Bức tranh “Những Ngày Đầu tiên của Cách mạng tháng Mười” của tác giả Georgy Konstantinovich Savitsky. |
Tháng 3/1917, tình trạng bạo động dân sự gia tăng đi kèm với việc thiếu lương thực trầm trọng và kéo dài. Kết quả là Nicholas II – Sa hoàng Nga cuối cùng, đã phải thoái vị. Vài tháng sau, chính phủ tư sản lâm thời cũng bị lật đổ và được thay thế bằng một chính phủ cấp tiến của những người Bolshevik, do Vladimir Lenin đứng đầu.
Bối cảnh Cách mạng Nga
Vào năm 1917, hầu hết người dân Nga đều đã đánh mất niềm tin vào khả năng lãnh đạo của Sa hoàng Nicholas II. Chính quyền hoạt động kém hiệu quả và đầy rẫy nạn tham nhũng, còn nền kinh tế thì luẩn quẩn trong tình trạng lạc hậu.
Các chính sách phản động của Sa hoàng, bao gồm việc giải tán Duma (Quốc hội Nga) – thành quả chính của Cách mạng 1905, đã làm tâm lý bất mãn lan rộng sang cả các tầng lớp ôn hòa. Dưới sự cai trị của đế chế Nga, nhiều nhóm dân tộc thiểu số cũng thấy ngột ngạt và chỉ muốn nổi loạn.
Tuy nhiên nguyên nhân trực tiếp khiến Cách mạng bùng nổ chính là việc chính quyền Nga theo đuổi Thế chiến 1 với những hậu quả thảm hại. Quân đội Nga trang bị kém và được dẫn dắt kém nên liên tiếp hứng chịu các tổn thất khủng khiếp trước quân đội Đức. Thương vong của quân Nga lớn hơn bất cứ nước nào khác trong các cuộc chiến tranh trước đó. Về mặt quân sự, Nga không phải là đối thủ của một nước Đức hùng cường công nghiệp hóa. Ngoài ra, nỗ lực chiến tranh còn rất hao tổn tiền bạc và tàn phá nền kinh tế Nga.
Tình hình này đã khiến nhiều người Nga ôn hòa gia nhập các lực lượng chính trị cấp tiến đặng lật đổ Sa hoàng.
Cách mạng tháng Hai
Cuộc cách mạng này bắt đầu vào ngày 8/3/1917, khi người dân xuống đường biểu tình đòi bánh mì ở thủ đô Nga Petrograd (nay là Saint Petersburg). (Tháng Hai ở đây là theo lịch cũ của Nga khi đó). Những người biểu tình giành được ủng hộ của các công nhân đang tham gia đình công khi đó. Lực lượng biểu tình đụng độ với cảnh sát và không chịu rút lui.
Lãnh tụ vô sản Vladimir Lenin trong Cách mạng Nga 1917. Ảnh: Thinkstock. |
Ngày 10/3, đình công lan rộng ra toàn thể công nhân Petrograd. Trong cơn tức giận, các đám đông tấn công các đồn cảnh sát. Một số nhà máy bầu ra đại biểu trong các Xô viết Petrograd – đây là hội đồng ủy ban công nhân, theo mô hình có từ thời Cách mạng 1905.
Ngày 11/3, chính quyền huy động quân đội đồn trú tại Petrograd để dập tắt cuộc nổi dậy của quần chúng. Tại một số nơi, binh lính đã nổ súng bắn chết người biểu tình. Tuy nhiên lực lượng biểu tình vẫn tiếp tục xuống đường và lực lượng quân đội bắt đầu dao động. Đúng hôm đó, Sa hoàng Nicholas lại một lần nữa giải tán Duma.
Ngày 12/3, Cách mạng giành chiến thắng khi hết trung đoàn này đến trung đoàn khác ngả sang phe biểu tình. Binh sĩ sau đó tự lập các ủy ban bầu ra đại biểu tham gia vào Xô viết Petrograd.
Sa hoàng Nicholas II buộc phải thoái vị vào ngày 15/3. Khi Đại Công tước Michael từ chối lên ngôi thì vương triều Romonov (cai trị hơn 300 năm) chấm dứt sự tồn tại.
Hai chính quyền song song
Một ủy ban của Duma chỉ định ra một chính phủ lâm thời thay thế cho chế độ chuyên chế. Tuy nhiên quyền lực không tập trung vào duy nhất chính quyền này. Xô viết Đại biểu Công nhân và Binh lính Petrograd tồn tại như một chính quyền thứ 2 trên thực tế. Hai chính quyền này cạnh tranh quyết liệt với nhau, trong đó Xô viết Petrograd ngày càng chứng tỏ quyền uy áp đảo chính phủ lâm thời.
Ngày 14/3, Xô viết ra bản quân lệnh số 1 nổi tiếng, trong đó họ chỉ đạo lục quân và hải quân Nga chỉ tuân thủ các sắc lệnh của Xô viết chứ không phải là Chính phủ Lâm thời. Chính phủ Lâm thời bất lực trước mệnh lệnh này. Lý do duy nhất mà Xô viết Petrograd chưa tự nhận là chính quyền thực sự của toàn nước Nga là họ e sợ nếu làm vậy sẽ kích động một cuộc đảo chính khôi phục lại chế độ cũ.
Lenin làm ngỡ ngàng nhà báo Guardian của Anh
VOV.VN - Qua phần mô tả Lenin trong cuộc phỏng vấn của nhà báo Anh, chúng ta phần nào thấy được trí tuệ và bản lĩnh của Lenin, người thầy của cách mạng vô sản.
Từ tháng 3-7/1917, Chính phủ Lâm thời đã được cải tổ lại tới 4 lần. Chính phủ đầu tiên bao gồm toàn những bộ trưởng phái tự do, ngoại trừ nhân vật của phái Xã hội Cách mạng cánh tả - Aleksandr F. Kerensky. Các chính phủ tiếp theo thì đều là chính phủ liên minh. Tuy nhiên không chính phủ nào trong số này đủ sức giải quyết thỏa đáng các vấn đề lớn mà nước Nga đang phải đối mặt lúc đó – vấn đề nông dân không có ruộng, phong trào độc lập dân tộc của các dân tộc không phải Nga (trong đế chế Nga) và việc quân đội mất hết nhuệ khí chiến đấu ngoài mặt trận.
Trong khi đó, Xô viết Petrograd thì lại bám sát các nguyện ước và tình cảm của quần chúng. Các xô viết theo mô hình Petrograd được tổ chức ở các thành phố lớn và trong quân đội. Trong các xô viết này, tinh thần “thất bại” (ủng hộ việc Nga rút khỏi Thế chiến dưới bất cứ điều khoản nào) ngày càng gia tăng. Đằng sau diễn biến này là việc các thành phần XHCN mỗi lúc một chiếm ưu thế trong phong trào xô viết.
Kerensky trở thành người đứng đầu Chính phủ Lâm thời vào tháng 7 và ông ta dập tắt một cuộc đảo chính của viên tướng tổng tư lệnh quân đội Lavr Georgiyevich Kornilov.
Tuy nhiên Kerensky vẫn không tài nào ngăn chặn được nước Nga tiếp tục trượt sâu vào tình trạng hỗn loạn cả về chính trị, kinh tế và quân sự. Đảng Xã hội Cách mạng của ông ta bị chia rẽ nặng nề - phái tả của đảng này đã ly khai và đi theo phái Bolshevik.
Cách mạng tháng Mười
Chính phủ Lâm thời càng suy yếu thì quyền lực của các xô viết lại càng lớn. Trong các xô viết, phái Bolshevik mở rộng không ngừng ảnh hưởng của mình.
Người biểu tình trước Cung điện Mùa Đông ở Petrograd trước Cách mạng Nga 1917. Ảnh: Hulton Archive. |
Đến tháng 9/1917, phái Bolshevik và các đồng minh Xã hội Cách mạng cánh tả đã thay thế phái Xã hội Cách mạng và phái Menshevik để chiếm đa số trong các Xô viết Petrograd và Moscow.
Vào mùa thu 1917, cương lĩnh “hòa bình, ruộng đất và bánh mì” của phái Bolshevik đã đem lại cho đảng này sự ủng hộ đáng kể trong các công nhân đô thị đang đói khát và những binh sĩ vừa đào tẩu hàng loạt khỏi quân đội.
Tình thế cho một cuộc cách mạng XHCN đã chín muồi.
Vào ngày 6-7/11 (hay 24-25/10 theo lịch Nga cũ), đảng Bolshevik và phái Xã hội Cách mạng cánh tả dưới sự lãnh đạo của Lenin đã tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Quân khởi nghĩa chiếm lĩnh các tòa nhà chính phủ, trạm điện tín, và vị trí xung yếu ở thủ đô Petrograd.
Thủ tướng Chính phủ Lâm thời Kerensky cố gắng tổ chức kháng cự lại phong trào cách mạng nhưng nỗ lực này là vô hiệu và ông ta bỏ chạy ra nước ngoài.
Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ 2, khai mạc tại Petrograd ngay trong đêm khởi nghĩa, đã thông qua chính phủ mới với thành viên chủ yếu là đảng viên Bolshevik./.