Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

THƠ VĂN CỦA NGUYỄN QUÝ ĐỨC VĂN BẢN VÀ TÁC PHẨM

TUEsday - 31/05/2016 22:26
Trong khuôn khổ công trình sưu tập tác phẩm của các tác gia thế kỷ XVII(1), chúng tôi có dịp tìm hiểu sự nghiệp và tác phẩm của Nguyễn Qúy Đức (1648-1720), nhà hoạt động chính trị, văn hoá có tiếng thời Lê Trung hưng. Tiểu sử, sự nghiệp và thơ văn Nguyễn Qúy Đức rải rác được ghi chép trong sử sách, nhưng cho tới nay, chưa có công trình riêng biệt nào giới thiệu các tác phẩm của ông, dù rằng đây là một mảng, theo chúng tôi, rất đáng chú ý trên lĩnh vực Hán Nôm. Bài viết này là một nỗ lực nhằm thu hẹp dần khoảng thiếu vắng đó.

Nguyễn Quý Đức (tranh thờ)

I
Trong dịp về thăm từ đường Nguyễn Qúy Đức ở thôn Đại Mỗ, xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội, chúng tôi được ông Nguyễn Qúy Dậu là trưởng họ cho xem tập gia phả trong đó chép một bài thơ chữ Hán và tập thơ Hoa trình thi tập (HTTT) do cụ Nguyễn Duy Liêm (đã mất) sưu tầm và chép lại gồm 10 bài. Ngoài ra các sáng tác khác, gia đình hiện không còn giữ được.
Các thư tịch Hán Nôm hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm có chép thơ văn của Nguyễn Quý Đức có thể kể như sau:
Về thơ: Nguyễn Quý văn phả (NQVP) A.580, chép 16 bài thơ (11 bài Nôm, 5 bài chữ Hán và bài khải); Lịch triều tạp kỷ (LTTK) VHv.1321 do Ngô Cao Lãng soạn, trong đó chép 3 bài thơ chữ Hán, 1 bài khải;Hoàng Việt thi tuyển A.3162, của Bùi Huy Bích: 1 bài thơ chữ Hán;Danh thần truyện ký A.506: 1 bài thơ chữ Hán. Chiếm số lượng nhiều hơn cả là Toàn Việt thi lục (TVTL) của Lê Quý Đôn, bản A.132/4 chép 72 bài thơ chữ Hán.
Riêng về những sáng tác thơ đi sứ của Nguyễn Quý Đức, theo tiểu dẫn trong TVTL thì ông có hai tập thơ tên là Thi châu tập và Sứ trình thi tập(2). Nhưng trong chính văn của TVTL lại không thấy ghi bài nào chép theo Sử trình thi tập, bài nào chép theo Thi châu tập.Phần thơ đi sứ của Nguyễn Quý Đức được chép riêng thành một chùm 10 bài, có tên gọi chung là Hoàng hoa thập vịnh (HHTV) (thực có 7 bài, 3 bài còn lại chỉ ghi tên bài), còn 6 bài nữa thì để riêng ra ngoài như là những bài độc lập. So HHTV với HTTT thì thấy trong đó có 4 bài thuộc chùm HHTV, 6 bài còn lại thì 5 bài tuy không thuộc HHTV nhưng vẫn có ở phần thơ của Nguyễn Quý Đức trong TVTL mà không có trong TVTL. Theo chúng tôi, Nguyễn Quý Đức có thể có một tập thơ đi sứ riêng, với tên là Hoa trình thi tập, Sứ trình thi tập hoặc Hoàng hoa là những nhan đề có tính chất ước lệ để gọi chung những bài thơ làm trên đường đi sứ Trung Quốc) sáng tác trong thời gian ông đi sứ Trung Quốc (1690-1693). Và Lê Quý Đôn - soạn guiar TVTL cũng đã căn cứ vào tập đó để chọn đưa vào sưu tập của mình. Điều đáng chú ý là nhờ có HTTT của cụ Nguyễn Quý Liêm, chúng tôi có thể khôi phục được 5 bài thơ bị bỏ trống một số chữ trong bản chép TVTL (bản của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu đã dẫn).
Thi châu tập ngày nay không còn, nhưng chắc chắn nó chiếm một số lượng bài đáng kể trong số 56 bài được Lê Quý Đôn chép trong TVTL (không kể thơ đi sứ).
Ngoài TVTL, chúng ta có thể bổ sung những bài khác. Trước hết là bộ phận thơ Nôm được sưu tập trong NQVP, gồm 11 bài sau đây: 1.Dưỡng nhàn; 2. Phụng canh ngự chế Tây Phương tự; 3. Hạ Đặng quốc lão; 4. Hựu hạ Đặng quốc lão; 5. Đặng quốc lão hỉ tặng thổ vật;6. Hạ Đông Ngàn Cẩm Chương Thượng thư trí sĩ quan; 7. Mục kính gắp trầu; 8. Đề Lạc Thọ đình (bài 1); 9. Đề Lạc Thọ đình (bài 2); 10.Quy nhàn hậu tự thuật; 11. Hạ Đặng quốc lão trí sĩ thi. Chùm thơ Nôm này Nguyễn Quý Đức sáng tác sau khi đã về trí sĩ (năm 1717), lúc ông đã ngoài tuổi 70. Thơ chữ Hán còn có: 1. Lưu giản đồng triều(bài 1); 2. Lưu giản đồng triều (bài 2); 3. Hỗ giá thời tòng cung kỷ(NQVP).
Về văn: hiện chúng tôi mới chỉ biết Nguyễn Quý Đức còn lại 2 bài khải: bài Tạ ơn chúa Trịnh Cương ban ngự thi và bài xin về trí sĩ. Ông còn soạn hai bài văn bia có giá trị là: Hàm Long tự bi ký(3) vàHậu thần huệ điền tạo lập văn bi(4). Trước sau ông nhuận sắc 21 bài văn bia tiến sĩ(5), trong đó có 4 bài do con ông là Hoàng Giáp Nguyễn Quý Ân soạn.
Chúng tôi đã lập bảng đối chiếu để so sánh toàn bộ sáng tác hiện có của Nguyễn Quý Đức thì thấy: tất cả gồm 104 lượt bài của 93 sáng tác thơ (Hán 82, Nôm 11) và hai bài khải; 2 bài văn bia.
Ngoài ra, Nguyễn Quý Đức còn cùng nhóm Lê Hy tham gia biên soạn phần Bản kỷ tục biên để bổ sung cho bộ Đại Việt sử ký toàn thưvà thực hiện việc hiệu chỉnh lần cuối để khắc in và công bố bộ sử này(6).
II
Một thời kỳ văn học như thế kỷ XVII, số tác gia và tác phẩm chưa được giới thiệu bao nhiêu, văn bản tác phẩm còn lại không nhiều thì với một tác giả dù chỉ còn lại 1 bài thơ như Ngô Trí Hòa, 2 bài như Nguyễn Quốc Trinh v.v… chúng ta vẫn trân trọng. Đối với Nguyễn Quý Đức, dù sáng tác của ông không còn lại nguyên vẹn, nhưng nhờ công lao của những nhà sưu tầm, biên khảo đời trước, chúng ta còn giữ được gần 100 tác phẩm thơ văn là một trường hợp thật đáng quý.
Đọc thơ Nguyễn Quý Đức nếu bỏ qua tính chất ước lệ của những chủ đề như tiễn tặng, hoạ đáp… chúng ta có thể nhìn thấy ở ông một tâm hồn thơ thanh cao nhưng bình dị, đề tài trong thơ ông phong phú, đa dạng.
Thiên nhiên bao giờ cũng chiếm một vị trí đáng kể trong thơ Nguyễn Quý Đức, dù là cảm xúc khi đi thăm viếng các nơi trong nước hay trên đường đi sứ. Đây đó trong thơ ông hiện lên những chùm hoa ngô đồng rực rỡ như gấm thêu, nhành tơ liễu lấp lánh như vòng ngọc. Đó là bông hoa phù dung đẫm sương thu phô vẻ đẹp trước thềm, là cây quế mùa xuân “vươn thẳng cành cao ủ hương trời”(Phù Dung). Nguyễn Quý Đức tả thiên nhiên cây cành để gửi gắm tâm sự, ông ví mình như cây quế khiêm tốn có hương thơm thanh khiết nhưng vững vàng trước mọi thử thách của thời tiết “suốt năm tháng ngạo nghễ với gió sương” (Xuân Quế).
Trong lần cùng chúa Trịnh Cương đi thăm chùa Tây Phương, cảm xúc trước cảnh thiên nhiên tươi đẹp, ông hoạ một bài thơ Nôm:
Phong quang bỡ ngỡ khí thiều quang,
Nảy thú tu phương lạt địa phương.
Đất mở kim đan, non mở ngọc,
Sông dường ngân đới, nước dường gương.
Hương đòi thì cúng hương ngào ngạt,
Nguyệt chiếm phần nhiều nguyệt tỏ tường.
Ngoài cõi được đứng lên cõi ấy,
Phúc cho toàn đội phúc quân vương.
(Phụng canh ngự chế Tây Phương tự)

Chỉ bằng vài nét chấm phá, bức tranh tả cảnh sinh hoạt diễn ra hàng ngày của một làng bên sông hiện lên sống động:
Thuyền buôn qua lại như thoi dệt,
Đò chợ đi về hết lại sang.
 
(Hành hương phù khả lai hoàn vãng
Quy thị hoành chu bát phục khai).
(Kinh Phúc bồi)
Hình ảnh đàn gia súc đứng chật sân, những đám người tranh nhau đi trên đường cười nói râm ran, cảnh ban đêm ở đô thành đèn nến sáng trưng v.v… trong thơ Nguyễn Quý Đức nói lên cảnh đời thái bình thịnh trị. Đâu đâu cũng thấy con người, cảnh vật đầy sức sống:
“Trên đường vua qua, cây cỏ tươi tốt,
Khắp nơi, người già, trẻ con đều một sắc xuân”.
(Kinh thành thảo mộc gia sinh sắc
Đáo xứ mao nghê cộng nhất xuân).
(Hỗ giá thời tòng cung kỷ).

Hoài bảo của một ông quan giầu lòng nhân ái như Nguyễn Quý Đức không ngoài ước nguyện là làm cho dân giầu nước mạnh. Vì vậy trên bước đường làm quan, khi giữ chức Đốc đồng Cao Bằng, khi làm quan Trấn thủ Hải Dương, An Quảng hoặc ngay cả khi ngồi khảo đính quốc sử, soạn thảo công văn ở Viện quán tại kinh đô, ông luôn luôn nghĩ đến đời sống của dân, làm sao cho dân yên ổn, no ấm. Đi xem xét tình hình đê điều ở làng Hạ Cát (Từ Liêm, Hà Nội), ông xúc cảm viết:
Giúp dân vốn việc nhà Nho đó,
Muốn chặn cuồng ba cứu một phương.
(Trạch dân bản thị ngô Nho sự
Nghĩ át hoành lưu, chửng nhất phương)
(Phụng mệnh vãng khám Hạ Cát giới đê lộ, lưu miễn nhị ti quan).

Ông khuyện vua, chúa nên làm điều nhân nghĩa và hợp lòng dân để dân đỡ khổ (Thuận thời duy nguyện thi vương chính). Và nếu nói một cách hình tượng thì mục đích cao cả của vua tôi đời vua sáng tôi hiền không gì khác hơn là gắng sức làm cho:
Làn sóng nhân lan khắp gần xa,
Nơi hang lạnh thành vườn xwn ấm áp.
 
(Thánh thế nhân ba vô viễn cận,
Tảo giang hàn cốc hựu dương xuân)
(Tiễn Thái Nguyên Tham chính Nguyễn chi nhậm).
Năm Vĩnh Thịnh 13 (1717) chúa Trịnh Cương đề nghị các đại thần soạn bài châm để xem ý hướng của từng người. Nguyễn Quý Đức và Đặng Đình Tướng cùng soạn chung bài châm Biết người (Tri nhân châm). Nội dung có thể coi là một bản kiến nghị của hai ông đối với việc dùng người:
“Chớ mạo muội chỉ dựa theo lời nói và động tác bề ngoài,
Phải xét đến tận chỗ thầm kín trong gan dạ,
Phải xét ở chỗ dụng tâm của người ta, xem là vì việc công hay việc tư?
Phải xét tư cách con người xem có phải là hạng không bè phái, không vào hùa.
… Đừng vì một người chê mà vội ruồng rẫy,
Chớ thấy một người khen mà vội nghe theo,
Phải thử thách người ta bằng mọi việc làm,
Đừng thấy có chút tài năng mà vội cất dùng,
Phải khảo xét ở quá trình làm việc,
Đừng vì hơi có chút lỗi mà bỏ ngay”(7).
Đọc bài châm, chúng ta hiểu rõ ngay Nguyễn Quý đức là người thanh liêm, cương trực, biết cách dùng người để đạt đến:
“Mọi người chính trực sẽ được cất dùng,
Và mọi bậc tài năng sẽ được đứng đông trong triều”(8).
Cuộc đời làm quan của Nguyễn Quý Đức đã đạt đến đỉnh cao của vinh quang, nhưng từ chỗ sâu lắng trong tâm hồn, ông vẫn không muốn bị ràng buộc bởi giàu sang, quyền quý. Vì vậy, vừa đến tuổi 70, ông liền dâng khải xin về trí sĩ. Bài khải là một áng văn rất cảm động. Cả cuộc đời ông hiện ra theo nét bút: xuất thân trong một gia đình có truyền thống hiếu học, từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng. 16 tuổi đỗ hương tiến, 29 tuổi đỗ Thám hoa khoa Bính Thìn, Vĩnh Trị 1 (1676), được bổ chức ở Viện Hàn lâm. Trải qua 21 chức vụ, thăng dần đến Tham tụng kiêm Lại bộ thượng thư, tước Liêm quận công, được ban Thái phó quốc lão. Ông viết: “Trải bước hoạn đồ 42 năm, chỉ biết trỏ đường thẳng hướng cho người… Thần giữ một lòng chung thủy, không dám sớm tối trễ tràng… có ý lo những điều đáng lo trước thiên hạ… tự xét tài và đức của thần còn kém xa các bậc tiên hiền… thế mà không biết noi theo gương họ, treo mũ, cáo lão thì e cản trở con đường đi tới của người hiền, không khỏi bị tiếng chê là luyến tiếc quyền vị” (LTTK, Q.2, tờ 28b).
Nguyễn Quý đức làm quan trải 3 triều chúa (Trịnh Tạc, Trịnh Căn, Trịnh Cương), hơn 10 năm làm Tham tụng đứng đầu hàng bá quan, ông là nhà hoạt động chính trị có danh tiếng được sử sách ca ngợi là bậc đại thần thanh liêm, có tài ứng xử việc chính trị. Ông chủ trương dùng biện pháp chính trị khoan hòa để thu phục nhân tâm. Lê Quý Đôn viết về ông với sự kính phục: “Ở cương vị Tể tường hơn 10 năm, ông sửa sang chính pháp, tiến n hiền tài, là bậc Tể tướng danh tiếng đời thái bình”(9). Đương thời trong dân gian có câu: “Tể tướng Quý Đức, thiên hạ hưu tức” (Quý Đức làm Tể tướng, thiên hạ được yên ổn). Thiết tưởng sự đánh giá đó còn cao hơn mọi sự ban khen của vua chúa!
Từ Kinh đô trở về, tâm hồn ông lại được thảnh thơi để làm bạn với trúc mai. Ta lại thấy trong thơ ông hiện ra một khu vườn có những luống cúc vàng rực trong nắng sớm: “Bên giậu, cúc vàng toả hương thơm thoang thoảng” (Ly cúc vị hoàng hương đạm đạm”, một mái hiên với mấy cành trúc đung đưa dưới ánh trăng. Ta lại nghe tiếng thơ vui đượm thi từ đời Lê sơ phảng phất đâu đây:
Dưỡng nhàn quê tiện góc bên tây,
Phen học hiền xưa thú lạc tây.
Cảnh cũ mảng vui vun luống cúc,
Hơi dương mừng thấy rạng vườn tây.
Bạc vàng ban xuống nhuần ơn bể,
Hoa cồn vâng cho mức cõi tây.
Hai chữ đồng hưu nguyền tạc dạ,
Trỏ Tam Đảo bắc, Tản Viên tây.
(Dưỡng nhàn)

Một tâm hồn thanh cao nhưng bình dị, một tấm lòng tràn đầy ưu ái, một hồn thơ giầu cảm xúc, một bút pháp “thuần hồn” điển nhã” (Lê Quý Đôn), một con người để lại những đóng góp đáng ghi nhớ về văn hoá(10), văn học. Và lịch sử văn học sẽ có dịp ghi nhận tên tuổi của Nguyễn Quý Đức như một tác gia lớn của thế kỷ XVII.
Nguyễn Thúy Nga
---

Chú Thích:
(1) Công trình tập thể do phòng Văn bản học thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm thực hiện (1988-1991).
(2) Trong Lược truyện các tác gia Việt Nam, Nxb. KHXH T.1, tr.280 và Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Nxb. Văn hóa, tr.96. Trần Văn Giáp cũng căn cứ vào tiểu dẫn này để ghi tên 2 tập thơ của Nguyễn Quý Đức.
(3) Soạn năm Vĩnh Thịnh 10 (1714), ghi công đức của vợ chồng chúa Trịnh Cương cúng tiền trùng tu chùa Hàm Long một danh làm thắng cảnh ở Thăng Long.
(4) Soạn năm Chính Hòa 13 (1692) viết về bà vú nuôi ở Phủ chúa là Nguyễn Thị Lâu nhiều lần cúng tiền, ruộng giúp dân thon Đông Hội (nay thuộc huyện Tam Điệp, tỉnh Hà Nam Ninh).
(5) Đó là văn bia tiến sĩ các khoa: Thịnh Đức 4 (1656); Vĩnh Thọ 2 (1659); Vĩnh Thọ 4 (1661); Cảnh Trị 2 (1664); Cảnh Trị 5 (1667); Cảnh Trị 8 (1670); Dương Đức 2 (1673); Vĩnh Trị 1 (1676); Vĩnh Trị 5 (1680); Chính Hòa 4 (1683); Chính Hòa 6 (1685); Chính Hòa 9 (1688); Chính Hòa 12 (1691); Chính Hòa 5 (1694); Chính Hòa 18 (1697); Chính Hòa 21 (1700); Chính Hòa 24 (1703); Vĩnh Thịnh 11 (1715).
(6) Về quá trình biên soạn Đại Việt sử ký toàn thư - văn bản khắc in năm Chính Hòa 18, xin xem bài khảo cứu của Giáo sư Phan Huy Lê trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. KHXH, H. 1983, T.1, tr.63.
(7), (8) Theo bản dịch của Hoa Bằng Lịch triều tạp kỷ, Nxb. KHXH, H. 1975, tr.245.
(9) TVTL, Q.24, tờ 35a.
(10) Năm 1716 ông vâng lệnh tu sửa Văn Miếu: xây điện Đại Thành, 2 bên hành lang và đứng ra lo liệu, trông nom việc dựng 5 bia Tiến sĩ ở nhà Thái học.

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh