THƯ TỊCH CỦA LÊ QUÍ ĐÔN
SATurday - 08/03/2014 02:46
Nhà nghiên cứu Đinh Công Vĩ
Tình hình thư tịch nước ta thế kỷ 18 đã được nhà sử học Phan Huy Chú đánh giá là “chế tác đầy đủ, kỹ càng, văn hiến đứng đầu cả Trung châu, điền chương rộng cả thời đại”(1). Là nhà bác học đương thời, Lê Quí Đôn một mặt bằng những sáng tác của mình, góp phần làm giầu kho tài sản tinh thần dân tộc; mặt khác, bằng chính những công trình có tính chất sưu tầm, chỉnh lý thư tịch, đã tổng kết một cách đầy tài năng toàn bộ kho di sản tinh thần của dân tộc 5.7 thế kỷ trước đó. Những đóng góp nổi bật của ông gồm có: Việc hoàn thành bản thư mục tổng quát nhất, tập hợp những tên sách Hán, sách Nôm sưu tập được từ trước cho đến bấy giờ; việc sưu tầm những thư tịch dùng cho bộ bách khoa thư tịch về văn học, lịch sử chính trị, triết học... và những phương pháp khoa học để tiến hành chỉnh lý thư tịch như biện nguỵ, hiệu khám huấn hỗ...
Về bản thư mục thì Nghệ Văn chí trong Lê triều thông sử của Lê Quí Đôn là tấm gương thành công, phản ánh những nét cơ yếu nhất số sách của nước ta mà nhà bác học sưu tầm được. Nhà thư mục học của chúng ta có tinh thần sáng tạo, không chịu phân loại rập khuôn kiểu “kinh, sử, tập” đã có ở những người đi trước, mạnh dạn cho những tên sách thuộc “Hiến chương” sưu tập được đứng riêng thành mục loại lớn. Ông chia thư tịch sưu tập được thành bốn loại: 1. Hiến chương (có 16 tên sách); 2. Thi văn (có 66 tên sách). Tất cả gồm 115 tên sách. Mới nhìn vào số tên các bộ sách đó, ta có thể tưởng rằng số lượng thư tịch nước ta xưa kia quá ít. Song nếu nhìn vào độ dầy từng quyển, vào số quyển trong từng bộ sách, ta sẽ thấy một tình hình đáng tự hào. Riêng trong “Phương kỹ loại”, một bộ “Tam tạng kinh” đời Lý đã có 4826 quyển, một bộ “Đại tạng kinh” đời Trần đã có 2565 quyển... chứng tỏ rằng, trước Lê Quí Đôn 5 đến 7 thế kỷ, số lượng thư tịch người nước ta tích trữ và sử dụng đã không nhỏ. Đó là chưa kể số thư tịch mất mát. Trong Tựa Nghệ văn chí Lê Quí Đôn cho thấy ở đời Trần Nghệ Tông (1370 – 1372) Chiêm Thành đốt sách của ta; đời Minh, bọn Trương Phụ cướp sách ta mang về Trung Quốc; loạn Trần Cảo làm “giấy tờ sách vở rắc bỏ đầy đường”; khi triều đình (Lê Trịnh) lấy lại kinh thành, sách vở “lại bị lửa cháy”. Nếu không thế chắc rằng số sách Lê Quí Đôn sưu tập được còn nhiều hơn nữa.
Công trình thư mục của Lê Quí Đôn tuy không cho chúng ta biết đủ số nhưng đã cung cấp cho chúng ta khá đủ loại và là những loại thư tịch tiêu biểu của 7 thế kỷ soạn thảo, sáng tác, sưu tập.
Xem “Hiến chương loại”, ta có thể tìm thấy những hình thư, ngọc điệp, điển lễ, địa đồ … tiêu biểu cho các triều đại ở nước ta; xem “Thi văn loại”, tay thấy được thơ văn của vua chúa, công khanh, của người theo đạo Phật, đạo Nho. Một số sách trong đó đã mất rồi nhưng Lê Quí Đôn cũng nêu một vài đặc tính của nó. Điều này rất cần để có cái nhìn chung về kho tàng thư tịch trước đây.
Theo truyền thống cũ, ở xã hội chữ viết dân tộc chưa được nâng lên địa vị xứng đáng. Lê Quí Đôn không thể dồn chú ý vào việc sưu tầm các thư tịch viết bằng chữ Hán, và có nhẹ đi phần nào việc sưu tầm các thư tịch viết bằng Quốc âm tức chữ Nôm. Ông bỏ sót cả những thư tịch viết bằng chữ Việt nổi tiếng như thơ Quốc âm của Hồ Quí Ly, Hồ Tông Thốc, Nguyễn Trãi … Song cái đáng làm chúng ta trân trọng công trình thư mục này là ở chỗ Lê Quí Đôn không bỏ qua một số tác phẩm có tính chất mốc thời đại, có thể coi như những biên đá tảng trong nền Quốc âm Việt Nam như: ông đặt lên hàng đầu trong số những tên sách Việt tập Phi sa tập của Nguyễn Thuyên, một tập thơ đã chứng tỏ rằng cái thời kỳ chữ Nôm chỉ xuất hiện lác đác trên các văn bia ghi tên người tên đất đời Lý đã qua rồi. Từ đây bắt đầu thời, kỳ “văn thơ nước ta dùng nhiều bằng Quốc ngữ”(2). Cho nên dù còn bỏ sót mà Lê Quí Đôn vẫn có thể cho chúng ta biết một số tập thơ Nôm nổi tiếng nhưQuốc ngữ thi của Chu An; Bạch Vân Quốc ngữ thi của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Là người từng đi sứ Trung Quốc, có dịp sưu tập các tác phẩm của những người đi sứ nước ta, đáng chú ý nhất là những tác phẩm viết bằng Quốc âm của họ, nên hơn ai hết, Lê Quí Đôn rất trân trọng tác phẩm “Sứ Bắc quốc ngữ thi tập của Hoàng Sĩ Khải và ông đã chọn xếp sách đó vào Nghệ Văn chí của mình”.
Ở nước ta thời phong kiến hiếm người viết ký bằng Quốc âm nên cũng hiếm người sưu tập đươc tác phẩm ký Quốc âm, do vậy mà việc Vũ Cận cho ra đời tập Kim Lăng ký “toàn dùng Quốc Ngữ” (Nghệ văn chí) đã được Lê Quí Đôn xem là độc đáo, chứng tỏ nhà bác học có chú ý sưu tập thể loại hiếm đó.
Ngoài ra, ông cũng không quên sưu tập các tác phẩm viết bằng Quốc ngữ trong nhiều kịp khác. Chẳng hạn: ở Kiến văn tiểu lục, mục Phong vực xứ Hưng Hoá, ông đã chép toàn văn bài phú bằng Quốc âm của Nguyễn Hãng; bài Đại đồng phong cảnh phú hay ở Đại Việt thông sửphần nói về Mạc Phúc Nguyên, ông chép được cả tờ quốc thư bằng Quốc â của Lê Bá Ly gửi các tướng sĩ nhà Mạc.
Sau việc sưu tập ở Nghệ Văn chí, trước tiên ta phải nói đến quá trình sưu tập để hình thành bộ sách “tinh tuý nhất”(3) của Lê Quí Đôn, bộVân đài loại ngữ. Đây không phải là một thư mục chuyên môn như“Nghệ văn chí” mà là một bộ bách khoa. Song chính vì là bách khoa mà nó phải tập trung, phải phân loại nhiều tri thức và như vậy, nó phải tìm đến nguồn tư liệu liên quan đến các tri thức đó nằm trong nhiều thư tịch Đông, Tây, kim, cổ. Lê Quí Đôn đã phải đọc và dẫn dụng trên 700 tên sách. Trong khối lượng sách lớn này, có thể phần chủ yếu là do ông đọc hoặc sưu tập được khi sứ Trung Quốc (năm 1760 - 1762). Các sách công cụ bách khoa kiểu Tam tài đồ hội, Uyên giám loại hàm... các truyện ký, dã sử, vĩ thư, Bách gia chư tử... có phần chắc là được sưu tập vào dịp đi sứ … Trong lúc cái lệnh không cho mua sách phương Bắc của Trịnh Giang còn có tác dụng, trong lúc vẫn phổ biến cái học theo lối tóm tắt của Bùi Huy Bích … đã hạn chế sự hiểu rộng của nho sĩ nước ta, thì việc sưu tập rộng rãi các loại sách này của Lê Quí Đôn là rất cần thiết và có ý nghĩa.
Có nhiều sách ở Trung Quốc liên quan tới nước ta, nhân đi sứ, Lê Quí Đôn có dịp tìm ra, giới thiệu ở bộ Vân đài. Đấy là những tư liệu đáng chú ý đối với các nhà nghiên cứu nước ta khi nghiên cứu về mối quan hệ Việt - Trung thời xưa. Thuộc loại sách này, có 5 mảng: 1. Thư tịch của đám người Việt lưu vong ở Trung Quốc như Nam ông mộng lụccủa Hồ Nguyên Trừng... 2. Thư tịch chuyên bàn về lịch sử, địa lý, phong tục nước ta do các sứ giả và trí thức phương Bắc viết như An Nam tức sự của Trần Cương Trung đời Nguyên... 3. Thư tịch không chuyên, chỉ có vài đoạn trong đó đề cập đến chuyện nước ta, như Tống sử, có chỗ nói về Thái Duyên Khánh, Tri châu đất Hoạt, học cách tổ chức quân đội của An Nam... 4. Sáng tác văn học của người Trung Quốc phản ánh ít nhiều tình hình nước ta, như An Nam kinh đô bát cảnh... 5. Thư tịch nói về miền đất biên giới, có liên hệ với nước ta, như Quảng Đông tân ngữ của Khuất Đại Quân đời Thanh...
Lê Quí Đôn còn đặc biệt lưu ý sưu tập các tư liệu nói về vùng Đông Nam á. Quan hệ mật thiết với các sứ giả Triều Tiên, những người ở vùng đất “có nhiều sách mà Trung Quốc không có(4), ông rất quan tâm tới thư tịch Triều Tiên và đã sưu tập được đoạn chép Sứ Cao di lụctrong sách Vân lộc mạn sách sao của người đời Tống nói về đất nước đó. Ông tìm tới hàng loạt thư tịch của người Trung Quốc nói về các nước Đông Nam Á như Sứ Lưu cầu ký, Chân lạp phong thổ ký, Hạ Tây dương ký(5)…
Dù lúc ấy, bởi tư tưởng “nội Hạ ngoại Di”, người ta chưa hết kỳ thị với ngoại ngữ, dị thư, nhưng Lê Quí Đôn, với sự khát khao hiểu biết, được đi nhiều nơi và với cách làm việc khách quan khoa học, đã vượt khỏi một số hạn chế phương Đông để bước đầu tiếp xúc và sưu tầm được một số thư tịch giới thiệu phương Tây xa xôi. Các thư tịch đó, đã dần vào bộ bách khoa, có thể chia thành hai loại sau:
1) Sách khoa học phương Tây do người Trung Quốc và các Giáo sĩ phương Tây dịch ra chữ Hán, như Khôn dư đồ thuyết của Nam Hoài Nhân(6).
2) Sách do người Trung Quốc đời Thanh viết về những tri thức tân kỳ của Tây phương, như Thuyết Linh, Kiên biểu tập...
Có thể gọi đó là những “tân thư” so với “cựu thư” của ta và Trung Quốc, mà đây chủ yếu là tân thư về khoa học, nhất là khoa học tự nhiên, trước những “tân thư” của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu mang mầu sắc khải mông chủ nghĩa mà Phan Bội Châu sau này có đọc và nhắc tới.
Về thư tịch sử học: Trong lời tựa Đại Việt thông sử Lê Quí Đôn có nói tới các khó khăn trong di sản lịch sử cho ông để lại. Theo ông, người làm sử phải “xét những lời trong bia ký, mộ chí, hành trạng”, phải “căn cứ vào công luận, xén bỏ những ngoa lầm của dã sử, tiểu thuyết”. Trong Tôn chỉ và ý nghĩa trọng yếu của việc soạn sử, ông cho thấy người làm sử còn phải: “Lấy gốc ở những tài liệu ghi chép” của các quan theo rõi hoạt động hàng ngày của vua, chú ý “bài chế, bài chiếu”. Dẫn lời Trương Bật đời Tống ông khẳng định “Sử quan phải thông thiên văn, địa lý, biết lễ nhạc quân sự”. Nhà sử học, theo Lê Quí Đôn, phải sưu tầm nhiều thư tịch thuộc các loại trên, và đây thực ra không phải là điều dễ thực hiện trong hoàn cảnh sách vở bị mất mát nhiều như ở nước ta. Ông tôn trọng chính sử, nhưng không xem nhẹ các thư tịch ngoài chính sử. Ông đã tìm thấy những điều mới mẻ mà chính sử còn sót, như nhờ tìm thấy bia của Trình Thuấn Du, ông đã xác định được vai trò quyết định của người anh hùng áo vải Lê Chích trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh.
Về thư tịch văn học: Các công trình sưu tập thơ văn của Lê Quí Đôn như Toàn Việt thi lục (Tập hợp được 2391 bài thơ của 175 nhà thơ,Hoàng Việt văn hải (thu hết các tác phẩm còn sót từ Lý Trần đến Lê sơ, gồm chiếu, sách, phú, tụng, tựa, ký, tạp ký) và phần văn học trongPhủ biên tạp lục (văn bản sưu tập thơ văn nhiều nhất, sớm nhất ở chốn cực Nam Tổ quốc ta từ thế kỷ 18 trở về trước)… Tất cả đều thể hiện sự nỗ lực tối đa mà không một nhà sưu tập văn học nào ở nước ta trước đó có thể bì kịp với ông. Những tiêu chuẩn tuyển chọn chú trọng cả nội dung lẫn hình thức, cả đạo đức tác giả lẫn dư luận số đông và dành cho phụ nữ vai trò xứng đáng... của ông còn soi sáng cho các nhà sưu tập sau này.
Cách sưu tập của Lê Quí Đôn cũng thật đa dạng. Nếu ở Nghệ văn chí,tác giả còn chia tên sách tìm được thành loại, thống kê chỉ theo nhan đề là chính, thì ở Kiến văn tiểu lục mục Hiến chương, những tên sách sưu tập, được tác giả liệt kê, có chen vào phần giới thiệu các nội dung hoặc chi tiết quan trọng. Ở đây, Lê Quí Đôn không tách rời việc sưu tập với việc làm thư tịch chí (bibliography) như ở Nghệ văn chí. ĐếnPhủ biên tạp lục; cách sưu tập của Lê Quí Đôn là xông vào thực tế “hỏi di tích, xem lệ cũ, tuỳ bút chép ra…” Đặc biệt, ông chú ý hơn đến việc sưu tập địa phương chí, như kiểu Ô châu cận lục của Dương Văn An đời Mạc. Chưa ở tác phẩm nào Lê Quí Đôn lại có điều kiện sưu tập và đã sưu tập được nhiều tư liệu thư tịch ở nha môn hành chính như ở tác phẩm này. Kết hợp sưu tập văn bản, với sưu tập tư liệu trong đời sống; kết hợp dò hỏi với xem, nhớ và ghi chép nghiêm túc, đặc biệt là cach ghi bằng thẻ, có phê phán … một việc gần giống lối làm phít rất khoa học bắt đầu hình thành ở Châu Âu cũng vào thời gian tương đương với thế kỷ Lê Quí Đôn, là những đặc điểm nổi bật trong phương pháp sưu tầm thư tịch của nhà bác học này của nước ta.
Kết hợp chặt chẽ với sưu tầm, Lê Quí Đôn đã tiến hành chỉnh lý thư tịch với một phương pháp khoa học và tác phong thận trọng. Điều đáng khẳng định là ông đã vận dụng những tri thức của biện nguỵ học, hiệu khám học và huấn hỗ học rất thành công trong công tác nghiên cứu chỉnh lý văn bản cổ.
1) Biện nguỵ: ở nước ta không tìm đầu ra một cuốn biện nguỵ chuyên khảo như Sớ chứng cổ văn thượng thư của Diêm nhược Cừ, người Trung Quốc(7). Các nhà nghiên cứu văn bản nước ta hay đi vào biện nguỵ một phần hay một s chi tiết của tác phẩm. Lê Quí Đôn cũng vậy. Song cái hơn người của ông là ở chỗ: những ý kiến, dẫn liệu về biện nguỵ của ông dù không tập trung vào một chương, một quyển hẳn hoi, nhưng có thể tìm thấy ở nhiều nơi, nhiều đoạn văn khá phong phú và đặc biệt là rất điển hình, có thể thành gương cho người làm nguỵ biện về sau.
Bằng tri thức uyên bác, ông có thể vạch ra trong một cuốn sách, chỗ nào thực của mình, chỗ nào vay mượn của người, như ông nêu: “SáchLĩnh Nam chích quái tương truyền tác giả là Trần Thế Pháp, nhưng những chỗ vay mượn phụ hội không kể xiết, như truyện Việt tỉnh,truyện này thấy chép trong sách Trung Quốc mà tác giả phụ hội soạn ra”. Lê Quí Đôn dẫn sách Nam Hải cổ tích ký của Ngô Lai đời Nguyên, sách Tài quỉ ký của Trương Quân Phòng đời Tống; sáchThuyết phu của Đào Tông Nghi đời Minh để chứng minh cho ý kiến của mình(8).
Cũng có khi một cuốn sách có những chỗ có vẻ là giả, khó tin là thật, nhưng là người đọc nhiều biết rộng, Lê Quí Đôn vẫn có thể tìm ra cái thật trong vô số cái khó tin ấy, như ở Kiến văn tiểu lục, ông viết:“Truyền kỳ mạn lục phần nhiều là ngụ ngôn cho nên ít người tin. Nhưng Kim hoa thi thoại nói là của Phù phu nhân thì là người thật. Cứ xem Trích diễm thi tập có chép thơ của Nguyễn Hạ Huệ và chua rằng: Nguyễn Hạ Huệ tự là Quỳnh Hương, ngưi xã Lựu Khê, huyện An Lạc, là vợ Giáo thụ Phù Thúc Hoành, Quỳnh Hương thông hiểu âm luật, có tập Mai trang lưu hành ở đời. Nay trong tập ấy, thấy có hai bài “Thái liên khúc (…) Nay ở xã Phù Lỗ, huyện Kim Hoa còn đền thờ Phù học sĩ”(9).
Lê Quí Đôn có ý phân biệt hai loại: nguỵ trang cốt truyện và nguỵ do in khắc, chứ không phải do tác giả cố ý. Về loại nguỵ thứ nhất, ông nói tới “chuyện Công Dã Tràng (ở Luận ngữ) do người quê kệch phía đông nước Tề bịa ra”; về loại nguỵ thứ hai, ông nói tới “bản khắc sáchThiếu vi thông giám nhiều chỗ sai lầm”.
Đáng lưu ý là do sự phát triển của khoa học, đặc biệt là khoa học tự nhiên, càng ngày người ta càng thấy rằng việc nghiên cứu chất liệu thư tịch là rất cần cho việc xác định niên đại của nó, từ đó góp phần khẳng định mức độ chân nguỵ, hỗ trợ cho biện nguỵ học. Giăng Ma-bi-li-ôn (1632-1707), người tổng kết kỹ thuật xác định niên đại chân xác của tài liệu phương Tây qua Sáu cuốn sách về văn bản học không bỏ được ý này. Lê Quí Đôn cũng vậy. Ở Vân đài loại ngữ mục Phẩm vật và Âm tự, ông dành nhiều trang nghiên cứu về giấy, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm làm và nhuộm giấy mực, dùng cây vân thảo (vân hương) để trừ mọt sách, in bản gỗ, in hoạt tự … Chính gia đình Lê Quí Đôn là một trong những cơ sở ấn loát có tiếng. Ngành cổ tự học cũng phần nào hỗ trợ cho biện nguỵ học. Ở Vân đài loại ngữ, mục Âm tự Lê Quí Đôn đã đi sâu vào ngành đó khi tìm hiểu lịch sử chữ Lệ, chữ Thương Hiệt, chữ Triện và thư pháp. Những trang bàn về chất liệu thư tịch, về cổ tự học đó của ông dù chưa trực tiếp đi vào biện nguỵ học, nhưng chính là cơ sở cho bịên nguỵ học.
2) Hiệu khám: trước Lê Quí Đôn đã có người bàn nhiều về vấn đề này. Trong Nghệ văn chí mục Hiến chương Lê Quí Đôn viết: “Sách Công văn cách thức và Hoàng triều quan chế đã được hiệu định, sách Lĩnh Nam chích quái đã được Vũ Quỳnh hiệu chính”. Tức là những công việc khác nhau của hiệu khám trước thời Lê Quí Đôn đã tiến hành. Song nói như Lê Quí Đôn trong Tựa Nghệ văn chí thì lúc đó “việc so sánh từng bản và sao chép ra (…) đều không đươc qui định thành phép riêng, lệ riêng (…) gián hoặc có người chịu sao chép, thì cũng coi nhẹ viêc hiệu thù (so sánh)”.
Sống ở thời đại phong khí hiệu khám sôi nổi ở đất Bắc và theo truyền thống, do việc khảo cứu sách vở đặt ra phải so sánh nhiều văn bản khác nhau, nên dù không viết những cuốn sách lý luận qui mô, chuyên chú về hiệu khám học, Lê Quí Đôn vẫn để lại những trang (dù ít nhưng rất quí) về hiệu khám học. Ông là người rất hiếm trong chế độ phong kiến nước ta đã có ý thức đề cập tới thuật ngữ “thù hiệu” khi trích sách Biệt lục của Lưu Hướng đời Hán nói về đặc trưng của công việc hiệu thù(10).
Đi sâu vào hiệu khám, Lê Quí Đôn chú ý so sánh các dị bản, luôn luôn muốn trở lại bản lai điện mục, như nói về Lam Sơn thực lục, ông than thở “Bản cũ hãy còn” mà các công thần sao chép nhiều chữ sai, làm “mất cả sự thực, không phải toàn thư” (nguyên bản cũ), gián tiếp chỉ ra muốn hiệu khám tốt phải trở về nguyên bản. Biên soạn Toàn Việt thi lục tuy Lê Quí Đôn không nêu thật rõ cả quá trình tìm hiểu, so sánh các dị bản ra sao, nhưng chỉ cần xem bộ Toàn Việt đó bằng chữ Hán có những chỗ viết “bản khác có chép là” và xem mấy dòng chữ ở phần “Lệ ngôn” của sách này về “Gạn lọc cái tinh hoà trong trăm năm, gom góp cái thơm tho tươi mát của my mươi nhà …” ta cũng phần nào có thể hình dung quá trình hiệu khám rất nghiêm túc và công phu của Lê Quí Đôn bỏ ra ở đây.
3) Huấn hỗ: huấn hỗ vốn có truyền thống lâu đời ở Trung Quốc và ở ta. Song ở ta phải đến thời Lê Quí Đôn mới có những cách tân thật sự. Với nước ta, Lê Quí Đôn là người đầu tiên nói tới thuật ngữ “huấn hỗ” với tư cách là một khoa học. Ở Vân đài loại ngữ mục Âm tự, điều 3, ông khẳng định: “Không có khoa học huấn hỗ thì không phân biệt được ý nghĩa”. Theo ông, khoa học huấn hỗ “cốt yếu là để vận dụng vào tìm nghĩa sách” vì ông đã thấy được tầm quan trọng trong câu nói đầy hình tượng của Vương Hy Chi đời Tấn ở Trung Quốc: “Đọc sách mà tìm được một nghĩa thì cũng như được một thuyền hạt ngọc”(11). “Huấn” có nghĩa là chú giải ý nghĩa. Với Lê Quí Đôn, thì “huấn” là phải căn cứ vào hình dạng, âm đọc của chữ mà giải thích ý nghĩa của bản thân chữ đó. Nói tới quan hệ hình chữ và âm đọc Lê Quí Đôn đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của phiên thiết: “Nếu không có phương pháp phiên thiết thì âm tự không thông được”; “chỗ nào không phiên thiết được thì không hết được âm”(12). Việc dùng chữ Hán phiên âm tiếng Phạn, đi đến hiểu nghĩa các văn bản Phạn, bắt đầu có từ đời Đông hán ở Trung Quốc và được tiến hành qua nhiều thế kỷ, tiếp sau đó, có thể giúp ta so sánh những cách phiên âm ở các thời kỳ khác nhau để phát hiện ra những đổi thay quan trọng. Một ví dụ về sự đổi thay ở vị trí phụ âm đầu: tên gọi “Hin du” (hoặc In du) vào đời Hán được phiên là “Thân độc”, đã được Lê Quí Đôn nêu rõ “Nước Thân độc đời Hán, sau gọi là nước Càn Đốc và nước Thiên Trúc”(13), dù ông chưa nói cụ thể như chúng ta ngày nay rằng: trước đời Đường, phụ âm “trúc” còn cấu âm với vị trí như ở “độc”, chỉ về sau mới có sự phân hoá làm cho hai bên khác nhau như ở sơ đồ trúc, độc = trúc / độc. Ông cho chúng ta thấy câu chuyện Vương An Thạch đời Tống chú giải Kinh Kim Cương“hàng trăm lời mà vẫn trái với ý nghĩa chữ ấy”. Theo ông là vì “chữ Phạn và chữ Trung Quốc cách hành văn khác nhau, phải phiên dịch và chú giải mới rõ được nghĩa cốt yếu, không thể tìm ngay ở chữ ấy được”(14). Lê Quí Đôn còn hướng chúng ta ra bên ngoài để tìm hiểu nghĩa chữ, tức là đi vào “hỗ”. “Hỗ” là dùng tiếng ngày nay để giải thích tiếng đời xưa, dùng tiếng phổ thông để giải thích phương ngữ, làm nó dễ hiểu. Cũng như các ông Sơn Lộc Tố Hành, Đằng Nhân Tô ở nước Nhật(15) muốn đi thẳng vào bản lai diện mục của những sử sách chính thống cổ đại, chứ không chỉ dựa một chiều vào những chú giải pha trộn của các nho sĩ Tống Minh, Lê Quí Đôn mạnh dạn phê phán: “Nhà Minh định phép học chỉ lấy Tứ thư, Ngũ kinh cùng dạy, cònHiếu kinh, Nhĩ nhã không lấy mà ra bài, nên học giả ít người thông hiểu lời huấn hỗ của nó”. “Đời Tống về trước bỏ hết chú sớ không dùng nghĩ cũng hẹp hòi” và ông đề nghị “nên phụ thêm lời cổ chú ở dưới tập truyện để người học biết được nguyên uỷ và dễ khảo cứu”(16). Trong Vân đài loại ngữ, phần Âm tự, điều 23 đến 95, tỏ rõ là người dầy công sưu tập gốc chữ ở Trung Hoa, Việt Nam và các nơi khác.
Như vậy, một mặt, bằng những công trình sưu tập lớn nhỏ, Lê Quí Đôn đã giữ lại cho chúng ta ngày nay môt khối lượng lớn tác phẩm của nhiều tác giả các đời: mặt khác, bằng thiên Nghệ Văn chí cô đọng, ông để lại đời sau một cột mốc chỉ đường để hình dung lại cả một chặng đường trước tác dài hàng mấy thế kỷ. Điều đáng quí nữa là, trong quá trình sưu tầm, chỉnh lý thư tịch, Lê Quí Đôn đã vận dụng một phương pháp khoa học, với tác phong thận trọng, tỉ mỉ đến nơi đến trốn. Tác phong và phương pháp khoa học ấy đến ngày nay vẫn còn có ý nghĩa đối với chúng ta.
Đinh Công Vĩ
CHÚ THÍCH
(1) Lịch triều hiến chương loại chí, Tựa Văn tịch chí.
(2) Ngô Thì Nhậm: Hải Đông chí lược. Bản chép tay. Ký hiệu A. 103, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tờ 38.
(3) Tựa của Tiến sĩ trần Danh Lâm, người cùng thời với Lê Quý Đôn, viết cho Vân đài loại ngữ.
(4) Vân đài loại ngữ, thư tịch, điều 107.
(5) Xem Vân đài loại ngữ, Khu vũ, điều 4.
(6) Tức Ferdinan due Verbiert, Giáo sĩ nước Bỉ.
(7) Diêm Nhược Cừ đã viết cả một tác phẩm để chứng minh sáchThượng thư cổ văn là nguỵ thư.
(8) Kiến văn tiểu lục, Nxb KHXH, H., 1977, tr. 169 - 170.
(9) Kiến văn tiểu lục, Thiên chương, tr. 205 - 206.
(10) Vân đài loại ngữ, Âm tự, điều 92.
(11) Kiến văn tiểu lục, Chân cảnh, tr. 17.
(12) Vân đài loại ngữ, Âm tự, điều 3.
(13) Vân đài loại ngữ, Âm tự, điều 14.
(14) Kiến văn tiểu lục, Thiền đạt, tr. 370 - 371.