Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

LÊ ANH TUẤN THƯỢNG THƯ, NHÀ THƠ ĐẦU THẾ KỶ XVIII

TUEsday - 28/07/2015 16:08
Đầu thế kỷ XVIII, bên cạnh dòng văn học Nôm khuyết danh bắt đầu khởi sắc, văn chưong bác học nước ta nổi lên một tác giả tương đối lớn: Lê Anh Tuấn, vị Thượng thư đạo cao đức trọng cuối triều Lê, vị bố nuôi tôn kính của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Lược truyện các tác gia Việt Nam (LT CTGVN) của Trần Văn Giáp chỉ thấy ghi: “Lê Anh Tuấn, hiệu Dịch Hiên, người làng Thanh Mai, huyện Tiên Phong (?). Không rõ ông sinh, mất năm nào. Năm 1701, ông đậu Tiến sĩ, sau được sang sứ Trung Quốc, làm quan đến Hộ bộ thượng thư, tước Điện Quận công.
Tác phẩm của ông còn lại: một bài thơ cổ thể và 28 bài thơ cận thể (Văn) chép trong Toàn Việt thi lục (q.26, tờ 81) (NTL gạch dưới).
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin khép lại trong hai mục nhỏ mà Trần Văn Giáp đã nêu trên về Lê Anh Tuấn: tiểu sử và tác phẩm.
Theo văn bản Toàn việt thi lục (TVTL) A.132, Q.4, tr.80b (Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm) về tiểu sử Lê Anh Tuấn, thì ngoài những chi tiết đã nêu trong LTCTGVN, còn thấy nêu thêm những chi tiết sau:
- Lê Anh Tuấn đỗ Tiến sĩ năm Chính Hòa Giáp Tuất.
- Đi sứ Trung Quốc về được thăng chức Tả thị lang.
- Sau khi thăng Hộ bộ Thượng thư, tước Điện Quận công, thì ông được làm A tướng trong mười năm, sau đổi sang làm Thái tử Thái phó xuất Thái Nguyên, Lạng Sơn, đốc trấn hai xứ đó.
Sau phần tiểu sử trên, bộ TVTL, A.132/4 trên có chép tiếp 17 bài thơ cổ thể và một bài thơ cận thể dài 80 câu (chứ không phải là một bài thơ cổ thể và 28 bài thơ cận thể (văn) như LTCTGVN đã nêu). Những bài thơ đó tuần tự là:
1. Tư thân thuật hoài - cận thể thi (80 câu)
2. Bắc sứ trú Ngô Châu (Đường luật, 8 câu, 7 chữ)
3. Đăng Bình Nhạc ngưỡng Sơn Đình (nt)
4. Trú Quảng Tây thượng tuần phủ bộ viên Trần Nguyên Long (nt)
5. Quảng Tây án sát niên hi nghiên tống phiến, hồi thư đường thi thứ vận đáp tạ (nt)
6. Đăng Hoàng Hạc lâu (nt)
7. Đăng Hoàng Hạc Lâu vọng Hán Dương thụ (nt)
8. Đáo Hồ Khẩu huyện thị Nhạc vũ Mục vương Miếu (nt)
9. Tặng Hồ Khẩu hộ tống Trần (nt)
10. Thứ vận đáp bạn tống tự Ban Lan Tượng (nt)
11. Hạ Liêm quận công Nguyễn Quý Đức (nt)
12. Hạ Thi Khánh Bá Hoàng Công Thực (đường thi, thất ngôn bát cú, chép thiếu 2 câu thực).
13. Họa Trần Tố Am du Ngụ Thành thi - Quế Giang Xuân Phiếm (thơ 5 chữ, 8 câu).
14. Ngạc Trì dạng nguyệt (thơ 5 chữ, 6 câu)
15. Đáo Nam Kinh Giang Tây xứ sĩ Mã Cơ Tiên tặng thi, Thứ vận họa đáp (3 khổ thơ 4 câu, mỗi câu 7 chữ).
16. Tặng Lễ bộ lang trung Nghiêm Tất Vinh (tứ tuyệt)
17. Tống bạn tống Lan Tượng (tứ tuyệt)
18. Khuê Oánh Liêm Lão nữ thán cung họa (Thánh tổ ngự chế, gồm 10 khổ thơ tứ tuyệt). (1)
Đó là tất cả số bài thơ của Lê Anh Tuấn mà chúng tôi mới tìm thấy được. Bởi lẽ, ngoài bộ TVTL A.132/4 ra, 7 bộ TVLT khác ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm không hề thấy chép một bài nào của Lê Anh Tuấn (đã là các bộ TVTL mang những ký hiệu sau: VHv.117/1-2; VHv.1450/1-2; A.3200/4, A.393; VHv.778/1-2; VHv.703 à VHv.777/1-2).
Vì thế, không hiểu Trần Văn Giáp trong LTCTGVN đã thấy ở quyển 26, tờ 81 của bộ TVTL nào lại chỉ chép có một bài thơ cổ thểvà những 28 bài cận thể của Lê Anh Tuấn? mà theo thiểu ý của chúng tôi ở địa vị một Thượng thư - Tiến sĩ và ở giai đoạn sáng tác của Lê Anh Tuấn, không thể tin rằng: tác giả đã quá coi trọng cận thể và quá xem nhẹ cổ thể đến như thế.
Còn việc xét về giá trị nội dung và nghệ thuật của 18 bài thơ của Lê Anh Tuấn mà ta mới tìm được, xin để ở phần sau.
Về tiểu sử của Lê Anh Tuấn: cái dấu hỏi ở đằng sau câu “Lê Anh Tuấn người làng Thanh Mai, huyện Tiên Phong (?) trong LTCTGVN, thì xứ đó vốn thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Hà Bắc hiện nay. Sự thực là Lê Anh Tuấn có quê mẹ ở xã Quảng Phú , huyện Gia Lương, Hà Bắc hiện nay; Lê Anh Tuấn sinh ra ở đó. Hiện nay ở đó vẫn còn “Nghè quan, Thượng” (đền nhỏ thờ Thượng thư Lê Anh Tuấn). Còn quê thân phụ ông thì còn là một nghi vấn. Chỉ biết rằng sau khi thi đỗ tiến sĩ, Lê Anh Tuấn đã về ở quê mẹ, sau đó mới chuyển sang ở làng Thanh Mai, huyện Tiên Phong như LTCTGVN đã ghi.
Lê Anh Tuấn cũng đã từng đi sứ Trung Quốc(2) và cũng đã từng dạy học ở Quốc Tử Giám. Trong đám môn sinh của ông ta thấy có Đoàn Doãn Nghi là học trò yêu. Thấy Đoàn Thị Điểm con Đoàn Doãn Nghi uyên bác, tài ba, sắc sảo, Lê Anh Tuấn nhận nàng về làm con nuôi. Cũng có thuyết cho rằng: Lê Anh Tuấn chưa hề bắt Đoàn Thị Điểm tiến cung bao giờ cả (?) (theo một tài liệu riêng của nhà sử học Hoa Bằng cho xem lúc cụ còn sinh thời).
Khi Lê Anh Tuấn còn làm Thượng thư thì con trai lớn của ông phải thi lại lần thứ hai mới đỗ, vì lần thứ nhất bị phát hiện gian lận bài vở, quan trường nể mặt Lê Thượng thư mà lờ đi cho, nhưng vẫn bị phát giác và hủy bỏ kết quả thi cử (theo Lê Quý Đôn của Bùi Hạnh Cẩn).
Tài liệu trên lại cho rằng: Lê Anh Tuấn đã có một thời gian có tư dinh ở phường Chu Tước, Thăng Long (phố Bích Câu, Hà Nội bây giờ). Lê Phú Thứ (thân phụ Lê Quý Đôn) cũng có nhà riêng ở đó. ông ngoại Lê Quý Đôn là Trương Minh Lượng, bạn thân của Lê Anh Tuấn thấy Đôn đĩnh ngộ nên thường dắt Đôn đến chơi nhà Lê Thượng thư để khoe cháu ngoại. ở đó, Lê Quý Đôn có giao tiếp với Đoàn Thị Điểm. Bà Điểm thấy Đôn hay chữ, khôi ngô, đã muốn tác thành cho cháu ruột của mình là con anh cả Đoàn Doãn Luân, nhưng Đôn đã từ chối.
Vẫn tài liệu ấy ghi thêm: Lê Anh Tuấn sau khi thấy Đoàn Thị Điểm thi thêu thùa gia chánh được giải cao, lại giỏi thi Phú, công dung ngôn hạnh vẹn toàn nên muốn tiến bà vào cung. Nhưng Đoàn Thị Điểm đã không chịu nghe lời bố nuôi, bỏ về nhà sống với anh chị cả của mình là Đoàn Doãn Luân. Sau đó, vợ trước của Nguyễn Kiều chết sớm (đod là con gái của Lê Anh Tuấn), Nguyễn Kiều lại cầu hôn với Đoàn Thị Điểm (vẫn theo tài liệu trên của Bùi Hạnh Cẩn)
Cuối đời, Lê Anh Tuấn bị chúa Trịnh Giang bắt thắt cổ tự vẫn ở Lạng Sơn, khi ông còn làm Đốc trên ở hai trấn Thái Nguyên và Lạng Sơn, bởi chúa nghi ông có dính líu trong vụ nổi loạn của đám bò tôi Nguyễn Công Hãng chống lại chúa(3).
Cuộc đời làm quan của Lê Anh Tuấn cũng thật là “bơi trong bể hoạn”. Con người tài ba và khí tiết như ông thì làm sao có thể sống yên ổn trong một xã hội rối ren, chúa lấn quan, nông dân khởi nghĩa, mất mùa, giặc giã, chiến tranh. Đàng Trong, Đàng Ngoài, dân tình náo động... ở thế kỷ XVIII đã được?

*1*
Về giá trị nội dung và nghệ thuạt của thơ Lê Anh Tuấn: trên cơ sở 17 bài thơ cổ thể và một bài thơ cận thể (dài 80 câu) của họ Lê để lại, chúng tôi chỉ xin điểm xuyết một số ý kiến về giá trị nội dung và nghệ thuật của chùm thơ đã như sau:
Thơ của Điện Quận công Lê Anh Tuấn khá hay, uẩn súc và uyên bác , lại giàu tình người: khi tả cảnh, tả tình cũng lắm nét sinh động, bình dị và nên thơ. Ta thấy ngòi bút của ông đã không bị ràng buộc vào một khuôn khổ nào cả, mà tùy thuộc theo nội dung tình cảm, ý tưởng cảm xúc của mình trước hoàn cảnh thực, người thực tình thực, việc thực, tác giả đã chọn hình thức thích hợp để biểu hiện (khi thì cận thể 80 câu, Lúc lại Đường luật, khi thì tứ tuyệt, lục ngũ ngôn lục cú hoặc ngò ngôn bát cú v.v... ), chứ không phải chỉ có một mực thất ngôn bát cú như đa số các tác giả cổ điển khác đồng thời với ông. Cũng cần nhắc lại rằng: tác giả đỗ Tiến sĩ năm 1704, là lúc xu hướng cổ thể và luật thơ cổ còn rất chặt chẽ(4).
Trong bài Tư thân thuật hoài (cận thể 80 câu 7 chữ) thì ngoài những câu uẩn súc, trí lự, ta sẽ không khó khăn gì mà không tìm thấy nhiều đoạn, nhiều câu bình dị. Tác giả đã không hề dấu kín tâm tư, lên gân phong thái khi nhận mệnh vua đi sứ Trung Quốc, xa bố mẹ già, xa quê hương Tổ quốc. Theo đạo lý phong kiến thì:
Thần bộc ủy thân duy báo quốc;
Nam nhi thử nhật chính vong gia 
(bài trên)
(Bề tôi phó mình cho việc nước;
Nam nhi ngày ấy phải quên nhà)(5)
để rồi:
Trữ lập giang biên địa nhất đầu;
Sa thùy miên để song châu lệ 
(bài trên)
(Đứng sững bên sông trên mũi đất,
Bỗng đôi dòng lệ cúi mắt sa).
Cả 80 câu bài thơ trên đã tả thực, ghi thực lại tâm trạng, sự việc và phong cảnh trên đường đi sứ, đó là một tập “Nhật ký hành trình sứ giả” của tác giả. Nhiều đoạn như dựng lại cả một bức tranh:
Thiên lý mâu trung Già lĩnh thụ,
Nguyệt trướng thông tiêu cảnh viễn chiêm.
Kiên dư sổ cá hành nông lộ
Đăng trình mộ yết thị kiều viên ...
(bài trên)
(Non cao cây cỏ che ngàn dặm,
Trướng nguyệt thâu đêm động tiếng chim)(6)
Kiệu vai vài chiếc trên đường ruộng
Lên đường đêm nghỉ chợ cầu bờn...)
Có những câu vừa hay, vừa giản dị dễ hiểu như thơ cận đại:
Thu sơn, thu thủy tống thu thanh;
Thu diệp, thu tiêu não khách trình
(bài trên)
Và:
Tư tình, công nghĩa thành nan lưỡng
(bài trên)
Con người bộc trực nội tâm như trên, lại ở chức Thượng thư, á tướng của triều đình Lê Trịnh thì làm sao tránh khỏi tai vạ?
Ngoài con người của công cán và chức vụ, trong Lê Anh Tuấn còn có một con người khác, con người nghệ sĩ của nhà thơ:
Mộ tán lạc hà lung nhạn quán ;
Tình phô quải luyện bức giang lâu
Bài Bắc sứ trú Ngụ Châu 
(Chiều tản ráng rơi trùm quán nhạn;
Sáng phô vải một quấn lầu thuyền).
Hoặc trong bài Ngạc trì dạng nguyệt (nước xao động đầm Ngạc) sau đây thì thực sống động, óng chuốt chúng tôi đã cố gắng dịch thật sát):
Gác vượt soi mặt nước,
Trăng nổi trên bềnh bồng.
Sóng vàng giao ngọc quí,
Lạnh thấu áo cừu lông.
Xôn xao tay khó vốc,
Muốn chảy, nước binh boong (7)
Nói chung khi đi sứ Trung Quốc là phải xa nhà, nhớ mẹ cha, vất vả; nhưng cũng không phải không có những phút “Thiên thai”, “nhập Đào nguyên” này:
“Nước xuân mênh mông rộng,
Vung chèo vượt dòng trong
Thuyền vào hoa đào sóng,
Gió đưa lá thuyền con”(8)
Bài Quế Giang xuân phiếm.
Phong thái bình dị, xuề xòa của Lê Anh Tuấn còn bộc lộ ở khía cạnh: là một bậc Thượng thư, sứ thần, mà ông đã không câu nệ, không kênh kiệu trong việc xướng họa và thực lòng tôn trọng kẻ dưới. Trong bài Tặng Hồ Khẩu tống Trần (Tặng ông quan hộ tống họ Trần ở Hà Khẩu, Trung Quốc), giọng thơ của ông thật là thân thiết, tri âm:
Trường An mỗi hỉ ngộ tri âm,
Hà sự phân kỳ náo khách tâm?
Hồ khẩu nhất phàm thiên lý cách,
Bồng song có nguyệt ngũ canh thâm.
(Trường An mừng gặp bạn tri âm,
Sao cứ phân ly não khách lòng?
Hồ khẩu một buồm ngàn vạn cách,
Cửa bồng, trăng lẻ, hận năm canh)
Hoặc trong bài Thứ vận đáp bạn tống lự Ban Lan Tượng (Tiếp vần thơ đáp lại người theo tiễn có tên tự là Ban Lan Tượng), tác giả cũng đã nồng hậu viết:
Âm thanh khác biệt chẳng thông nhau,
Tình bạn lâu rày hội ngộ đâu.
Thu đến, trăng sông, ai có thấu;
Hạ qua, mây núi, khách hòa câu.
Cổ xanh liền Phố Nam vô vị;
Ve lạnh kêu thương gió Bắc sầu.
Ngàn dặm thơ - ngân trong mộng ruổi,
Sáu năm nên gửi nhớ về nhau(9)
Lê Anh Tuấn cũng có nhiều bạn thân thiết khác nữa. Ông tôn trọng những người nghèo mà không hèn, giàu lòng trung thực:
Gia cư miễn vật vọng trung cáo,
Thánh đức hân kim thị thính khai
(Cảnh nhà cố gắng chí quên nói điều trung thực;
Đức thánh (của ông) mừng nay được nghe thấy rõ rệt).
Bài Hạ thi Khánh Bá Hoàng Công Thực.
Cũng như những nhà thơ lớn khác của dân tộc, Lê Anh Tuấn không quên hình ảnh của phái yếu, phái đẹp trong thơ mình. Trong mười khổ thơ (mỗi khổ 4 câu 7 chữ) của bài Khuê oán Liêm lão nữ thán cung họa (Kính họa lại bài thơ: “Bà lão Liêm oán thán trong khuê phòng”), tác giả đã thương xót, kêu thương hộ cho thân phận một người phụ nữ tài đức bị đời bạc đói. Bài thơ này thực khó làm vì là thơ họa thơ vua, lại chỉ được hạn chế trong ba vần “Thu, Du, Dầu” trong cả mười khổ thơ; thế mà với bút pháp tài ba của tác giả, bài thơ đọc hết cũng không hề bị nhàm chán; nhiều câu hay, giàu chất trữ tình và óng chuốt:
Thu ý phiêu lương yến khứ du,
Khách tương khinh tiệp táp trung thu,
Hàm tình đối ảnh lân xuân tứ,
Phao khước hương sơ lại lý đầu
(Ý thu lạnh thổi, én bay đâu,
Gió nhẹ khách mang, lượn nhặt thâu,
Ngậm tình đối ảnh thương xuân ý,
Lược thơm vất, nản gãi lên đầu...)
Cảm thông với người và thương thân. Phải chăng khổ thơ sau đây cũng lấy ra từ bài Khuê oán Liêm Lão nữ thán, tác giả cũng đã muốn gửi gắm tâm sự riêng tư:
Tổng giác sinh thành tuế nguyệt du,
Nhật kinh câu khích điệt thành thu.
Giá y Lãng vị tha nhân tác,
Loạn mạn quân sinh thập chỉ đầu
(Tóm lại cuộc đời năm tháng trôi,
Giật mình vó ngựa vụt qua rồi !
Đổi áo phỏng làm người khác lạ,
Tơ vò rối bó ngón tay thôi!)
Lòng rối bời như mớ tóc bạc bó chặt lấy mười đầu ngón tay; cuộc đời tác giả hanh thông là thế mà kết cục cũng chỉ đón lấy một cái chết “bất đắc kỳ tử” như thế! Đó là một cái chết thảm khốc như bao nhiêu nhân cách tùng trúc khác dưới triều Lê Trịnh thế kỷ XVIII ! Tiếng kêu uất nghẹn của một trung thần - trung với vua Lê, với dân với nước - bị mắc nạn đã toát lên trong bài Đáo Hồ Khẩu huyện thị Nhạc Vũ mục vương miếu (Đến huyện Hồ Khẩu là miếu Nhạc Vũ mục vương):
Trung hồn cảnh cảnh thiên niên tai
Thời hám giang đầu tiết nộ âm! 
(Trung hồn rỡ rỡ ngàn năm đó,
Mắc nạn, gào vang sóng giận đây!)
Lê Anh Tuấn: Thượng thư, nhà thơ ở đầu thế kỷ XVIII còn là một hiện tượng văn học cần tiếp tục nghiên cứu, khai thác thêm nữa. Bài viết này chỉ mới khởi sự mà thôi !

Nguyễn Tuấn Lương
Tháng 4 - 1990
-----------------------------------

Chú thích:
(1) Có lẽ là những bài thơ trích từ Sứ họa tập của Lê Anh Tuấn mà ông Bùi Hạnh Cẩn đã nêu lên ở trong cuốn Lê Quý Đôn tr.107 (Nxb. Văn hóa, H. 1985)
(2) Theo Lê Quý Đôn của Bùi Hạnh Cẩn, Nxb. Văn hóa, 1985, tr.16 ghi: “Lê Anh Tuấn đi sứ Trung Quốc về đã được chúa Trịnh Lương khen thưởng, thăng chức cùng với Nguyễn Công Hãng, Nguyễn Công Cơ và hơn 10 người khác. Lê được chúa tin dùng”
(3) Trịnh Giang hoang dâm vô độ, nghe lời dèm pha của bọn hoạn quan đã hãm hại Lê Anh Tuấn, Nguyễn Công Hãng, Lê Trọng Thứ, Bùi Sĩ Tiên, Vũ Công Trấn, Đáo Hoàng Thục, Trần Hiền...
(4) Trong 18 bài thơ đó, ta thấy có 11 bài thất ngôn bát có; 4 bài cận thể; 2 bài thơ ngò ngôn (1 bài 8 câu, 1 bài 6 câu), 1 bài gồm 3 khổ thơ 4 câu 7 chữ; 2 bài tứ tuyệt 7 chữ và 1 bài tứ tuyệt khác gồm 10 khỗ 7 chữ).
(5) Dịch ra thơ trong bài viết này (từ đây trở xuống) đều là của Nguyễn Tuấn Lương.
(6) Tiếng đập vải.
(7) Nguyên văn chữ Hán: “Đình các lâm trì khóa; Tri bình nguyệt ảnh phù, Kim ba giao ngọc vũ; Hàn khí bức khinh cừu, Liễm diễn nhân nan các; Linh long thủy dục lưu”.
(8) Nguyên văn “Mang mang xuân thủy khoát, Kích tập độ tiền xuyên. Trạo tiến đào hoa lãng, Phong quải vi diệp thuyền”.
(9) Nguyên văn chữ Hán “Thanh âm thiên hận bất tương thông. Tâm khiết tòng lai thị hãn phùng. Hạ khứ, lĩnh vân hòa khánh đối. Thu lai, giang nguyệt dữ thùy đồng. Vụ liêu lục thảo liên Nam phố; Cự nãi hàn thiền táo Bắc phong, Thanh vận y y thiên lý mộng. Lục niên ưng hữu ký lân hông”./.
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh