Bia tiến sĩ trong Văn Miếu Hà Nội
Văn bia Việt Nam, một trong những văn bia lớn nhất về khối lượng ở Đông Nam Châu Á, là nguồn tư liệu quan trọng về thời hậu Trung cổ và lịch sử Cận đại của đất nước, nhưng hiện nay còn ít được sử dụng. Tác giả đã đặt nhiệm vụ cho mình cố gắng khai thác đến mức tối đa nguồn thông tin chứa trong tư liệu văn bia, kể cả việc phải sử dụng những phương pháp không truyền thống để khai thác nó, nhằm mục đích thu lượm những tư liệu về lịch sử kinh tế, xã hội, mà chúng được rút ra từ những tư liệu ít bị xuyên tạc nhất và có khối lượng nhiều nhất còn lưu giữ được từ những niên đại trước đây, cũng như phần lớn các nước khác, văn bia khắc trên chất liệu “vĩnh cửu” ở Việt Nam phản ánh một lĩnh vực khá hẹp về quan hệ xã hội, thông thường là gắn với việc thờ cúng. Tuy nhiên, nhờ có mang tính chính thức, tính phổ biến và tỷ lệ bảo tồn khá cao (2) so với các loại tư liệu khác mà các văn bia với một phương pháp nghiên cứu thích ứng, có thể trở thành một “phong vũ biểu” độc đáo về đời sống kinh tế của nhà nước trong một thời gian dài, kể cả các niên đại xa xôi. Dù sao đi chăng nữa nguồn thông tin kinh tế - xã hội trong các tài liệu đó cũng đầy đủ hơn và điều chủ yếu là đáng tin cậy hơn so với những tài liệu tương tự của những nguồn truyền thống, chẳng hạn như biên niên sử. Bài báo này là một sự tiếp tục một công trình khác của một tác giả (3) và một vài luận điểm ngắn của công trình đó rất cần thiết để hiểu được các cấu trúc lô gich tiếp theo sẽ được diễn ra dưới đây. Trong những năm 40-50 của thế kỷ này, theo đơn đặt hàng của trường Viễn Đông Bác cổ của Pháp, người ta đã lấy bản rập từ hơn 20000 tấm bia trong số còn được bảo tồn cho đến thời điểm đó ở Việt Nam. Sau đó một nhóm chuyên gia Việt Nam về lĩnh vực tiếng Hán cổ tiến hành chú giải văn bản của các bài văn bia này, những lời chú giải được tập hợp thành “Thư mục văn bia”(4) (dưới đây đã được gọi tắt là - “Thư mục”. Nghiên cứu những lời chú giải và so sánh chúng một cách chọn lọc với các bài văn đầy đủ đã cho thấy rằng những lời chú giải đã được thực hiện một cách tận tâm và có thể làm cơ sở để phân tích thống kê văn bia như là một quần thể thống nhất. Điều này có liên quan ở mức độ lớn hơn đến những dấu hiệu hình thức của bia đá (địa điểm và thời gian phát hiện, kích thước văn bia, tác giả, tiêu đề, ngôn ngữ, độ bảo tồn v.v...) và ở mức độ hẹp hơn là nội dung của chúng, bởi vì chiều sâu và tính chi tiết trình bày nội dung về nhiều mặt phụ thuộc vào tính chất quan trọng của những tài liêụ lịch sử ở các văn bia, chứ không phải vào sự chứa đựng thông tin kinh tế xã hội trong đó. Trong bài báo này sẽ xem xét vấn đề về tính chất đại diện của việc tuyển chọn bia đá, mà việc mô tả chúng có trong “Thư mục” như là một phần của toàn bộ số văn bia cổ đại xuất hiện vào các thời kỳ khác nhau ở Việt Nam và sẽ đưa ra kết luận về giới hạn biên niên sử và địa lý của tính đại diện đó. Ngoài ra, trên cơ sở so sánh tiến trình phát triển các loại văn bia khác nhau sẽ rút ra được vài kết luận có liên quan đến các quá trình bên trong diễn ra ở văn bia gắn liền với những vấn đề cụ thể của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những thập kỷ XV - XX. Trước hết là một vài số liệu tổng hợp. Toàn bộ trong “Thư mục” có mô tả gần 12 ngàn đối tượng cổ đại (bia đá, văn bia trên các đồ vật thờ cúng bằng đá và kim loại, trên các chi tiết kiến trúc của các đền đài miếu mạo, văn bia khắc trên các vách núi, trên các phiến đá lớn, các hình chạm nổi v.v...). Sau khi loại bỏ các hình chạm nổi và các văn bia khác (không phải của người Việt), những mô tả lặp lại của cùng một loại bia đá hay bản sao, cũng như sau khi hợp nhất các bộ phận của văn bia thành một chỉnh thể, mà những bộ phận đó trong một vài trường hợp lại được mô tả như là những đối tượng riêng lẻ, ta sẽ thu được 11427 tấm bia, mà mỗi bia đá trong phạm vi nghiên cứu có thể được xem như là một đơn vị riêng. Hầu như tất cả văn bia đều gắn với địa danh. Chỉ đối với 17 văn bia (0,15%) là không thể xác định ra nơi phát hiện với độ chính xác đến tỉnh, đối với 105 văn bia (0,92%) với độ chính xác đến huyện (hay châu). Phần lớn các tấm bia đều có ghi ngày tháng chính xác. Số lượng các tấm bia không ghi niên đại rõ ràng hoặc ghi niên đại bị xuyên tác là 1363 chiếc (12%). Hầu hết các văn bia trong số 12% này theo tài liệu nghiên cứu sơ bộ là các văn bia thuộc thế kỷ XIX - XX, vì thế việc không xem xét đến các văn bia này, sẽ không ảnh hưởng một cách đáng kể đến kết quả phân tích thống kê quần thể những văn bia sớm hơn mà chúng đối với ta là đáng quan tâm hơn. Hệ phương pháp đã được vận dụng thành thạo đối với các văn bia tương tự của các nước ở Đông Nam châu á sẽ được dùng làm cơ sở cho việc nghiên cứu thống kê các văn bia Việt Nam(5) . Những sự bổ sung vào phương pháp luận đó về nhiều mặt là có liên quan đến việc văn bia Việt Nam không như các quần thể văn bia ở vùng này, như sẽ chỉ ra dưới đây, mang tính một trung tâm. Việc nghiên cứu nó chủ yếu xem xét các quá trình nội tại diễn ra trong một cộng đồng. Thống nhất chứ không phải là so sánh tiến trình phát triển một các độc lập của hai hay một vài trung tâm trong phạm vi của một nhà nước thống nhất, như điều này đã được tiến hành đối với các văn bia cổ đại của các nước khác ở Đông Nam châu Á. Khi nghiên cứu tính đại diện và đặc trưng phân bố của các văn bia, trong bài báo này sẽ tập trung chú ý vào ba thông số chủ yếu của tấm bia: nơi phát hiện, thời gian phát hiện và thể loại nội dung. Việc phân chia về mặt hành chính của Việt Nam vào đầu thế kỷ XIX được dùng làm cơ sở nghiên cứu sự phân bố địa lý các văn(6) bia bởi vì theo ý kiến của hàng loạt các nhà nghiên cứu(7) mà tác giả cũng đồng quan điểm thì việc phân chia này ở mức độ lớn nhất tương ứng với các vùng địa lý - lịch sử tự nhiên của Việt Nam, đã hình thành nên trong hàng loạt thế kỷ và đã mang những nét độc đáo riêng có của mình trong phạm vi một tộc người và một Nhà nước Việt Nam thống nhất. Để nghiên cứu các quá trình thời gian trong văn bia Việt Nam, lịch sử của đất nước được chia thành 10 thời kỳ không đều nhau phù hợp với các sự kiện kinh tế - xã hội và chính trị đã diễn ra ở đây. - Thời kỳ I: các năm 618 (?) - 1427 (810 năm). Chỉ còn lưu giữ được 23 văn bia ở thời kỳ này. Do tính ít ỏi của tài liệu (ít hơn 0,3 tấm bia trong một năm) mà việc nghiên cứu số lượng của chúng đòi hỏi một phương pháp đặc biệt. Điều đó không thuộc phạm vi của bài báo này. - Thời kỳ II: các năm 1428 - 1526 (99 năm). Giai đoạn cuối cùng của sự tồn tại của một nhà nước phong kiến quan liêu tập chung, sự suy tàn của nó và thay thế bởi chính quyền của tập đoàn quân sự. - Thời kỳ III: các năm 1527 - 1593 (66 năm). Sự thống trị của tập đoàn quân sự, sự hình thành hai vương triều (nhà Mạc và nhà Trịnh) chiến tranh khốc liệt lẫn nhau. Sự sụp đổ của nhà Mạc và chính quyền nhà Trịnh tràn ra phía Bắc. - Thời kỳ IV: các năm 1594- 1672 (79 năm). Cuộc chiến tranh ác liệt nhưng vô hiệu quả giữa vương triều mới ở miền Nam (Đàng trong) và vương triều ở miền Bắc (Đàng ngoài) của hai nhà Nguyễn - Trịnh. - Thời kỳ V: các năm 1673 - 1739 (67 năm). Chấm dứt chiến tranh giữa Đàng trong và Đàng ngoài, những cố gắng để giảm bớt tình hình kinh tế - xã hội căng thẳng tích tụ lại trong xã hội bằng con đường cải cách. - Thời kỳ VI: các năm 1740 - 1787 (48 năm). Thời gian của những biến đổi xã hội nặng nề cả ở miền Bắc lẫn miền Nam, kết thúc bằng sự sụp đổ của cả hai vương triều. - Thời kỳ VII: các năm 1788 - 1802 (Bảo Hưng 2) (15 năm). Sự trị vì của triều đại Tây Sơn lên nắm chính quyền trong cao trào các cuộc khởi nghĩa của nông dân. - Thời kỳ VIII: các năm 1802 (Gia Long 1) - 1858 (57 năm). Nhà nước độc lập hậu phong kiến của nhà Nguyễn. - Thời kỳ IX: các năm 1859 - 1883 (25 năm). Đấu tranh chống thực dân Pháp. - Thời kỳ X: các năm 1884 - 1944(8) (61 năm). Thời kỳ thuộc địa Để xác định thông số thứ ba, thông số cuối cùng của mỗi loại văn bia cổ đại (nội dung của văn bia), mà nó sẽ được xem xét đến khi phân dung tích thống kê, chúng tôi tách ra trong số tất cả các văn bia thành hai loại lớn tuy rất không bằng nhau về mặt khối lượng: loại A và loại B. Chúng tôi xếp vào loại A những tấm bia được làm ra bằng tiền vốn của làng xã, theo sáng kiến của làng xã và tồn tại trong phạm vi của nó. Chúng tôi xếp vào loại B những văn bia phản ánh hoạt động của Nhà nước và không liên quan đến làng xã riêng lẻ. Những văn bia thuộc hai loại này chiếm đa số tuyệt đối trong tổng số các văn bia (10875 trong số 11427 văn bia - hay 95,2%). Trong loại A có thể chia ra hai tiểu loại lớn. Tập hợp vào tiểu loại A1 là những văn bia được gọi là “ghi nhận”, tức là văn bia kể về các hoạt động khác nhau của làng xã (xây dựng sửa chữa các công trình thờ cúng, chợ búa, cầu cống, giếng nước v.v...) và tiến hành ghi chép những cá nhân (tên của một người) đã đóng góp cho hoạt động kể trên. Tập hợp vào tiểu loại thứ hai (A2) là những tấm bia được gọi một cách ước lệ là “nô dịch” (nghĩa là những văn bia “nô dịch”). Loại bia này khác với các loại bia trên ở chỗ chúng không chỉ đơn thuần xác nhận sự kiện “làm phúc”, và ca tụng những người làm phúc, mà còn giao cho làng xã một số nhiệm vụ liên quan đến các chi phí vật chất, chẳng hạn những nhiệm vụ bắt buộc làng xã một thời gian dài thực hiện việc cúng lễ đều đặn những người làm phúc giải phóng con cháu những người làm phúc không phải làm tạp dịch v.v... Các tấm bia thuộc tiểu loại A1 và A2 chiếm 96,4% trong tổng số các văn bia thuộc A (10102 trong số 10480 bia). Loại B cũng chia ra làm hai loại: Các văn bia do Nhà nước làm ra (tiểu loại B1) và các văn bia do các đại diện cho giới thượng lưu của giai cấp thống trị làm ra (tiểu loại B2)(9). Nhằm nghiên cứu tính đại diện của việc chọn lựa các tấm bia mô tả trong “Thư mục” chúng ta sẽ xem xét bảng 1 và sơ đồ 1, tại đó tất cả các tấm bia có ghi ngày tháng được phân bố theo tỉnh. Có thể rút ra những kết luận gì trên những tấm bia đó? Sự hiện diện các tấm bia đã ghi chép được hầu hết các tỉnh của đất nước, sự khiếm khuyết “các lỗ thủng” nghiêm trọng trên bản đồ phân bố chúng tại vùng đồng bằng phía Bắc Việt Nam cho phép khẳng định rằng công tác lấy bản rập từ các bia đá được tiến hành trên toàn lãnh thổ của đất nước không có một sự loại trừ đáng kể nào. Bởi vậy tập hợp văn bia mà việc mô tả chúng được ghi chép trong “Thư mục” về phương diện địa lý có thể được xem xét như là sự lựa chọn hoàn toàn mang tính đại diện từ tập hợp tất cả các tấm bia đá có một thời nào đó được dựng lên ở trong nước có tính đến sự mất mát tự nhiên theo thời gian của chúng. Nhìn chung có thể chia tất cả các tỉnh của cả nước trên cơ sở số liệu bảng 1 ra làm 4 nhóm. 1. Các tỉnh đồng bằng miền Bắc Việt Nam (từ Sơn Tây đến Sơn Nam Hạ). Nơi đây tập chung khối lượng chủ yếu (kể cả số không ghi ngày tháng 9828 trong số 11427 hay 86 %) và một phần đáng kể các tấm bia (187 trong số 247 hay 75%) cổ nhất (thời kỳ I-III). Đặc trưng của các vùng này là văn bia làng xã chiếm phần lớn (gần 90%). Riêng có Hà Nội về mặt này là trường hợp ngoại lệ tất nhiên: trong các thời kỳ I-IV từ khi thành phố là Thủ đô, ở đây văn bia của “Nhà nước” đã đạt mức độ cao (loại B). Sơ đồ các huyện (hay châu), nơi đã phát hiện ra các văn bia (xem sơ đồ1), chứng tỏ rằng ranh giới của các văn bia không trùng khớp với ranh giới các tỉnh, mà nó chạy dọc một cách chính xác theo đường tiếp giáp giữa các tỉnh đồng bằng và bán sơn địa, tức là sự phổ biến của chúng trên thực tế hoàn toàn trùng khớp với nơi tồn tại công xã Việt Nam truyền thống. 2. Các vùng núi phía Bắc Việt Nam. ở địa phận này, văn bia đặc biệt là văn bia sớm, ít hơn nhiều, nhưng xét về mặt tương quan các loại bia thì vùng này nhìn chung cũng như ở mức như ở các tỉnh đồng bằng láng giềng. 3. Vùng “quá độ” (phần phía Bắc Trung bộ Việt Nam từ Thanh Bình đến Thuận Hoá). Đặc trưng của vùng này là mật độ văn bia giảm bớt dần theo đà đi về phương Nam (so với vùng châu thổ sông Hồng) và tỷ trọng văn bia “Nhà nước” có tăng lên. 4. Các tỉnh phía Nam của đất nước, nơi không có văn bia sớm (trước năm 1802), còn những tấm bia muộn thì cực ít và chúng đặc biệt khác xa so với các tấm bia trên miền Bắc ở chỗ số văn bia “làng xã” chiếm tỷ lệ quá thấp(10). Tổng kết lại có thể vẽ lên bức tranh dưới đây về sự phổ biến của các văn bia Việt Nam. Truyền thống dựng bia hàng loạt bằng chất liệu “vĩnh cửu” đã nảy sinh và đạt được một sự phát triển lớn nhất ở các tỉnh châu thổ sông Hồng. Truyền thống này dựa vào tổ chức làng xã tồn tại đặc thù và chính tổ chức này đã làm ra một khối lượng chủ yếu các tấm bia (loại A). Các tỉnh miền núi phía Bắc xét về mặt văn bia là vùng ngoại vi châu thổ. Nơi đây nhìn chung cũng vẫn những truyền thống đó thống trị nhưng ở dạng cực kỳ yếu ớt. Tiếp đến miền Nam thì hoạt động văn bia yếu dần đi trước hết là số văn bia “làng xã”. Điều này rất có thể là có liên quan tới đặc điểm của vùng này là trong làng xã tồn tại một kiểu quan hệ xã hội khác so với miền Bắc, xét về mặt văn bia ít hiệu suất hơn. Cuối cùng tổ chức làng xã ở miền Nam Việt Nam nói chung không tạo ra truyền thống văn bia của mình. Quá trình làm bia ở đây dưới dạng rất yếu kém chỉ được bắt đầu vào thế kỷ XIX và mang tính chất ngoại lai, chứ không phải tự sản sinh ra bởi các xu hướng bên trong của sự phát triển vốn có (phần lớn các tấm bia ở miền Nam là “Nhà nước”). Từ sự trình bày trên đây có thể rút ra kết luận rằng các tấm bia của “Thư mục” mang tính đại diện đối với cả nước xét về mặt địa lý. Song việc phân tích (kể cả phân tích thống kê) nội dung của chúng cho phép đưa ra những nhận định liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội chỉ của vùng châu thổ sông Hồng và ở chừng mực nào đó của một số tỉnh phía Nam, bởi vì ở các tỉnh còn lại truyền thống văn bia cực kỳ yếu kém hoặc là trên thực tế nói chung không tồn tại. Như vậy, không như văn bia của các nước khác của vùng Đông Nam á, tại Việt Nam chúng ta gặp phải một quần thể văn bia mang tính chất một trung tâm. Để nghiên cứu tính đại diện một tấm bia của “ Thư mục” xét về mặt thời gian, chúng tôi lập một bảng phân bố văn bia ở các tỉnh châu thổ sông Hồng theo từng thời kỳ riêng lẻ (xem bảng 2). Số lượng trung bình của các tấm bia được làm ra trong một năm trên phạm vi cả nước, trừ một số không đáng kể. ở thời kỳ thứ II, tăng dần lên ở các thời kỳ III và IV, và nhảy vọt lên ở thời kỳ V và tụt xuống ở thời kỳ VI và VII. Đối với từng tỉnh nằm ở vùng châu thổ cũng quan sát được một bức tranh tương tự hầu như đến tận các chi tiết nhỏ bé nhất trong các thời kỳ II và III. Tuy thế động thái sáng chế các tấm bia ở thời kỳ VIII - X đối với tất cả mọi tỉnh thì lại khác nhau, mặc dù xét theo sự phát triển trước đây của truyền thống văn bia, thì chẳng có một căn cứ đặc biệt nào để kết luận về điều đó cả. Chẳng hạn nếu như ở Hải Dương số lượng bia ở các thời kỳ VIII - X ít đi so với các thời kỳ I - VII hơn 12,5 lần (1945 và 155 tấm bia), thì ở Sơn Tây số lượng đó ít thay đổi (1408 và 938 tấm bia). Để giải thích hiện tượng này chúng ta hãy xem xét tiến trình xuất hiện các tấm bia ở các huyện láng giềng của một trong các huyện ngoại vi Thủ đô, đó là tỉnh Kinh Bắc (xem bảng 3)(a) . Người ta quan sát thấy bức tranh nghịch dị ở một loạt huyện trong thế kỷ XIX sự xuất hiện các tấm bia mới trên thực tế đã hoàn toàn ngừng lại thì trong một loạt huyện khác nằm cạnh bên tiếp tục xuất hiện. Không cân nhắc sự tương đồng của tổ chức kinh tế và xã hội ở những vùng này, thì không thể giải thích được hiện tượng trên đây chỉ bằng những nguyên nhân lịch sử nào đó. Chắc chắn rằng, trong một số huyện người ta đã làm các bản rập đối với tất cả các văn bia, còn các huyện khác chỉ làm cho các văn bia thời kỳ sớm xuất hiện đến một năm nhất định(11). Giới hạn về mặt thời gian giữa các tấm bia được làm bản rập và các tấm bia không được làm bản rập trong trường hợp thứ hai giao động trong phạm vi giữa các năm 1802 và 1858 bởi vì trong số 33 tấm bia thời kỳ sau của những huyện đó thì 22 tấm bia thuộc thời kỳ VIII. Sự phân tích tấm bia ở thời kỳ khác có đề ngày tháng được mô tả trong “Thư mục” cho thấy mọi trường hợp giới hạn phía bên trên về thời gian của sự ghi chép các tấm bia được làm bản rập ở tất cả các huyện không diễn ra muộn hơn năm 1802. Để kết thúc việc tìm hiểu bảng 3, chúng ta quan sát tốc độ tăng về tỷ lệ phần trăm của các văn bia không đề ngày tháng đối với các huyện nơi có tiến hành làm các bản rập cho cả các tấm bia của các thời kỳ muộn hơn (sau năm 1802). Điểm này là sự khẳng định một cách gián tiếp cho một kết luận đã rút ra ở trên rằng văn bia không đề ngày tháng giả mạo phần lớn là thuộc thời kỳ sau thế kỷ XVIII. Để xác định số lượng tương đối các tấm bia thuộc thế kỷ XIX - XX, mà chúng không được làm bản rập, chúng ta hãy xem xét bảng 4, thống kê các huyện của tất cả các tỉnh có số liệu văn bia khá lớn (không ít hơn 25 bia đối với mỗi tỉnh). Căn cứ vào số liệu của bảng đó, có thể chia các huyện có bia đá của cả nước ra làm hai bộ phận: ở phần đầu số tấm bia thuộc loại văn bia muộn (sau năm 1802) ít hơn 15%; ở phần thứ hai từ 20% trở lên. Sự vắng mặt hoàn toàn của các huyện có chỉ tiêu nêu trên ở trong phạm vi “giáp ranh” 15 - 19% và số lượng tối thiểu của các loại huyện này trong phạm vi từ 11 đến 25% đã nhấn mạnh sự khác biệt về chất của hai bộ phận và sự tách biệt rõ ràng của chúng. Nếu chú ý đến một điều là việc làm tất cả các bản rập được thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của giới quan lại các huyện mà các ranh giới của các huyện này ở châu thổ sông Hồng vào giữa thế kỷ XX hầu như không khác biệt lắm so với đầu thế kỷ XIX, thì có thể khẳng định một cách khá quả quyết rằng: trong nhóm các huyện đầu (68 huyện) chủ yếu các văn bia loại sớm được làm bản rập, còn các văn bia muộn thì rất hãn hữu; còn trong nhóm thứ hai (62 huyện) thì tất cả các văn bia đều được làm bản rập. Như vậy tư liệu văn bia thuộc “Thư mục” bao bồm gần một nửa (khỏang 47,7%) các văn bia hiện có của thời đó còn tồn tại trong nước vào thời gian tiến hành làm bản rập. Số liệu của bảng 5 chứng tỏ rằng mối tương quan về mặt số lượng và loại hình của các tấm bia xét theo các thời kỳ trong phạm vi của các tỉnh được xem xét một cách riêng rẽ, nếu như không xét số lượng tuyệt đối của chúng, thì hầu như đồng nhất. Điều này cho phép khẳng định rằng trong các huyện ở những nơi nào đã tiến hành làm bản rập cho tất cả các loại bia đá mà không phụ thuộc vào sự đề ngày tháng của chúng, thì chẳng có một ngoài lệ nào đối với bất kỳ một loại văn bia nào. Như vậy tập hợp các văn bia thế kỷ XIX - XX được mô tả trong “Thư mục”, có thể coi là một tập hợp chọn lọc mang tính đại diện của tất cả các tấm bia của thời kỳ đó mà chúng còn tồn tại ở Việt Nam. Tóm lại, có thể rút ra kết luận rằng, những mô tả của các tấm bia ở “Thư mục” là đại diện cho quần thể văn bia Việt Nam về mọi thời kỳ. Khi nghiên cứu các xu hướng này với các xu hướng của các giai đoạn sớm hơn nữa cần phải lưu ý rằng trong các tài liệu gốc (trong các mô tả của “Thư mục”) mới chỉ tính có một nửa các tấm bia có ghi ngày tháng sau năm 1802, mà chúng còn được bảo tồn ở trong nước vào thời điểm tiến hành làm các bản rập. * ** Để theo dõi các xu hướng phát triển của văn bia Việt Nam trong suốt lịch sử tồn tại của nó, chúng ta hãy chú ý tới bảng 6 và các biểu đồ 1 và 2 được xây dựng trên cơ sở của bảng này. Trong bảng có đưa ra số lượng tấm bia của từng loại và tiểu loại đối với mỗi thời kỳ xét về trị số tuyệt đối, tính cho mỗi năm và theo tỷ lệ phần trăm so với tổng số tấm bia cho cả thời kỳ. Đối với các thời kỳ VIII-X có nêu ra số lượng dự kiến các tấm bia trong năm, mà nó bắt buộc phải có nếu như trong “Thư mục” có tính hết các tấm bia được ghi nhận vào thời kỳ đó (số lượng thực tế chiếm độ 47,7% số dự kiến). Sự phân tích số liệu bảng 6 và các biểu đồ 1 và 2 cho phép vẽ lên bức tranh sau đây về sự phát triển theo niên đại của văn bia Việt Nam trong mối tương giao với đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Ở Việt Nam truyền thống sáng tạo văn bia trên chất liệu “vĩnh cửu” bắt nguồn từ ngàn xưa, song văn bia từ thời kỳ sớm xét về mặt số lượng (có tính cả quá trình mất mát tự nhiên của nó) là rất nhỏ so với những thời kỳ muộn hơn về sau này. Sự ít ỏi của số lượng văn bia không cho phép trên cơ sở các phương pháp thống kê để rút ra những kết luận chắc chắn về cơ cấu của văn bia thời kỳ sớm, song dựa vào tài liệu hiện có, truyền thống dựng tạo bia đá vào những thời kỳ đó chủ yếu là gắn với giai cấp thống trị. Văn bia “làng xã” vẫn chưa trở thành phổ biến với xã hội Việt Nam và sự xuất hiện các văn bia loại A vào thời kỳ đó là cá biệt. Trong các năm 1427 - 1526 (thời kỳ II) vào thời kỳ thống trị của các hình thức cai trị phong kiến - quan liêu và sự truyền bá nhanh chóng của đạo Khổng mới ở Việt Nam, văn bia “Nhà nước” đã đạt tới đỉnh cao của nó: 63,4% (44 trong số 69 bia) của tất cả các văn bia được tạo ra vào thời kỳ đó là thuộc loại B. Số lượng bia đá “làng xã” (loại A) so với các thời kỳ tiếp đó vẫn rất ít như trước đây. Thời kỳ III (1527 - 1593) là khởi đầu của sự xuất hiện hàng loạt các văn bia “làng xã” và chúng bắt đầu chiếm phần lớn tất cả các tấm bia mới được tạo ra ở trong nước (96,8% ở thời kỳ III và không ít hơn 89% ở mỗi thời kỳ tiếp theo). Thật không đơn giản trả lời câu hỏi về các nguyên nhân tăng lên nhanh chóng của văn bia loại A vốn không được phổ biến lắm trong quá khứ, song câu hỏi này hiển nhiên có liên quan đến hai xu hướng quan trọng nhất trong xã hội Việt Nam thời kỳ đó: sự phân hoá tiếp tục trong làng xã và việc tách ra những tầng lớp phong lưu, có khả năng về mặt kinh tế đặt mình đối lập với những người còn lại trong làng, cũng như đặt đối lập với những toan tính của Nhà nước can thiệp một cách tích cực vào công việc nội bộ của làng xã, mà những toan tính này đến thế kỷ XVI - XVIII đã ít đi một cách đáng kể. Nhân tố đầu tạo ra một cơ sở thực tế tiếp tục đẩy mạnh việc sáng chế bia đá trong nội bộ làng xã, trong đó có cả những “cống vật”; còn nhân tố sau xác định sự cần thiết phải xác nhận chúng bằng văn tự, để các quan lại Nhà nước không thể bác bỏ chúng. Vả lại, bia đá “làng xã” ở thời kỳ III hầu như hoàn toàn thuộc vào tiểu loại A1, tức là thuộc vào những văn bia không đặt ra trước làng xã bất cứ điều kiện gì để bù đắp cho điều làm “việc phúc”. Điều này chứng tỏ rằng mọi làng xã vẫn còn khá mạnh để không cho phép mình rơi vào sự lệ thuộc của một số thành viên của mình. Số lượng văn bia “Nhà nước” ở thời kỳ III giảm xuống rõ rệt (từ 63,4% còn 2,6% hoặc từ 0,44 còn 0,06 tấm bia trong năm) mà điều này có lẽ là gắn với các nhân tố lịch sử. Vào thời kỳ đó, các vùng “chế tạo bia” chính của miền Bắc Việt Nam nằm dưới sự cai trị của phong kiến nhà Mạc mà sau này bị coi là kẻ tiếm đoạt. Các văn bia “Nhà nước” được làm theo yêu cầu của nhà Mạc và quần thần của họ, có lẽ đã bị phá bỏ ở thời kỳ IV tiếp theo. Nhân tiện có thể nói trước rằng mọi tình huống tương tự cũng xảy ra đối với các tấm bia loại B trong thời kỳ cai trị của một triều đại “tiếm quyền” khác như triều đại Tây Sơn (thời kỳ VII). Hai thời kỳ tiếp theo (1594 - 1739) được đặc trưng bởi sự phát triển êm ả lúc ban đầu (vào thời gian phức tạp của những cuộc chiến tranh ác liệt giữa hai vương triều) và mạnh mẽ sau đó (vào các năm hoà bình 1673 -1739) của văn bia “làng xã”. Sự tiếp tục phân hoá về tài sản giữa những người dân trong các làng xã dẫn đến việc xuất hiện các tấm bia tiểu loại A2, mà chúng là sự phản ánh quá trình nô dịch dần dần “từ bên trong” bởi những người dân trở nên giầu có ở trong xã. Chỉ khi xuất hiện như một hiện thực ở thời kỳ IV, ngay vào thời V các tấm bia “nô dịch” về tốc độ phát triển đã vượt quá tấm bia “ghi nhận” cổ xưa hơn (tương ứng là 24,15 và 19,09 tấm bia trong năm hay 51,5 và 40,7% trong tổng số với tiểu loại A1 và A2). Các văn bia “Nhà nước” ở thời kỳ IV và V cũng tiếp tục phát triển và điều này đã phản ánh sự hoạt động chính trị và kinh tế tích cực của triều đình trong những năm đó. Tuy nhiên sự phát triển này mang tính chất thiên về số lượng hơn là chất lượng và hoàn toàn không thể so sánh với “sự bùng nổ” của văn bia loại A. Số liệu phân tích thống kê các văn bia thời kỳ IV (1740 - 1787) cho thấy rằng, trong khoảng thời gian đầy những cuộc chiến tranh giai cấp gay gắt trên toàn bộ lãnh thổ của phần đất “làm bia đá” ở Việt Nam, thì đây là giai đoạn sa sút về kinh tế của làng xã và Nhà nước nói chung: hoạt động văn bia giảm xuống rõ rệt, số lượng tấm bia (tất cả các loại) và hầu hết tất các tiểu loại mới được chế tạo ra cũng giảm xuống. Số lượng văn bia “ghi nhận” phản ánh sự phồn vinh về kinh tế của làng xã cũng ít đi đặc biệt nghiêm trọng (từ 19,09 xuống 5,06 trong năm). Chỉ có các tấm bia “nô dịch” tương ứng là 24,15 tấm trong năm ở thời V và 22,96 thời kỳ VI) là chịu đựng tương đối dễ dàng trong thời kỳ loạn lạc. Xét về phần trăm thì tỷ lệ của chúng tăng lên đáng kể (từ 51,5 % ở thời kỳ V lên 73,6% - thời kỳ VI), điều đó chứng tỏ tình hình tương đối ổn định của tầng lớp địa chủ phong kiến trung lưu (chủ yếu là đại diện của giới quân sự). Tầng lớp này bù đắp sự thiệt hại về kinh tế do những cuộc chinh phạt khốc liệt dọc vùng châu thổ sông Hồng bằng sự chiếm đoạt về quân sự và sự tiếp tục nô dịch các làng xã. Văn bia “ Nhà nước” cũng không bị thiệt hại nặng nề đến mức như vậy, đồng thời tích cực về mặt này của các quan đại thần phong kiến (tiểu loại B2) đóng một trong những vai trò chủ chốt trong việc tổ chức đàn áp bằng quân sự những cuộc khởi nghĩa của nông dân thì lại tăng lên (thời kỳ V - 0,06, thời kỳ VI là 0,83 tấm bia trong năm, tương ứng là 1,3 và 2,7% trong tổng số). Văn bia thời Tây Sơn (thời kỳ VII, 1788 - 1802) so với các giai đoạn trước thì chịu sự thay đổi đáng kể, phản ánh những diễn biến sâu sắc xảy ra trong xã hội Việt Nam vào thời gian phức tạp này đối với nó. Nếu như có thể giải thích sự giảm xuống của tổng số lượng văn bia “ Nhà nước” (loại B) giống như thời kỳ III bằng những nguyên nhân bên ngoài không gắn trực tiếp với văn bia (bằng sự phá hủy sau này các tấm bia của triều đình “những người chiếm đoạt”), thì sự ít đi của các tấm bia “làng xã” tiểu loại A2 (“nô dịch” từ 22,96 xuống 17,07 trong năm tương ứng là 73,6 và 66,8% trong tổng số), có lẽ là do sự phức tạp hoá địa vị của tầng lớp phong kiến trung lưu mà họ ở châu thổ sông Hồng có quan hệ với nhà Trịnh vào cuối thế kỷ XVIII bị nhà Tây Sơn làm cho thất bại nặng nề. Việc sát hại nhiều đại diện của tầng lớp này và sự suy giảm về địa vị kinh tế của họ, cũng như chính sách bảo trợ đối với làng xã do triều đại mới của những người xuất thân từ những người nông dẫn đến khởi nghĩa tiến hành (12) , chắc chắn đã giảm đi sự áp bức của địa chủ ở những vùng đồng bằng miền Bắc đất nước và dẫn đến sự đoàn kết nhất định, sự đẩy mạnh nào đó vào những hoạt động kinh tế của các làng xã. Mặc dù “việc làm bia đá” có tiếp tục giảm xuống, song nhìn chung dưới thời kỳ Tây Sơn số lượng các tấm bia “ghi nhận” (tiểu loại A1) thậm chí lại tăng lên một chút (từ 5,06 lên 6,53 văn bia trong năm) đặc biệt là tính theo tỷ lệ phần trăm so với tổng số (từ 16,2 lên 25,6%). Ở các thời kỳ VIII-X (1802-1944), nhìn chung quá trình sáng tạo văn bia là đi lên và đến thời kỳ IX thì ổn định ở mức còn cao hơn mức “tột đỉnh” vào thời kỳ V. Cuộc đấu tranh chính trị phức tạp nửa đầu thế kỷ XIX và cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp không được phản ánh trong tiến trình sáng tạo những văn bia mới vốn xuất hiện một cách khá đều đặn trong suốt giai đoạn được nghiên cứu. Thật thú vị nhận thấy rằng trong quá trình “làm bia đá” ở thế kỷ XIX - XX trên thực tế không thấy có xu hướng suy giảm mà người ta có thể dự đoán, tức là những quan hệ kinh tế tạo sức sống cho các văn bia mới vào thời kỳ VIII -X còn khá vững bền. Khi đề cập tới vấn đề về tiến trình sáng chế những tấm bia mới trong phạm vi từng chủng loại riêng lẻ, cần nhận thấy sự phát triển rõ rệt của văn bia “Nhà nước”, đặc biệt là khi so vào thời kỳ VII “trống rỗng”. Tuy vậy số lượng bia vào loại B vào cuối khỏang thời gian được nghiên cứu, (thời kỳ VIII -X) khác với văn bia “làng xã”, rõ ràng là giảm sút. Bức tranh thú vị hơn cả quan sát được trong tiến trình sáng chế các tấm bia mới loại A. ở thời kỳ VIII nhịp độ tăng tương đối của các tấm bia “ghi nhận” vẫn tiếp tục cao hơn như trước so với các tấm bia “nô dịch”, và xét về mặt số lượng thì hai tiểu loại này hầu như bằng nhau (tương ứng là 40,7% và 45,9%). Chỉ sau này, ở các thời kỳ IX - X, số tấm bia thuộc sở h ữu tư nhân của tiểu loại A2 lại bắt đầu tăng lên với nhịp độ đáng kể (50,8% và 61,3% của tiểu loại A2 so với 34,2% và 28,7% của tiểu loại A1). Có lẽ điều này chứng tỏ rằng sau khi nhà Nguyễn cầm quyền vẫn còn giữ lại được xu hướng đoàn kết nào đây trong các làng xã của châu Thổ và chỉ vào nửa sau thế kỷ XIX “sự tấn công” của địa chủ trỗi dậy với sức mạnh như trước đây, điều này đã thấy được vào thời kỳ VI “loạn lạc” (1740-1787). Phương án phát triển này của tình hình trong làng xã Việt Nam vào buổi giao thời của hai thế kỷ XVIII và XIX hiển nhiên chỉ là một giả thiết đòi hỏi phải có các công trình nghiên cứu thuộc các loại hình thông tin lịch sử khác xác nhận. Tuy thế giả thiết này hoàn toàn có khả năng xảy ra đặc biệt nếu chú ý tới một điều là nó giải thích những quá trình kinh tế - xã hội nhất định đã xảy ra ở miền Bắc Việt Nam vào đầu thế kỷ XIX, chẳng hạn sự ổn định tương đối và tình hình bình an trong các làng xã ở thời gian đó(13). Chúng ta hãy tạm đưa ra một vài nhận xét mang tính chất tổng kết. Sự phân tích thống kê nguồn thông tin văn bia, chứa đựng trong “Thư mục” đã cho phép rút ra kết luận về tính đại diện của nó cho toàn bộ quần thể văn bia Việt Nam xét về mặt địa lý trong phạm vi cả nước, còn xét về mặt niên đại cho thời kỳ XIX - XX thì phải có một vài điều bổ sung. Tài liệu hiện có chỉ có thể được sử dụng vào việc tái tạo các quá trình kinh tế xã hội diễn ra ở châu thổ sông Hồng và một số tỉnh phía Nam khác. Bởi vì ở các phần còn lại của đất nước truyền thống sáng tạo văn bia trên chất liệu “vĩnh cửu” quá yếu ớt để có thể trở thành nguồn tư liệu lịch sử độc lập hoặc nói chung không tồn tại. Đặc điểm một trung tâm của quần thể văn bia Việt Nam, thống nhất và đồng dạng của các quá trình diễn ra trong nó, trước hết đối với các tỉnh châu thổ sông Hồng, nơi tập trung chủ yếu số lượng các tấm bia là điều hoàn toàn rõ ràng. Truyền thống văn bia Việt Nam tồn tại ngàn xưa, tuy nhiên đến thế kỷ XV số lượng văn bia của nó rất nhỏ và chủ yếu là do vương triều cầm quyền và các tầng lớp phong kiến thượng lưu sáng chế ra. Sự phồn thịnh thật sự của văn bia được bắt đầu vào thế kỷ XVI. Nó gắn liền với sự phát triển nhanh chóng của các văn bia “làng xã”, kết quả của việc đẩy mạnh sự can thiệp của Nhà nước vào các công việc làng xã, yêu cầu ghi chép văn tự những mối quan hệ kinh tế, sự phân hóa làng xã về mặt tài sản, sự xuất hiện những cá nhân có khả năng đặt mình đối lập với những thành viên khác, thực hiện những việc cúng hiến tập thể hoặc cá nhân kể cả lấy từ ruộng riêng của mình. Trong khi còn đủ mạnh, làng xã không chịu lệ thuộc trực tiếp về kinh tế vào những cá nhân giầu có ở trong làng. ở giai đoạn này có sự xuất hiện văn bia tiểu loại A1. Sau này, trong quá trình tổ chức kinh tế của làng xã bị yếu đi và mở rộng những điền trang tư nhân, thì phổ biến một kiểu cúng hiến mới, khi các nhân vật riêng lẻ trợ cấp cho làng xã và để đổi lại đã buộc làng xã chịu trách nhiệm thực hiện những nghĩa vụ kinh tế nhất định có lợi cho họ. Những quan hệ kiểu này được phản ánh trong các tấm bia tiểu loại A2. Sự nô dịch làng xã của các địa chủ tư nhân chắc chắn dẫn đến không chỉ các thỏa thuận liên quan đến việc thờ cúng mà chúng được ghi nhận trên chất liệu “vĩnh cửu”. Chỉ có thể coi văn bia “nô dịch” như là “Cái đỉnh nhìn thấy được của đảo băng” của sự gia tăng sở hữu tư nhân ở trong làng xã. Sự tăng số lượng các tấm bia “nô dịch” và việc giảm số lượng như là các tấm bia “ghi nhận” phản ánh sự gay gắt của các mối mâu thuẫn chủ yếu, tồn tại trong làng xã Việt Nam, và đạt đến đỉnh điểm ở nửa sau của thế kỷ XVIII. Sự phức tạp hóa tình hình kinh tế và sự không ổn định của tình hình chính trị ở trong nước bởi các cuộc khởi nghĩa mạnh mẽ của nông dân, đã được phản ánh ở sự giảm đáng kể hoạt độ văn hóa văn bia nói chung. Tuy nhiên khi giai đoạn thống trị còn kìm hãm được một cách có kết quả của các cuộc nổi dậy của nông dân (thời kỳ VI) thì các xu hướng trước đây trong văn bia (văn bia “nô dịch” tăng lên và văn bia “ghi nhận” giảm xuống) còn được duy trì và chỉ sau chiến thắng của đội quân nông dân Tây Sơn (thời kỳ VII) tình hình ở miền Bắc đất nước mới thay đổi rõ rệt: những người chiến thắng đã có thể làm giảm đi sự áp bức của địa chủ (mức tăng các tấm bia loại A2 đã ít đi) và đã góp phần đoàn kết nhất định trong nội bộ làng xã (văn bia tiểu loại A1 sau nhiều năm giảm đi nay bắt đầu phát triển nhiều hơn). Điều này có lẽ đã làm cho xã hội Việt Nam có được một sự ổn định nào đó, mặc dù tình hình kinh tế vẫn còn vô cùng phức tạp (nhìn chung hoạt độ văn bia tiếp tục giảm xuống). Triều đại nhà Nguyễn vốn có thù định sâu sắc với “các hoàng đế nông dân” đã tìm được chỗ dựa chủ yếu về mặt xã hội là tầng lớp địa chủ bậc lớn và bậc trung ở miền cực Nam của đất nước, và đã thay thế những vị hoàng đế này. Triều đại này, trớ trêu thay, không những không bác bỏ chính sách kinh tế do nhà Tây Sơn tiến hành đối với làng xã ở miền Bắc Việt Nam, mà còn tiếp tục phát triển chính sách đó nếu dựa vào văn bia mà xét (nhịp độ bia “nô dịch” tiếp tục giảm, còn bia “ghi nhận” tăng lên). Các cuộc khởi nghĩa nông dân đã hoàn thành sứ mệnh của nó: bộ máy hành chính mới của đất nước đầu thế kỷ XIX do sự lặp lại của các sự kiện của quá khứ vừa xảy ra, nên không dám quay lại các hình thức bóc lột cũ, cố gắng không để làng xã yếu đi nhanh chóng, đem hết khả năng của mình, để hạn chế sự lộng hành của địa chủ ở làng xã. Chỉ vào giữa thế kỷ XIX khi sự chú ý đến các vấn đề bên trong của làng xã đã giảm xuống do nguy cơ xâm nhập từ bên ngoài, thì lúc đó các quá trình tăng cường của địa chủ và suy giảm của làng xã lại xuất hiện(14). Trịnh Khắc Mạnh (Sưu tầm và dịch) CHÚ THÍCH (1) Trích trong cuốn Những phương pháp định lượng trong việc nghiên cứu lịch sử của các nước Phương Đông. Maxcơva, 1986, tr.52-79 (bản tiếng Nga) (2) Theo đánh giá hiện có, đến giữa thế kỷ XX còn bảo tồn được không dưới 20-25% tổng số bia đá được sáng chế tại Việt Nam trong thế kỷ XV và sau này, số lượng đó quá đủ để tiến hành phân tích thống kê. (3) Phô Đô Rin A.L. Những đặc điểm văn bia Việt Nam và một số vấn đề nghiên cứu văn bia như là nguồn tài liệu sử (sắp in). (4) Thư mục văn bia, Tập 1-21, H. 1974 (Lưu giữ bản quyền ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. (5) Đê Ô Pic Đ.V: Văn bia và bản đồ trong tập sách Bản đồ, sơ đồ và số lượng trong địa lý dân tộc học, Mátxcơva, 1974. Đê Ô Pic Đ.V:Những vấn đề phân tích định lượng văn bia. Bản tin trường Đại học tổng hợp Mátxcơva, Phương Đông học, 1984, Xeri 13, No 4. ở bài báo cuối cùng có dẫn mục lục các công trình khác về việc sử dụng các phương pháp định lượng để nghiên cứu lịch sử kinh tế xã hội của các nước Đông Nam châu á trên cơ sở số liệu văn bia. Trong đó kể đến các công trình của G.G. Ban Đi Len Cô; Đ.V. Đê Ô Pic; X.V. Cun Lan Đa. (6) Tài liệu về phân chia hành chính của Việt Nam rút ra từ: Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, Hà Nội, 1981. Đại Nam nhất thống chí, Toàn tập 1-5, Hà Nội, 1970-1971. (7) Đê Ô Pic Đ.V: Vai trò của thành phố và nông thôn trong việc hình thành những cá nhân được giải thưởng của các cuộc thi truyền thống(trên cơ sở tài liệu của Việt Nam thế kỷ XVI-XVIII). Trong tập xã hội Nhà nước ở Trung Quốc, Mátxcơva, 1972. (8) Năm 1944 là năm được ghi nhận ở các văn bia muộn nhất có mô tả trong “Thư mục”. (9) Chẳng hạn có thể xảy ra xếp vào tiểu loại B1 những tấm bia khoa trường (bia chung và những tấm bia theo từng tỉnh hoặc những đơn vị địa lý khác); bia tiểu sử của những nhà hoạt động thời xưa thờ cúng theo lệnh của nhà nước tại các chùa triền, những khoản bổng lộc của Nhà nước cho các công trình thờ cúng; mô tả các hành vi của các Hoàng Đế, những mệnh lệnh của các Nhà nước về các vấn đề kinh tế - xã hội v.v... xếp vào loại B2. (10) Văn bia sớm không thể có được ở phần lớn các vùng miền Nam đất nước bởi vì các vùng này gia nhập lãnh thổ của Nhà nước Việt Nam chỉ ở thế kỷ 17-18. Khi đó ở thời kỳ muộn hơn (thế kỷ XIX-XX), lúc mà những vùng đất này đã có người Việt đến ở, truyền thống văn bia tại đây cũng chưa được hình thành. (a) Nguyên bản không in bảng 3. (11) Đặc điểm nói trên cũng giải thích sự hiện diện trong tài liệu “Thư mục” một số lượng lớn. Các mô tả bia đá, niên đại của chúng ta đã bị xuyên tạc có dụng ý khi làm bản rập: những người thực hiện bản rập nhận được chỉ thị làm các văn bia sớm để mà làm tăng chúng lên (số tiền thưởng được đặt tỷ lệ thuận với số lượng văn bia đó) do vậy làm “cho khớp” niên đại các tấm bia muộn thành các tấm bia sớm là “cần thiết”. (12) Lịch sử Việt Nam cận đại, Matxcơva, 1980, tr.162. (13) Lịch sử Việt Nam cận đại, Sđd. tr.206-230. (14). Xin chân thành cám ơn PTS. Trần Nguyên Toàn đã đọc và sửa chữa bản dịch - TKM. |
PHỤ TRƯƠNG SỰ PHÂN BỐ CỦA TẤT CẢ CÁC TẤM BIA CŨNG NHƯ CÁC VĂN BIA RIÊNG BIỆT, TIỂU LOẠI A1, A2 VÀ LOẠI B THEO THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN BẢNG 1. SỐ LƯỢNG CÁC TẤM BIA CỦA TỪNG TỈNH THEO TỪNG THỜI KỲ TRONG ĐÓ VĂN BIA LOẠI A XÉT VỀ MẶT TRỊ SỐ TUYỆT ĐỐI VÀ TÍNH THEO TỶ LỆ % BẢNG 2: SỰ PHÂN BỐ CỦA CÁC TẤM BIA CÓ NIÊN ĐẠI (XÉT VỀ MẶT TRỊ SỐ TUYỆT ĐỐI VÀ TÍNH CHO NĂM) Ở CÁC TỈNH CHÂU THỔ SÔNG HỒNG VÀ CẢ NƯỚC THEO TỪNG THỜI KỲ RIÊNG. TRONG NGOẶC ĐƠN LÀ TÍNH % CỦA SỐ LƯỢNG BIA CỦA THỜI KỲ I – VII (ĐỐI VỚI THỜI KỲ I – VII) VÀ CỦA TỔNG SỐ CÁC VĂN BIA CÓ NIÊN ĐẠI (ĐỐI VỚI THỜI KỲ VIII – X) BẢNG 4. SỰ PHÂN BỐ CỦA CÁC HUYỆN (HUYỆN HAY CHÂU) CỦA CÁC TỈNH TẬP TRUNG PHẦN LỚN CÁC VĂN BIA (KHÔNG ÍT HƠN 25 BIA TRONG MỘT TỈNH) THEO QUAN HỆ % CỦA VĂN BIA SỚM VÀ VĂN BIA MUỘN BẢNG 5. MỐI QUAN HỆ CỦA TẤT CẢ CÁC TẤM BIA, CŨNG NHƯ ĐỐI VỚI TIỂU LOẠI A1 VÀ A2 XÉT VỀ MẶT TRỊ SỐ TUYỆT ĐỐI TÍNH THEO % CỦA SỐ BIA Ở CÁC TỈNH CHÂU THỔ SÔNG HỒNG THỜI KỲ VIII – X BẢNG 6. SỰ PHÂN BỐ CỦA TỪNG LOẠI VĂN BIA KHÁC NHAU VÀ CÁC TIỂU LOẠI THEO THỜI GIAN TẠO DỰNG XÉT VỀ TRỊ SỐ TUYỆT ĐỐI TÍNH CHO MỘT NĂM VÀ TỶ LỆ % CỦA SỐ BIA TRONG TỪNG THỜI KỲ |
|
Newer articles
Older articles