Bằng vào những bài viết của Phạm Quỳnh thuộc nhiều lĩnh vực nói chung và phần văn học nói riêng, về cơ bản chúng tôi đánh giá cao vai trò của Phạm Quỳnh và tạp chí Nam Phong trong việc xây dựng nền quốc học và quốc văn cho nước nhà hồi đầu thế kỷ XX
Sau cuộc chiến “bình định” bằng súng đạn (từ 1858 đến 1897), thực dân Pháp đắt đầu chuyển sang tấn công nước ta trên mặt trận văn hóa.
Nam Phong tạp chí (
1917-1934) (
Nam Phong Tạp chí, (Văn học khoa học tạp chí), Đông Kinh ấn quán, Imprimerie Tonkinoise 14-16, Rue du Coton, HN, (từ tháng 7 năm 1917 đến tháng 12 năm 1934) là sự nối tiếp của
Đông Dương tạp chí (1914-1917). Chánh mật thám Đông Dương Louis Marty là “người sáng lập” ra tạp chí này đã chọn Phạm Quỳnh làm chủ bút phần Việt ngữ, và Nguyễn Bá Trác làm chủ bút phần Hán ngữ.
Trong bối cảnh chính trị của nước nhà những năm đầu thế kỷ XX, không thể làm gì để giành lại độc lập cho dân tộc, Phạm Quỳnh chủ trương xây dựng một nền quốc học, quốc văn mới, từ đó dần dần tiến tới giành tương lai tươi sáng cho đất nước. Và ông đã đành lòng cộng tác với Louis Marty với vai trò là chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí
Nam Phong. Nói đến
Nam Phong tạp chí, vì vậy, ít hay nhiều cần phải nói tới sự nghiệp của Phạm Quỳnh.
Phạm Quỳnh sinh ngày 17 tháng 12 năm 1892 tại số nhà 17, phố Hàng Trống, Hà Nội. Bút danh Thượng Chi, Hồng Nhân, Hoa Đường, Lương Ngọc. Nguyên quán họ Phạm này vốn ở làng Lương Ngọc, phủ Bình Giang, nay là xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Thân phụ là Phạm Hữu Điển đỗ tú tài nho học, thân mẫu là Vũ Thị Đoan. Phạm Quỳnh mồ côi mẹ từ khi mới chín tháng tuổi, và đến năm 9 tuổi, lại mồ côi cha, sống trong tình yêu thương và sự chăm sóc dạy dỗ của bà nội từ nhỏ. Năm 1908, Phạm Quỳnh tốt nghiệp thủ khoa Trường trung học Bảo Hộ (Collège du Protectorat), ra làm thông ngôn tại Trường Pháp quốc Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội (École Française d’Extrême-Orient). Một năm sau, năm 1909, kết duyên với cô Lê Thị Vân, sinh cùng năm 1892, nguyên quán làng Thọ Vực, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên (Theo: Phạm Thị Ngoạn,
Tìm hiểu tạp chí Nam Phong 1917-1934, Luận án tiến sĩ, nguyên tác Pháp văn đã đăng trong tập Kỷ yếu đệ nhị và đệ tam cá nguyệt 1973 của Hội Nghiên cứu các vấn đề Đông Dương, bản dịch của Phạm Trọng Nhân, Ý Việt, Yerres, 1993). Có lẽ, với tài năng, tư chất của một người đỗ “thủ khoa” và đã có những năm tháng làm việc ở nơi viện sách Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội, được tiếp cận với bao nhiêu sách vở, tri thức Đông Tây kim cổ, Phạm Quỳnh sớm trở thành một người có học vấn uyên bác? Trí thức Bắc Hà thời đó đã suy tôn “Tràng An tứ hổ”, gồm bốn học sinh xuất sắc nhất trường Thông ngôn Hà Nội là: “Vĩnh – Quỳnh – Tố – Tốn”. (“Vĩnh – Quỳnh – Tố – Tốn”: Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn V
ăn Tố, Phạm Duy Tốn).
Từ năm 1917 đến năm 1932, Phạm Quỳnh làm Chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí
Nam Phong, phụ trách lớp dạy về Ngôn ngữ và văn chương Hán Việt tại Trường cao đẳng Hà Nội từ năm 1924 đến năm 1932. Ông là người sáng lập và là Tổng thư ký Hội Khai trí tiến đức tại Hà Nội, Hội trưởng Hội Trí tri Bắc Kỳ từ năm 1925 – 1928, Phó Hội trưởng Hội địa dư Hà Nội năm 1931 và Tổng Thư ký Ủy ban Cứu trợ Xã hội Bắc kỳ năm 1931-1932. Ngày 11 tháng 11 năm 1932, Phạm Quỳnh được Hoàng đế Bảo Đại bổ nhiệm chức Thượng thư kiêm Ngự tiền Văn phòng, rồi đến ngày 02 tháng 5 năm 1933, được bổ nhiệm chức Thượng thư Bộ Quốc gia Giáo dục, kết thúc thời kỳ làm chủ bút
Tạp chí Nam Phong từ số 198 năm 1932. Chức vụ chủ bút
Nam Phong tạp chí lúc đầu chuyển giao cho Nguyễn Trọng Thuật, rồi tiếp đến Lê Văn Phúc và sau cùng được chuyển sang tay người con rể của ông là Hán Thu Nguyễn Tiến Lãng, một người rất giỏi tiếng Pháp và am hiểu văn hóa Tây phương. Bên cạnh đó, là sự trợ giúp của các nhà Hán học nổi tiếng: Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục, Lê Dư, Bùi Kỷ, Nguyễn Tường Tam… Nhưng cho dù ai chủ nhiệm, quản trị và dù có cố gắng thế nào đi nữa, thì sự nghiệp của
Nam Phong tạp chí cũng đành phải dừng lại ở tháng 12 năm 1934, với 210 số! Bởi vì, về chủ quan, hành trình 17 năm 6 tháng cho “cuộc đời” của một tạp chí ở vào giai đoạn trước Cách Mạng Tháng Tám, cũng là một hành trình khí dài, trí cũng cùng và lực đã kiệt. Song, dù sao
Nam Phong tạp chí cũng đã đi trọn con đường lịch sử của nó. Những người kế nhiệm quản lý tờ tạp chí đã không đủ sức để làm được như sự nghiệp của Phạm Quỳnh, và nhất là, về khách quan, khi
Nam Phong tạp chí phải đối mặt với những cuộc cách mạng lớn trên văn đàn: như cuộc cách mệnh thi ca của
Phong trào thơ mới mở đầu từ tháng 3/1932, và trào lưu lãng mạn của tiểu thuyết
Tự lực văn đoàn khởi phát từ năm 1933.
Nam Phong tạp chí đã trở nên bất cập trước tiến trình phát triển, trước sự đổi mới của lịch sử văn học nước nhà và trở thành đối tượng công kích của nhiều tờ báo, nhất là tờ
Phong Hóa, một tờ báo mang tính chất là cơ quan ngôn luận của
Tự lực văn đoàn, thể hiện một luồng tư tưởng mới với một sự đổi thay mới về hình thức và có sức thu hút ghê gớm trên văn đàn nước ta vào những năm ba mươi của thế kỷ trước. Tháng 12 năm 1934,
Nam Phong tạp chí “thoái vị”, “từ giã công chúng”. Bài “
Tổng thuật sự nghiệp Nam Phong” nằm ở trang 299, mở đầu cho số tạp chí cuối cùng, số 210, do Nguyễn Hữu Tiến soạn, bằng một giọng văn tràn đầy xúc động nồng nàn, đã để lại cho độc giả một nỗi niềm bâng khuâng… Nó được tác giả bài báo ví như “bài hát giã đám của các anh em đào kép”. Trong bài viết, nhà bỉnh bút chung thủy với tờ tạp chí cho tới ngày vĩnh biệt độc giả này, đã ôn lại hành trình ngót mười tám năm hiện diện của
Nam Phong tạp chí trên văn đàn Việt Nam; tưởng cũng có thể lấy đó làm một trong những cơ sở để nhìn nhận, đánh giá vai trò của
Nam Phong, một tờ tạp chí có vị trí chủ đạo trong nền báo chí nước nhà trước Cách Mạng Tháng Tám. (Dù rằng đó là những lời nhận xét chủ quan của chính bản báo).
Qua bấy nhiêu năm tháng nhiệt tâm với sự nghiệp của tạp chí
Nam Phong, những bài viết của Phạm Quỳnh nói riêng và ảnh hưởng của tờ tạp chí nói chung, mai sau chắc sẽ còn nhiều người, nhiều ngành khoa học khác nhau tìm đến thẩm định, đánh giá theo những góc độ khoa học riêng của mỗi ngành và nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của mỗi người. Ngoảnh lại, sáu mươi, bảy mươi năm đã trôi qua, không ít người khen, và cũng không ít người từ những góc độ và những thời điểm nhất định của lịch sử – xã hội trước đây lên án Phạm Quỳnh, ông chủ bút của tạp chí
Nam Phong. Nhưng thời gian sẽ là thước đo những giá trị đích thực của mỗi sự việc và mỗi con người!
Bằng vào những bài viết của Phạm Quỳnh thuộc nhiều lĩnh vực nói chung và phần văn học nói riêng, về cơ bản chúng tôi đánh giá cao vai trò của Phạm Quỳnh và tạp chí
Nam Phong trong việc xây dựng nền quốc học và quốc văn cho nước nhà hồi đầu thế kỷ XX…Đọc văn Phạm Quỳnh ta “đọc” được tư tưởng, tình cảm và lòng khát khao của ông về việc xây dựng một nền quốc học, quốc văn mới cho nước nhà những năm đầu thế kỷ XX. Trước đây, vì nhiều lý do khác nhau, đã có những nhận định như những tảng đá nặng đè lên cuộc đời và văn nghiệp của Phạm Quỳnh. Không nên lật ngược lại hoàn toàn điều đó, nhưng cũng không nên quá “ám ảnh” vào những điều đó. Vấn đề là, đến nay chúng ta đã có đủ điều kiện để nghiên cứu trong một không gian rộng lớn, cái nhìn tỉnh táo hơn, thì cần có điều chỉnh và xem xét lại một cách công bằng, khoa học hơn. Khoa học trước sau vẫn phải được nhìn nhận bằng cái nhìn khoa học… Xét riêng về văn học, thật khách quan để nhìn nhận, những gì Phạm Quỳnh làm được và để lại cho đời, cứ xem vào quá khứ buổi quốc văn còn sơ khai hồi đầu thế kỷ XX cho đến nay, đều là rất đáng quý. Ảnh hưởng lâu dài của văn trên
Nam Phong và văn nghiệp của Phạm Quỳnh đối với sự phát triển của nền văn học nước nhà đã có nhiều người khẳng định. Chúng tôi ghi nhận ở ông chủ bút Phạm Quỳnh, là một người tài hoa, uyên bác, một tấm lòng trải gần 18 năm khát khao “phụng sự cái chủ nghĩa bồi đắp cho nền quốc văn” đầy nhiệt thành của ông. Ông là một nhà văn lớn, một học giả lớn về văn hóa, văn học của nước ta giai đoạn đầu thế kỷ XX. Tấm lòng của ông, công sức của ông đối với văn hóa, văn học của dân tộc ta ở vào giai đoạn “tìm đường” ấy, là rất đáng được những lớp người của thế kỷ XXI khẳng định, tôn vinh. “
Dạ đài cách mặt khuất lời…” (Nguyễn Du –
Truyện Kiều). Lịch sử văn học Việt Nam đến nay cần nhìn nhận ông như những tác giả khác đầu thế kỷ XX. Đằng sau những bài viết có giá trị học thuật khá cao, mà ở vào giai đoạn bấy giờ ít có người nào có được một tri thức thâm viễn như ông, là hình ảnh của ông. Ông mong ước qua việc kiến thiết vững vàng nền quốc học, quốc văn mà dân trí ta ngày một mở mang, đất nước ta ngày một đi lên, từ đó sẽ dần dần tiến tới tương lai văn minh, tươi sáng cho dân tộc trong những ngày đau thương của đất nước.
Trong bóng đêm đen tối của lịch sử dân tộc những năm đầu thế kỷ XX, đặt bên những nẻo đường cứu nước của nhiều chí sĩ cùng thời, đến nay nhin lại, chúng ta cần ghi nhận ở ông một tinh thần dân tộc và một phần công lao không nhỏ của ông bắt nguồn từ một tấm lòng nhiệt thành đối với nền “quốc văn”, “quốc học” của nước nhà, giữ gìn lấy cái tinh hoa của dân tộc giống nòi, đồng thời biết tiếp nhận cái hay của người mà bồi bổ, gây dựng lấy cho mình một nền văn hóa mới, một nền văn học mới.
(Bài đã đăng trên
Thông báo khoa học Trường Đại học Hải Phòng, số 6/2007, tr 51-55 và
Thông tin Khoa học Xã hội và Nhân văn Hải Phòng, số 2 (42) 2012, tr 50-52. In lại có bổ sung)
Nguyễn Đức Thuận