Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

SÁCH PHAN VĂN TRỊ, CUỘC ĐỜI VÀ TÁC PHẨM

WEDnesday - 12/07/2017 20:21
Trong năm 1986 Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất bản cuốn Phan Văn Trị, cuộc đời và tác phẩm của Nguyễn Khắc Thuần và Nguyễn Quảng Tuân. Trước tiên, cần ghi nhận sự cố gắng của hai tác giả và cơ quan xuất bản trong việc góp phần tổng kết, nâng cao và phổ biến rộng rãi những kết quả của Hội thảo khoa học nói trên. Riêng về các tác giả, còn phải kể tới công sức trong việc sưu tầm, điều tra, xác minh một số tư liệu về Phan Văn Trị - cả tư liệu thành văn lẫn tư liệu truyền khẩu, cả ở Hậu Giang lẫn Thành phố Hồ Chí Minh.
Tượng Phan Văn Trị trong Bảo tàng thành phố Cần Thơ

Tượng Phan Văn Trị trong Bảo tàng thành phố Cần Thơ

Với hai phần chính: I. Phan Văn Trị nhà thơ yêu nước; và II. Thơ Phan Văn Trị, cuốn sách về đại thể đã có được một kết cấu hợp lý để giới thiệu, tổng kết những kết quả đã đạt được trong việc sưu tầm tư liệu và nghiên cứu về Phan Văn Trị. Tuy nhiên, do một số thiếu sót về cả kỹ thuật lẫn phương pháp, hai tác giả hình như không đạt được kết quả như dàn bài cuốn sách đặt ra. Nói khác đi, so với kết quả cụ thể được thể hiện trên quyển sách, dàn bài ấy giống như một cái áo rộng quá khổ người.
Trong phần I, hai tác giả đã chú ý sử dụng các ghi chép của Quốc triều hương khoa lục (QTHKL) do Cao Xuân Dục biên soạn làm cơ sở cho những khảo chứng của mình, như đã thực hiện trong các chú thích về Huỳnh Mẫn Đạt và Nguyễn Thông (tr.65), Trần Thiện Chánh (tr.66), Trương Hảo Hiệp (tr.76) v.v… Tuy nhiên đáng tiếc là các tác giả lại không tỏ ra thực sự làm chủ được tài liệu này. Người đọc ngạc nhiên vì thấy tác giả khi thì nói ở Gia Định trước sau có 21 khoa thi hương, khoa đầu tổ chức năm 1813, khoa cuối tổ chức năm 1870 (tr.36), lúc thì thấy nói có tới 22 khoa, khoa đầu tổ chức năm 1813, khoa cuối tổ chức năm 1866 ở An Giang (tr.50-51)? Thế nhưng theo con số tổng hợp của Nguyễn Khắc Thuần thì đều có 296 người đỗ Cử nhân! Thật ra chỉ có 20 khoa với 269 Hương cống - Cử nhân và khoa cuối tổ chức ở An Giang nhưng không phải vào năm 1866 hay 1870 mà là vào năm 1864 (Tự Đức 17, Giáp Tý). Tương tự, cũng không rõ chi tiết nói về cử nhân Trương Minh Giảng đỗ đầu khoa thi Hương trường Gia Định năm 1819 (tr.76) là căn cứ theo tài liệu nào? Nếu theo bản chụp vi phim QTHKL ở Thư viện Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh mà tác giả Nguyễn Khắc Thuần sử dụng (tr.35 và 50) thì khoa này Trương Hảo Hiệp đỗ đầu, kế đến là Đặng Văn Nguyên, Đăng Văn Mô rồi mới tới Trương Minh Giảng, nghĩa là ông này đỗ thứ 4 (bản lược dịch QTHKL của tác giả Nguyễn Khắc Thuần nên chăng cũng cần hiệu đính đôi chút để có thể đưa vào sử dụng được tốt hơn?). Còn như trường hợp Cử nhân “Nguyễn Văn Hưng, người Phúc Yên” thi đỗ năm 1843 được nêu ra làm ví dụ về việc sĩ tử quê quán ở nơi khác (có nghĩa là ngoài vùng Nam bộ và Nam Trung Bộ) phụ thí ở trường Gia Định (tr.53) thì thật là một cái lầm rất lớn. Hai chữ Hán mà tác giả Nguyễn Khắc Thuần đọc là “Phúc Yên” - và cứ trong ý tứ này mà suy, có lẽ đã cho rằng đó là Phúc Yên ở miền Bắc (?). Thực ra hai chữ ấy lại không thể đọc và hiểu như vậy! Trước hết là vì vào năm 1843 ở miền bắc không có huyện Phúc Yên. Cũng lại là hai tác giả đã đọc bộ Đại Nam nhất thống chí, phần Lục tỉnh Nam Việt” do chính Cao Xuân Dục trực tiếp viết” (?) và khen ông này “hiểu biết rất sâu sắc về đất Nam Bộ” (tr.49) mà tại sao lại không để ý rằng tỉnh Biên Hòa trong Lục tỉnh Nam kỳ thời ấy có huyện Phước An ? Hơn thế nữa, QTHKL ghi rõ quê quán của Nguyễn Văn Hưng là “Phước An Hắc Lăng”. Trong khi đó, tác giả Nguyễn Khắc Thuần đã “tổng hợp từ các thư tịch cổ viết về đồng bằng sông Cửu Long từ thế kỷ XI trở về trước” (tr.47) hẳn hoi, mà sao lại không đọc thấy trong Gia định thành thông chí, Cương vực chí của Trịnh Hoài Đức địa danh ấp Hắc Lăng thuộc tổng An Phú, huyện Phước An trấn Biên Hòa?
Những sai sót như vậy tuy không nhỏ nhưng cũng chưa thật sự là điều đáng nói. Điều đáng nói là chúng ta thấy mức độ thận trọng và khả năng làm chủ có hạn của hai tác giả khi sử dụng tài liệu “Có những ý nghĩa đặc biệt” (tr.49) này. Chính vì vậy nên mặc dù dựa vào QTHKL để phê bình được một thông tin sai lạc về quê quán của Phan Văn Trị, hai tác giả lại đưa ra cho người đọc một thông tin sai lạc khác. Mấy chữ ghi về quê quán của Phan Văn Trị “Vĩnh Long Bảo An Hưng Thạnh” đã được hiểu là “làng Hưng Thạnh tổng Bảo An (chúng tôi nhấn mạnh - CCT) tỉnh Vĩnh Long” (tr.51 và 53). Chưa rõ hai tác giả đã dựa trên bản đồ và tài liệu nào để xác định về “tổng Bảo An” (tr.53) và xác quyết rằng “ở tỉnh Gia Định lúc ấy không hề có tổng Bảo An mà chỉ có tỉnh Vĩnh Long mới có (tr.47). Nhưng quả thật là có một tổng Bảo An như vậy vào năm Phan Văn Trị thi đỗ đi chăng nữa thì đó cũng không phải là địa danh mà QTHKL chép: “Bảo An” đây là huyện Bảo An. Quê quán các hương cống - Cử nhân trong QTHKL chỉ được ghi tối đa là ba yếu tố tỉnh (trước 1832 là trấn), huyện và thôn hoàn toàn không ghi phủ và tổng.
Có lẽ vì từ một thiếu sót như vậy trong việc sử dụng tài liệu tham khảo, trong khi lại đề cập tới quá nhiều vấn đề, cho nên ở phần I, hai tác giả đã đưa ra không ít những nhận định có tính chất cảm tính, chủ quan. Những nhận định về Nguyễn Cư Trinh với nhóm Chiêu Anh Các, và tác phẩm của Bình Dương thi xã, về Mộng Mai đình thi thảo của Trương Hảo Hiệp (tr.75-76)… chẳng hạn, thuộc về loại này. “Tập thơ Mơ về chùa Cây Mai” chủ yếu là thơ đi sứ của Trương Hảo Hiệp - ngay cái tên gọi cũng đã cho thấy đây không phải là những bài thơ được sáng tác ở Gia Định rồi, nói chi đến tác dụng “nhen nhóm lại (!) những hoạt động văn học ở đây”. Hay như đoạn nhận định về sự chấm dứt của phong trào tỵ địa sau hòa ước 1862 ở Nam Kỳ “nó đã chấm dứt vào đúng lúc không nên kéo dài thêm. Nói khác hơn, những người phát động và tổ chức nên phong trào này đã nắm chắc tính quá độ và tạm thời của phong trào” (tr.67). Kể ra đây là một nhận định rất hiện đại, nhưng hai tác giả lại không đưa ra được một bằng chứng nào mặc dù là nhỏ nhất để chứng minh tính chất có tổ chức, có kế hoạch có người lãnh đạo của phong trào tỵ địa, nên người đọc đành phải bằng lòng với nhận định cũ, là phong trào này về cơ bản mang tính chất tự phát và không loại trừ được ý nghĩa cho rằng nó chấm dứt đúng lúc không thể kéo dài thêm.
Phải chăng vì thiếu tư liệu nhưng lại vội vã khái quát hóa nên hai tác giả đã đi đến một nhận định hết sức phi lịch sử sau đây về Phan Văn Trị. Tác giả viết: “Về mặt tư tưởng: qua thơ, Phan Văn Trị đã tỏ rõ là người có tầm nhận thức đầy đủ và sâu sắc về những vấn đề có ý nghĩa mấu chốt của thời đại ông” (tr.77). Những vấn đề có ý nghĩa mấu chốt của thời đại Phan Văn Trị là gì ? Là mâu thuẫn dân tộc với chủ nghĩa đế quốc xâm lược Pháp và mâu thuẫn giữa đông đảo các tầng lớp nhân dân, trong đó chủ yếu là nông dân với giai cấp phong kiến thống trị phản động triều Nguyễn, những mâu thuẫn này chỉ tới Đảng Cộng sản Việt Nam dưới ánh sáng khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin mới được nhận thức và giải quyết trọn vẹn. Thế nhưng giống Nguyễn Đình Chiểu mơ ước “Ngày nào trời đất an ngôi cũ, Mừng thấy non sông bặt gió tây” (Ngư Tiều y thuật vấn đáp), Phan Văn Trị cũng chỉ dọa Tôn Thọ Tường là “Ba cõi may dầu in lại cũ, Đôi tròng trông đã thấy không ngươi” (Tự thuật, bài VIII), cũng chỉ mong mỏi “Bao thuở đem về cơ thống nhất, Ngàn thu bia tạc đấng trung trinh” (Cảm hoài, bài I), Nghĩa là cũng chỉ hướng về một đất nước độc lập thanh bình trong khuôn khổ phong kiến. Ở đây, trên phương diện ý thức chính trị, đúng là Phan Văn Trị đã nhận thức được một trong những vấn đề quan trọng của đất nước lúc bấy giờ đó là việc chiến hay hòa. Đấu tranh chống lại hay cam phận đầu hàng kẻ xâm lược và đã hướng về cách giải quyết tích cực nhất trong điều kiện xã hội và lịch sử lúc ấy. Còn việc nhận thức được những mâu thuẫn có ý nghĩa mấu chốt nhất của thời đại trên phương diện tư tưởng, thì lịch sử Việt Nam phải vượt qua Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh,… mới tìm ra được Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nếu trở lại với tiết Phan Văn Trị và thời đại của ông (tr.23-40), sẽ dễ dàng hiểu được vì sao hai tác giả lại mắc phải sai lầm nói trên. Dường như có thể chép nguyên văn nhiều đoạn trong tiết này để viết về Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Hữu Huân, Huỳnh Mẫn Đạt, Bùi Hữu Nghĩa…! Thời đại của Phan Văn Trị với những biến cố của nó có tác động đến hành tàng, tư tưởng tình cảm của ông như thế nào, đã góp phần quy định phương pháp nhận thức, thái độ ứng xử của ông cụ thể ra sao… là những vấn đề mà hai tác giả hầu như không đề cập đến.
Trong phần II, hai tác giả giới thiệu 14 tài liệu chủ yếu để làm công tác khảo dị văn bản (tr.90-91). Con số này nói lên công sức của hai tác giả trong quá trình làm việc, nhưng đáng lưu ý là trong đó chỉ có một tài liệu chữ Nôm (bản ký hiệu N), còn trong 13 tài liệu chữ Quốc ngữ la tinh thì có đến 7 tài liệu được xuất bản sau năm 1945, giá trị văn bản có nhiều điểm cần bàn thêm. Những tài liệu như Cours de littérature Annamite của Trương Vĩnh Ký (in thạch bản 1889), Thi phú văn từ của Võ Sâm (xuất bản năm 1912), Việt âm văn uyển của Lê Sum (xuất bản 1919)… gần với thời Phan Văn Trị hơn thì lại không được sử dụng. Có lẽ vì vậy mà không lạ gì nếu phần văn bản các bài thơ trong quyển sách vẫn chuyển tải một số sai lầm của nhiều tài liệu trước nay đến người đọc. Chẳng hạn câu thơ Phan Văn Trị “Ở Hớn đành lòng phò lợn Hớn” (Cảm hoài, bài II, tr.106). Chúng tôi đã có dịp đọc ba văn bản chữ Nôm khác nhau của tác phẩm này, thì thấy chỉ có một bản chép chữ “lợn” là khuyển + lận, còn hai bản kia đều chép là trùng + lận, theo cả chữ lẫn nghĩa đều phải đọc là “rắn” - “rắn Hán”, có lẽ đúng hơn “heo Hán” vì phù hợp với tích Lưu Bang chém rắn trắng, sau đó diệt Tần phá Sở lập ra nhà Hán hơn? Tương tự câu thơ của Tôn Thọ Tường “Hiu hắt tro tàn nền đạo nghĩa” (Tự thuật, bài III, tr.128), nếu tác giả tham khảo văn bản trong Cours littérature Annamite của Trương Vĩnh Ký thì sẽ thay được hai chữ “nghi ngút” bằng hai chữ “Hui hút”, vừa gợi cảm vừa chính xác hơn so với hai chữ “Hiu hắt” vốn thích hợp với “gió” hơn là với “tro”… Bên cạnh đó, người ta cũng thấy hai tác giả dường như không có một nguyên tắc xử lý văn bản nhất quán, bằng chứng là lúc thì thừa nhận các đặc điểm ngữ âm địa phương đã ảnh hưởng tới thơ văn tiếng Việt ở Nam Bộ, như trong việc xướng họa bài Tự thuật IX:
Kể mấy mươi năm nước lễ văn
(Tôn Thọ Tường, tr.143)
Một đôi mươi uổng tính xăng văng
(Phan Văn Trị, tr.144)
Có khi lại không thừa nhận nên đã xử lý một cách gượng ép, sai lầm như trong bài Tự thuật IV:
Vào sông đánh cá há rằng oan
(Tôn Thọ Tường tr.131)
Một nhà danh giáo xáo tan oan
(Phan Văn Trị, tr.132)
Trái trời án nọ chẳng còn oan
(Bài học 4B, tr.133)
Đúng ra ba chữ “oan” trên đây theo thứ tự phải là ngoan, hoang, oan: phần đông người Nam Bộ trước đây thường đọc các từ hoan, hoang, oan, oang, ngoan, quan, quang ra một tiếng mài mại như “quang” duy nhất. Cách họa vần (và cả gieo vần) như trên vì vậy tuy không đúng với hệ thống âm chuẩn nhưng lại là một đặc điểm thực sự tồn tại trong thơ văn tiếng Việt ở địa phương.
Mặt khác, nếu như phần I, tự liệu chính của hai tác giả là QTHKL, thì trong phần II, tư liệu chính của tác giả là bản Nôm có chép bài Từ Thứ quy Tào và 10 bài liên hoàn họa Tôn Thọ Tường, được gọi là “mười bài họa B”, chúng tôi đã có dịp được đọc bản gốc của tài liệu đã được tác giả giới thiệu (tr.88). Đó là tập Thi văn hợp tập của gia đình Nguyễn Đình ở Bến Tre, hiện do chị Âu Dương Thị Yến cất giữ (anh Nguyễn Văn Y đã sao được tài liệu này trước 1975, và Tổ Cổ cận Ban Văn học Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh cũng sao được tài liệu này vào năm 1981).
Trước hết, có thể thấy ngay rằng hai tác giả đã tỏ ra nghiêm túc và thận trọng trong việc công bố tư liệu mới. Bài Từ Thứ quy Tào được giới thiệu là “không đề tên tác giả” và “chưa thấy chép ra ở sách Quốc ngữ” (tr.115-116) chẳng hạn, thật ra được chú rõ là “Tú tài Trọng Phủ (tức Nguyễn Đình Chiểu - CTT) soạn”. Và ít nhất cũng đã được Tổ Cổ cận Ban Văn học công bố cách đây 4 năm trong Thơ văn yêu nước chống Pháp của Nguyễn Đình Chiểu (Ty Văn hóa thông tin Bến Tre xuất bản, 1982, tr.205). Ngoài ra hai tác giả còn phiên âm sai ba chữ khiến bài thơ có thêm một dị bản khá tối nghĩa: Quày ngựa phiên là “què ngựa” (câu 5), Vin rồng phiên là “Vênh rồng” (câu 6), vậy cũng cao phiên là “chẳng cũng cao” (câu 8)! Hiện tượng này cũng xảy ra ở mười bài họa B”: Bể ngàn phiên là “Phá ngần” (câu 3 bài I, tr.125), hán thực phiên là “hẳn thực” (câu 1, bài III, tr.130), Chống hầm phiên là “Chống cầu” (câu 4 bài V, tr.136), Ứa gan phiên là “ứ gan” (câu 5, bài VII, tr.140), Giựt kình phiên là “Nhát kình” (câu 3, bài X, tr.147)… Hơn thế nữa, việc công bố tư liệu có vẻ gấp gáp như vậy còn đưa hai tác giả tới chỗ tự mâu thuẫn. Mặc dù đã dành hẳn 10 trang sách để khẳng định rằng Phan Văn Trị quê ở Vĩnh Long (tr.46-54) nhưng về mấy chữ Gia Định Cử nhân Trị… trên đầu đề 10 bài thơ này, hai tác giả lại không hề đưa ra một lời thương xác! Thứ nữa, chữ “Trị” ở đây được viết theo chữ Hán là chấm thủy + thai (đài), khác xa với chữ “Trị” trong QTHKL viết là nhân đứng + trực. Thế thì vị “Gia Định Cử nhân Trị” này đã chắc đúng là Phan Văn Trị hay chưa? Khó có thể kết luận rằng những sai biệt quá rõ nói trên đã không được nhận ra, nhưng chính vì vậy mà người ta phải nghĩ rằng hai tác giả cố tình làm ngơ không nhắc đến hai chi tiết ấy. Hai cứ liệu văn bản này cũng chống lại kết luận vội vàng của tác giả Nguyễn Quảng Tuân trên báo Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh (số 399, ngày 20-9-1985), đến nay hai quyển sách lại nhắc lại ý kiến ấy dưới dạng một giả thiết (tr.123), nghĩa là có vẻ “thận trọng” hơn! Cách nghiên cứu văn bản và công bố tư liệu như vậy hiện nhiên đã tạo thêm một sự rắc rối về thơ văn Phan Văn Trị, và người ta có thể hoài nghi tính trung thực của hai tác giả trong việc công bố tác phẩm!
Trong sách cũng có không ít chú thích không chính xác, thậm chí đôi lúc còn kỳ quặc. Chẳng hạn “Cù dậy (dưới sông sâu)” được chú là “con rồng bò ra khỏi mặt đất” (tr.96), “Lợn Hán” được chú là “heo Hán” và hiểu ra là “cơ nghiệp nhà Hán” (tr.106), “(khói) tầu bay” (khói tầu chiến bay) được hiểu là “(khói) máy bay” (tr.124). Dưới sông trở thành mặt đất, lợn (heo) trở thành biểu trưng cho cơ nghiệp nhà Hán!, khói tàu chiến trở thành khói máy bay! Phải chăng có lẽ theo 2 tác giả, quân Pháp ngày đánh Gia Định đã có máy bay ?
Vấn đề Phan Văn Trị không phải mới lắm trong việc nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề không dễ. Mặc dù đã có cả một Hội thảo khoa học với vài mươi nhà nghiên cứu tham gia được tổ chức ở Hậu Giang, hiện chúng ta chưa xác lập được một “Niên biểu Phan Văn Trị” và một “Niên biểu tác phẩm của Phan Văn Trị”.
Phải nói rằng hai tác giả có cố gắng và nhiệt tình đi sâu vào đề tài nghiên cứu Phan Văn Trị. Nhưng dù sao cuốn Phan Văn Trị cuộc đời và tác phẩm cũng mới ở kết quả còn có nhiều sai sót cần đính chính.
Cao Tư Thanh
1  

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh