Home » Tin tức » Nhân vật - Sự kiện

ĐẶNG VĂN VIỆT - MỘT NHÂN KIỆT

THUrsday - 24/11/2016 21:04
Cụ Đặng Văn Việt và tác giả

Cụ Đặng Văn Việt và tác giả

 
ĐẶNG VĂN VIỆT - MỘT NHÂN KIỆT

Nguyễn Mạnh Đẩu

Tôi muốn được mạo muội gọi ông là nhân kiệt, theo nghĩa là một con người kiệt xuất. Bởi tôi nghĩ rằng, danh xưng này đúng với con người ông xét trên nhiều phương diện. 
Ông là Đặng Văn Việt, sinh năm 1920 ( Canh Thân ) tính theo tuổi ta thì ông đã 97 tuổi. Nói vui theo ngôn ngữ bóng đá thì ông là U 100. Quê ông ở làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tôi có vinh dự là đồng hương của ông. Từ quê ông vào quê tôi chưa đầy 30 cây số.
Tôi nghe danh tiếng của ông từ rất lâu. Nào ông là cháu nội Hoàng giáp Tế tửu Đặng Văn Thụy ( 1858 - 1936 ); chắt ngoại Đông các Đại học sĩ Cao Xuân Dục ( 1843 – 1823 ); con trai Tham tri Quốc vụ khanh Đặng Văn Hướng - Đó là những nhân vật lớn. Khi Cách mạng Tháng Tám 1945 nổ ra, ông đã là Sinh viên Y khoa ở Hà Nội. Rồi ông nổi tiếng với nhiều chiến công xuất sắc trong Chiến dịch Biên giới 1950, ...
Hơn 10 năm trước, tôi có được gặp ông tại các lần Giáo viên, học viên Khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn họp mặt ở Hà Nội - Tôi được mời dự với tư cách thay mặt Ban Giám hiệu Nhà trường. Các lần gặp đó, qua quan sát, tôi nhận ra là, các cựu giáo viên, học viên Khóa 1 - phần đông đã rất lớn tuổi và thành đạt - đều dành cho ông sự tôn quí, kính trọng.
Tôi được biết, trong dịp Lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám được long trọng tổ chức trên toàn quốc, ông Đặng Văn Việt - một lão thành Cách mạng, một lão Tướng không sao, một Anh hùng không sắc phong, một ông Vua không ngai vàng - được Đoàn làm phim của Đài Truyền hình VN mời vào Huế để tham gia cuốn phim tài liệu làm sống lại một sự kiện lịch sử mang giá trị vĩnh hằng: Ngày 21/8/1945, hạ cờ nhà Vua giương cao cờ đỏ sao vàng trên Kỳ đài Kinh đô Huế.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông Đặng Văn Việt là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 ( khi ông Chu Huy Mân làm Chính ủy ) – Đây là một trong hai trung đoàn chủ lực đầu tiên của QĐNDVN; ông đã từng là Chỉ huy các Mặt trận Đường số 9, Đường số 7, Đường số 4, Đường số 5 và Đường số 6. Đặc biệt, ông được mệnh danh là " Hùm xám Đường số 4 ". Đã có nhiều bài viêt về ông.
Ông là Chủ nhiệm Huấn luyện ( như Trưởng phòng Đào tạo bây giờ ) của Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1960.
Thêm nữa, ông Đặng Văn Việt là tác giả của 17 đầu sách - Đạt ba giải thưởng Văn học Nghệ thuật.
Lần này, nhân kỷ niệm 70 Ngày Bác Hồ đến dự Khai giảng Khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn ( 26/5/1946 - 26/5/2016), tôi may mắn được gặp lại và chuyện trò cùng ông...
Người xứ Nghệ quê tôi có một đặc điểm, bất kể là ai, không phân biệt tuổi tác, địa vị, hễ gặp nhau ở một nơi nào đó, chỉ cần đôi ba câu nói " phát sóng ngắn " tự khắc cảm thấy thân mật nhau như đã là cố tri. Nghe tôi nói, cháu quê Nghi Lộc, tức thì ông Việt tỏ thái độ thân thiết đồng hương ngay. Dẫu rời quê có tới hơn 80 năm, ấy vậy mà ông vẫn dùng chất giọng Diễn Châu nhẹ nhàng trầm ấm. Tôi gọi ông bằng chú, bởi lẽ ông thua cha tôi tròn 6 tuổi.
Khi lên thắp hương Bia Tưởng niệm nơi Bác Hồ tới thăm và trao lá cờ : " Trung với nước, Hiếu với dân" cho Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay nằm trong khuôn viên Bến xe Sơn Tây ), tôi nói nhỏ với ông, chú là nạn nhân của quan điểm ấu trĩ "chủ nghĩa thành phần " của một thời. Ông nói, không đúng! Nói là mình là: " đại nạn nhân " mới phải. Hai chú cháu cùng cười.
Sau khi tham quan Nhà Truyền thống Trường SQLQ1, ông tặng tôi cuốn sách : " Đường Số 4 rực lửa" do ông viết và cuốn " Hạ cờ triều đình Huế giương cao cờ đỏ sao vàng - một sự kiện vĩnh hằng" do ông chủ biên. 
Dẫu đã ngót trăm tuổi, mà ông vẫn rất thông tuệ, minh mẫn. Ông rút bút viết đề tặng kèm theo dòng chữ đặt dưới chữ ký là : " Lính già, Vua không ngai" . 
Trong bữa cơm thân mật, cùng mâm có chị Võ Hạnh Phúc ( ái nữ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ), tôi hỏi, cháu nghe nói có lần Bác Văn có gợi ý chọn chú làm Tổng Tham mưu trưởng. Điều đó có thật không? Ông Việt nói, đúng thế! Chị Võ Hạnh Phúc gật đầu tán thưởng.
Đang lúc vui, tôi hỏi tiếp, nghe nói chú vẫn tự đi xe máy, vẫn chơi Tennis và đặc biệt là chú còn đi khiêu vũ, có đúng vậy không. Ông nở nụ cười lành hiền, nói, thì vẫn thế chứ sao! 
Khi chia tay, ông đưa tôi một cuốn sổ mỏng và nói, cháu ghi số điện thoại di động và địa chỉ vào đây để chú còn liên hệ. 
Tôi kính trọng và khâm phục ông - một nhân kiệt !
Ảnh của Mạnh Đẩu Nguyễn.
Ảnh của Mạnh Đẩu Nguyễn.
Ảnh của Mạnh Đẩu Nguyễn.
Ảnh của Mạnh Đẩu Nguyễn.

Author: Nguyễn Mạnh Đẩu

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh