Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

NGUYỄN THƯỢNG HIỀN VÀ BÀI "GIANG HỒ NGẪU HỨNG"

THUrsday - 31/05/2018 12:01
Bài viết của Thanh Hoàng Khuê và Lê Xuân Hòa

Hình ảnh chân dung Nguyễn Thượng Hiền

Cụ Nguyễn Thượng Hiền là con thứ hai của cụ Ngũ Sơn. Cụ Ngũ Sơn đỗ đệ nhị giáp Nhã sĩ, giữ chức Thượng thư bộ Công, sung chức Kinh diên giảng quan (các triều Tự Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc), hàm Vinh Lộc đại phu, Hiệp biên đại học sĩ. Cụ nguyên huý Giản, sau đổi là Phiên, được vua ban chữ Thượng 尚 (Thành Thái thứ tư - 1892), từ đấy tên của Cụ là Nguyễn Thượng Phiên, người đương thời hay gọi Cụ Hiệp.
Cụ Thượng Hiền, theo tài liệu do dòng họ cung cấp(1) , có tên tự là Âu Tề (có sách ghi là Âu Trai), sau lại đặt tự là Đỉnh Thần, sau này khi xuất dương đổi là Đỉnh Nam, biệt hiệu là Mai Sơn, Long Sơn, cũng có lúc lấy tự là Thiếu Mai Sơn Nhân, lấy tên là Bão Nhiệt.
Cụ sinh giờ Mùi, ngày mười bảy tháng bảy năm Mậu Thìn, niên hiệu Tự Đức thứ 21 (tức vào khoảng 14, 15 giờ ngày 3-9-1868) tại dinh phủ Ninh Giang.
Năm lên 6 tuổi, Cụ bắt đầu đi học và tỏ ra đặc biệt thông minh, có năng khiếu về văn, thơ và câu đối. Có người kể lại rằng: một hôm Cụ Hiệp phụ tiên, Cụ Hiền đứng xem. Bỗng bút đào chỉ vào Cụ Hiền mà viết: “Thử nhi thập bát đại đăng khoa” (có nghĩa là “cậu bé này mười tám tuổi sẽ đỗ cao), rồi lại viết trên gạo cho Cụ một bài thơ như sau:
Ngộ nhập hồng trần tuý vi tinh,
Đại la ưng thị thác đăng doanh.
Tam tiên sơn hạ do tiền độ,
Thiên phất kinh trung dĩ thử sinh.
Địa ải Thang châu dung thiếu tuấn, 
Thiên lưu lạc xã ngọa kỳ anh.
Phi vô kham phá phồn hoa nhãn,
Chỉ khủng đông phong thái bất bình.

Theo cách giải đoán thơ bói Tiên thì bài thơ trên đây có ý nghĩa như sau: “Đây là một vị Tiên giáng nhầm xuống cõi trần. Vừa xuống trần đã đỗ cao. Khi trẻ trung thì ở đất Thanh Hoa (Thanh Hóa). Lúc già thì ở nước ngoài. Bỏ cả công danh phú quý lo việc cho đời. Nhưng không gặp thời vận nên không thành công”.
Khoa thi năm Giáp Thân (1884) Cụ đỗ Cử nhân, lúc đó mới 17 tuổi.
Năm sau, 18 tuổi, Cụ thi Hội, rồi thi Đình. Cụ đỗ Đình nguyên Tam giáp, nhưng gặp biến cố Kinh thành thất thủ, chưa kịp truyền lô (thông báo danh sách), khoa thi ấy bị bỏ. Cách tám năm sau, đến năm Nhâm Thìn (1892), Cụ lại dự thi và lại đỗ Đình nguyên. Không ngờ có việc trục trặc trong việc quan trường ra đề thi, nhà vua bắt tổ chức thi lại. Thi lại, Cụ đỗ Nhị giáp Tiến sĩ, cũng gọi là Hoàng giáp.
Như vậy, kể về việc thi cử thì Cụ đã đi thi và đỗ 4 lần: 17 tuổi, đỗ Cử nhân, 18 tuổi, đỗ Đình Nguyên; 25 tuổi, lại đỗ Đình nguyên (hai lần này kỳ thi đều bị bỏ), và sau cùng đỗ Hoàng giáp.
Đi thi và đỗ không phải là ước nguyện của Cụ, song vì vâng mệnh cha, và cũng vì những lý do khác, Cụ đã phải đi thi và đã đỗ. Sau này, trong bài văn tế Cụ, Phan Bội Châu có viết: “Ngang mắt trắng liếc phường lưu lục, kệ thây cá chậu chim lồng; Bước mây xanh che mắt trần ai, thời cũng bảng rồng tháp nhạn...”, đủ nói rõ chí hướng của cụ Nguyễn Thượng Hiền trong cuộc sống thời đó.
Sau khi Nguyễn Thượng Hiền đỗ Hoàng Giáp, Cụ Hiệp dâng sớ cho con nghỉ 10 năm để đọc sách thêm. Vua chỉ cho nghỉ 3 năm, rồi bổ đi làm Đốc học Ninh Bình, sau đổi ra Đốc học Nam Định.
Năm Đinh Mùi (1907), thực dân Pháp phế vua Thành Thái, Cụ Hiền bèn xin từ chức về nhà để phụng dưỡng Cụ Hiệp khi đó đã 80 tuổi.
Lúc ấy, Hoàng Cao Khải biết Cụ là bậc nhân tài, đã tìm cách dỗ Cụ ra làm việc với Pháp, nhưng không được.
Để tránh con mắt cú vọ của thực dân và bè lũ tay sai, Cụ đã về ở ấp Lan Châu thuộc huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa, sát ngay chân núi Nga Sơn tức núi Nưa. ở đây Cụ đã ngầm liên lạc, kết giao với các bậc chí sĩ cách mạng như Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ v.v... cùng nhau tìm đường cứu nước.
Sau này trong tập thơ văn Nguyễn Thượng Hiền có nhiều bài nói lên tâm sự của Cụ và ca ngợi cảnh trí thiên nhiên ở vùng này, như hai bài Hoàn Sơn, bài Qui Na Sơn Biệt thư v.v...
Tháng ba năm Mậu Thân (1908), Cụ Hiệp mất. Cụ Nguyễn Thượng Hiền lo việc tang xong và ở nhà cư tang ba tháng. Sau đó Cụ bí mật cải trang, lên Lạng Sơn rồi sang Trung Quốc, gặp các nhà chí sĩ cách mạng, trong đó đặc biệt gắn bó là cụ Sào Nam Phan Bội Châu, cùng hoạt động mưu lược đuổi Tây cứu nước. Cụ đã liên kết với Tôn Dật Tiên (Tôn Văn) đã hoạt động mạnh trong công cuộc vận động cách mạng chống Pháp, vận động phong trào xuất dương, viết báo làm Tổng chủ bút tờ. Tĩnh Châu Nhật báo là một tờ báo cách mạng của Trung Quốc thời ấy. Rồi Cụ sang Nhật Bản, sang Xiêm hoạt động ráo riết, tập trung vào mục đích chống Pháp, giành lại độc lập, và tìm hướng làm quốc kế dân sinh, mong cho dân giàu nước mạnh.
Về hoạt động của Cụ ở nước ngoài, gần đây, năm 1982, trong tờ Sơn Tây đại học học báo của Trung Quôc có bài: “Tân Hợi Cách mạng tiền hậu Việt Nam chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền lữ Tấn sử thực câu trầm”, tức là “Tìm lại dấu vết của nhà chí sĩ Việt Nam Nguyễn Thượng Hiền ở Sơn Tây (Trung Quốc) trước và sau Cách mạng Tân Hợi”. Bài viết gồm 6 phần: 1- Đề xuất vấn đề; 2- Thân thế Nguyễn Thượng Hiền; 3- Nguyễn Thượng Hiền ở Nhật Bản; 4- Nguyễn Thượng Hiền trong thời kỳ Cách mạng Tân Hợi; 5- Việc giao du của Nguyễn Thượng Hièn khi ở Sơn Tây; 6- Nguyễn Thượng Hiền mất. Bài viết cung cấp nhiều chi tiết về tư tưởng và hoạt động của Cụ trong ngót 20 năm bôn ba ở nước ngoài mà chúng ta chưa được biết. Sau đây là một đoạn trong bài báo: “Xuất thân thư sinh, vóc người nhỏ nhắn, nên lúc xuất dương, Cụ đã cải nữ trang mà đi trót lọt. Qua nhiều năm tháng bôn ba gian khổ với một tâm tư lo nghĩ triền miên, từ tuổi thanh niên cho đến lúc già, lại sống xa gia đình, một thân đất khách, nên sức khỏe của Cụ giảm sút mau. Những năm cuối, Cụ đã về nghỉ tại chùa Thương Tịch Quang Lan Nhược trên núi Cô Sơn ở giữa Tây Hồ, thuộc tỉnh Hàng Châu, và đã từ trần tại ngôi chùa ấy. Đấy là ngày mười ba, tháng mười một, năm ất Sửu, đối chiếu sang dương lịch là ngày 28 tháng 12 năm 1925. Năm ấy Cụ mới 57 tuổi. Thực hiện ý nguyện cuối cùng của Cụ khi lâm chung, người ta đã hỏa táng, đem tro rải xuống sông Tiền Đường. Vì vậy mà Cụ không có mộ. Cụ đã sống 57 năm. Tuổi t họ không cao. Nhưng với tâm hồn cực kỳ trong sáng, mang bầu nhiệt huyết rất đỗi ưu thời, Cụ đã hiến trọn cuộc đời cho lý tưởng vì dân vì nước”.
Nguyễn Thượng Hiền để lại một khối lượng tác phẩm khá lớn, chủ yếu được tập hợp trong Hạc thư ngâm biên, Hát Đông thư dị, Nam Chi tập, Mai Sơn ngâm thảo, Mai Sơn hợp toản thi tập...
Bài Giang hồ ngụ hứng sau đây là của Nguyễn Thượng Hiền làm tặng bạn bè trước lúc lên đường đi Trung Quốc. Bài này do Cụ Nhiên biệt hiệu Hi Hạo, cán bộ hưu trí ở phố Nguyễn Siêu (Hà Nội) cung cấp. Cụ Nhiên cho biết thêm: xưa, Nguyễn Thượng Hiền có chơi thân với thân phụ Cụ, lúc xuất ngoại đã để lại bài này, thân phụ Cụ và gia đình vẫn giữ gìn cẩn thận cho đến ngày nay. Nhận thấy đây là một tài liệu quý, chúng tôi xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.
Phiên âm:
Giang hồ ngụ hứng
Giang hồ ngụ khách,
Thiên địa tản nhân.
Nhất tháp nhàn ngâm,
Chung niên lãn ngọa.
Trường phong xuy đáo, toại kiết thức ư danh sơn,
Cựu nguyệt lai thời, mỗi đăng lâm ư tuyệt đỉnh.
Phong tao lưu lạc, thiên thu chi phủ ngưỡng hà cùng?
Cảnh vật hoang lương, cô chương chi vãng lai thùy công?
Tuy bế môn thời hữu sách cú,
Nhi khai quyển bất dĩ thị Ngân
Hà kỳ: Trướng hạ thư nhân,
Đăng tiền tú sĩ.

Ngộ tương từ khách,
Nhận tác kinh sư.
Chấp điếm đồ lai, an hữu Dương Vân chi ỷ tự,
Cử bôi tự tiếu, duy dữ Lý Hạ chi huề nang.
Tòng ngã du hồ,
Dữ quân lạc thử.
Hoặc điểu cổ hoài nhân chi tác,
Hoặc đăng sơn lâm thủy chi ca.
Đắc cú tương chiêu,
Huề hồ cộng thưởng,
Tẩy trần khâm ư tốt tuế, hoạn hải giao lâm,
Yêu dật hứng ư phong tiền, thanh sơn đối ngã.
Chỉ hữu Tô thiên Lý luật, tương kỳ vãng triết ư thanh phong,
Nhược phù Lã sớ Trịnh tiên, tự hữu hậu lai chi năng giả.
Dịch nghĩa:
Khách ở chốn giang hồ,
Khắp đất trời nhàn tản.
Nhàn nhã ngâm nga một chõng,
Quanh năm nhác lười nằm khểnh.
Gió xa thổi tới, kết chặt với danh sơn,
Trăng cũ lại kìa, mỗi khi trèo lên tuyệt đỉnh.
Khách văn chương vắng vẻ, ngàn thu cúi ngửa sao cùng ?
Cảnh vật hoang lương, non cao vắng vẻ, biết cùng ai lui tới ?
Tuy an cư cửa đóng cũng có khi tìm thấy câu hay,
Nhưng không biết bảo cho ai khi mở quyển ?
Sao lại là thư sinh dưới trướng, tú sĩ trước đèn,
Lỡ làm khách văn chương, lầm làm thầy dạy sách.
Tự cười khi nâng chén, cho mình là Lý Hạ đeo thơ.
Theo ta du ngoạn ư ?
Cùng chung vui thú ấy.
Hoặc hoài cổ nhớ người cảm tác,
Hoặc lên non xuống suối ngâm nga.
Câu đắc ý tỏ trao nhau,
Bầu rượu ngon cùng thưởng thức.
Dũ bụi áo năm tàn, biển hoạn rời xa,
Trước gió tìm hồn thơ với non xanh đối mặt, chỉ có
Còn như Trịnh, Lã từ chương, tự có người đời sau theo kịp.
Dịch vần:
Khách ở chốn giang hồ,
Khắp đất trời nhàn tản.
Một chõng thư thả ngâm nga,
Quanh năm nhác lười nằm khểnh.
Gió dài đuổi tới, kết lại ở danh sơn,
Trăng cũ lại về, mỗi khi trèo lên tuyệt đỉnh.
Văn chương lác đác, ngàn năm cúi ngửa sao cùng,
Cảnh vật thê lương, non côi tới lui ai tá?
Dẫu cửa đóng, câu hay đôi khi cũng có,
Nhưng mở quyển, chẳng để dạy bảo ai.
Sao lại là thư sinh dưới trướng, tú sĩ trước đèn?
Lỡ làm khách thơ, lầm làm thầy dạy,
Cầm đệm đến suông, như Dương Vân cậy chữ(2)
Nâng chén tự cười mình, những cùng Lý Hạ đeo thơ(3)
Cùng chung lạc thú ấy.
Hoặc hoài cổ nhớ người cảm tác,
Hoặc lên non xuống suối ngâm nga.
Câu đắc ý tỏ trao nhau,
Bầu rượu ngon cùng thưởng thức.
Dũ bụi áo năm tàn, biển hoạn rời xa,
Trước gió tìm hồn thơ, non xanh đối mặt.
Chỉ có thơ phú Lý, Tô, hẹn câu triết lý đón gió thanh(4)
Còn như từ chương Trịnh Lã, tự có người đời theo sau kịp.(5)
T.H.K – L.X.H
CHÚ THÍCH
(1) Bài tưởng niệm do nhà giáo Nguyễn Thượng Xứng (cháu đích tôn của Cụ Nguyễn Thượng Hiền) đọc trong buổi lễ tưởng niệm thứ 66 ngày mất Nguyễn Thượng Hiền tổ chức tại ứng Hòa, Hà Tây, 18/ 12/ 1991.
(2) Dương Vân cậy chữ: chưa rõ điển cố.
(3) Lý Hạ, tôn thất nhà Đường, có tài thơ văn. Làm thơ không lập đề trước, mỗi khi cưỡi ngựa đi chơi, có tiểu đồng đeo túi gấm đi theo, hễ gặp tứ thơ hay, bèn viết bỏ vào túi đeo.
(4) Lý, Tô: tức Lý Bạch và Tô Đông Pha, hai nhà thơ lớn đời Đường.
(5) Trịnh, Lã: tức Trịnh Huyền, Lã Tổ Khiêm. Trịnh Huyền nhà thơ lớn đời Hán; Lã Tổ Khiêm nhà thơ đời Đường./.

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh