Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

HƯƠNG ƯỚC CỦA MỘT LÀNG VEN ĐÔ

SUNday - 20/12/2015 11:01
Trong kho tàng văn bản chữ Hán của người Việt, hương ước là nguồn tài liệu quý, có giá trị nghiên cứu về nhiều mặt: văn bản học, sử học, dân tộc học và luật học; đặc biệt có giá trị trong việc tìm hiểu các làng xã người Việt trước Cách mạng tháng Tám 1945. Trong chương trình nghiên cứu về hương ước nói chung(1), chúng tôi đang hướng tới một sưu tập hương ước của nhiều loại hình làng xã, qua các giai đoạn của lịch sử đất nước. Bài viết này lần đầu tiên chúng tôi giới thiệu hương ước của một làng ven nội thành Hà Nội. Đó là phường Hồ Khẩu, nay là khối 74 thuộc phường Bưởi, quận Ba Đình (Hà Nội).
Cổng đình làng Hồ Khẩu. Đền Dực Thánh

Cổng đình làng Hồ Khẩu. Đền Dực Thánh

I. Văn bản và nội dung hương ước:
Hương ước phường Hồ Khẩu có tên là “Hồ Khẩu phường điều lệ”. Điều lệ cùng thần tích vị Thánh Cả vị thánh có công giúp nước dẹp loạn phương Nam vào thời Lý, được lưu giữ tại đền Dực Thánh (Thánh Cả) phường Hồ Khẩu. Điều lệ cũng có trong kho sách Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu AF a2/25. Cả hai đều là bản sao. Văn bản viết bằng chữ Hán, có một số chữ Nôm. Chữ viết chân phương; khổ 32x22cm, gồm 26 trang. Điều lệ không ghi năm tháng biên soạn. Song qua nội dung văn bản, biết được: điều lệ được khởi thảo vào thời Lê (thế kỷ XVII), sửa chữa, bổ sung nhiều lần và hoàn thiện vào cuối thời Nguyễn.
“Hồ Khẩu phường điều lệ” (HKPĐL) gồm 41 điều, dưới đây là nội dung sơ lược của từng điều khoản:
Điều 1: Khẳng định sự cần thiết phải soạn thảo điều lệ để giữ gìn “khuôn phép kỷ cương làng xóm”.
Điều 2: Quy định mọi người phải chỉnh tề khi tế lễ.
Điều 3: Quy định vị trí của các bô lão trong tế lễ.
Điều 4 và 5: Quy định về nghi thức tế văn, phạt những ai không theo đúng nghi thức.
Điều 6, 7, 8: Quy định về việc biện lễ thờ thần.
Điều 9: Quy định về áo quần khi tế lễ.
Điều 10, 11, 12: Quy định về trách nhiệm của phường đối với các nhà có tang và ngược lại.
Điều 13, 16: Quy định về tôn ty trật tự khi hội họp ở đình.
Điều 14: Quy định trật tự thứ bậc khi tế lễ.
Điều 15: Quy định tế lễ của giới lão.
Điều 17: Khuyến khích mọi người ăn ở hòa thuận.
Điều 18: Phạt những ai gây mất trật tự trong làng.
Điều 19: Quy định lễ mừng của những người đỗ đạt.
Điều 20: Chế độ của làng đối với người cúng tiền đồ thờ phụng trong làng.
Điều 21, 22: Phạt những người trong làng trộm cướp và mắc tội gian dâm.
Điều 23: Ngăn cấm mọi người trong làng tổ chức các trò hài trong lễ cầu an. Ngay cả phường diễn hí của sở tại cũng cấm.
Điều 24: Quy định các chức dịch phải tận tâm lo việc chung.
Điều 25: Quy định mỗi năm vào dịp đầu xuân, mỗi người trong làng phải nộp 100 tờ giấy lệnh cho quan điển lễ để viết văn.
Điều 26: Quy định việc sử dụng tiền phạt thu được trong phường.
Điều 27: Quy định nghĩa vụ của người xin vào hội ẩm và lên lão.
Điều 28: Quy định thành phần dự lễ ở chùa Tết Nguyên đán.
Điều 29: Cấm đánh bạc.
Điều 30: Không được đào giếng vì sợ “chạm long mạch”.
Điều 31: Quy định về cải táng.
Điều 32: Khuyên những người có chức quyền không nên lộng quyền mà đè nén dân chúng.
Điều 33: Quy định chia biếu lễ vật các tiết ở đình.
Điều 34: Quy định chia biếu lễ vật các tiết ở chùa.
Điều 35: Quy định thành phần dự lễ và việc chia biếu lễ vật trong ngày giỗ hậu thần.
Điều 36, 37: Quy định việc chia biếu tiền, cau trầu.
Điều 38: Quy định lễ chia biếu trong lễ hung táng và cát táng.
Điều 39: Quy định việc biếu đãi việc tang.
Điều 40: Quy định việc biếu lễ tiên sư.
Điều 41: Quy định lệ biếu tư văn của người có công việc phải nhờ tư văn tế lễ.
Điều 42: Quy định việc bảo quản hương ước.
II. Một vài nhận xét:
1. Các điều khoản liên quan tới tín ngưỡng, tôn giáo (chủ yếu là những quy định về biện lễ và tế lễ thành hoàng) chiếm tỷ lệ lớn trong hương ước 18/42 điều. Đây là hiện tượng phổ biến. Trong nhiều bản hương ước mà chúng tôi đã tham khảo, chỉ có hương ước làng Yên Sở (Hoài Đức, Hà Nội) và làng Cổ Ninh (Nam Ninh, Hà Nam Ninh) các điều khoản liên quan tới hội hè tế lễ mới chiếm tỷ lệ lớn.
2. Đi kèm với các điều khoản trên là 10 điều về việc chia biếu lễ vật và trật tự ngôi thứ trong các dịp cầu cúng, tế lễ đó. Đây là hệ quả tất yếu của sinh hoạt làng xã trước Cách mạng tháng Tám.
3. Trong HKPĐL, không có điều khoản về sản xuất nông nghiệp và ruộng đất. Điều này xuất phát từ đặc điểm lớn nhất của làng: là làng ven nội thành, không có ruộng, chỉ có một dải hồ, làng cho đấu thầu để trồng sen. Cư dân ở trong phường sống chủ yếu bằng nghề làm giấy và buôn bán. Tuy nhiên, trong hương ước lại không có điều khoản nào về hai nghề đó; ngoại trừ điều 25 quy định mọi người trong phường phải nộp 100 tờ giấy vào dịp đầu xuân hàng năm.
4. Trong HKPĐL cũng không có điều khoản về cơ cấu tổ chức của phường, nhưng qua một số điều khoản quy định về việc biện lễ và tế lễ, chúng tôi thấy, cơ cấu tổ chức của phường Hồ Khẩu vẫn áp dụng cơ cấu của làng xã nông thôn (có 8 xóm, 2 giáp, hội đồng kỳ mục, lý dịch, tư văn, giới lão…)
5. Trong HKPĐL có 6 điều quy định việc bảo vệ trật tự an ninh trong phường, chủ yếu là quy định về giữ yên tĩnh ngăn chặn tệ cờ bạc, rượu chè, quan hệ trai gái bất chính, trộm cắp… Đây là yêu cầu tất yếu, bức thiết của mọi cộng đồng. Tuy nhiên, lại không có điều khoản nào về quy chế và nhiệm vụ của các đội tuần phiên trong phường.
6. Trong HKPĐL cũng không có điều khoản quy định về việc đóng góp nghĩa vụ sưu thuế, phu lính của phường đối với nhà nước phong kiến, phải chăng điều này xuất phát từ đặc điểm của phường: là phường ven đô, không có ruộng, cư dân sống chủ yếu bằng nghề thủ công và buôn bán.
7. HKPĐL không có điều khoản quy định khen thưởng người có công trong việc thực thi lệ làng, chỉ có điều khoản phạt người vi phạm. Các hình thức phạt như sau:
- Phạt hiện vật: chủ yếu bằng cau trầu, rượu, mức nhẹ là một phong trầu (20 miếng), mức nặng số trầu cau đó trị giá ba mạch tiền.
- Đánh đập chủ yếu bằng roi, mức nhẹ 20 roi, nặng 40 roi.
- Phạt tiền: mức thấp nhất là 3 mạch, mức cao nhất tới 10 quan (mức áp dụng với người đi kiện cáo lên trên nhưng không thông qua phường).
- Hạ ngôi thứ: chỉ áp dụng với người có “hương ẩm” đi ăn trộm vặt: hạ ba bàn (điều 21).
- Cấm tham dự sinh hoạt cộng đồng (đuổi khỏi hương ẩm) trong một thời điểm nhất định (chẳng hạn: người trong hội tư văn, khi tế lễ áo quần không nghiêm chỉnh, bị đuổi khỏi buổi tế đó) hoặc vĩnh viễn (người có chân trong hương ẩm đi ăn trộm cướp bị bắt quả tang.
- Đuổi khỏi phường: đây là hình phạt cao nhất, áp dụng với hai hành vi vi phạm: người chưa có chân trong “hương ẩm” đi trộm cướp bị bắt quả tang và người đi kiện cáo không thông qua phường sau đó “ương ngạnh” không chịu nộp phạt.
- Cũng như nhiều làng xã ở vùng nông thôn, ở phường Hồ Khẩu áp dụng kết hợp các hình thức phạt tiền, đánh đập và đuổi khỏi phường. Chẳng hạn, với người chưa có “hương ẩm” đi trộm “lớn”, thì đánh 40 roi rồi đuổi khỏi phường, thậm chí giải lên quan trên trị tội, hay trường hợp tự ý kiện cáo không thông qua phường như vừa nêu ở trên.
- Nói chung, phường Hồ Khẩu áp dụng chế độ xử phạt trực tiếp (ai vi phạm thì phạt người đó), nhưng trong một số trường hợp, áp dụng chế độ liên đới. Chẳng hạn, điều 21, khi có người đi ăn trộm lớn gia trưởng bị trách cứ, phải nộp trầu cau để tạ tội. Hoặc ở điều 22, có người gian dâm, cha anh kẻ đó bị trách cứ, nếu không còn cha anh thì trách cứ cả thân tộc (rất tiếc văn bản không ghi rõ nội dung và mức độ cụ thể của biện pháp “trách cứ” đó).
III. Những mặt tích cực và tiêu cực của làng ven đô qua “Hồ Khẩu phường điều lệ”:
Như hương ước của nhiều xã khác, trong HKPĐL ta thấy được những mặt tích cực, những nét đẹp của một làng ven kinh thành Thăng Long “ngàn năm văn vật”. Mở đầu HKPĐL khẳng định: “Định sự lệ hương thần để chiếu xét trong làng xóm, có ân nghĩa để cùng thương yêu nhau, có văn phép để cùng giao tiếp với nhau”. Hoặc ở điều 1: “luân thường phong hóa được vâng Thánh dụ ban hành, gắng gỏi tu tình… tuân thủ mãi mãi, làm cho phường ta thành một hương lễ nghĩa, cùng hưởng phúc thái bình. Coi đó là khuôn phép kỷ cương làng xóm”. Nhiều điều khoản đề cao những mặt hay trong nếp sống ở một làng ven đô. Điều 2 ghi: ai đi đứng kênh kiệu, cản trở đường đi, phạt 20 khẩu trầu. Điều 16: ai nói năng bừa bãi ở đình, phạt trầu rượu giá 3 mạch. Điều 17: tình làng xóm hòa mục, không được gây hiềm khích, giành giật của nhau, mượn rượu lăng mạ người khác. Điều 18: trong làng cần yên tĩnh, nhà nào có người cãi cọ, hát xướng hô hoán to tiếng, không kể ngày đêm, phạt cau trầu giá 3 mạch. Điều 10: quy định mọi người đi theo đám tang, quần áo phải nghiêm chỉnh để tỏ lòng thành kính, ai không nghiêm chỉnh phạt trầu cau giá 3 mạch. Các điều 20, 22, và 28 ngăn chặn tệ cờ bạc, trộm cắp, gian dâm. Ai đi trộm vặt trong phường bị bắt quả tang thì truất 3 bậc trong hội hương ẩm, nếu không có hương ẩm thì đánh 20 roi, tương tự với người đi trộm “lớn” thì đuổi khỏi hương ẩm hoặc đánh 40 roi rồi đuổi khỏi phường (điều 20). Ai phạm tội gian dâm thì trách cứ cha anh nếu không còn cha anh thì trách cứ gia tộc (điều 22). Về cờ bạc điều 28 ghi rõ: “cờ bạc khuynh gia bại sản, từ nay về sau, từ ngày mồng một đến ngày mồng bảy đầu năm, vui chơi thưởng xuân có thể không cấm, nhưng từ mồng 8 trở đi, có ai cố ý vi phạm thì đánh 42 roi”.
Mặt tích cực khác, một nét đẹp khác của phường Hồ Khẩu qua hương ước là sự giản dị, tiết kiệm trong các sinh hoạt cộng đồng. Các nghi lễ ma chay, lên lão, khao vọng nhìn chung đều không phiền phức, tốn kém như ở làng quê khác; đặc biệt luôn có sự “chiếu cố” những gia đình nghèo khó. Một vài ví dụ: muốn vào hội Hương ẩm chỉ cần nộp một phong trầu (20 khẩu) cho lý lịch, một phong cho quan điển lễ; người lên lão chỉ cần sửa lễ xôi gà giá một quan, ai nghèo có thể miễn (điều 26). Người đỗ đạt từ cử nhân trở lên, vào các ngày mồng một, mồng hai Tết và ngày giỗ (chưa rõ giỗ nào? có lẽ là giỗ họ) làm lễ ở từ đường; bản phường biện lễ rượu 3 mạch, gia chủ thù tạ lại, lễ vật có hoặc không, hậu hay bạc không kể đến; nhà nào nghèo không định lệ ăn uống cũng được (điều 19). Các tiết hàng năm, hương lão có lệ biếu xôi gà, xôi 10 bát quan gạo nếp, gà một con giá 3 mạch, người nghèo miễn (điều 15). Các điều 11 và 12 còn quy định tư văn giúp tang chủ làm lễ tế chỉ được giữ lại một thủ (lợn hoặc bò tùy tang chủ, không ai được đòi hỏi, sách nhiễu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh của làng xã phong kiến, nhiều mặt của đời sống ở phường Hồ Khẩu đã bị “phong kiến hoá” sâu sắc, trở thành tiêu cực. Trật tự phong kiến đã được xác lập và được quy định tỉ mỉ, nghiêm ngặt theo hướng ưu đãi những người có bằng sắc, chức tước: từ quyền tham dự đến chỗ ngồi, quyền ăn, quyền nói tại đình trung trong các dịp hội họp, tế lễ. Có thể nêu một vài ví dụ: điều 14 quy định rõ: khi lễ thần, các vị có mũ áo lễ xong, những người không có mũ áo mới được vào lễ; tại các nhà có việc hiếu, dân phu không được ngồi với quan viên, ai vi phạm bị mời ra, bị phạt một phong trầu (12 miếng) và phải chịu tội với gia chủ. Điều 28 ghi rõ Tết Nguyên đán chỉ những quan viên sắc mục, hương lão, lý dịch mới được dự lễ cúng ở chùa. Điều 13 khẳng định “tôn ty của hương đảng” là khi toàn dân đang ngồi, hễ thấy quan viên kỳ lão đến thì lập tức phải đứng dậy để tôn kính “phong hóa lễ nghĩa”, hoặc hơn nữa ở điều 16 “trong làng hội bàn việc hễ quan viên sắc mục khởi xướng thì các giáp trên dưới cùng lắng nghe; bàn chưa hết, bàn lão có điều muốn nói thì báo với lý dịch chuyển lời đến, còn từ bàn ba trở xuống có điều muốn nói thì đích thân đến trình. Một lần không được thì đến lần khác, không được nói năng bừa bãi, ai vi phạm phạt trầu cau, rượu giá 3 mạch.
Vị trí quyền ăn nói, phán xét trong hội họp, tế lễ của các tầng lớp chức sắc gắn chặt đến quyền lợi của họ, thể hiện qua lệ chia biếu. Có tới 10 điều khoản cơ bản. Điều 32 lệ biếu các tiết tại đình và miếu: “Từ cử nhân trở lên khoa trường chính thức quan viên: thịt má một miếng, cỗ mỗi người một mâm; tế chủ hai giáp cỗ mỗi người một mâm. Nếu có tế thì thêm thịt luộc mỗi người một miếng, cau trầu mỗi người một phong. Đương vụ lý trưởng cỗ mỗi người một mâm, hương mục cũng vậy”. Điều 34 “ngày giỗ hậu thần, tế chủ là đương vụ lý dịch, tham dự còn có các vị trong hội tư văn trên 18 tuổi; trừ những người có tang ra, còn lại đều được nghe tế. Thụ lộc quan điển lễ một Khoanh cỗ, cau trầu 6 miếng, người tế được thịt một miếng. Tạp vật chia đều các vị áo mũ. Cử nhân tú tài, quan viên thịt tế mỗi người một miếng, cau trầu hai miếng. Số còn lại chia đều cho các viên áo mũ. Quan viên tử, các vị mười năm ứng vụ, các vị sắc mục, cỗ mỗi người một phần. Thịt tế mỗi người một miếng. Tế chủ hai giáp, cỗ mỗi vị một miếng. Từ trụ thượng lão cũng như vậy. Đương vụ lý trưởng thịt luộc một miếng”. Điều 35 lệ chia biếu tiền hàng năm “viên sắc lý dịch cùng cử nhân trở lên mỗi vị 3 mạch, cau trầu 6 miếng. Tú tài mỗi vị một mạch rưỡi, cau trầu 6 miếng”.
Sự phong kiến hóa sâu sắc của phường Hồ Khẩu còn thể hiện ở nhiều điều khoản khác. Tinh thần và ý tưởng của Nho giáo thấm nhuần trong “mạch văn” của nhiều điều khoản. Chẳng hạn “luân thường phong hóa được vâng Thánh dụ ban hành, gắng được tu tỉnh” (Điều 1). Hoặc điều 31, khuyên các chức dịch “không vì ít mà thu vén, không tham tư lợi mà khinh mạn quỷ thần, không cậy cường hào mà hoành hành hương lý, không nên coi mình là đúng mà lấn át chúng sinh, không nên vì thời thế mà xu nịnh để mất thể diện” để “mọi việc được tốt lành dân được an ninh, không phụ thánh triều đó là đức lớn huấn thị, tác giả nhấn mạnh). Đặc biệt điều 23 cấm dân làng diễn hí có tính “tà dâm”. Giở lại chính sử ta thấy thời Lê Thánh Tông đã có chỉ dụ ngăn cấm các làng xã tổ chức các trò diễn này. Đồng thời cũng có chỉ dụ trong năm đó ngăn cản các làng xã soạn thảo hương ước và làng nào có những tục khác lạ thì có thể cho lập hương ước nhưng phải đặt ra những lệ cấm. Theo nhà dân tộc học Trần Từ, với nội dung này, Nhà nước phong kiến một mặt ngờ vực sự khác biệt của từng làng xã mà hương ước đã phản ánh và chính thức hóa, do đó tìm mọi cách để hạn chế hương ước, nhưng mặt khác, khi buộc phải chấp nhận sự khác biệt nói trên, nghĩa là phải chấp nhận hương ước thì thông qua hương ước mà áp đặt mô hình phong kiến và từng làng Việt, dùng tư tưởng Nho giáo để lấn át cổ tục(2).
Sau cùng, cũng như nhiều hương ước của nhiều làng quê ở nông thôn, trong HKPĐL có điều khoản ngăn cản các thành viên trong phường đi kiện cáo lên trên mà không thông qua phường. Mức hình phạt cho người có hành vi “vi phạm” này là cao nhất 10 quan, nếu ngang ngạnh thì đưa ra khỏi bạ tịch (đuổi khỏi phường) để “giảm bớt đơn từ kiện tụng”. Với điều khoản này, thiết chế phường khẳng định độc quyền xét xử của tầng lớp chức dịch phường, biến họ thành tầng lớp “cường hào phố phường” để đè nén và áp bức các thành viên trong phường, tước bỏ quyền của các thành viên trước pháp luật. Tinh thần của các làng xã phong kiến đậm nét trong các sinh hoạt, trong nếp sống của phường ven đô này.
Bùi Xuân Đính
Đính KhắcThuân

***
Chú thích
(1) Xem Bùi Xuân Đính: Lệ làng phép nước, Nxb. Pháp lý, H. 1985.
(2) Trần Từ: Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ. Nxb. KHXH, H. 1984.
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh