Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

MẤY SUY NGHĨ NHÂN ĐỌC THƠ NGHÌN NHÀ

TUEsday - 25/11/2014 16:24
Thơ nghìn nhà dịch giả Nguyễn Hà chọn từ tập Thiên gia thi đúng 100 bài thơ tứ tuyệt, bao gồm 51 bài thơ Đường và 49 bài thơ Tống.
MẤY SUY NGHĨ NHÂN ĐỌC THƠ NGHÌN NHÀ

MẤY SUY NGHĨ NHÂN ĐỌC THƠ NGHÌN NHÀ

Trong Lời vào sách, Nguyễn Hà nêu rõ sự cân nhắc khi tuyển lựa, kết quả là đã chọn "hơn 60% là những bài chưa ai dịch bao giờ". Khoảng 40 bài ở diện các tuyển tập thơ Đường xuất bản trước đã nhiều người dịch nhưng "hình như chưa chuyển hết được cái hay của nguyên tác", "Tất nhiên, một số rất ít bài nào, người dịch trước đã quá tài hoa thì không có ở đây nữa".
Thơ Tống và nhất là thơ Đường trước đây đã nhiều bài được dịch. Ngay trong tập Thơ Đường do Nam Trân tuyển, xuất bản 1962, Nguyễn Hà đã tuyển, dịch lại 27 bài.
Các tập thơ văn nước ngoài nổi tiếng ta tuyển đi tuyển lại, người này dịch, người khác dịch... là lẽ thường. Khi làm sách, dịch giả thường xuất phát từ những điều chưa chỉnh chưa đạt trong bản dịch cũ mà dịch lại. Người dịch nào cũng hướng tới một tái tạo, thể hiện được ý tứ, tư tưởng của nguyên văn, chuyển ngữ được từ những hình ảnh chân phác, đến những ẩn dụ sâu kín, làm sao cho bản dịch của mình nhuần nhị, đạt được như chính một bài thơ tiếng Việt.
Một yêu cầu nữa đối với người dịch là bám sát thể loại. Đây là một tiêu chí. Trong Thơ nghìn nhà Nguyễn Hà đã có nhiều bài, nhiều câu dịch chuẩn mực, sáng tạo, ví dụ:
Kỷ xứ bại biên vi cố tỉnh,
Hướng lai nhất nhất thị nhân gia.
(Hoài thôn binh hậ
 u - Đái phục cổ)
Dịch thơ:
Mấy bức tường xiêu vây giếng cũ,
Nhà nhà đâu thấy mái nhà ta.
Có thể nêu nhiều dẫn chứng nữa.
Song, bên cạnh những thành công, tập Thơ nghìn nhà còn bộc lộ một số mặt, muốn được trao đổi thêm:
1) Một số từ trong các bài dịch thơ chưa chuẩn xác, hoặc hơi "quá".
Mấy câu trong "tuyệt cú" của Đỗ Phủ:
Lưỡng cá hoàng ly minh thúy liễu,
Nhất hàng bạch lộ thướng thanh thiên.

Dịch thơ:
Liễu xanh vang hót đôi oanh,
Tô trắng lên giữa trời xanh hàng cò.
Chữ "tô' theo từ điển tiếng Việt, dùng mực màu hoặc làm nổi lên những đường nét, mảng màu có sẵn. Nếu đúng vậy chữ tô đâu phản ánh được ý của nguyên tác ? . Trước đây, có người dịch câu cuối đó là "Trời lam trắng điểm một hàng cò bay" "tô" với "điểm" có khi nằm trong một từ ghép. Nhưng khi tách ra, thì ý nghĩa mỗi từ đã khác lắm. Chữ "điểm" lung linh sống động hơn.
Bài Đáp Chung Nhược ông của Mục Đồng:
Thảo phô hoành dã lục thất lý,
Địch lộng vãn phong tam tứ thanh.
Qui lai bão phạn hoàng hôn hậu,
Bất thoát suy y ngọa nguyệt minh.

Nguyễn Hà dịch thơ:
Cỏ phơi sáu bảy dặm đồng,
Chiều buông dăm tiếng sáo lồng gió đưa.
Hoàng hôn về chén cơm no, 
Để nguyên áo rách nằm tho... trăng ngời.
Phải chăng "tho" là một từ ít dùng ? ép vận ?
Nhân đây, tôi cũng xin mạnh dạn đưa ra bản dịch của mình để trao đổi:
Sáu bảy dặm đồng cỏ biếc giăng,
Sáo ba bốn tiếng thoảng bâng khuâng.
Về hoàng hôn tắt cơm no bụng,
Nằm nguyên áo rách ngắm ngời trăng.
Bài Trì thượng của Bạch Cư Dị, Thơ nghìn nhà dịch:
Thuyền con chở một cô em, 
Luôn đi hái trộm hoa sen trắng về.
Ngây thơ nào đã biết gì,
Hớ hênh còn để dấu chia mặt bèo.
Cũng bài này, bản dịch của Trần Trọng Kim trong Thơ Đường (Nxb. Văn hóa - 1962) có vẻ thoát hơn, tránh được từ "hớ hênh" có ý tục.
Bài Cung từ của Bạch Cư Dị:
Lệ tận la cân mộng bất thành,
Dạ thâm tiền điện án ca thanh. 
Hồng nhan vị lão ân tiên đoạn,
Tì ỷ huân lung tọa đáo minh.

Nguyễn Hà dịch, dùng từ "luỗng", nghe dễ sợ:
Bẽ bàng nước mắt đầm khăn,
Mộng tan lịm tiếng ca ngân trước thềm.
Nghiêng sầu lẻ gối tàn đêm,
Hồng nhan chưa luỗng ân trên đã ruồng.
Bài này, tôi có dịch:
Mộng chẳng thành, khăn đẫm lệ rơi,
Tiếng ca trước điện lắng... khuya rồi.
Vẻ đẹp chưa phai, ân đã dứt,
Tựa gối, lò nhen, đợi sáng trời.
2) Việc dịch tứ tuyệt "ngũ ngôn" hoặc tứ tuyệt "thất ngôn" sang thơ ta thành những câu năm chữ, bảy chữ hoặc thể lục bát, người dịch thường phải tỉnh lược hoặc thêm từ.
Bài: Phù dung lâu tống Tân Tiệm của Vương Xương Linh:
Hàn vũ liên giang, dạ nhập Ngô,
Bình minh tống khách Sở sơn cô.
Lạc Dương thân hữu như tương vấn,
Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ.

Nguyễn Hà dịch thơ:
Trắng sông mưa lạnh đêm Ngô,
Tiễn nhau núi Sở lúc vừa bình minh.
Lạc Dương bạn hỏi thân tình,
Ngọc hồ một mảnh lòng trinh dãi bày.
Những chữ "nhập", "cô" bị lược tỉnh. Hai câu đầu trong bản dịch thơ, không rõ được cảnh gian nan, cô quạnh (Nguyên văn câu 2, nhấn mạnh sự cô quạnh). Có vậy, câu 1 và 2 mới chuẩn bị cho câu 3.
Câu 3, thể hiện tâm lý của cảnh chia ly. Người ở lại cảm thấy bị hẫng hụt "Thân hữu như tương vấn" - Thân hữu nếu như có thăm hỏi. Đó là một câu giả định.
Dịch thơ Lạc Dương bạn hỏi thân tình, đã mất đi nỗi bâng khuâng da diết.
Đến câu 4 là một hình ảnh trọn vẹn. Chỉ dùng ẩn dụ là đã đủ ý, người đọc tự hiểu. Dịch giả, để chuyển từ câu thơ chữ Hán 7 chữ sang câu thơ Việt 8 chữ, đã thêm hai chữ "dãi bày". Thành ra, một ẩn dụ đã bị phá vỡ, bởi sự giải thích. Nói như Xuân Diệu, ý thơ đáng lẽ "kín nhẹm" đã bị "lộ hương".
Bản dịch thơ bài Đề đô thành nam tran g của Thôi Hộ:
Tích niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng...

Nguyễn Hà dịch thơ:
Hôm nay năm ấy cổng này,
Hoa đào mặt ngọc ửng say sắc hồng...
Gói ghém một ý thơ hàm súc tinh tế ấy vào một câu thơ Việt 7, 8 chữ quả thật khó. Nhưng dù sao, từ "say" vẫn cứ như đi lạc. Bài Kim lũ ycủa Đỗ Thu Nương, có câu:
Hoa khai kham chiết trực tu chiết,
Mạc đãi vô hoa, không chiết chi.

Dịch:
Thấy hoa xin kíp bẻ cành,
Đừng chờ hoa rụng buồn tanh cội già.
Thì bốn chữ "Buồn tanh cội già" quá xa với nguyên tác.
Những bài thơ trên đây của Vương Xương Linh, Thôi Hộ, Đỗ Thu Nương, từ lâu đã có những bản dịch của Tương Như, Khương Hữu Dụng... Tiếc rằng, những bản dịch của Nguyễn Hà công bố sau, mà không vượt được những bản dịch cũ (hoặc ít ra, cũng thể hiện được sự chu chỉnh, cẩn trọng).
3) Một số câu thơ, khi dịch thơ, đã bị đẩy đến sai lạc với nguyên tác.
Hai câu cuối bài thơ Đăng U Châu đài ca của Trần Tử Ngang:
... Niệm thiên địa chi du du,
Độc thương nhiên thi thế hạ.

Dịch thơ:
... Mênh mang giữa đất cùng trời, 
Thương riêng mình cứ ngùi ngùi lệ tuôn.
Từ dịch xuôi "Riêng một mình ngùi ngùi rỏ lệ". Vì sao chuyển ra thơ lại thành ý "Thương riêng mình?"
Bài Túc bế châu môn ngoại lữ quán của Diêu Đoan Hữu:
Hàn lâm tàn nhật dục thê ô,
Bích lý thanh đăng sạ hữu vô.
Tiểu vũ âm âm nhân giả mị,
Ngọa thinh bì mã khiết tàn sô.

Nguyễn Hà dịch thơ:
Ngày tan rừng lạnh chen chân quạ, 
Kẽ vách đèn khêu bóng tỏ mờ.
Lất phất mưa bay, vờ chợp mắt,
Nằm nghe ngựa mỏi nhá rơm khô.
"Dục thê ô" là quạ muốn đậu. Quạ sắp đậu thường nó bay lượn một vài vòng trước khi hạ cánh đậu xuống. Đó là bản tính tự nhiên của quạ. Phải đâu, rừng ít cành cây mà nhiều quạ. Quạ đỗ đã "chen chân", đến nỗi những con quạ về sau không còn chỗ đỗ ?
Bài này, có thể dịch:
Rừng lạnh chiều buông quạ lượn sương,
Hư thực đèn khêu vách chập chờn.
Mưa nhỏ lay phay vờ chợp mắt,
Nằm nghe ngựa mỏi nhá tàn rơm.
4) Có những bài thơ người dịch chỉ sửa lại 4, 5 chữ bản 4 dịch của người khác. Trường hợp bài Tống sứ An Tây của Vương Duy.
Tương Như đã dịch:
Mưa mai thấm bụi Vị Thành,
Liễu xanh quán trọ sắc xanh ngời ngời.
Khuyên anh hãy cạn chén mời,
Dương Quan ra khỏi ai người cố tri.
Nay Nguyễn Hà dịch lại, cũng theo thể lục bát, giữ nguyên cả năm vần đã có "Vị Thành", "xanh", "ngời", mời", "người".
Sớm nay mưa sũng Vị Thành.
Liễu nơi quán trọ sắc xanh ngời ngời.
Khuyên chàng cạn chén rượu mời,
Dương Quan ra khỏi ai người biết nhau.
Trong trường hợp này có nên ghi chú thích, hoặc mấy chữ "Theo Tương Như"?
5) Bài thơ Hành quân cửu nhật tư Trường An cố viên của Sầm Tham, có những ý, mà Thơ nghìn nhà dịch rất lạ.
Nguyên văn:
Cưỡng dục đăng cao khứ,
Vô nhân tống tửu lai.
Dao lân cổ viên cúc,
Ưng bạng chiến trường khai.

Dịch thơ:
Vừa toan tìm đến Đăng Cao,
Hỏi người bán rượu làm sao không về ?
Bỗng thương vườn cúc dưới quê,
Chiến trường đây, giá nở hoe hoe vàng.
Nguyễn Hà, cho "Đăng Cao" là một địa danh ? Và câu thơ 4 "Ưng bạng chiến trường khai", đã được hiểu là "Giá nó nở ngay ở chiến trường này thì đẹp biết bao".
Xét lại "ưng", là nên, lời nói lường tính trước. Sầm Tham làm bài thơ này vào ngày 9/9 (tết Trùng dương) trong lúc đang hành quân nơi xa. Trùng dương là một tết to, sum họp. Bởi vậy, người xa quê càng thêm nhớ quê, nhất là trong hoàn cảnh chiến tranh.
Bài thơ này, có chứa hai "tích": Một tết Trùng dương Đào Uyên Minh đang không có rượu uống thì bỗng có người mặc áo trắng đến dâng rượu. Đời Tần cũng vào ngày này, Hoàn Canh lên núi lánh nạn. Người đời sau hay bắt chước lên núi.
Sau này, những từ "tống tửu" "đăng cao" chỉ tết Trùng dương(1).
Đào Uyên Minh thương tiếc hoa cúc vườn xưa, giờ đây có lẽ đã nở bên chiến trường. Nhà thơ nào dám mang hoa ra chiến trường cùng dấn vào khói lửa với mình ?
Phải chăng bản dịch khuyết danh in trong Thơ Đường tập I (1962) vẫn trội hơn ?
6) Có một số trường hợp, khi dịch sang thơ đã "hoán vị" giữa câu 3 và câu 4. Ví dụ, hai câu cuối bài Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế:
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Nguyễn Hà dịch thơ:
Nửa đêm chuông vẳng thuyền ai,
Hàn Sơn chùa ấy phía ngoài Cô Tô.
Trong thơ Đường, thơ Tống và thơ tứ tuyệt nói chung, mỗi câu trong tổ chức, kết cấu, có một vị trí riêng. Giáo sư Bùi Văn Nguyên quan niệm "Thể tuyệt cú cũng theo phương hướng khai thừa - chuyển - hợp của luật thi". Nguyễn Sĩ Đại phân tích: Câu thứ ba, thường có vai trò nhưdây dẫn, cho sự bùng nổ ở câu 4. Câu bốn, thường có vai trò thâu tóm, mở rộng chiều liên tưởng, dư ba... Bởi vậy, khi dịch tứ tuyệt Đường, Tống, chẳng mấy ai đảo vị trí câu 3 và câu 4. Ngay hai câu cuối củaPhong Kiều dạ bạc đổi vị trí, cũng là ảnh hưởng lắm. "Nửa đêm chuông vẳng thuyền ai" là một câu dư ba. Còn câu "Hàn Sơn chùa ấy phía ngoài Cô Tô", thuần chỉ vị trí địa danh và câm lặng, tứ thơ của nguyên tác bị phá vỡ, đảo lộn.
Mấy trường hợp dịch đảo câu 3 và câu 4 của Nguyễn Hà đều không đạt.
Đọc kỹ lời "Bạt" cuối sách Thơ nghìn nhà mới hiểu rõ "ba mươi năm về trước, khi mới ngoài ba mươi tuổi" Nguyễn Hà "chong nến dịch mấy trăm bài thơ của người xưa". Phải chăng thiếu thời gian bổ sung cho một bản thảo cũ ?
Nói như Băng Sơn: dịch thơ là kẻ lữ hành một mình vượt bách lý, thiên lý, là thầy thuốc dám cầm một con dao mổ xẻ một con tim..
Dịch là khó. Với sự học uyên thâm, Nguyễn Hà đã dịch thành công nhiều bài. Mấy điều trên đây chỉ là những gợi ý, trao đổi thêm.
Do sự hiểu biết về thơ và Hán học có hạn, có điều gì thái quá xin được bạn đọc và dịch giả lượng thứ.

Duy Phi

Chú thích:

(*) Thơ nghìn nhà, Nguyễn Hà tuyển dịch, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1994.
(1) Xem: Một số đặc trưng nghệ thuật thơ tứ tuyệt đời Đường,Nguyễn Sĩ Đại, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1996.
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh