HAI TẤM BIA NIÊN ĐẠI CHÍNH HOÀ Ở LẠNG SƠN
THUrsday - 11/06/2015 20:51
Những năm trước, phòng Bảo tàng Sở Văn Hóa Thông tin Lạng Sơn đã kết hợp với Viện nghiên cứu Hán Nôm sưu tầm, in rập được hơn 70 thác bản văn bia có giá trị nằm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Với bài viết dưới đây chúng tôi công bố hai tấm bia thuộc niên đại Chính Hòa đã được in rập, nội dung nhắc tới những phiên tướng vùng biên ải.
Một góc Thành nhà Mạc thuộc thành phố Lạng Sơn
I. TẤM BIA TẠO NĂM CHÍNH HÒA THỨ NHẤT (1680)
Tấm bia đặt ở bên phải chùa Trung Thiên xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình. Bia một mặt, cao 1m, rộng 0,75m, trán bia có hình mặt trời và hai cánh cung hình rồng, diềm bia là đôi rồng đuổi nhau chạy từ trên xuống và từ dưới lên, đôi rồng mập khỏe, cân đối, uốn lượn như hình sin. Đầu đề tấm bia nổi bật 5 chữ: “Tân tạo Mẫu Sơn xứ ***”. Đầu đề bia thiếu ba chữ, sau này khi đọc toàn bộ văn bản, chúng tôi nhận thấy có thể bổ sung ba chữ đó là: Trung Thiên Tự. Bia có 13 dòng, khoảng 300 chữ, chữ trong bia khắc, theo lối hành thư, to khỏe sâu đậm nhiều chữ giản thể theo lối chữ hành thư thường gặp trên các bia ma nhai thời Trần.
1. Phiên âm:
Tân tạo Mẫu Sơn xứ Trung Thiên tự.
An Nam quốc, Kinh Bắc đạo, Lạng Sơn xứ, Trường Khánh phủ, Lộc Bình châu, Khuất Xá xã, Đô tổng binh sứ ty, Đô tổng binh sứ, Bắc quân Đô đốc Thiêm sự, Vũ Quận Công Vi Đức Thắng tự Vạn Thọ, nguyên tiền tằng tổ phụ, Trưởng phụ đạo bất tri tu phúc, mệnh vu bất trường, chi kim tử diệt Vi Đức Thắng giác đắc tổ tiên bất tri thiên địa đạo đức, tự lập phát bồ đề tâm, tác phúc Phật tự, các vị viên mãn, yên tĩnh trường thọ, kế thế tử tôn, vi thần tận trung tận tiết, trung hiếu kiêm toàn, thụ mệnh quốc vương, vi phiên tướng chi nhân, chế ngự biên cương. Khán thủ ải quan, ứng đối thiên triều sứ mệnh, lưỡng quốc an tĩnh địa biên, cường quốc mạnh, tái xướng suất thất châu quan binh cập các niên kỳ vụ, tâm tính ái mộ bồ đề tác phúc tạo lập Mẫu Sơn xứ Trung Thiên tự, quân doanh tạo cư cố công đức, Phật tượng các vị viên mãn, phụng sự Phật pháp, tái lập thạch bi, trúc bạch thùy danh, lưu truyền tử tôn vạn đại. Hoàng đồ củng cố, thiên hạ thái bình, tu chi văn giả, cố lập thạch bi.
Chính Hòa nhất niên thập nguyệt đồng tiết cốc nhật.
Công đức Sàm Viên xã, Lỗi Lang thôn trung thủ dịch, thiên nam Hoàng Công Chiêu tự Phúc Cường, thê Vi Thị Khoan, hiện Diện Sinh.
2. Dịch nghĩa:
BIA TÂN TẠO CHÙA TRUNG THIÊN XỨ MẪU SƠN
Đô tổng binh sứ ty, Đô tổng binh sứ, Bắc quân Đô đốc Thiêm sự Vũ quận công Vi Đức Thắng tự là Vạn Thọ người xã Khuất Xá, châu Lộc Bình, phủ Trường Khánh xứ Lạng Sơn, đạo Kinh Bắc, nước An Nam, nay xét thấy trước đây tằng tổ phụ làm Trưởng phụ đạo mà chưa biết tu quả phúc, tuổi thọ không được bao lâu. Đến nay con cháu là Vi Đức Thắng thấy rõ tổ tiên mình do không hiểu rõ đạo đức của trời đất nên bản thân tự phát lòng bồ đề làm chùa Phật, tô tượng, mọi việc đều tốt đẹp, yên tĩnh trường thọ, đời đời con cháu nối tiếp nhau làm quan tận trung tận tiết, trung hiếu kiêm toàn. Được thụ mệnh quốc vương (Trịnh Tạc) phong sắc cho làm phiên tướng trấn thủ ở thành Lạng Sơn và các châu, chế ngự biên cương gìn giữ quan ải, ứng đối xử sự với Bắc triều làm cho biên cương hai nước yên ổn, giữ quốc mạch trường tồn. Nay lại dẫn dắt nhân dân 7 châu xứ Lạng làm tốt công việc các năm. Còn ai có lòng bồ đề làm phúc thì xây chùa Trung Thiên xứ Công Mẫu sơn và làm các việc công đức khác. Các tòa Phật tượng đã tô xong để phụng thờ Phật pháp, viết văn dựng bia để truyền lâu dài cho con cháu muôn đời, Chúc Cơ đồ nhà vua được củng cố, thiên hạ thái bình, làm văn ghi vào bia đá.
Ngày lành, tiết mùa đông tháng 10 năm Chính Hòa thứ nhất (1680) dựng bia.
Người góp công đức: Thủ dịch thiên nam Hoàng Công Chiêu tự Phúc Cường và vợ là Vi Thị Khoan hiệu Diệu Sinh, người thôn Lỗi Lang xã Sàm Viên.
II. TẤM BIA TẠO NĂM CHÍNH HÒA THỨ TƯ (1683)
Tấm bia đặt ở phía ngoài đền Tả Phù (đình Tả Phủ) chợ Kỳ Lừa thị xã Lạng Sơn. Bia 4 mặt cao 1m80, mỗi mặt rộng 0,70m, có mái che, trán bia khắc hình rồng chầu mặt trời, đế bia khắc hình bốn thầy trò Đường Tăng và con long mã. Chữ trong bia cũng khắc theo lối hành thư, to khỏe sâu đậm như bia thứ nhất, nhưng do bia để ở ngoài trời, lại thêm sự tranh chấp đền thờ, nên nhiều chỗ bị mờ và bị đục. Tuy bia có 4 mặt song chỉ rập được 3 mặt.
Phiên âm:
[Mặt 1] TÔN SƯ PHỤ BI
An Nam quốc, Lạng Sơn xứ, phiên tướng phụ đạo quan dân, dữ Thượng quốc thập tam thỉnh thương khách, tịch bản quốc nhất thiết đẳng vi lập tự bi sự.
Phù, hữu công đức cập nhân, nhân kính nhi tự, nãi lễ chi đương nhiên. Tư phiên tướng phụ đạo cập thương khách phường đẳng tổng giai thế chi hiền nhân, thời hữu Đông quân Đô Đốc phủ, Đô đốc Đồng tri Hán quân công Thân quý tướng, vi nhân khoan hậu, xử kỷ công liêm, hiếu đễ hành ư gia, trung cần trứ ư quốc, tham bồi vương phủ… (mất 14 chữ) niên bát nguyệt thập nhất nhật, cát thời mệnh chung, thọ sinh hưởng linh lục thập tứ tuế, gia tặng Tả Đô đốc chức công đại phụ thành, nhật long sủng đãi; phụng sai vi Bắc đạo trấn thủ quan, tâm tồn phủ tuất, vụ chỉ phiền hà, hạp cảnh quân dân cử giai đoạn kỳ nghiêm, lạc kỳ đức, quần phương, thương lữ hàm nguyện tàng ư thị, xuất ư đồ, tịnh hữu khải bảo tôn vi sư phụ, hựu tương dữ ngữ viết: Ngô bối thụ công ân đức chi hĩ, dữ kỳ cẩm tú hoa diệu xưng tụng ư nhất thời, hạt nhược thử tắc hinh hương phụng thừa ư vạn tuế, nhân cộng lập bi miếu tuế thời phụng tự, hậu chi cao kiến viễn thức giả đương tâm tiền nhân chi tâm, đức Thân công chi đức. Vật dĩ thạch đài nhi dị hốt, thường hoài đường thụ nhi hưng tư, viễn nhĩ quang, cửu nhĩ phương, như thử túc dĩ chiêu hương hỏa ư vô cùng, biểu thuần phong ư thiên bách tải chi hạ hĩ. Dụng thuyên vu thạch dĩ thọ kỳ truyền vân.
Thời Chính Hòa vạn vạn niên chi tứ, tuế tại Qúy Hợi thanh minh tiết cốc nhật.
[Mặt 2] Phụng sai Bắc đạo trấn thủ quan, Đăng quân Đô đốc phủ Đô đốc Đồng tri, Hán quận công Thân Công Tài, tịch tại Lạng Giang phủ, Yên Dũng huyện, Như Thiết xã vi lập phụng sự hương hỏa sự. Tư kiến Bắc đạo Lạng Sơn xứ các châu, phiên tướng phụ đạo quan dân dữ thượng quốc thập tam tỉnh bản quốc thất phường đẳng, hữu tôn niệm kiến lập tây miếu phụng tự thù lạc hậu ý, nhân hữu thủy mại điền thổ, lưu vi hương hỏa, đệ niên canh chủng tuế thời phụng tự như nghi… (mờ)…
[Mặt 3]
Phiên âm
LƯỠNG QUỐC KHÁCH NHÂN
Thiên triều thập tam tỉnh thương khách đẳng, An Nam thất phường đẳng… (mờ)
Dịch nghĩa:
[Mặt 1] VĂN BIA KÍNH BẦU VỊ SƯ PHỤ
Quan phụ đạo phiên tướng xứ Lạng Sơn nước An Nam cùng khách buôn 13 tỉnh Bắc quốc và mọi người trong nước đều dựng bia xây đền thờ.
Có công với người thì được người tôn kính mà thờ cúng đó là lẽ đương nhiên của lễ vậy. Nay phụ đạo phiên tướng cùng khách buôn người Tầu đều là những kẻ hiền nhân trên đời, chứng kiến bấy giờ có Đô đốc phủ đô đốc Đồng tri, Hán quận công thân qúy tướng, vốn tính khoan hòa chuyên cần, tham dự hầu cận trong phủ chúa… (mất 14 chữ) đến giờ lành ngày mười một tháng 8 năm… ngài mất thọ 64 tuổi, được gia tặng chức Tả Đô đốc… Làm tròn công việc phò giúp, ngày càng được ưu ái, sai ra làm quan trấn thủ Bắc đạo, dốc lòng phủ dụ thương yêu dân, cốt sao bỏ mọi phiền hà. Quan và dân khắp vùng đều sợ uy nghiêm ngài, lại được vui sướng tắm gội ân đức ngài. Thương khách khắp nơi đều muốn đến buôn bán họp chợ. Họ có tờ khải tâu lên xin tôn bầu ngài làm sư phụ. Họ bàn nhau: bọn chúng ta thừa hưởng ân đức của ngài thật là to lớn. Nếu chỉ nhất thời tán tụng bằng những lời hoa mĩ thì chẳng bằng lễ vật thơm tho phụng thờ ngài muôn đời. Nhân đó dựng miếu đặt bia để thờ cúng quanh năm. Sau này các bậc hiểu biết cao xa hãy cảm thấu tấm lòng tiền nhân nhớ ân đức của ngài họ Thân. Chớ thấy rêu phong mặt đá mà vội đổilòng luôn phải nuôi nỗi nhớ bóng cây cam đường(1) để vẻ sáng của ngài, hương thơm của ngài được lưu truyền lâu xa. Được như thế thực là làm rạng rỡ việc thờ cúng đến vô cùng, nêu cao phong tục tốt đẹp tới trăm ngàn năm vậy. Vậy khắc vào bia đá để lưu truyền mãi mãi.
Ngày lành tiết thanh minh mồng 3 tháng 3 năm Quý Hợi niên hiệu Chính Hòa thứ tư (1683).
[Mặt 2] Quan trấn thủ Bắc đạo Đông quân Đô đốc phủ Đô đốc Đồng tri Hán quận công Thân Công Tài quê quán xã Nhữ Thiết, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang được mọi người phụngthờ. Nay quân dân phụ đạo phiên tướng các châu xứ Lạng Sơn thuộc Bắc đạo, cùng dân buôn 7 phường của bản quốc và thương khách 13 tỉnh của Bắc quốc dựng đền thờ phụng sự ngài để đền đáp công ơn sâu nặng của ngài. Nhân có số ruộng mới mua của ông để lại là ruộng hương hỏa hàng năm cầy cấy phụng thờ đúng như nghi lễ… (mờ)
[Mặt 3] Khách buôn của hai nước
1. Khách buôn 13 tỉnh, thiên triều… (mờ)
2. Khách buôn 7 phường của An Nam… (mờ)
Những điều thấy được qua hai tấm bia trên.
1) Quê hương và vai trò của Vi Đức Thắng ở xứ Lạng.
Ở Lạng Sơn có 7 họ thổ ty, đó là những dòng họ lớn nối đời làm phiên thần ở nơi biên giới. Trong 7 họ ấy có họ Vi. Dựa theo gia phả họ Vi(2) thì từ thời Lý về trước, cư trú ở xã Vạn Phần tổng Vạn Phần, huyện Đông Thành xứ Nghệ An. Thời Trần chuyển đến núi Huyền Đình (Đinh) huyện Lục Ngạn đạo Kinh Bắc, ông cha họ đã làm quan nhà Trần. Nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần rồi quân Minh xâm lược, họ theo Lê Lợi chống giặc Minh. Sau khi thắng giặc Minh, Lê Lợi phân phong cho họ lên giữ Lạng Sơn. Gia phả họ Nguyễn Đình(3) chép: “Con trai thứ 8 Vũ nghĩa tướng quân Đô đốc Thiên sự, Nghi Quận công Nguyễn Cầm Miên đem 15.000 tướng sĩ đến Lạng Sơn làm Chánh tuần phủ. Người bản sứ(4) Đô đốc Đồng tri Hoàn quận công Vi Đình Hân(5) cũng đem 15.000 tướng sĩ lên Lạng Sơn làm Phó tuần phủ, đóng quân lại Đoàn thành, cùng chế ngự biên cương, chia giữ các cửa ải Nam Quan, Bình Nhi, Bình Lăng, Thân Quan, Kết Quan. Mỗi quan ải có 2000 lính canh để trấn giữ quân phương Bắc. Bấy giờ chưa chấm dứt được binh đao nên (Lê Lợi) lại ban sắc chỉ cho hai họ ở lại xứ Lạng Sơn coi đó là quê quán được tập ấm cha truyền con nối…”
Sách Đại nam nhất thống chí chép “Vậy châu Lộc Bình tức là đất của châu Tây Bình tên châu bắt đầu đặt từ niên hiệu Quang Thuận nhà Lê (1460-1469). Vào đời Tây Sơn đổi tên là Lộc Bằng, có phiên thần họ Vi và họ Hoàng nối đời cai trị”.
Như vậy có thể nói Vi Đức Thắng là con cháu Vi Đình Hân, một dòng họ có công với các triều đại phong kiến Trần - Lê. Đến thời Lê Huy Tông, Vi Đức Thắng được trao chức cao nhất Đô đốc Thiêm sự, được toàn quyền phân xử mọi việc ở xứ Lạng, kể cả việc giao hiếu với Trung Quốc. Sắc chỉ năm Chính Hòa thứ nhất (1680) gửi các thổ ty miền biên giới Lạng Sơn chép: “Lệnh chỉ của Đại nguyên súy chưởng quốc chinh thượng sư Tây vương (Trịnh Tạc) gửi Đô tổng binh sứ ty Đô đốc đồng tri Nguyễn Đình Lộc… đã nhiều năm nay ủy thác tiết chế các xứ giữ yên biên thùy. Nay được bài khải của Tuyền quận công Nguyễn Khắc Tuy về việc giặc giã gây rối loạn ở các tổng xã bản châu, tất thảy phải đem quân tiễu trừ. Nay sức cho các xứ hãy tu sửa võ bị phòng ngừa bọn giặc đến xâm lược. Nếu xảy ra sự cố hãy hợp lực trừ khử chém đầu giặc, bắt sống giặc, tước khí giới, yên ngựa… thì tùy công lao sẽ được thưởng. Hãy lập nhiều đồn, tuyển thêm lính để sẵn sàng tiêu diệt bọn nào dám đến xâm phạm. Trái lệnh này sẽ bị trừng trị theo pháp luật”.
Trong bia cũng đã nhắc đến sắc phong trước đây mà chúa Trịnh đã ban cho Vi Đức Thắng, khẳng định trọng trách của một phiên thần. Vi Đức Thắng noi chí ông cha làm tướng nơi biên thùy, ông là người “tận trung tận tiết, trung hiếu kiêm toàn”.
2. Thân Công Tài với Lạng Sơn.
Đến xứ Lạng, hỏi về đền Tả Phủ, không mấy ai biết thờ vị nào, hỏi về người đã mở ra phố Chợ Kỳ Lừa cũng như vậy. Có người còn cho rằng đền Tả Phủ thờ “một ông quan người Tầu”, chả là họ thấy ở đấy có tấm ba khắc mấy ông Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Sa Tăng, Trư Bát Giới đều là người Tầu. Vả lại ở bia thấy khắc “Bắc quốc”… Nực cười hơn là vào đầu thế kỷ XX, tại đây người Hoa lại kiện người Việt đòi kỳ được đền Tả Phủ. Rốt cuộc người Việt thắng, người Hoa thua. Họ lập ngay hội quán ở cạnh đền Tả Phủ. Cái gì đã làm chứng cho việc thắng kiện, nếu không phải là tấm bia dựng năm Chính Hòa thứ tư (1683). Nói cho công bằng thì đền Tả Phủ thờ ông quan người Kinh Bắc (nay là Hà Bắc). Đền này được xây dựng có công đóng góp của cả khách buôn Trung Quốc. Vậy vì sao ông Thân Công Tài lại được tôn kính như vây? Trước nhất hãy nói việc mở phố Kỳ Lừa của ông. Kỳ Lừa xưa kia là “háng Khau Lừ”. “Háng Khau Lừ” là cách gọi theo âm Tầy - Nùng, dịch là “chợ Khau Lừ”. Hẳn chợ Khau Lừ có từ rất sớm, nó chính là những “bác dịch trường” (chợ trời biên giới) để trao đổi mua bán. Loại chợ này rất phát triển vào thời Lý - Trần. Song chợ Kỳ Lừa cũng chỉ nhóm họp tự nhiên trên các gò cao mà chưa có phố chợ. Phải đến những năm Vĩnh Trị - Chính Hòa đời Lê Hy Tông (1676-1683) khi triều đình cử ông Thân Công Tài người xã Như Thiết, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang (nay là xã Nghi Thiết, huyện Việt Yên, tỉnh Hà Bắc) lên giúp Vi Đức Thắng giữ vững biên cương phát triển kinh tế thì chợ Kỳ Lừa mới được xây dựng to lớn hơn. Thân Công Tài đã cho mở rộng cảng sông Kỳ Cùng (Bến Huối), cho dân đào hồ Phai Vệ, đắp phố Kỳ Lừa. Ông xây dựng bảy phố cho người 7 châu xứ Lạng đem sản vật về trao đổi. Ông cho người Kinh lập phố người Kinh, người Hoa kiều lập phố người Hoa kiều. Tất cả các sản vật được tự do buôn bán. Từ đấy phố Kỳ Lừa ngày càng đông đúc, nhân dân càng thêm no đủ. Dân địa phương biết ơn ông, người Kinh người Hoa biết ơn ông. Họ góp tiền của mua gỗ lạt làm đền thờ ông, dựng bia ca ngợi công đức. Đền thờ nay vẫn còn, bia đá vẫn còn như để nhắc nhở những sự kiện lịch sử một thời quá khứ trên vùng biên giới xa xôi. Hàng năm cứ vào những ngày cuối tháng giêng, nhân dân Lạng Sơn lại mở hội cướp đầu pháo ở chợ Kỳ Lừa rồi đem vào cúng ở đền Tả Phủ. Họ cầu khấn múa hát mừng cho một năm mới làm ăn phát tài phát lộc. Hội cướp đầu pháo là ngày hội thương nghiệp riêng biệt của xứ Lạng mà chúng ta khó thấy ở nơi thứ hai nào khác.
Hai tấm bia cùng thời gian, cùng không gian, cùng ca ngợi công lao to lớn của hai vị tướng trông coi miền xứ Lạng xa xôi. Vi Đức Thắng và Thân Công Tài, một người bản xứ một người khác xứ, một người Tày một người Kinh, một chánh tướng một phó tướng đã khéo hòa nhập với nhau, cùng một lòng yêu nước thương dân nên đã giữ yên biên giới, chú ý nông nghiệp, phát triển thương mại, làm cho dân giầu nước mạnh. Chính vì vậy tên tuổi của hai ông còn mãi với bia đá và tồn tại mãi trong lòng người dân xứ Lạng.
Hoàng Giáp
---
Chú thích:
(1) Cây cam đường: Tích của Trung Quốc nói về ông Triệu Bá đi tuần thú phương Nam, nghỉ lại dưới bóng cây cam đường, vì có ân đức với dân, nên khi ông đi dân vẫn nhớ ơn.
(2) Gia phả của họ Vi: được dịch và cất giữ ở gia đình cố Bộ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Văn Huyên.
(3) Gia phả Nguyễn Đình: Hiện đang cất giữ ở nhà anh Nguyễn Đình Bao thị trấn Na Sầm huyện Văn Lãng.
(4) Người bản xứ: lúc này quê họ Vi ở đạo Kinh Bắc, mà Lạng Sơn là một xứ của Kinh Bắc.
(5) Vi Đình Hân: một tướng lĩnh của Lê Lợi.