Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

GÓP Ý BÀI "NHÂN ĐỌC MỘT THIÊN TRONG BẢN DỊCH HÀN PHI TỬ" CỦA LÊ VĂN QUÁN

WEDnesday - 27/10/2021 09:33
Bài viết của Đàm Phi Vũ



Đây là những điểm thuộc thiên Năm bọn sâu mọt (Ngũ đố) trong sách Hàn Phi Tử (HPT) do Phan Ngọc (PN) dịch. Tôi không góp ý toàn thiên, mà chỉ đi vào những chỗ Lê Văn Quán (LVQ) đã nêu, theo thứ tự từng điểm.

* Điểm 1: ở câu “Toản toại thủ hỏa dĩ hoá tinh tao”.
- PN dịch: “Xoi cây lấy lửa để nấu thức ăn tanh hôi”.
- LVQ dịch lại: “... để khử mùi tanh hôi của thức ăn”, bởi lẽ “hóa” không phải là “nấu”.
- Ý kiến của tôi:
a) “Tinh tao” không thể dịch thành “tanh hôi” được, nên dịch thành “tanh tao”. Không có chữ “xú”. “Tinh tao” nguyên là tính từ, nhưng ở đây lại là danh từ, chỉ “thức ăn tanh tao”, tức loại thức ăn tươi sống (chưa nấu nướng) thường thuộc nguồn động vật, như cá, thịt v.v...
b) “Hóa” tuy nguyên nghĩa không phải là “nấu” nhưng lại là nấu, nấu nướng, “dĩ hóa” mà. Lửa có khả năng cải biến thức ăn tanh tao thành hết tanh tao.
Theo tôi có thể dịch câu 1 như sau: “Xoi cây lấy lửa để nấu nướng chế biến thức ăn tanh tao”.
* Điểm 2: ở câu “Thị dĩ thánh nhân, bất kỳ tu cổ, bất pháp thường khả, luận thế chi sự, nhân vi chi bị”.
Xin cắt đoạn nói cho dễ.
a) “Bất kỳ tu cổ, bất pháp thường khả”
- PN dịch là: “Không cốt trau dồi chuyện xưa, không noi theo những phép tắc bất biến”.
- LVQ dịch lại: “Không cốt làm theo đạo xưa, không bắt chước lệ cũ”.
- Bàn: Chữ “tu” đây không có nghĩa là “sửa” mà có nghĩa là “học”, hay “học thêm”, như trong chữ “tu nghiệp”. Vả lại nói “trau dồi chuyện xưa” nghe không ổn, nói “làm theo” như LVQ ổn hơn, nhưng len chữ “đạo” vào đây làm hẹp nghĩa. Còn chữ “cố” là “cũ”, không phải chữ “cố” dịch là “xưa”, hẹp nghĩa.
“Bất pháp thường khả” dịch “không noi theo những phép tắc bất biến”. “Phép tắc bất biến” nghe như vẻ “quy luật”, “định luật”, theo tôi không ổn.
Chữ “thường khả”, có cái ý “khả” thì cả PN và LVQ không thấy nói đến.
b) “Luận thế chi sự, nhân vi chi bị”. LVQ phân tích nhiều về chữ “sự” và nhấn mạnh là “tình hình”, chứ không phải “việc” như PN đã dịch. Để xác định chỗ này, ta nên đề cập lại một tí đặc điểm ngữ pháp của Trung Quốc, khác ta là đảo ngược trong việc cách cú, đồng thời nhìn lại vị trí chữ “chi” mà trong Hoa ngữ ngày nay là chữ “đích”. Đây là “Luận thế chi sự” chứ không phải “Luận chi thế sự”. “Luận thế chi sự” là “cái việc luận thế”. Cho nên dịch như PN là đúng.
Tóm lại, để thoát, gọn, không xa tinh thần và ý tứ, theo tôi có thể dịch câu 2 như sau: “Cho nên bậc Thánh nhân không bo bo theo cái cũ, hành động khuôn rập dễ dãi, từ việc xét kỹ thời thế mà đề ra đối sách”.
* Điểm 3 + 4: ở câu “Bạc hậu chi thực dị dã”
- PN dịch: “Bởi vì một bên sang, một bên hèn, thực tế rất khác nhau”.
- LVQ dịch lại: “Tình hình thực tế lợi ích lớn nhỏ khác nhau”.
- Bàn: Liên hệ với câu sau ở điểm 4, có vế “đa thiểu chi thực dị dã” mà khi dịch LVQ có nói đến chữ “lương thực”. Vậy tôi đặt vấn đề, chữ “thực” trong “lương thực” và “thực” trong “thực tế” về tự dạng và nghĩa khác nhau. Dịch câu 3, cả PN và LVQ đều có dùng chữ “thực tế”, và dịch câu 4 cũng thế. Vậy thì cả câu 3 và câu 4 đều “thực” là thật.
b) Câu 3 và câu 4 ở phần cuối mỗi câu không cần thêm các bổ ngữ “quyền lợi” (PN) hay “lợi ích” (LVQ) hoặc “lương thực” (LVQ).
Tóm lại: câu 3 có thể dịch: “Bạc hay hậu, thực tế khác nhau”. Và câu 4: “Không phải coi nhẹ người ruột thịt, yêu khách qua đường, mà có nhiều, có ít, tình hình thực tế khác nhau”.
ý riêng tôi thì dịch gọn như thế ít lo sai. Còn muốn hiểu rõ thì phải đặt các câu vào trong cả đoạn văn. Tách từng câu không thể rõ ràng đầy đủ được. Nguyên bản cũng thế mà bản dịch cũng thế thôi.
* Điểm 5: Câu “Kim Nho, Mặc giai xưng Tiên vương, kiêm ái thiên hạ, tắc thị dân như phụ mẫu chi ái tử. Hà dĩ minh kỳ nhiên?”.
- PN dịch: “Nay hai phái Nho và Mặc đều ca ngợi các Tiên vương, yêu tất cả thiên hạ, nên dân chúng xem họ như cha mẹ. Họ lấy cái gì để chứng minh điều đó”.
- LVQ dịch lại: “Nay ... yêu tất cả thiên hạ, đối đãi dân chúng giống như cha mẹ yêu con mình...”
- Bàn:
a) Trước khi dịch, cần ngắt câu lại: “Kim Nho, Mặc giai xưng (:) Tiên vương kiêm ái thiên hạ, tắc...” Nếu không ngắt câu như thế thì hoá ra chủ ngữ của “kiêm ái” và của “thị dân” là Nho Mặc chứ không phải là “Tiên vương” và như thế sẽ vô nghĩa. Vì ngắt câu chưa ổn, nên PN dịch “xưng” là khen (khen các Tiên vương), LVQ dịch là ca ngợi (Tiên vương) v.v... nên tinh thần hơi chệch như nhau.
b) “Thị” PN dịch là “xem”. LVQ dịch lại là “đối đãi”. Theo tôi “xem” là đúng. “Đối đãi” chỉ nói được cử chỉ, thái độ bên ngoài không nói được cả tình cảm bên trong.
c) Chủ ngữ của “thị” là “Tiên vương”, vị ngữ của nó là “dân”. Đảo “dân” làm chủ ngữ, “Tiên vương” làm vị ngữ là không đúng, vì nguyên văn không nói “dân thị Tiên vương như phụ mẫu”. LVQ nhận xét đúng.
Tóm lại, câu 7 có thể dịch như sau:
“Nay Nho, Mặc đều tán dương rằng: Các Tiên vương yêu cả thiên hạ, nghĩa là xem dân như con đẻ của mình. Lấy gì chứng minh điều đó?”.
* Điểm 6: Đoạn văn: “Trọng Ni, thiên hạ thánh nhân dã, tu hành minh đạo, dĩ du hải nội. Hải nội duyệt kỳ nhân, mỹ kỳ nghĩa, nhi phục dịch giả thất thập nhân. Cái quý nhân giả quả, nặng nghĩa giả nan dã. Cố dĩ thiên hạ chi đại, nhi vi phục dịch giả thất thập nhân, nhi vi nhân nghĩa giả nhân”.
- PN dịch: “Trọng Ni là bậc Thánh nhân trong thiên hạ. Ông ta trau dồi thân mình, đi chu du trong thiên hạ. Những người trong thiên hạ chuộng chữ nghĩa của ông ta có bảy mươi người. Như thế đủ thấy những kẻ quý chữ nhân rất ít, những kẻ có thể làm được chữ nghĩa rất hiếm. Cho nên cả thiên hạ rộng lớn như thế mà những người theo nhân nghĩa chỉ có bảy mươi người và người nhân nghĩa chỉ có một người”.
- LVQ dịch lại: Trọng Ni... tu thân dưỡng tính, tuyên dương học thuyết Nho gia của ông ta, đi du thuyết trong thiên hạ. Người trong thiên hạ yêu mến điều nhân, ca ngợi điều nghĩa của ông ta, nhưng chỉ có bảy mươi người theo hầu hạ ông ta. ấy bởi người coi trọng điều nhân còn quá ít, người có thể làm theo điều nghĩa cũng rất khó. Cho nên thiên hạ tuy rộng lớn như thế, nhưng chỉ có bảy mươi người theo hầu (Khổng Tử) và người làm nhân nghĩa chỉ có một mình Khổng Tử”.
- Bàn: Khổng Tử, đạo gia, sống thời Xuân thu. Hàn Phi Tử pháp gia, sống thời Chiến quốc, ít nhiều đều là thời loạn. HPT chống học thuyết Khổng Tử, cho rằng thời loạn mà thuyết giáo đạo đức là vô bổ. Trong đoạn văn trên cũng thể hiện ý tứ có phần mỉa mai.
Đoạn văn hơi dài, vì vậy xin nêu những ý chính trong hai lời dịch của PN và LVQ để bàn cho dễ.
- a) “Tu hành minh đạo, dĩ du hải nội”.
- PN dịch là: “Trau dồi thân mình (không có ý “minh đạo”), đi chu du thiên hạ”.
- LVQ dịch lại là: “Tu thân dưỡng tính, làm sáng (tuyên dương) học thuyết của ông, đi du thuyết trong thiên hạ”.
Cả hai dịch giả đều bỏ qua chữ “dĩ” nghĩa là “để”, nó xác định hành động sau là mục đích của hành động trước. Nếu đồng ý phải có chữ “để”, thì có thể nêu vấn đề: “đi chu du” (PN) hay “đi du thuyết” (LVQ) - thêm chữ “đi” là thừa, nói “du thuyết” hay “chu du” là đủ - thế thì “để du thuyết trong thiên hạ” cần gì phải đặt vấn đề “tu thân dưỡng tính”? Cái cần thiết là làm sao cho sáng cái học thuyết của mình để thuyết phục thiên hạ.
Để dịch chỗ này, tôi thấy cần lưu ý đến ngữ pháp và ngôn ngữ của văn Hán. Không phải “tu” là một từ riêng, và “hành minh đạo” là một cụm từ riêng như LVQ nghĩ và để giữa hai dấu ngoặc. “Hành minh đạo” không có nghĩa là “làm sáng cái đạo” mà là “thực hành cái đạo sáng” về “minh” ở đây là tính từ. “Làm sáng” văn Hán không nói là “hành minh” như văn Việt, chỉ một từ “minh” là đủ rồi. “Minh” ở đây là động từ. “Minh đạo” là làm sáng cái đạo.
Ở đây không có vấn đề “tu thân”. Nếu có thì người ta sẽ nói “tu thân minh đạo”. Đây là “tu hành”, một động từ ghép có nghĩa là “sửa sang”, “trau chuốt”, “trau dồi”, như Thích Ca ngồi dưới gốc bồ đề “tu hành chính quả”, tức là “trau dồi hoàn chỉnh” cái học thuyết đã lý hội được của ông ta. Khổng Tử cũng trau dồi làm sáng cái học thuyết của mình (tu hành minh đạo) để thuyết phục được thiên hạ.
b) “Hải nội duyệt kỳ nhân, mỹ kỳ nghĩa”.
- PN dịch là: “Những người trong nước chuộng chữ nghĩa của ông” (bỏ sót chữ “nhân”).
- LVQ dịch lại: “Người trong thiên hạ yêu mến điều nhân, ca ngợi điều nghĩa của ông ta”.
- Bàn: Chữ “hải nội” dịch là “người trong nước” (PN).
Cả cái Trung Quốc thời bấy giờ (thời Xuân thu) cũng gọi là nước. Lãnh thổ chư hầu cũng gọi là “nước”, như nước Sở, nước Tề v.v... Khổng Tử đã chu du bốn nước (Lỗ, Tề, Tấn, Sở). Nếu nói trong “nước”, người ta có thể hiểu là “trong nước Trung Quốc”, cũng có thể hiểu là chỉ “trong nước Lỗ quê ông ta cho nên nói “trong thiên hạ” như LVQ là hơn.
“Duyệt” có mấy nghĩa: 1- là “vui”, như trong câu của Khổng Tử: “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ?” (học mà thỉnh thoảng đưa ra áp dụng, há chẳng vui sao?). 2- là “xem”, “xem xét”, như “duyệt binh”, “duyệt y” (xem và chấp nhận, vì có chữ “y”). Cho nên dịch chữ “duyệt” là chuộng (PN), là yêu mến (LVQ) đều chưa sát.
Còn “mỹ” dịch là ca ngợi” (LVQ) cũng chưa ổn.
Dịch như trên, theo tôi, chưa thể hiện được cái ý mỉa mai của HPT đối với việc chu du, thuyết nhân nghĩa của Khổng Tử. Theo tôi câu “Hải nội duyệt kỳ nhân, mỹ kỳ nghĩa” nên dịch thoát như sau: “Người trong thiên hạ thấy chữ nhân của ông hay, chữ nghĩa của ông đẹp”...
c) “Nhi phục dịch giả thất thập nhân”. “Nhi”: chữ “nhi” ở đây hay lắm. Nó mang cái ý than thở và kế tục cái tinh thần mỉa mai xuống vế dưới. Nên theo tôi nên dịch là “mà” không dịch là “nhưng”, nó thẳng thừng quá, mất cái ý thương hại.
“Phục dịch” - Theo LVQ từ “phục dịch” chỉ có một nghĩa là “hầu hạ”, và “phục dịch giả” là người hầu, và tiếp đó: “chỉ có bảy mươi người theo hầu hạ ông ta”. Một nhà hiền triết mà có đến chừng đó “người hầu hạ”, còn ít sao?
Để dịch chỗ này, cho phép tôi “móc” một tí khái niệm về “lý luận ngôn ngữ học” (linguisticology) là: Mọi ngôn ngữ nói chung và từ ngữ nói riêng đều có sinh, biến hoá (trượt, phình, teo, tùy theo điều kiện) và chết, nếu các yếu tố bảo đảm sinh tồn không còn nữa. Về ngôn ngữ như tiếng Latin (tử ngữ), về từ ngữ thì nhiều, mà trong từ điển chua là “cổ”. Nói về trượt, thì có trượt theo thời gian và trượt theo không gian. Ta (Việt Nam) lại dịch văn cổ Trung Quốc thì chịu cả hai thứ trượt. Về trượt không gian, tôi ví dụ chữ “Serviteur” của Pháp (người phục vụ) mà Nguyễn Văn Vĩnh cách đây gần thế kỷ đã dịch thành đầy tớ (nô bộc) do ảnh hưởng phong kiến của ta. Và đi ngược lại thời gian, nếu đây là người hầu hạ, thì HPT đã viết là “nô bộc”.
Cho nên tôi nghĩ: muốn dịch chữ “phục dịch giả” phải làm chuyện “tầm nguyên” (etymology).
“Phục” là “cúi”; “phục tùng” là “cúi đầu đi theo”.
“Dịch” là “làm”; “phục dịch” là “cúi đầu làm theo”, như bây giờ ta gọi là “tuân hành”, tức nghe theo và làm theo. Chữ “Phục dịch giả” này, cả trăm năm trước, ông cha ta (Việt Nam)đã dịch là “học trò”. Học là chịu nghe, tiếp thụ, và “trò” là “làm theo”. Nếu muốn nói chữ, thì nói “môn sinh”, “đồ đệ”. Chữ “đồ đệ” Việt hóa hơn.
d) “Cái quý nhân giả quả, năng nghĩa giả nan dã”.
- PN tránh dịch chữ “nan” có lý do, nên dịch ra “hiếm”.
- LVQ trọng chữ “nan” nên dịch là “khó” (người có thể làm điều nghĩa cũng rất “khó”). “Người” thì “hiếm” chứ sao lại “khó”? Không lôgic.
Sở dĩ sai hoặc không lôgic như thế và xác định chữ “giả” nghĩa là “người”. Còn trong trường hợp này thì “giả” nghĩa là “ấy”, là “là”. Do đó có thể dịch đoạn này như sau: “ấy bởi quý được chữ nhân là hiếm, làm được chữ nghĩa là khó”.
Tóm lại cả câu 8 có thể dịch là:
“Trọng Ni là bậc thánh nhân trong thiên hạ, trau dồi làm sáng học thuyết của mình để chu du trong thiên hạ. Người ta thấy chữ nhân của ông hay, chữ nghĩa của ông đẹp, mà học trò chỉ bảy mươi người. ấy bởi quý được chữ nhân là hiếm, làm được chữ nghĩa là khó. Cho nên thiên hạ rộng lớn mà đồ đệ chỉ bảy mươi người, và người nhân nghĩa chỉ một (mình ông)”.
* Điểm 7: Câu “Kim học giả chi thuyết nhân chủ dã, bất thừa tất thắng chi thế, chỉ viết vụ hành nhân nghĩa, tắc khả dĩ vương”.
- PN dịch: “Bọn học giả ngày nay, thuyết phục nhà vua lại không bảo dựa vào cái thế tất thắng, mà cứ dạy cho họ lo việc nhân nghĩa, cho rằng làm như thế có thể làm vương”.
- LVQ dịch lại: “Bọn học giả nhà Nho ngày nay khuyên vua nói không nên dựa vào quyền thế bắt người ta theo, chỉ cần thi hành nhân nghĩa thì có thể làm vua”.
- Bàn: Để dịch câu này, theo tôi cần đặt trước hai vấn đề: một là, chủ thuyết của Hàn Phi Tử, hai là bối cảnh lịch sử thời Chiến Quốc.
1) Chủ thuyết của HPT là thế, lực, quyền, pháp. Dùng thế tạo lực, dùng lực đoạt quyền, dùng quyền hành pháp, và ngược lại: pháp... quyền... lực... thế v.v... đối nội chủ yếu là quyền (quyền hành) và pháp (pháp luật), đối ngoại chủ yếu là thế và lực.
2) Bối cảnh lịch sử là thời loạn. Tuy chính quyền trung ương thuộc nhà Chu nhưng không quản được các nước chư hầu. Về tập tục thì chỉ vua nhà Chu có danh hiệu “Vương”, còn vua các nước chư hầu chỉ xưng “công”, “hầu” như Tề công, Hàn hầu. Chỉ có vua nước mạnh mới dám dùng vương hiệu, như Sở Bá Vương (Hạng Vũ). Vua nhà Chu chỉ có danh nghĩa. Các vua chúa chư hầu thôn tính nhau, thần phục các nước khác, để giành quyền bá chủ và xưng vương. Khi nhà Chu mất, nhièu nước không mạnh lắm cũng xưng vương.
Từ đó xin có một số nhận định sau:
- a) “Nhân chủ” đây phải ở số nhiều, là “vua chúa” các nước chư hầu. Dịch “nhà vua” (PN) hay “vua” (LVQ) không thích hợp. Nói “vua chúa” đúng hơn.
- b) “Vương”, danh hiệu của vua một nước mạnh làm bá chủ nhiều nước khác. Không đủ mạnh chỉ dám xưng “công”, “hầu” “nhân chủ” cũng dịch là vua, mà “vương” cũng dịch là vua như LVQ không ổn. Cuối đoạn đề nguyên chữ “vương” như PN là đúng.
- c) “Bất thừa tất thắng chi thế”
Làm thế nào để bá chủ chư hầu, xưng “vương” được, rõ ràng là vấn đề đối ngoại. Quan điểm của HPT là phải thế và lực (thừa thế tiến lên). Thời loạn không thể thuyết giáo đạo đức mà làm “vương” được. Phải hành động thực tiễn. Dịch là “không nên dựa vào quyền thế bắt người ta phải theo” như LVQ, thì nghe như vấn đề đối nội. Dịch là “không bảo dựa vào cái thế tất thắng” như PN tôi thấy là được, nhưng chữ “dựa” không nói được cái tính năng động của HPT. Theo tôi, nói “... thừa cái thế tất thắng”, người đọc vẫn hiểu được chữ “thừa”.
- d) “Kim học giả” - chỗ này tôi thấy phải ngắt câu cách khác: “Kim, học giả...” tức là “Nay, bọn học giả...” Cả PN và LVQ đều dịch là “Bọn học giả ngày nay”. Tôi thấy không ổn. Thế bọn học giả ngày xưa thì sao? Chẳng nhẽ họ khớp với cái chủ thuyết của HPT ? Phải dịch chữ “Kim” ở đây như chữ “Kim” ở câu 7 (Kim Nho Mặc).
LVQ dịch, có bổ sung thêm là “Bọn học giả nhà Nho”. Nói như vậy thừa mà thiếu, bởi HPT không phải chỉ phản đối Nho, mà cả Mặc... Vả lại HPT dùng chữ “học giả” để chỉ những người mọt sách, lý thuyết viển vông, không hành động thực tiễn, khác những người thức thời mà ông gọi là “thức giả”. Cho nên theo tôi chỉ để nguyên chữ “học giả” là tốt.
Tóm lại câu 7 có thể dịch như sau:
“Nay, bọn học giả khuyên vua chúa, không bảo thừa cái thế tất thắng (mà hành động), lại bảo cứ dùng nhân nghĩa là có thể làm vương”.
* Điểm 8: Câu “Phù ly pháp giả tội”
Cả PN và LVQ không thấy đề cập đến chữ “phù”. “Phù” nào? Nếu “phù” là “đỡ” thì “phù ly pháp” là ủng hộ việc xa rời pháp luật”. Nếu “phù” là “nổi”, thì có nghĩa là “lỏng lẻo pháp luật”. Không có gì để nói là “vi phạm”. Mà “vi phạm” thuộc về góc độ khác. Nên nói là có tội, không nên nói là bị trị tội, dứt khoát quá, vì HPT là pháp gia (triết) chứ không phải là nhà cầm quyền.
- Từ “Văn học” LVQ cho rằng nó khác bây giờ, và dịch “văn học” thành “văn hiến cổ điển”. Thế “văn hiến” không có cổ điển lại là “văn học” hiện đại sao?
Trong văn hiến (tạm dùng chữ civilization) có văn học (letter, littérature), nhưng văn học không đồng nghĩa với văn hiến. Tôi thấy chữ “văn học” thời đó (cố nhiên là cổ điển) không khác mấy chữ “văn học” bây giờ. Thí dụ trong câu Khổng Tử nhận xét cái tài của từng người học trò, có nói:
“- Giáo dục: Nhan Uyên, Mẫn Tử Khiên, Nhiễm Bá Ngưu, Trọng Cung.
- Ngôn ngữ: Tể Ngã, Tử Cống.
- Chính sự: Nhiễm Hữu, Quý Lộ.
- Văn học: Tử Du, Tử Hạ...” v.v...
Văn hiến bao quát những mặt đó. Sự phân biệt rõ ràng từng mặt như thế, không khác t a bây giờ mấy. Vì vậy tôi tán thành PN về điểm này: “văn học” cứ dịch là “văn học”.
* Điểm 9: Ở mẫu câu: “Kiên giáp lệ binh dĩ bị nạn”. “lệ binh” không phải là “khích lệ binh sỹ” như PN dịch. “Làm chắc áo giáp, mài sắc binh khí” như LVQ là đúng.
* Điểm 10: - Câu “... Vô tư kiếm chi hãn, dĩ trảm thù vi dũng. Thị cảnh nội chi dân, kỳ ngôn đàm giả tất quy ư pháp, động tác giả quy chi ư công, vi dũng giả tận chi ư quân”.
- PN dịch: “Không có thanh kiếm tỏ ra ngang tàng mà lấy chuyện chém đầu quân địch làm dũng cảm. Vì vậy dân chúng trong nước khi nói năng đều nói theo phép tắc, mọi hành động đều cốt lập công, mọi sự dũng cảm đều nhằm vào việc quân”.
- LVQ dịch lại: “Không dùng sự can phạm của thanh kiếm riêng, mà lấy việc chém đầu quân địch làm dũng cảm. Do đó, dân chúng trong nước kẻ nói năng ắt phải tuân theo pháp độ, những người dùng sức (lao động chân tay) đều sẽ trở về với công việc đồng ruộng, những người dũng cảm đều sẽ tham gia quân đội”.
- Bàn: Xin ngắt từng ý để nói cho dễ.
a. “Vô tư kiếm chi hãn, dĩ trảm thù vi dũng”.
“Vô: Cả PN và LVQ đều dịch “vô” là “không”. Chữ “vô” ở đây nghĩa là “dừng”.
“Hãn”: PN dịch là “ngang tàng” . “Ngang tàng” chỉ mạnh hơn “hống hách” thôi, chưa phải “hãn”. Tôi nghĩ nên lấy chữ “hung bạo”, tốt hơn hết là chữ “hung hãn”. LVQ dịch là “can phạm” thì xa. Hung hãn cũng có thể can phạm nhưng cũng có thể chưa can phạm, mới đến mức phạt “vi cảnh” thôi!
“Vô tư kiếm chi hãn” mà dịch là “Không có thanh kiếm tỏ ra ngang tàng” (PN) hoặc “Không dùng sự can phạm của thanh kiếm riêng” (LVQ) thì ý tứ khó hiểu và lối hành văn hơi lạ tai. Theo tôi có thể dịch thoát như sau:
“Đừng ỷ có gươm mà (ngang tàng) hung hãn”.
b. “Thị cảnh nội chi dân, kỳ ngôn đàm giả tất qui ư pháp”.
- PN dịch là: “Vì vậy dân chúng trong nước khi nói năng đều theo phép tắc”.
- LVQ không đồng ý dịch nhóm từ: “Kỳ ngôn đàm giả” là “khi nói năng” bởi lẽ sau chữ “dân” có dấu phảy, nên đã dịch lại là “kẻ nói năng”...
Theo tôi, có dấy phảy hay không có, chỗ đó không quan trọng bởi nó không ảnh hưởng đến cách hiểu nội dung. Cái quan trọng là ở chữ “kỳ”, đó là đại từ quan hệ (giống chữ “dont” của Pháp) bổ ngữ gián tiếp của chữ “dân” nằm ngay trước nó. “Ngôn đàm” của ai? “Ngôn đàm” của dân. Và như thế nhóm từ “ngôn đàm của dân” phải là chủ ngữ của “qui ư pháp”. Do không nắm chữ “kỳ” nên LVQ đã dịch chữ “giả” là “kẻ” và suy đoán xa rằng đó là chỉ “bọn du thuyết” phải tuân theo pháp luật. PN dịch câu này như trên là đúng. Cũng có thể nói hơi khác một tý là “Nói năng (của người dân trong nước) phải đều theo pháp luật”. Chữ “pháp độ” (LVQ) khó hiểu.
c. “Động tác giả quy chi ư công”
- PN dịch là: “Mọi hành động đều cốt lập công”.
- LVQ dịch lại là: “những người dùng sức lực (lao động chân tay) đều sẽ trở về với lao động đồng ruộng”.
- Bàn: chữ “lập công” (PN) nghe có vẻ chiến trận quá. Không phải dân chúng ai cũng ra trận. Dịch lại như LVQ không ổn. “Dân trong nước” là chỉ tất cả, đâu phải riêng người lao động chân tay. Nếu bảo tất cả về làm ruộng, thì ai làm các nghề khác? Dịch như trên (LVQ) thì đối chiếu với nguyên văn ở điểm c., tôi thấy không có cơ sở để dịch như vậy.
Theo tôi, câu này có thể dịch như sau: “Mọi việc làm qui về mặt hiệu quả (năng suất)”.
d. “Vi dũng giả tận chi ư quân”.
- PN dịch là: “Mọi sự dũng cảm đều nhằm vào việc quân”.
- LVQ dịch lại: “Những người dũng cảm đều sẽ tham gia quân đội”.
- Bàn: Chữ “kỳ” ở trên, đồng thời là chữ “kỳ” của cả ba ý, tức là “kỳ ngôn đàm giả”, “kỳ động tác giả”, và “kỳ vi dũng giả”, cho nên chữ “giả” ở ý cuối cùng này vẫn không thể dịch là: “những người” như LVQ. Nói “những người dũng cảm đều sẽ tham gia quân đội” rất khó thực hiện. Làm sao xác định được ai là dũng cảm để buộc họ tham gia quân đội. Nếu HPT đặt vấn đề như vậy thì chắc dân chúng ít ai nhận mình là dũng cảm để đi chết cho quyền lợi của vua chúa.
Tôi thấy dịch như PN là được. Được ở hai mặt. Một là ý, hai là văn, gọn gàng và nhịp nhàng cùng với hai vế trên. Tuy nhiên chưa lột hết tinh thần của tác giả. Tác giả không nói “dũng cảm”, mà nói “vi dũng” ý là chỉ vào bọn “Tư kiếm nhi hãn” ở đoạn trên, cho nên “vi dũng” là “tỏ ra dũng cảm”. Và chữ “kỳ” trên vẫn là đại từ quan hệ, nhưng phải dịch là “Ai”. “Ai tỏ ra dũng cảm” ... Chữ “giả” ở chỗ này nên dịch là “thì”. Chú ý chữ “tận” có thể dịch là “đưa hết”, “trút”. Chữ “chi” nghĩa là “cái đó”. “Ư quân”, dịch “nhằm vào việc quân” như PN là đúng.
Ta nhớ lại HPT là một pháp gia, quan điểm là trị quốc (giữ trật tự an ninh trong nước) bằng pháp luật, cho nên cả ba ý trên đều là vấn đề trật tự trong nước. Đại ý như ta nói: đừng nói năng lung tung, đừng làm việc lờ phờ, đừng càn quấy, có gan thì mang cái gan đó ra mặt trận mà đánh nhau.
Tóm lại toàn bộ câu 12 có thể dịch như sau:
“...Đừng ỷ có gươm mà ngang tàng hung hãn, lấy việc chém đầu quân địch làm dũng cảm. Vì vậy dân trong nước nói năng phải theo phép tắc, làm việc phải có hiệu quả, ai tỏ ra dũng cảm thì hãy mang hết cái dũng cảm đó nhằm vào việc quân”.
* Điểm 11: Câu “Sự thành tắc dĩ quyền trường trọng, sự bại tắc dĩ phú thái xử”.
- PN dịch: “Nếu chủ trương của họ kết quả, thì quyền họ càng thêm lớn, nếu chủ trương của họ mà thất bại, thì họ đã được giàu có rồi mới rút lui”.
- LVQ dịch lại: “Nếu sự tình thành công thì bọn họ dựa vào quyền thế mà được trọng dụng lâu dài (ở trong nước), sự tình thất bại thì họ dựa vào của cải thu được mà rút lui yên thân”.
- Bàn:
a) “Sự”, PN dịch là “chủ trương”. Nếu đây là một chiến dịch đang được tiến hành, thì nó đã vượt ra ngoài phạm vi “chủ trương” rồi, không ổn. LVQ dịch là “sự tình”, nghĩa là “tình hình của sự việc”. Đó là một trạng thái, không thể nói “thành công hay thất bại” được: - cũng không ổn. Theo tôi cứ dịch “sự” là “việc”, hoặc “sự việc”.
b) “Dĩ quyền trường trọng”, PN dịch bỏ sót chữ “dĩ” là “dùng”, tước bỏ mất cái chủ định. LVQ dịch “dĩ” là “dựa”, làm yếu tính chủ định. Ta “dựa” vào cái gì, tức là cái đó vững hơn ta. Ta “dùng” cái gì tức cái đó tùy thuộc ta. Tôi thấy cứ đơn giản dịch “dĩ” là “dùng” không sai. “Trường trọng” PN dịch là càng thêm lớn. “Trọng” không có nghĩa là “lớn”. “Trường”, dịch là “càng thêm”, mà lại là “càng thêm lớn” thì bỏ mất tính thời gian (dài). “Trọng”, LVQ dịch là “trọng dụng”. Và chua thêm “ở trong nước”. Đây là vấn đề vua chúa các nước đánh nhau để thuần phục những nước khác, ai tóm thu được nhiều nước thì ngoi lên giành bá quyền, chứ không ai “bổ dụng” họ, cho nên không thể nói là “trọng dụng”. Theo tôi nên nói là “trọng vọng”. LVQ chua thêm “ở trong nước”, càng không đúng nữa. “Dĩ thú thoái xử”, PN dịch là “họ đã được giàu có rồi mới rút lui”. Theo đây, người ta sẽ nghĩ rằng, chưa giàu có thì họ chưa chịu rút lui, không ổn. Vấn đề là, bại thì rút lui, còn đã là vua chúa, trừ trường hợp cá biệt, vị nào chả giàu; LVQ dịch là “họ dựa vào của cải thu được mà rút lui yên thân”. Của cải thu được lúc nào, trong lúc làm “cái việc” thất bại đó, hay trước nữa? Theo tôi nếu đồng ý đã là vua chúa tất phải giàu, thì cứ dịch “dụng phú” là “dùng cái giàu”. Tác giả không phát triển, thì dịch giả không nên phát triển thay. Nếu thiếu ý, đó là chuyện của tác giả, nếu đủ ý mà đọc không hiểu, đó là việc của độc giả. Chữ “thoái xử”: PN dịch là “rút lui”, không nói đến “xử”. LVQ dịch là “rút lui yên thân”, tức dịch đủ cả “thoái” và “xử”. Để dịch chữ “thoái xử” tôi xin phép nói qua một tí về quan điểm của tác giả. Hàn Phi Tử nhìn thiên hạ và con người, nhất là các bậc vua chúa là luôn luôn âm mưu và hành động (dù thành công, dù thất bại) hành động lại âm mưu. Về điểm này, (tôi chỉ nói một điểm thôi, không nói cả học thuyết) có phần nào na ná như cái “hiện sinh” (existentialisme) của J.P Sartre (tôi chỉ nói của J.P.Sartre thôi) ở chỗ: con người nhất là những kẻ nhiều tham vọng, là một chuỗi dài những dự định và hành động kế tiếp nhau. Hàn Phi Tử nhìn các bậc vua chúa không vô vi yên phận. Vì vậy để dịch chữ “thoái xử”, ta nên xét ở chỗ này, “xử” là “xử” nào? “Xử” là “ở” hay “xử” là “giải quyết” (như trong các chữ “xử lý”, “xử trí”, “xử sự”). Theo tôi chữ “xử” ở đây là “giải quyết”. Cho nên “thoái xử” không nên dịch là “rút lui yên thân” (LVQ), mà nên dịch là “rút lui xử trí sau” hay “rút lui giải quyết sau” (ví dụ, rút lui rồi dùng cái giàu để chiêu binh mãi mã rồi phục hồi), bởi các vua chúa không dễ rút lui “yên thân” đâu.
Tóm lại, câu 13 có thể dịch như sau:
“Việc thành thì họ dùng cái quyền để được trọng vọng lâu dài, thất bại thì họ rút lui dùng cái giàu xử trí sau”.
* Điểm 12: Câu “Trị, cường bất khả trách ư ngoại, nội chính chi hữu dã”.
- PN dịch: “Những nước trị yên và mạnh thì không thể nhờ cậy ở bên ngoài, mà phụ thuộc vào chính sự ở trong nước”.
- LVQ dịch lại: “Trị và mạnh, không thể cậy nhờ ở hoạt động ngoại giao, mà chỉ có thể đạt được trong công việc nội chính”.
- Bàn: “Trị, cường” là một “vấn đề”, vấn đề trị, cường chứ không phải “những nước” trị và mạnh (PN). Nên bỏ chữ “những” để có thể trở về là “khái niệm”: nước trị yên và mạnh. “Bất trách ư ngoại”, theo tôi dịch như PN là được, chỉ cần thay chữ “ở” bằng chữ “vào” (không thể cậy “vào” bên ngoài). Chữ “trị” đơn độc chưa Việt hoá hoàn toàn theo nghĩa trị yên. LVQ để nguyên chữ “trị” (trị và mạnh). Theo tôi nên dịch là “yên và mạnh”... LVQ dịch chữ “ngoại” là “chính sách ngoại giao”, hay “hoạt động ngoại giao” tức là vấn đề chính trị đối ngoại. Hẹp nghĩa. Còn vấn đề kinh tế, quân sự thì sao? Ba Tư xưa, một thời yên và giàu mạnh, không có “hoạt động ngoại giao nào”, chỉ về mặt “kinh tế”, đóng vai trò là một cái “chợ lớn” trên con đường giao lưu buôn bán giữa Đông và Tây. Theo tôi dịch không nên cụ thể hóa. Cụ thể hóa dễ rơi vào tình trạng “bó nghĩa” (infrapolation) hoặc chệch nghĩa (extrapolation). Cứ để “trách ư ngoại” là “cậy vào bên ngoài” (như PN) là thuận lợi hơn cả.
“Nội chính chi hữu dã”:
Chữ “hữu” dịch là “lệ thuộc” (PN), là “có thể đạt được” (LVQ), cũng được, nhưng như thế thiếu tính khẳng định. Nên nói là “nó có sẵn”, “nó nằm sẵn”, mạnh hơn và sát hơn.
Dịch chữ “hữu” ở vế này, tôi liên tưởng đến chữ “trách” ở vế trước (“trách ư ngoại”). “Trách” là “trách cứ”, nghe không ổn lắm. Sao lại “trách cứ” vào bên ngoài. Tôi phân vân giữa chữ “trách” và chữ “trạch”. “Trạch” là “tìm được”, là “tìm”, là “chọn”. Vấn đề này PN có thể giải đáp được vì có nguyên bản chữ Hán để dịch, nếu không phải đây là một lỗi thuộc về ấn loát (dấu nặng xếp thành dấu sắc) trong bài đăng báo của LVQ đăng ở Tạp chí Hán Nôm số 2 (11) 1991. Nếu là chữ “trạch” thì 2 vế trên dưới đối nhau rất sắc, ăn ý. Và như thế tôi sẽ dịch câu 14 là: “Yên và mạnh (tức nước yên và mạnh), không thể tìm ở bên ngoài, nó nằm sẵn trong nội chính”.
Chữ “nội chính”, PN dịch là “chính sự” - Không được. Vì “nội chính” gồm cả đường lối, chính sách, chủ trương, biện pháp, tình hình và sự kiện chính trị. Còn chính sự mới chỉ là “sự việc chính trị”. LVQ dịch là “sự việc chính trị”. Tức cũng giống PN, hẹp nghĩa. Theo tôi cứ để là “nội chính”, không sợ người đọc không hiểu. Vì nói như thế mới bao quát. Chữ gì đã Việt hóa một nửa theo tôi, ta cứ mạnh dạn dùng để dần dần nó Việt hóa hoàn toàn.
Tóm lại, câu 14 có thể dịch như sau: “Nước yên và mạnh không thể tìm ở bên ngoài, nó nằm sẵn trong nội chính”.
* Điểm 13: Câu “Thị cổ loạn quốc chi tục, kỳ học giả tắc xưng Tiên vương chư đạo dĩ tịch nhân nghĩa”
- PN dịch: “Vì vậy cái tục của những nước loạn là bọn học giả trong nước khen cái đạo của các Tiên vương để tỏ ra mình nhân nghĩa”.
- LVQ dịch lại: “Cái tục của những nước loạn là bọn học giả nhà Nho này khen cái đạo của bậc Tiên vương, mượn nhân nghĩa (để tiến hành thuyết giáo)”.
- Bàn: “Loạn quốc” có thể hiểu là các nước chư hầu, tức ở số nhiều, hoặc rộng, là cái Trung Quốc thời Xuân Thu Chiến Quốc, tức ở số ít. Theo tôi, nên dùng số nhiều để nói cả rộng và cả hẹp. Dịch như PN và LVQ, “những nước loạn” là thỏa đáng. “Loạn quốc chi tục” PN và LVQ đều dịch là “cái tục của những nước loạn”. Nói “cái tục” nghe có vẻ “phong tục” quá. Đây tác giả muốn nói lên cái thói xấu, dùng chữ “tệ” thì thể hiện tinh thần chỉ trích cái xấu nhưng không nói được tính chất lặp đi lặp lại. Nên có thể dịch là “lệ”. Chữ “chi” ở đây không nên dịch là “của” mà nên dịch là “ở”, vì cái “thói” này suy cho cùng là cái thói của bọn học giả chứ đâu phải của “các” nước. “Kỳ học giả”, PN dịch là “bọn học giả trong nước”. Nói “trong nước” không ổn, vì trên kia ta dùng “những nước loạn” (ở số nhiều). Nên dịch là: “bọn học giả ở đấy”, chỉ nhiều nước cũng được, mà một nước cũng được. Vả bọn học giả thời đó không phải chỉ du thuyết trong phạm vi nước họ, mà đi qua nhiều nước, “không cần hộ chiếu”.
LVQ dịch là “bọn học giả nhà Nho này”. Không nên dịch “kỳ học giả” là bọn học giả này, vì chữ “kỳ” quan hệ với chữ loạn quốc, tức bọn học giả ở các nước này. Cũng không nên thêm chữ “nhà Nho”. Vì sao, tôi đã lập luận ở câu 9 trên kia.
“Xưng Tiên vương chi đạo dĩ tịch nhân nghĩa”.
Chữ “xưng” dịch là “khen” (khen cái đạo của các Tiên vương). Không phải khen gọn lỏn và khen một lần, mà lải nhải mãi, nên theo tôi nên dịch “xưng” là “tán dương”. “Tiên vương” nên ở số nhiều, bởi chỉ các vua triều đại nhà Chu, chứ không riêng Noãn Vương, vua cuối cùng. “Dĩ tịch nhân nghĩa”, chữ “tịch” PN dịch là “tỏ ra”, các học giả “tỏ ra” mình nhân nghĩa để làm gì ? LVQ tầm nguyên chữ “tịch”, “tạ” và dịch là “mượn”, tôi đắc ý. “Tịch”, “tạ” ở đây đồng nghĩa với “thác” “tá”, nghĩa là “mượn”. Mượn cớ, mượn đường, lợi dụng cơ hội, để thuyết nhân nghĩa, bởi thuyết nhân nghĩa là mục đích du thuyết của “bọn học giả Nho, Mặc”. Tóm lại, câu 15 có thể dịch như sau:
“Vì vậy, cái lệ ở những nước loạn là bọn học giả ở đấy luôn tán dương cái đạo của các Tiên vương để mượn đường thuyết nhân nghĩa”
Vì sao tôi viết bài này? Ông bạn Đ.T.C có bài luận về Truyện Kiều đăng trong Tạp chí Hán Nôm số 2 -1991. Ông đưa tôi xem và yêu cầu góp ý để viết những bài sau. Chuẩn bị xong việc này, tôi nhìn qua các đề mục khác trong Tạp chí. Bỗng mấy chữ “... Bản dịch Hàn Phi Tử” đập vào mắt tôi, làm tôi xúc động, cũng như thấy những bản dịch “Chư tử” khác.
Tôi nghĩ dịch HPT toàn tập là một việc hóc búa, một công trình dài hơi. Đó là sự kết hợp của kiến thức triết học, trình độ cổ văn Hán, cộng với nghị lực và ý chí. Bản dịch đã hoàn thành. Sách đã được in, tất có một giá trị chất lượng nhất định. Qua bài của LVQ tôi cảm thấy mừng, là đã người làm được công việc khó khăn phức tạp đó. Một quyển sách dịch gần 500 trang mà mỗi câu, mỗi chữ là kết tinh của một lượng lao tâm khổ tứ. Vì nhu cầu văn học chung của đất nước, tôi chân thành hoan nghênh dịch giả Phan Ngọc, mặc dù tôi chưa hân hạnh được đọc toàn văn, ngay cả một chương. Tuy nhiên qua một số trích dẫn của LVQ, tôi thấy dịch giả đáng tin cậy, mặc dù theo thiển ý có những chỗ cần nghiên cứu thêm. Với trí não của một người trước một công trình như vậy làm sao không có những chỗ chưa hoàn chỉnh. Đây thuộc loại sách kinh điển. Nó kén độc giả mà độc giả cũng kén nó. Nó có tính vĩnh cửu, không phải chỉ nhất thời. Nếu thêm người góp ý, thì mỗi lần tái, tam... bản, là mỗi lần chất lượng càng cao, để, đã “HPT”, thì theo thời gian nó càng “HPT”, hơn nữa.
Với tinh thần đó, mặc dù tay ngang trong lĩnh vực này, tôi cũng xin mạnh dạn đề đạt một số ý kiến (nội dung phát triển ở phần trên). Có thể sai nhiều đúng ít. Thời gian eo hẹp, viết lách vội vàng, ý tứ đúng sai không nói, nhưng lời lẽ không khỏi sơ xuất, mất lòng, xin bạn bè miễn chấp. Cuối cùng xin cảm ơn Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Tạp chí Hán Nôm, một tạp chí có chất lượng cao.
Đ.P.V
CHÚ THÍCH
(1) Tạp chí Hán Nôm, số 2(11)-1991
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh