Home » Tin tức » Nhân vật - Sự kiện

CUỘC TÌNH GIỮA MAO TRẠCH ĐÔNG VÀ GIANG THANH

SUNday - 15/09/2013 09:35
Trước khi lấy Giang Thanh, Mao Trạch Đông đã có 2 đời vợ, 9 con. Bà vợ đầu tiên là Dương Khai Tuệ, sinh được 3 con: Mao Ngạn Anh, Mao Ngạn Thanh và Mao Ngạn Long. Mao Ngạn Anh, sau khi học quân sự ở Liên Xô về nước tham gia chiến tranh Triều Tiên và hi sinh năm 1950. Sau khi bà Dương Khai Tuệ mất, Mao Trạch Đông kết hôn với Hạ Tử Trân. Bà sinh được 6 con, nhưng vì nay đây mai đó, phải gửi con chỗ này, chỗ kia, rồi có đứa chết yểu, có đứa thất lạc, chỉ còn lại Lý Mẫn - con gái, sinh năm 1936.
Đại tá Nguyễn Ngọc Điệp, sinh năm 1947, ông là Cử nhân toán học, Thạc sĩ khoa học giáo dục, thông thạo tiếng Trung và tiếng Anh. Về hưu, ông tham gia viết báo, ông là cộng tác viên của nhiều tờ báo. Bài ông viết, với những thông tin đang được nhiều người quan tâm, qua lời bình sắc sảo của ông đã gây chú ý trong giới nghiên cứu và bạn đọc cả nước.
Xin được giới thiệu một số bài viết mà tác giả gửi tặng "Website Văn nghệ Sơn Tây". Qua đây ban biên tập website Văn nghệ Sơn Tây xin được cảm ơn tác giả Đại tá: Nguyễn Ngọc Điệp!
_______________________________







CUỘC TÌNH GIỮA MAO TRẠCH ĐÔNG VÀ GIANG THANH


 


Mao Trạch Đông và Giang Thanh ở Diên An.   Ảnh: Tân Hoa Xã

Hạ Tử Trân chung sống với Mao Trạch Đông được 11 năm (1927-1938). Bà là một chiến sĩ cộng sản đích thực, đã cùng hồng quân công nông tham gia vạn lí trường chinh. Đó là những tháng năm đau thương nhất nhưng cũng hào hùng nhất trong lịch sử hiện đại Trung Quốc. Còn Giang Thanh, trước khi kết hôn với Mao Trạch Đông, cũng đã 4 lần chung chăn gối khi chưa tròn 24 tuổi.
Giang Thanh sinh năm 1914, ở Chư Thành, tỉnh Sơn Đông, với tên khai sinh là Lý Thục Mông, về sau đổi là Lý Vân Hạc. Cha bà là Lý Đức Văn, làm nghề mộc. Cha chết, bà cùng mẹ phiêu bạt, có thời gian làm công cho gia đình Khang Sinh ở Tế Nam. Lớn lên, Lý Vân Hạc đến Sơn Đông học và làm việc tại nhà hát kịch Sơn Đông. Ở đây, Lý Vân Hạc đã diễn thành công vai chính trong vở kịch nói “Bi kịch trên hồ”. Với tài năng biểu diễn, cô đã lọt vào mắt xanh của Bùi Minh Luân, con trai một gia đình giàu có. Vân Hạc kết hôn với Minh Luân với hi vọng có một cuộc sống khá giả. Với tính cách tự do, Vân Hạc không thể sống trong một gia đình quá khắt khe về giáo lí phong kiến. Rồi một ngày bà đã rời nhà họ Bùi đến Thanh Đảo, khi mới 17 tuổi, làm nhân viên quản lí thư viện đại học Thanh Đảo. Sau 3 năm vừa làm vừa học với một tinh thần thực sự cầu thị, Vân Hạc kết bạn với Hoàng Kính, là sinh viên và là cán bộ của Đảng Cộng sản hoạt động bí mật trong phong trào sinh viên. Họ ở bên nhau nhưng không kết hôn. Chính Hoàng Kính là người giới thiệu Vân Hạc vào Đảng khi Vân Hạc 19 tuổi. Sau đó Hoàng Kính bị bắt giam, Vân Hạc phải về Thượng Hải mưu sinh. Mấy mươi năm sau, Hoàng Kính trở thành Bí thư Thành ủy Bắc Kinh, rồi Bộ trưởng Bộ Cơ khí.
Đến Thượng Hải, Vân Hạc đổi tên thành Lam Bình, trở lại nghề diễn viên. Bà “kết bạn” với Đường Nạp, một người tài hoa, biết nhiều ngoại ngữ. Tiếp sau đó, đạo diễn cừ khôi Chương Dẫn đã đi vào cuộc đời Lam Bình, nhưng Lam Bình lại từ chối chuyện kết hôn. Năm 1937, nhiều tờ báo ở Thượng Hải lên tiếng chỉ trích Lam Bình, giới điện ảnh thì cô lập. Đến đường cùng, bà tự “ra quyết định” và đó chính là một quyết định lớn nhất làm thay đổi cuộc đời Lam Bình và sau này còn làm điên đảo cả đất nước Trung Hoa - rời Thượng Hải đến Diên An. Cuối tháng 8-1937, Lam Bình đến Diên An qua giới thiệu của Văn phòng Bát Lộ Quân Tây An với tên gọi Giang Thanh. Tháng 11-1937, Giang Thanh được đến học tại Trường đảng Trung ương. Ngày 29-11-1937, Khang Sinh từ Mát-xcơ-va (Nga) về Diên An nhận chức Hiệu trưởng Trường đảng Trung ương, quan hệ đồng hương và là người quen cũ khiến họ trở thành chỗ dựa của nhau. Tháng 4-1938, Giang Thanh được điều về làm giảng viên Học viện nghệ thuật Lỗ Tấn. Ngày 13-8-1938, tại Diên An tổ chức đại hội kỉ niệm 1 năm ngày kháng chiến chống Nhật. Buổi sáng, Mao Trạch Đông đọc báo cáo, buổi chiều dành cho biểu diễn nghệ thuật. Trong buổi diễn, Giang Thanh đã diễn xuất rất thành công vai chính trong vở kịch “Sát ngư gia”, được khán giả hâm mộ và được Mao Trạch Đông vô cùng thích thú. Bằng tính liều lĩnh và dũng cảm, khi Mao Trạch Đông đi qua phòng hóa trang, Giang Thanh đã dám tặng Mao bức ảnh của mình. Khi Giang Thanh đến Diên An, cũng là lúc Hạ Tử Trân chia tay với Mao Trạch Đông. Bà về Tây An, rồi sau đó bà cùng con gái Lý Mẫn sang Liên Xô năm 1940.
Chính sự ra đi của Hạ Tử Trân là dịp may vô giá dành cho Giang Thanh. Lúc này, ở Diên An, cuộc sống vô cùng vất vả, thiếu thốn, nhiều người đến đây không chịu đựng nổi gian khổ phải bỏ ra về. Trong hoàn cảnh đó, một cô gái quen sống nơi chốn phồn hoa lại có thể trụ lại và biết hòa mình vào cuộc chiến đầy cam go, gian khổ là điều đáng trân trọng. Khi đó, Giang Thanh là người khá nổi trội với thân hình khỏe khoắn, xinh tươi, mái tóc đen tuyền, đôi mắt to có thần, hàng mi cong, sống mũi đẹp. Giang Thanh biết ca hát, viết chữ đẹp, lại có khả năng viết văn, viết kịch bản, biết sáng tác thơ, có tài năng nghệ thuật, có kiến thức văn học, hiểu biết rộng về lịch sử. Giang Thanh còn có khả năng tiếp cận quần chúng. Bên cạnh những điểm mạnh, bà cũng dần dần bộc lộ những nhược điểm và cá tính của mình là kiêu ngạo, có tham vọng trở thành người danh tiếng, hiếu thắng, thích nổi trội.
   Sau khi Hạ Tử Trân chia tay Mao Trạch Đông, cuộc sống riêng tư của Mao Trạch Đông trở nên vô cùng cô đơn, trống, vắng. Bà Lưu Anh, phu nhân của Trương Vấn Thiên nói: Không có ai bên cạnh Mao Trạch Đông, Giang Thanh chính là người lấp vào khoảng trống vắng đó. Và dịp may đã đến. Theo chủ trương của Trung ương Đảng, để nâng cao trình độ lí luận chính trị cho toàn Đảng, ở Diên An, những người lãnh đạo chủ yếu của Đảng thường đến một số trường giảng bài. Có một dạo, Mao Trạch Đông đến Học viện Nghệ thuật Lỗ Tấn giảng bài, cũng là lúc Giang Thanh là học viên. Bà thường chọn ngồi bàn đầu, với thái độ và hành vi khác người nhằm gây chú ý của giảng viên. Trong khi nghe giảng, cô thường biểu hiện sự hào hứng, có lúc còn vỗ tay gây khó chịu cho nhiều người. Khi buổi học kết thúc, bà thường tìm đến chỗ làm việc của Mao Trạch Đông gặng hỏi vài câu vu vơ, nhằm tiếp cận, làm quen, và dần chiếm được tình cảm và con tim của vị lãnh tụ tối cao. Còn Mao Trạch Đông đang sống trong nỗi cô đơn và day dứt cũng cần có sự an ủi sẻ chia. Và cứ như thế, họ đã yêu nhau, một tình yêu lửa cháy trên đất Diên An khô cằn.
Với Mao Trạch Đông, là vị lãnh tụ tối cao của Đảng nên hôn nhân của ông không chỉ đơn thuần là việc của cá nhân, nhất là trong hoàn cảnh Giang Thanh - cô gái đã từng gây nên tiếng tăm ở Thượng Hải, lại có lai lịch không rõ ràng. Vì vậy, khi Mao Trạch Đông nêu yêu cầu kết hôn với Giang Thanh đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của hầu hết cán bộ chủ chốt của Đảng. Nhưng Mao Trạch Đông là con người có thái độ cương quyết bảo lưu lựa chọn của mình, thậm chí ông còn nêu ý kiến sẵn sàng từ chức để lấy Giang Thanh, cho nên cuối cùng mọi người đành phải đồng ý cho họ kết hôn, nhưng với điều kiện là Giang Thanh phải chấp hành 3 yêu cầu của Trung ương: Thứ nhất, vì Mao Trạch Đông và Hạ Tử Trân vẫn chưa hoàn thành thủ tục li hôn, cho nên phải gọi là đồng chí Giang Thanh, chứ không nói phu nhân Mao Trạch Đông. Thứ hai, Giang Thanh phụ trách sức khỏe Mao Trạch Đông, từ nay về sau không ai có quyền đề ra yêu cầu tương tự. Thứ ba, Đồng chí Giang Thanh chỉ làm công việc sự vụ và công việc cá nhân của Mao Trạch Đông, trong vòng 20 năm không được tham gia vào bất kì chức vụ gì trong Đảng, không được can dự và tham gia các sinh hoạt chính trị và nhân sự của Đảng. Tháng 8-1940, Giang Thanh sinh con gái khiến Mao Trạch Đông vô cùng phấn kích. Ông đặt tên cho con gái là Lý Nạp. Sở dĩ có tên Lý Mẫn và Lý Nạp là do Mao Trạch Đông lấy câu trong “luận ngữ”: Quân tử dục nạp vu ngôn nhi mẫn vu hành, còn họ Lý là vì bí danh của Mao Trạch Đông là Lý Đắc Sinh.
Điều đáng tiếc là sau này với dã tâm đen tối, Giang Thanh cùng Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn kết thành tập đoàn chống Đảng dẫn đến tổn thất đau đớn cho Đảng và dân tộc Trung Hoa. Ngày 9-9-1976, Mao Trạch Đông qua đời. Ngày 6-10-1976, Giang Thanh bị bắt, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của cái gọi là “Đại cách mạng văn hóa vô sản” do Mao Trạch Đông phát động. Ngày 25-1-1981, Tòa án Tối cao Trung Quốc tuyên phạt Giang Thanh án tử hình. Sắp đến hạn thi hành án, Giang Thanh được giảm án từ tử hình sang chung thân. Ngày 14-5-1991, Giang Thanh tự sát. Chỉ có một người là con gái Lý Nạp đến kí nhận giấy tử vong và đồng ý không có bất kì hình thức tang lễ nào. Ba ngày sau thi thể Giang Thanh được hỏa táng.

Nguyễn Ngọc Điệp
 


Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh