Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình tại Việt Nam được ký vào ngày này, cách đây 40 năm, là một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của nhân dân Việt nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hiệp định buộc Hoa kỳ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam, tạo tiền đề cho đại thắng Mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
|
Người Hà Nội mừng hiệp định Paris được ký kết (Ảnh: RIA Novosti) |
Hiệp định Paris năm 1973 do 4 bên Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam), Hoa Kỳ và Việt nam Cộng hoà ký, tại Paris. Đây là kết quả của cuộc đàm phán kéo dài 4 năm, 8 tháng, 14 ngày, với hơn 200 phiên họp công khai và 24 đợt gặp riêng, là thắng lợi quan trọng, to lớn về nhiều mặt của nhân dân Việt Nam. Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: "Hội nghị và Hiệp định Paris là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao. Cuộc đàm phán ở Paris là cuộc đấu trí, đấu bản lĩnh lâu dài, gian khổ nhưng rất hào hùng của ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; từ quyết định mang ý nghĩa chiến lược mở ra cục diện vừa đánh vừa đàm đến những sách lược của ta trong suốt quá trình đàm phán công khai cũng như bí mật và đến những nội dung của Hiệp định Paris đều thể hiện chính nghĩa sáng ngời của cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam. Hiệp định Paris cũng là văn bản pháp lý quốc tế lần đầu tiên trong đó Mỹ buộc phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và thống nhất của dân tộc Việt Nam”.
|
Với Hiệp định Paris, nhân dân Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, mở ra một giai đoạn mới, thuận lợi cho mục tiêu “đánh cho Ngụy nhào”, là tiền đề tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Ông Trịnh Ngọc Thái, thành viên đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Paris, cho biết: “Cuộc đàm phán Paris về Việt Nam đã trở thành trung tâm chú ý của dư luận thế giới vì cuộc đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là tâm điểm của những mâu thuẫn cơ bản của thời đại lúc bấy giờ. Việc ký kết Hiệp định là sự tháo nút cho cuộc chiến tranh ác liệt và lâu dài nhất trên thế giới sau chiến tranh thế giới lần thứ hai”.
|
Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam. (Nguồn: TTXVN) |
Đàm phán Paris được đánh giá là cuộc đấu trí căng thẳng giữa 2 nền ngoại giao. Đó là nền ngoại giao trên thế mạnh của Mỹ và nền ngoại giao nhân văn của Việt nam. Theo bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, phương châm ngoại giao “dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà Việt Nam áp dụng đã phát huy hiệu quả. “Đối với đàm phán Hiệp định Paris, vấn đề Mỹ xâm lược miền Nam Việt Nam thì Mỹ phải chấm dứt xâm lược là nguyên tắc bất biến. Theo đó, Mỹ phải rút quân ra khỏi Việt Nam không điều kiện, để đảm bảo cho độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Dĩ bất biến tức là chúng ta luôn giữ nguyên lập trường đó. Còn “ứng vạn biến” là phải tuỳ thuộc tình hình. Lúc đầu chúng ta nêu ra là phải giải quyết vấn đề quân sự, đồng thời giải quyết vấn đề về chính trị. Nhưng tới một lúc nào đó chúng ta thấy rằng, vị thế của chúng ta trên chiến trường thuận lợi, thì chúng ta có thể đi thêm nhiều bước khác. Đó chính là ứng vạn biến”.
Không chỉ có ý nghĩa đối với Việt Nam, Hiệp định Paris còn mang tính quốc tế khi góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng đất nước của nhân dân Lào và Campuchia. Hiệp định cũng góp phần mở ra một chương mới trong cục diện Đông Nam Á: Mỹ rút lui về quân sự khỏi Đông Dương và Đông Nam Á; xu thế hoà bình, trung lập phát triển mạnh trong khu vực, mở ra khả năng thiết lập một khu vực hoà bình, hữu nghị ổn định.
|
Ông Trịnh Ngọc Thái nhận định: Sức mạnh của dư luận đã trở thành sức ép đối với chính sách xâm lược của Mỹ, là sự cổ vũ to lớn đối với nhân dân Việt Nam |
Hiệp định Paris 1973 cho thấy Việt Nam tranh thủ được cả Liên Xô, Trung Quốc, các nước Xã hội chủ nghĩa, các nước thành viên Phong trào không liên kết và cả người dân Mỹ yêu chuộng hòa bình, để hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược. Điều này thể hiện phương châm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh quốc gia với sức mạnh quốc tế, kết hợp ngoại giao nhà nước với ngoại giao nhân dân. Ông Trịnh Ngọc Thái nhận định: "Trong lịch sử kháng chiến của các dân tộc, hầu như chưa có 1 cuộc chiến đấu nào như ở Việt Nam lại có thể tạo dựng nên 1 phong trào, 1 mặt trận nhân dân thế giới mạnh mẽ đoàn kết ủng hộ Việt Nam, trong đó có phong trào phản chiến ở ngay nước Mỹ. Sức mạnh của dư luận đã trở thành sức ép đối với chính sách xâm lược của Mỹ, là sự cổ vũ to lớn đối với nhân dân Việt Nam. Đây là 1 trong những sáng tạo để hình thành một mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết ủng hộ Việt Nam".
Hội nghị Paris đã để lại nhiều bài học lớn, trong đó bài học về ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc và tinh thần đoàn kết quốc tế vẫn còn nguyên giá trị thời sự và thiết thực đối với các quốc gia trong một thế giới đầy biến động.
40 năm qua, những giá trị của Hiệp định Paris 1973, vẫn mãi là mốc son của nền ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh./.