LỜI NGỎ
Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188
Trong kho thư tịch Hán Nôm của chúng ta có một mảng sách chiếm số lượng khá lớn, đó là những sách viết về Thiên văn học, lịch số, toán pháp; trong đó đã có số ít cuốn được dịch công bố dưới các góc độ khác nhau. Riêng sách viết về niên lịch đã được Ban Lịch nhà nước và các nhà nghiên cứu lịch pháp khai thác giới thiệu; tuy nhiên chưa có một công trình nào tập hợp, thống kê tài liệu thư tịch Hán Nôm viết về âm dương lịch Việt Nam một cách đầy đủ chi tiết. Bài viết này chỉ xin được giới thiệu sơ lược về 24 tiết khí trong cuốn lịch thông dụng dưới thời Nguyễn là Đại Nam hiệp kỷ lịch.
Về lịch sử lịch pháp nước ta, nhìn chung theo các nhà viết lịch cho rằng từ thời Lý trở về trước, nước ta dùng lịch của Trung Quốc. Có thể bắt đầu từ thời Trần ta mới làm lịch theo phép lịch Thụ Thời giống nhà Nguyên - Mông và đặt cơ quan khí tượng làm lịch là Ty Thiên văn (?). Đến cuối thời Trần thì lại đổi tên gọi lịch pháp Thụ Thời làm Hiệp kỷ lịch. Sang thời Lê chúng ta dùng lịch theo phép lịch Đại Thống nhà Minh Trung Quốc. Song chúng ta hiện nay chưa tìm được những cuốn lịch nào có từ thời Lê trở về trước, do đó tài liệu thư tịch viết về lịch pháp thời Nguyễn nhất là những cuốn như Đại Nam hiệp kỷ lịch là những tài liệu có tính chất quan phương. Triều Nguyễn ngay từ năm Gia Long thứ 12 (1813) tham khảo lịch pháp Trung Quốc và các triều đại phong kiến Việt Nam trước đó, triều đình đã ban hành lịch mới với tên gọi Hiệp kỷ lịch. Tiếp nối đến đời Minh Mệnh đổi tên nước là Đại Nam, nhưng đến mấy chục năm sau mới đặt gọi là Đại Nam hiệp kỷ lịch và duy trì đến hết triều Nguyễn. Đầu thời Nguyễn còn một bộ lịch khác ra đời gọi là Khâm định vạn niên thư, cùng với Hiệp kỷ lịch là hai bộ lịch ban hành dùng với tính chất pháp định do Tòa Khâm Thiên giám thực hiện. Sau hai bộ lịch trên triều Nguyễn còn lưu hành các bộ khác cũng viết về lịch nhưng thiên về chọn ngày giờ và đan xen thêm phần mục khác với phép trạch cát, chiêm đoán v.v. Đó là các sáchNgọc hạp thông thư, Ngọc hạp toản yếu, Hiệp kỷ biện phương, Tăng bổ tuyển trạch thông thư quảng ngọc hạp ký v.v.
Đại Nam hiệp kỷ lịch là tên của bộ lịch ở thời Nguyễn như chúng tôi đã nói, hàng năm triều đình thường làm một cuốn lịch để ban hành cho khắp trong kinh, ngoài tỉnh. Mỗi cuốn lịch được ban hành có tên gọi cụ thể, ví dụ ở đời Thành Thái thứ 2 (1890) là Đại Nam Thành Thái nhị niên tuế thứ Canh Dần hiệp kỷ lịch (大 南 成 泰 二 年 歲 次 庚 寅 協 紀曆). Hoặc ở đời Khải Định thứ 3 (1918) là Đại Nam Khải Định tam niên tuế thứ Mậu Ngọ hiệp kỷ lịch 大 南 啟 定 三 年 歲 次 戊 午 協 紀 曆 . Đây là những bản in do tòa Khâm Thiên giám chịu trách nhiệm thi hành. Khâm thiên giám là cơ quan dự đoán khí tượng thủy văn, khí hậu, có nhiệm vụ dự báo thời tiết, làm lịch âm dương ban hành toàn quốc, quản lý tài liệu thư tịch về thiên văn, lịch pháp; chọn ngày giờ tốt để Hoàng đế và triều thần thực hiện những việc quan trọng như tế lễ, xuất quân, tuần thú, kiếm tạo v.v. Quan chức ở Khâm thiên giám chịu trách nhiệm quản lý chính thường do một đại thần kiêm quản. Trưởng quan trông nom túc trực thường xuyên ở Khâm thiên giám là chức [Khâm thiên] Giám chính (監 正) hàm Chánh ngũ phẩm, Phó có chức Giám phó (監 副) hàm Tòng ngũ phẩm. Chánh phó ở đây thường đặt mỗi chức một người. Chức dưới nữa gọi là Ngũ quan chính (五 官 正 ) hàm Chánh lục phẩm. Dưới nữa là chức Linh đài lang (靈 臺 郎) thường đặt 2 vị. Thuộc viên ở Khâm thiên giám là các viên thư lại cũng có phẩm hàm bát hoặc cửu phẩm. ở mỗi cuốn lịch hàng năm tên tuổi, chức vụ, phẩm hàm của vị đại thần kiêm quản cùng những người ở Khâm thiên giám trực tiếp làm cuốn lịch đó đều được ghi bằng chữ lớn rõ ràng tách riêng ra trang riêng biệt. Đó chính là các tác giả của cuốn lịch ban hành và chắc chắn phải chịu trách nhiệm về việc biên soạn và ấn hành cuốn lịch đó.
Nội dung quyển lịch ghi 12 tháng đặt theo hệ can chi có ghi cả tháng đủ tháng thiếu, tháng đủ ghi là đại (大), tháng thiếu ghi là tiểu (小). Phần đầu thường ghi 24 tiết khí trong một năm với thời khắc khá chi tiết. Phương vị niên thần ghi tóm lược gọn trong một tờ biểu đồ. ở mỗi tháng tính từ tháng giêng (chính nguyệt) đến tháng 12 ghi khá kỹ các Trực, Nhị thập bát tú và các sao tốt xấu trong các cột nghi (宜) hoặc bất ghi (不 宜).
Xin nói về 24 tiết khí trong lịch đi liền từ tháng giêng đến tháng 12 bắt đầu từ tiết Lập xuân (立 春). 23 tiết tiếp theo là Vũ thủy (雨 水), Kinh trập 驚 螫 , Xuân phân 春 分 , Thanh minh 清 明 , Cốc vũ 穀 雨 , Lập hạ 立 夏 , Tiểu mãn 小 滿 , Mang chủng 芒 種 , Hạ chí 夏 至, Tiểu thử 小 暑 , Đại thử 大 暑 , Lập thu 立 秋 , Xử thử 處 暑 , Bạch lộ 白 露 , Thu phân 秋 分 , Hàn lộ 寒 露 , Sương giáng 霜 降, Lập đông 立 冬, Tiểu tuyết 小 雪 , Đại tuyết 大 雪 , Đông chí 冬 至 , Tiểu hàn 小 寒 , Đại hàn 大 寒 .
Có lẽ trong dân gian không ít người coi 24 tiết khí xuất phát từ âm lịch Á Đông dùng cho các nước nông nghiệp. Thực ra 24 tiết khí lại được tính toán phân chia theo dương lịch. Để hiểu rõ vấn đề này chúng ta phải sơ lược tìm hiểu vòng quay của trái đất quanh mặt trời và sự chuyển vận tuần hoàn của các thiên thể trong vũ trụ, các điểm mốc của thời gian đi liền với các tiết khí. Từ phương Tây đến phương Đông ngay từ cổ xưa đã có sự đồng nhất tương đối về thiên văn học. Theo sự nghiên cứu tính toán của các nhà thiên văn học thì trái đất của chúng ta nằm trong hệ Thái dương. Thái dương hệ gồm mặt trời, trái đất, sao Kim, sao Mộc, sao Thủy, sao Hỏa, sao Thổ, sao Thiên vương, sao Hải vương, sao Diêm vương và nhiều vệ tinh gồm cả mặt trăng bao quanh các thiên thể.(1) Trong đó quả đất quay xung quanh mặt trời một vòng tính được là hơn 365 ngày. Quả đất có đường xích đạo bao quanh để phân chia Bắc bán cầu và Nam bán cầu mà các nhà khoa học đã ước tính được là 12.757km. Cổ xưa con người không tính được sự chuyển động của trái đất quanh mặt trời nên đã tính ngược lại coi mặt trời chuyển động quanh trái đất và đặt tên cho đường đi của mặt trời là đường Hoàng đạo. Cho đến ngày nay người ta vẫn nói đến đường Hoàng đạo và gọi là đường chuyển động của mặt trời trên quỹ đạo biểu kiến.
Trong thiên văn học cổ xưa để tiện quan sát vũ trụ với sự chuyển dịch của các thiên thể ở Thái dương hệ, người ta đã phân đường Hoàng đạo làm 12 cung đều nhau, mỗi cung 30o. Tổng là 360o một vòng Hoàng đạo, tức là một vòng quả đất quay quanh mặt trời. Chu kỳ đó được gọi là một năm, được chia làm 12 tháng tương ứng với 12 cung Hoàng đạo. Đồng thời ở mỗi cung Hoàng đạo người ta lại ứng hợp với một chòm sao riêng biệt xếp theo thứ tự số 1 từ cung Hoàng đạo 0o-30o, lần lượt đến cung số 12 là cung 330o-360o. Điểm này cả Đông và Tây phương đều có sự thống nhất, nhưng về cách đặt tên sắp xếp thì có sự khác nhau. 12 chòm sao phương Tây thời cổ xếp theo thứ tự ứng với 12 cung Hoàng đạo đọc theo âm Hán là: Hùng Dương, Kim Ngưu, Song Tử, Cự Giải, Sư Tử, Xử Nữ, Thiên Bình, Thiên Yết, Nhân Mã, Sơn Dương, Bảo Bình, Song Ngư. Đó là những quy ước trực quan gắn với sinh vật hay tĩnh vật của người phương Tây cổ.
Ở phương Đông sự tương ứng của 12 cung Hoàng đạo với các chòm sao người ta gọi là 12 tinh thứ được xếp theo thứ tự hệ can chi. Các chòm sao tương ứng cũng được chia làm 12 cung và người ta đã lấy 28 chòm sao (Nhị thập bát tú) là những chòm sao lớn trên bầu trời để gắn kết ứng hợp. Bắt đầu từ 00-300 là Tinh thứ Giáng Lâu gọi là cung Tuất ứng với các chòm Bích, Khuê, Lâu. Lần lượt tiếp theo cho đến cung thứ 12 (3300-3600) là các Tinh thứ Đại Lương, Thực Trầm, Thuần Thủ, Thuần Hỏa, Thuần Vĩ, Thọ Tinh, Đại Hỏa, Tích Mộc, Tinh Kỷ, Huyền Hiêu và Tu Tư. Mỗi một Tinh thứ là một cung 300 ứng với các chòm sao tiếp trong Nhị thập bát tú là: Vị, Mão, Tất, Chủy, Sâm, Tỉnh, Quỷ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn, Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ, Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất. Sự tương ứng của các sao này không phân chia đều nhau, thứ tự xếp theo hệ can chi tiếp cung Tuất theo chiều nghịch là các cung Dậu, Thân, Mùi, Ngọ, Tị, Thìn, Mão, Dần, Sửu, Tý, Hợi. Về Nhị thập bát tú, hệ can chi và các sao cát, hung trong Lịch pháp chúng tôi xin được trình bày vào một dịp khác. ở đây chúng ta trở lại với 12 cung Hoàng đạo và 24 Tiết khí đã nói ở trên.
Chu kỳ vòng Hoàng đạo hay vòng quay của Trái đất quanh mặt trời được gọi là một năm dựa trên cơ sở phát hiện chu kỳ ngày-đêm (trái đất tự quay quanh mình) và chu kỳ tháng (mặt trăng quay quanh trái đất) của con người cổ xưa. Đó là những mốc thời gian đơn sơ nhất mà từ đó cổ nhân tiếp tục quan sát vũ trụ, các hiện tượng tự nhiên, chu kỳ thời tiết, dùng những dụng cụ thô sơ nhất để biết thêm và đánh dấu được những điểm mốc thời gian khác. Đó là chu kỳ 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông được phân đều trong một năm 12 tháng và được đánh dấu bằng các tiết khí khác nhau theo 12 cung Hoàng đạo. Chu kỳ của một năm thời tiết này cổ nhân còn gọi là năm Hồi quy. Căn cứ vào đó người ta đã làm ra lịch Tiết khí lấy điểm mốc thời gian là 4 mùa và chia đều một năm thành 24 phần rồi đặt tên cho mỗi phần. Đấy chính là 24 tiết khí mà thời cổ gọi là khí được phân đều tương ứng với 12 cung Hoàng đạo. Mỗi một cung Hoàng đạo ứng với 2 tiết khí trong thời gian là 1 tháng và lại được chia thành 2 khí, khí đầu gọi là Tiết khí, khí sau gọi là Trung khí.
Trong khai quật khảo cổ học và tài liệu thư tịch cổ Trung Quốc như sách Lã Thị xuân thu cuối thời Chiến quốc đã thấy ghi chép về 24 Tiết khí, trong đó đầu tiên là 8 tiết Lập xuân, Xuân phân, Lập hạ, Hạ chí, Lập thu, Thu phân, Lập đông, Đông chí được nói tới là những tiết chính quan trọng. Đó là những điểm đánh dấu sự chuyển dịch rõ rệt của mùa và phân định 4 mùa thời tiết của một năm. 8 tiết chính này được phân đều trong cả 2 phần Trung khí và Tiết khí, trong đó 4 tiếtLập xuân, Lập hạ, Lập thu, Lập đông thuộc 12 Tiết khí là những tiết đầu của 4 mùa. Còn lại 4 tiết Xuân phân, Hạ chí, Thu phân và Đông chí thuộc 12 Trung khí là các tiết giữa mùa.
Như vậy 12 Tiết khí tính từ tiết Lập Xuân được gọi là: Lập xuân, Kinh trập, Thanh minh, Lập hạ, Mang chủng, Tiểu thử, Lập thu, Bạch lộ, Hàn lộ, Lập đông, Đại tuyết, và Tiểu hàn. Còn 12 Trung khítính từ tiết Vũ thủy là: Vũ thủy, Xuân phân, Cốc vũ, Tiểu mãn, Hạ chí, Đại thử, Xử thử, Thu phân, Sương giáng, Tiểu tuyết, Đông chívà Đại hàn.
Trở lại vòng quay của trái đất tức một năm Hồi quy hay đường Hoàng đạo là 360o. Các nhà Thiên văn học, lịch pháp đã thống nhất lấy mốc 00 của vòng Hoàng đạo là điểm đánh dấu bằng tiết Xuân phân; lấy mốc 180o là điểm đánh dấu bằng tiết Thu phân. Đây là hai mốc tiết khí có thời gian ngày và đêm dài bằng nhau. Sự di chuyển cung Hoàng đạo đến mốc 900 là điểm đánh dấu bằng tiết Hạ chí, đó là điểm cực bắc trên bán cầu. Sự di chuyển đến mốc 270o là điểm đánh dấu bằng tiếtĐông chí, đó là điểm cực Nam trên bán cầu.
Như vậy chúng ta đã thấy rõ thời gian chuyển dịch của một tiết khí được tính bằng 15o trên cung Hoàng đạo và sự tuần hoàn của 24 tiết khí rất ứng hợp với 12 cung Hoàng đạo. Bắt đầu từ 0o lần lượt ta sẽ có các tiết khí Xuân phân (0o-15o), Thanh minh (15o-30o), Cốc vũ (30o-45o), Lập hạ (45o-60o), Tiểu mãn (60o-75o), Mang chủng (75o-90o), Hạ chí (90o-105o), Tiểu thử (105o-120o), Đại thử (120o-135o), Lập thu(135o-150o), Xử thử (150o-165o), Bạch lộ (165o-180o), Thu phân (180o-195o), Hàn lộ (195o-210o), Sương giáng (210o-225o), Lập đông (225o-240o), Tiểu tuyết (240o-255o), Đại tuyết (255o-270o), Đông chí (270o-285o), Tiểu hàn (285o-300o), Đại hàn (300o - 315o), Lập xuân (315o-330o), Vũ thủy (330o-345o), Kinh trập (345o-360o). Đối chiếu cung độ của 24 tiết khí ta thấy rất khớp với cung độ của Nhị thập bát tú và tinh thứ gắn với 12 cung Hoàng đạo đã nói ở trên. Đó là sự khẳng định 24 tiết khí có nguồn gốc từ dương lịch tính theo hệ mặt trời.
24 tiết khí trên mặc dù có nguồn gốc từ Dương lịch, song do phản ánh chính xác chu kỳ chuyển dịch của thời tiết nên nó đã trở thành lịch pháp áp dụng cho nông nghiệp. Đối với các nước nông nghiệp người ta lấy tiết Lập xuân làm tiết khí đầu tiên của 24 tiết khí gắn với nông lịch hàng năm.
Ở các nước như khu vực châu Á việc tính và hiểu các tiết khí theo khí hậu của mỗi nước ở một số tiết cũng có sự khác nhau. Đối chiếu nghĩa 16 tiết khí (ngoài 8 tiết chính) của Trung Quốc và Việt Nam dưới đây ta thấy rõ sự khác biệt đó. Ở Trung Quốc nếu tính từ sau tiết Lập xuânsẽ là Vũ thủy (mưa nước), Kinh trập (sâu tỉnh dậy), Thanh minh(trong sáng), Cốc vũ (mưa lúc tốt), Tiểu mãn (lúa kết hạt), Mang chủng (lúa nẩy râu), Tiểu thử (nắng nhẹ), Đại thử (nắng gắt), Xử thử(nắng muộn), Bạch lộ (móc trắng), Hàn lộ (móc lạnh), Sương giáng(sương sa), Tiểu tuyết (tuyết nhẹ), Đại tuyết (tuyết lớn). Ở Việt Nam tương ứng là các tiết Vũ thủy (ẩm ướt), Kinh trập (sâu nở), Thanh minh (trong sáng), Cốc vũ (mưa rào), Tiểu mãn (duổi vàng), Mang chủng (tua rua), Tiểu thử (nắng oi), Đại thử (nóng nực), Xử thử (mưa ngâu), Bạch lộ (nắng nhạt), Hàn lộ (mát mẻ), Sương giáng (sương sa),Tiểu tuyết (hanh heo), Đại tuyết (khô úa). Tiết Bạch lộ ở Trung Quốc gọi khi thời tiết chuyển lạnh, hơi nước kết thành sương trên mặt đất thì ở Việt Nam được coi là thời kỳ nắng nhạt. Tiết Tiểu tuyết và Đại tuyếtở Trung Quốc có khí hậu giá lạnh tuyết rơi thì ở Việt Nam thời tiết lúc đó được coi là hanh heo và khô úa. Đó là do vòng quanh mặt trời chuyển động biểu kiến với vận tốc không đều cho nên các tháng tiết khí ở mỗi cung Hoàng đạo có độ dài không bằng nhau, chu kỳ khí hậu ở mỗi khu vực cũng khác nhau nên mới có sự dị biệt về một số tiết khí như đã nêu ở trên.
Trong lịch pháp 24 tiết khí bao giờ cũng được ghi đầu tiên đặt vào phần chính trang nhất. Các tiết khí được gắn liền với ngày, tháng, giờ, khắc quy ước ghi theo hệ can chi.
Ở Đại Nam hiệp kỷ lịch thời Nguyễn ta thấy việc ghi chép 24 tiết khí rất rõ ràng chi tiết đến phân (分), khắc (刻) các giờ, ngày, tháng có tiết khí. Như ở Đại Nam hiệp kỷ lịch đời Khải Định thứ 3 năm Mậu Ngọ (1918) trang đầu ghi thời khắc tiết khí ở Phủ Thừa Thiên kinh đô nhà Nguyễn. Tháng giêng đủ (正 月 大) ngày 9 Đinh Dậu vào giữa giờ Dậu(2), khắc đầu(3), bẩy phân(4) là tiết Vũ thủy 雨 水. 22 Tiết khí tiếp theo lần lượt nằm vào cuối tháng giêng và 11 tháng còn lại. Như vậy các tiết Vũ thủy và Kinh trập vào ngày 9 và 24 tháng giêng; Xuân phân và Thanh minh vào ngày 9 và 24 tháng 2; Cốc vũ và Lập hạ vào ngày 11 và 26 tháng 3; Tiểu mãn và Mang chủng vào ngày 13 và 28 tháng 4; Hạ chí vào ngày 14 tháng 5, Tiểu thử và Đại thử vào ngày 4 và 17 tháng 6; Lập thu và Xử thử vào ngày 2 và 18 tháng 7; Bạch lộvà Thu phân vào ngày 4 và 20 tháng 8, Hàn lộ và Sương giáng vào ngày 5 và 20 tháng 9; Lập đông và Tiểu tuyết vào ngày 5 và 20 tháng 10; Đại tuyết và Đông chí vào ngày 6 và 21 tháng 11; Tiểu hàn và Đại hàn vào ngày 5 và 20 tháng 12.
Nếu lập biểu bảng ta sẽ thấy các tiết khí có số ngày không đều nhau, mỗi tiết khí là 15 hoặc 16 ngày. Thường mỗi tháng có 2 tiết khí, riêng tháng 5 trong năm Mậu Ngọ (1918) này có 1 tiết khí là Hạ chí rơi vào ngày 14 do sự dung sai chuyển dịch của những tiết khí trên theo tháng đủ tháng thiếu. Điểm đáng chú ý nữa là ta sẽ thấy ở đây chỉ có 23 tiết khí và thiếu một tiết đầu tiên là Lập xuân. Xem xét kỹ phần chữ nhỏ ở trang 13 trong cuốn lịch này chúng tôi thấy ghi rõ tiết Lập xuân đã rơi vào giữa giờ Hợi ngày Nhâm Ngọ tức ngày 23 tháng 12 của năm trước là năm Đinh Tỵ. Như vậy ta đã thấy tiết Lập xuân có thể diễn ra vào trước hoặc sau tết Nguyên đán hàng năm ở nước ta. Tính theo chu kỳ chuyển vận của các tiết khí thì tiết Lập xuân chỉ có thể rơi vào sau ngày 15 tháng 12 (tháng chạp) của năm trước, hoặc rơi vào trước ngày 15 tháng giêng của năm mới. Đồng thời tài liệu Đại Nam hiệp kỷ lịchnày cũng đã chỉ ra rằng một năm âm dương lịch của ta sẽ ghi đủ 24 tiết khí hoặc chỉ ghi 23 tiết khí vì một phần của tiết khí đó (tiết Lập xuân) đã rơi vào cuối năm trước.
Điểm cuối cùng tôi muốn nói ở bài viết này là sự không giống nhau của giờ khắc và phân ở mỗi tiết khí của mỗi địa phương khác nhau trên cùng một lãnh thổ Việt Nam trong cuốn lịch nêu trên. Mặc dù mỗi Tiết khí diễn ra trong cùng một ngày, cùng một giờ, song trong một giờ đó có sự chênh lệch ở đầu giờ hay giữa giờ, còn các khắc và phân cũng có sự khác biệt. Như tiết Vũ thủy diễn ra vào ngày 9 tháng giêng trên toàn quốc. Ở Kinh đô Huế nó rơi vào giữa giờ Dậu khắc đầu phân thứ 7 Thì ở các tỉnh Hà Tiên, Thái Nguyên và Tuyên Quang tiết Vũ thủyrơi vào đầu giờ Dậu 3 khắc 12 phân. Còn ở Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Nội nó lại rơi vào khắc đầu tiên giữa giờ Dậu. Trong khi đó ở các tỉnh An Giang và Sơn Tây Vũ thủy rơi vào đầu giờ Dậu 3 khắc 14 phân.
Đối chiếu tiếp tiết Hạ chí diễn ra vào ngày Canh Tý tức ngày 14 tháng 5 năm Mậu Ngọ (1918) giữa các tỉnh. ở Kinh đô Huế Hạ chí rơi vào đầu giờ Mùi 2 khắc 13 phân, thì ở các tỉnh Định Tường, Quảng An và Lạng Sơn nó rơi vào đầu giờ Mùi 1 khắc 10 phân. Đồng thời ở Khánh Hòa và Bình Định Hạ chí lại rơi vào đầu giờ Mùi 3 khắc 4 phân.
Như vậy, sự diễn ra của các tiết khí còn lại trên khắp các địa phương và khu vực ở Việt Nam đều có sự chênh lệch về phân, khắc và cả giờ trong cùng một giờ. Tuy nhiên sự kiện này không phải 30 tỉnh và phủ Thừa thiên cuối thời Nguyễn đều hoàn toàn khác nhau. ở đây Khâm thiên giám đã thống kê và ghép các tỉnh có tiết khí giống nhau hoàn toàn đến tận thời gian phân và in vào sách phân định theo đường kẻ ngang. Ta tạm gọi đó là khu vực, mỗi khu vực có 2, 3 hoặc 4 tỉnh mặc dù tỉnh cách rất xa nhau trong cùng một khu vực. Đấy là các khu vực Hà Tĩnh, Thái Nguyên và Tuyên Quang; An Giang và Sơn Tây; Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Nội; Hà Tĩnh và Ninh Bình; Bắc Ninh và Hưng Yên; Nam Định, Cao Bằng, Hải Dương và Vĩnh Long; Định Tường, Quảng Yên và Lạng Sơn; Biên Hòa và Gia Định; Khánh Hòa và Bình Định. Riêng Thừa Thiên Huế và các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Thuận và Quảng Ngãi đứng riêng mỗi tỉnh một khu vực về tiết khí. Lịch tiết khí còn tính đến cả vùng dân tộc thiểu số Tây Bắc và ghép với tỉnh Hưng Hóa là một khu vực. Ngoài ra khu dân tộc thiểu số Hỏa Xá, Thủy Xá được ghép với tỉnh Phú Yên cũng thấy ghi trong lịch.(5)
Điểm đặc biệt về chữ in 24 tiết khí trong bộ lịch này là nhà Nguyễn đã in kiêng húy chữ Chủng 種 (trong Mang chủng) thành chữ Thực 植 nên đọc là Mang thực. Đó là do lệ kiêng húy chữ Chủng - tên của của Gia Long - Nguyễn Ánh. Lúc nhỏ Nguyễn Phúc Ánh có tên là Chủngvà Noãn 暖 nên hai chữ này sau được nhà Nguyễn kiêng húy không dùng.
24 tiết khí trong lịch pháp cổ truyền dân tộc giới thiệu sơ lược trong một bài viết này chắc chắn vẫn chưa thể đầy đủ, chưa phản ánh hết được ý nghĩa khoa học với lẽ huyền diệu trong quy luật tự nhiên mà cổ nhân đã chiêm nghiệm và ghi lại.
N.C.V
CHÚ THÍCH
(1) Theo các nhà nghiên cứu lịch ngoài 5 hành tinh gọi là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ được phát hiện từ mấy nghìn năm trước. Ba hành tinh còn lại được các nhà Thiên văn học châu Âu tìm thấy vào những thế kỷ gần đây: sao Thiên Vương năm 1781, sao Hải Vương năm 1846 và sao Diêm Vương năm 1930.
(2) Thời gian 1 ngày tính theo giờ cũ hệ can chi chia làm 12 giờ. Bắt đầu từ 0 giờ gọi là giờ Tý (11h đến 1h khuya) đến giờ Hợi (9h đến 11hđêm). Đầu giờ thường ghi là Sơ, giữa giờ ghi là Chính.
(3) Một khắc tương đương 15 phân. Khắc đầu tiên trong 1 giờ thường gọi là Sơ khắc. Đo thời khắc xưa kia người ta dùng 1 cái bình đựng nước có lỗ nhỏ, trên có khắc từng độ, tính giọt nước rỉ ra ngay từng độ khắc để tính thời gian.
(4) 1 phân tương đương với 1 phút.
(5) Hỏa xá, Thủy xá: tên hai dân tộc ít người ở miền Thượng du phía Tây nam Trung kỳ, thường thấy ghi trong sách sử thời Nguyễn.
Newer articles
Older articles