Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

TỤC CÔNG DƯ TIỆP KÝ: TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM

WEDnesday - 13/05/2015 20:25
Tục công dư tiệp ký (Viết tắt là Tục CDTK) liên quan đến Công dư tiệp ký (viết tắt là CDTK). Do đó, trước hết chúng tôi trình bày vài nét về CDTK và tác giả của nó. CDTK là tác phẩm của Vũ Phương Đề. Ông viết lời tựa cho tác phẩm năm 1755. Theo Phan Huy Chú thì “CDTK 1 quyển, chia làm 12 loại, cộng 43 truyện)(1). Trước ngày đất nước thống nhất (1975), tác phẩm chưa được dịch in ở miền Bắc; còn ở miền Nam, CDTK được xuất bản năm 1961 - 1962 thành 2 tập(2) và năm 1972 tái bản gộp làm 1 quyển(3). Điều đáng chú ý là ngoài bìa dịch giả đề là Vũ Phương Đề: Công dư tiệp ký nhưng bên trong, tác phẩm lại có tới 91 truyện, nhiều hơn số truyện của Vũ Phương Đề tới 48. Phải chăng dịch giả đã không làm công việc khảo sát văn bản hoặc không có một văn bản nghiêm túc trong khi dịch? Để khắc phục tình trạng trên, trong bài này, chúng tôi sẽ giới thiệu Tục CDTK.
Một đoàn tới thăm từ đường họ Vũ Trung Hành

Một đoàn tới thăm từ đường họ Vũ Trung Hành

2. Ai là tác giả Tục CDTK ? Các văn bản CDTK còn lại của Thư viện Viện Hán Nôm (4 bản) thì có bản không phân biệt ra đâu là CDTK, đâu là CDTK ; “Chí Linh, Điền Trì, Trần Qúy Nha tự” nghĩa là Trần Quý Nha người làng Điều Trì, huyện Chí Linh kể. Theo chỉ dẫn đó, chúng tôi đã đến đúng gia đình con cháu tác giả Tục CDTK. May thay, gia tộc còn giữ được khá đầy đủ gia phả, sắc phong. Ông Trần xuyên - tộc trưởng đã cho chúng tôi mượn toàn bọ tài liệu còn giữ được của họ nhà ông. Vậy tác giả Tục CDTK là ai và tiểu sử cụ thể của người đó như thế nào?
Có thể khẳng định tác giả Tục CDTK ngoài tên là Trần Quí Nha còn có tên khác là Trần Trợ, ông là con Trần Tiến. Ta hãy tìm hiểu một chút về Trần Tiến, là con tiến sĩ Trần Cảnh. Trần Tiến sinh giờ dần, ngày 8 tháng 11 năm Kỷ Sửu, niên hiệu Vĩnh Thịnh 5 (1709). Như chúng ta biết, Trần Tiến viết Đăng khoa lục sưu giảng và Cát Xuyên tiệp bút.Sách Lược truyện các tác gia Việt Nam không đưa Trần Tiến thành một tác giả riêng, do đó không có phần tiểu sử của ông. Riêng sáchTìm hiểu tác gia Hán Nôm Hải Hưng viết về Trần Tiến lại ghi ông sinh năm 1708(4) và không ghi năm mất. Gia phả cho hay, Trần Tiến mất ngày 7 tháng 5, năm Canh Dần (1770), thọ 62 tuổi (tính theo tuổi ta). Nhân đây, ta có thể đính chính lại năm sinh, năm mất của Trần Tiến.
Trần Tiến có 5 người con trai lần lượt theo trình tự sau: Trần Giản, Trần Trợ, Trần Lương, Trần Thái và Trần Khuê. Trần Trợ chính là tác giả Tục CDTK.
Trần Trợ hiệu là Thanh Trực, sinh tháng 10 năm Ất Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng 6 tức là năm 1745. Thời Lê Trịnh, ông thi tứ trường trúng thức và được trao chức Viên ngoại lang bộ Lại. Đến triều Nguyễn,ông từng làm Tri phủ phủ Đoan Hùng, 2 lần làm Tri phủ phủ Hoài Đức và còn làm Giáo chức. Vì vậy con cháu họ Trần ở Điền Trì ngày nay đều gọi ông là cụ giáo Trợ. Trần Trợ có 3 tên: Thuở bé là Trợ, sau có khi đổi là Quý, có khi đổi là Nha. Nhưng 2 tên Quý và Nha cháu chắt ông hiện nay không biết đến. Vậy theo chúng tôi nghĩ, cứ gọi ông là Trần Trợ Trần Trợ sống khá lâu, theo gia phả ghi lại thì, ông “đăng thượng thượng thọ, hương trung thượng lão”. Do đó ta có thể đoán rằng, ông thọ đến ngoài 80 tuổi, nghĩa là có thể sống đến đời Minh Mệnh.
Trần Trợ viết Tục CDTK vào thời điểm nào?
Chúng tôi đặc biệt chú ý đến mối quan hệ giữa 3 tác phẩm sau: Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề, Cát Xuyên tiệp ký của Trần Tiến và Tục Công dư tiệp ký của Trần Trợ. Ba tác phẩm này có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển loại hình truyện ký Việt Nam thế kỷ 18-19.
Vũ Phương Đề thuộc thế hệ đàn em Trần Cảnh và đàn anh Trần Tiến. Trần Cảnh sinh năm 1684, Vũ Phương Đề sinh năm 1697 và Trần Tiến sinh năm 1709. Năm Mậu Thìn (1748) niên hiệu Cảnh Hưng 9, Trần Cảnh cáo quan về nghỉ, cũng năm đó, con ông là Trần Tiến đỗ Tiến sĩ.Cương mục còn ghi: “Trần Cảnh giữ chức Tham tụng, vì tuổi già xin thôi làm quan, được thăng chức Thượng thu bộ Hình. Con cả của Trần Cảnh là Tiến mới thi đỗ, cũng vinh quy ngày hôm ấy. Bấy giờ khen là vinh hiển”(5). Năm 1748 ấy rất nhiều đồng liêu đến chúc mừng 2 cha con Trần Cảnh, chẳng hạn Nguyễn Nghiễm, Lê Trọng Thứ, Nguyễn Kiều, Lê Hữu Kiểu, Phạm Đình Trọng, Nguyễn Tông Khuê... và cảKhâm Lân, Vũ Phương Đề. Vũ Khám Lân cũng như Vũ Phương Đề đều có học thơ của Trần Cảnh. Mặc dù Vũ Phương Đề viết lời Tựa choCDTK vào năm 1755, nhưng năm 1748 này chắc rằng tác phẩm của ông đã hoàn thành, chúng tôi đoán định như vậy vì dựa vào sự kiệnnăm 1741, tháng 5, Nguyễn Hữu Cầu đánh bại Trần Đình Cẩn, “chiếm được trấn thành Kinh Bắc, tung lửa đốt doanh trại. Đình Cẩn cùng Đốc đồng Vũ Phương Đề bỏ ấn tín chạy”(6). Tiếp đó, Vũ Phương Đề bị cách chức. Mặc dù tác giả vẫn ghi công dư - sau lúc rảnh việc công, nhưng rất có thể trong thời kỳ mất chức này, Vũ Phương Đề mới có điều kiện viết CDTK. Và có lẽ CDTK của Vũ Phương Đề đã gợi ý cho Trần Tiến viết Tiệp bút - ghi nhanh. Hiệu của Trần Tiến là Cát Xuyên, do đó tác phẩm mang tên Cát Xuyên tiệp bút. Ảnh hưởng của lối viết truyện ký, đặc biệt là truyện ký về danh nhân, thắng cảnh địa phương đã khiến cho Trần Trợ theo gót cha chú mình, viết Tục CDTK. Chắc chắn rằng, Tục CDTK phải hoàn thành trước khi Tây Sơn ra Bắc vì trong Sơn cư tạp thuật của mình, Đan Sơn có nhắc đến Tục CDTK (7). Điều đó cũng còn chứng tỏ rằng, Tục CDTK phải hoàn thành trước năm 1786 và nó quả có ảnh hưởng khá lớn vì năm 1786 tác phẩm đã được lưu truyền vào đến tận Thanh Hoa. Sau này các tác giả Nguyễn Án, Phạm Đình Hổ... cũng thường trích dẫn 3 tác phẩm nói trên.
3. Truyện mở đầu cho Tục CDTK là Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Trong Quần thư khảo biện, Lê Quý Đôn xác nhận rằng: Trần Tiến có viết về Mạc Đĩnh Chi trong Cát Xuyên tiệp bút. Điều này hoàn toàn phù hợp với gia phả họ Trần. Gia phả cho biết, tháng 6 năm Mậu Dần (1758) niên hiệu Cảnh Hưng 19, Trần Cảnh chết, tiếp đến năm sau, thân mẫu của Trần Tiến cũng mất. Thời kỳ ở nhà cự tang này, Trần Tiến đến thăm và làm lại nhà từ đường Mạc Đĩnh Chi. Vậytruyện Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi không phải tác phẩm của Trần Trợ, nghĩa là không thuộc Tục CDTK.
Trong Tục CDTK có một bài đầu đề là: Sau Trung Hưng, văn thể càng kém. Nhưng Phạm Đình Hổ lại bảo rằng, bài ấy là của Trần Tiến. Ông viết: “Từ Trung hưng trở về sau văn thể ngày càng kém đã bàn rõ trong tập Cát Xuyên tiệp bút của Trần Tiến”(8). Quả thật suốt bìa “Thể văn” Phạm Đình Hổ chỉ bàn đến văn thờiLý, Trần, Tiền Lê, Mạc và Lê Trung hưng, còn sau Trung hưng ông không bàn đến. Còn bàiSau Trung hưng văn thể càng kém lại chỉ bàn về văn thể thời sau Trung hưng. Vậy ta cũng có thể tin được rằng: bài này của Trần Tiến,bố của Trần Trợ.
Truyện Bạch Vân Am cư sĩ Nguyễn Công Văn Đạt phả ký có một số chi tiết như tôi quê ở Hồng Châu... năm Tân Dậu đời Cảnh Hưng (1741) tôi phụng mệnh đến trọng nhậm Hồng Châu... mùa đông năm Quý Hợi (1743) trong khi đi đánh giặc ở Đồ Sơn, tôi đóng quân ở sông Tuyết...” không khớp với cuộc đời của Trần Trợ. Rõ ràng Trần Trợ quê ở Chí Linh chứ không phải Hồng Châu và những năm 1741, 1743 ông chửa sinh, huống chi lại đem quân đi đánh giặc. Hơn nữa, cuối truyện này còn ghi: “Hậu học Ôn Đình hầu Vũ Khâm Lân cẩn thuật”. Như vậy truyện về Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải của Trần Trợ, cho nên không thể đặt trong Tục CDTK được.
Phần Phụ bổ di ở cuối tác phẩm cũng không phải của Trần Trợ, 53 truyện còn lại thì có 5 truyện trùng với CDTK. Đó là các truyện vềLương Hữu Khánh, Vũ Duy Đoán, Giáp Hqỉ, Vũ Thám hoa, Đại Hưng hầu. Hai khả năng có thể xảy ra đối với những trường hợp này. Một là 5 truyện trên của Trần Trợ mà người sao chép viết lẫn vào tác phẩm của Vũ Phương Đề: hai là ngược lại, của Vũ Phương Đề bị lẫn sang Trần Trọ. Trường hợp thứ nhất không thể xẩy ra, vì nếu bớt đi 5 truyện, thì tác phẩm của Vũ Phương Đề chỉ còn 38 truyện chứ không phải 43 như Phan Huy Chú đã ghi nhận. Hiện nay chúng tôi có tìm thấy một văn bản CDTK không có phần Tục biên và gồm 43 truyện chia làm 12 loại. Điều thú vị hơn là, cả 43 truyện đều được đặt tên theo một nguyên tắc thống nhất:
Tên nhân vật + ký
Chẳng hạn: Thượng thư Lê Như Hổ ký; Đào Nương ký; Cường bạo đại vương ký... Cách đặt tên từng truyện như vậy rất thống nhất với tên của tác phẩm: Công dư tiệp ký. Điều này càng xác nhận rằng, văn bản đó gần với nguyên tác hơn và có đủ 43 truyện. Hơn nữa, hiện nay còn một bàn dịch CDTK ra chữ Nôm của Giáo thụ phủ Nho quan là Vũ Xuân Tiên. Trong bản dịch đó, Xuân Tiên vẫn dịch đủ 43 truyện. Vậy 5truyện kể trên là của Vũ Phương Đề mà người sao chép đã làm lẫn sang tác phẩm của Trần Trợ. Ngoài ra, các truyện Đền Nhân Huệ vương, Đền Cao Sơn đại vương (trong phần Thần từ). Núi Côn Lôn(trong phần Núi sông) cũng có trong Kiến văn tiểu lục, nhưng 2 tác giả - Lê Quý Đôn và Trần Trợ viết khác nhau. Vả chăng 3 truyện trên kể về di tích chí Linh - quê của Trần Trợ nên có thể tin được rằng, Trần Trợ viết.
4. Tác phẩm của Vũ Phương Đề chia làm 12 loại:
1/ Thế gia
2/ Danh thần
3/ Danh nho
4/ Tiết nghĩa
5/ Chí khí
6/ Ác báo
7/ Tiết phụ
8/ Ca nữ
9/ Thần quái
10/ Âm phần (mồ mả)
11/Danh thắng
12/ Thú loại
Về cơ bản Trần Trợ cũng viết theo như vậy, song ông thu thành 9 loại:
1/ Danh thần
2/ Từ phú
3/ Danh nho
4/ Quỷ thần
5/ Mộng Ký
6/ Tài tử
7/ Tiên, Thích
8/ Thần từ
9/ Sơn Xuyên

cộng 48 truyện (đã trừ 5 truyện lẫn của Vũ Phương Đề).
Cũng như Vũ Phương Đề, Trần Trợ viết về danh nhân, thắng tích và một số truyện “lạ” lưu truyền trong dân gian, mà phần ớn là danh nhân, thắng tích địa phương. Với quan điểm “thuật nhi bất tác” và phương pháp ghi nhanh - tiệp bút, tác giả chủ yếu chép việc mà ít chú ý đến hư cấu nghệ thuật, đến chải chuốt văn chương. Tuy vậy, trongTục CDTK cũng có một số truyện khá thú vị. Nhưng công lao chính của Trần Trợ là, cùng với Vũ Phương Đề và Trần Tiến, ông đã dấy lên phong trào sưu tầm, ghi chép về con ngươiì và cảnh vật địa phương kể cả cuộc đời tư của tác giả. Sau Công dư tiệp ký, Cát Xuyên tiệp bút, Tục Công dư tiệp ký có hàng loạt tác phẩm truyện ký khác ra đời:Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập của Nguyễn Gia Cát, Diễn Trai tập của Lê Dĩnh, Sơn cư tạp thuật của Đan Sơn, Thượng kinh kýcủa Lê Hữu Trác, Vũ trung tùy bút và Hành Nam diệu đối ký của Phạm Đình Hổ, Tang thương ngẫu lục của Nguyễn Dữ và Phạm Đình Hổ, Xuyết thập tạp ký của Lý Văn Phức v.v...
Nguyễn Đăng Na
-----------------------------------------

Chú thích:
(1) Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú); Sử học; Hà Nội; 1961; T4; tr.123. Trong bài này, chúng tôii dùng khái niệm truyện theo nghĩa rộng.
(2) (3) Công dư tiệp ký: Vũ Phương Đề; Bộ Quốc gia Giáo dục; Sài Gòn; T1: 1961; T2: 1962; tái bản 1972.
(4) Tìm hiểu tác gia Hải Hưng; Ty văn hoá Hải Hưng; 1973; tr.84.
(5) Việt sử thông giám cương mục; Sử học; Hà Nội; 1960; T.18.47.
(6) Việt sử thông giám cương mục; Sđd; T.18; tr.31.
(7) Xem thêm: Truyền kỳ mạn lục có 20 hay 22 truyện; Tạp chí Hán Nôm, số 2/1988.
(8) Vũ trung tùy bút: Phạm Đình Hổ; Văn học; Hà Nội; In lần 2; 1972; tr.155.
Total notes of this article: 1 in 1 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh