Chưa bàn đến năng lượng từ hạt nhân, đã từ lâu chẳng ai nghi ngờ về việc Nga đang từng bước kiểm soát khí đốt châu Âu và độc quyền về Trung Quốc, tuy nhiên, dầu mỏ, dù là một trong ba nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới nhưng Nga vẫn không có một vị thế đủ lớn về thị trường, thị phần và quyền lực khi bị Mỹ và OPEC lấn át.
Không chỉ thế, dầu mỏ - thị trường, giá cả, luôn là một tử huyệt của Liên Xô – Nga khi gần như 70% GDP từ nguồn thu xuất khẩu dầu mỏ, tử huyệt “lộ thiên” tạo điều kiện dễ dàng cho OPEC đứng đầu là Ả Rập Saudi dưới sự chỉ huy của Mỹ, đã nhằm vào đó ra đòn, khiến cho Liên Xô “knock out” và Nga trong năm 2014 loạng choạng…
Đương nhiên, không ai, đặc biệt là người Nga, lại bị bại 3 lần trong 3 cú đánh giống nhau – dầu giá rẻ. Thực tế đã chứng minh: Liên Xô sau kết quả của cuộc chiến giá dầu, nền kinh tế mất nguồn thu, bán hết vàng trong kho vẫn không cứu vãn được và sụp đổ dẫn đến hệ thống chính trị tan rã.
Nga-Putin năm 2014, đã biết phòng bị nhưng vẫn bị loạng choạng, cũng phải chi hơn 100 tỷ USD để cứu nguy. Sau cơn nguy khốn, Nga đã gia nhập vào tổ chức OPEC thành OPEC+ để “giấu mình chờ thời”…
Thỏa thuận OPEC+ 2.0
Nga-Putin năm 2020, thay vì luôn bị chịu đòn, đã ra đòn trước, cũng bằng cú đánh đó, đã khiến Mỹ và OPEC+không tin vào tai và mắt mình…Nga nói KHÔNG với OPEC+ khi buộc Nga giảm sản lượng để ổn định giá dầu, chính thức mở màn cuộc chiến giá dầu toàn cầu từ ngày 6/3/2020.
Sau một tháng quyết chiến, ngày 12/3/2020, cuộc chiến dầu toàn cầu lần thứ 3 kể từ lần thứ nhất năm 1985 đã kết thúc (ít nhất cho đến tháng 6/2020) với kết quả là OPEC+ và NO OPEC+ đã chính thức ký văn bản thỏa thuận giảm sản lượng dầu mỏ…
Cụ thể, từ tháng 5 đến tháng 6, OPEC+ giảm 9,7 triệu thùng dầu/ngày. (Đúng ra là 10 triệu thùng/ngày, nhưng Mexco vì có hợp đồng trước nên chỉ chịu giảm 100 ngàn thùng/ngày nên Mỹ chấp nhận giảm thay cho Mexico 300 ngàn thùng/ngày, và đây cũng là lý do vì sao thỏa thuận ký chậm trễ để ra đời OPEC+ 2.0).
Đối với NO OPEC+ (gồm Mỹ, Canada, Na Uy…) cắt giảm 5 triệu thùng/ngày sẽ phân phối thế nào thì chưa rõ ràng ngoại trừ Canada đảm bảo chắc chắn là giảm 1 triệu thùng/ngày.
Nga và Ả Rập Saudi giảm mỗi bên 2,5 triệu thùng/ngày.
Như vậy, tính toán theo lý thuyết với số lượng cắt giảm như thế này thì dầu sẽ giữ giá 30 – 40 USD/thùng.
Thỏa thuận mới OPEC+ 2.0 đều được các bên ủng hộ. Tổng thống Mỹ Donald Trump nói “đây là một thỏa thuận tuyệt vời cho tất cả mọi người”, các nhà vận động hành lang đá phiến từ Thượng viện và Quốc hội Mỹ cũng hoan nghênh thỏa thuận này, nhưng Đảng Dân chủ đã cáo buộc Trump hợp tác bí mật với OPEC.
Đằng sau OPEC+ 2.0 là gì?
Trước hết với giá dầu 30 – 40 USD/thùng thì cả ba, đá phiến Mỹ, dầu Nga và Saudi đều lỗ nặng theo thứ tự đá phiến Mỹ, Saudi và Nga.
Về số lượng cắt giảm thì nhìn qua bảng hạn ngạch thì Ả Rập Saudi là người có lợi nhất vì thực tế (công khai) là chi phí sản xuất của Ả Rập Saudi thấp nhất. Tuy nhiên, có một sản lượng dầu của Nga và Mỹ đang nằm ngoài sổ sách không rõ là bao nhiêu: Với Nga tại Venezuela và Iran, trong khi Mỹ đang có ở Syria và Libya. Đây là 3 quốc gia trong OPEC nhưng ngoài vòng OPEC+ 2.0.
Có lẽ vì thế nên các nhà vận động hành lang cho đá phiến Mỹ ở trong Thượng viện và Quốc hội Mỹ đã ghi nhớ rằng, “các hành động của Ả Rập Saudi sẽ không dễ dàng và đơn giản bị lãng quên”. Có vẻ như đây là một mối thù không thể quên hay là sự cảm thông(!?) thì chúng ta tự suy luận.
Thực tế, Nga và Mỹ sẽ không công bố chính xác, sự thật chi phí sản xuất một thùng dầu là bao nhiêu, bởi vì khi dầu Nga vận chuyển đến người mua bằng đường ống và dầu đá phiến Mỹ cũng vận chuyển như vậy thay bằng đường sắt và công nghệ khai thác ngày càng cao thì chi phí sẽ thấp.
Cho nên, với giá đó, 30-40 USD/thùng là Nga, Mỹ đủ sống, nghĩa là các công ty đá phiến Mỹ vừa và nhỏ sẽ bị những con “cá mập” đá phiến Mỹ nuốt chửng…Mỹ OK với OPEC+ 2.0 là vậy chăng?
Thứ hai là, Nga đã tuyên bố trước rằng, nếu Mỹ không tham gia thì sẽ không có thỏa thuận nào có được trong OPEC+, tuy nhiên Nga thừa hiểu là Luật pháp Mỹ không cho phép tham gia “cartel” (tổ chức cạnh tranh kiểm soát giá…) do đó, Nga và Mỹ đã có cách để Mỹ tham gia “lách Luật” mà cả 2 thống nhất, chấp nhận.
Đến đây, nhiều người hét lên rằng “Nga đã đầu hàng dầu đá phiến Mỹ”, rằng Nga không đưa Mỹ vào chế tài của OPEC+”… Vậy điều gì xảy ra nếu không có thỏa thuận OPEC+?. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu, nếu cuộc chiến giá vẫn tiếp tục thì dầu đá phiến Mỹ sẽ toang toàn bộ từ bé đến lớn với giá 20 USD/thùng kéo dài và không tốt cho quá trình tranh cử của Donald Trump.
Với Nga, nếu như trước đây, OPEC mà thực chất là Mỹ, làm mưa làm gió, định đoạt giá cả, sản lượng khai thác dầu mỏ toàn cầu, thì bây giờ Mỹ và OPEC có “quên Nga – cái trạm xăng rỉ sét” được không? Không, Mỹ bây giờ không thể ra lệnh cho OPEC mà phải đàm phán với OPEC qua Nga. Và, thật thú vị khi chính Ả Rập Saudi cũng bảo vệ lợi ích của họ trước Mỹ, chống lại Mỹ cũng bằng cách…qua Nga.
Cứ tưởng Putin nhằm mục tiêu đánh gục dầu đá phiến Mỹ trong cuộc chiến giá dầu nhưng té ra chưa phải và không phải, Putin chỉ bắt anh ngồi xuống và lắng nghe. Cứ tưởng Putin sẽ phá tan OPEC nhưng không phải, Putin chiến đấu để chiếm vị trí người chơi chính trong OPEC.
Chà, nước Anh đã từng hét lên “đừng để con Gấu Nga thò chân vào Libya” thì nay Libya chẳng là gì so với vấn đề an ninh năng lượng toàn cầu, sao không thấy ai hét lên “Kìa! Gấu Nga đã thò chân vào an ninh năng lượng toàn cầu”!…Không ai.
Kết thúc cuộc chiến như vậy mới là nghệ thuật siêu đẳng.
Lê Ngọc Thống