Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

HÁN VĂN LÝ-TRẦN VÀ HÁN VĂN THỜI NGUYỄN TRONG CÁI NHÌN VẬN ĐỘNG CỦA CẤU TRÚC VĂN HÓA VIỆT NAM THỜI TRUNG ĐẠI

TUEsday - 15/10/2013 11:12
HÁN VĂN LÝ-TRẦN VÀ HÁN VĂN THỜI NGUYỄN TRONG CÁI NHÌN VẬN ĐỘNG CỦA CẤU TRÚC VĂN HÓA VIỆT NAM THỜI TRUNG ĐẠI

HÁN VĂN LÝ-TRẦN VÀ HÁN VĂN THỜI NGUYỄN TRONG CÁI NHÌN VẬN ĐỘNG CỦA CẤU TRÚC VĂN HÓA VIỆT NAM THỜI TRUNG ĐẠI

Hán văn Lý - Trần là một giai đoạn dài cơ hồ gần 5 thế kỷ của Hán văn Việt Nam (từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XV), gồm 6 triều đại: Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ trong đó Lý, Trần là hai triều tiêu biểu nhất. Đó là một giai đoạn Hán văn đóng vai trò nền tảng góp phần quan trọng để nước Việt thành nước có văn hiến theo dòng văn hóa Thi Thư.

HÁN VĂN LÝ-TRẦN VÀ HÁN VĂN THỜI NGUYỄN TRONG CÁI NHÌN VẬN ĐỘNG CỦA CẤU TRÚC VĂN HÓA VIỆT NAM THỜI TRUNG ĐẠI

Phạm Văn Khoái - Tạ Doãn Quyết

1. Hán văn Lý - Trần là một giai đoạn dài cơ hồ gần 5 thế kỷ của Hán văn Việt Nam (từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XV), gồm 6 triều đại: Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ trong đó Lý, Trần là hai triều tiêu biểu nhất. Đó là một giai đoạn Hán văn đóng vai trò nền tảng góp phần quan trọng để nước Việt thành nước có văn hiến theo dòng văn hóa Thi Thư.
Hán văn thời Nguyễn cũng chỉ là cách gọi theo triều đại một giai đoạn hơn một thế kỷ của tiến trình sử dụng chữ Hán ở Việt Nam (từ đầu thế kỷ XIX đến những thập kỷ đầu của thế kỷ XX). Đó là nền Hán văn từ chỗ đứng ở đỉnh cao vận động theo chiều hướng loại bỏ dần chữ Hán trong hai chức năng quan trọng nhất: chức năng là ngôn ngữ viết dùng trong hành chính và trong giáo dục.
Bởi thế, tìm hiểu hai giai đoạn theo triều đại này của Hán văn Việt Nam sẽ giúp cho chúng ta hiểu được quá trình xác lập và khẳng định cũng như quá trình ra đi của nhân tố chữ Hán trong đời sống văn hóa Việt Nam. Qua đó, góp phần nhận thức rõ hơn về tiến trình mười thế kỷ dùng chữ Hán ở Việt Nam thời phong kiến nói chung, đồng thời cũng để giảng dạy môn Hán văn Việt Nam tốt hơn.

2. Bộ sưu tập sớm nhất về thơ chữ Hán từ đời Trần đến đời Lê cho đến nay còn giữ lại được là Việt âm thi tập do Phan Phu Tiên khởi thảo (thế kỷ XV), Chu Xa (thế kỷ XV) bổ sung thêm. Sau đó, nhiều bộ sưu tập về thơ văn Lý - Trần ra đời như Trích diễm thi tập (do Hoàng Đức Lương sưu tập và viết lời tựa vào mùa xuân, niên hiệu Hồng Đức 28 (1497), Toàn Việt thi lục (do Lê Quý Đôn sưu tập và viết lời tựa)... Các bộ sưu tập này đều xem từ thời Lý - Trần, nước ta đã là nước có văn hiến, rằng thi học Lý - Trần là nền tảng cho nền thi học Đại Việt thời phong kiến tự chủ. Qua những phát biểu sớm nhất về thi học Lý - Trần đó, chúng ta có thể thấy vai trò to lớn của nhân tố chữ Hán thời Lý - Trần trong cấu trúc văn hóa Việt Nam.
3. Chữ Hán (Hán văn, văn ngôn chữ Hán) là ngôn ngữ viết có dùng trong các lĩnh vực nghi thức quan phương Nhà nước như (hành chính, giáo dục), đồng thời cũng là ngôn ngữ viết của các hoạt động tôn giáo, trước thuật, sáng tác thơ văn... Những chức năng ấy đồng thời cũng là chức năng của chữ Hán trong mười thế kỷ thời phong kiến tự chủ. Bởi vậy, khi đề cập đến các chức năng xã hội này, nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài thường cố gắng đưa ra thời điểm chữ Hán được coi là văn tự Nhà nước [De Franỗis John, 1977]. Người ta thường nói chữ Hán ở thời Lý được chính thức thừa nhận như một văn tự Nhà nước.
Song, bên cạnh những kiếm tìm các văn kiện cụ thể, chúng ta cần phải xem những biểu hiện hay việc làm cụ thể từ phía Nhà nước, mà chúng được xem như những mốc giới khẳng định vai trò của chữ Hán với tư cách là ngôn ngữ viết chính thức cho đời sống văn hóa đất nước. Các quyết định có tính mốc giới mang tính chất Nhà nước, theo chúng tôi là: lập Văn Miếu năm 1070; mở khoa thi Nho học tam trường 1075 và mở Quốc tử giám năm 1076...
4. Ngôn ngữ viết chữ Hán ở Việt Nam giai đoạn này có nhiều đặc điểm khác hẳn với các giai đoạn sau đó. Đây là giai đoạn tiếp nối có quan hệ trực tiếp với giai đoạn sử dụng tiếng Hán, chữ Hán ở thời Bắc thuộc. Dấu ấn cho bước quá độ đó là sự hiện diện những văn bản viết theo khẩu ngữ tiếng Hán - nhóm văn bản ngữ lục Thiền tông. Nhóm văn bản này - với các đại diện tiêu biểu như: Thiền uyển tập anh, Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục, Khóa hư lục ... là nhóm văn bản viết theo khẩu ngữ tiếng Hán đương thời (được sử dụng trong phạm vi nhà chùa) được xem như một trong những đặc trưng chuyên biệt của Hán văn Lý - Trần. Những biểu hiện cụ thể cho lối văn bạch thoại thể hiện ở một số điểm như: danh từ được dạng thức hóa bằng tiếp tố - tử (床 子 - sàng tử). Hệ thống đại từ trong các văn bản ngữ lục thiền tông khác hẳn với hệ thống đại từ trong văn ngôn như: các đại từ nghi vấn 甚 麼 - thậm ma?; 恁 麼 nhậm ma?; 那 ná; 阿 誰 - a thùy? hay hệ thống đại từ chỉ thị như 這 giá, 那 - ...
Hệ thống đại từ nhân xưng cũng có nhiều sự khác biệt với văn ngôn, như khi ở ngữ lục dùng 某 甲 - mỗ giáp để chỉ ngôi thứ nhất. Đại từ nhân xưng này có thể làm chủ ngữ, định ngữ, hay tân ngữ.
Ở phạm trù động từ cũng có nhiều hiện tượng tiêu biểu cho ngôn ngữ bạch thoại sớm như: có bổ ngữ chỉ xu hướng 來 - lai; có trợ từ kết cấu 底 (đê); có tiêu chí biểu thị thể thời 了 - liễu, 過 quá, 著 trước; có tiêu chí biểu thị dạng bị động 遭 tao, 蒙 mông; 遇 - ngộ. ấy là ta chưa nói đến vốn từ, cú pháp... Danh sách rất hạn chế các hiện tượng ngôn ngữ trên đây đủ cho phép ta nhìn ra sự vận động theo chiều hướng có sự kế tiếp hay tính quá độ của ngôn ngữ viết chữ Hán ở Việt Nam từ thời Bắc thuộc như một sinh ngữ sang một hình thái Hán văn đặc thù - chỉ có ngôn ngữ viết khi chúng ta đã giành độc lập.
Các nhà thi học sau này thường đề cao lối viết của thơ chữ Hán thời Trần chính là ở chỗ: đây là một thời kỳ ưa dùng của ngôn ngữ phác thực, giản dị, không cầu kỳ điển cố. "Nước ta thơ đời Lý già dặn, súc tích, thơ đời Trần tinh vi, trong trẻo, đều có sở trường tột bậc cũng như thơ đời Hán, đời Đường bên Trung Hoa" (Phạm Đình Hổ, Vũ bút tùy bút, Bd. tr.144). Đó là một bước quá độ trong sự vận động của ngôn ngữ và văn hóa.
Thơ đời Lý chủ yếu là các bài kệ của các Thiền sư. Thơ của các vua Trần (Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông...) chủ yếu đề cập đến chủ đề Thiền với ngôn ngữ phác thực giản dị mang biểu tượng Thiền. Có thể xem thơ của họ là bước chuyển tiếp từ thơ có nhiều yếu tố của ngữ lục thời Lý sang thơ có nhiều yếu tố của ngôn ngữ sách vở hơn của nho sĩ thời Trần mà thơ của Chu Văn An, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trung Ngạn, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh... được xem là những đại diện tiêu biểu nhất. Nhận xét của các bậc thức giả trong ngữ văn truyền thống về sự vận động của thể thơ, văn giai đoạn này đã cho ta thấy rõ điều đó.
Như vậy, song tồn hai hình thái ngôn ngữ viết trong ngôn ngữ viết chữ Hán văn ngôn và bạch thoại sớm (bạch thoại trung đại) là một trong những đặc điểm nổi bật của Hán văn Lý - Trần. Đồng thời, xu hướng vận động viết theo văn ngôn, giảm dần các yếu tố ngôn ngữ nói của tiếng Hán trung đại xu hướng văn ngôn hóa cũng là một trong những đặc điểm dễ nhận ra nhất của việc dùng ngôn ngữ văn tự Hán giai đoạn này. Càng về các thế kỷ sau của giai đoạn Lý Trần, xu hướng này càng nổi trội.
4. Trong các công trình về văn hóa Việt Nam giai đoạn Lý - Trần, người ta thường mô tả đó như là một giai đoạn điều hòa, khoan dung tôn giáo... Thế kỷ X - XIV, văn hóa Đại Việt hình thành và phát triển, phục hưng, tích hợp và cân bằng văn hóa (Nguyễn Thừa Hỷ, Lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia, H. 1999). Những nhận xét đó có thể tìm thấy ví dụ minh họa qua chính những nhân tố văn hóa chữ Hán, Hán văn. Trong các bộ sử do các sử gia phong kiến viết theo quan điểm Nho gia như Đại Việt sử ký (Lê Văn Hưu), Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên), có nhiều hiện tượng văn hóa ghi bằng chữ Hán đã bị họ xem như là không đúng theo chuẩn. Đó là các việc như: vua Đinh Tiên Hoàng lập sáu Hoàng hậu; đặt thuỵ hiệu thời Tiền Lê (Lê Đại Hành); Lê Ngọa Triều lập 4 Hoàng hậu; việc dâng tôn hiệu cho Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông; Lý Thái Tổ bị chê là chưa làm sáng chính học, chỉ học kinh sử qua loa; Lý Thái Tông xuống chiếu bắt quần thần gọi mình là Triều đình; Lý Thánh Tông tự xưng là Vạn thặng... đã bị các nhà nho cho là không hợp, hay bị chê là sai trái và bị lên án. Song có thể xem đó như là những biểu hiện bước quá độ từ phạm trù văn hóa mang nặng tính bản địa sang phạm trù văn hóa Đông á theo tiêu chuẩn của văn hóa chữ Hán nho học. Và đó cũng là một trong những nét khác biệt của văn hóa chữ Hán giai đoạn này so với các giai đoạn trước và sau đó.
5. Trong mối quan hệ với văn hóa, Hán văn giai đoạn Lý - Trần còn một đặc trưng nữa là số người biết chữ Hán trong toàn xã hội ngày càng mở rộng hơn. Giai đoạn này, Nhà nước đã mở trường dạy chữ Hán chứ không chỉ còn có việc học chữ Hán tự phát trong dân hay trong các nhà chùa (nhà Trần, 1226 - 1400). Biết chữ Hán, Hán văn đã trở thành tiêu chuẩn để chọn người vào bộ máy quan lại. [Tất nhiên, vẫn còn có trường hợp đến thời Trần, Thái giám tuyên chiếu mà không biết chữ Hán]. Mức độ biết chữ Hán của toàn xã hội đã được Trần Nguyên Đán diễn tả trong câu thơ:
Đấu tướng tụng thần giai thức tự
Lại viên tượng thị diệc năng thi.

(Tướng võ, tôi hầu đều biết chữ
Lại viên, thuyền thợ cũng hay thơ).

Đó là sự tổng kết bằng thơ về phong trào và mức độ phổ biến của chữ Hán trong toàn xã hội. Một nền giáo dục đào luyện nhân tài đáp ứng những đòi hỏi của xã hội như thế đã làm cho sĩ quân tử thời Trần có một bộ mặt riêng - tựa như sĩ quân tử của thời Tây Hán, không phải loại người tầm thường có thể sánh được. Tinh thần đó thể hiện ngay trong Hán văn của họ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho sau này, người ta hay chú ý vào lối viết của Hán văn Lý - Trần. Điều đó là cơ sở để xem Hán văn Lý - Trần là Hán văn của thời lập quốc, là giai đoạn cổ điển của mười thế kỷ dùng chữ Hán thời phong kiến.
6. Hán văn thời Nguyễn được dùng và vận động trong bối cảnh sự tái lập nhà nước phong kiến quan liêu và khôi phục lại tư tưởng Nho giáo chính thống. Nhiều vua Nguyễn như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đã quá tôn sùng Nho giáo "sùng chính đạo, tuân kinh sử, pháp điển mô". Hán văn giai đoạn này cũng vận động một cách tương ứng với những vận động của đời sống xã hội, song lại theo xu hướng đi đến loại bỏ chính mình với tư cách là hệ thống ngôn ngữ văn tự viết trong 2 chức năng xã hội quan trọng nhất: là ngôn ngữ viết của hành chính (vào năm 1910) và là ngôn ngữ viết của giáo dục (vào năm 1919).
Xét về cấu trúc, Hán văn Việt Nam giai đoạn này có 2 lối viết: văn ngôn truyền thống và tân văn thể. Lối viết văn ngôn truyền thống vừa tiếp tục lối viết của văn ngôn nói chung, vừa chịu ảnh hưởng của tư tưởng quá nệ cổ của các vua và cũng như các thiết chế tổ chức nhà nước của thời Nguyễn. Lối viết Hán văn theo tân văn thể (đầu thế kỷ XX) chịu ảnh hưởng của các tư tưởng mới, tri thức mới - tư tưởng dân chủ tư sản mà đại diện của nó là các chí sĩ yêu nước và cách mạng.
7. Chữ Hán - Hán văn thời Nguyễn giai đoạn đầu chủ yếu được viết theo văn ngôn. Song văn ngôn giai đoạn này khác với văn ngôn các giai đoạn Lý - Trần cả về tinh thần viết lẫn lối viết. Nếu ở giai đoạn Lý - Trần, lối học chữ Hán được diễn ra trong tinh thần lập quốc, đào tạo nhân tài, thì lối học thời Nguyễn lại nhằm vào tạo ra những người trung hiếu với triều đình và nệ cổ. Số lượng văn bản Hán văn Việt Nam viết theo phong cách nệ cổ (dẫn nhiều chữ cổ, điển cố phức tạp của Thi vàThư cũng như Bắc sử...) mang tính thù phụng ở thời Nguyễn khá nhiều. Học kinh sử, viết theo tinh thần viết của kinh sử khác với lối viết mô phỏng, chạy theo, tôn sùng kinh sử. Kinh sử là ngôn ngữ cũ, học nó là học lấy tinh thần chứ học để rồi làm như kinh sử, viết theo kinh sử... thì lại dẫn đến hiện tượng nệ cổ, không hợp với tinh thần thời đại.
Hán văn thời Nguyễn là lối viết mang tính phân tích tính, nếu so với giai đoạn Lý - Trần. Tính chất phân tích tính này trước hết thể hiện ở vốn từ. Do thu gọn trong mình mấy ngàn năm của lịch sử tiếng Hán, chữ Hán đã tích hợp trong mình cả vốn từ của tiếng Hán cổ đại, tiếng Hán trung đại và tiếng Hán cận đại. Cách viết mỗi thời khác nhau cũng chính là do từ trong tiếng Hán mỗi giai đoạn này khác nhau. Vốn từ trong Kinh Thi mang tính phân tích cao nhất (vốn từ đơn tiết nhiều, có sự chi ly về sắc thái... tiêu biểu cho văn hóa thời đó). Vốn từ trong ngôn ngữ thơ Đường lại khác - tính tổng hợp cao hơn, tính chi tiết hóa giảm đi. Một trong những nguyên nhân làm nên cái hay của thơ Đường là ở chỗ ở đây chuộng vốn từ cơ bản, tự nhiên, loại bỏ vốn từ cổ, lối diễn đạt cổ phù hợp với tư duy của người đương thời. Song trong thơ văn Hán văn thời Nguyễn ta lại thấy xu hướng khác. Những bài thơ ở điện Thái Hòa là nơi thể hiện vốn từ, cách nói của các Thi, Thư. Ngay trong Thi thì cũng nghiêng nhiều về phần Nhã, Tụng... Cứ xem vốn chữ Hán mà Tự Đức chuẩn bị cho thần dân của ông trong "Tự học giải nghĩa ca" thì đủ biết. Đó là vốn từ chủ yếu lấy từ các tự điển cổ, tính thông dụng không cao. Vốn chữ ở đây thậm chí lại còn khác nhiều với vốn chữ Hán được sưu tập và giải thích trong các tự điển song ngữ Hán Nôm khác... và cũng khác với bảng chữ Hán thông dụng.
Lối viết cổ hóa ấy chỉ có ích trong các cuộc thi tài nhớ nhiều chữ nghĩa nhưng ít tác dụng đối với xu hướng vận động đi lên của đời sống văn hóa đất nước. Xu hướng văn hóa đi lên này yêu cầu phải có số người biết chữ đông đảo hơn. Bởi thế ngay trong thế kỷ XIX đã vang lên những kiến nghị dùng quốc âm thay văn ngôn chữ Hán.
8. Chúng ta cũng cần lưu ý rằng, ở cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đòi hỏi thay thế văn ngôn chữ Hán bằng một ngôn ngữ viết mềm dẻo hơn đã trở thành một làn sóng dâng cao khắp các nước có dùng văn ngôn chữ Hán lúc đó. Tất nhiên, phong trào này diễn ra theo từng cách khác nhau ở từng nước. Ngay ở Trung Quốc, quê hương của văn ngôn chữ Hán cũng đã diễn ra phong trào đòi cải cách ngôn ngữ viết, đòi hỏi ngôn ngữ viết phải trực tiếp dựa trên cơ sở của ngôn ngữ nói đương thời. Khoa cử từ chương bị bỏ đi năm 1902 kéo theo sự suy giảm về địa vị của văn ngôn. Quá độ từ văn ngôn truyền thống sang bạch thoại - bạch thoại hiện đại - bạch thoại Ngũ tứ là giai đoạn tân văn thể. Tân văn thể là ngôn ngữ của lối văn giác thế (Giác thế chi văn), rung động lòng người do lối viết của phong trào cải cách văn thể thời cận đại tạo ra mà Lương Khải Siêu là người chủ xướng.
Lối văn giác thế chủ yếu yêu cầu thông lời, đạt ý, câu văn cần mạch lạc, lời văn cần sắc bén, chẳng cần cầu kỳ bí hiểm làm gì. Lối văn này được mọi người đua chạy theo học như uống phải suối mê, nó phổ biến trong các ấn phẩm những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Tân văn thể là lối văn chương chính luận lay động lòng người. Điều này xảy ra ở Việt Nam có muộn hơn, song sự hiện diện của bộ phận Hán văn của các chí sĩ yêu nước đầu thế kỷ XX về căn bản được viết theo ngôn ngữ của tân văn thể đã là một trong những đặc trưng nổi bật của Hán văn giai đoạn này. Đó là một lối viết mới, có vốn từ thể hiện sự phát triển của văn hóa đương thời, cú pháp giản đơn... Ngôn ngữ chữ Hán của nhiều nhà Nho đến đây đã chuyển sang một giai đoạn khác, chịu ảnh hưởng của tân văn thể. Các văn bản Hán văn của Phan Bội Châu có thể được xem là một trong những ví dụ điển hình nhất, tiêu biểu cho sự vận động của lối viết ở giai đoạn này. Những văn bản Phan Bội Châu viết vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX (từ 1882) chủ yếu là những bài thi theo kiểu văn ngôn nhà trường, nhưng từ "Lưu Cầu huyết lệ tân thư" trở đi đã viết với một phong cách khác hẳn. Đó là lối viết của loại văn giác thế đầy cảm xúc, lay động lòng người để giác ngộ đồng bào, cứu lấy nòi giống...
Như vậy, Hán văn thời Nguyễn được bắt đầu bằng lối viết từ chương, kinh điển của lối văn ngôn truyền thống, sau đó lại chuyển sang tân văn thể và để rồi cũng kết thúc bằng tân văn thể. Chính những người yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX đã thực hiện bước chuyển từ dùng chữ Hán sang dùng chữ quốc ngữ qua quá độ tân văn thể.
9. Hai giai đoạn sử dụng chữ Hán ở Việt Nam: Lý - Trần và Nguyễn là giai đoạn bắt đầu và kết thúc của tiến trình mười thế kỷ dùng chữ Hán thời phong kiến tự chủ. Ở giai đoạn Lý - Trần, ta thấy có sự song tồn hai ngôn ngữ viết của chữ Hán: văn ngôn và bạch thoại sớm (mà ngữ lục Thiền tông là minh chứng cụ thể cho lối viết bạch thoại sớm). Bạch thoại chủ yếu chỉ ở thời Lý và giới hạn ở phạm vi văn bản nhà chùa. ở đây, có sự vận động theo xu hướng văn ngôn hóa.
Trong Hán văn thời Nguyễn chúng ta cũng thấy có hiện tượng song tồn 2 hình thái ngôn ngữ viết: văn ngôn truyền thống và tân văn thể. Văn ngôn truyền thống chi phối suốt trong thế kỷ XIX. Tân văn thể chủ yếu ở đầu thế kỷ XX và là ngôn ngữ của các nhà Nho yêu nước và cách mạng. Song sự tiến hóa ở đây lại diễn ra theo con đường đi đến loại bỏ vai trò của ngôn ngữ văn tự chữ Hán trong 2 chức năng xã hội quan trọng nhất: là ngôn ngữ viết của hoạt động hành chính và giáo dục. Sự giống và khác nhau đó của Hán văn 2 giai đoạn này xét về ngôn ngữ trong mối liên hệ với văn hóa, một mặt, đã thể hiện xu hướng vận động để khẳng định Hán văn, mặt khác, lại thể hiện xu hướng và vận động để đi đến loại bỏ nó - đã góp phần quan trọng cho việc nhận thức văn hóa Việt Nam thời trung đại.
Xem xét Hán văn Lý - Trần và Hán văn thời Nguyễn tức là xem xét giai đoạn đầu và giai đoạn cuối của tiến trình dùng chữ Hán ở thời phong kiến đã cho ta cái nhìn về sự vận động trong lối viết chữ Hán Việt Nam. Một cách nhìn như thế, đối với Hán văn sẽ giúp chúng ta thiết kế chương trình môn Hán văn Việt Nam trong mối liên hệ trực tiếp với các vấn đề liên quan đến chức năng và cấu trúc, cũng như sự vận động của ngôn ngữ viết chữ Hán nói chung trong mối quan hệ trực tiếp với sự vận động của văn hóa Việt Nam thời trung đại.
P.V.K - T.D.T
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1. De Françis John: Colonialism and Language Policy in Vietnam.The Hague - Paris - New York, 1977.
2. Phạm Văn Khoái: Giáo trình Hán văn Lý - Trần. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999.
3. Phạm Văn Khoái.: Một số vấn đề chữ Hán thế kỷ XX. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001.
4. Woodside A.B. Vietnam and the Chinese model, Harvard University Press, 1971.

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh