Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

PHẢN BIỆN SÁCH “VIỆT NAM THẾ KỶ X – NHỮNG MẢNH VỠ LỊCH SỬ” CHỦ ĐỀ 5: CHUYỆN GIA ĐÌNH NGÔ NHẬT KHÁNH KỲ 2. PHẢN BIỆN CÁC “BỔ ĐỀ” - MẸ NGÔ NHẬT KHÁNH LÀ HOÀNG HẬU MẤY TRIỀU?

TUEsday - 14/05/2019 13:09
Người quan tâm tới chủ đề lịch sử Việt Nam thế kỷ 10 có thể nhận ra ngay, đây là chủ đề có nhiều ý kiến nhất trong khoảng 20 năm qua, là “tâm điểm” tranh luận vì sự sai khác và có “nhiều biến số” theo cách nói của toán học, nhiều lời giải nhất của giai đoạn lịch sử này. Nói rộng ra, “chuyện cung đình nhà Đinh” có nhiều biện giải nhất, trong đó, cãi lõi chính là chuyện gia đình Ngô Nhật Khánh.
Tượng Đại Thắng Minh Hoàng Hậu ở Hoa Lư, người duy nhất làm hoàng hậu 2 triều trong lịch sử Việt Nam; ảnh: Wikipedia

Tượng Đại Thắng Minh Hoàng Hậu ở Hoa Lư, người duy nhất làm hoàng hậu 2 triều trong lịch sử Việt Nam; ảnh: Wikipedia

1. QUAN ĐIỂM “TỔNG HỢP” CỦA TÁC GIẢ:

Tác giả Trần Trọng Dương đưa ra 2 giả thuyết về mẹ Ngô Nhật Khánh:

- Mẹ Ngô Nhật Khánh là hoàng hậu 2 triều Ngô – Đinh (nghiêng nhiều về giả thuyết này)

- (Nhưng không bác bỏ giả thuyết) Mẹ Ngô Nhật Khánh chính là Dương hậu mẹ Đinh Toàn, tức là hoàng hậu 3 triều Ngô-Đinh-Tiền Lê

Đối với giả thuyết 1, tôi đã giải quyết trong bài viết trước: Luận điểm này không vững.

Theo giả thuyết thứ 2 nêu trên, tác giả dựa vào “bổ đề” của một số tác giả:

a. Sách “Nhìn lại lịch sử” của Phan Duy Kha, Lã Duy Lan, Đinh Công Vỹ

b. Sách “Sử Việt đọc vài quyển” của Tạ Chí Đại Trường

c. Sách “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” của Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế

2. PHẢN BIỆN CÁC “BỔ ĐỀ”:

Cần bóc tách rõ ràng từng tài liệu được tác giả Trần Trọng Dương chú dẫn ở trang 272.

2.1. Tài liệu c là từ điển, thiên về đưa thông tin khái quát, không phải sách mang tính chất nghiên cứu chiều sâu. Phạm vi 1 mục từ trong cuốn từ điển không cho phép các tác giả đi vào dẫn chứng, phân tích nhiều nguồn tài liệu để chứng minh một luận điểm. Tài liệu này chỉ có tính chất dẫn lại và ủng hộ quan điểm “hoàng hậu 3 triều Dương thị” mà thôi. Vì thế tôi không phản biện tài liệu này.

2.2. BỔ ĐỀ CỦA TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG:

Trang 97 tài liệu b của Tạ Chí Đại Trường, như tác giả Trần Trọng Dương chú dẫn, không có nội dung nào về chuyện triều Đinh (lại “mạo nguồn”?).

Có chăng trong sách này, Tạ Chí Đại Trường đưa ra “phát hiện” về ghi chép trong Đại Việt sử ký Toàn thư cho rằng:

Biên niên năm 978, chép cùng lúc “phong con nhỏ Hạng Lang làm thái tử” và “phong con thứ Toàn làm Vệ vương”, giải theo nghĩa chữ Hán thì “Hạng Lang” là “Chàng Lớn” và suy ra hàm ý của Toàn thư là: Hạng Lang sinh trước Toàn và Hạng Lang cũng là con đẻ của Dương hậu (2 người cùng mẹ). (Trong sách “Những bài dã sử Việt”, Tạ Chí Đại Trường cũng nêu lại ý kiến này, tr 153)

Suy đoán như vậy hơi “non” về cơ sở.

- Đại Việt sử ký toàn thư là “sản phẩm” của sử gia Nho giáo. Khi sách này ra đời, người soạn không cần “kiêng dè” gì mà phải viết theo kiểu “hàm ý” như Tạ Chí Đại Trường đã nêu. Dù kế thừa tư liệu từ triều đại trước, họ vẫn làm “tổng hợp” theo cách của họ mà vua chúa đương thời yêu cầu. Ghi chép về các con vua, sẽ ghi chép theo Cha chứ không phải theo Mẹ. Hạng Lang và Toàn được Đại Việt sử ký Toàn thư ghi chép với tư cách cùng là các con vua Đinh Tiên Hoàng, chứ không phải là con của cùng bà mẹ Dương hậu.

- Tên Hạng Lang mang nghĩa đen “Chàng Lớn” chỉ phản ánh tình cảm mà Tiên Hoàng dành cho vị hoàng tử ít tuổi này. Không vì vậy có thể suy ông cũng là con Dương hậu và lớn hơn Đinh Toàn. Ghi chép của Toàn thư chưa cho phép ta xác định chắc chắn Hạng Lang lớn hơn Toàn và cùng mẹ với Toàn.

- Trường hợp Toàn và Hạng Lang cùng mẹ sẽ được sử chép rõ, như trường hợp Lê Long Việt và Lê Long Đĩnh (Đại Việt sử ký toàn thư, phần đầu biên chép về Lê Trung Tông trong Kỷ nhà Tiền Lê). Không thấy sử sách xác nhận “cùng mẹ” giữa Toàn và Hạng Lang.

- Nếu Hạng Lang và Toàn cùng mẹ, khả năng cao là Toàn cũng trở thành nạn nhân của Đinh Liễn khi Hạng Lang bị giết đầu năm 979. Không có gì đảm bảo cho Liễn yên tâm rằng: một khi “mẹ 2 thằng ấy” đã đắc sủng thì “thằng em” không được kế ngôi thái tử khi “thằng anh” không còn, nên đã trừ phải trừ cả đôi.

Chính bởi, Toàn là con bà Dương hậu, một người có vẻ không được đắc sủng vào thời điểm Hạng Lang được phong thái tử, nên Toàn không khiến Đinh Liễn lo ngại và không trở thành mục tiêu ra tay của Liễn. Còn bà mẹ họ Dương của Toàn, cũng chính vì không được đắc sủng nên mới ngầm liếc nhìn sang “anh Thập đạo”, khoảng bắt đầu từ thời điểm này (978).

Như vậy Toàn và Hạng Lang không thể cùng mẹ như ý kiến của Tạ Chí Đại Trường; tuổi của Toàn có thể nhỏ hơn hoặc lớn hơn hoặc thậm chí bằng Hạng Lang (trong trường hợp 2 bà hậu đẻ cùng năm).

2.3. BỔ ĐỀ CỦA NHÓM ĐINH CÔNG VỸ:

Cuốn “Nhìn lại lịch sử” (2003) của nhóm Đinh Công Vỹ có lẽ là “bổ đề” mang tính chất “xương sống” cho giả thuyết này. 3 tác giả Phan Duy Kha, Lã Duy Lan, Đinh Công Vỹ đã căn cứ theo các cuốn gia phả họ Ngô và họ Đinh để đưa ra giả thuyết này. Trong cuốn “Bên lền chính sử” xuất bản sau đó 1 năm (2004), tác giả Đinh Công Vỹ lại dẫn giả thuyết này một lần nữa.

Cách đây hơn 10 năm, khi mới tham gia wikipedia, tôi đã nêu ý kiến bác bỏ quan điểm này.

2.3.1. Về thời gian biên soạn: Cuốn “phả hệ họ Ngô Việt Nam” mà nhóm Đinh Công Vỹ dựa vào, vốn chỉ được Hán quận công Ngô Lan soạn từ năm 1477, tức là sau các “tổ tiên vua chúa” thế kỷ 10 tới 500 năm. Không có gì đảm bảo là những ghi chép này gần sự thực.

Thậm chí, các soạn giả cuốn phả hệ vào thế kỷ 20-21 hiện nay còn phải “giải bài toán ngược”, tự dẫn ra vài dữ liệu để “chuyển thế hệ” của một nhân vật trong phả hệ (từ thế hệ này xuống/lên thế hệ khác, vì lý do đơn giản là dùng bài toán số học thời gian), tức là “cải chính” bản gốc xa xưa nhất. Như vậy càng có thêm cơ sở cho thấy, một bản ghi chép tổng hợp cuối thế kỷ 15 vốn đã có những sai sót.

Tương tự như vậy với gia phả họ Đinh, thời điểm biên soạn cũng không sớm hơn so với gia phả họ Ngô, vì thế rất khó coi đó là tài liệu gần sự thực, “đủ cân nặng” để cải chính chính sử.

2.3.2. Ý kiến của giáo sư sử học Lê Văn Lan

Giáo sư sử học Lê Văn Lan, trong cuốn "Lịch sử Việt Nam - hỏi và đáp" (2004) đã có cách biện luận rất ngắn gọn và thông minh để phản bác giả thuyết Dương Vân Nga là hoàng hậu ba triều của cuốn Phả hệ họ Ngô Việt Nam. Ông cho rằng: Cuốn Phả hệ họ Ngô Việt Nam chỉ nói tới việc Ngô Xương Văn có một bà vợ mang tên Dương Vân Nga, sau đó không hề nhắc tới việc bà Dương Vân Nga này lấy ai nữa. Do đó không thể kết luận bà còn lấy vua Đinh và vua Lê.

Nối thêm vào ý kiến của giáo sư Lan: riêng cách lấy tên Dương Vân Nga cho bà Dương hậu – cái tên văn nghệ do nhà viết chèo Trúc Đường đặt cho vào thế kỷ 20 – đã cho thấy độ “mất nguyên bản” của cuốn Phả hệ.

2.3.3. Hành vi của Ngô Nhật Khánh

Nếu mẹ Khánh chính là Dương hậu mẹ của Toàn, thì Toàn và Khánh là anh em cùng mẹ khác cha. Khi Toàn lên ngôi, địa vị của Nhật Khánh chắc chắn không nhỏ, thậm chí có thể là Phụ chính như Lê Hoàn; như vậy cơ hội để Khánh bắt chước Dương Tam Kha không xa và Khánh sẽ không cần chạy đi cầu viện Chiêm Thành nữa.

Trường hợp Khánh đã “trót” bỏ sang Chiêm khi Tiên Hoàng và Đinh Liễn chưa bị hại, thì sau khi em Khánh là Toàn lên ngôi, mẹ Khánh làm thái hậu, Khánh vẫn rất rộng cửa trở về nắm quyền hành trong triều (vai ngoại thích) để “ủ mưu dã tâm”, không phải cất công xui vua Chiêm động binh như thực tế đã diễn ra.

Có một điểm cần để ý trong sự việc Ngô Nhật Khánh sang Chiêm: Khánh rạch má vợ kể tội: “Cha mày lừa dối ức hiếp mẹ con ta…” Hai chữ “lừa dối” khiến ta có thể nghĩ tới một cách giải mã khác đối với chuyện cung đình nhà Đinh: Mẹ Khánh khi lấy Tiên Hoàng vẫn sinh con với vua Đinh, nhưng đứa em khác cha đó của Khánh không phải là Toàn mà là … Hạng Lang.

Tiên Hoàng yêu mẹ Khánh, đã lập Hạng Lang làm thái tử. Việc đứa em nhỏ khác cha làm thái tử đã khiến Khánh đến gần cơ hội dự tính hơn bao giờ hết. Thế nhưng việc đó không qua được Nam Việt vương Đinh Liễn. Đinh Liễn giết Hạng Lang đầu năm 979. Tuy nhiên, vì đại cục và không thể tiếp tục gây đổ máu, Tiên Hoàng đã không trừng phạt Đinh Liễn bằng cái chết. Rất có thể khi Liễn giết Hạng Lang, bà hoàng hậu mẹ Khánh và Hạng Lang đã qua đời nên còn ai “thúc đẩy” thêm ý định giết Liễn đủ “cân nặng”.

Việc Tiên Hoàng không trừng phạt Đinh Liễn bằng án tử hình – vua đã quyết định đúng khi không giết người con trưởng - khiến Nhật Khánh vô cùng tức giận và thấy mình bị “lừa dối” như đã nói với Đinh công chúa và đây là “giọt nước tràn ly”, trở thành động cơ thúc giục Khánh bỏ sang Chiêm Thành.

Lời nói của Nhật Khánh với công chúa nhà Đinh rằng mẹ con ông bị Tiên Hoàng “lừa dối” đó, ta hẳn thấy chứa đựng sự tức giận vì Tiên Hoàng đã “nuốt lời”. Vua Đinh hứa đưa em Khánh (Hạng Lang) lên ngôi (nên đã lập làm thái tử), nhưng khi em Khánh bị hại thì kẻ thủ phạm lại không bị trừng phạt đích đáng theo ý muốn của Khánh. Ý đồ bấy lâu của Khánh tan thành mây khói, bởi thế Khánh mới tìm đến Chiêm Thành để cầu viện báo thù.

Còn phản biện dưới đây sẽ là “phản biện kép” đối với cả 2 luận điểm “hoàng hậu 3 triều” và “2 hoàng hậu 2 triều”, chung quy là phản biện “mẹ Đinh Toàn là mẹ Ngô Nhật Khánh và là vợ Ngô Xương Văn” của nhóm Đinh Công Vỹ lẫn tác giả Trần Trọng Dương

2.3.4. Ghi chép trong sử sách.

Xin nhắc lại 1 ý sử liệu đã dẫn trong bài trước:

Đại Việt sử ký toàn thư, khi nói sự kiện Lê Hoàn lập mẹ Đinh Toàn làm hoàng hậu có nói rõ ràng trong năm biên niên 982: “Lập Hoàng thái hậu nhà Đinh là Dương thị làm Đại Thắng Minh Hoàng hậu”.

Vậy tại sao khi Đinh Tiên Hoàng lập mẹ Khánh làm hoàng hậu, sách này không ghi là: “Lập hoàng hậu nhà Ngô là [Mỗ] thị làm hoàng hậu”?

Lần này xin nói sâu hơn.

Có điểm đáng lưu ý là: sử sách, không riêng Đại Việt sử ký toàn thư, các bộ sử cổ khác với sự kiện Lê Hoàn lấy Dương thị vợ cũ của Đinh Bộ Lĩnh đã rất nặng lời phê phán. Nhưng với sự việc Đinh Bộ Lĩnh lấy mẹ Nhật Khánh, nếu mẹ Khánh là vợ Nam Tấn Vương, thì đáng lý phải có lời phê phán, đại loại như “đầu têu, làm gương xấu cho Hoàn sau này”, “bị quả báo đáng lắm”… Nhưng tuyệt nhiên không thấy bộ sử cổ nào chê trách việc Đinh Tiên Hoàng lấy mẹ Nhật Khánh.

Không thể nói “sử gia Nho giáo” đã thiên vị vua Đinh như tác giả Trần Trọng Dương nhiều lần nhắc đi nhắc lại (và “bất công” với các sứ quân). Việc vua Đinh “đầu têu” lập nhiều hoàng hậu “làm gương xấu cho Tiền Lê và Lý” cũng đã bị các bộ sử cổ phê phán rồi.

Thực tế cho thấy sử gia không thiên lệch giữa vua Đinh với vua Lê; cả Đinh và Tiền Lê không phải “hoàng triều” mà họ phục vụ để họ phải che giấu hộ điều gì không tốt.

Hơn nữa, nếu Dương hậu thực sự là hoàng hậu ba triều, sẽ rất vô lý khi các sử sách đều bỏ qua tình tiết về một nhân vật đặc biệt gần như duy nhất trong lịch sử Việt Nam này.

2.3.5. Một số luận điểm khác

Nhóm Đinh Công Vỹ còn nêu một số luận điểm khác nhưng cơ bản không vững.

a. Việc Dương Tam Kha nhận Ngô Xương Văn làm con nuôi như sử sách chép, được nhóm tác giả này suy ra “nhận con nuôi cũng tức là lấy làm con rể”.

Có thể thấy ngay suy diễn này rất chủ quan và thiếu cơ sở.

b. Dương hậu mẹ Toàn sinh năm 928 và từng yêu Lê Hoàn khi chưa lấy vua Đinh (căn cứ theo giai thoại dân gian)

Đứng trên quan điểm này mà nói, về cơ bản, ở tuổi thiếu niên đến khi trưởng thành, bà này sẽ ở Cổ Loa chứ không ở nơi khác (tính từ năm 944-945 khi Dương Tam Kha cầm quyền, thậm chí từ 939 khi Dương Tam Kha làm quan triều Ngô). Vì thế, cơ hội để bà gặp và yêu một cậu bé Lê Hoàn là rất khó. Hơn nữa không cần lục “cơ sở dữ liệu” ta cũng biết Lê Hoàn sinh năm 941 – ở độ tuổi đi mẫu giáo hiện nay – thì có thể thấy chuyện hai người yêu nhau thời hàn vi là không thể xảy ra.

Có một thời điểm nữa mà 2 người có thể yêu nhau trên lý thuyết, nhưng khả năng cũng rất thấp, là sau khi Xương Văn tử trận. Bà ở Cổ Loa suốt từ 944 (hoặc 939) tới 965, trong đó từ 950 đến năm 965 với tư cách là hoàng hậu. Chỉ khi Nam Tấn vương mất bà mới về theo cha đẻ (Tam Kha), theo các tác giả “Nhìn lại lịch sử” là về Ái châu, chứ không phải ấp Chương Dương mà ông được phong; và bà cũng không “tòng tử”, theo con là Nhật Khánh về Đường Lâm.

Giả sử cứ cho rằng giả thuyết trên đúng, ta lại biết rằng cùng năm Nam Tấn vương mất, Đinh Liễn từ Cổ Loa trở về Hoa Lư, thoát thân phận làm con tin và được sai đi châu Ái mộ quân. Lê Hoàn, lúc này 25 tuổi, ở trong số những người theo Đinh Liễn về Hoa Lư. Năm 965, trong một khoảng thời gian rất ngắn, một người quyền quý đứng tuổi MỚI ĐẾN (Dương hậu) và một người nghèo khó lam lũ trẻ trung VỪA ĐI (Lê Hoàn), làm sao mà gặp nhau, và gặp nhau trong môi trường nào với sự ngăn cách giàu nghèo của xã hội ngày ấy để thành tình nhân?

Cũng là giai thoại, nhưng dân gian cũng rất phổ biến giai thoại khi mới sinh của Dương hậu. Theo đó, Dương Tam Kha hiếm con, mới sinh ra Dương thị lúc bé thường khóc mãi không nín. Tam Kha bèn mời thày về trị bệnh cho con. Ông thày đu đưa quai nôi mà dỗ rằng: “Nín đi thôi, nín đi thôi! Một vai gánh vác cả đôi sơn hà”. Lời tiên tri của ông thày, như chúng ta đã biết, ứng nghiệm vào việc bà lấy Đinh Tiên hoàng và Lê Đại Hành. Giai thoại không thể cho thày phán bà gánh “ba sơn hà”.

Lục cả trong sách sử lẫn dân gian đều chưa từng thấy giả thuyết Dương hậu là “hoàng hậu ba triều”.
Phạm Trung Đà

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Đinh Thị Hoa Mai - 16/05/2019 18:29
Cám ơn tác giả Phạm Trung Đà
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh