hơn 300 bài thơ thời Hồng Đức, cũng không thấy có hai bài thơ này.
(6) Trong khi dịch hai bài thơ này chúng tôi được cụ Lê Xuân Hòa góp cho nhiều ý kiến và sửa giúp, chúng tôi xin chân thành cảm ơn!
(7) Gia phả ghi Trịnh Khả mất năm Tân mùi (1451) tức năm Thái Hòa 9 đời Lê Nhân Tông, đúng như Toàn thư đã ghi: “Mùa thu tháng 7 ngày 26 giết Thái úy Lê Khả (tức Trịnh Khả) và con là Lê Quát (tức Trịnh Quát) (Xem bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3, Nxb KHXH, 1968, trang 161). Còn về năm sinh thì Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn các bản chép tay ký hiệu A.13x9 tờ 141b, bản A.2759 và bản HV.76 (ở viện Sử học) đều chép là Trịnh Khả sinh năm Kỷ mùi, cũng phù hợp như Gia phả ghi ở đây. Tuy vậy Đại Việt thông sử có ghi câu chuyện năm 16 tuổi Trịnh Khả đi cày ruộng, gặp viên tướng nhà Minh dẫn về nuôi làm nô (Xem: Lê Quý Đôn toàn tập tập 3 Đại Việt thông sử, Ngô Thế Long dịch, Nxb. KHXH. 1978, trang 207). Nếu Kỷ mùi là năm 1379, thì năm Trịnh Khả 16 tuổi (tức 1394) chưa thể có chuyện gặp tên tướng nhà Minh. Các bản Đại Việt thông sử đều chép Trịnh Khả tham gia khởi nghĩa Lam Sơn khi còn trẻ (khoảng 16-18 tuổi). Nếu sinh năm Kỷ mùi là năm 1379 thì đến năm 1416 Trịnh Khả đã 38 tuổi. Vì lí do đó bản dịch Đại Việt thông sử đã đặt (dấu hỏi) sửa lại là Quý Mùi 1403. Nhưng như vậy thì đến khi chết (1451) lại không đúng là 73 tuổi như đã nói trong Gia phả. Xin ghi lại đây để chờ tra cứu thêm.
(8) Trong khi viết bài này, chúng tôi có đến tận nơi lưu giữ cuốn gia phả để tìm hiểu về lai lịch văn bản và đời thứ 26 được ghi trong Gia phả, nhưng người giữ Gia phả này không có liên quan đến họ Trịnh và cho biết: Gia phả do các cụ từ lâu để lại, không rõ nguồn gốc, xuất xứ như thế nào.

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh