Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

SÁCH NÔM TAM THIÊN TỰ LỊCH ĐẠI VĂN QUỐC ÂM

TUEsday - 26/05/2015 02:05
Tam thiên tự lịch đại văn quốc âm là một cuốn sách Nôm.
Bản còn giữ được có niên đại xuất bản năm Thiệu Trị thứ 5 (1815), do nhà sư Phúc Điền tổ chức khắc in. Trang đầu của sách có ghi dòng chữ: “Cúc Lâm cư sĩ: Vũ Miên, Nguyễn Lệ, Ninh Tốn, Phạm Khiêm đồng giả”. Vũ Miên là nhà viết sử nổi tiếng thời Lê Mạt; Ninh Tốn là nhà thơ có tên tuổi đã đi theo phong trào Tây Sơn; Nguyễn Lệ, Phạm Khiêm cũng đều là danh nhân cuối đời Lê. Những tác gia này còn để lại khá nhiều tác phẩm, những mảng thơ, văn chữ Nôm dường như chưa được biết đến. Nếu dòng chữ ghi trên đây phù hợp với sự thực thì chúng ta có thể ít nhiều hình dung được không khí trước thuật bằng “quốc âm” đương thời và có thêm tư liệu giúp ta nhận định, đánh giá về 4 tác gia ghi trên sẽ toàn diện và sâu sắc hơn. Nhưng trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ xin giới thiệu đôi nét về tác phẩm và nêu một vài nhận xét ban đầu.

Hình minh họa

Tam thiên tự lịch đại văn quốc âm là bản dịch Nôm tác phẩm Tam thiên tự lịch đại văn của Từ Côn Ngọc người Trung Quốc, đời Thanh(1). Tam thiên tự lịch đại văn như tên gọi của nó, là sách dạy chữ Hán, sưu tập tất cả 3000 chữ, được đặt thành 750 câu 4 chữ có vần. Một điều đáng lưu ý là 750 câu này, nội dung gồm những ý nhất quán, sắp xếp theo trình tự diễn tiến của các đời (lịch đại) từ Bàn Cổ đến nhà Thanh (Trung Quốc. Vì thế, có thể coi đó là một bản tóm tắt lịch sử Trung Quốc “lời tuy ngắn nhưng sự kiện thì đầy đủ”(2) rất cần thiết đối với các nho sinh “dùi mài kinh sử” trong việc tập luyện, thi cử.
Sách ghi lại 3000 chữ Hán đơn giản có phức tạp có, nhưng hầu hết là những chữ thường gặp, có thể coi như một loại “từ điển” tối thiểu.
3000 chữ này không xuất hiện biệt lập, riêng lẻ như trong các Tự điển thường gặp mà xuất hiện trong các câu 4 chữ, như những đơn vị ngôn ngữ hoàn chỉnh, có nội dung, ý nghĩa gắn với một ngữ cảnh nhất định. Do đó, sách lại bao gồm hàng ngàn đơn vị ở cấp độ từ, nhóm từ, thành ngữ và câu.
Về từ vựng, sách cung cấp một khối lượng khá lớn về thực từ và hư từ, bao gồm những danh từ chỉ các phạm vi khác nhau như thiên văn (thiên, địa, nhật, nguyệt, tinh, vân, phong, vũ…) địa lý (thổ, thủy, hải, giang, khê, cốc…) những tên đất, tên người trong lịch sử (Trung Quốc), chim muông, hoa cỏ, công trình kiến trúc, vật dụng… Một vài ví dụ: về các loại ngọc đều có chữ ngọc ở bên: cầu, lâm, lang, can mã não, pha lê, châu, đại mạo, khuê bích; những hình dung từ chỉ tính chất, thuộc tính như thiên lương, quyệt xương, duật hoàng, kiêu xa, nguy vi, thê lương, bồi hồi, kiều dã… những động từ chỉ động tác, hoạt động như sinh, sáng, kiến, nịch, canh đệ, diễn vọng; các hư từ như: duật, nhung, chỉ, nhĩ nhi… các thành ngữ như “tẫn kê thần sách” (gà mái gáy mãi”, “ưng dương Vị khỉ” (chim ưng đất Vị), “thường đảm ngọa tân” (nếm mật nằm gai)… những câu nói về sự kiện lịch sử, hoặc triết lý như “Nịch Đát hạnh Kỷ” nói việc vua Trụ say mê Đát Kỷ, câu “Ly cúc vịnh Tiềm” nói việc Đào Tiềm vịnh hoa cúc nơi ở ẩn, câu “Bồ Kiện hạc lệ” nói việc Bồ Kiện bị quân Tấn đánh bại… những đơn vị ngôn ngữ tiếng Hán này được chuyển đạt trung thành sang văn Nôm (tiếng Việt thời ấy) trong bản dịch. Do vậy, bản dịch cũng bao gồm hàng ngàn đơn vị ở cấp độ từ, ngữ, câu của tiếng Việt vào cuối thế kỷ XVIII(3). Điều này, chắc sẽ hấp dẫn những người tìm hiểu lịch sử tiếng Việt.
Về mặt chọn chữ, chọn từ thì như tác giả của Tam thiên tự lịch đại văn chú(4) Nguyễn Hữu Thận đã nhận xét: “Chọn từ thì cổ nhã, tựa chữ thì sâu rộng” (Lý từ cổ nhã, cách tự hoằng thâm) và “những lời trong Kinh, Sử, Tử, Tập đều có cả” “Kinh Sử Tử Tập chỉ ngôn mị sở bất hữu”(5).
Do những đặc điểm trên, bộ Tam thiên tự lịch đại văn chú đã được giới trí thức nước Việt chú ý từ rất sớm. Hiện nay Thư viện Viên Nghiên cứu Hán Nôm còn giữ được bộ Tam thiên tự lịch đại văn chúin năm Gia Long 18 (1819). Đây là bản chú giải sách Tam thiên tự lịch đại văn quốc âm mà người chú giải là Nguyễn Hữu Thận, người hiệu đính là một viên Hương cống tên là Đoàn Bá Trinh. Nhưng trong lời Tựa, Nguyễn Hữu Thận còn cho biết sách Tam thiên tự lịch đại vănđã được ông Thám hoa Thạc Đình họ Nguyễn khắc in vào tập Sơ học chỉ nam từ đời Lê. Có thể nghĩ rằng, sách này cũng được dịch Nôm từ sớm.
Bản dịch Nôm hiện còn - cuốn Tam thiên tự lịch đại văn quốc âm tuy khắc in đời Thiệu Trị 5 (1845), nhưng còn giữ lại được khá nhiều chữ Nôm thường xuất hiện vào giai đoạn trước đó.
Chẳng hạn: chữ ra ghi là (la); trả (thủ xóc + ba); trước (xa + lược); Sau (xa + lâu); cho (chu); khắp (bộ thủy + lập); tên trong cung tên (tiễn nghĩa là trước); xa trong xa gần ghi là (xa nghĩa là xe); dùng dằng (dụng dựng); vắng vẻ (vĩnh vĩ)… các từ cổ như: kiêu lung, lung lao, cát lầm: các cách diễn đạt khá cổ như “nhan sắc não nề”, “phép cũ lỗi quên”, “thong thả chốn Thù, Tứ” (dịch từ câu thượng dương Thù, Tứ) “khi đất Tức Tân lại dùng dằng” (dịch từ câu Tức Tân bồi hồi).
Mặt khác, nguyên tác Tam thiên tự lịch đại văn chứa đựng nhiều khái niệm triết học cổ, nhiều sự kiện lịch sử. Do phải hạn chế về số chữ (mỗi câu 4 chữ), khắc phục khó khăn về gieo vần, lại phải tránh sự trùng lặp (3000 chữ trong 750 câu không có một trường hợp nào lặp lại), nên nhiều khi phải nói ngược, nói tắt thậm chí có câu rất tối nghĩa. Nguyễn Hữu Thận khi chú giải sách này đã nhận xét là sách có nhiều chỗ trúc trắc, khó hiểu, phải nghiền ngẫm lâu ngày mà chưa chắc đã chú giải đúng. Thế nhưng bản dịch Nôm nhìn chung diễn đạt khá trôi chảy. Người dịch đã nắm bắt được ý đồ diễn tả của nguyên tác, và đã tái tạo lại tác phẩm khá thành công. Như câu:
“Quái hoạch Bào Hy,
Tự tạo Thượng Đế”.
Nếu một người dịch bình thường sẽ chuyển kết cấu “ngược” trên thành kết cấu thuận và sẽ dịch là:
“Bào Hy vạch ra quẻ (bát quái),
Thượng đế đặt ra chữ”.
Nhưng các dịch giả đã dịch là:
Đặt ra quẻ từ vua Bào Hy,
Đặt ra chữ từ vua Thượng Đế.
Dịch như vậy là nắm được cái “thần” của câu văn, nắm được lịch sử.
Hay hai câu sau đây nói về vua Nghiêu:
“Nguyên thủ cổ quăng,
Hu phất đô du”.
đã dịch thành “Đặt lời ca có câu ‘nguyên thủ’ câu ‘cổ quăng’ điều rằng chẳng nên điều rằng rất chẳng nên, điều rằng nên nghe, điều rằng tiếng rất phải”. Chứng tỏ người dịch rất am hiểu lịch sử. Những ví dụ như trên rất nhiều. Từ đó, chúng ta có thể khẳng định một điều: Tam thiên tự lịch đại văn quốc âm do các học giả uyên bác biên soạn.
Cuối cùng, chúng ta biết Phúc Điền là một vị hòa thượng có uy tín. Chính ông đã tổ chức khắc in nhiều tác phẩm Hán Nôm có giá trị. Nhiều tác phẩm, nếu chưa rõ tác giả, thì ông “để trống” mà không ghi, đó là trường hợp các bản in Thiền uyển tập anh, Tự học toản yếu…Như vậy, dòng chữ ghi tác giả của sách: Cúc Lâm cư sĩ Vũ Miên, Nguyễn Lệ, Ninh Tốn, Phạm Khiêm có giá trị chân thực của nó. TheoLược truyện các tác gia Việt Nam và Thư mục Hán Nôm Mục lục tác giả, thì Vũ Miên mất năm 1782. Chúng ta có thể định một niên đại tương đối cho Tam thiên tự lịch đại văn quốc âm là nửa cuối thế kỷ XVIII (1782).
Tam thiên tự lịch đại văn quốc âm là một cuốn sách Nôm, do 4 cây “đại bút” cuối đời Lê biên soạn, được một vị hòa thượng học thức uyên thâm tổ chức khắc in. Để dịch Nôm 3000 chữ Hán trong nguyên tác, sách này phải dùng tới số lượng chữ Nôm cũng không dưới con số đó. Đây là những chữ Nôm vào loại chuẩn mực đã được xác định niên đại tương đối vì thế sách này sẽ là một cứ liệu đáng tin cậy nữa, cùng với các tác phẩm Nôm đã được chú ý trước đây, làm chỗ dựa để nghiên cứu chữ Nôm nói chung và chữ Nôm cuối thế kỷ XVIII nói riêng.
Tam thiên tự lịch đại văn quốc âm là một bản dịch rất sát nguyên tác. Để chuyển đạt trung thành giá trị nội dung và thẩm mỹ của nguyên tác, các dịch giả đã sử dụng vốn từ Nôm đa dạng, phong phú. Ví như, cùng một khái niệm “yêu”, ở nguyên tác dùng các từ “bế”, “nịch”, “thân duyệt”, thì ở bản dịch cũng có các từ: yêu, đam yêu, yêu mến.
“Kiệt bế Muội Hỷ” dịch là: Vua Kiệt yêu nàng Muội Hỷ, “(Trụ) Nịch Đát hạnh Kỷ”. dịch là (Trụ) đam yêu nàng Đát Kỷ. “Du Túc thân duyệt” dịch là Chu Du, Lỗ Túc thấy mà yêu mến.
Bản dịch xuất hiện nhiều từ ghép, từ song âm, từ điệp vận. Có những từ hiện nay vẫn dùng như yêu mến, rõ ràng, lo toan, chìm đắm, đìu hiu… Có những từ mà ý nghĩa hoặc cách dùng không hoàn toàn như tiếng Việt ngày nay như “não nề”: Nàng Thái Chân nhan sắc não nề(nguyên văn: Thái Chân kiều dã); “hẹp hòi”: Bờ cõi hẹp hòi (nguyên văn Bức viên cục xúc) (ngày này ta chỉ dùng từ hẹp hòi với những khái niệm trừu tượng như quan điểm hẹp hòi). Hoặc như dùng “vội vàng” để dịch từ “bàng hoàng”, dùng “cát lầm” để dịch từ trần (bụi), dùng từ “dùng dằng” để dịch từ “bồi hồi”… Có những từ ngày nay không thấy dùng nữa như “kiêu lung” trong câu “Nước Vi, nước Cố kiêu lung” (nguyên văn: Vi Cố kiên xa), “lung lao” trong câu “Rợ Côn Ngô lung lao” (nguyên văn: Côn Ngô quyệt xướng)… Vì vậy, đây là một văn bản Nôm có giá trị nhất định trong việc tìm hiểu ý nghĩa của một số từ cổ, cách dùng của một số từ Việt nửa sau thế kỷ XVIII.
Một điều đáng chú ý là Tam thiên tự lịch đại văn quốc âm là một bản dịch theo lối văn xuôi. Ở một chừng mực nhất định, sách giúp ta hình dung được lối diễn đạt văn xuôi của tiếng Việt thế kỷ XVIII.
Nhìn chung câu văn xuôi trong bản dịch khá rõ ràng, gọn và dễ hiểu.
Khí hỗn mang mới mở, vua Bàn Cổ ra đời.
Vua Kiệt yêu nàng Muội Hỷ, giam hãm, kẻ ngay lành.
Chàng Đào Tiềm vịnh cúc chốn đông ly.
(Trụ) lấy xương dân mà đắp vực sâu, lòng người uất ức biết kêu ai…
Những câu như vậy rất gần gũi với lời diễn đạt của tiếng Việt hiện đại.
Nhưng chúng ta cũng gặp các lối nói, cách diễn đạt đã trở nên xa lạ với ngày nay như “Vua Nghiêu thời phát tích chưng họ Y đất Kỳ”. (Thuấn) gọi trời mà than chưng khi cầy núi Lịch…”.
Một ví dụ khác: Các câu bị động xuất hiện trong sách đều dùng chữ “phải”, chưa thấy xuất hiện chữ “bị”:
Đủ Võng phải thua chạy,
Giặc Xuy Vưu phải diệt. 
Cơ Tử thời cầm tù,
Tỷ Can thời phải giết.
Vua Lê phải đuổi,
Lưu Nghê phải thua…
Là một tác phẩm dịch, Tam thiên tự lịch đại văn quốc âm cũng có những ưu điểm đáng chú ý: bản dịch không quá câu nệ vào nguyên tác, điều này được thể hiện ở chỗ, nguyên tác là từng câu 4 chữ, có vần, bản dịch dùng lối văn xuôi. Ở chỗ trong nguyên tác do sự trói buộc của vần, của số chữ, nên có khi diễn đạt trúc trắc, vắn tắt… nhưng khi dịch người dịch tỉnh táo, nên diễn đạt khá như câu “Ly cúc vịnh Tiềm” dịch thành: “Chàng Đào Tiềm vịnh cúc chốn đông ly” là một ví dụ khá rõ.
Một nét đáng chú ý nữa là bản dịch đã cố gắng diễn đạt chính xác từng “chữ”, từng “từ” của nguyên tác như “Cổ điển diễn vong” dịch thành “phép cũ lỗi quên”,”thập kỷ canh đệ” dịch thành “mười kỷ đắp đổi”; “sơ phách hỗn mang” dịch thành “chi hỗn mang mới mở”. Những câu như vậy, vừa bảo đảm tính chính xác của từng từ, vừa bảo đảm cách diễn đạt trôi chảy. Chính đặc điểm này khiến cho tác phẩm có thể trở thành một cứ liệu nữa để nghiên cứu ý nghĩa của một số từ, cũng như cách diễn đạt, mô hình câu của tiếng Việt thế kỷ XVIII.
Một nhóm Cư sĩ Cúc Lâm gồm nhà văn sử, nhà thơ, nhà văn có tên tuổi, gặp nhau trong hoạt động trước thuật “quốc âm” còn để lại tới nay một vài bản dịch Nôm đáng lưu ý(5). Đây là một biểu hiện của sự phát triển mạnh mẽ của “tiếng Nôm” cuối thế kỷ XVIII và nhu cầu thưởng thức sáng tác bằng chữ Nôm thời đó. Có thể thấy nhóm cư sĩ Cúc Lâm nói riêng, các nhà trí thức của thời đại nói chung đã có những đóng góp thế nào vào sự phát triển của ngôn ngữ dân tộc, nhất là trong lãnh vực văn xuôi. Và ngày nay những “bản dịch” như trên, vẫn còn ý nghĩa nhất định khi tìm hiểu lịch sử của chữ Nôm và tiếng nói dân tộc khi ấy.
Hoàng Hưng
---

Chú thích:
( ) Từ Côn Ngọc, còn gọi là Từ Tự Minh, người đất Hương Sơn, Mẫn Chương, Trung Quốc.
(2) Lời tựa cho cuốn Tam thiên tự lịch đại văn chú của Nguyễn Hữu Thận viết năm Gia Long 18 (1819). Sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu AC.253. Nguyên văn: “Văn tuy ước nhi sự tư bị”.
(3) Xem phần xác định niên đại ở dưới.
(4) Tam thiên tự lịch đại văn chú, Nguyễn Hữu Thận thực hiện, Đoàn Bá Trinh hiệu đính, in lần đầu vào năm Gia Long 18 (1819). Sách lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu AC.253
(5) Lời tựa cho cuốn Tam thiên tự lịch đại văn chú, Sđd.

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh