Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

VĂN BIA KHUYẾN KHÍCH VIỆC HỌC TẬP TRONG NỀN GIÁO DỤC KHOA CỬ THỜI PHONG KIẾN Ở NƯỚC TA

TUEsday - 08/12/2015 21:34
Trong kho thư tịch Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện đang lưu giữ một số các văn bản bia đề cập tới việc khích lệ học tập trong nền giáo dục khoa cử ở nước ta dưới thời kỳ phong kiến. Bài viết này chúng tôi xin đề cập tới vấn đề này.
Sách Hán Nôm trong kho

Sách Hán Nôm trong kho

1. Tình hình phân bố:
Loại bia này, chúng tôi tạm gọi là Bia nhà học, hiện có 19 văn bản đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và 1 văn bản chúng tôi vừa in rập được(1). Các bia được phân bố như sau: huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (nay thuộc Vĩnh Phú) 5 bia; huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Yên 4 bia; huyện Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên 2 bia; huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên 1 bia; huyện Quỳnh Côi tỉnh Thái Bình 1 bia; huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Sơn Bình) 1 bia; huyện Từ Liêm (nay thuộc Hà Nội) 2 bia; huyện Thạch Thất (nay thuộc Hà Nội) 1 bia; huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (nay thuộc Hải Hưng) 1 bia; huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương 1 bia; huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên (nay thuộc Hải Hưng) 1 bia. Như vậy, nếu như căn cứ vào số thác bản Văn bia hiện có(2) thì thấy rằng loại bia này chỉ phân bố trên một địa bàn hẹp, thuộc vùng “tứ trấn” xưa, vùng đồng bằng Bắc Bộ ngày nay, nơi có nhiều người đỗ đạt trong thời kỳ phong kiến ở nước ta(3).
2. Về hình thức bia:
Đây là những bia có kích thước đa dạng và được trang trí như các bia khác: Chạm rồng, mặt trời, hoa lá… Tiêu đề của bia thường là Học điền bi ký (Bia ghi về ruộng học); Học xá điền thổ bi ký (Bia ghi ruộng học bản xã) Bồ Điền điều ước bi ký (Bia ghi về các điều ước xã Bồ Điền) v.v. Bia phổ biến là hai mặt. Mặt trước ghi lý do công việc, mặt sau ghi vị trí, diện tích các thửa ruộng được cấp và những điều ước (nếu có). Bia được khắc bằng chữ Hán. Có bia khắc bài minh ca ngợi việc làm này, đó là các bia Học điền bi ký(4) Học điền bi ký(5) và Tiền hiền bi ký(6). Có 1 bia khắc chữ húy thời Lê(7) dựng năm Chính Hòa 23 (1702). Bia được đặt ở Văn chỉ, Từ chỉ, đình và chùa.
3. Về niên đại lập bia:
Toàn bộ 20 bia của loại này đều có khắc niên đại, trong đó có 6 bia mang niên đại thời Lê, đó là các bia Học xá điền thổ bi ký, dựng năm Chính Hòa 23 (1702)(8); Tế điền học điền tu trí bi giả, dựng năm Vĩnh Hựu 4 (1738)(9); Tiên hiền bi ký, dựng năm Cảnh Hưng 17 (1756)(10);Học điền bi ký, dựng năm Cảnh Hưng 46 (1785)(11) và Học tế điền ký,dựng năm Chiêu Thống 1 (1787)(12); 1 bia mang niên đại thời Tây Sơn, đó là bia Học điền bi ký(13) dựng năm Quang Trung 5 (1792). Số còn lại là bia thời Nguyễn.
Căn cứ vào niên đại của số văn bia hiện có thì bia có niên đại sớm nhất cho loại này mà chúng tôi được biết là bia Học xá điền thổ bi ký, dựng năm Chính hòa 23 (1702)(14) ở xã Văn Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên và bia có niên đại muộn nhất là bia Khương Hạ học trường kỷ niệm bi ký, dựng năm Bảo Đại 8 (1933) ở xã Khương Hạ, tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì(16).
Như vậy, loại bia nhà học xuất hiện trong suốt hơn hai thế kỷ, bắt đầu từ đầu thế kỷ XVIII đến những năm ba mươi của thế kỷ này. Nó đã ra đời trước hai mươi năm khi nhà nước ban hành chế độ về học điền cho quốc học và phủ học(17).
Ruộng quốc học qui định là 60 mẫu, phủ học (phủ lớn) 20 mẫu, phủ vừa 18 mẫu, phủ nhỏ 16 mẫu.
4. Về nội dung văn bia:
Chúng ta biết, trong bối cảnh của nền sản xuất nông nghiệp còn chưa phát triển thì cơ sở kinh tế của các quan hệ xã hội ở nông thôn là ruộng đất. Do vậy, ruộng đất cũng được dùng vào việc khích lệ học tập. Các văn bia cho thấy rằng tùy vào khả năng của mỗi địa phương mà có những hình thức đóng góp ruộng đất khác nhau. Chẳng hạn như biaHọc điền bi ký, dựng năm Cảnh Hưng 45 (1785) cho thấy các quan viên, hương lão cùng toàn dân xã Trạch Lộ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương đã quyết định để ra 5 mẫu ruộng công đặt làm học điền (18). Bia Học điền bi ký, dựng năm Tự Đức 5 (1855) ở xã Phù Lập, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên cho biết việc huy động ruông tư của mọi người dùng vào học điền cả thảy 8 mẫu ruộng(19).
Ngoài ra còn phải kể đến vai trò của những người đặc biệt quan tâm tới vấn đề học điền, như ông Giáo thụ họ Hoàng ở xã Sơn Bình, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên đề xướng ra việc cấp ruộng đất làm học điền ở bản xã, ghi ở bia Học điền bi ký, dựng năm Tự Đức 7 (1854) (20); Trị sự Nguyễn Trọng Điển ở thôn Đông, xã Vĩnh Mỗ, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Yên đã vận động mọi người trong xã góp được 10 mẫu ruộng ghi ở bia Học điền bi ký, dựng năm Tự Đức 9 (1856)(21).
Đáng chú ý là bia Từ đường học điền bi, dựng năm Cảnh Hưng 17 (1736) ở xã Đại Định, huyện Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên cho biết vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh, người bản xã, tự nguyện cúng cho xã 3 mẫu đất, gồm ruộng, ao và vườn(22) để xã chi phí cho việc học tập. Còn bia Học điền bi chí, dựng năm Tự Đức 20 (1867) ở xã Phù Chính, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên cho biết xã này có cả một phong trào “quyên góp” học điền: người này thì cúng tiến 3 sào ruộng; kẻ khác thì góp tiền; người nhiều tiền thì góp 10 quan, người ít tiền thì góp 1 quan(23). Ngay cả việc xây dựng trường lớp cũng được ghi khá cụ thể trong các bài văn bia. Ví dụ như: bia Tăng tập hưởng học bi ký(24)dựng năm Tự Đức 4 (1851) ở xã Văn Trưng, huyện Vĩnh Tường đã cho biết khoảng niên hiệu Chính Hòa (1680-1705) xã này đã có trường học. Đến nay liên kết với xã Vĩnh Trưng góp ruộng công, ruộng tư và gỗ để tu bổ ngôi trường cũ đồng thời xây dựng thêm 10 gian nhà mới khang trang cho con em hai xã học tập. Tương tự như vậy, bia Học xá điền thổ bi ký(25) ghi rằng: hai xã Văn Trưng và Lăng Trưng huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên muốn có nơi giáo dục nhân tài, đã cùng nhau góp ruộng, tổng cộng được 4 mẫu 5 thước, trong đó giành riêng 3 sào để làm trường học.
Đáng chú ý bài văn bia ghi rằng muốn đạt tới trình độ văn minh theo bước người Âu thì nhu cầu bức xúc là phải có trường lớp để đào tạo ra những con người có trí thức mới, cách tân với lối học cũ. Vì vậy mà ông Nguyễn Quang quân tử cùng Chính thất Đỗ Thị Chí đã bỏ ra 2600 đồng để kiến thiết xây dựng ngôi trường mới.
Vấn đề nuôi dưỡng thầy giáo là vấn đề cũng được các làng xã hết sức chú trọng và coi đây là điều không thể thiếu được. Với số điền thổ làng xã và mộ người chu cấp, người thầy được hưởng phần hoa lợi trên những mảnh đất này, bằng cách người nào đó nhận canh tác thì phải nộp thóc cho thầy. Đây thực chất là trả lương cho thầy, dù có phải trang trải cho nhiều khoản phí học tập thì người thầy vẫn được hưởng một phần xứng đáng để yên tâm dạy học. Bia Hương học bi ký(26)dựng năm Tự Đức 8 (1855) đã ghi cụ thể: Hoặc như ruộng hương học được 4 giáp luân canh, mỗi mẫu mỗi năm phải nộp đủ 450 đấu thóc, một phần trong số này giao cho thầy, số còn lại được dùng cho các chi phí khác của việc học tập. Bia Bản xã học điền bi ký(27) dựng năm Tự Đức 20 (1867) ghi định kỳ nộp thóc của người nhận canh tác ruộng hương học: Có thể nộp thóc làm 2 kỳ trong một năm.
Số hoa lợi của học điền còn được trích ra để trợ giúp cho người đi học, bởi vì với chế độ khoa cử xưa, người đi học phải mất nhiều năm đèn sách, thậm chí “đầu tư” vào đó cả một đời người. Các xã như Phù Chính, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên; Lại Thượng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây và Khang Ninh, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình còn miễn binh dịch cho người đi học(28). Đặc biệt ở xã Khang Ninh dành hẳn 7 sào ruộng làm phần thưởng cho con em mình học ở trường huyện: ai trúng khảo khoá kỳ 1 thưởng 3 sào, ai trúng khóa khoá kỳ 2 thưởng 2 sào 7 thước 5 tấc. Xã Phù Chính còn “treo giải thưởng” cho người đỗ đạt như trúng tú tài mừng 24 quan tiền, 1 áo gấm, 1 đôi câu đối; trúng cử nhân mừng 40 quan, 1 áo gấm, 1 bức trướng; trúng phó bảng mừng 80 quan…
Để học điền được dùng đúng mục đích khích lệ học tập, một số văn bản còn có các điều lệ qui định cụ thể. Bia Hương học bi ký(29) dựng năm Tự Đức 8 (1855) ở xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây có 14 điều lệ. Bia Bản xã học điền bi chí(30) dựng năm Tự Đức 24 (1871) ở xã Bồ Điền, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên có 6 điều lệ… Trong đó có một số điều ước như học tập; người nhận học điền để canh tác phải có trách nhiệm trông nom, bồi bổ. Nếu ai xâm chiếm thì báo ngay cho lý trưởng biết; việc đón thầy dậy học phải là những người khoa bảng có tiếng tăm, không phân biệt người đó trong xã hay ngoài xã; người theo học (sĩ nhân) phải thật sự say mê học tập thì được miễn binh dịch; xung quanh trường lớp phải cách ly những người có hành vi xấu như hay rượu chè, trêu ghẹo phụ nữ, nói bậy, làm càn.
Trên đây là những văn bia nhà học hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Tìm hiểu về những văn bản này không chỉ giúp ta hiểu thêm về nền giáo dục khoa cử thời kỳ phong kiến mà nó còn là những tư liệu quí để chúng ta tìm hiểu về chế độ ruộng đất thế kỷ XVIII, XIX ở nước ta.
Nguyễn Hữu Mùi
---
Chú thích
(1) Đó là bia “Khương Hạ học trường kỷ niệm bi ký”, hiện còn ở đình xã Khương Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
(2) Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện lưu giữ 20.979 thác bản Văn khắc do Trường Viễn đông Bác cổ in rập. So với thực tế đã được khảo sát thì số lượng này mới chỉ chiếm 50%. Xem Hoàng Lê: “Về hệ thư mục bia giản lược vừa biên soạn xong”, Tạp chí Hán Nôm, số 2 - 1988.
(3) Theo Lịch triều liệt huyện đăng khoa bị khảo A.485/1-5, do Phan Huy Ôn biên tập, thì số người đỗ đạt được tác giả thống kê như sau: Kinh Bắc: 593 người; Hải Dương: 572 người, Sơn Nam Thượng: 349 người; Sơn Nam Hạ: 134 người; Sơn Tây: 282 người; Thanh Hóa: 177 người; Nghệ An: 145 người.
(4) Thác bản số 14359. Từ đây trở xuống, số ký hiệu thác bản văn bia dùng trong bài viết này là của Kho văn bia Viện nghiên cứu Hán Nôm.
(5) Thác bản số 19615.
(6) Thác bản số 4147.
(7) Chữ Đề 提 được viết là 1 Thác bản số 14252.
(8) Thác bản số 14252.
(9) Thác bản số 14548
(10) Thác bản số 4149
(11) Thác bản số 13933
(12) Thác bản số 13293
(13) Thác bản số 9766
(14) Thác bản số 19615
(15) Chú thích số 8
(16) Chú thích 1
(17) Lịch triều tập kỷ A15/3, tờ 24 a
(18) Thác bản số 13292
(19) Thác bản số 14348
(20) Thác bản số 15508
(21) Thác bản số 14907
(22) Chú thích số 11
(23) Thác bản số 14360
(24) Thác bản số 14251
(25) Xem lại chú thích số 8
(26) Thác bản số 17979/ab
(27) Chú thích số 4
(28) Các thác bản số 14359; 4147 và 17979/ab
(29) Thác bản số 17979 ab, mục điều lệ
(30) Thác bản số 14359, mục điều lệ./.
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh