Những người Mỹ cuối cùng tử thương trong chiến tranh Việt Nam
MONday - 11/05/2020 20:16
Ngày 12/5/1975 - 12 ngày sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng - tàu container SS Mayaguez, Mỹ, trên đường từ Hong Kong đến Thái Lan, khi đi vào vùng biển 12 hải lý thuộc quần đảo Poulo Wai, Campuchia thì bị 2 thuyền cao tốc PCF của Khmer Đỏ tấn công. Sau đó, chúng đưa tàu SS Mayaguez về đảo Koh Tang với cáo buộc xâm phạm lãnh hải Campuchia Dân chủ.
Tàu SS Mayaguez bị hai thuyền cao tốc của Khmer Đỏ kèm chặt.
Ngày 15/5, Thủy quân lục chiến Mỹ được lệnh giải thoát tàu SS Mayaguez. Kết quả 15 lính Mỹ chết trong những cuộc đấu súng, 3 người bị Khmer Đỏ hành quyết, 23 người khác chết vì rơi trực thăng, không kể 50 người bị thương. Họ là những người Mỹ cuối cùng chết trong cuộc chiến Việt Nam...
Vụ bắt giữ tàu SS Mayaguez
Bị bắt cóc
Hạ thủy tháng 4/1944, SS Mayaguez thoạt đầu là tàu chở hàng rời, mang tên SS White Falcon, trực thuộc Ủy ban Hàng hải Mỹ. Sau Thế chiến II, nó đổi tên thành US Santa Eliana và được hoán cải thành tàu chở container với sức chứa 383 chiếc dưới hầm và 94 chiếc trên boong. Năm 1964, một lần nữa nó lại được đổi tên thành SS Sea và cuối cùng - năm 1965 - nó mang tên SS Mayaguez, làm nhiệm vụ hợp đồng vận chuyển cho Chính phủ Mỹ.
Ngày 15/4/1975 - nửa tháng trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng - tàu SS Mayaguez cập bến Bạch Đằng với 170 container hàng hóa, chủ yếu là hàng viện trợ cho chính quyền Sài Gòn. Trong 10 ngày tiếp theo, nó dỡ hàng xuống rồi chất lên 77 container hồ sơ, máy móc, thiết bị của Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn với số tiền bảo hiểm lên đến 5 triệu USD.
Ngày 25/4, tàu SS Mayaguez cùng thủy thủ đoàn 38 người rời bến Bạch Đằng đi Hong Kong dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Charles T. Miller. Trên tàu, ngoài 77 container của Đại sứ quán Mỹ thì còn có 90 container rỗng. Trước khi tàu xuất bến, thuyền trưởng Miller nhận từ Đại sứ quán một phong bì dán kín với lời dặn “chỉ được mở ra trong trường hợp khẩn cấp đặc biệt”.
Sau 14 ngày ở Hong Kong để lấy thêm hàng, sáng 9/5/1975, tàu SS Mayaguez nhổ neo đi cảng Sattahip, Thái Lan. Trưa 12/5, nó vào vịnh Thái Lan, chạy cách đảo Poulo Wai, Campuchia 6 hải lý (11km).
Trước đó, lúc chiếm được Phnom Penh, Campuchia ngày 17/4/1975, Khmer Đỏ tuyên bố chủ quyền của họ trên mặt nước quanh các hòn đảo là 12 hải lý mặc dù theo Công ước quốc tế về luật biển, các đảo như quần đảo Poulo Wai nằm trên các tuyến hàng hải quốc tế thì vùng lãnh hải của nó chỉ là 3 hải lý (4,6km) mà thôi.
Bất chấp, Khmer Đỏ vẫn cương quyết hành xử theo luật của riêng mình. Ngày 2/5, hải quân Khmer Đỏ bắt 7 tàu đánh cá Thái Lan, ngày 4/5, thuyền cao tốc vũ trang của Khmer Đỏ đuổi bắt một tàu hàng Hàn Quốc, ngày 7/5, họ bắt giữ một tàu buôn mang cờ Panama rồi thẩm vấn thủy thủ đoàn trong suốt 35 tiếng, đồng thời bắn vào một tàu Thụy Điển. Tất cả những việc này đều không có sự cảnh báo trước cho các tổ chức hàng hải thế giới nên tàu bè di chuyển trong vùng biển vịnh Thái Lan không kịp thay đổi lộ trình.
Trở lại với chiếc SS Mayaguez, 14 giờ 18 phút ngày 12/5/1975, từ phòng điều khiển, thuyền trưởng Miller nhìn thấy một thuyền cao tốc PCF treo cờ Campuchia Dân chủ lao về phía mình ở khoảng cách 1,5km. Chưa kịp phản ứng thì chiếc PCF đã bắn một phát đạn đại bác không giật 76mm vào mũi tàu. Tiếp theo, một PCF khác xuất hiện ở mạn phải, bồi thêm một loạt đại liên 12,8 mm.
Ra lệnh cho phòng máy giảm tốc độ về 0, thuyền trưởng Miller một mặt phát tín hiệu cấp cứu theo quy ước quốc tế “mayday”, mặt khác dùng loa phóng thanh liên lạc với những người trên thuyền PCF nhưng thay vì trả lời, hai chiếc PCF áp sát tàu SS Mayaguez. Một lính Khmer Đỏ đứng trước mũi thuyền, tay cầm khẩu súng phóng lựu B-41, vẫy tay ra dấu cho tàu SS Mayaguez phải hạ thang dây xuống.
Vài phút sau đó, 9 lính Khmer Đỏ lên tàu SS Mayaguez. Bằng thứ tiếng Anh “giả cầy”, chỉ huy nhóm Khmer Đỏ là Sa Mean ra lệnh cho thuyền trưởng Miller đưa tàu về cảng Ream thuộc địa phận tỉnh Kampong Som. Làm như không hiểu, thuyền trưởng Miller cho Sa Mean biết hệ thống radar trên tàu ông bị trục trặc nên ông không thể xác định chắc chắn chiếc SS Mayaguez đang ở vị trí nào, cũng như lại càng không biết SS Mayaguez đã xâm phạm lãnh hải Campuchia Dân chủ.
Vài phút nữa trôi qua, sau khi liên lạc với cấp chỉ huy, Sa Mean lại ra lệnh cho tàu SS Mayaguez phải đi về tỉnh Kampong Som. Giữa trưa ngày 13/5, SS Mayaguez thả neo ở đảo Koh Tang, cách Kampong Som 30 hải lý. Tiếp theo, Sa Mean dùng bộ đàm gọi một số tàu đánh cá ở Kampong Som ra tàu SS Mayaguez để đưa 39 thành viên thủy thủ đoàn về trại giam.
Thời điểm này, hải quân Mỹ đã nhận được tín hiệu cấp cứu của chiếc SS Mayaguez. Một máy bay trinh sát P3-Orion, Mỹ, cất cánh từ sân bay Utapao, Thái Lan lập tức lên đường tìm kiếm. Hình ảnh do P3-Orion gửi về cho thấy SS Mayaguez bị kèm chặt bởi 2 thuyền cao tốc treo cờ Campuchia Dân chủ nên hải quân Mỹ khẳng định SS Mayaguez đã bị Khmer Đỏ bắt.
Để cứu tàu và thủy thủ đoàn, họ điều động 2 máy bay phản lực cường kích Phantom F4, 1 phản lực tiêm kích F111-A, 2 phản lực cường kích A-7D Corsairs cùng 1 máy bay vận tải vũ trang AC-130 từ căn cứ Utapao, Thái Lan đến vùng biển Koh Tang, Campuchia.
15 giờ 54 phút ngày 13/5, các phi công phát hiện SS Mayaguez thả neo cạnh đảo Koh Tang với phần mũi tàu vẫn đang bốc khói. Xung quanh nó là mấy thuyền đánh cá bằng gỗ cùng 2 chiếc PCF nên họ không hiểu chuyện gì đang xảy ra. 2 chiếc cường kích A-7D Corsairs chúi xuống, bắn vài loạt đạn cảnh cáo xung quanh chiếc SS Mayaguez thì bất ngờ nhìn thấy nhiều người Mỹ trên boong tàu qua cách ăn mặc của họ.
Tin tức do quan sát viên trên chiếc AC-130 báo về đã khiến Bộ Tư lệnh Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương tin rằng thủy thủ đoàn của SS Mayaguez có thể sẽ bị giam giữ trên đảo Koh Tang. Vì vậy, chỉ huy hải quân ra lệnh cho máy bay không được bắn nhằm bảo vệ an toàn tính mạng con tin, đề phòng trường hợp Khmer Đỏ giết họ để trả đũa.
19 giờ, khi những máy bay Mỹ đã rút hết, cầm đầu nhóm Khmer Đỏ bắt giữ tàu SS Mayaguez là Sa Mean ra lệnh cho thủy thủ đoàn 39 người xuống 4 ghe đánh cá rồi nổ máy hướng về Kampong Som. Tuy nhiên khi đến Kampong Som, vì sợ người Mỹ ném bom nên chỉ huy Khmer Đỏ ở đây từ chối tiếp nhận tù nhân. Cuối cùng, Sa Mean chuyển họ đến đảo Koh Rong rồi giam họ ở đó. Các cuộc hỏi cung liên tiếp trong 2 ngày đã khiến Khmer Đỏ tin rằng SS Mayaguez chỉ là một tàu dân sự, chở hàng thuê chứ không phải là “tàu do thám của CIA” như cáo buộc ban đầu.
Trước đó, trong lúc hỗn loạn, thuyền trưởng Miller đã kịp hủy chiếc phong bì của Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn mà ông chưa kịp mở ra dù đã lâm vào tình huống đặc biệt khẩn cấp. Việc khám xét một số container do Khmer Đỏ tiến hành đã chứng minh lời khai của thuyền trưởng Miller và thủy thủ đoàn là thật bởi lẽ lính Khmer Đỏ không hề biết những khối sắt thép lằng nhằng trong container là những cụm linh kiện tháo rời từ máy tính IBM, đặt tại Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn (năm 1975, một máy tính IBM dùng trong quân sự có thể chất đầy 1 căn phòng rộng 6m, dài 10m), mà Khmer Đỏ tin rằng nó là thiết bị của một... nhà máy dệt!
Kế hoạch giải cứu
Tại Mỹ, 7 giờ 40 phút sáng ngày 12/5 (giờ Mỹ), Tổng thống Ford được thông báo về việc Khmer Đỏ bắt tàu SS Mayaguez.
Nửa tiếng sau, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng nhận được tin này. 10 giờ, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ bao gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Cơ quan tình báo quốc phòng DIA, Cơ quan Tình báo trung ương CIA, tình báo Hải quân, tình báo Không quân, tình báo Lục quân tiến hành họp khẩn cấp. Trong cuộc họp, Tổng thống Ford đặt câu hỏi rằng liệu hành động của Khmer Đỏ có vi phạm luật pháp quốc tế về giao thông trên biển hay không? Câu trả lời mà ông nhận được từ tất cả các bên là “có”.
Đầu giờ chiều ngày 12/5, Bộ Ngoại giao Mỹ gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington, đề nghị Bắc Kinh gây sức ép, buộc Phnompenh trả tự do cho tàu SS Mayaguez cùng tất cả thủy thủ đoàn, đồng thời nhờ nơi này chuyển giúp một công hàm cho phía Campuchia dân chủ, yêu cầu Phnom Penh lập tức phóng thích tàu Mayaguez. Tuy nhiên, cả hai công hàm đều không nhận được sự hồi đáp.
Sáng 13-5, Tổng thống Ford tiếp tục triệu tập Hội đồng An ninh quốc gia, yêu cầu báo cáo tình hình tàu SS Mayaguez và 39 thành viên thủy thủ đoàn.
Tuy nhiên, do không có thông tin tình báo vì khi chiếm được Phnompenh, Khmer Đỏ đã ra lệnh cho tất cả các cơ quan ngoại giao nước ngoài phải ra đi ngay lập tức, cũng như việc xua đuổi tất cả người dân ra khỏi các thành phố lớn như Phnompenh, Battambang, Siem Reap... đã khiến mạng lưới điệp viên do CIA và một số quốc gia khác cài cắm bị tan vỡ hoàn toàn. Hội đồng An ninh quốc gia chỉ biết rằng 39 người Mỹ hiện đang bị giam trên đảo Koh Tang trong lúc thực tế thì họ bị giam ở đảo Koh Rong, cách đó 12 hải lý.
Đến chiều 13/5, lại có một buổi họp. Do bị ám ảnh bởi vụ tàu USS Peublo bị CHDCND Triều Tiên bắt giữ năm 1968, thành viên thủy thủ đoàn bị giam suốt 11 tháng nên lần này Tổng thống Ford và các cố vấn của ông quyết định dùng vũ lực để giải cứu tàu SS Mayaguez.
Kế hoạch đặt ra là máy bay trực thăng sẽ đưa một nhóm thủy quân lục chiến từ Thái Lan đổ bộ lên đảo Koh Tang, giải phóng tù nhân trong lúc không quân sẽ ném bom Kampong Som nhằm ngăn chặn mọi cuộc phản kích của Khmer Đỏ. Nếu chiếm được tàu SS Mayaguez mà động cơ và hệ thống điều khiển không còn hoạt động được nữa thì nhóm giải cứu sẽ cho nổ tung, phá hủy toàn bộ con tàu.
Cuộc tấn công giải cứu được chỉ huy bởi Trung tướng John J. Burns, Tư lệnh binh chủng thủy quân lục chiến. Thành phần chủ lực là 1 đại đội thuộc Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến, trú đóng ở Philippines gồm 100 quân, 1 đại đội thuộc Sư đoàn thủy quân lục chiến 21 ở Okinawa, Nhật Bản, cùng với 100 quân làm nhiệm vụ dự bị. Vận chuyển họ đến đảo Koh Tang là 8 máy bay trực thăng MH-53. Về phía không quân thuộc hải quân, họ tung vào trận 24 chiếc AD-7, 17 chiếc AC-130, 4 chiếc trinh sát vũ trang OV-10.
Bên cạnh đó, nhóm giải cứu còn được sự yểm trợ của chiến hạm USS Coral Sea, 2 tàu khu trục USS Henry Holt và USS Henr B. Wilson. Ngoài ra còn có 75 người tình nguyện thuộc Lực lượng đặc nhiệm hải quân (SEAL), hỗ trợ thủy quân lục chiến nếu việc chiếm lại tàu SS Mayaguez gặp phải sự kháng cự mạnh của Khmer Đỏ.
Sáng 14/5, Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ gửi mật lệnh cho Đô đốc Gayler, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương và Tư lệnh Tập đoàn không quân chiến lược số 7, hướng dẫn việc chiếm lại tàu SS Mayaguez.
Theo mật lệnh này, đầu tiên máy bay B-52 sẽ ném bom cảng Kampong Som và sân bay Ream rồi tiếp theo, máy bay AD-7 oanh kích các mục tiêu còn sót lại. Sau đó, các tàu khu trục sẽ bắn phá vành đai phòng thủ quanh đảo để trực thăng chở lính thủy tiến vào.
Tuy nhiên, do không biết tù nhân tàu SS Mayaguez hiện vẫn còn ở đảo Koh Tang hay đã được đưa về Kampong Som nên Đô đốc Gayler đề nghị chỉ cần dùng trực thăng thả thủy quân lục chiến xuống đảo dưới sự yểm trợ của máy bay AD-7 và AC-130, nhằm tránh cái mà ông gọi là “tổn thất ngoài dự kiến”...
.....
Sáng 15/5/1975, 8 trực thăng MH-53 chở 200 thủy quân lục chiến cất cánh từ sân bay Utapao, Thái Lan đến đảo Koh Tang. Đầu giờ chiều cùng ngày, khi cuộc chạm súng ở Koh Tang vẫn đang diễn ra khốc liệt thì ở Washington, Tổng thống Ford nhận được tin Khmer Đỏ đã phóng thích toàn bộ 39 thành viên thủy thủ đoàn cùng tàu SS Mayaguez. Và trong khi bản thông báo của Khmer Đỏ đang chờ dịch sang tiếng Anh cũng như xác minh tính chân thực của nó thì ở Koh Tang, 15 lính Mỹ đã chết…
......
Hành động
Lính thủy Mỹ đổ bộ xuống đảo Koh Tang.
Hôm đó, 6 giờ sáng, 4 trực thăng MH-53 hạ độ cao xuống sát mặt biển, 4 chiếc còn lại làm nhiệm vụ dự bị trên không. Điểm đổ quân là những dải cát nhỏ nằm sát mép nước ở mũi phía bắc đảo Koh Tang, đủ rộng cho máy bay hạ cánh. Lúc ấy, Em Som, chỉ huy Khmer Đỏ trên đảo khi nghe tiếng nổ của động cơ trực thăng đã ra lệnh cho lính của mình chạy vào các chiến hào, nơi đặt các khẩu súng phòng không 12,7 mm cùng các loại súng cá nhân khác.
Som ra lệnh bắn, bất kể máy bay đó thuộc quốc gia nào bởi lẽ ngày 10/5/1975, Khmer Đỏ đã đưa quân chiếm đảo Thổ Chu của Việt Nam, bắt gần 500 thường dân Việt đưa về Kampong Som rồi giết chết. Vì thế, Em Som ngờ rằng trực thăng là của bộ đội Việt Nam.
Chiếc MH-53 mã danh Knife 21 do Trung úy phi công John H. Delham cầm lái là chiếc đầu tiên đổ quân xuống bãi biển.
Họ không ngờ Khmer Đỏ phòng thủ mạnh hơn họ nghĩ vì theo phân tích của các chuyên gia không ảnh, dựa trên những hình ảnh do máy bay trinh sát P-3 Orion gửi về thì lực lượng Khmer Đỏ trên đảo chỉ khoảng 20 đến 30 quân nhưng thực tế con số này là hơn 120. Khi trực thăng còn cách mặt đất chưa đầy 30m, Delham nhìn thấy một luồng lửa sáng rực từ một cái hố được ngụy trang bởi những cành cây, nhắm thẳng vào mình. Sức mạnh của những viên đạn 12,7 mm xé toạc lớp vỏ nhôm trên thân chiếc MH-53.
Cố gắng kéo cần lái về bên phải, Delham cho trực thăng nghiêng ra biển. Bay thêm được chừng vài trăm mét, chiếc MH-53 mất lực nâng, đâm đầu xuống nước. 13 thủy quân lục chiến không ai sống sót nhưng may mắn là Delham và phi công phụ được một trực thăng CH-53 kéo lên.
Bay sát chiếc MH-53 thứ nhất là chiếc thứ hai, mã danh Knife 22 bị đạn phòng không bắn thủng khoang nhiên liệu nhưng nhờ có cơ chế tự hàn kín nên nó vẫn đáp được. Vừa hạ cánh xuống và vừa chạy ra khỏi máy bay, 12 lính thủy Mỹ được quân Khmer Đỏ mặc quần áo đen, đón tiếp bằng từng loạt tiểu liên AK và súng phóng lựu B-40, B-41 khiến nhiều người bị thương.
Với chiếc MH-53 thứ 3, mã danh Knife 23, bị 2 khẩu phòng không 12,7 mm nhắm vào đầu lẫn đuôi, nã đạn liên hồi khiến động cơ bị vỡ và cánh quạt đuôi gãy rời. Cũng như chiếc thứ nhất, nó chẳng bao giờ còn có thể bay được nữa nhưng 20 lính thủy và phi hành đoàn 3 người đã kịp thoát ra ngoài.
Ở phía Tây của mũi phía Bắc đảo Koh Tang, tình hình có vẻ còn tồi tệ hơn khi chiếc trực thăng mã danh Knife 31 do Thiếu tá Howard A. Corson điều khiển trúng đạn vào buồng lái, giết chết phi công phụ. Corson phải cho trực thăng đáp xuống biển, nước tràn vào cả sàn máy bay. Trung sĩ John D. Haston kéo một số lính thủy bị kẹt trong khoang thoát ra ngoài nhưng không phải là tất cả. Khi Haston với tay lôi người lính thủy cuối cùng thì mới hay anh ta đã chết.
Ở bãi biển phía bắc, 2 trực thăng chở quân mã danh Knife 41 và Knife 43 vẫn không thể đáp xuống bởi một khẩu 12,7mm liên tục nã lên. Trung sĩ Tulifua Tuitele, sinh trưởng ở đảo Samoa thuộc Mỹ là một tay bắn tỉa siêu hạng, lúc ấy đang ở bãi đáp phía tây gọi cho phi công lái chiếc Knife 41 qua máy truyền tin: “Tôi sẽ lo chuyện này”.
Nói dứt lời, Tuitele xách khẩu súng trường M-14 có gắn ống ngắm lao về bãi biển nơi phát ra tiếng súng. Khoảng 15 phút sau, Tuitele đã nhìn thấy mục tiêu. 3 lính Khmer Đỏ mặc quần áo đen, cổ quấn khăn rằn, đầu đội nón “bánh tiêu” đang hướng nòng súng lên trời, nhả đạn liên hồi. Cú bắn tỉa đầu tiên Tuitele nhắm vào tên xạ thủ. “Bùm” một phát, khẩu 12,7 mm câm bặt.
Phát thứ 2 Tuitele bắn tên khẩu đội trưởng còn phát thứ 3 dành cho tên tiếp đạn. Khi thủy quân lục chiến từ trực thăng nhảy xuống, họ thấy Tuitele từ một bụi rậm đi ra, trên tay anh ta là khẩu AK-47, 1 gói thuốc lá Campuchia và 1 đôi dép râu. Chưa kịp hỏi han thì bất ngờ lại có nhiều loạt đạn xối xả về phía họ. Fred Morris, lính thủy Mỹ xách khẩu đại liên M-60 leo lên cây cổ thụ.
Đứng tựa lưng vào một chảng ba, Morris kẹp khẩu M-60 vào nách rồi bắn cả dây đạn 100 viên vào một mô đất cách anh ta chừng 100m. Tới khi Tuitele kêu Morris ngừng bắn, anh ta mới thấy 5, 6 xác lính Khner Đỏ nằm bất động dưới giao thông hào.
Đến trưa, Khmer Đỏ hết đạn. Những bóng áo đen thoát ly khỏi công sự chiến đấu, lao vun vút vào rừng. Thủy quân lục chiến Mỹ chiếm từng căn hầm, lục soát từng ngôi nhà nhưng không tìm ra nơi giam giữ thủy thủ đoàn của tàu SS Mayaguez.
Họ củng cố lại các vị trí phòng thủ để chuẩn bị cho những trận phản kích nhưng 2 giờ chiều, đột ngột họ được lệnh rút lui mà nguyên nhân là nửa giờ trước đó, Đài Phát thanh Tiếng nói Campuchia Dân chủ đã truyền đi một thông báo của Hu Nim, Bộ trưởng Thông tin Chính phủ Campuchia dân chủ, nội dung cho biết sự kiện xảy ra ở đảo Koh Tang đã đi quá xa, và Campuchia Dân chủ chỉ muốn bảo vệ lãnh hải của mình. Vì thế Campuchia Dân chủ quyết định phóng thích chiếc SS Mayaguez cùng toàn bộ 39 người trên tàu.
Một lần nữa, số phận đen đủi lại ập lên đầu nhóm giải cứu. Trên đường rút về Utapao, một trực thăng CH-53 bị rơi do trục trặc máy móc, giết chết 18 nhân viên an ninh của Không quân Mỹ và 5 thành viên phi hành đoàn, đưa tổng số người chết lên 38.
Số phận những người bị bỏ rơi
14 giờ 45 phút ngày 15/5, chiếc trực thăng cuối cùng cất cánh. Kiểm điểm lại quân số, lính thủy báo cho phi hành đoàn biết họ còn thiếu 3 người. Đó là Trung sĩ Joseph Hargrove, Hạ sĩ Gary Hall và Binh nhất Danny Marshall. Cả 3 giữ khẩu đại liên Browning, có nhiệm vụ bảo vệ sườn phía Tây để lính thủy chiếm đảo.
20 giờ, thủy quân lục chiến, không quân và lực lượng đặc nhiệm hải quân (SEAL) lên kế hoạch quay lại đảo Koh Tang để tìm kiếm 3 lính thủy mất tích. Tuy nhiên, Phó đô đốc R.T. Coogan nói rằng ông muốn chờ đến bình minh vì ông tin là Khmer Đỏ đã kịp có thời gian để tăng thêm viện binh, cũng như tổ chức lại các vị trí phòng thủ.
Việc thả quân vào ban đêm chắc chắn sẽ gây thêm tổn thất trong lúc vẫn chưa rõ 3 lính thủy thất lạc còn sống hay đã chết. Ý định của Coogan là khi trời sáng, ông sẽ cho một nhóm SEAL không vũ trang do Trung sĩ Tom Coulter dẫn đầu, xuống đảo cùng lá cờ trắng.
Họ sẽ giải thích với Khmer Đỏ rằng họ chỉ muốn thu hồi thi thể của những lính thủy đã chết nhưng Tom Coulter từ chối thi hành vì “đây là nhiệm vụ tự sát”, trong lúc 2 người khác là McNemar và James Davis lại tình nguyện nhận công việc này. Cuối cùng, khi Phó đô đốc R.T. Coogan trình bày kế hoạch lên Đô đốc Gayler, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương thì Gayler bác bỏ.
Sáng 16/5, lính Khmer Đỏ thận trọng tiếp cận các bãi biển trên đảo Koh Tang vì họ không chắc người Mỹ đã rút hết bởi lẽ ở ngoài biển, cách đảo Koh Tang khoảng 5km, qua ống nhòm họ vẫn thấy một tàu chiến Mỹ (là chiếc USS Wilson) lượn lờ cùng những trực thăng bay lên, đáp xuống.
Trên bãi biển, lính Khmer Đỏ thấy nhiều thứ bị thủy quân lục chiến Mỹ bỏ lại, từ chân vịt, kính lặn cho đến các loại thực phẩm dã chiến. Thậm chí còn có cả 2 khẩu súng ngắn cùng một máy bộ đàm dùng cho phi công, trong loa vẫn vang lên từng tràng những tiếng “bip, bip”. Ở một chỗ khác, lính Khmer Đỏ đếm được 6 xác lính Mỹ, tất cả đều ngập trong nước biển. Mao Ran, người chỉ huy nhóm Khmer Đỏ gọi một chiếc ghe đến, chất 6 cái xác lên rồi đưa đi.
Ngày 18/5, một lính Khmer Đỏ trên đường ra bãi biển thì bất ngờ nhìn thấy một bóng người chạy vụt vào rừng. Anh ta quát lớn bằng tiếng Campuchia: “Bon tâu na? - Mày đi đâu?” nhưng người kia không đáp lại. Gần mép nước, người lính Khmer Đỏ phát hiện những dấu hiệu kỳ lạ vẽ rất lớn trên nền cát nên anh ta vội quay về báo cho Mao Ran. So sánh dấu giày và các hình vẽ, Mao Ran nhận định đó chỉ có thể là giày trận của lính Mỹ, còn các hình vẽ là tín hiệu gọi máy bay.
Lập tức, một cuộc truy lùng được Khmer Đỏ tiến hành nhưng không phát hiện thêm điều gì mặc dù diện tích đảo Koh Tang chỉ có 5,9km vuông. Ba hôm sau, lính Khmer Đỏ nhận thấy vào ban đêm, có ai đó đã lấy trộm cơm và cá từ bếp ăn của họ. Việc ấy tiếp tục diễn ra trong 2 đêm nữa nên lính Khmer Đỏ quyết định điều tra. Các dấu vết để lại cho thấy kẻ trộm xuất phát từ một cánh rừng cách doanh trại khoảng 2km rồi theo con đường mòn đến nhà bếp.
9 giờ tối, 8 lính Khmer Đỏ chia làm 2 tốp, phục kích ở hai bên rìa đường mòn. Đến 10 giờ, họ bắt được 2 lính thủy Mỹ. Khi bị giải về căn cứ, bằng cách dùng tay ra dấu cộng với các hình vẽ minh họa, 2 lính thủy Mỹ cho biết họ tên là Gary Hall và Danny Marshall. Nhóm của họ gồm 3 người, bị bỏ rơi trong trận tập kích lên đảo Koh Tang. Một người trong số họ (là Trung sĩ Joseph Hargrove) khi bị thương, đã bị lính Khmer Đỏ dùng lưỡi lê đâm chết.
Gary Hall và Danny Marshall được cho ăn uống tử tế nhưng Em Som, chỉ huy Khmer Đỏ trên đảo Koh Tang không thể liên lạc với cấp cao hơn ở Kampong Som vì hệ thống truyền tin đã bị máy bay Mỹ phá hủy. Phải mất 1 ngày nữa, một chiếc thuyền gỗ mới đến Koh Tang, đưa 2 lính thủy về Kampong Som.
Khi thuyền cập cảng, Gary Hall và Danny Marshall bị trói nằm dài trên chiếc xe bò, đi thẳng đến văn phòng của Meas Samouth, chỉ huy lực lượng hải quân Khmer Đỏ tại Kampong Som. Sau này, trước tòa án xét xử tội ác chiến tranh, Em Som khai: “Tôi đã trực tiếp chứng kiến cái chết của 2 người Mỹ. Họ bị giết theo lệnh của Meas Samouth. Họ không bị bắn, họ bị đập vỡ sọ bằng chày”.
Kết quả trận tập kích đảo Koh Tang nhằm giải cứu tàu SS Mayaguez đã đem đến một sự thật đáng buồn: 41 lính Mỹ chết, 50 người bị thương, 2 trực thăng bị bắn rơi, 1 chiếc rơi do lý do kỹ thuật, 4 trực thăng khác bị bắn hư hỏng nặng. Đây được coi là trận đánh cuối cùng của quân đội Mỹ có liên quan đến chiến tranh Việt Nam, tên của 3 lính thủy bị bỏ rơi cũng là 3 cái tên cuối cùng được khắc lên bức tường đá đen, tưởng niệm những lính Mỹ đã chết trong chiến tranh Việt Nam. Riêng tàu SS Mayaguez, năm 1979 nó được tháo dỡ để lấy sắt thép tái chế.
45 năm sau, tháng 4/2020, hồ sơ về tàu SS Mayaguez mới được minh bạch hóa hoàn toàn. Theo đó, các thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới sự lãnh đạo của Ngoại trưởng Henry Kissinger đã không tin tưởng Bộ trưởng Quốc phòng James R. Schlesinger, khiến Schlesinger bị Tổng thống Ford cách chức mặc dù Schlesinger và những quan chức ở Lầu Năm Góc đã cố gắng giảm thiểu rủi ro đến mức tối đa bằng cách ra lệnh cho máy bay ngừng bắn vào các thuyền cao tốc của Khmer Đỏ, cũng như không đồng ý sử dụng B-52 ném bom.
Hơn nữa, tình báo không ảnh cho biết có khoảng 20 đến 30 lính Khmer Đỏ trên đảo Koh Tang nên Bộ Quốc phòng chỉ điều động 100 lính thủy trực tiếp tham gia cuộc giải cứu trong lúc lực lượng Khmer Đỏ trên đảo là gần 150 người, chiến đấu trên một địa bàn đã quá quen thuộc, dẫn đến “những tổn thất ngoài dự kiến”...
Vũ Cao (Theo Wars History)
Source: antg.cand.com.vn