TÌM HIỂU ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TỤC BIÊN
SUNday - 04/10/2015 07:33
Đại Việt sử ký tục biên sơ thám. Bài viết của Go Zhen Feng, đăng trên Tạp chí Đông Nam Á (Viện khoa học xã hội tỉnh Vân Nam, Trung Quốc)
TÌM HIỂU ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TỤC BIÊN
Thời kỳ Hậu Lê (1428-1788) của Việt Nam, xuất hiện nhiều nhân tài sử học, nhiều tác phẩm sử học nổi danh, đặc biệt có ba bộ sử nổi tiếng nhất, đó là: Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, bản Hồng Đức;Đại Việt sử ký tục biên của Phạm Công Trứ, bản thời Cảnh Trị; Đại Việt sử ký toàn thư của Lê Hi, bản năm Chính Hòa... Ba bộ sử này đã trở thành tác phẩm tham khảo có giá trị nhất đối với việc nghiên cứu xã hội phong kiến Việt Nam, chính vì thế được giới sử học hai nước Trung Quốc và Việt Nam coi trọng.
Bộ Đại Việt sử ký toàn thư gồm 15 quyển (bản), biên soạn năm 1479, có tác dụng đặt nền móng cho công tác biên soạn lịch sử Việt Nam, song tập sách này đến nay không còn đầy đủ. Bộ Đại Việt sử ký tục biên gồm 23 quyển khắc in năm 1665 là bộ chính sử được bảo tồn khá đầy đủ của Việt Nam. Bộ Đại Việt sử ký toàn thư, bản khắc in năm 1697, là bộ quốc sử của Việt Nam được bảo toàn đầy đủ nhất, có giá trị nhất, hiện nay nhiều nhà sử học Trung Quốc thường thấy, chính là bộ "Toàn thư" này. Bộ "Toàn thư" của họ Ngô và họ Lê do có nhiều học giả đã nghiên cứu và có những kết luận thỏa đáng, cho nên trong phạm vi bài này, chỉ giới thiệu bộ "Tục biên" của họ Phạm, vì bộ sử này chưa được các nhà nghiên cứu đánh giá đầy đủ.
1. Lý do biên soạn và nội dung cơ bản bộ "Tục biên" của Phạm Công Trứ:
Phạm Công Trứ (1599-1675) là người thôn Liễu Xuyên, huyện Đường Hào (nay là huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải Hưng), xuất thân trong một gia đình nhà nho có quyền thế thời phong kiến. Tổ tiên ông đời đời làm quan. Từ nhỏ, ông đã được trời phú bẩm thông minh, học tập cần mẫn, đọc nhiều kể cả thư tịch Trung Quốc, văn chương xuất chúng, được nhiều người ngưỡng mộ. Phạm Công Trứ thi đậu Tiến sĩ (năm 1628) vào lúc quyền lực của nhà vua suy yếu, hữu danh vô thực, quyền hành thực sự nắm trong tay Trịnh Tráng và Trịnh Tạc. Họ Phạm đã từng giữ chức Lại bộ Thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ, một chức vụ quan trọng trong chính quyền Lê-Trịnh.
Vua Trần Tông và Huyền Tông ở ngôi trị vì, nhưng ham mê tửu sắc, suốt ngày trong cung cấm, quên hết công việc triều chính. Đặc biệt, Huyền Tông lên ngôi lúc 3 tuổi, chưa nắm được việc nước, năm 19 tuổi thì bị hại, mọi công việc đều do Trịnh Tráng và Trịnh Tạc điều hành. Các nhà sử học Việt Nam trước đây hoàn toàn phủ nhận vai trò của cha con họ Trịnh trong vấn đề dựng nước. Như thế là không thỏa đáng. Việc phê phán sự độc đoán của họ Trịnh là cần thiết. Song, cha con họ Trịnh phản đối việc tranh giành bá quyền của bọn cường hào, phản đối chia cắt đất nước, chủ trương ổn định để phát triển đất nước, thực hiện chính sách hữu nghị với Trung Quốc, điều này cần được khẳng định (tr.59).
Lúc bấy giờ, phần nhiều các nho sĩ trong triều, ngoài nội đều ngưỡng mộ họ Trịnh, họ giúp mưu hiến kế cho nhà Trịnh, vì thế được trọng dụng, Phạm Công Trứ cũng trong số đó, và khi ông biên soạn bộ Đại Việt sử ký tục biên, đã qui công, ca ngợi Trịnh Tráng và Trịnh Tạc.
Lý do Phạm Công Trứ biên soạn bộ Đại Việt sứ ký tục biên là:
1, Phạm Công Trứ với tư cách là Lại bộ thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ trong chính quyền Lê-Trịnh, ông có học vấn uyên bác, tinh thông các thư tịch lịch sử bằng Hán văn, nên rất được họ Trịnh quý trọng. Bản thân Phạm Công Trứ cũng rất trông mong vào sự điều hành công việc tốt đẹp của họ Trịnh, nên ông rất hăng hái với học thuật, như viết sách lập ngôn, ca ngợi công tích của họ Trịnh. Do vậy họ Trịnh đã sai ông viết sử, năm đó là năm 1662.
2, Bộ "Toàn thư" do Ngô Sĩ Liên biên soạn gồm 15 quyển, mới ở dạng chép tay, chưa có bản in, cũng chưa được công bố trong cả nước, thậm chí bản thảo và bản chép của tác giả cũng không được bảo tồn hoàn chỉnh. Đặc biệt bộ sử này mới ghi chép về những năm đầu của Lê Lợi, tức Lê Thái Tổ (1418-1443); một số hoàng đế về sau, từ Thái Tông đến Huyền Tông, suốt 15 đời đều chưa được biên soạn chính thức. Mãi đến khi Trịnh Tác nắm quyền (tức là sau khi Huyền Tông kế vị) mới ra lệnh cho nhà sử học Phạm Công Trứ viết bổ sung thêm.
3, Phạm Công Trứ cho rằng sự tích của tất cả các vị vua của nước nhà cần được ghi chép lại, cùng với những việc làm tốt, xấu và cách trị nước của họ, lấy đây làm bài học trị dân, giữ nước lâu dài (xem lời tựa trong "Tục biên" của Phạm Công Trứ).
Về thời gian, nội dung cũng như tư liệu để biên soạn, có những điểm đáng chú ý sau đây: Đại Việt sử ký tục biên bắt đầu chép từ năm 1662, tức là lúc Lê Thần Tông lên ngôi, và hoàn thành vào năm 1665, tức đời vua Lê Huyền Tông, năm Cảnh Trị thứ 3.
Tham gia biên soạn "Tục biên" gồm 13 nho sĩ, do Tham tụng Lại bộ Thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ Phạm Công Trứ đứng đầu. Bộ "Tục biên" viết 3 giai đoạn lịch sử: 1522-1527; 1533-1541; 1619-1662.
Nếu so sánh với các bộ sử trước đó, có thể thấy:
1. Phạm Công Trứ vẫn kế thừa cách phân kỳ trong "Toàn thư" của Ngô Sĩ Liên (về phần ngoại kỷ và bản kỷ).
2. Tiếp thu cách chia giai đoạn trong Việt giám thông khảo của Vũ Quỳnh (gồm "Ngoại kỷ", từ Hồng Bàng Thị năm 258 trước Công nguyên, đến 12 Sứ quân (năm 945-967); "Bản kỷ" bắt đầu từ Đinh Tiên Hoàng (năm 968-980) cho tới Lê Triều (Cao Hoàng đế - Lê Lợi, năm 1428).
3. Họ Phạm lại chia "Bản kỷ" thành 3 phần nhỏ:
a, "Bản kỷ toàn thư", từ Đinh Tiên Hoàng (năm 968-970) đến Lê Thái Tổ (1428-1433).
b, "Bản kỷ tục biên", từ Lê Thái Tông (1434-1442) đến Cung Hoàng (1522-1527).
c, "Bản kỷ tục biên" từ Lê Trang Tông (1533-1548) đến Lê Thần Tông (1649-1662).
Bộ Sử của họ Phạm là sự tiếp thu phần nội dung "toàn thư" của họ Ngô và đặt cơ sở cho nội dung "Toàn thư" của Lê Hi sau này.
2. Mấy vấn đề liên quan tới "Tục biên" của họ Phạm:
Đọc lời tựa "Tục biên" của họ Phạm, thấy có mấy vấn đề cần chú ý sau:
1, "Ngoại kỷ toàn thư" và "Bản kỷ toàn thư" của họ Phạm được dựa trên cơ sở tác phẩm nổi tiếng của Ngô Sĩ Liên và Vũ Quỳnh, đồng thời ông cũng tham khảo Việt giám khảo tổng luận của Lê Tung và Việt sử thi tập của Đặng Minh Khiêm, nhưng có sự khảo đính tỉ mỉ hơn. Ngoài ra, còn tham khảo sử ký Trung Quốc để biên soạn thành bản chính.
2, "Tục biên" của họ Phạm, những phần kỷ niên, phàm lệ và sách tham khảo đều theo sử sách chính thống của Việt Nam và Trung Quốc.
3, Bộ "Tục biên" gồm 23 quyển của họ Phạm được lưu giữ ở Trung Quốc là thuộc loại thiện bản. Nhưng việc đưa đi khắc in "bản ký tục biên" mới chỉ được 5, 6 phần. Điều này cho thấy quốc sử Việt Nam cũng chỉ khắc in, công bố 5,6 phần mà thôi. Cơ cấu toàn bộ bộ "Tục biên" đã được Lê Hi sử dụng, đưa vào "Toàn thư", đồng thời cũng tiến hành chú thích phần "Phàm lệ" trong "Toàn thư" của Ngô Sĩ Liên. Và đầu quyển "Tục biên" của họ Phạm có thêm phần "Lời tựa", việc này có tác dụng khá lớn đối với sự hoàn thiện, phát triển nền sử học Việt Nam. Chính vì lý do đó, tác phẩm sử học của Phạm Công Trứ được giới sử học sau này ca ngợi.
Thế Tăng lược thuật.
---
Chú thích:
* Đại Việt sử ký tục biên sơ thám. Bài viết của Go Zhen Feng, đăng trên Tạp chí Đông Nam Á (Viện khoa học xã hội tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), số tháng 1-1989, tr.59-61./.