Lê Văn Quán
Nhân dạy môn “Lịch sử tư tưởng Trung Quốc”, đọc tham khảo một thiên trong Hàn Phi Tử, tôi thấy có một số chỗ dịch chưa thoả đáng như sau(2): 1) Ở câu: “Toản toại thủ hỏa dĩ hoá tinh tao” ở tập II, tr.191 dịch là: “… xoi cây lấy lửa để nấu thức ăn tanh hôi… “không chính xác. Vì ở đây, từ “hoá” không chỉ có nghĩa là “nấu” mà còn có ý nghĩa là “trừ khử”. Do đó, chỗ này nên dịch là: “… xoi cây lấy lửa nấu khử mùi tanh hôi của thức ăn…”. 2) Ở câu: “Thị dĩ thánh nhân bất kỳ tu cổ, bất pháp thường khả, luận thể chi sự, nhân vi chi bị” Ở tr.192 dòng 12, dịch là: “Cho nên bậc thánh nhân không cốt trau dồi chuyện xưa, không noi theo những phép tắc bất biến, khi bàn việc ở đời thì dựa theo tình hình của thời mình mà đặt ra những biện pháp”. Trước hết có một số từ dịch chưa sát như: - “cổ”: đạo xưa, phép xưa (đạo xưa của bậc tiên vương, chứ không phải “chuyện xưa”. - “thường khả”: dịch là “phép tắc bất biến” cũng được, nhưng nên dịch là “lệ cũ, lệ xưa”, người đọc dễ hiểu hơn. - “thế”: đương thế, đương thời, không chỉ là “đời”. - “sự”: sự tình, tình hình, chứ không phải chỉ bó hẹp ở “sự việc, việc làm”. Chữ này dịch giả còn mắc ở một số trường hợp khác (xem trường hợp 6). Vì vậy toàn câu có thể dịch là: “Cho nên bậc thánh nhân không cốt làm theo đạo xưa, không bắt chước lệ cũ mà bàn luận tình hình đương thời, căn cứ vào tình hình đó đặt ra biện pháp”. 3) Ở câu: “Bạc hậu chi thực dị dã” ở tr.193, d.23, dịch là “bởi vì một bên sang một bên hèn thực tế rất khác nhau”. Ở đây hai từ “bạc hậu” không phải là “một bên sang một bên hèn” mà là vấn đề quyền lợi nhiều hay ít. Câu này có thể dịch là: “… đó là vì tình hình thực tế lợi ích lớn nhỏ khác nhau”. 4) Ở câu: “Phi sơ cốt nhục, ái quá khách dã, đa thiểu chi thực dị dã”, ở tr.193, d.32, dịch là: “Đó không phải vì nguowif ta coi nhẹ những người cốt nhục mà yêu người khác qua đường. Đó là thực tế có nhiều hay ít cho nên trong bụng nghĩ khác”. Trong câu này không có từ nào có nghĩa là “trong bụng”, hơn nữa, cả đoạn văn này tác giả đang nói đến của cải vật chất, cho nên không nên dịch như vậy. Câu này nên dịch là: “Đó không phải vì người ta coi nhẹ những người ruột thịt, yêu người khách qua đường mà là vì tình hình thực tế lương thực nhiều ít khác nhau”. 5) Ở câu: “Khinh từ thiên tử, phi cao dã, thế bạc dã. Trọng tranh thổ thác, phi hạ dã, quyền trọng dã”, ở tr. 194, dịch là: “Người xưa coi nhẹ việc từ bỏ ngôi thiên tử không phải vì họ thanh cao, đó là vì cái thế của nó ít. Ngày nay coi trọng một nắm đất không phải là kém”. Câu dịch “ngày nay coi trọng một nắm đất không phải là kém” làm cho độc giả hơi ngạc nhiên. Tôi ngờ rằng văn bản chép sai, bèn tra cứu thêm một vài tài liệu thì thấy, chữ “thổ” 土 chính là chữ “sĩ” 士 viết nhầm(3). Chữ “sĩ” có nghĩa là “làm quan”. Ở đây chữ “thác” cách dùng giống chữ “thác 托 ” có nghĩa là “dựa vào”, dịch giả bỏ không dịch. Theo tôi câu này nên dịch như sau: “Người xưa dễ dàng từ bỏ ngôi thiên tử, không phải vì phẩm đức cao thượng mà là vì quyền thế ít. Ngày nay mọi người coi trọng việc làm quan, dựa vào bọn quyền quý, không phải vì phẩm đức kém, mà là bởi quyền thế lớn”. Ở câu: “Cố sự nhân vu thế, nhi bị thích vu sự”. Ở tr. 194, d5, dịch là “… cho nên sự việc phải dựa theo cái thế mà thay đổi và việc phòng bị là phải thích hợp với công việc”. Ở đây, có hai từ dịch chưa ổn: a. thế: thời đại, chứ không phải là “cái thế”. b. bị: biện pháp (thi hành), giống như chữ “bị” ở trưởng hợp 3, không phải có nghĩa là “phòng bị”. Câu này có thể dịch: “cho nên tình hình thay đổi theo thời đại và biện pháp thi hành phải thích hợp với tình hình (đã thay đổi)”. 7) Ở các câu: “Kim Nho, Mặc giai xưng tiên vương, kiêm ái thiên hạ, tắc thị dân như phụ mẫu chi ái tử. Hà dĩ minh kỳ nhiên?” Ở tr. 196, d.1. dịch là: “Nay hai phái Nho và Mặc đều ca ngợi các tiên vương, yêu tất cả thiên hạ, nên dân chúng xem họ như cha mẹ. Họ lấy cái gì để chứng minh điều đó: Ở đây câu “tắc thị dân phụ mẫu chi ái tử” là nói tình thường yêu của tiên vương đối với dân chúng như cha mẹ yêu con, chứ không phải dân chúng xem họ như cha mẹ. Do đó câu này nên dịch là: “Nay hai phái Nho và Mặc đều ca ngợi tiên vương yêu tất cả thiên hạ, đối đãi dân chúng giống như cha mẹ yêu con mình. Lấy cái gì để chứng minh các bậc tiên vương làm như vậy?” 8) Đoạn văn “Trọng Ni, thiên hạ thánh nhân dã, tu hành minh đạo, dĩ du hải nội. Hải nội duyệt kỳ nhân, mỹ kỳ nghĩa, nhi phục dịch giả thất thập nhân. Cái quý nhân giả quả, năng nghĩa giả nan dã. Cố dĩ thiên hạ chi đại, nhi vi phục dịch giả thất thập nhân, nhi vi nhân nghĩa giả nhân”. Ở tr. 196, d.29, dịch là: “Trọng Ni là bậc thánh nhân trong thiên hạ. Ông ta trau dồi thân mình, đi chu du trong thiên hạ. Những người trong thiên hạ chuộng chữ nghĩa của ông ta có bảy mươi người. Như thế đủ thấy những kẻ quý chữ nhân rất ít, những kẻ có thể làm được chữ nghĩa rất hiếm. Cho nên cả thiên hạ rộng lớn như thế mà những người theo nhân nghĩa chỉ có bảy mươi người, và người nhân nghĩa chỉ có một người”. Ở đây có một số chỗ dịch chưa thỏa đáng: a. “Tu hành minh đạo” dịch là “trau dồi thân mình” thì mới dịch được nghĩa của từ “tu” còn ba chữ “hành minh đạo” chưa dịch. Theo tôi, câu ấy nên dịch: “tu thân dưỡng tính, làm sáng (tuyên dương) học thuyết nho gia của ông”. b. Từ “du” trong mẫu câu: “dĩ du hải nội” không nên dịch là “chu du” mà nên dịch là du thuyết (đi du thuyết trong thiên hạ). Vì Khổng tử ra đi là có mục đích hoạt động chính trị. C. Câu: “Hải nội duyệt kỳ nhân, mỹ kỳ nghĩa”. Ở đây, từ “duyệt” và từ “mỹ” đều được làm động từ phô diễn hai ý khá rõ: “người trong thiên hạ yêu mến điều nhân, ca ngợi (tán mỹ) điều nghĩa của ông ta”. Dịch giả gộp cả hai ý lại làm một và dịch hai từ này bằng từ “chuộng” (những người trong thiên hạ chuộng chữ nghĩa của ông ta”. d. Từ “nan” ở mẫu câu: “Năng nghĩa giả nan dã” nên dịch là “khó”, không nên dịch là “hiếm”. e. Từ “phục dịch” chỉ có một nghĩa là hầu hạ, nhưng ở câu trên dịch là hầu hạ, ở câu dưới dịch là “theo nhân nghĩa”. Theo tôi, đoạn văn trên nên dịch như sau: “Trọng Ni là bậc thánh nhân trong thiên hạ, tu thân dưỡng tính, tuyên dương học thuyết nho gia của ông ta, đi du thuyết trong thiên hạ. Người trong thiên hạ yêu mến điều nhân, ca ngợi điều nghĩa của ông ta, nhưng chỉ có bảy mươi người theo hầu hạ ông ta. Ấy bởi người coi trọng điều nhân quá ít, người có thể làm điều nghĩa cũng rất khó. Cho nên thiên hạ tuy rộng lớn như thế, nhưng chỉ có bảy mươi người theo hầu (Khổng tử) và người làm nhân nghĩa chỉ có một mình Khổng tử). 9) Câu: “Kim học giả chi thuyết nhân chủ dã, bất thừa tất thắng chi thế, nhi viết vụ hành nhân nghĩa, tắc khả dĩ vương, ở tr.197, d.7. dịch là “bọn học giả ngày nay, thuyết phục nhà vua lại không bảo dựa vào cái thế tất thắng mà cứ dạy cho họ lo việc nhân nghĩa, cho rằng làm thế thì có thể làm vương”. Đọc câu này, người đọc khó hiểu ở: “cái thế tất thắng”. Hai từ “tất thắng” không nên dịch theo âm Hán Việt mà nên chuyển dịch ra từ Việt. Chữ “thắng” này, theo cách đọc Hán Việt có hai âm: a. Thắng: thắng (bại), hơn… b. Thăng: cử dã, kham dã(4) (cất lên, nêu lên, chịu được). Ở đây nên dùng cách b, và hai từ “tất thăng” có nghĩa: phải chịu, phải theo, phải phục tùng. Câu đó có thể dịch như sau: “Bọn học giả nhà nho ngày nay khuyên vua, nói không nên dựa vào quyền thế bắt người ta theo, chỉ cần thi hành nhân nghĩa thì có thể làm vua”. 10) Ở câu: “phù ly pháp giả tội”, từ “ly 離 ” giống như “ly 罹 ” có nghĩa là “vi phạm” (vi phạm pháp luật là bị trị tội). Ở tr.199, d.27, dịch là “rời khỏi”. Từ “văn học” ở câu “nhi chư tiên sinh dĩ văn học thủ” nên dịch là “văn hiến kinh điển”, ở tr.199, d.28 dịch là “văn học” (thế nhưng các tiên sinh kia lại nhờ văn học mà được dùng). Nếu dịch như vậy thì nên chú thích ở dưới. Nếu không, người đọc dễ hiểu lầm với từ “văn học” ngày nay. Trong thiên này, các từ “văn học” hầu hết dịch giả đều dịch là “văn học”. 11) Ở mẫu câu: “… kiên giáp lệ binh dĩ bị nạn” tr. 201, d.17, dịch là: “… áo giáp làm chắc và khích lệ binh sĩ để đề phòng khi có nạn”. Ở đây hai từ “lệ binh” không thể dịch là khích lệ binh sĩ”. Từ “lệ 厉 ” giống như “lệ” 砺 có nghĩa là mài (sắc); từ “binh” là binh khí. Câu này nên dịch lại là: “… làm chắc áo giáp, mài sắc binh khí để đề phòng khi có nạn”. 12) Câu: “… vô tư kiếm nhi hãn, dĩ trảm thủ vi dũng. Thị cảnh nội chi dân, kỳ ngôn đàm giả tất quỹ ư pháp, động tác giả quy chi ư công, vi dũng giả tận chi ư quận”. Ở tr. 204, d.15, dịch là: “không có thanh kiếm tỏ ra ngang ngạng mà lấy chuyện chém đầu quân địch làm dũng cảm. Vì vậy dân chúng trong nước khi nói năng đều nói theo phép tắc, mọi hành động đều cốt lập công, mọi sự dũng cảm đều nhằm vào việc quân”. Trong câu này có một số từ dịch chưa thoả đáng: a. Từ hãn (cản) 捍 giống như (hãn, cản) 扞 có nghĩa là “can phạm, hung bạo”. Nó là danh từ làm trung tâm ngữ, vì thế khi dịch sang tiếng Việt cũng nên là danh từ có lẽ hay hơn. b. Câu “thị dĩ cảnh nội chi dân, kỳ ngôn đàm giả tất quỹ ư pháp…” dịch là: “Vì vậy dân chúng trong nước khi nói năng đều nói theo phép tắc”. Cách chấm câu ở đây không phải như vậy, sau từ “dân” đã có dấu phẩy chia tách ra hai ý rõ ràng, cho nên nhóm từ này không thể dịch là “khi nói năng”. Nhóm từ “ngôn đàm giả” là nói “bọn du thuyết” mà tác giả đã nói ở trên. c. Câu: “động tác giả qui chi ư công”. Ở đây “động tác giả” là chỉ người dùng sức lực (lao động chân tay); “công” là chỉ “công việc” (cày ruộng) chứ không phải là “công lao”. Cả câu này nên dịch như sau: “… không dùng sự can phạm của thanh kiếm riêng, mà lấy việc chém đầu quân địch là dũng cảm. Do đó, dân chúng trong nước, kẻ nói nặng ắt phải tuân theo pháp độ, những người dùng sức lực (lao động chân tay) đều sẽ trở về với công việc đồng ruộng, những người dũng cảm đều sẽ tham gia quân đội”. 13) Câu: “sự thành tắc dĩ quyền trường trọng, sự bại tắc dĩ phú thoái xử” ở tr. 206, d.2, dịch là: “Nếu chủ trương của họ có kết quả thì quyền họ càng thêm lớn, nếu chủ trương của họ mà thất bại thì họ đã được giầu có rồi mới rút lui”. Ở đây, nhóm từ “dĩ quyền trường trọng” không thể dịch là “quyền họ càng thêm lớn”, vì từ “trọng” có nghĩa là “trọng dụng”, “trường” là trạng từ có nghĩa là lâu dài, tu sức cho “trọng”. Do đó, câu này nên dịch: “Nếu sự tình thành công thì bọn họ dựa vào quyền thế mà được trọng dụng lâu dài (ở trong nước); sự tình thất bại thì họ dựa vào của cải thu được mà rút lui yên thân”. 14) Câu: “trị cường bất khả trách ư ngoại, nội chính chi hữu dã”, ở tr.206, d.22, dịch là: “Nhưng nước trị yên và mạnh thì không thể nhờ cậy ở bên ngoài mà lệ thuộc vào chính sự ở trong nước”. Các từ “ư ngoại” không nên dịch là “ở bên ngoài” mà vẫn cứ theo như câu trên đã dịch: “chính sách đối ngoại” (hoạt động ngoại giao). Vì ở đây là chỉ công việc ngoại giao và nội chính, chứ không phải là “ở bên ngoài” nói chung. Từ “hữu” không nên dịch là “lệ thuộc” mà nên dịch là “đạt được”. Câu này dịch như sau” Trị và mạnh không thể cậy nhờ ở hoạt động ngoại giao, mà chỉ có thể đạt được trong công việc nội chính”. 15) Câu: “Thị cố loạn quốc chi tục, kỳ học giả tắc xưng tiên vương chỉ đạo dĩ tịch nhân nghĩa…” ở tr. 208, d. 24, dịch là: “Vì vậy cái tục của những nước loạn là bọn học giả trong nước khen cái đạo cảu các tiên vương để tỏ ra mình nhân nghĩa”. Ở đây cả cụm từ: “dĩ tịch nhân nghĩa” không thể dịch là: “để tỏ ra mình nhân nghĩa”. Vì chữ “dĩ” ở đây như chữ “nhi”, dùng làm liên từ, có nghĩa là “và”; chữ “tịch” 籍 như chữ “tạ” 藉 , có nghĩa là “nương nhờ”, dựa vào(5). Vì vậy, câu đó nên dịch là bọn học giả nhà Nho này khen cái đạo của bậc tiên vương, mượn nhân nghĩa (để tiến hành thuyết giáo)”. Như ở đầu bài tôi đã trình bầy, tôi không có ý viết bài này. Nhưng vì mới đọc một thiên “Năm bọn sâu mọt” gồm tất cả 19 tr. sách dịch mà đã có những chỗ dịch chưa hợp lý như trên. Tôi mong Nhà xuất bản Văn học và dịch giả xem lại cả bản dịch (hai tập gồm 493tr.) có chỗ nào sai nên có phần đính chính, để độc giả khỏi băm khoăn. Hà Nội, ngày 14 tháng 4 năm 1991. Lê Văn Quán --- Chú Thích (1) Phan Ngọc dịch, Nxb. Văn học, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam Ninh, 1990. (2) Tất cả các trường hợp dẫn ra ở đây đều ở thiên XLIX, Năm bọn sâu mọt (Ngũ dổ). (3) Độc Hàn Phi Ngũ đố thiên, Nhân dân xuất bản xã, Bắc Kinh, 1975, tr.20. (4) Thuyết văn đại từ điển, Thiên Tân thị cổ tịch thư điếm ảnh ẩn, 1980, Q.2. tr.41. (5) Xin xem Cổ đại Hán ngữ, Vương Lực chủ biên (tu đính bản) đệ nhị sách. Trung Hoa thư cục, 1981, tr.414. |
Newer articles
Older articles