THƠ namkau - MỘT HÌNH THỨC, CÓ THỂ
FRIday - 28/10/2016 20:59
Tác giả: Nguyễn Trọng Tạo
THƠ namkau - MỘT HÌNH THỨC, CÓ THỂ
Việc cách tân hình thức đối với văn học là vô cùng quan trọng. Quá khứ đã tạo ra những hình thức ổn định, nhưng cũng nên nhớ rằng trước khi nó được tạo ra, vốn là nó chưa hề có. Thơ Đường luật, thơ Tứ tuyệt, thơ Sonnet, thơ Haiku, thơ Lục bát, v.v… là những thể thơ ổn định từ nghìn năm nay mà trường dư của nó chưa có lim (limit) giới hạn.
Tôi không tài nào hình dung nổi câu thơ lục bát Việt đã ra đời như thế nào. Nhưng nó đã ra đời và ổn định qua nhiều trăm năm nay. Tạo ra hình thức mới cũng có nghĩa là tạo ra “mốt”. Nhà tạo mốt thơ lục bát là ai, nếu biết, có thể dựng tượng đài thật hoành tráng cho thơ Việt. Liệu trong những nhà thơ của chúng ta, ai sẽ tạo được “mốt” mới cho thơ Việt trong tương lai? Đấy là một điều đáng suy nghĩ đối với những nhà sáng tạo thơ.
Cuối năm ngoái, tôi được nhà thơ Trần Quang Quý cho đọc một chùm thơ năm câu. Những bài thơ tự do được ấn định/bắt buộc khổ trên ba câu, khổ dưới hai câu. Vẫn là giọng thơ se thắt và bật sáng chữ nghĩa của Quý, nhưng bài thơ thì nén lại cho đến chữ cuối cùng để bất ngờ làm hiện ra tứ thơ ám ảnh. Tôi nghĩ trong thơ nội, thơ ngoại cổ kim thì số câu của một bài thơ nhiều ít đều đã có cả, nhưng thơ năm câu thì chưa trở thành một hình thức ổn định. Và tôi cổ vũ Quý nên tiếp tục làm thơ năm câu nhằm gây một ấn tượng riêng, biết đâu, một tập thơ năm câu sẽ tạo ra một hình thức thơ mới có sức thuyết phục cả người đọc và người viết thơ.
Gần một năm sau, Trần Quang Quý đã viết được trên 100 bài thơ năm câu. “Có cả bài hay lẫn bài vừa”. Và Quý đã chọn lựa, bỏ bớt “bài vừa” để làm nên tập thơ này.
Đọc thơ năm câu của Trần Quang Quý, người đọc hẳn bất ngờ đi từ thú vị này đến thú vị khác. Khi thì gặp bài thơ được kết theo lối “chân đế” nâng bổng cả ý tứ lên tầm khái quát mới lạ.
CẢM THỨC
Mùa thu giặt những đám mây trắng
phơi lang thang bầu trời
vắt ngang gió một lườn sông sóng sánh
Trong rón rén bình minh chợt nhú
ban mai vừa cởi cúc mùa thu
BUỘC
Hoa nở
ngỡ môi em còn thơm đầy vườn
hoàng hôn khép ráng chiều xa ấy
Gió gọi em mùa đi biền biệt
vườn buộc anh cả một đời hương.
Khi thì gặp những câu chữ lung linh bổng trầm ném vào tâm hồn rát bỏng:
- chiếc răng vẫn đang nhai ký ức
- cỏ mềm nằm duỗi xuân
- gió lật chiều không bóc nhớ khỏi anh
- âm thanh lõm theo con đường có vết chân em
…..
Từ những triết lý đời sống đến triết lý tình yêu đều vỡ ra những cung bậc sẻ chia. Khi đằm thắm, lúc chua cay. Khi mãnh liệt nồng nàn, lúc buồn tênh hụt hẫng… Những cung bậc tâm hồn của một người nhiều suy tư nghiền ngẫm, lại cũng nhiều mơ mộng thiệt hơn. Có ẩn ức và có hồn nhiên. Có đời và có đạo… Âu cũng là thiên chức của một hồn thơ đã qua thời “ngũ thập tri thiên mệnh”.
Nếu thơ năm câu của Trần Quang Quý được chấp nhận rộng rãi thì nó sẽ được ghi nhận như một hình thức mới. Khi nó được gọi là hình thức mới thì thơ năm câu như là một thuật ngữ văn học. Vì thế mà tôi muốn gọi thơ năm câu của Trần Quang Quý bằng “thuật ngữ” namkau. Vâng, namkau, viết theo kiểu tiếng Anh thì ai cũng đọc được. Là tôi hy vọng thế.
Tuy nhiên, việc sáng tạo và việc chấp nhận cái mới cái lạ không chỉ phụ thuộc vào nhà sáng tạo, mà còn phụ thuộc vào cả người thưởng thức. Người ta nói nhiều về việc “nâng cao dân trí” nhưng lại rất ít chú ý đến việc “nâng cao dân trí thơ”. Thưởng thức nghệ thuật tự nhiên và thưởng thức nghệ thuật bằng tri thức nghệ thuật là rất khác nhau. Dân trí nhạc của ta chưa đạt tới trình độ nghe nhạc giao hưởng, trong lúc dân trí Âu châu đã tiếp cận được nhạc giao hưởng hiện đại. Với thơ cũng vậy thôi. Rất nhiều trường phái đã ra đời, tồn tại và không tồn tại là cả một vấn đề lớn mà các nhà nghiên cứu nhiều khi bất lực. Lúc đó người ta phải gửi gắm vào sự phán xét của Ông già Thời Gian mà thôi.
Với tập thơ namkau của Trần Quang Quý, tôi hy vọng trước hết, sẽ mang đến cho bạn đọc và cả bạn viết một niềm đam mê sáng tạo đầy trăn trở về đời, về thơ và về ý thức không an bài với những gì đã có…
NTT
Hà Nội, 2.9.2016